H.P.B. (Helena Petrovna Blavatsky)

(PST 59)

Vào mùa hè và đầu thu 1881, HPB ở tại Simla với gia đình ông Hume vài tháng tại nhà họ. Khoảng cuối tháng 10 bà đi Lahore, có lời nói rằng bà gặp chân sư M. ở đó. Sau đó bà làm một chuyến đi dài lên phía bắc Ấn theo lệnh của thầy. Vào thời điểm này, ông Olcott ở Tích Lan nên đây là lần đầu tiên bà một mình đi thăm các thành phố và thành lập các chi bộ. HPB trở về Bombay vào cuối tháng 11.
Ta có chuyện chót cho năm này do bà Alice Gordon ghi:
– 'Tôi cũng xin thuật một chuyện khác mà tôi là nhân chứng duy nhất với bà Blavatsky. Một ngày năm 1881, tôi vào phòng bà không báo trước lúc hai chúng tôi cùng ở chơi nhà ông bà Sinnett. Bà đang ngồi viết ở bàn đặt sát một cửa sổ nhỏ. Phòng rất ấm, tôi mới đề nghị mở cửa sổ cho có gió một chút, cửa có gắn bản lề trên đầu để đẩy ra.
Tôi đẩy cửa bên dưới có chút khó khăn, nhưng nó sập vào trở lại và đập vào thanh gỗ để chống cho cửa mở, thanh gỗ đâm xuyên qua cửa kính. HPB tỏ ra sôi nổi còn tôi tưởng ấy là vì cửa kính bị vỡ nên nói:
– Không sao, đem sửa gắn lại kính được.
Nhưng bà kêu to:
– Không, không, xin đứng yên, tôi thấy có bàn tay, sắp có chuyện gì đó.
Tôi đứng gần thành cửa sổ, giữa bà và cánh cửa. Rồi bà nói:
– Kéo màn lại.
Bức màn nhỏ chỉ ra tới thành cửa, nhưng tôi vừa kéo ngang qua thì bà kêu:
– Mở ra đi.
và trước mặt tôi có một lá thư gửi cho ông Hume với câu "Nhờ bà Gordon trao giùm", bằng nét chữ của ngài KH mà tôi rất quen thuộc. Tôi kết luận là thư được gửi cách ấy để ông Hume có thể có bằng cớ là thư đến một cách lạ lùng, còn tôi thì chắc chắn trăm phần trăm là trước đó một phút tôi thấy chỗ ấy không có gì, và rồi thư hiện ra. Tôi cũng tin chắc là không có cánh tay phàm của ai đặt thư ở đấy.

1882

Vào khoảng đầu năm 1882 bà Blavatsky tiếp một người khách tên R. Jagannathia. Ta hãy nghe ông kể:
– Tôi gặp HPB lần đầu tiên do ông Damodar K. Mavalankar giới thiệu, tại phòng trước của trụ sở Hội, nói với bà rằng tôi có viết bài cho tờ báo The Philosophic Inquirer với tên 'R.J.' và 'Veritas'. Bà ngồi trong ghế, chung quanh là một nhóm nhỏ những người quí mến bà. Cảm tưởng đầu tiên tôi có là bà không thuộc về trái đất này vì bà có đôi mắt sáng ngời mạnh mẽ, nằm dưới đôi mày cong nổi bật. Thân hình là nữ giới nhưng lời ăn tiếng nói là nam giới, bề ngoài phàm trần mà thực tại như người trời ...
Bà kêu lên:
– A, tôi biết là có ngày ông sẽ đến gặp tôi.
Tôi hỏi làm sao bà có thể mong là tôi đến, vì bà là người TTH còn tôi là người vô thần. HPB kêu ông Damodar lấy tập ký sự (scrapbook) của bà, chỉ cho tôi thấy có dán những mẫu tin về các bài giảng của tôi về đề tài 'Kapila, Buddha và Shankara', và nói rằng bà đọc kỹ các đóng góp của tôi cho tờ báo The Philosophic Inquirer, bà quí chúng vì chúng lộ tinh thần đi tìm Chân lý. Bởi chuyện thế tục không làm đủ thỏa mãn ước vọng cao của tôi, bà kết luận hợp lý rằng tôi sẽ đến gặp bà để có thêm ánh sáng về vấn đề của tất cả các vấn đề – tức bí ẩn của sự sống và sự chết.
Rồi HPB  hỏi tôi muốn biết điều gì. Tôi hỏi bà vài điểm có bề ngoài khó hiểu, mỗi câu đã được tôi sắp đặt rất kỹ tối hôm trước. Là hội viên của The National Secular Society of England, tôi chắc mẩm trong bụng rằng những vấn đề mà tôi đặt ra không sao giải thích được, và chúng sẽ đòi hỏi bà phải vận dụng trí tuệ tinh tường và triết lý của mình. Nhưng tôi kinh ngạc biết bao vì bà đáp hết câu này tới câu kia, mỗi câu được  trả lời một cách rành mạch làm tôi mãn nguyện. Bà dành ra đến gần ba tiếng đồng hồ để giải thích thắc mắc của tôi. Những dữ kiện lịch sử, triết lý và khoa học mà bà đưa ra để hỗ trợ cho biện luận mạnh mẽ không sai chạy, làm trí não thô thiển của tôi rối mòng.
Trọn cử tọa mê mẩn lắng nghe, và có một điểm đặc biệt trong câu trả lời của bà tôi không thể nào bỏ qua. Ấy là bà thông thuộc nhiều đề tài đến mức trong câu trả lời của bà, những câu hỏi phụ đã được biết trước và giải đáp luôn một lần cho xong tất cả. Sang ngày thứ hai và thứ ba chúng tôi lại cũng bàn thảo mấy tiếng đồng hồ với cùng cử tọa, vì mỗi ngày qua sự thích thú lại tăng dần theo với những thắc mắc càng ngày càng khó của tôi, và câu đáp giỏi dang, thỏa mãn của bà.
Tới ngày thứ ba, sau khi trả lời những thắc mắc mà tôi đã dành nhiều thì giờ suy nghĩ chọn lọc,  sử dụng hết hiểu biết và học hỏi vô thần của mình, bà vui vẻ hỏi tôi còn gì để nói nữa không. Tôi đáp ngay không ngần ngừ rằng 'hết chuyện rồi', làm mọi người nổi lên một tràng cười cả mấy phút.
Trong thâm tâm tôi cho TTH là điều tựa như nhiều tôn giáo khác trên thế giới, và sự hiểu biết cùng tài khôn khéo của HPB thì không hơn là bao kiến thức của sinh viên thông thường. Nghĩ vậy làm tôi bạo dạn 'ra đi để chiến thắng mà trở về chiến bại'; nhưng tôi mừng đã bị bà chinh phục, vì sự thua cuộc làm tôi được lợi ích lớn lao, bởi HPB mở mắt cho tôi thấy nền tảng mà tôi đứng khi ấy trơn trợt biết chừng nào. Trong ba ngày bà phá tan bẩy năm kiến thức của tôi về những lý thuyết vô thần ...
Nhân vật vĩ đại về trí tuệ, minh triết và uy lực này hỏi tôi nghĩ gì về MTTL, tôi có muốn gia nhập hội để giúp phong trào TTH chăng nếu tin tưởng vào chân lý của MTTL. Bà nói mình đã thành lập Hội TTH theo lệnh guru của bà, một vị Chân sư người Ấn, để truyền bá sự hiểu biết về Tôn giáo Minh Triết hay Brahma-Vidya. Nhưng bà thấy tiếc là nhiều người Ấn thông minh, học rộng lại thờ ơ với phong trào, nhìn bà nghi ngờ vì bà người tây phương và thuộc giống dân xa lạ.
Tôi đáp ngay sẽ gia nhập, làm việc và sẵn sàng hy sinh mạng sống cho Mục Đích thiêng liêng bao lâu tôi còn sức sống trong người ... Từ đó tới nay tôi đã làm việc cho Hội TTH, luôn luôn nhớ đến lời hứa thiêng liêng của mình với HPB, người đã mở mắt cho tôi và soi sáng sự vô minh của tôi. Bà làm tôi chú ý đến những hiểu biết quí giá, chói ngời nằm sâu trong kho tàng minh triết đông phương; bà cho tôi lời khuyên thật tốt lành, như là hiền mẫu, khi kêu tôi đọc Áo Nghĩa Thư (Upanishads), kinh điển mà triết gia Schopenhauer gọi là 'sự an ủi trong lúc sống và an ủi trong lúc chết'.

Một nhân vật tên John Smith thuật:
Ngày 31 tháng giêng 1882 khi mở số thư thường ngày được mang tới, người ta thấy một thư có ghi vài hàng chữ đỏ khác với phần chính của thư. Khi ấy đại tá Olcott lấy hai thư chưa mở, hỏi bà Blavatsky xem bà có thể cảm nhận nội dung trong thư. Đặt hai thư lên trán, bà nói một thư có ghi chữ 'vô ý', và thư kia ghi vài điều về đại tá Olcott và một chi bộ tại Cawnpore. Tôi xem xét các lá thư thấy phong bì dán kín, tôi mở chúng ra và đọc nội dung thấy những chữ y như lời bà nói. Một thư là từ Meerut, một từ Cawnpore, và một từ Hyderabad.
Qua hôm sau đại tá Olcott nhận xét là nếu tôi lấy một thư nào  trong lúc ở đây, có thể có cùng chữ viết như vậy trong đó. Tôi trả lời:
–  No chance of that, as  no one would write to me ( Không mong có vậy, vì không có ai viết thư cho tôi).
Khi đó bà Blavatsky nhìn sững một lát rồi nói:
– Tôi thấy có một Huynh trưởng ở đây, ngài hỏi bạn muốn có bằng cớ về điều chúng ta vừa nói không ?
Tôi đáp là nếu có thì tôi rất cám ơn. Bà đứng dậy khỏi bàn, kêu chúng tôi đi theo. Nắm lấy tay tôi, bà dẫn đi dọc theo hàng hiên, ngưng lại nhìn quanh ở vài điểm cho tới khi chúng tôi tới cửa phòng ngủ của tôi. Và rồi bà muốn tôi vào phòng một mình, nhìn quanh xem có gì lạ rồi đóng những cửa khác. Tôi làm theo, thấy là phòng vẫn bình thường. Kế đó bà bảo chúng tôi ngồi xuống, khi làm thế bà kẹp hai bàn tay tôi trong hai bàn tay của bà. Vài giây sau một lá thư rơi xuống chân tôi.
Có vẻ như lá thư bắt đầu phía trên cao cách đầu tôi một chút. Khi mở phong bì tôi thấy một tờ giấy có đóng con dấu của chính quyền tỉnh Tây bắc và tỉnh Oudh, và những chữ sau viết bằng mực đỏ, theo cùng nét chữ thấy trong những thư hồi sáng qua:
– NO CHANCE ... ('Không có cơ hội để viết cho bạn bên trong thư của bạn, nhưng tôi có thể viết trực tiếp. Hãy làm việc cho chúng tôi tại Úc châu, và chúng tôi sẽ chứng tỏ là không quên ơn mà sẽ cho bạn thấy về sự hiện hữu thực sự của chúng tôi, và xin cám ơn bạn.')
Theo ý tôi, xem xét kỹ lưỡng sự việc cho thấy không có gì giả mạo.

Vào ngày 10 tháng  tư 1882, ông Norendro Nath Sen viết:
Sáng hôm ấy tôi đến thăm bà với ý định rõ ràng là không bầy tỏ mong ước muốn thấy có bất cứ phép lạ nào. Ngoài bà Blavatsky và tôi còn có thêm vài người khác trong phòng. Trong lúc đang nói chuyện tổng quát, bỗng bà chăm chú vào một điểm, bà kêu ông Mohini Mohun đi ra ngoài  xem có ai ẩn nấp trong phòng bên cạnh. Ông làm theo như được yêu cầu nhưng không thấy có ai. Ông vừa trở về chỗ ngồi thì có một tờ giấy nhỏ, thấy ngay là có tác nhân vô hình bắn nó nghiêng từ điểm bên trên vách ván cao ngăn gian phòng, thư rơi gần chỗ ông Olcott ngồi sau đoạn đường bay dài hơn sáu thước.
Theo lời yêu cầu của HPB, ông Mohun nhặt miếng giấy, đọc nội dung như sau:
– Đừng làm giảm giá trị của Chân lý bằng cách nhét nó vào đầu óc của ai không muốn nghe. Đừng tìm kiếm trợ lực trong tâm của ai yêu nước chưa đủ để làm điều lành cho đồng bào mình một cách xả kỷ. Họ hỏi 'Ta có thể làm được điều tốt lành gì ?' ' Ta có thể làm lợi chi cho nhân loại, hay cả cho đất nước của ta ?' Họ chính thực là những kẻ yêu nước nửa vời. Trong cảnh đất nước bị suy sụp vì thiếu sinh khí, thiếu sự bơm hơi tiếp sức của lực mới mẻ, kẻ ái quốc thật sự sẽ nắm lấy bất cứ hy vọng nào. Nhưng có ai yêu nước thật sự ở Bengal không ? Nếu có nhiều hẳn chúng ta đã gửi bạn tới đó từ lâu; chúng tôi khó mà cho phép bạn lưu tại Ấn ba năm mà không đi thăm Calcutta, thành phố có những đại trí thức mà không có lòng. Bạn có thể đọc thư này cho họ.
K.H.
Cả bà Blavatsky và ông Olcott không mong chờ thư nào như thế; và chắc chắn cả hai không quan tâm đến cách bí ẩn mà thư được mang vào phòng. Chuyện thật khó tin nhưng đó là sự kiện không chối cãi được.
Vào 31 tháng ba, HPB đi Allahabad sau đó tới Calcutta. Ngày 19 tháng tư, hai vị đi tầu thủy sang Madras nay đổi tên là Chennai. Đây là chuyến đi dẫn tới sự việc quan trọng vì không lâu sau đó, Madras trở thành trụ sở của Hội. Trong chuyến đi này chi bộ Madras được thành lập và Subba Row gặp HPB lần đầu tiên.
Trong một đoạn trước ta có nói chuyến đi xe ngựa tonga cực nhọc tám tiếng đồng hồ, từ trạm xe lửa dưới chân đồi lên đến nhà ông Hume trên đỉnh đồi ở Simla. Nay để có thêm ý niệm về việc đi lại cực nhọc ra sao ở Ấn Độ vào thời điểm của chuyện, hầu ý thức nỗi nhọc nhằn hai vị trải qua khi đi khắp nước để giảng, lập chi bộ, và sự quyết tâm phổ biến MTTL của hai người, ta hãy thuật lại chuyến đi vào tháng 5 từ Nellore đến Guntur.

 Khởi đầu hai vị đi thuyền trong kinh Buckingham, sau đó là đoạn đường dài 55 cây số hiểm trở tới nỗi hai vị phải đi cáng, xuyên qua vùng nhiều rắn hổ mang. Có chặng đi ngang qua suối sâu, sáu người khiêng phải đội cây đòn khiêng cáng trên đầu mới làm khách không bị ướt. Chặng trở về họ đi xe bò trên đoạn đường dài gần 120 cây số, gồ ghề, lồi lõm để ra ga xe lửa; nhưng tới nơi thì được biết phải 12 tiếng sau mới có xe đi Madras là nơi hai vị muốn đến.
Tại đây, chi nhánh hội được thành lập và các hội viên thúc giục hai người dời trụ sở từ Bombay về Madras. Có sự đồng ý và hội viên đóng góp mua nhà đất ở vùng ngoại ô Adyar ngày 17 - 11 - 1882, đúng bẩy năm sau khi thành lập Hội tại New York 1875. Trước khi rời Bombay để tới ngụ hẳn tại Madras, HPB đi Sikkim gặp hai vị Chân sư  KH và M, ở cùng hai ngài mấy ngày gần Darjeeling. Trên đường về, bà ghé lại Darjeeling một thời gian, sống cùng một số hội viên từ miền nam Ấn Độ lên đây. Trong số này có Mohini Chatterjee là luật sư tại Calcutta, anh là một trong số các hội viên giỏi dang vào buổi đầu của Hội; Mohini ghi lại kinh nghiệm sau:
– Trong khoảng thời gian ghé thăm Darjeeling, tôi ngụ chung nhà với vài hội viên khác ... đa số họ giống như tôi là nghi ngờ sự hiện hữu của các chân sư tại Himalaya. Lúc ấy tôi có gặp tại Darjeeling mấy người tự xưng là chela (đệ tử) của các Huynh trưởng tại Himalaya, đã từng gặp mặt và sống chung với các ngài nhiều năm. Họ cười phá lên khi thấy chúng tôi nghi ngờ. Một trong những người này cho chúng tôi xem bức hình vẽ rất khéo một nhân vật trông hết sức thánh thiện, và bảo đó là hình Chân sư Koothoomi (nay là chân sư đáng kính của tôi), vị chân sư mà ông Sinnett đề tặng cuốn The Occult World.
Vài ngày sau khi tôi tới đây, một anh bán hàng rong người Tây Tạng tên Sundook tình cờ vào nhà chúng tôi chào hàng. Anh rất được quen mặt ở Darjeeling và vùng chung quanh,  mỗi năm tới đây chuyên buôn bán sản phẩm của Tây Tạng. Sundook tới nhà chúng tôi mấy lần suốt khoảng thời gian chúng tôi ở đây; đó là con người đơn sơ, dáng dấp chững chạc, tánh tình dễ chịu, tốt lành một cách tự nhiên, không thấy có tánh gì của kẻ bán khai như người Tây phương gán cho dân Tây Tạng.

Nói thêm thì lúc này HPB không có mặt tại Darjeeling, do đó đây là chứng cớ độc lập về sự hiện hữu của các chân sư do Sundook đưa ra. Mohini ghi tiếp:
– Ngày đầu tiên chúng tôi hỏi anh mấy câu tổng quát về Tây Tạng và phái Mũ Vàng (Gelugpa - chính đạo; phái Mũ Đỏ được xem là có dùng tà thuật) mà anh cho hay mình ở trong phái ấy. Lời kể của anh tương ứng với lời thuật của Bogle, Turnour và nhiều người du lịch khác.
Sang ngày thứ hai chúng tôi hỏi anh có nghe nói ai ở Tây Tạng có quyền năng lạ thường ngoài các vị lama tài giỏi, anh đáp có những người như vậy, giải thích rằng các ngài không phải là lama thông thường mà cao hơn những vị này rất xa, hay sống ẩn trong núi, quá Shigatze hay cũng gần thủ đô Lhasa. Anh bảo các ngài tạo ra rất nhiều hiện tượng kỳ diệu hoặc 'phép lạ', và một số chela của các ngài (gọi là lotoos ở Tây Tạng) chữa người ốm bằng cách lấy tay vò lúa ngay trong cánh đồng cho họ ăn gạo v.v.
Thế rồi một người trong bọn chúng tôi có sáng kiến thật hay. Không nói lời nào, anh lấy bức hình đức KH đưa cho Sundook xem. Sundook nhìn nó vài giây rồi như chợt nhận diện là ai, anh cung kính đảnh lễ trước bức hình, bảo đó là hình một vị Chohan (Mahatma) anh đã được gặp ... Anh kể là thấy vị Chân sư này có nhiều đệ tử đi kèm, vào khoảng đầu tháng mười năm ngoái, ở một nơi gọi là Giansi cách Shigatze hai ngày đường về phía nam; đây là chỗ Sundook tới để bổ hàng. Khi được hỏi về tên của vị chân sư, câu đáp của anh làm chúng tôi ngạc nhiên vô kể:
– Các vị đó được gọi là Koothum-pa.
Chúng tôi hỏi kỹ thêm, muốn biết anh dùng chữ 'Các vị đó' để chỉ ai, và đó là tên của một hay nhiều người, anh đáp rằng có nhiều người Koothum-pa, nhưng chỉ có một vị đứng đầu là trưởng phái mang tên đó; các đệ tử luôn luôn được gọi theo tên của thầy họ; ở đây tên của vị thầy là Koot–hum nên tên của đệ tử là 'Koot-hum-pa'. Khi tra tự điển thì sự việc sáng tỏ thêm, chúng tôi đọc trong tự điển Tây Tạng là chữ 'pa' có nghĩa 'người'; 'Bod-pa' là người xứ Bod hay Tây Tạng v.v. Tương tự thế, Koothum-pa có nghĩa người hay đệ tử của Koothoom hay Koothoomi.
Khi nghe hội viên bảo là người Ấn không tin có những bậc 'Huynh Trưởng - Brother' ở Tây Tạng, Sundook đề nghị dẫn bất cứ ai tình nguyện vào nước đó để xem, và thuyết phục chúng tôi là những vị ấy hiện hữu thực sự ... Chúng tôi cũng cho anh xem chuỗi tràng hạt đặc biệt của bà Blavatksy, anh bán hàng rong bảo vật này chỉ có được do đức Teshu (Panchen - Ban Thiền) Lama tặng cho ai đó mà thôi, không thể dùng tiền mua ở bất cứ nơi nào ...
Câu hỏi đặt ra là khi Trung Cộng xâm lăng Tây Tạng năm 1950, người ta không thấy có chân sư nào. Ngay cả hồi thập niên 1920, bà Alexandra David–Neel ghi rằng mình không hề gặp các chân sư người Ấn trong lúc du hành ở Tây Tạng. Họa sĩ Nicholas Roerich khi đi Tây Tạng cũng trong thập niên 1920, cho hay không gặp được các ngài, tuy có gặp một vị lama vân du, kể ông nghe nhiều chuyện về xứ Tây Tạng thật. Một hôm Roerich hỏi:
– Này Lama, ông có gặp mấy người Azaras và Kuthumpas không ?
Lama đáp:
– Nhiều người chúng tôi trong đời có gặp người Azaras và Kuthumpas  và người tuyết phục vụ họ. Chỉ mới gần đây người ta không còn thấy người Azaras trong thành phố nữa. Tất cả rút về sống trong núi. Họ rất cao lớn, râu tóc dài, bề ngoài trông giống người Ấn ...
Bây giờ không còn gặp được người Kuthumpas, lúc trước họ có mặt bình thường ở vùng Shigatse và hồ Manasarowar, nơi khách hành hương đi tới núi Kailasa. Ngay cả người tuyết bây giờ cũng hiếm thấy. Người đời do thiếu hiểu biết tưởng lầm họ là ma quái hiện hình. Có những lý do thâm sâu về tại sao những Đấng Cao Cả nay không còn tự nhiên đi lại trong dân gian. Vị thầy trước của tôi kể cho nghe nhiều chuyện về minh triết của người Azaras. Chúng tôi biết nhiều nơi có những Đấng Cao Cả ngụ, nhưng lúc này các chỗ ấy bị bỏ hoang. Ấy là bí ẩn lớn.
Rồi Roerich hỏi tiếp:
– Lama, có đúng là các Ashram đã được dời khỏi vùng phụ cận thành phố Shigatse ?
– Bí ẩn này không nên nói tới, vị Lama đáp, tôi có nói là nay có thể không còn thấy người Azaras trong vùng Shigatse.
Lời của lama cho thấy rõ là Tây Tạng nay trong chu kỳ suy thoái. Ông nói:
– Nhiều lama mặc tăng bào lama nhưng đời sống bên trong của họ còn tệ hơn so với người thường. Nhiều khi trong mấy ngàn lama, bạn chỉ thấy vài cá nhân rời rạc có thể đàm đạo với bạn về những đề tài cao siêu, và cho câu đáp giá trị. Nhưng không phải trong tôn giáo của bạn cũng vậy sao ?
Ta ra ngoài lề một chút để nói về nơi ẩn cư của các Đấng Cao Cả. Một lý do vì sao các địa điểm này không được người đời khám phá đã có ghi trong bài HPB số báo 57, nay ông Hodson đưa thêm chi tiết với lời của Chân sư M.:
– Không ai, không một ai có thể thấy, khám phá, đến thăm Chúng ta hay nơi ẩn cư của Chúng ta ngược với ý Chúng ta muốn, ấy là điểm hàng đầu trên tất cả trong chuyện liên quan đến đời sống riêng tư của Chúng ta.
'Tương tự vậy, không ai bay ngang qua sa mạc Gobi, đi du lịch hoặc lạc chân tới đó có thể thấy những di tích của những tòa nhà khi xưa nằm trên Bạch Đảo (Great White Island) của biển Gobi. Này con, việc xâm phạm vào sự riêng tư của chúng ta và của Thiên đoàn nói chung là điều cấm kỵ, sự ngăn chống mạnh đến nỗi phát minh vĩ đại nhất của khoa học ngày nay và tương lai vẫn không làm cho ai vào được vùng của chúng ta mà không do ý chúng ta muốn. Ấy là đòi hỏi duy nhất của chúng ta, là có sự riêng tư không gì xâm phạm được.
'Ngay cả những đệ tử và các vị đạo đồ thuộc cấp độ nào đó đi thăm chúng ta, họ cũng không hề làm được, không thể tìm thấy chúng ta và nơi cư ngụ trừ phi chúng ta cho phép. Đây là một lệnh bất khả vi phạm của Chính phủ bên trong của Địa cầu - sự riêng tư không thể bị xâm phạm.
'Ta đoan chắc với con rằng sự kín đáo ấy được duy trì bằng một màn ảo ảnh, mà trí não mạnh nhất của ai chưa phải là đạo đồ không thể thấu nhập hay phá tan.'
Sự che chở thế ấy không những chỉ áp dụng cho chỗ làm việc của các nhân viên trong Thiên đoàn, mà luôn cả những trung tâm huyền bí trên trái đất cũng có 'hàng rào bất xâm nhập bao quanh', tự nhiên là bằng phương tiện huyền bí. Một trong những nơi này là hòn núi đá Uluru của Úc châu còn gọi là Ayers Rock. Có giải thích nói rằng nơi đây là địa điểm cho việc chứng đạo (initiation) rất đặc biệt, dành riêng cho cả một châu vào thời trước; ngày nay người ta e ngại việc du khách tò mò hay vô tư không ý thức tính cách tinh thần của nơi đây sẽ làm giảm đi phần linh thiêng của địa điểm. Thí dụ như kim tự tháp ở Ai Cập bị nhiễm ô uế do kỹ nghệ du lịch.
Từ ngàn xưa Uluru tỏa ra năng lực tinh thần bao trùm châu Úc, ấy là vì tảng núi đã được đặt vào đúng trung tâm của Úc châu thuộc vùng nam cực. Nơi giữa vùng Uluru có một lòng chảo linh thiêng mà du khách không thể bén mảng, ngay cả những du hồn (người xuất vía không được mời tới nơi này) cũng không xâm nhập được. Chung quanh chân núi và vùng đất hoang bao lấy núi cũng còn gìn giữ dấu vết của bậc đạo đồ từng đảm nhiệm việc canh giữ, duy trì năng lực của Uluru.

Ta đã lan man sang chuyện khác, nay trở lại với bà Blavatsky, vào giữa tháng 11-1882, sau khi ở Darjeeling quay về, HPB tới Allahabad chơi với ông bà Sinnett rồi trở lại Bombay. Sau đó HPB và ông Olcott tới Madras ngày 19 - 12, 1982, ngụ hẳn tại đây. Nay ta hãy để ông Sinnett  mô tả nơi cư ngụ của hai vị tại Adyar.
Vào ngày 16 - 12, 1882 có một buổi tiệc từ giã hai vị sáng lập hội Theosophia do thân hữu người bản xứ tổ chức, trước khi ông bà rời Bombay tới cư ngụ tại căn nhà ở Adyar, Madras do hội viên góp tiền mượn để mua.
Căn nhà này khá hơn rất nhiều ngôi nhà chật hẹp thiếu tiện nghi tại Bombay. Thành phố Madras rất rộng, chạy dài 10 - 12 cây số bờ biển; Adyar là ngoại ô mãi phía nam có sông Adyar nhỏ chảy qua khu đất ra biển, nhưng trước khi tới bãi biển nó tỏa ra thành một vùng nước nông lớn, có căn nhà đứng trên khoảnh đất rộng rãi. Ấy là nơi cư ngụ thoải mái của bà Blavatsky và những người giúp việc.
Tầng trên căn nhà là các phòng dành riêng cho bà, một trong những phòng này mới xây được dùng làm 'phòng huyền học – occult room' cho bà, phòng riêng đặc biệt kín đáo. Bà bỏ công trang hoàng một tủ treo độc dành cho việc liên lạc giữa các Chân sư và bà và gọi đó là Bàn Thờ. Bà đặt trong đó vài món đơn sơ mà rất quí giá về mặt huyền bí, hai bức hình nhỏ của các Chân sư  và mấy món khác. Mục đích của bàn thờ là chuyện hết sức rõ ràng cho ai quen thuộc với lý thuyết về hiện tượng huyền bí, tức là nơi được giữ cho thanh khiết không bị nhiễm bất cứ từ lực nào, có liên kết với việc làm tan rã và kết hợp các lá thư lại, dùng cho công chuyện giữa Chân sư và chela.

Vài ngày sau có mấy hội viên phụ xếp dọn đồ đạc của hai vị vào nhà. HPB rất hãnh diện về thư viện của Hội, bà viết:
– Thư viện Adyar do hội trưởng là đại tá Olcott cố công thực hiện, là niềm vinh hạnh cho Hội Theosophia. Dù chỉ mới thành hình có ba năm, nó đã có một bộ sưu tập lớn những tác phẩm Đông phương có giá trị lớn lao, gồm 3.046 quyển, bên cạnh hơn 2.000 quyển bằng ngôn ngữ Tây phương và một số bản thảo quý hiếm có bằng lá kè.
Nhân vật Subba Row nói ở trên là hội viên thông thái và sáng chói nhất trong giới hội viên người Ấn. Nay hội có giải thưởng Subba Row hằng năm trao tặng cho ai có công truyền bá MTTL, nhưng khi ông mới gặp hai vị sáng lập thì chưa có kiến thức gì về văn chương Phạn ngữ. Lúc đi học Subba Row được trao tặng học bổng và giải thưởng về Anh ngữ và tâm lý, tuy nhiên ông tỏ ra không chú ý đến huyền học, chuyện tâm linh hay kinh điển cổ của Ấn Độ. Sau khi ông qua đời năm 34 tuổi, ông Olcott hỏi thăm mẹ Subba Row, một phụ nữ học thức thuộc giai cấp Brahman là giai cấp cao nhất trong xã hội Ấn, về sự việc và ghi:
– Bà kể rằng con trai chỉ khởi sự bàn luận về siêu hình học sau khi gặp hai vị sáng lập Hội; mới đầu là liên lạc thư từ với HPB và Damodar và sau đó thành tình thân khi đôi bên gặp nhau năm 1882 tại Madras. Làm như kho tàng về kinh nghiệm huyền bí bỏ quên đã lâu nay đột nhiên mở rộng cửa cho ông, ông nhớ lại chuyện kiếp trước, nhận ra Guru của mình và từ đó tiếp xúc với ngài và các Chân sư khác, có trao đổi với chính các ngài tại trụ sở Hội và bằng thư từ với những Vị ở nơi khác. Ông cho mẹ hay rằng HPB là một Yogi tài giỏi, và đã chứng kiến nhiều hiện tượng lạ lùng khi có mặt của bà.
Về phần Subba Row thì ông viết cho bạn:
– Thiên Đoàn khắp nơi trên thế giới nay có luật là muốn được thâu nhận vào hàng ngũ thì người ta phải gia nhập Hội Theosophia. Tôi không lầm khi cho anh hay rằng tự bản thân tôi biết nhiều trường hợp là đệ tử - một người là đệ tử rất cao ... bị Guru thúc giục gia nhập Hội, bằng không sẽ bị các ngài bỏ rơi -.
Điều này phù hợp với việc một trong các Chân sư viết cho ông Sinnett:
– Phong trào này có nhiều điều mà bạn không hề hay biết, và công việc của Hội Theosophia có dính liền với công việc tương tự đang bí mật diễn ra trong khắp các phần đất trên thế giới.
Đó là chuyện ban đầu về Subba Row, về sau càng lúc ông càng bớt trợ lực cho Hội, vì nghĩ rằng có những hiểu biết tâm linh chỉ thuộc về ai trong giai cấp Brahman của ông mà thôi, không thể đem chia sẻ cho người da trắng. Năm 1884 vào lúc có bản báo cáo bất lợi của Richard Hogdson và SPR (The Society of Psychic Research - Hội Nghiên Cứu Tâm Linh), ông viết cho HPB:
– Bà có tội nặng nhất trong các tội. Bà đã tiết lộ bí mật của Huyền bí học - điều thiêng liêng nhất và ẩn kín nhất. Thà bà bị hy sinh còn hơn là dạy cho người Tây phương những điều không hề dành cho họ. Người ta tin tưởng quá nhiều vào bà. Đã tới lúc cần làm cho họ nghi ngờ, bằng không họ sẽ gợi ra hết nơi bà tất cả những gì bà biết.

 

1883

So với những năm trước bà đi ra ngoài nhiều, năm nay bà dành thì giờ làm việc tại trụ sở Hội hơn, viết bài cho báo The Theosophist, tính ra gần 700 trang sách trong bộ Collected Writings cho riêng năm ấy. Bà đưa ra nguyên lý thất nguyên trong huyền bí học, nói về con số bẩy thấy trong bản chất con người cũng như vũ trụ, đây là nguyên lý căn bản của MTTL. Nói về con người thì tính chất này biểu lộ qua việc con người có bảy nguyên lý, ghi trong quyển Chìa Khóa TTH (The Keys to Theosophy) như sau:
Tứ Thể Hạ hư hoại
Thể Xác (Sthula)
Thể Phách (Linga Sarira)
Sinh Lực (Prana)
Ham Muốn và Dục Vọng (Kama Rupa)
Tam Thể Thượng bất hư hoại
Trí Năng (Manas)
Linh hồn thiêng liêng (Buddhi)
Tinh Thần (Atma).

Trí Năng hay Manas được xem là gồm hai phần trong lúc tái sinh, phần thấp liên kết với tứ thể hạ được gọi là Hạ Trí hay trí não; phần cao hòa hợp với Buddhi và Atma gọi là Thượng Trí hay trí trực nhận. HPB giải thích: 'Cuộc sống tương lai và vận mạng theo nhân quả của người tùy thuộc vào việc Manas đi xuống thấp về Kama Rupa, chỗ trụ của nguyên lý thú tính, hoặc hướng lên trên về Buddhi cái Ngã Tinh thần', nơi phát sinh tiếng nói lương tâm và tình thương cùng từ tâm lan ra cùng khắp. Bà định nghĩa Atma 'là một với Vô Cùng, là một tia của cái trước'.
Bẩy nguyên lý này được trình bầy trong quyển Esoteric Buddhism của ông Sinnett xuất bản năm 1883. Sách làm độc giả tây phương kinh ngạc. Các giáo hội Thiên Chúa giáo như Công giáo hay Tin Lành chỉ giảng dạy rằng con người có hai phần là thân xác và linh hồn, mà giảng dạy này cũng không nói rõ con người là linh hồn có thân xác hay ngược lại. Đa số người tin họ là thân xác vì giáo hội dạy rằng muốn lên thiên đàng, xương thịt phải được phục sinh ! Vì vậy linh hồn trở thành điều chi đó mơ hồ trôi nổi quanh quất, không ảnh hưởng mấy cuộc sống của ta.
Theo MTTL, sự phân chia làm bẩy phần không phải chỉ thấy riêng nơi con người mà áp dụng cho tất cả những loài khác, kể luôn kim thạch. Sự khác biệt trong các loài tùy vào việc trong bẩy nguyên lý có bao nhiêu cái tiềm ẩn và bao nhiêu linh hoạt. Chỉ nơi cá nhân đã hoàn thiện trọn bẩy nguyên lý mới linh hoạt hoàn toàn. Điểm chung cho tất cả các loài là mọi vật đều sống động và đang tiến hóa, và có khả năng ghi nhận cùng phản ảnh ấn tượng.
Nhờ vào khả năng này mà ta mới có thể giải thích được khoa cảm thị hay tâm kế học (psychometry). Trong thư gửi cho bà dì Nadya rất thân chỉ hơn mình hai tuổi, HPB cho một thí dụ về tính chất ghi nhận rất lạ lùng này:
– Cháu nhận được xấp báo Novoye Vremyas của dì gửi và lên giường lối sau mười giờ một chút (dì biết là cháu dậy lúc năm giờ). Cháu lấy một tờ gần mình nhất mà không chọn, nằm dài người suy nghĩ mải miết về một cuốn sách Phạn ngữ mà cháu tin sẽ giúp phê bình học giả Max Muller một cách lý thú trong tờ báo của cháu. Vậy dì thấy là cháu không nghĩ chi về dì cả, trong khi đó tờ báo vẫn nằm trên gối dưới đầu cháu, phủ một phần  trán.
Đột nhiên cháu thấy mình được mang về căn nhà xa lạ mà lại quen thuộc, căn phòng thấy mới mẻ nhưng cái bàn giữa phòng thì lại thân quen; và ngồi ở bàn là dì – dì thân yêu của cháu, đang ngồi hút thuốc và suy nghĩ rất lung. Mâm cơm tối đã dọn lên bàn nhưng không có ai khác trong phòng, chỉ có vẻ như cháu thoáng thấy dì Catherine đi ngang qua cửa. Rồi dì giơ bàn tay ra lấy tờ báo trên bàn để nó sang bên. Cháu chỉ có giờ đọc tên báo Herald of Odessa, rồi sau đó mọi việc biến mất. Nhìn thì có vẻ như  không có gì lạ trong chuyện này, nhưng chuyện lạ là như sau.

Cháu tin chắc là đã mang tờ báo Novoye Vremya vào giường, và nhớ lại đã thấy hình ảnh trong đầu vài lát bánh mì đen trên bàn cạnh dì, bất ngờ cháu nẩy ý muốn nếm miếng bánh, dù chỉ là mảnh vụn. Cháu tự hỏi mình điều ấy có nghĩa gì.  Chuyện gì đã khiến cháu có ý muốn đó ? Để quên chuyện không thể làm được ấy, cháu mở tờ báo ra khởi sự đọc, mà xem này, đó là tờ Herald of Odessa, không phải tờ Novoye Vremya trong tay cháu chút nào hết. Và hơn thế nữa, dính trên báo có những vụn bánh mì lúa kiều mạch mà cháu ước ao !
Hóa ra những vụn bánh này đụng vào trán cháu đã truyền vào tâm thức cháu trọn khung cảnh, không chừng đã xẩy ra vào đúng phút chúng dính vào tờ báo. Nếu như thế thì vụn bánh mì tác động như là máy chụp hình; những vụn bánh khô cho cháu niềm vui thật sâu đậm, mang cháu trở về với dì trong một phút ngắn ngủi. Cháu cảm được trọn không khí ở nhà nên trong nỗi vui mừng cháu liếm miếng vụn lớn nhất, còn những miếng nhỏ hơn thì đây – cháu cắt ra vì chúng dính vào tờ báo và gửi trở lại cho dì. Để chúng quy cố hương mang theo một phần tâm hồn của cháu.
Ra ngoài đề một chút thì Nadya dần dần chú tâm đến TTH, vào tháng tám 1883 bà chủ động trong việc thành lập chi bộ tại Odessa và giữ chức chi trưởng.
Nay chuyện tại Âu châu làm hai vị quan tâm. Năm 1882 ông Sinnett bị cho nghỉ chức chủ biên tờ The Pioneer tại Ấn, nên gia đình về Anh và tới nơi tháng 5, 1883. Tháng giêng năm 1884, chi bộ London bầu chi trưởng mới là bác sĩ Anna Bonus Kingsford, bà thiên về triết lý thông giáo (Gnostic) trong Thiên Chúa giáo và triết lý cổ (Hermes) của Ai Cập hơn là triết lý đông phương, tức khác với thị hiếu của ông bà Sinnett và nhiều hội viên khác. Sách của bà về Thiên Chúa giáo bí truyền rất được hâm mộ, đặc biệt là quyển The Perfect Way or The Finding of Christ, xuất bản năm 1882. Đây là nhân vật đặc biệt mà nếu thuận tiện, xin đề nghị bạn đọc thêm quyển tiểu sử của bà The Red Cactus (2007); tuy sinh trong thời trọng nam khinh nữ, việc giáo dục cho phái nữ bị giới hạn, bà có ý tưởng đi trước thời đại về nữ quyền và khi đại học y khoa tại Anh không nhận nữ sinh viên, Anna qua Pháp học lấy bằng bác sĩ.

 Anna tỏ ý nghi ngờ sự hiện hữu của các Chân sư, tuy nhiên các ngài lại ủng hộ chức chi trưởng của bà. Có hai chủ trương của Anna làm các ngài có nhiều thiện cảm, thứ nhất là bà quyết liệt chống đối việc mổ xẻ thú vật trong các thí nghiệm y khoa, thứ hai bà cổ võ mạnh mẽ việc ăn chay vào lúc đây là quan niệm mới mẻ tại Anh. Anna sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để hoạt động không ngừng cho hai việc ấy, bà thuyết giảng, viết bài khảo cứu, viết báo, có sự can đảm rất đáng phục.
Vào tháng 12, 1883, HPB bị ốm phải chống nạng; bệnh trở nặng hơn sang đầu năm 1884 và bác sĩ khuyến cáo là bà cần đổi không khí một thời gian, bằng không bà có thể chỉ sống được thêm ba tháng. Do vậy, có xếp đặt là bà đi Pháp với ông Olcott đi theo, vì ông cũng có việc phải làm là can thiệp với chính phủ Anh tại London để người Tích Lan có được tự do tôn giáo, họ đã bị cấm cản điều ấy trong mấy thế kỷ qua. Trong thời gian lưu lại London, ông cũng dự tính giải hòa vấn đề của chi bộ London giữa chi trưởng Kingsford và nhóm ông Sinnett.
Thấy trước là sẽ đi xa một thời gian nên hai vị có xếp đặt để công việc tiếp tục tại trụ sở Hội trong lúc họ vắng mặt. T. Subba Row được chọn làm quản lý tờ The Theosophist thay cho HPB trong giai đoạn này; ngoài ra một ban kiểm soát được thành lập để điều hành việc Hội, gồm một số hội viên tây phương và người bản xứ trong đó có bác sĩ Franz Hartmann người Đức. Ông Hartmann kể lại chuyện sau:
– Ngày đầu tiên tới Adyar, tôi có kinh nghiệm không ngờ sau với HPB, và cũng không hỏi mà được. Tôi vào phòng bà thấy bà đang viết bài. Không muốn làm rộn bà nên tôi ngồi xuống cạnh cửa sổ và nghĩ tới một bà bạn của mình, đã qua đời ở Galveston mấy năm trước, tự hỏi những 'nguyên lý' của bà bạn nay ra sao. Tôi để ý thấy bà Blavatsky lật tờ giấy và có vẻ như chơi với cây viết chì một cách lơ đãng, mắt nhìn xa xăm. Rồi bà đưa tôi tờ giấy, nó trả lời thắc mắc của tôi bằng một hình vẽ thể xác của bạn tôi nằm dài trên đất, có một tinh linh đứng cạnh nhìn thể tình cảm thoát ra, và một cầu vồng tượng trưng cho phần linh hồn của bà bạn đi lên những cõi cao hơn.
Ông viết thêm:
– Tôi nhận được nhiều bằng chứng tương tự về quyền năng huyền bí qua HPB, nhưng hiện tượng ngạc nhiên nhất đối với tôi là tôi thấy mình có thể viết các bài báo về những đề tài huyền bí cho tờ The Theosophist, và đứng thuyết giảng cho công chúng không có chuẩn bị trước tại Ấn rồi sau đó Mỹ, Đức và Ý, làm cử tọa thích thú theo dõi. Mà đó là tôi chưa hề nói trước công chúng trước khi qua Ấn.
Trở lại với ban kiểm soát, một trong những phần việc của họ là giám thị việc làm của ông bà Coulomb, cư ngụ tại nhà Hội ở Adyar. Nguồn cơn việc hai ông bà Coulomb đến giúp việc cho Hội đã ghi trong PST số 57, xin độc giả coi lại nếu cần. Ở đây, ta ghi chuyện là năm 1879, bà Coulomb viết bài bênh vực HPB đăng trên báo Times tại Tích Lan:
– Tôi không có quen bất cứ hội viên nào của Hội TTH, trừ bà Blavatsky. Tôi được biết bà từ tám năm qua và tôi phải nói sự thật là không thấy có gì không phải về cá tính của bà. Chúng tôi ở cùng thành phố và bà được xem là một trong những phụ nữ khôn ngoan nhất thời này. Bà Blavatsky là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà ngôn ngữ học, tác giả, và tôi có thể nói là có rất ít phụ nữ ngay cả cũng rất ít các ông có hiểu biết nói chung về sự vật như bà Blavatsky.
Hai vị sáng lập rời Ấn Độ ngày 20 - 2, 1884, đi theo có Babula, người giúp việc cho bà Blavatsky và một số người Ấn trong đó có Mohini. Tầu chở họ cập bến Marseilles ngày 12 - 3, 1884.

 

1884.

Tới Pháp, hai vị thấy rằng đi đâu cũng có người muốn gặp mình, thuở đó TTH bắt đầu được coi trọng, có chân đứng trong xã hội và trở thành thời thượng trong giới trí thức. Vị sáng lập thứ ba là William Q. Judge từ Hoa Kỳ trên đường sang Ấn cũng ghé lại Pháp làm việc với HPB vài tháng, còn chính bà viết về điều này như sau:
– Ông được lệnh của chân sư dừng chân ở đây để giúp tôi viết bộ The Secret Doctrine.
Tới Marseilles, hai vị HPB và ông Olcott đi Nice và là khách của công nương Caithness (nữ công tước Pomar) tại biệt thự của bà, về sau nhân vật này lên Paris ngụ tại đây và thành lập một chi nhánh của Hội TTH. Từ Nice, hai vị sáng lập đi Paris gặp Mohini và ông Judge ở đó. Bốn người cư ngụ tại số 46 đường Notre Dame des Champs do công nương Caithness mời, và đây là nơi làm việc của HPB trong suốt thời gian bà ở Paris.
Những tờ báo lớn tại Paris tỏ ra rất quan tâm đến hoạt động của hội viên TTH, ngày 1-4, 1884 tờ Le Rappel của văn hào Victor Hugo có đăng một bài ba cột về sự phổ biến của TTH, ngày hôm sau tờ Le Temps cũng có bài. Ngày 21-4, tờ Le Matin viết bài nửa cột về việc hội viên khắp nơi tựu về nhóm họp ở Paris. Cùng ngày, tờ British Morning News ở Paris phỏng vấn HPB, loan báo rằng một buổi nói chuyện lớn dành cho bà sẽ được tổ chức vào ngày 10-5, tại một trong những biệt thự lộng lẫy của công nương Caithness ở khu Faubourg St Germain tại Paris.
Trong lúc HPB và ông Olcott ở tại Âu châu, tại Ấn ban kiểm soát sa thải ông bà Coulomb vì có hành vi lầm lỗi, trong đó có một cáo buộc là đã lạm dụng quỹ của Hội. Hai ông bà tức giận và đi tới nhóm các nhà truyền giáo Thiên Chúa giáo (thuộc chi phái Presbytarian) tại Madras. Sau đó nhóm này loan báo là hai ông bà thú nhận đã trợ giúp HPB trong việc tạo ra nhiều hiện tượng giả mạo. Bà Coulomb cũng nói là khi quen biết HPB ở Cairo, bà khám phá HPB là người có đạo đức thấp (xin so lại với bài viết của bà năm 1879 ở trên).

HPB và ông Olcottcott qua ở Âu châu bẩy tháng trong năm 1884, đi nhiều nước để lo công việc Hội mà chủ yếu là tại hai nước Pháp và Anh. Ta sẽ dùng nhiều nguồn tài liệu để tìm hiểu những gì xẩy ra thời gian này:
HPB, Sylvia Cranston
My Guest - HPB. Francesca Arundale,
Reminiscences of HPB, Bertram Keightley.
Hai vị sáng lập có chương trình thật bận rộn tại Âu châu, nơi nào họ đến cũng được nhiều người muốn tới gặp và trò chuyện. Lên tới Paris không lâu, ông Olcottcott rời nơi này đi London, và xếp đặt để mở buổi họp cho chi bộ London ngày 7 tháng tư, nhằm giải quyết tranh chấp giữa hai nhóm hội viên ủng hộ hai khuynh hướng khác nhau, một bên muốn học hỏi triết lý Đông phương ông Sinnett trình bầy trong quyển Esoteric Buddhism, bên kia thiên về triết lý Thiên Chúa giáo bí truyền, với chi trưởng là bác sĩ Anna Kingsford trưng ra trong các tác phẩm của bà. HPB cũng được mời nhưng từ chối không đi.
Tối hôm trước ngày họp, bà và ông Judge ngồi nói chuyện tại Paris, ông viết:
– Trong lúc đàm luận, tôi cảm được dấu hiệu khi xưa mỗi lần có thư của Chân sư, và thấy bà đang lắng nghe. Bà nói:
– Ông Judge  này, Chân sư kêu tôi thử đoán xem việc lạ lùng nhất mà ngài có thể ra lệnh lúc này là gì ?
Tôi đáp:
– Là bà Kingsford được bầu làm chi trưởng.
– Thử chuyện khác đi, bà nói.
– Là bà được lệnh đi London.
Quả đúng vậy, ngài ra lệnh cho bà lấy vé tầu tốc hành lúc 7.45, và cho giờ chính xác những chặng tầu ngừng tại các trạm khác nhau và giờ tầu đến London. Những giờ này đều đúng mà chúng tôi không có thời biểu trong nhà. Bà không thích lệnh một chút nào và tôi có thể nói rằng với sức khỏe kém, thân hình dềnh dàng, chuyến đi rất cực nhọc cho bà. Nhưng tôi đưa bà ra ga, lên tầu và an vị, bà chỉ mang theo một túi xách tay nhỏ.
Suốt trong lúc ấy bà thú thật không hiểu tại sao lại có lệnh như thế, vì hội viên tại London có thể nghĩ bà làm vậy để tăng ảnh hưởng sau khi đã từ chối không đi, còn ông Olcott chắc chắn sẽ la lối khi gặp bà.

(còn tiếp)  

Geese