HÌNH ẢNH CỦA TÂM TRẠNG

Xác thân có hành vi riêng của nó với nguyên tắc chung là hành vi chịu ảnh hưởng của cảm xúc, như sự thu hút hoặc xa lánh trong thế giới vật chất chung quanh. Cơ thể vươn ra hay đi tới điều gì hấp dẫn nó, và rút lui khỏi chuyện gì xô đẩy nó. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho các thể thanh trong cõi vô hình, tức hào quang con người cũng sẽ tiến lại gần điều gì nó ưa thích, và rụt lại tránh chuyện gì nó không ưa. Trong môi trường vui vẻ, chẳng những con người cảm thấy thư thái, mở rộng, tự nhiên, mà quan sát bằng thông nhãn (clairvoyance) thấy là hào quang của họ cũng thực sự thoải mái và rộng hơn là khi anh căng thẳng, thấp thỏm hoặc kinh sợ. Trong trường hợp sau, hào quang có vẻ như co rút tránh cảnh không dễ chịu, và quả thực là làm cho nó nhỏ tới hết mức có thể được, đóng kín lại giống như ốc thu người vào vỏ, vừa để trốn thoát vừa để cô lập mình đối với khung cảnh chung quanh. Thế thì, cảm xúc của con người tức tâm lý được quan sát thấy nơi cõi thanh như là cử động của hào quang, cho thay đổi kích thước trong không gian.
Quan sát cũng thấy những cách nói dân gian của tây phương như 'feeling blue – thấy rầu rĩ', 'green with envy – ganh tị' có căn bản rõ ràng mà không phải chỉ là nói bâng quơ không thực tế. Nhiều câu như thế được thấy là dựa trên chuyện thực sự diễn ra trong hào quang của ai thốt ra nó hoặc được mô tả. Ai được mô tả như là:
- dull, grey – chán ngắt,
- green with envy – ganh tị
- glowing with love – sáng rỡ đầy tình thương
- lửa giận phừng phừng
thì quả thực là vậy cho ai có thông nhãn nhìn vào hào quang của họ. Thí dụ như câu ' lives in her shell – sống ru rú' thì hào quang cô gái thấy co rút, có vỏ cứng bảo bọc và cô sống trong đó như đồ vật cất kỹ trong tủ kính chật hẹp. Nói rằng X thấy lòng sôi nổi thì người có thông nhãn xác nhận hào quang của X quả thực phập phồng và xoáy sâu vì tình cảm bị dồn nén; còn nói Y có tánh châm chích, ưa kiếm chuyện thì hào quang của Y đúng là có những hình thể giống như kim nhọn trong đó, và thực sự là những vật này châm vào hào quang của người khác làm họ đau đớn.
Sang chuyện khác, chắc ai trong chúng ta cũng có lần kinh nghiệm, là mới gặp một người mà thấy có cảm tình liền, và nói chuyện thì thấy mình đồng quan điểm với họ. Khi đó, hào quang của người này sáng rỡ lên và mở rộng về hướng người kia, tạo nên sự hòa hợp thuần tâm linh, xử sự như là cái cầu nối liền hai người với nhau. Ta cũng có trường hợp ngược lại, vừa gặp người chưa quen mà thấy ngay là họ không thích mình. Nhìn bằng thông nhãn thì hai hào quang có tiếp xúc, chạm vào nhau nhưng thay vì hòa vào nhau, chúng lại đối kháng và thấy rõ là rụt lại tránh xa nhau. Ta thấy có thực một cuộc đụng chạm, và có thể sau cuộc gặp gỡ đó ai nhậy cảm sẽ cảm thấy bị chấn động, cho dù đôi bên không trao đổi tiếng nào với nhau. Nếu dùng nguyên tắc về nhạc để diễn tả thì trường hợp đầu cho kết quả là hợp âm thuận, hòa đồng, còn trường hợp sau là sự lỗi nhịp do hai làn rung động không tương ứng với nhau. Nếu dùng mầu sắc để diễn tả thì trường hợp một có sự hài hòa hoặc sự tương phản hợp nhãn, và trường hợp hai là sự chỏi nghịch.

- Ý Ham Muốn
Tư tưởng và cảm xúc của ta luôn luôn vươn tới vật thật ngoài đời mà ta có sự chú ý, có nghĩa tuy con người có vẻ để ý tới một vật bên ngoài mình, nếu sự quan tâm đúng ra hướng về cái tôi, liên quan đến việc vật ấy ảnh hưởng họ ra sao, thì sự chuyển động trong hào quang đi trong vòng kín. Nó làm như họ ném ra một đường dây quấn lấy vật rồi quay trở về mình, là chỗ dây phát nguyên. Để diễn tả ý này, ta hãy xem một cô gái đứng ngắm chiếc áo trưng bầy trong tủ kính cửa hàng. Cô có nhiều phản ứng và chúng thay đổi, và hào quang của cô cũng theo đó mà xử sự.
1. Cô thấy cái áo như là một vật xinh đẹp, mà không có ý gì muốn có áo. Hào quang của cô sáng lên chiếu chói lòa, mở rộng hướng về cái áo, chỉ thuần việc thưởng ngoạn có tính mỹ thuật.
2. Cô thấy và quí chiếc áo, và mong ước được có nó. Hào quang của cô sáng lên và mở rộng như trong (1), nhưng ý muốn sở hữu làm tung ra một vòi vươn tới chiếc áo, tác động như là móc câu tìm cách kéo áo về mình trong tâm trí.
3. Cô muốn có chiếc áo, không phải vì nó đẹp và hợp với cô, mà vì lòng ưa thích mạnh mẽ sắc đẹp của mình. Cô biết là mình đẹp, và cảm thấy rằng chiếc áo sẽ làm cô hấp dẫn hơn, khiến người ta quí mến cô hơn. Như vậy cô không khen chiếc áo mà đang tự khen mình; chiếc áo chỉ là phương tiện để tăng lòng tự quí chuộng mình. Hào quang do đó thành cái gương cho cô soi và đưa vào đó hình tư tưởng của cô mặc chiếc áo, và cô rất hài lòng cùng hãnh diện khi nhìn ngắm hình ảnh đó. Bởi cô chỉ chú ý đến mình, trọn sự chuyển động nằm gọn bên trong hào quang mà không hề đi ra ngoài.
4. Cô nghĩ là mình muốn có áo, nhưng không chắc là áo sẽ hợp với cô, hoặc cô có khả năng mua được nó. Khi đứng trước tủ kính có chưng cái áo, nếu cô nghĩ là muốn có áo, hào quang cô vươn ra về phía vật, rồi rụt về khi cô ngần ngừ, vươn ra trở lại, thụt lui nữa, cho tới khi cô có quyết định. Sự việc giống như bóng đèn nhấp nháy do tắt rồi bật. Nếu cô thuộc loại người không hề tự mình có quyết định và trọn thái độ trong đời là dụ dự, chần chờ thì sự thay đổi luôn trong hào quang có thể thành bệnh và thực sự làm thể rời rạc, rã tan dần. Điều này sau đó lộ ra qua việc có sức khỏe kém và bệnh tâm thần mà tâm lý gia quen thuộc.
Ai hướng ngoại, vồn vã có trọn năng lực hướng ra ngoài, ai mà được mô tả là 'đầy sức sống' thì thực sự là vậy. Hào quang của họ giống như vòi phun nước, văng ra tung tóe khắp nơi, tỏa năng lực tựa như máy phát sóng vô tuyến điện. Nếu tư tưởng có sắp đặt thì nó sinh ra hình có đường nét rõ rệt ít nhiều, và bắn từ hào quang ra ngoài như hỏa tiễn vụt đi. Người như vậy thường vô tâm, tư tưởng và cảm xúc của họ không đi theo vòng kín, họ không nghĩ gì về mình nên không nhận điều gì trở lại vào chính mình. Tuy nhiên, giả dụ là có gì làm họ mất hứng, trở nên ngại ngùng hoặc e sợ, lập tức vòi phun nước ngưng bặt, hào quang thâu lại và mất vẻ chói sáng, không chừng sinh ra chán nản sâu đậm.
Trong trường hợp điên loạn, sự chuyển động của hào quang còn chịu sự chi phối của con người và trở thành tự động. Ai chộn rộn thì hào quang khuấy động luôn như nước sôi ngùn ngụt, bung ra chất liệu mà không có sự điều hòa và lớp lang, phản ảnh việc ăn nói quàng xiên của bệnh nhân, và hành vi không đâu vào đâu của họ.
Với chứng sầu não, hào quang bệnh nhân có mảng gần như dính cứng và bất động, mầu đen xám đậm, tựa như đám mây vần vũ. Nếu có một ý tưởng ám ảnh luôn như nhiều người bị và lập lại hằng trăm lần trong một giờ rằng 'Tiêu rồi' hoặc 'Tôi là kẻ tội lỗi', người có thông nhãn thấy một chuyển động lập đi lập lại hằng trăm lần/ một giờ, mờ nhạt ở đâu đó trong hào quang, đi vòng vòng mãi trong đó tựa như một bộ phận của máy móc chạy đều đặn không sai.
Một trường hợp khác là một phụ nữ, có học, ăn nói khéo léo, trình độ văn hóa rất cao, cá tánh xem ra khả ái, nhã nhặn. Chuyện lạ là không ai chịu nổi khi tiếp xúc lâu với cô, ở đâu cô tới thì làm như cô chiếm hết không gian trong đó, thế nhưng hành vi bên ngoài của cô lại không có gì trách được. Có vẻ như cô không phải là người hung hăng, lấn lướt, hoặc muốn người ta chú ý tới mình bằng cách hạ mình quá đáng. Tuy nhiên bản tính khiến chuyện gì cô cũng muốn dự phần, tánh khí tràn lan bầu không khí trong nhà như sự rung động ầm ầm của máy phi cơ, ngay cả khi cô vào phòng riêng. Khi cô ra khỏi nhà thì làm như có sự yên lặng tuyệt vời bao trùm xuống.
Nhìn bằng thông nhãn thì hào quang của cô cho thấy có trí thông minh cao, nhưng không làm chủ được tình cảm ồ ạt và không thăng bằng. Thể tình cảm luôn trào dâng, sôi động như mặt biển nổi sóng to, tuôn ra những đợt sóng tình cảm cuồn cuộn vào bầu không khí chung quanh, gây ra bực bội. Cô không có sở thích nào cho mãn nguyện về mặt tình cảm.
Người kế là nghệ sĩ giỏi dang, khôn khéo, sâu sắc mà bi quan, chán chường tới độ sinh lực về cả thể chất và tâm linh bị kiệt quệ; khi anh sầu não quá mức thì có thể làm bạn bè cũng chán nản và mệt nhọc theo. Chuyện anh thuật có thể hào hứng, hay ho nhưng bầu không khí quanh người thì lại khiến năng lực hao tổn, làm xuống tinh thần những ai ở gần anh. Khi rầu rĩ như thế, hào quang của anh y hệt như màn sương xám, mầu sắc và nét tươi sáng biến dần cho tới khi, giống như lời mô tả, nó ủ dột, ỉu xìu như 'bánh tráng nhúng nước'.
Người nữa thì có cử động hết sức nhẹ nhàng, dịu dàng tuy nhiên ai chung quanh lại có cảm tưởng bầu không khí như lúc nào cũng chực bùng nổ, sắp có chuyện bất ngờ làm cô phát cơn.  Hào quang cho thấy có nhiều hình rời rạc trôi nổi trong đó, đụng vào nhau không theo nhịp điệu hay theo một lý do nào. Nó không có tổ chức, điều hòa và sự an ổn.
Trên đây là hình ảnh của một số tâm trạng, chúng tượng trưng cho sự kiện tâm linh, và cho thấy hào quang hay các thể thanh là sinh vật linh hoạt. Thể xác có sự biến dưỡng riêng của nó, tức đem vào người chất liệu để nuôi sống nó rồi thải ra chất không cần dùng, thì hào quang cũng có sự biến dưỡng riêng của mình y vậy. Khi thể xác mạnh khỏe thì việc hấp thu và thải bỏ cân bằng nhau, nguyên tắc này cũng áp dụng cho đời sống tâm linh quân bình, tức quả thật có sự trao đổi - cho ra và tiếp nhận - giữa hào quang và những ai mà nó tiếp xúc. Các mô tả trên không phải là chuyện hiếm thấy hoặc là trường hợp riêng rẽ, là chuyện xẩy ra hằng ngày và ở khắp nơi. Trừ phi chúng ta là người trơ trơ không bị gì chi phối, hoặc sống trong tháp tâm linh không tiếp xúc với ai, những tình trạng trên trực tiếp ảnh hưởng đến ta, đôi lúc rất sâu đậm dù ta biết hay không, tuy vậy đó là phản ứng của người mà ta chỉ gặp thoảng qua. Sự việc khác hẳn khi đó là người mà ta có tiếp xúc thường, vì nó phức tạp hơn. Phản ứng có thể chia làm hai loại chính, một là chuyện ngay lúc đó hay cảm xúc hời hợt, và hai là bản tánh.
Phản ứng với tâm trạng thường có tính  thoảng qua và nhiều phần là giản dị. Hào quang của người có tâm trạng tiêu cực tác động như tờ giấy thấm, thu hút bầu không khí của người khác. Nếu ai nhậy cảm bước vào phòng có người đang đắm chìm trong cảm xúc mạnh mẽ, họ sẽ đâm ra chán nản và lo lắng theo, vì cộng hưởng với tâm tình này. Ai tích cực có thể không cảm biết chi, hoặc có để ý thì không bị ảnh hưởng và và không can dự vào. Ngược lại, nếu đủ mạnh họ còn có thể làm bầu không khí được ổn định, hoặc làm điều hòa sự xáo trộn bằng sự rung động của chính hào quang họ. Chuyện này làm được không cần lời, hoặc có khi lời nói thích hợp sẽ có tác dụng khơi mở và giải quyết được tình trạng.
Với bản tính thì nó sâu đậm và phức tạp hơn. Phản ứng của ai với tâm tình người khác thì tựa như  phản ứng của hai nốt đơn trong nhạc, cho ra hoặc hòa điệu hoặc lạc điệu; còn phản ứng với bản tính người khác thì như giữa hai hợp âm chơi trên hai nhạc cụ có đặc tính và hòa âm khác nhau. Chúng có thể hòa hợp dễ chịu hay không. Khi hai người hòa được với nhau, bìa hào quang của họ tuôn chảy dễ dàng  từ cái này vào cái kia, xâm nhập và hòa lẫn vào nhau hoặc rút ra và tách rời trở lại mà không có căng thẳng. Người này biến người kia thành hay hơn và mở rộng hơn, nói giản dị thì họ làm nổi bật ưu điểm của nhau. Kết quả thường là mối liên hệ có tính sáng tạo.
Trẻ con đặc biệt nhậy cảm với ảnh hưởng tâm linh, hơn thế nữa các em không chống cự được chúng. Thành ra ai bị khích động và sôi nổi quả thật có thể gây ra tấn công cho hào quang của trẻ nhỏ. Sự khích động không nhất thiết phải nhắm thẳng vào em, mà cũng không cần phải có nét khó chịu hoặc giận dữ, nếu trẻ ở trong vòng bán kính của tình cảm nổ bùng em có thể bị chấn động dữ dội và rúng người. Có trường hợp một em trai nhỏ lộ ra dấu vết cuộc cãi nhau của ba mẹ trong hào quang, dù hai người khẩu chiến ở phòng khác trong nhà mà em không nghe được.

The Psychic Sense, Phoebe Payne and Laurence Bendit.

Geese