H.P.B. (Helena Petrovna Blavatsky)
PST 60
H.P.B.
(Helena Petrovna Blavatsky) (tt)
Trước khi HPB tới buổi họp thì việc bầu cử đã xong, nay chi bộ London có chi trưởng mới là ông Finch với ông Sinnett là chi phó và thư ký, và cô Francesca Arundale là thủ quỹ. Kết quả không giải quyết được tranh chấp và bầu không khí căng thẳng; ông Leadbeater mới vào hội trong thời gian này và có mặt tại buổi họp, ghi lại:
– Đột nhiên cánh cửa đối diện với chúng tôi mở toang và một phụ nữ to lớn mặc áo đen mau lẹ đi vào, ngồi xuống ở đầu ngoài của băng ghế chúng tôi. Bà ngồi đó lắng nghe vài phút cuộc tranh cãi trên bục, và rồi bắt đầu tỏ dấu hiệu rõ ràng là không còn kiên nhẫn. Khi thấy tình trạng không khả quan hơn, bà đứng bật dậy, thốt lên một chữ 'Mohini' bằng giọng ra lệnh trong quân đội, và bước ra khỏi cửa đi vào hành lang. Mohini với vóc dáng chững chạc, trang trọng vụt chạy xuống cuối căn phòng dài, và ngay khi tới hành lang, không dè dặt phủ phục người cúi đầu xuống đất trên sàn ngay chân của phụ nữ áo đen.
Nhiều người khác bối rối đứng dậy, không biết chuyện gì xẩy ra, nhưng một lát sau chính ông Sinnett chạy ra cửa phòng, trao đổi vài lời rồi quay trở vào phòng, ông đứng lên đầu băng ghế của chúng tôi, nói với giọng ngân vang:
– Xin cho tôi được giới thiệu đến chi bộ London, bà Blavatsky.
Không thể mô tả được cảnh tượng, hội viên rất đỗi hân hoan mà cùng lúc có sự nể phục, tụ quanh bà, người thì hôn tay, vài người quì xuống trước bà và hai hay ba người òa ra khóc. HPB điều khiển buổi họp, đòi hỏi có lời giải thích cho tình trạng rối ren, và sau đó thảo luận với ban điều hành chi bộ. Mọi người đi tới thỏa thuận là bà Kingsford nên tách ra lập một chi bộ tên The Hermetic Lodge, còn chi bộ London tiếp tục hoạt động như cũ.
Một nhân chứng khác là bà Mary Gebhard cũng có mặt hôm đó, thuật lại chi tiết sau:
– Vào ngày 7 tháng tư trong buổi họp của hội tôi có linh ảnh và thấy Chân sư. Lúc ấy tôi đang chăm chú lắng nghe bài diễn văn mở đầu của ông Olcott. Tôi thấy đứng bên phải của tôi ở đằng trước một chút có một người trông oai nghi, rất cao lớn và tôi nhận ra ngay lập tức là Chân sư, nhờ đã thấy bức hình mà ông Sinnett có. Ngài không mặc y phục trắng, mà tôi thấy dường như vải sậm với sọc mầu, quấn quanh người. Linh ảnh chỉ hiện ra vài giây, và tôi nghĩ những ai khác ngoài tôi cũng thấy Chân sư hiện diện ở buổi họp là ông Olcott, ông Mohini và đương nhiên là bà Blavatsky.
Bà Gebhard thêm rằng Mohini sụp lạy nhân vật này mà không phải HPB.
HPB lưu lại London một tuần, ngụ tại nhà ông bà Sinnett, và gặp gỡ nhiều hội viên tại London. Bà cũng đi thăm phòng thí nghiệm của khoa học gia Sir William Crookes. Trở lại Paris, HPB cùng ông Judge và Mohini đến Enghien, không xa Paris cho lắm, và ở đó khoảng ba tuần tại nhà của ông bà bá tước d'Adhémar. Ông Judge ghi:
– Bà tiếp tục chuyện viết lách, còn tôi theo lời yêu cầu của bà đọc lại kỹ bộ Isis Unveiled, ngồi trong cùng phòng, ghi chú ở cuối mỗi trang vì bà có ý dùng nó để chuẩn bị cho bộ The Secret Doctrine. Mỗi buổi chiều theo thói quen mọi người tụ trong phòng khách trò chuyện một lúc, và ở đây cũng như trong phòng ăn có diễn ra một số hiện tượng. Có nhiều cuộc thảo luận với bá tước một bên và HPB bên kia, thường khi đang giữa chừng mấy chuyện này, bà đột nhiên quay sang Mohini và tôi đang ngồi đó lắng nghe, nhắc lại cho chúng tôi những tư tưởng vừa nẩy sinh trong óc ...
Có buổi tối sau khi ai nấy đã ở trong phòng khách một lúc, ngồi không có ánh đèn, ánh trăng chiếu trên mặt hồ và cảnh vật hoàn toàn tĩnh lặng, HPB chìm trong trạng thái trầm tư. Không lâu sau đó bà ngồi lên đi ra đứng ở góc cửa sổ nhìn ra mặt nước, trong chốc lát một chớp sáng dịu lóe vào phòng và bà lặng lẽ mỉm cười.
Sau khi HPB qua đời, nữ bá tước d'Adhémar viết về cùng sự việc:
– Làm như HPB đắm chìm trong tư tưởng, rồi đột nhiên bà đứng dậy ra khỏi ghế, đi tới cửa sổ đã mở rộng và giơ tay với cử chỉ ra lệnh. Người ta nghe tiếng nhạc thoảng nhẹ từ xa, tiến lại gần từ từ thành giai điệu yêu kiều tràn ngập căn phòng khách mà mọi người đang ngồi. Ai cũng nghe thấy điệu nhạc và có người nhận xét về nét đẹp của khúc nhạc và tiếng nhạc yếu dần rồi mất hẳn khi nó trôi ra xa.
Sau đó HPB trở lên Paris, rồi em gái bà là Vera và bà dì Nadya từ Nga sang, ở chơi với bà đến cuối tháng 6. Chuyện sau xẩy ra trong giai đoạn này và được các nhân chứng thuật lại trong bài đăng trên báo ngày 12 - 7 - 1884:
– Chúng tôi ký tên dưới đây đã chứng kiến hiện tượng sau:
Vào sáng ngày 11 - 6, chúng tôi hiện diện trong phòng khách của hội Theosophia tại Paris, khi người đưa thư mang tới một phong thư. Cửa phòng chúng tôi đang ngồi được mở rộng nên mọi người nhìn ra được hành lang. Người giúp việc mở cửa lớn khi có chuông reo, nhận lá thư từ người phát thư và mang vào cho chúng tôi ngay lập tức, đưa tận tay bà Jelihovsky (em gái HPB, tên Vera). Bà thẩy nó lên cái bàn tròn trước mặt mình mà ai nấy ngồi chung quanh.
Thư gửi cho bà dì Nadya của HPB, do thân nhân từ Nga là dì Catherine. Trong phòng có nhiều người và HPB cũng ngồi cạnh bàn. Vera nẩy ra ý ngay lúc đó và hỏi ngay HPB là bà có thể đọc nội dung của thư trước khi mở ra. Nghe vậy, HPB lập tức cầm lá thư còn dán kín, đưa lên áp vào trán và đọc to điều mà bà nói là nội dung của thư; bà còn viết chúng ra tờ giấy trắng trên bàn. Xong bà nói vì Vera vẫn còn cười và thách thức quyền năng của bà, bà sẽ cho ai hiện diện một bằng chứng rõ ràng hơn nữa là bà có thể sử dụng quyền năng tâm linh bên trong phong bì dán kín.
HPB nói rằng tên của bà có ghi trong thư và bà sẽ gạch dưới tên xuyên qua phong bì bằng bút chì đỏ. Để làm vậy bà viết tên mình lên tờ giấy lúc nẫy có ghi nội dung thư, cùng với hai tam giác lồng vào nhau bên dưới chữ ký người viết, mà bà sao ra tờ giấy nói trên. Bà làm vậy cho dù Vera nói rằng tác giả bức thư ít khi ký tên mình đầy đủ khi viết thư cho thân nhân, và ít nhất trong trường hợp này HPB sẽ thấy là mình lầm. HPB đáp:
– Muốn gì thì muốn, chị sẽ làm cho hai tam giác hiện ở chỗ tương ứng bên trong thư.
Kế tiếp bà đặt lá thư chưa mở bên cạnh tờ giấy ghi nội dung lên bàn, và đặt tay úp lên cả hai lá thư, bà nói như vậy để tạo cầu nối cho luồng năng lực tâm linh chạy qua. Rồi với nét mặt biểu lộ sự tập trung tư tưởng mạnh mẽ, bà giữ cho tay mình lặng yên một lúc, sau đó, bà thẩy lá thư ngang qua bàn tới em mình và nói:
– Tiens, c'est fait. (Đây, xong rồi).
Bà dì Nadya người có tên trên thư mở ra xem và thấy rằng bà Blavatsky đã quả thực ghi lại nội dung của thư, trong thư có tên HPB, tên được gạch dưới bằng bút đỏ như bà đã nói và hai tam giác chéo nhau được vẽ bên dưới chữ ký của người viết thư, và chữ ký có nguyên tên như bà đã mô tả. Chúng tôi còn ghi nhận một điểm lạ lùng khác, là một trong hai tam giác mà bà Blavatsky vẽ ra có chút khuyết điểm, và khuyết điểm này cũng được in lại y hệt bên trong lá thư dán kín.
Tên của các nhân chứng được liệt kê trong bài báo.
Vera hỏi ông Olcott làm sao HPB chuyển mầu chì đỏ từ bút chì ngang qua phong bì dán kín. Ông trả lời:
– Muốn phân tích hiện tượng này, ta cần hiểu rằng một trong những quyền năng còn ẩn dấu, hoàn toàn chưa biết và chưa được nghiên cứu là quyền năng thu hút, dời chỗ và di chuyển nguyên tử. Như thế trong trường hợp này, bà Blavatsky thu hút nguyên tử của cây bút chì đỏ vào sinh lực của bà, làm chúng luân lưu trong cơ thể như dòng điện, từ tay phải sang các ngón tay trái, rồi làm chúng đi ngang qua những lỗ rất nhỏ có trong tất cả tờ giấy nào, và đặt chúng vào chỗ mà bà đã ấn định trước bằng cách tập trung ý chí vào.
Vera gửi thư tả hiện tượng này cho báo Nga, trong đó có câu chuyện sau:
– Mấy hôm trước tất cả chúng tôi ngồi chung với nhau khi ông Judge nhận được trong xấp thư của ông một lá thư từ Hoa Kỳ, và ông lập tức mở ra. Chuyện đầu tiên làm ông chú ý không phải là nội dung thư mà là sự kiện có vài chữ được gạch dưới bằng mực đỏ, và có một câu viết chéo ngang qua tờ giấy bằng cùng thứ mực, với chữ ký quen thuộc của Chân sư ... Thoạt tiên tôi nghĩ người viết ở New York có thể làm như thế, nhưng về sau tôi phải thay đổi ý tưởng của mình.
Khoảng hai ngày sau bà Blavatsky lắng nghe một người khách trẻ tuổi là anh Bertram Keightley. Anh phàn nàn bực bội về mẹ anh vì bà khăng khăng rằng hoặc anh quay về nhà ở Liverpool, hoặc tiếp tục chuyến đi ở lục địa Âu châu, vì lý do sức khỏe:
– Mẹ tôi rất sợ là tôi có thể bỏ hết mọi chuyện và theo bà đi Madras, anh nói ...
Khi đó người đưa thư rung chuông, và trong số những thư khác, có một thư của bà Keightley gửi cho con trai. Anh mở thư không vội vàng hấp tấp, nhưng đột nhiên mặt anh đỏ bừng lên, và anh trông sửng sốt lẫn kinh sợ. Trong thư, chữ của mẹ anh về việc con cái phải tôn trọng và vâng lời cha mẹ được gạch dưới bằng mực đỏ với chữ ký quen thuộc.
Bà de Morsier, thư ký của hội tại Paris, cho tôi (Vera) hay là một lá thư của chân sư tới đúng lúc mà bà thấy cùng với phong bì đặc biệt của nó, nằm trong một lá thư khác không liên hệ, đã ngăn bà không tự tử, làm bà thành hội viên tận tụy hết lòng.
Trong một thư khác cho một tạp chí định kỳ của Nga, Vera ghi lại cuộc trò chuyện với chị mình về việc có thể dùng quyền năng tâm linh tạo nên đồ vật. Khi Vera ngỏ ý mạnh mẽ không tin là có hiện tượng như vậy, HPB trả lời:
– Thế thì đừng tin. Chị chẳng quan tâm chút nào về việc tin tưởng vào mấy chuyện tầm phào như thế.
Vera có năm con phải nuôi nấng và thường gặp khó khăn về tài chính, viết:
– Tôi tức giận tranh cãi là chuyện này không phải là không có nghĩa lý. Rằng nếu chị có thể tạo ra vàng và ngọc quí dễ dàng thì chị nên làm cho tôi giàu có. Chị tôi cười lớn và nói làm như thế sẽ là trò ma thuật, với kết quả có hại cho những ai liên quan đến chuyện. Chị bảo:
– Karma của em và của chị là bị nghèo và chúng ta phải chấp nhận nó. Nếu chị tìm cách làm giầu cho em hay chính chị bằng cách thức như thế, thì chị sẽ làm hại cả hai, không nhất thiết phải trong kiếp này mà trong nhiều thế kỷ sắp tới.
Tôi hỏi:
– Thế tại sao chị lại cho người khác món quà gây hại như vậy nếu nó mang lại chuyện xấu ?
Bà trấn an tôi rằng những chuyện kỳ lạ bà được phép làm là để thuyết phục người duy vật đầu óc đặc sệt, không hề hiểu chuyện gì trừ phi dí nó vào mũi họ, rằng có vô số quyền năng bên trong con người.
Trong bài viết Is Creation Possible for Man (The Theosophist, Dec 1881) HPB ghi rằng những vật được tạo ra theo phương pháp tâm linh không phải tự dưng mà có, mà được tạo từ vật chất đã có trước trong trạng thái thăng hoa. Khi làm chúng hiện ra được gọi là phép lạ, thì cũng như gọi sự kiện hơi nước tụ lại thành mây và rơi xuống thành mưa rồi thành băng là phép lạ, hoặc carbon ở thể lỏng kết tinh lại thành kim cương cứng chắc hơn hết thẩy là phép lạ. Đôi khi vật chất tụ lại để thành đồ vật đã ở sẵn thể đặc, như chuyện đã kể là HPB sắp xếp những hạt nguyên tử trong xâu chìa khóa để tạo thành cái còi tu huýt làm quà giáng sinh cho một em nhỏ.
Cuối tháng sáu, HPB rời Paris đi London. Thư bà viết ngày hôm trước đó ghi rằng:
– ... Ngày mai tôi đi London ... Tôi ốm và tinh thần không phấn chấn cho lắm. Vào những phút như vầy chỉ có Theosophia là khiến tôi tiếp tục làm việc.
Tới London ở ga xe lửa Charing Cross, cả Mohini và Keightley sụp xuống trước mặt bà làm người chung quanh kinh ngạc, như thể bà là tượng thần thánh chi. Cử chỉ này làm HPB bực bội, nhưng Mohini có lý do làm vậy. Hồi tháng tư 1884, tức trước khi hai vị sáng lập lên đường qua Âu châu, Mohini nhận được thư của Chân sư anh:
Thư cho riêng Mohini.
Người Âu châu coi trọng hình thức. Ta phải làm cho họ chú ý bề ngoài trước khi tạo được ấn tượng bên trong, lâu dài, thường xuyên. Hãy nhớ và tìm hiểu tại sao ta muốn con làm điều sau:
Khi Upasika (nữ đệ tử tức HPB) đến, con sẽ ra đón và chào bà như thể con chào bà tại Ấn, và như thể bà là mẹ con. Con phải làm người ta kinh ngạc, và nếu đại tá (ông Olcott) có hỏi tại sao, hãy trả lời ông rằng con chào con người bên trong, nhân vật sử dụng thân xác, mà không phải HPB, vì con được chúng ta căn dặn. Cho riêng con thì có chi tiết này, là Đấng cao cả hơn ta (tức đức Maha Chohan, đức Văn Minh) đã vui lòng ưng thuận xem xét trọn sự việc qua bề ngoài là bà, và rồi cũng bằng cách thức ấy, thỉnh thoảng đến thăm Paris và những nơi khác có hội viên nước ngoài cư ngụ. Vì thế con sẽ chào kính mỗi lần đến gặp hay rời bà ra về trong thời gian con ở Paris, bất kể lời phê bình và sự ngạc nhiên của bà. Đây là một thử thách.
Vào tháng năm sau khi anh đang ở Paris sau khi từ London về, Mohini nhận được một thư khác cũng từ Chân sư nói trên:
... Chớ quên rằng tất cả những thành quả tốt đẹp sẽ có cho nước Ấn Độ của chúng ta ... đều do nỗ lực của riêng bà. Con khó mà bầy tỏ đủ lòng kính trọng và biết ơn đối với HPB, hoặc cho bằng bà xứng đáng được nhận.
Nói riêng về HPB, cung cách này làm bà rất khó chịu. Chuyện ghi rằng bà không ưa việc khen ngợi lấy lòng và bất cứ hình thức tôn kính nào bầy tỏ đối với bà. Có lần một hội viên Ấn đi tới trước mặt sụp xuống chạm vào chân bà và đảnh lễ (đây là tục lệ của Ấn và được thực hành hằng ngày, con cái đã lớn đều mỗi ngày có cử chỉ này đối với cha mẹ), HPB đứng bật dậy bước ra khỏi ghế và trách ông 'Tôi không phải là thánh, xin đừng tôn thờ tôi.'
Tại London, HPB cư ngụ sáu tuần tại nhà cô Francesca Arundale. Em gái cô mất sớm và cô nhận nuôi cháu trai nhỏ, George Arundale, sau này là hội trưởng hội Theosophia quốc tế. Francesca Arundale viết:
– Thói quen của bà khi ở với chúng tôi là dành ban sáng để viết bài. Bà hay bắt đầu lúc bẩy giờ sáng mà thường khi sớm hơn, nghỉ một chút để ăn trưa rồi tiếp tục đến ba hay bốn giờ chiều. Sau đó thì bà tiếp khách cho đến tối, khách liên tục nối đuôi nhau gặp bà. Tự nhiên là nhiều người đến vì hiếu kỳ, do tiếng tăm về quyền năng của bà. Lúc ấy hội nghiên cứu chuyện siêu hình (Society for Psychical Research SPR) chưa tìm hiểu những chuyện xẩy ra trong Hội tại Adyar, và một số thành viên của họ thường có mặt để mong được chứng kiến những chuyện lạ lùng họ muốn thấy.
Khoảng thời gian tôi thích nhất luôn luôn là vào sáng sớm, lúc đó bà luôn luôn dễ nói chuyện, miệng xếp thành đường cong ưa nhìn, mắt sáng và hiền từ, và làm như bà luôn luôn hiểu và thông cảm không những với điều mà ta muốn nói, mà cả với điều ta không nói. Tôi không hề cảm thấy sợ hãi HPB, dù đôi khi bà dùng ngôn ngữ rất mạnh. Bằng cách nào đó ta luôn luôn cảm biết đó chỉ là ngôn ngữ mạnh ngoài mặt mà thôi.
Tôi có thể liệt kê biết bao trường hợp này rồi kia về hiện tượng, nhưng bà Blavatsky coi nhẹ những điều này, và chúng là phần nhỏ nhất trong sự nghiệp của bà; cũng như ai chỉ đến để mong được thấy hiện tượng, chỉ là một phần của đám đông. Nhiều người nhiệt thành tìm hiểu về khoa học và triết học sẽ tới lui nhiều bận, bị thu hút bởi quyền năng của óc thông minh tỏ ra vô cùng giỏi dang trong cách bà xử sự với nhiều đề tài nêu ra cho bà. Những giáo sư trang nghiêm của đại học Cambridge đến và dành trọn buổi chiều trò chuyện với HPB, và nay tôi có thể thấy trước mặt hình ảnh to lớn của bà mặc áo rộng ngồi trong ghế bành lớn, với giỏ thuốc lá kế bên, trả lời những câu hỏi sâu xa, uyên bác về lý thuyết của vũ trụ học, và những luật quản trị vật chất.
Rất thường khi Mohini Chatterji sẽ giải đáp thắc mắc về triết lý Ấn Độ. Tôi ít khi gặp ai mà có thể đưa ra lời giải thích rõ ràng và mạnh mẽ như vậy, bằng ngôn từ hết sức đẹp đẽ. Người ta rất thích nghe bài nói chuyện của anh, và chúng tôi ít khi hết khách trước một hay hai giờ sáng.
Có thể có những lúc Mohini được một vị cao hơn anh ảnh hưởng. Trong một thư gửi cho ông Sinnett viết trước khi nhóm bà và ông Olcott sang Âu châu, HPB nói kín đáo là chuyện này sẽ xẩy ra:
– Đừng nhầm lẫn một Mohini mà ông biết, với một Mohini sẽ đến, xếp nhé ... Sứ giả sẽ được cấp một bề trong cũng như y phục bề ngoài.
....
Mohini cộng tác với bà Laura Holloway để viết quyển Man: Fragments of Forgotten History. Bà mới từ New York đến để gặp các hội viên tại London, và trong một khoảng thời gian cũng ở nhà của Francesca Arundale cùng với bà Blavatsky. Lúc ban đầu, có nhiều hy vọng là bà sẽ là một người làm việc tương lai cho phong trào Theosophia, khả năng viết sách và tâm linh của bà được ông Judge chú ý và khen ngợi, còn HPB khi được biết Laura sẽ tới thì mong tìm được người tiếp tục công việc cho bà.
Dầu vậy, bà Laura Holloway (L.H.) không đáp ứng lại lòng mong đợi ấy, trong thư cho Francesca Arundale một Chân sư viết:
– Đầu tiên là nói về bạn của con, L.H. Tội cho bà ! Khi liên tục đặt cái ngã lên trên và đằng trước Chân ngã bên trong và tốt đẹp hơn – tuy bà không biết – trong tuần qua bà đã làm những chuyện khiến bà tách lìa khỏi chúng ta hoàn toàn ... Như bà có nói, cách của bà không phải là cách của chúng ta, cũng như bà không hiểu những cách ấy. Cái ngã ảnh hưởng quá mạnh ý tưởng của bà về tính thích hợp của việc, chắc chắn bà không sao hiểu được cách hành động trong cõi sinh hoạt của chúng ta.
Hãy cho bà hay một cách nhẹ nhàng, rằng nếu HPB (như là một thí dụ) có sai lầm tối qua – như quan điểm tây phương luôn luôn cho là như thế, khi tính bốc đồng tự nhiên của bà có vẻ như không tế nhị và thật thô lỗ – nói cho sát thì bà làm vậy theo lệnh trực tiếp của Chân sư bà. Bà không hề có phút nào kể đến chuyện có coi được hay không, khi lo thực hành lệnh như thế. Theo nhãn quan của các con, thành phần văn minh và có văn hóa của nhân loại, việc bầy tỏ cảm xúc thực trong buổi họp mặt xã giao là một lỗi không tha thứ được; nhưng theo quan điểm của chúng ta – tức người Á châu thiếu văn hóa – nó lại là đức tính cao tột nhất. Trước khi nó thành thói quen cho bà, HPB đã phải đau khổ vì bản tính tây phương của mình, và thực hành nó như là việc hy sinh thanh danh của bà.
Trong lúc HPB bận rộn khách khứa tại London và Paris, ông Olcott cũng đi lo công việc của ông, có những buổi giảng và gặp gỡ nhiều người tiếng tăm để làm họ chú ý đến Theosophia. Ông gặp các nhân vật như thiên văn gia Camille Flammarion, giáo sư John Couch Adams người khám phá ra hành tinh Neptune khoa học gia Sir William Crookes, văn sĩ, thi sĩ v.v., đến nói chuyện tại đại học Oxford v.v.
Ông cũng tiếp xúc với các thành viên của SPR, và cho tổ chức này hay ông sẵn lòng để cho họ xem xét như là một nhân chứng, về những hiện tượng do HPB hoặc các vị thầy của bà làm ra xuyên qua bà. Sau đó một tiểu ban được lập ra cho mục đích này và mở nhiều cuộc họp, cả Mohini và ông Sinnett cũng được xem xét, nói thêm thì ông Sinnett là một hội viên của SPR. Tiểu ban này có ông Frederic Myers, cũng là hội viên của hội Theosophia. Trong một buổi phỏng vấn ông Myers hỏi ông Olcott là có thể nào thuyết phục được HPB để thực hiện vài hiện tượng tâm linh trước mặt tiểu ban. Khi biên bản buổi họp được công bố thì trong phần cước chú có ghi câu trả lời của bà:
– Không ai có thể thuyết phục tôi làm vậy, trừ phi Chân sư ra lệnh tôi hy sinh mình thêm lần nữa – H.P.Blavatsky.
Tại sao bà không ưng thuận ? Câu chuyện sau do Francesca Arundale ghi lại có thể giải thích phần nào. Chuyện diễn ra khi ông Myers đến nhà cô thăm HPB:
Bà và khách bắt đầu nói về hiện tượng và ông tỏ ra rất thích thú. Ông nói:
– Tôi mong sao bà có thể cho tôi bằng chứng về quyền năng huyền bí của bà. Bà có thể làm một điều gì đó để chứng minh là có những lực huyền bí mà bà vừa đề cập tới ?
– Làm vậy thì có lợi gì ? bà Blavatsky hỏi. Dù ông có thấy và nghe ông cũng sẽ không tin.
– Cứ thử xem sao, ông nói.
Bà nhìn ông một chốc theo cách thức lạ lùng, xuyên thấu của mình, rồi quay sang tôi và nói:
– Xin cho một bát nước.
Hai người ngồi trong phòng sáng trưng ánh trời chiều mùa hè; bà ngồi bên phải ông Myers, còn ông ngồi trong ghế nhỏ cách xa chừng một thước. Tôi mang lại cho bà cái chén nước bằng thủy tinh, và bà kêu tôi đặt nó trên một cái ghế đẩu ngay trước mặt ông Myers, hơi xa bà. Tôi làm y vậy. Chúng tôi ngồi một chốc, lặng lẽ chờ đợi và rồi từ cái bát vang ra bốn hay năm nốt, hay được gọi là tiếng chuông trung giới. Thấy ngay là ông Myers kinh ngạc, ông nhìn HPB và bàn tay xếp lại trong lòng của bà, rồi nhìn trở lại cái bát thủy tinh; không có liên kết nào thấy được giữa hai phần. Những nốt của cái chuông trung giới lại vang lên, trong trẻo thánh thót, và bà Blavatsky không chút động đậy.
Ông quay sang tôi, và ta có thể thấy là ông bị hoang mang không biết làm sao có tiếng chuông. HPB mỉm cười và nói:
– Không có gì tuyệt vời cho lắm, chỉ là hiểu biết nhỏ về cách điều khiển vài lực của thiên nhiên.
Khi ông Myers ra về, ông quay sang tôi và nói:
– Cô Arundale, tôi sẽ không bao giờ nghi ngờ nữa.
Nhưng ai ngờ được cái trí đa nghi, hay thay đổi. Chưa tới hai tuần sau ông viết thư, bảo là ông không tin, và âm thanh có thể được tạo ra bằng cách này hay cách khác. HPB không chút dao động mà giải thích:
– Tôi đã biết trước, nhưng nghĩ cứ cho ông được điều mà ông hỏi xin.
Bởi luôn luôn có cách giải thích cho qua về hiện tượng, đó là lý do tại sao rất khó mà chứng minh sự thực về những luật huyền bí. Khoa học thuần túy thỉnh thoảng cũng gặp cùng vấn đề khi tìm cách chứng tỏ những hiện tượng vật chất. Thực vậy, theo khoa học gia danh tiếng Gregory Bateson:
– Khoa học thăm dò, nó không chứng minh. Nó luôn luôn bị giới hạn bởi dụng cụ mà nó sử dụng. Nếu ta sáng chế ra một viễn vọng kính hoặc kính hiển vi mạnh hơn, hoặc tạo ra một máy cyclotron dài hơn và vật gì từ xưa đến nay chưa được khám phá ra, sẽ được tiết lộ, và những lý thuyết hiện thời có thể phải hay đổi, có khi từ căn bản.
Trong quyển The Secret Doctrine (1:477–78) HPB nhận xét:
Do chính bản chất của nó, khoa học không thể vén màn bí mật chung quanh chúng ta. Đúng là khoa học có thể thâu thập, phân loại và tổng quát hóa hiện tượng; nhưng huyền bí gia, biện luận từ dữ kiện siêu hình được nhìn nhận, tuyên bố rằng nhà thám hiểm gan dạ, ai thăm dò những bí mật sâu kín nhất của thiên nhiên, phải vượt qua cái giới hạn chật hẹp của giác quan, và đưa tâm thức mình vào cõi của căn do và vùng của nguyên nhân tiên khởi. Muốn làm được vậy họ phải phát triển những quan năng hiện đang ngủ im – ngoại trừ trong vài trường hợp biệt lệ – trong cơ thể của con người.
Khi so sánh khoa học đông phương và tây phương, tiến sĩ Walt Anderson nhận xét:
– Chúng ta ở phương tây quá thán phục máy móc nên tin rằng chỉ có chúng là có thể khám phá được sự thực. Làm như nhiều vật lý gia không thấy rằng thực tại lộ ra trong nghiên cứu và lý thuyết của họ có thể được kinh nghiệm.
Ông thêm là ở phương tây:
– Vũ trụ được khám phá bằng máy cyclotrons, tia lasers và viễn vọng kính,
trong khi ở đông phương,
– Khoa học phần lớn là không có tính kỹ thuật, mà dựa trên cơ thể cùng cái trí có kỷ luật, như là việc tham thiền thâm sâu.
Trong tác phẩm tuyệt diệu Yoga Sutra của Patanjali có câu này:
– Bằng cách tập trung cái trí vào vật cực tiểu, che dấu hoặc xa xôi, trong mỗi mặt của thiên nhiên, người khổ hạnh có được hiểu biết trọn vẹn về chúng.
Lời bàn về câu này ghi là:
– Chữ 'hiểu biết' dùng ở đây có ý nghĩa rộng lớn hơn là ta quen hiểu nó. Chữ hàm ý sự đồng hóa hoàn toàn của cái trí, trong một khoảng thời gian, với bất cứ vật gì hoặc đề tài gì mà nó hướng tới.
Ta có thể tưởng tượng là có khoa học gia đương thời nào chịu làm như thế chăng ? Tìm hiểu thì khoa học gia Brian Josephson của đại học Cambridge, được giải thưởng Nobel về vật lý học năm 1978, và là vật lý gia tiếng tăm trên thế giới, coi trọng rất mực triết lý đông phương bí ẩn. Ông đánh cá với uy tín khoa học đáng kể của mình, rằng ông có thể đạt được hiểu biết về thực tại khách quan bằng cách thực hành kỹ thuật tham thiền lâu đời của đông phương.
Tập luyện và làm hoàn thiện dụng cụ là con người để thành vật tiếp nhận chân lý thì không phải là công việc dễ dàng, nhưng một Chân sư đã viết:
– Bạn hãy tin tôi, sẽ tới một lúc trong đời vị đạo đồ khi những khổ cực mà ngài trải qua được ban thưởng ngàn lần. Muốn có được thêm hiểu biết, ngài không cần phải đi qua diễn trình chậm chạp, li ti của việc nghiên cứu và so sánh những vật khác nhau, mà có được hiểu biết tức thì, rõ ràng của mỗi một chân lý ... Vị đạo đồ thấy và cảm và sống ngay tại nguồn của mọi chân lý căn bản ...
Trong khi ấy, những tia chớp của trực giác có thể giải được nhiều vấn đề nhỏ hơn, kiểm bằng óc lý luận và chứng cớ hiện có.
Vào tháng tám, HPB đi Cambridge vài ngày theo lời mời của SPR, trong dịp này bà gặp ông Richard Hodgson, một hội viên của SPR. Không lâu sau đó ông được chọn làm điều tra viên cho SPR về những hiện tượng mà HPB và các vị thầy của bà tạo ra ở Ấn Độ. Ông Olcott đã mời có cuộc điều tra này, nhưng HPB nghi ngại về quyết định ấy của ông.
Giữa tháng tám, HPB rời Anh đi Elberfeld, Đức quốc; ông Olcott đã cho thành lập một xứ bộ Thesophia tại đây trước khi bà đến. Bà là khách của gia đình ông bà Gustav và Mary Gebhard và ở đó bẩy tuần. Cùng đi với bà có Laura Holloway, Mohini, Bertram Keightley và gia đình Arundales.
Gia đình Gebhard đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử phong trào Theosophia. Ông Gustav là một nhà ngân hàng giàu có và là nhà sản xuất tơ lụa. Ông từng là lãnh sự tại Iran, có khiếu về ngôn ngữ và nói thông thạo Anh và Pháp ngữ. Bà Mary vợ ông có khuynh hướng bẩm sinh về triết lý và huyền bí học; được nghe nói về hội Theosophia, bà liên lạc với ông Olcott và rồi gia nhập hội. Đa số các con của hai ông bà cũng trở thành hội viên.
(còn tiếp)