H.P.B. (Helena Petrovna Blavatsky)

 

(PST 58)

Ông Sinnett ghi:
– HPB trả lời rằng làm vậy rất khó nhưng nếu chúng tôi muốn thì bà sẽ thử, lập tức ai nấy chú ý ngay. Bà đi ra xa một chút chỗ chúng tôi đang ngồi, trong vòng bán kính khoảng 12 thước với tâm là chiếc thảm trải để ăn picnic. Tôi dõi mắt theo bà rất sát, muốn biết rồi sự thể diễn tiến ra sao. Bà đánh dấu một chỗ trên mặt đất và gọi một ông trong nhóm mang con dao tới để đào. Nơi được chọn nằm ở bìa bờ dốc nhỏ, cỏ mọc phủ đầy xen lẫn với bụi cây nhỏ. Thiếu tá Philip Henderson mang dao tới, đầu tiên ông phạt đám cỏ với chút khó khăn vì rễ cứng và mọc đan lẫn vào nhau rối nùi. Ông dùng dao chặt đám rễ và xới đất, lấy tay bới chúng sang bên để cuối cùng, đụng vào cạnh của một vật trắng mà khi đào ra hết thì đấy là tách trà muốn có.
Đào thêm một chút thì tới chiếc đĩa đi kèm với tách. Cả hai vật nằm trong đám rễ lan ra khắp nơi trong đất, làm như rễ mọc quanh hai món; tách và đĩa có mẫu y hệt như bộ tách từ nhà mang đi tới chỗ picnic, và khi chúng tôi trở về nhà thì chúng thành bộ đĩa tách thứ bẩy dùng cho buổi điểm tâm. Buổi chiều khi quay về, vợ tôi là người vào nhà trước tiên và hỏi ngay ông bếp là nhà có bao nhiêu tách đĩa đặc biệt thuộc loại ấy. Bộ tách này đã cũ và trải qua nhiều năm nên có mấy chiếc bị vỡ, nhưng ông bếp đáp ngay là tất cả còn lại chín tách. Khi lấy ra đếm lại thì quả đúng vậy, chưa kể đến chiếc tách đào lên. Vậy là có mười chiếc tất cả, còn nói về mẫu trên tách thì nó có chút đặc biệt, chúng tôi mua nhiều năm về trước ở London nên chắc chắn không thể nào có kiểu tương tự ở Simla.
Thiếu tá Henderson rất thú vị với chuyện này nên trong cuộc bàn luận sau đó, có người đề nghị là ông gia nhập Hội ngay khi ấy tại đây. Ông nhận lời tức khắc, nhưng cần phải có bằng hội viên. Liệu HPB có thể dùng khả năng để mang bằng tới đây chăng ? Bà cho chúng tôi hay là bằng sẽ được gửi tới và mô tả là sẽ có nhiều vòng dây quấn quanh tờ giấy, nằm trong đám dây leo. Nếu đi kiếm chúng tôi sẽ tìm thấy nó trong rừng quanh đây, nhưng bằng này là cho ông Henderson nên ông là người sẽ tìm ra vật. Chúng tôi túa ra đi kiếm khắp nơi, trong bụi cây trên mặt đất hoặc trên cây, bất cứ chỗ nào và ông Henderson tìm ra cuộn giấy gói lại y như lời mô tả. Tấm bằng ghi tên thiếu tá Philip D. Henderson là hội viên, có một lá thư viết bằng mẫu thư của Hội với tiêu đề, và với bút tự và chữ ký của ông Olcott làm ông sửng sốt kinh ngạc.

Một lúc sau chúng tôi dời chỗ xuống khoảng rừng thấp hơn, nơi có một nhà nghỉ là cái am Tây Tạng. Cả bọn giải trí bằng cách đi thăm trong ngoài cái am, HPB nhận xét là am thấm đẫm từ lực tốt lành, và rồi khi nằm dài trên cỏ ngoài am, có ai đó muốn uống thêm cà phê. Người giúp việc được kêu làm cà phê nhưng họ đã dùng hết nước. Nước suối ở Simla không dùng được để pha cà phê, mỗi khi đi picnic như thế này người ta phải luôn luôn mang theo nước lọc trong chai. Có vẻ như tất cả những chai nước mang theo trong giỏ đã hết sạch, vì người giúp việc lục giỏ ra để kiếm thì chỉ toàn là chai trống.
Chuyện duy nhất phải làm là tới nhà máy rượu cách đây khoảng 1.5 cây số để xin nước. Tôi viết vài hàng lên mảnh giấy cho người giúp việc cầm đi với mấy chai không. Thời gian trôi qua, họ quay lại mà không có nước làm chúng tôi bực bội, lý do là hôm ấy chủ nhật không có người Âu châu nào ở nhà máy rượu để đọc lời ghi trên giấy, mà người giúp việc không sáng dạ, thay vì tìm người hỏi xin nước lại cắp nách chai không đi về.
Mấy người trong bọn tản lần ra, không ai trông mong có phép lạ nữa nhưng khi ấy HPB đột nhiên ngồi dậy, đi lại giỏ cách đó hơn 15 thước, cầm lên một chai trong số những chai không mà người giúp việc mang về. Bà quay người đi lại phía chúng tôi, tay cầm chai nép trong lớp áo, khi bà cười to đưa chai ra thì nó đầy nước. Tôi nếm nước trong chai thấy nó không có vị như nước lọc chúng tôi dùng, mà có vị khác, không giống như nước thủy cục ở Simla, và cũng không giống nước đục có mùi khó chịu trong giòng suối duy nhất chẩy qua vùng rừng này.

Ông Sinnett là ký giả có óc tìm tòi nên phân tích sự việc như sau:
– Nếu cho rằng bộ tách đĩa không do phương tiện huyền bí mà ra thì phải có người chôn chúng trước trong đất. Tôi đã tả cho thấy đặc tính của đất chỗ đào ra hai vật, thấy chắc là nhiều năm nay cây cỏ nơi đây không bị đào xới. Nếu cho rằng có đường hầm đã đào nhằm dấu vật thì thuyết này khó lòng đứng vững, vì đường hầm như thế phải lớn và sẽ để lại dấu vết. Kế nữa không ai biết trước là có đề nghị tạo ra bộ tách đĩa, nó có là do sự thể ngay tại chỗ vào lúc đó; nếu không có thêm người nhập bọn với chúng tôi vào phút chót thì số tách đĩa mang theo sẽ đủ, và không ai bận tâm đến việc này. Thêm vào đó người giúp việc là tác nhân chọn tách đĩa mang theo mà không người khách nào biết, họ có thể chọn bất cứ loại nào.
Nói thêm về văn bằng hội viên, để giải thích hiện tượng ta ghi lời thuật của ông Olcott:
Khi bà Blavasky và tôi viếng thăm tiểu bang Baroda vào năm 1882, hai hội viên là chánh án Gadgil và ông Kirtane hỏi HPB cách in chữ vào giấy như thế. Bà giải thích là do việc hình ảnh của mọi vật và mọi sự việc được lưu trữ trong cõi tình cảm, bà không cần phải thấy người nào hay biết cách viết, hình ảnh mà bà muốn in; bà chỉ cần biết manh mối là có thể tìm, quan sát chúng và rồi khiến chúng thành hình. Hai người năn nỉ xin bà làm thí dụ cho thấy, cuối cùng bà xiêu lòng và bảo:
–  Vậy thì, cho tôi tên của ai không có thiện cảm chút nào với Hội TTH, ai mà cả ông Olcott và tôi không hề quen biết.
Ngay lập tức hai người nói tên ông X, Công sứ người Anh, rất là không ưa Hội và hễ có dịp là nói xấu hai chúng tôi. HPB lấy một tờ giấy trên bàn, kêu hai ông làm dấu. Khi cầm lại tờ giấy bà nói:
–  Bây giờ xin hai ông chỉ hướng nhà của ông X.
Họ cho bà hay, HPB trải giấy ra lòng hai bàn tay nằm ngửa, yên lặng một chút rồi đưa tờ giấy cho hai người, còn bà thì đi ra chỗ khác, ngồi xuống. Hai ông reo lên kinh ngạc khi thấy tờ giấy trắng ban đầu nay là bức thư gửi cho ông Olcott, với bút tự và chữ ký là của ông X. Chữ viết rất đặc biệt, nét nhỏ, còn chữ ký thì giống cuộn dây rối nhỏ hơn là tên người. Tôi nghĩ hai ông Gadgil và Kirtane hẳn phải phá ra cười khi đọc bức thư. Thư viết 'Đại tá Olcott quý mến,' xin tôi thứ lỗi cho những lời dèm xiểm ông đã nói về hai chúng tôi, muốn tôi ghi tên ông vào danh sách người mua 'tờ tạp chí The Theosophist nổi tiếng khắp thế giới' và ghi là ông muốn thành hội viên của Hội TTH. Cuối thư là câu 'Thành thật kính chào' với tên của ông. HPB không hề thấy giòng chữ viết tay nào hay chữ ký của ông X, chưa hề gặp ông trong đời, vậy mà thư được in vào tờ giấy nằm giữa hai bàn tay của bà, khi bà đứng ở giữa phòng trời ban ngày sáng trưng, có ba nhân chứng quan sát.  

Trở lại chuyến đi Simla năm 1880, ông Olcott có cơ hội nói chuyện cởi mở với chính phủ thuộc địa của Anh, yêu cầu họ rút lại các nhân viên mật vụ luôn theo sát chân hai người. Chẳng những chánh phủ chịu làm vậy mà còn lợi dụng sự có mặt của HPB, kêu bà dịch giùm một số văn kiện và thư từ tiếng Nga sang tiếng Anh.
Thời gian ở Simla kỳ này của HPB là những buổi liên tục thăm viếng, picnic, và nói chung là được  lắm người quý chuộng. Điều hấp dẫn họ dĩ nhiên là hy vọng được chứng kiến việc bà sử dụng quyền năng huyền bí, và không có mấy ai mà không được thỏa mãn. Vào chiều tối cùng ngày xẩy ra việc hóa tách và đĩa trong buổi picnic, ông bà Sinnett và hai vị theo lời mời trước đó của ông bà Hume, đến nhà của hai người sau để ăn tối cùng một số khách khác. Họ ngồi ở bàn tròn, đa số khách đã chứng kiến nhiều hiện tượng huyền bí với sự hiện diện của HPB nên câu chuyện ở bàn ăn hướng về điều ấy, và rồi bà Blavatsky hỏi bà Hume có muốn ước điều chi đặc biệt. Mới đầu bà Hume ngần ngừ, sau một chút bà nói là đặc biệt muốn nhận một vật là món nữ trang nhỏ đã có hồi trước, nhưng cho con gái từ lâu và cô đã làm mất.
Khi ấy HPB bảo nếu bà Hume tượng hình trong trí thật rõ ràng vật ấy, bà sẽ tìm cách đem nó tới đây. Bà Hume đáp mình nhớ như in món nữ trang, và tả nó là chiếc kim cài áo (brooch) kiểu xưa hình tròn cẩn ngọc trai; và vẽ hình khi được yêu cầu. Lúc đó bà Blavatsky lấy một đồng tiền treo ở dây chuỗi đồng hồ của mình, gói nó trong hai miếng giấy quấn thuốc lá và bỏ vào áo mình, đồng thời nói rằng bà hy vọng sẽ có được chiếc kim cài áo tối nay.
Xong bữa ăn, HPB cho bà Hume hay là tờ giấy gói đồng tiền đã biến mất. Một lúc sau ở phòng khách bà nói vật sẽ không được mang vào phòng mà phải ra ngoài vườn tìm; khách đi theo bà túa ra vườn và HPB bảo bà nhìn bằng thông nhãn thấy chiếc kim cài áo rơi vào khoảng hoa trồng theo luống có hình ngôi sao. Ông Hume dẫn cả bọn ra chỗ ấy ở phía ngoài xa khu vườn. Người ta tìm lâu, soi đèn kỹ lưỡng và cuối cùng bà Sinnett thấy một gói giấy nhỏ là hai miếng quyến quấn thuốc nằm trong đám lá. Họ mở ngay tại chỗ và thấy món nữ trang y như bà Hume đã mô tả trước đây, và bà xác nhận đó là vật bà đã mất
Không ai trong số khách đến ăn tối trước đây đã thấy hay nghe nói về vật, trừ ông bà Hume; về phần hai người thì ông Hume từ nhiều năm nay không hề nghĩ đến nó, bà Hume thì chưa cho ai hay từ khi mất món nữ trang, cũng như từ lâu bà không nhớ tới vật. Sau khi tìm thấy, bà mới nói rằng chỉ khi HPB hỏi bà có muốn điều gì chăng thì trí mới bật nhớ món nữ trang là quà tặng của mẹ bà. Tưởng nên nói thêm là con gái bà Hume cho hay cách đó một năm, trên đường về Anh cô có dừng lại ở Bombay là nơi HPB lúc đó đang cư ngụ, nhưng khi ấy cô đã mất chiếc kim cài áo từ lâu và cũng không hề gặp HPB. Dầu vậy, khi câu chuyện được tiết lộ thì nhiều lời chỉ trích ngu dốt tuôn đến chín  thực khách hiện diện, nói rằng đấy chẳng qua là sự khéo léo  tráo tay.

Ngày 13 tháng mười, ông P.J.Maitland, một trong chín thực khách của bữa ăn tối tại nhà ông Hume ở trên, kể chuyện sau.
–  Tôi ngồi nói chuyện một mình với hai vị tại phòng khách nhà ông Sinnett ở Simla. Sau khi bàn về nhiều chuyện, bà Blavatsky nói rằng bà muốn làm thử một thí nghiệm theo cách mà ông Sinnett đã đề nghị. Bà lấy hai miếng giấy quyến để vấn thuốc lá trong túi ra, dùng viết chì gạch nhiều lằn song song làm dấu trên mỗi miếng, rồi xé một mảnh ở đầu mỗi miếng giấy đưa cho tôi. Lúc đó bà ngồi gần tôi còn tôi thì chăm chú theo dõi cách bà làm, mắt tôi không cách tay bà hơn 60 cm. Bà không chịu cho tôi làm dấu trên giấy hay xé nó, bảo rằng người khác mà làm thì giấy có nhiễm từ lực của họ và chỏi lại với từ lực của bà.
Dầu vậy, hai mảnh giấy xé ra được đưa thẳng cho tôi, và tôi không thấy có cách chi để tráo với những mẫu giấy khác. Đó là điểm then chốt để bảo đảm là hiện tượng ngay thật hay không; hai mảnh xé ra nằm trong lòng bàn tay trái tôi, nắm chặt lại trong suốt cuộc thí nghiệm cho tới khi xong. Nói về hai miếng lớn hơn, bà Blavatsky quấn thành hai điếu thuốc, đưa điếu thứ nhất cho tôi cầm trong lúc bà quấn điếu thứ hai. Tôi xem xét điếu thuốc trong tay rất kỹ để có thể nhận ra nó sau này.
Quấn thuốc xong, HPB đứng dậy cầm hai điếu thuốc trong tay và xoa tay với nhau. Tiếng giấy cọ sát mới đầu nghe rất rõ, nhưng sau chừng 20, 30 giây thì ngưng hẳn và bà nói:
–  Dòng từ lực đi vòng qua cuối phòng, tôi chỉ có thể gửi điếu thuốc ở gần đây thôi.
Lý thuyết là dòng từ lực có thể tạo ra để chuyên chở vật được phân tán trước đó theo lực đến bất cứ chỗ nào, bất kể có vật chất nhiều ít ngăn trở ra sao. Một lát sau bà cho hay một điếu rơi trên đàn dương cầm, điếu kia rới gần cái giá. Tôi ngồi trên ghế trường kỷ lưng dựa vào tường, cây đàn nằm đối diện và cái giá có đặt vài món đồ sứ đứng ở bên phải, giữa cây đàn và khung cửa. Ta nhìn thấy cả hai rất rõ ngang qua căn phòng hơi hẹp. Mặt đàn có chất đống những tập nhạc và bà Blavatsky nghĩ là điếu thuốc rơi trong ấy.
Tôi lấy ra từng tập nhạc một để qua bên mà không thấy gì, bèn mở nắp cây đàn và thấy điếu thuốc lá nằm trên miếng gie nhỏ bên trong. Tôi lấy điếu này ra và nhận biết nó là điếu tôi đã giữ trong tay. Điếu thuốc kia được tìm thấy trong cái tách đậy kín trên giá. Cả hai điếu vẫn còn ẩm ở mép khi được thấm ướt để vấn thuốc. Tôi đem chúng ra bàn mà không cho bà Blavatsky hay ông Olcott thấy và do đó không sờ vào được; khi banh ra phẳng phiu, đường xé lồi lõm thấy ăn khít với hai mảnh giấy mà tôi luôn luôn giữ trong tay, những nét bút chì làm dấu cũng ráp y hệt. Như vậy có vẻ hai miếng giấy gói thuốc đúng là hai miếng mà tôi đã thấy xé ra. Tôi vẫn còn giữ chúng, nói thêm thì đại tá Olcott ngồi gần tôi trong lúc làm thí nghiệm, lưng ông quay về bà Blavatsky và ông ngồi yên không xê dịch cho tới khi xong.

Ngày 29 tháng mười 1880, ta có một hiện tượng khác. Đêm hôm trước, ông Sinnett tin là chân sư KH đã đến nói chuyện cùng mình. Sáng hôm sau, ông nhận được một thư của ngài trên bàn ở phòng ngoài, hứa là sẽ cho ông một vật trên đồi – lúc cả nhóm đi ăn trưa – như là bằng cớ cho sự hiện diện của ngài gần ông đêm qua. Nhóm gồm năm người, ông bà Sinnett, hai vị, bà Alice Gordon, lên một đỉnh đồi gần đó. Nay theo lời thuật của ông Sinnett:
– Trong bữa ăn, HPB cho hay đức KH hỏi chúng tôi muốn có vật mà ngài sẽ gửi cho tôi đặt ở đâu. Từ đầu tới phút này không hề có nói gì về hiện tượng mà tôi đang đợi, mà chỉ là trong lúc đang nói chuyện khác thì HPB đưa ra câu hỏi trên, và không đóng góp lời nào vào chuyện.
Thực vậy, không có chút bàn luận gì và hoàn toàn ngẫu nhiên mà tôi có chọn lựa sau. Ngẫm nghĩ một lát tôi nói:
–  Trong cái gối kia, chỉ tay vào một cái gối mà một bà đang ngồi đó dựa vào. Tôi vừa nói xong thì nhà tôi kêu lên.
–  Ồ không, trong gối của em này.
Tôi nói.
–  Được lắm, xin cho trong gối của nhà tôi.
Điều này được ưng thuận và như thế, nó cho thấy tôi được tự do chọn lựa mà không có điều kiện nào đặt ra. Tôi muốn có trong cái gối vì phút ấy chợt để mắt tới nó, và rồi vợ tôi thêm ý, đổi lại yêu cầu của tôi và làm sự việc hay hơn, vì gối được chọn không hề rời khỏi nhà tôi từ sáng đến giờ. Đó là gối dựa thường ngày trong cáng, bà luôn luôn dựa vào nó trên đường về hay ra khỏi nhà, khi cáng được khiêng lên tận đỉnh đồi. Về cái gối thì nó bằng nhung nén chặt cứng, có trong nhà bao nhiêu năm nay. Hễ ở nhà thì gối đặt ở phòng khách nằm sờ sờ trong góc chiếc trường kỷ, khi nhà tôi đi ra ngoài thì nó được mang vào cáng, và khi trở về sẽ lại theo chân nhà tôi.
Khi đã thỏa thuận về cái gối, nhà tôi được kêu đặt nó bên dưới tấm thảm của bà. Bà tự tay mình làm vậy, bên trong chiếc cáng. Nó nằm trong đó chừng một phút xong bà Blavatsky cho hay chúng tôi có thể tháo gối ra. Tôi lấy con dao bỏ túi rọc đường may áo gối, việc này phải mất thì giờ một chút vì đường may quanh gối được may rất kỹ, rất chắc, phải tháo từng mũi một, không xé được. Lúc một bên của áo gối đã gỡ xong, chúng tôi thấy lông dồn gối nằm trong một túi riêng cũng may kín bốn bề. Giữa túi này và áo gối không thấy có gì cả, thành ra chúng tôi lại tháo túi gối và khi làm xong, nhà tôi lục trong đám lông chim dồn gối.
Vật đầu tiên bà tìm ra là mẫu giấy ba góc, đề tên tôi với nét chữ nay đã quen thuộc của Vị trao đổi với tôi. Thư như sau:

Bạn thân mến,
Chiếc kim cài áo thứ hai này được đặt trong chỗ rất lạ lùng chỉ để cho bạn thấy tạo ra hiện tượng thực là việc rất dễ làm, và nghi ngờ nó lại càng dễ hơn nữa.
Tôi sẽ tìm cách giải quyết điều khó khăn bạn nói tối qua về cách trao đổi thư từ của chúng ta. Bạn sẽ nhận được một địa chỉ mà bạn có thể dùng luôn, tức là trừ phi bạn thật tình muốn liên lạc qua gối.
Koot Hoomi Lal Sing.

Trong lúc tôi đọc thư này, nhà tôi lục thêm trong đám lông và thấy chiếc kim cài áo của bà nói trong thư. Kim này rất quen và rất xưa mà nhà tôi thường để trên bàn phấn khi không dùng. Người ta có thể cho rằng không chừng bà Blavatsky đã mó tay vào gối, nhưng tôi chỉ nhắc đến chuyện tối qua vào lúc ăn sáng hôm nay, và từ lúc thức dậy HPB không hề rời khỏi mắt chúng tôi, ngồi nói chuyện với nhà tôi ở phòng khách. Bà phải làm vậy ngược với ý của mình vì bà muốn ở trong phòng viết bài, nhưng được chân sư dặn đi ra ngồi ở phòng khách với nhà tôi buổi sáng. HPB vâng theo lời mà lầu bầu vì công việc bị gián đoạn, và không biết tại sao phải làm thế. Về sau thì lý do thật rõ ràng, có liên quan đến hiện tượng, là phải sao cho chúng tôi không có chút nghi ngờ nào là bà đã làm gì trong buổi sáng, để xác định rằng hiện tượng quả chân thật.
Lẽ tự nhiên nếu biết trước là sẽ chọn cái gối thì không cần phải phiền tới 'Lão Phu Nhân' là tiếng chúng tôi gọi HPB. Việc nhà tôi có gối cạnh mình suốt buổi sáng là đủ, nhưng tôi được cho tự do chọn lựa chỗ để đặt chiếc kim cài áo, và không ai kể cả tôi nghĩ ra trước tới cái gối.

Hiện tượng chót ta ghi ra đây do bà Alice Gordon cho biết.
–  Một buổi sáng mùa hè 1880, tôi tới thăm HPB tại nhà của ông bà Sinnett mà không có hẹn trước, gặp bà một mình trong phòng. Câu chuyện quay sang các hiện tượng và tôi hỏi bà có thể gửi gì cho chồng tôi hay tôi bây giờ, sau khi tôi về nhà. Bà đáp là không thể làm được, vì phải biết nơi chốn để hướng tư tưởng đến đó, nhưng thêm rằng vì tôi không hề làm phiền bà để được thấy hiện tượng, bà muốn làm một chuyện cho tôi. Đột nhiên bà nhớ là hồi sáng có đi nha sĩ nên đề nghị là sẽ gửi một điếu thuốc tới đó, nếu tôi đi thẳng lại chỗ này và lấy vật; tôi gật đầu ưng thuận.
HPB lấy ra miếng giấy quyến giữa ban ngày sáng rõ, tôi đứng thật gần quan sát. Bà xé một góc đưa cho tôi, bảo giữ kỹ và tôi nghe theo, cất ngay mảnh giấy vào túi nhỏ. Bà quấn điếu thuốc với miếng giấy kia và sắp sửa lấy hai  tay vò điếu thuốc  thì nẩy ra ý làm một thí nghiệm mới. Bà nói:
–  Thử coi, nếu không được thì cũng chẳng sao vì hiện tượng này là cho bà.
Thế thì bà cho điếu thuốc vào lửa. Vài giây sau HPB bảo xong rồi, cho tôi hay tìm nó ở đâu. Lập tức tôi đi về nhà và làm bạn bè kinh ngạc khi bảo họ tìm điếu thuốc dưới khăn bàn trong một căn phòng, và y như rằng chúng tôi kiếm ra điếu thuốc. Lúc mở giấy vấn thuốc và so sánh nó với mảnh giấy tôi mang theo người, chúng ăn khớp hoàn toàn với nhau. Dĩ nhiên nghe thì có vẻ như trò ảo thuật, nhưng tôi tin chắc là đã chứng kiến thấy mảnh giấy mà tôi giữ, được xé từ chính miếng giấy quyến vấn điếu thuốc.

Bà Alice Gordon thuật tiếp.

– Hẳn bạn đã đọc về tiếng chuông reo ở cõi thanh. Tôi nghe được nhiều lần hiện tượng này khi có mặt bà Blavatsky, trong nhà cũng như ngoài trời. Âm thanh gần giống tiếng chuông nhất là tiếng phát ra khi gõ nhẹ vào ly rượu thủy tinh mỏng, cho ra tiếng nhạc trong. Đôi khi có nhiều tiếng nối nhau tạo thành âm điệu. Tôi nhớ có lần một ông đi vào phòng kế bên phòng HPB đang ngồi, ở đó ông cũng nghe được tiếng chuông reo. Vào thời điểm đó gần như ngày nào cũng có hiện tượng xẩy ra, và chúng tôi hầu như luôn luôn chờ đợi là có gì đó sẽ tới.
Một hôm đột nhiên tôi nẩy ra ý là nên viết cho đức KH, làm như chúng tôi biết chân sư rất rõ vì có nhiều thư từ qua lại với ngài. Thế thì tôi viết thư, cầm nó thẳng vào phòng bà và hỏi liệu ngài có thể lấy thư ? Tôi thú thật là không mong ngài làm vậy. HPB đáp là bà không biết. Tôi mới cho bà xem phong bì có chứa bức thư của tôi đã viết, và bà bảo tôi đặt nó dưới tấm khăn trải bàn ở chỗ bà hằng ngồi viết, để xem coi thư có được lấy đi. Tôi làm như lời.
Trong phòng không có ai ngoài hai chúng tôi, rồi bà đề nghị là tôi không nên rời mắt khỏi bà, và tôi theo sát y vậy. Chúng tôi đi ăn trưa, khi quay trở lại bà kêu tôi nhìn bên dưới tấm khăn. Bức thư của tôi đã biến mất. Tôi được thư trả lời của đức KH nhưng do bà trao lại. Tôi tin là thư được mang đi một cách huyền bí tuy với người ngoài cuộc thì chứng cớ không rõ ràng cho lắm.

Trong số 57 ta có thuật  HPB tạo hiện tượng trên chiếc khăn tay cho anh Ross Scott năm 1879, một chuyện tương tự cũng diễn ra năm sau. Vào tháng năm 1880, từ Bombay hai vị đi tầu SS Ellora sang Colombo, Tích Lan. Theo lời thuật của một nhân chứng, chuyện vui trong chuyến đi này là ông thủy thủ trưởng bị chọc cho khổ sở vì HPB. Ông người Scotch (Tô Cách Lan), to lớn vạm vỡ, mà cũng vụng về, râu tóc đỏ hoe, không ưa bất cứ điều gì khác với đạo Tin Lành của ông.
Ngay từ phút đầu tiên sau khi rời cảng Bombay, ông đã tranh cãi với HPB để rồi cuối cùng tuyên bố rõ ràng bà là con của Cha Nói Dối, và thêm rằng vì tầu chở người hư hỏng như thế, ông cầu trời cho tầu tới bến bình an. Về phần ông, ông nghi không được vậy nhưng cầu thì vẫn hay hơn. Nghe ông thủy thủ bộc trực nói thế chỉ làm HPB phá ra cười lớn. Cuối cùng, một tối khi hành khách ngồi uống cà phê sau bữa cơm chiều, bà nói với ông rằng đã chán tính cứng đầu cứng cổ của ông, không chịu tin là bà có quyền năng dùng những luật thiên nhiên giúp bà làm điều mà ông gọi là trò ảo thuật, và bà sẽ dạy cho ông ngay ở đây trong lúc này phải ăn nói giữ gìn hơn.
–  Tốt lắm, thưa bà, bà cứ làm đi, nếu được. Tôi xin đợi đây. Ông trả lời với vẻ chê bai.
–  Ông có khăn tay trong túi không ? bà hỏi.
Viên thủy thủ cởi nút áo khoác và đưa cho bà chiếc khăn tay bằng vải trơn, có đường viền nhỏ mầu xanh dương.
Bà Blavatsky thảy khăn lên bàn trước mặt mình, gạt đĩa thức ăn, ly cà phê, ly nước qua bên, rồi kéo ghế thật sát vào bàn. Nhân chứng ngồi ngay cạnh bà, theo dõi hết sức thích thú; những người khác cũng vậy, còn ông thủy thủ trưởng ngồi ở cuối bàn cách chỉ hơn một thước, nhìn với vẻ khinh mạn hiện rõ trên nét mặt dãi dầu.

Sau khi gạt hết mọi vật qua bên không còn gì trước mặt, bà chống hai cùi chỏ lên cạnh bạn, nhặt chiếc khăn lên cuộn tròn lại thật nhỏ. Xong bà bóp nó trong hai nắm tay mạnh đến nỗi mặt đỏ bừng lên tới nỗi gần như tím lại. Mồ hôi đắt đầu lấm tấm trên trán và chẩy xuống mặt và cổ, nhưng bà vẫn tiếp tục bóp chặt rồi chặt hơn nữa, đôi mắt nhắm nghiền; chúng tôi nhìn bà thấy nét mặt lộ vẻ đau đớn, mầu sắc trên khuôn mặt dần dần biến đi cho tới lúc bà nhợt nhạt như xác chết.
Tôi đoán trọn sự việc diễn ra trong vòng hai phút, không hơn, và rồi bà mở tay, miệng há to như thể cổ họng bị khát khô cháy. Đại tá Olcott ra hiệu cho chúng tôi yên lặng và trong một chập bà mở mắt ra, gương mặt có sắc trở lại. Bà cố gắng lên tiếng nhưng chỉ nói thì thào:
–  Đưa nó cho ông ta.
cùng lúc ấy chỉ vào chiếc khăn tay. Nó được đưa cho ông thủy thủ người Tô Cách Lan, ông có vẻ lo ngại khi mở khăn nhưng vô cùng kinh ngạc khi thấy tên của mình được thêu tuyệt xảo ngay ở giữa khăn. Chữ thêu bằng lụa trắng, nằm trong vòng tròn mầu xanh dương nhạt cùng mầu với đường viền khăn; đường kính vòng tròn là khoảng năm phân.
Viên thủy thủ trưởng nhìn chăm chú vào chữ thêu trong một chốc, rồi ngẩng lên nhìn vào gương mặt nhạt sắc nhưng đắc thắng của HPB, bà cũng đang hướng vào ông với đôi mắt sáng ngời. Ông chửi thề thật to rồi bỏ đi về phòng ở mũi tầu. Trong suốt thời gian còn lại của chuyến đi ông không hề đến gần bà, nói chuyện với bà, hay không ngồi vào cùng bàn khi HPB đã ngồi đó rồi, và điều duy nhất mà ông nói về chuyện này là nhắc lại hy vọng rằng nhờ Trời tầu sẽ an toàn đến Tích Lan.

Cũng trên tầu này, ông Olcott thuật một chuyện khác liên quan đến khả năng lạ lùng của HPB.
– Vị thuyền trưởng già của tầu là người mập mạp, vui tánh, không tin tưởng gì vào chuyện tinh thần lẫn vật chất. Ông hay nói đùa với HPB về quan điểm của chúng tôi một cách ngây ngô thật đáng tội, nên chúng tôi chỉ biết cười mà thôi. Một hôm bà ngồi chơi bài một mình là thú tiêu khiển ưa thích của bà, vị thuyền trưởng ghé lại trong lúc bà trầm ngâm và thách bà bói bài để nói về tương lai của ông.
Mới đầu bà từ chối nhưng cuối cùng ưng thuận, kêu ông chia bài và đặt những lá bài lên mặt bàn. HPB nói:
–  Lạ quá, không thể được !
–  Sao ? vị thuyền trưởng hỏi.
–  Điều lá bài tiết lộ. Ông chia nữa đi.
Ông làm theo lời với kết quả có vẻ cũng y vậy, bởi HPB nói lá bài tiên đoán chuyện không có nghĩa gì cả nên bà không muốn nói cho ông nghe. Nhưng thuyền trưởng cứ hỏi tới, bất đắc dĩ bà nói rằng các lá bài cho hay ông không đi biển lâu nữa mà sẽ được đề nghị làm việc trong đất liền, và sẽ rời nghề hàng hải. Vị thuyền trưởng to lớn la to với lời tiên đoán, bảo HPB nó đúng như ông mong mỏi. Ông không muốn gì hơn là được rời nghề đi biển, nhưng không nghĩ mình sẽ được may mắn như vậy. Không ai nói gì thêm ngoài việc thuyền trưởng thuật lại lời tiên đoán cho người phụ tá, rồi từ đây lan ra thành chuyện cười cho cả tầu. Nhưng sau đó là hồi hai của việc.
Một hay hai tháng sau khi chúng tôi trở về Bombay, HPB nhận được thư của thuyền trưởng Wickes, ghi rằng ông cần xin lỗi bà đối với cách xử sự của ông về việc bói bài, và phải thành thật khai rằng lời tiên đoán đã thành sự thật đúng nghĩa. Sau khi thả chúng tôi xuống Tích Lan, ông tiếp tục chuyến hải hành tới Calcutta. Khi đến nơi, ông được bổ nhiệm làm Cảng Trưởng tại Karwar (tôi tin là ở Mangalore), ông nhận lời và trở về với tư cách là hành khách trên chính tầu của mình !
Ông Olcott nhận xét rằng tuy có khả năng như vậy, HPB không hề tiên đoán bất cứ chuyện không may nào xẩy đến cho bà do bạn bè phản bội hoặc kẻ thù ác tâm. Nếu có thì bà không hề kể cho ông hay bất cứ ai khác nghe. Ngược lại, có lần bà bị trộm lấy mất vật mà bà quí chuộng ở Bombay, nhưng bà không tìm ra được kẻ trộm mà khi kêu cảnh sát tới thì cũng không giúp gì được cho họ. Có chuyện ấy vì HPB theo sát nguyên tắc của chánh đạo là quyền năng chỉ để dùng cho người mà không cho chính mình.
Ta có thể thắc mắc việc HPB có khả năng huyền bí lại làm bạn với những người mà về sau trở thành kẻ thù, bà giải thích bằng cách trích lời của triết gia Seneca:
–  Người ta có lỗi nếu tỏ ra không biết ơn, nhưng tôi sẽ có lỗi nếu không cho ra tình bạn. Muốn có ai là người biết ơn thì tôi phải tỏ tình bạn với nhiều người không có lòng này.

Tới đây ta cần dừng lại để trả lời hai câu hỏi quan trọng, là HPB thực hiện phép lạ để làm gì, và chúng được thực hiện ra sao. Với câu hỏi đầu, trí năng nếu không có phần tinh thần hướng dẫn có thể đưa con người lạc lối, là chìm đắm trong cõi vật chất thay vì vươn lên cõi cao; tinh thần khoa học đang lớn mạnh của tây phương vào cuối thế kỷ 19 trụ chính yếu vào thế giới hữu hình của ngũ quan, bác bỏ thế giới vô hình cùng những quyền năng ẩn tàng trong con người. Để chữa lại sự thiếu hiểu biết ấy, khi có quan điểm cho rằng những quyền năng yoga chỉ là thứ yếu, HPB trả lời:
–  Phải lắm, nếu nói về mặt hiện tượng. Nhưng ta nên nhớ rằng Tây phương không biết gì về quyền năng yoga trong con người, và bao lâu mà họ chưa biết thì chưa thể có nghiên cứu khoa học đích thực, nhất là trong ngành tâm lý.
Bà biện luận rằng điều quan trọng là phô diễn cho thấy có thể tạo hiện tượng huyền bí mà không cần phòng tối, vong linh, đồng cốt hay bất cứ những vật dụng lỉnh kỉnh nào. Người đã thấu lẽ đạo không còn màng đến phép lạ, nhưng ai yếu đức tin đôi khi nhờ khích lệ mà vững lòng hơn. Thí dụ là những phép lạ của đức Jesus có tính an ủi, nâng đỡ con người trong buổi ban đầu của Thiên Chúa giáo. Với ai nhận xét rằng HPB lẽ ra không nên tạo hiện tượng, mất thì giờ với chuyện không đáng; để trả lời bà luôn luôn nói rằng vào thời điểm Hội được thành lập, cần phải làm công chúng chú ý đến Hội và hiện tượng giúp đạt mục tiêu này hiệu quả hơn hết. Nếu bà chỉ hoạt động bằng cách giảng dạy triết lý, sẽ có rất ít người chịu tới nghe ...
Các chân sư cũng cho ý kiến rõ ràng về hiện tượng. Khi đó, báo từ London gửi theo đường tầu sang Ấn phải mất nhiều ngày;  ông Sinnett tin chắc rằng nếu chân sư tạo hiện tượng bằng cách mang sang Ấn một tờ báo cùng ngày với báo phát hành ở London, phân nửa dân thành phố London sẽ theo TTH ngay, tuy nhiên đề nghị này bị chân sư KH bác bỏ với lời dạy:
–  Chính vì ý cho rằng thí nghiệm mang báo ở London (sang Ấn) sẽ làm ai hoài nghi ngậm miệng – mà nó thành chuyện không thể làm được ... Giả thử chúng tôi thuận theo ước muốn của bạn, liệu bạn có thật sự biết hậu quả sẽ ra sao khi thành công chăng ? ... Tôi xin nói rằng nếu công chúng tin đây là chuyện thật họ sẽ sát hại bạn ngay trước khi bạn đi được một vòng công viên Hyde Park; còn nếu không tin thì chuyện nhẹ nhất có thể có là bạn sẽ mất uy tín khi rao truyền ý tưởng đó ...
Và khi không có sự hiểu biết trọn vẹn về Akasha, tính chất và các phối hợp của nó, làm sao khoa học mong giải thích được như vậy ? Chúng tôi không tin là khoa học gia của bạn sẽ tin; trước tiên phải phô diễn sự việc cho họ thấy, làm cho chúng trở thành tài sản của họ, thuận theo cách thức xem xét riêng của họ trước khi họ chịu nhìn nhận chúng là sự kiện. Họ sẽ đòi hỏi có thử nghiệm này rồi thử nghiệm kia, và phải làm cho họ thấy, mỗi hiện tượng kế tiếp phải tuyệt vời hơn cái trước đó. Bạn cho rằng không mong ai đó sẽ tin trừ phi họ chính mắt mục kích. Liệu một đời người có đủ để làm thỏa mãn trọn cả thế giới người hoài nghi không ? ...
Cùng với nhiều người khác, bạn trách chúng tôi là quá giữ kín chuyện. Nhưng chúng tôi biết đôi điều về bản tính con người, nhờ kinh nghiệm nhiều thế kỷ dài – phải, bao nhiêu thời đại – đã dạy chúng tôi ... Ta phải thắng thiên kiến của thế giới từng bước một, mà không phải bằng sự ồ ạt.
Thư khác ngài nhấn mạnh:
–  Bạn luôn coi nhẹ ý tưởng một Tình Huynh Đệ Đại Đồng, thắc mắc nó có ích hay không, và đề nghị tổ chức lại Hội theo nguyên tắc một trường chuyên nghiên cứu về huyền bí học. Hỡi bạn và người huynh đệ đáng kính và đáng trọng, không bao giờ sẽ có chuyện ấy !
Chân sư M viết một cách rõ ràng:
–  Hãy cố vượt qua màn ảo ảnh lớn lao mà người khắp nơi học thuật huyền bí luôn luôn được thầy của họ nhắc nhở – là lòng ao ước thấy hiện tượng. Giống như sự thèm rượu và thuốc phiện, nó lớn mạnh thêm khi được thỏa mãn ... Nếu bạn không thể hài lòng khi không có hiện tượng, bạn sẽ không bao giờ học được triết lý của chúng tôi ... nhưng khi chọn minh triết thì với thời gian, tất cả những việc khác sẽ được thêm vào ...
HPB nói thêm:
–  Bạn là trẻ con hay sao mà muốn có điều kỳ diệu ? Bạn có quá ít niềm tin đến nỗi cần phải có kích thích luôn luôn hay sao, như ngọn lửa sắp tàn cần nhiên liệu ! Tất cả các bạn giống như  bao trẻ con chơi đùa với lửa vì nó đẹp, trong khi lẽ ra bạn phải là người lớn học triết lý vì muốn có triết lý mà thôi.
Mạnh mẽ hơn nữa, Đức Maha Chohan, thầy của hai chân sư KH và M, xác định trong bức Thánh thư 1881:
–  Chúng tôi không thể mảng lo dạy một thiểu số người Âu châu –  phè phỡn với sự sung túc của hoàn cảnh quá ưu đãi –  những hiện tượng như tiếng chuông ngân, tách trà hiện hình, sự cách mặt truyền âm và sự cấu tạo huyễn hình, mà lại đành để cho quần chúng vô minh, nghèo nàn, đơn côi, bị bạc đãi, phải tự lo, tự liệu trong kiếp sống này cũng như sau khi chết sao ? Không bao giờ. Thà là Hội Thông Thiên Học mất đi với các sáng lập viên không may của nó, còn hơn là để cho nó trở thành một hàn lâm thần bí hay một huyền linh học viện ...
 Người ta còn nghĩ rằng: chúng tôi, là những môn đồ khiêm tốn của các bực Lạt Ma Hoàn thiện ấy, lại có thể để cho Hội Thông Thiên Học bỏ mất đi cái mỹ danh Tình Huynh đệ giữa nhân loại, để trở thành một tâm linh học viện. Không thể được, thưa chư  huynh. Chư Huynh đã sống quá lâu trong ảo ảnh đó rồi, chúng ta phải hiểu nhau hơn.
Quyền năng siêu hình được HPB giải thích:
Bạn hãy cẩn thận đừng để cho khuynh hướng siêu hình vượt hơn sự phát triển trí tuệ và tinh thần. Khả năng tâm linh khi được kiểm soát hoàn toàn, kềm chế và có trí năng hướng dẫn, là phương tiện có giá trị trong việc phát triển. Tuy nhiên khi những khả năng này được buông thả, kiểm soát thay vì chịu kiểm soát, dùng người thay vì được sử dụng, đưa người học đạo vào việc lú lẫn nguy hiểm nhất, và cầm chắc việc đạo đức bị phá hoại.
Về cách làm hiện tượng, giải thích đã được trưng ra trước đây xin độc giả xem lại bài Vị Chân Sư số 57, và bài HPB số 55, t. 69.
..........

1881 – 1882

Sau khi đi Simla vào mùa thu 1880, hai vị đi thăm một số thành phố và thị trấn phía bắc Ấn, với ông Olcott giảng TTH tại những nơi này. Sang tháng 12 và lễ Giáng sinh, hai vị ghé thăm ông bà Sinnett tại Allahabad. Đầu năm 1881 hai vị quay về Bombay. Trong thời gian vắng mặt trụ sở Hội đã dời về nơi khác rộng rãi hơn so với chỗ trước, nằm trong vùng của người bản xứ với khách khứa ra vào không ngớt suốt ngày.  Vào tháng ba 1881, ông bà Sinnett  về nước nghỉ hè, tại Anh ông Sinnett hoàn tất quyển The Occult World, cho xuất bản vào tháng 6. Nội dung thích thú và lạ lùng của sách làm xã hội tây phương bàn tán xôn xao, dư luận bắt đầu chú ý tới Hội và coi trọng sự trình bầy MTTL.
Nhờ ông Sinnett mà ta có lời mô tả về chỗ ở mới và sinh hoạt của HPB.

– Sau khi rời Anh, tôi trở về Ấn Độ và tới Bombay vào tháng bẩy 1881, ở lại đó vài ngày với bà Blavatsky tại trụ sở Hội khi ấy nằm tại Breach Candy, căn nhà tên Crow's Nest trên một gò cao bên đường. Tôi nghe là nhà không ai cư ngụ đã lâu, vì có tiếng là có rắn và có ma, nhưng cả hai điều này không làm bận tâm những người mới đến mướn. Căn nhà chia làm hai phần, phần dưới dành cho việc Hội và là chỗ ở đạm bạc của ông Olcott; phần trên đi lên bằng cầu thang có mái xây theo triền dốc của gò, là nơi cho bà Blavatsky và là văn phòng của tờ The Theosophist. Ở đây cũng có một phòng trống, tất cả phòng cùng ở một tầng, mở ra hàng hiên rộng có mái, hàng hiên này là phòng khách, phòng ăn, phòng làm việc của HPB. Cuối mút hàng hiên bà có một phòng viết nhỏ. Hàng hiên có mái đầy khách suốt ngày cho tới khuya, gồm khách bản xứ tới lui và hội viên quí mến bà đến thăm viếng.
Thường bà dậy sớm viết bài báo tiếng Nga hoặc dịch, hoặc viết bao nhiêu thư hoài không dứt, gửi đi bốn phương về việc Hội, hoặc soạn bài cho tờ Theosophist; rồi trong ngày bà dành phần lớn thì giờ trò chuyện với người bản xứ trong phòng ở hàng hiên, hoặc quay trở lại công việc của mình, lớn tiếng phản đối là đã bị thường xuyên gián đoạn ra sao, cùng lúc đó gọi người giúp việc thân tín là Babula bằng giọng vang khắp nhà, kêu đi mời khách này hay nọ mà HPB biết là đang chờ ở dưới muốn được gặp bà.
Rồi đang giữa cuộc tranh luận ráo riết với ai uyên bác về một điểm trong đức tin Ấn giáo hiện thời mà bà phản đối, cho là không phù hợp với ý nghĩa thực trong kinh Veda, hoặc lời trách cứ mạnh mẽ một phụ tá của tờ Theosophist về điều chi đó sai lầm mà lúc này, đối với bà nó lớn như vung đầy sấm sét, chợt có lẽ HPB  'nghe giọng nói mà họ không nghe' – lời kêu gọi ở cõi thanh của Chân sư bà nơi xa xôi, hoặc một trong các Huynh trưởng và trong tích tắc bà quên hết mọi chuyện khác, vội vàng đi vào bất cứ một phòng trống nào để có thể ở một mình trong vài phút, và nghe lời nhắn hay bất cứ lệnh nào gửi cho bà.
Tối đến bà không hề muốn vào giường. HPB ngồi đó hút thuốc lá và nói chuyện – nói với năng lực không mệt mỏi trông hết sức tuyệt vời – về triết lý Đông phương đủ loại, về sai lầm của những ai viết về thần học, về những câu hỏi nêu ra với cuốn Isis Unveiled (mà chưa được giải đáp), hoặc về đề tài đáng tội nào có liên quan đến việc điều hành Hội, hoặc lời mỉa mai ngu dại nào hướng đến bà, đặc tính nào mà báo chí địa phương gán cho bà, với cùng sự hăng hái, sôi nổi.

Vài tuần sau khi tôi về Ấn, bà lên Allahabad ở nhà tôi chơi mươi ngày, rồi cùng với tôi đi Simla làm khách nhà ông Hume trong khoảng thời gian còn lại của mùa hè năm ấy. Bà không được mạnh nên chặng cuối của cuộc hành trình – mà ngay cả ai mạnh khỏe cũng thấy ê ẩm – là một cực hình, khiến cho bản tính dễ bị khích động của bà lộ ra những nét đặc biệt ngộ nghĩnh. Lý do là ở Simla, xe 'tonga' đi mất tám tiếng từ chân đồi lên tới nhà trên đỉnh, mà đây không phải là phương tiện hạng sang.
Xe có bánh thấp, chỉ cao hơn mặt lộ có 3 tấc, có hai hàng ghế chứa được bốn người  kể luôn cả xà ích, hai ghế trước hai ghế sau. Mỗi xe chứa được một hành khách, hành lý (tương đương với chỗ của một hành khách khác), và một gia nhân. Chúng tôi đi hai xe tonga, để gia nhân và hành lý vào một xe, còn bà Blavatsky và tôi ngồi băng sau một xe khác, băng trước có một xách tay bên cạnh người lái xe. Xe tonga đi mau, thay ngựa đều đặn ở mỗi trạm và ngựa chạy nước kiệu trên đường trừ những nơi dốc nhất. Hành khách bị lắc lư không ngớt nhưng khó mà lật xe tuy thỉnh thoảng có xẩy ra chuyện ấy, vì đường núi rất gồ ghề và ngựa hay dở chứng.
Khi ngựa kéo không theo ý người đánh xe, xe có thể nghiêng ngả làm hành khách yếu bóng vía kinh hoảng. Chuyện như thể xẩy ra không lâu sau khi chúng tôi lên đường, khiến HPB tuôn cơn thịnh nộ đối với trọn phương tiện di chuyển bằng xe tonga và nền văn minh mà nó là một phần. Tôi còn nhớ mình cười thầm lúc ấy, nghĩ rằng sấm sét chỉ có mình tôi nghe thật uổng. Ngày dài thêm và chuyến đi càng lâu thì bà càng bực bội mạnh hơn nữa, nhất là bất cứ khi nào người đánh xe sau thổi hồi kèn điếc tai. Bà sẽ cắt ngang bất cứ chuyện gì đang nói để hài tội tiếng 'kèn đồng' không may này.

Nhân vật A.P.Sinnett sẽ được nói kỹ trong loạt bài về sau trên PST, trong chuyện về HPB này ta chỉ nói thêm là từ tháng bẩy khi về Ấn, ông Sinnett bắt đầu nhận được các bức thư dài của hai chân sư về các vấn đề triết lý, khoa học và tâm linh mà về sau dựa vào đó, viết ra cuốn thứ hai tên Esoteric Buddhism. Khi sách được xuất bản năm 1885, nó mở ra thế giới mới về ý tưởng đối với sự tiến hóa của con người và vũ trụ. Ông có công lớn trong việc làm thế giới tây phương chú ý đến Hội và MTTL qua hai quyển The Occult WorldEsoteric Buddhism.
Ta nên nhớ là vào những ngày đầu của Hội, sách vở về MTTL chưa nhiều, do đó hai quyển ấy giúp ích lớn lao trong việc trưng ra những ý niệm căn bản của MTTL cho ai chưa biết. Một nhân chứng thời bấy giờ tại London là Frances Arundale ghi rằng:
– Quyển sách làm giới thần học và khoa học bị chấn động như có bão. Ngày nay người ta không nhận thức được ảnh hưởng của quyển Esoteric Buddhism và những sách vở TTH đối với giới thần học và văn học như thế nào. Hai danh từ Karma và Tái Sinh là những chữ hầu như chưa hề biết tới trước đây, nay nhiều vị lãnh đạo tôn giáo nhắc tới trong những bài thuyết giảng. Báo chí đầy lời chỉ trích hoặc lên án những ý tưởng mới, nhưng chúng tồn tại và hạt đã gieo giờ mang lại bao kết quả.
Trong thư gửi cho ông Sinnet, đức KH khuyên ông cần phải cẩn thận:
 Sự hiểu biết chỉ có thể truyền dạy từ từ; và vài hiểu biết cao nhất – nếu thực sự đến với tai đã được chuẩn bị của bạn – có thể nghe như lời vô nghĩa điên rồ đối với bạn ... Khoa học huyền bí không phải là một trong những bí mật có thể đột nhiên được truyền đạt bằng lời nói hay chữ viết. Nếu được vậy thì việc mà tất cả các vị 'Huynh Trưởng' cần làm là viết ra cuốn Cẩm Nang về thuật này, tựa như văn phạm được dạy trong trường vậy.
Lỗi lầm chung của người đời là cho rằng chúng tôi cố tình che phủ chính mình và quyền năng của mình trong màn bí ẩn – rằng chúng tôi muốn giữ lấy hiểu biết của mình cho riêng mình, và 'cố ý cùng mạnh mẽ từ chối' không truyền đạt chúng. Sự thực là bao lâu mà người sơ cơ chưa đạt tới trình độ cần thiết cho sự Giác ngộ mà họ có quyền và xứng đáng được hưởng việc ấy, đa số nếu không phải là tất cả những bí mật không thể truyền đạt được. Sự giác ngộ chỉ đến từ nội tâm.