HÀNH  TRÌNH  một  LINH  HỒN

ﺺﺺﺺﺺﺺﺺ

CHƯƠNG BỐN

 

 

Một trong những chỉ dẫn cho tôi làm là ghi xuống tất cả những gì nhớ được về chuyện gì xẩy ra hồi tối qua. Nghe thì đơn giản nhưng tôi có thể nói ngay với độc giả rằng cuộc thí nghiệm thành công mọi mặt. Không biết tôi có nhớ hết mọi việc xẩy ra hay chăng, tôi mong thầy sẽ cho tôi rõ khi ông đến hôm nay, nhưng tôi nhớ nhiều tới mức phải xếp đặt tư tưởng thật cẩn thận để ghi xuống.
Đó là một đêm tối không trăng, tôi lên giường lúc 9:45 tối như đã dặn, uống viên thuốc mà thầy đưa và chú tâm tưởng tượng xem mình sẽ thấy gì trong chiếc gương bên trên giường. Cạnh giường có cái đồng hồ quả lắc nhỏ của Pháp, nó là một bảo vật của tôi vì nó khá đắt tiền lúc tôi mua nó, hồi còn là sinh viên nghèo ở đại học Cambridge. Nó gõ tiếng thánh thót nhẹ nhàng mỗi khắc và đúng mỗi giờ, tiếng gõ này chưa hề làm tôi mất ngủ hay khó ngủ.
Khi nghe chuông gõ khắc cuối trước mười giờ tôi uống thuốc ngay; vào đúng lúc nghe chuông thánh thót đầu tiên chuẩn bị cho tiếng gõ lớn đúng mười giờ, tôi cảm thấy có gì rất lạ xẩy ra trong cơ thể. Có cái gì đó trong người như lơi dần, và tôi cảm thấy như mình đang tuột ra khỏi thân xác, vì trước khi quả lắc khởi sự gõ mười tiếng tôi thấy mình lơ lửng trong không nhìn xuống thân thể nằm trên giường y như đã được cho hay trước, chỉ có điều tôi không đứng trên sàn nhà mà cách sàn khoảng ba tấc (về sau tôi mới thấy vậy). Khi ý thức là mình đứng ngoài cơ thể tôi thấy tim mình hồi hộp nhưng không sợ lắm, và chắc chắn là tôi không muốn vội vã nhập trở vào. Chẳng những ngạc nhiên mà tôi còn thấy rộn ràng, hứng chí mà cũng hơi sờ sợ, sợ cái bất thường.
Tôi lạ lùng thấy trời sáng như ban ngày ! Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy là ánh sáng ở khắp nơi, bất cứ lúc nào ở cõi tình cảm, và tuy lúc đó tôi không để ý tính chất của nó về sau tôi thấy nó có mầu xám xanh. Để bạn tưởng tượng căn phòng của tôi thấy ra sao thì nó giống như trời sáng lúc rạng đông, chỉ có điều sáng hơn nhiều lần. Tôi nghe có tiếng cười hân hoan sau lưng, lạ cái là nó không làm tôi giật mình chi hết. Tôi quay lại thấy Charles y hệt như lần cuối tôi gặp em. Rõ ràng là hắn thích thú thấy tôi ngạc nhiên và vẻ sửng sốt trên mặt tôi, hắn toét miệng cười với những vết nhăn quen thuộc mà trước kia tôi biết rất rõ. Tôi tự động chộp lấy tay Charles, và cảm ngay là bàn tay rắn chắc, rất thực như ngày nào. Vị thầy Ấn Độ nãy giờ vẫn hiện diện trong phòng mà tôi không để ý, lên tiếng:
– Phải, Charles vẫn là anh ta như tôi đã nói với anh, và bởi bây giờ anh dùng một thể y như Charles, tự nhiên là hắn thành chuyện thực đối với anh như anh đối với hắn.
Nỗi vui lớn lao được gặp Charles khiến tôi bắt tay hắn phải lâu tới một hay hai phút, đặt tay lên vai em để biết chắc là em tôi quả thật đang đứng trước mặt, bằng xương bằng thịt. Tôi thấy khó hiểu là tuy thể tình cảm có đường nét y hệt thân xác mà nó không phải là vật chất, không xương không thịt; nhưng Charles là thật đối với tôi, tôi hỏi em đủ thứ chuyện như khi ta gặp người thân vắng mặt đã lâu, muốn biết hắn làm gì, có vui không v.v. và khi Charles có thể xen vào giữa những câu dồn dập của tôi thì hắn chỉ ôn tồn nói:
– Anh đừng lo, em mạnh và vui lắm như anh sẽ thấy.
Tôi nhận xét là hắn vẫn mặc quân phục thì Charles đáp, 'Ủa, vậy ư ?' và thêm rằng hắn không nhớ là mình đang mặc gì. Vị thầy Ấn Độ mới giải thích là tôi thấy Charles trong quân phục vì đó là quần áo Charles mặc lúc tôi gặp em lần cuối ở cõi trần, tối nay trong tiềm thức tôi tạo hình tư tưởng về Charles mặc quân phục nên chất liệu mềm dẻo nơi cõi tình cảm lập tức uốn theo tư tưởng của tôi. Thầy cũng nói là cho dù trước khi gặp tôi Charles có nghĩ xem sẽ mặc gì, tôi cũng không thấy được y phục đó trừ phi em nói cho tôi hay. Tôi sẽ luôn luôn thấy em mặc như là tôi nghĩ thôi.
Khi ấy vị thầy Ấn Độ hỏi tôi muốn làm gì. Charles đề nghị là chúng tôi bắt đầu bằng bữa ăn tối ở cõi tình cảm, hắn hỏi tôi có muốn đến nhà hàng Trocadero Grill là chỗ chúng tôi thích tới lúc còn ở Anh với nhau. Tự nhiên là tôi nói 'Đi', tuy thắc mắc không biết làm sao đi; nhưng đã thấy Charles sống động, rất linh hoạt là khác, tôi nghĩ chuyện gì cũng làm được. Charles nói:
– Vậy ta đi ngay, và bắt đầu ra khỏi phòng.
Tôi bước tới mở cửa nhưng Charles chọc ghẹo tôi, em cắt nghĩa rằng tôi cần quen với cách đi đứng ở cõi tình cảm là đi xuyên qua cửa không cần mở. Nghe có vẻ lạ lùng nhưng tôi thấy quả thật là vậy, cánh cửa không còn là chướng ngại cản tôi đi qua. Phòng ngủ của tôi ở trên lầu nên tôi khởi sự xuống thang theo cách bình thường. Charles đi trước và tôi để ý thấy hắn không đặt chân lên nấc thang mà lướt xuống trong không bên trên nấc thang chừng ba tấc, nên tôi bắt chước làm theo. Mới đầu tôi thấy lạ, nhưng việc không còn sức hút trái đất mà ta chịu ảnh hưởng ở cõi trần chẳng bao lâu trở thành lợi điểm và ta quen rất mau.
Chúng tôi đi khá nhanh, tôi theo sát em tôi và vị thầy Ấn Độ đi ở bên kia của tôi. Tôi hỏi Charles làm sao hắn biết đường tới Anh quốc thì hắn đáp chẳng bao lâu tôi sẽ biết cách tìm đường dễ dàng. Chúng tôi băng qua hải cảng, lướt cách mặt biển chừng mười thước. Nhìn quanh tôi thấy đèn ở Colombo mờ xa dần rồi trong vài giây xem ra chúng tôi không băng ngang qua vật nào cả. Khó mà nhận ra nơi chốn thực sự chúng tôi đi ngang qua, vì chúng vừa mới ló dạng ở chân trời thì bọn tôi đã vượt qua chúng. Ngoài ra cảm giác lướt nhanh vùn vụt cũng không có, vì không có gió thổi tốc vào mặt như khi ta lái xe với vận tốc cao ở cõi trần. Thấy như không có cản trở chút gì và về sau tôi khám phá là đúng vậy, bởi chất liệu cõi tình cảm rất thanh nhẹ nên khi lướt qua nó với vận tốc ghê gớm so với cõi trần thì cũng không gây ra xáo trộn chi.
Trong phút chốc bọn tôi vào đất liền và Charles bảo đây là nước Anh. Hắn nói chúng tôi đi một mạch theo đường thẳng tới đây, tự nhiên là không cần phải lượn quanh chướng ngại nào, vì ở cõi tình cảm đi trên biển hay đất liền không có gì khác nhau. Tôi nhận ra mình tới Anh khi bắt đầu đi chậm lại ngang qua Dover, và thấy mê say với việc di chuyển dễ dàng. Khó mà mô tả theo ngôn ngữ thông thường nhưng nếu bạn tưởng tượng là có thể đi theo bất cứ vận tốc nào, chỉ bằng cách nghĩ tới là được, thì đó là cách sự việc diễn ra. Khi gần vào đất liền chúng tôi lướt cao hơn và bây giờ chúng tôi lướt cách nhà cửa cao nhất ở London chừng vài thước.
Lúc chúng tôi rời Sri Lanka là hơn mười giờ đêm một chút, tức là chừng 5:30 chiều ở Anh. Chúng tôi hạ xuống mặt đất khi tới công viên Hyde Park. Tôi biết trời vẫn còn sáng vì không thấy có đèn bật lên chung quanh, nhưng ánh sáng ở cõi tình cảm hiện giờ nơi đây thì y hệt như ở Sri Lanka đang là ban đêm. Tôi thắc mắc về điều ấy thì được cho hay là vì thể tình cảm không hề cần nghỉ ngơi nên cõi này không có buổi sáng hay tối. Đây là một trong những điểm thú vị đầu tiên về sự khác biệt giữa hai cõi làm tôi rất chú ý. Charles đề nghị là tôi đi bộ dọc theo đường Oxford và Regent để xem đi bằng thể tình cảm thì thấy ra sao. Đi bộ trên đường Oxford nơi tôi vắng xa từ năm 1939 ngay trước chiến tranh quả thật là điều lạ lùng. Đường chật người vì là giờ tan sở, tuy vỉa hè đông người nhưng chúng tôi không gặp khó khăn nào, vì chúng tôi đi xuyên qua thân xác của người đi ngược lại.
Không phải chúng tôi không biết mình đi xuyên qua họ vì tôi thấy như thể mình đi vào khối sương nhỏ, bị bao trùm trong đó một lúc rồi vượt ra ngoài và mọi vật sáng sủa trở lại. Lớp sương không làm cản trở chút nào bước đi của tôi, nhưng tôi cảm biết có nó, và chuyện cũng tương tự vậy khi tôi đụng người khác cũng đang dùng thể tình cảm của họ, tôi cảm biết họ một chút tuy thể của họ không ngăn trở gì chúng tôi cả. Ở cõi trần ta hay nghe ai đó rùng mình nói là dường như có người trong phòng mà họ không thấy, nay tôi biết cảm giác đó hẳn phải sinh ra khi người trong thể xác đụng chạm người trong thể tình cảm; vật chất cõi tình cảm rất đỗi thanh nhẹ không gây ra trở ngại gì khi thể xác đi xuyên qua nó, nhưng sự đụng chạm này cũng để lại một cảm giác phớt qua.
Tôi nghĩ vị thầy Ấn Độ của tôi nhìn hẳn là khác người chung quanh vì y phục theo lối đông phương của ông. Tôi nói lên điều này và ông bảo:
– Chắc anh không để ý là tôi đã thay đổi cách ăn mặc, nếu bây giờ nhìn lại anh sẽ thấy tôi có y phục tương tự như người Âu châu quanh đây.
Tôi nhìn lại thì quả thực vậy, ông không còn khăn đội đầu và bởi mầu da của ông trắng gần như da chúng tôi, trông ông giống như các sinh viên Ấn Độ hay gặp ở London. Bởi được ông cho hay nên tôi nhìn ông theo hình dạng mà ông tưởng ra cho mình. Ông giải thích là ta sẽ quen với việc thay đổi trang phục của mình khi khung cảnh khiến ta nên làm vậy, chất liệu mềm dẻo của cõi tình cảm sẽ lập tức uốn theo tư tưởng phát ra.
Tôi tỏ ý muốn được đi vào thương xá Selfridges nơi chúng tôi đang ngang qua lúc ấy. Không ai phản đối nên chúng tôi vào và tôi đi tới khu bán sách. Tôi luôn luôn thích sách và đưa tay lấy một quyển sách mới lật xem. Khi làm như thế tôi để ý thấy là trên kệ nơi tôi lấy sách không có khoảng trống nào cả. Ngạc nhiên hỏi tại sao thì tôi được giải thích là vật tôi cầm trong tay là hình tư tưởng của cuốn sách muốn xem, còn cuốn sách bằng vật chất không hề di chuyển đâu cả. Lại thêm một hiểu biết lạ lùng !
Tôi đi dạo trong thương xá rộng lớn vắng vẻ vì dĩ nhiên giờ này tiệm đã đóng cửa, và tôi nghe rõ ràng tiếng chuông gõ sáu giờ trong khu hàng gần đó. Biết bao chuyện đã xảy ra trong vòng nửa tiếng đồng hồ từ lúc tôi ra khỏi thể xác ở cách đây gần mười ngàn cây số. Charles và vị thầy Ấn Độ rất thú vị khi thấy tôi kinh ngạc với sự việc, nhưng rõ ràng là Charles hân hoan trong địa vị độc đáo làm người hướng dẫn cho tôi, y như ta vui sướng chỉ đường cho bạn hữu từ xa đến nơi đầy bí ẩn với họ nhưng lại là đất nhà đối với ta.
Charles bảo muốn chỉ cho tôi các nơi bị tàn phá ở London trong những trận oanh tạc, hắn dẫn tôi đi tới nhiều chỗ khác nhau như vương cung thánh đường St. Paul, làm ta thấy rất rõ là dân chúng London phải chịu đựng ra sao trong mấy lần dội bom dữ dội. Để thấy rõ sự hủy hoại chúng tôi phải bay lên khỏi những cao ốc chính của thành phố, nhưng làm vậy không khó chút nào bằng thể tình cảm. Chúng tôi đang thả bộ trên đường thì Charles nói.
– Đi nào,
và hắn lập tức bay bổng lên trên đầu của dòng người. Tôi thấy làm theo em rất dễ dàng, vì ngay khi tôi nghĩ trong trí là muốn làm như vậy là thấy mình bay cạnh Charles một cách thong dong, tự nhiên vượt lên trên thành phố London đông đúc. Em đề nghị đến xem ngôi nhà xưa của chúng tôi ở Warwickshire, bao nhiêu năm rồi tôi chưa thấy lại nó và dường như chỉ trong vài giây Charles đã dẫn tôi tới nơi. Tôi hỏi em làm sao hắn rành đường như vậy khi chỉ mới qua cõi tình cảm sống trong một thời gian ngắn. Charles nói hắn làm bạn với nhiều người ở cõi này và họ sẵn lòng chỉ bảo cho hắn đường đi nước bước ở đây, thêm vào đó việc huấn luyện phi công trong Không lực Hoàng gia Anh mà hắn theo học, đã dạy cho Charles nhiều điều về việc đi tới chỗ theo đường chim bay. Nhìn dòng sông Avon chảy uốn lượn qua miền đồng quê xinh tươi của Warwickshire thật là dễ chịu, chẳng bao lâu chúng tôi đáp xuống đất gần nơi nhà cũ của chúng tôi tọa lạc. Nơi này quen thuộc với tôi biết bao, cho dù kể từ lúc tôi thấy nó lần chót tới nay đã có nhiều căn nhà nhỏ mọc lên chung quanh. Ngôi nhà vẫn vậy, ngay cả hai sân cỏ trước và sau nhà thấy vẫn y hệt như khi Charles và tôi chơi đùa ở đó hồi nhỏ. Tôi tự hỏi bây giờ ai đang sống trong đó, bởi nó không còn thuộc về chúng tôi nữa; nhà đã bán đi sau khi ba tôi qua đời vì mẹ tôi không đủ tài chánh để chăm lo ngôi nhà lớn như thế, còn tôi là con trai lớn thì làm việc ở Đông phương lập thân.
Tôi bước vào nhà, đây là lần đầu tiên tôi bắt đầu ý thức là cánh cửa đóng không còn là trở ngại, và thấy người lạ cư ngụ trong những phòng mà chúng tôi yêu mến thuở xưa. Tôi biết nghĩ như vầy là điên, nhưng tôi thấy họ giống như ai đó đột nhập vào nhà mình không xin phép, và với bàn ghế khác lạ bầy chung quanh, không khí căn nhà đã thay đổi hẳn.
Chúng tôi không nán lại đây lâu mà chẳng mấy chốc quay về London. Đứng ở giữa khu Piccadilly Circus thật là rộn ràng háo hức, đây là nơi mà các cô gái bán hoa tươi lúc thời bình, nay tượng Eros đã bị dời đi vì lý do an ninh. Đám đông vẫn còn đó với xe bus, xe taxi tiếp tục chạy đường thường lệ của chúng, cái khác biệt duy nhất và rõ rệt là số đông người nam và nữ mặc quân phục. Thực vậy số quân nhân xem ra đông hơn dân sự, và cảnh tượng làm tôi hiểu rằng Anh quốc không những là nước đang có chiến tranh, mà còn là quốc gia mong muốn rằng mỗi ai khoẻ mạnh nam hay nữ góp phần vào việc bảo vệ quê hương yêu mến của mình.
Khoảng gần 7 giờ Charles đề nghị ăn tối ở nhà hàng Trocadero Grill. Chúng tôi vào tiệm và thấy đa số các bàn nhỏ dọc theo tường đã có người ngồi. Khi ấy vị thầy Ấn độ nói rằng ông để Charles lo cho tôi trong lúc hai chúng tôi ăn tối vì ông có chuyện khác phải làm, và sẽ gặp chúng tôi sau đó. Ông đoan chắc với tôi rằng Charles dư sức chỉ dẫn tôi về loại giải trí ở cõi tình cảm, và rời chúng tôi với lời nói thân ái.
– Chúc các bạn ăn ngon.
Charles giải thích một trong những điểm rất quan trọng mà ta cần phải hiểu, khi ăn uống ở cõi tình cảm trong nhà hàng có thật ở cõi trần, so với cũng việc này nhưng trong nhà hàng mà ta tạo ra bằng óc tưởng tượng hay tư tưởng. Hắn nói rằng không bao giờ nên ngồi vào bàn thực sự có ở cõi trần vì tuy chúng vô hình, người khác vào nhà hàng thấy bàn trống nhưng không thấy được chúng tôi sẽ đương nhiên chiếm bàn, làm chúng tôi bị khó chịu một chút. Khi ngồi xuống họ sẽ không cảm thấy sự hiện diện của chúng tôi, nhưng chuyện sẽ xẩy ra cho bọn tôi y như khi đi ngang qua đám đông trên đường. Lúc người sống mà ngồi vào ghế bạn đang ngồi trong thể tình cảm, tự nhiên bạn cảm thấy có gì đó, và tuy chuyện không cho cảm giác khó chịu nhưng nó cũng không hoàn toàn dễ chịu. Charles bảo ta có thể tránh được bằng cách dùng tư tưởng tạo ra bàn cho mình ở chỗ mà không có bàn nào tại cõi trần. Hắn làm vậy tức thì ngay giữa nhà hàng Trocadero và kêu tôi ngồi xuống.
Em bảo tôi rằng hắn cũng dùng tư tưởng sinh ra một người hầu bàn mà chúng tôi sẽ thấy y hệt như những người hầu bàn khác đang đi lại tới lui lo công việc của họ, nhưng các khách hàng bằng thể xác đang ở trong tiệm sẽ không thấy người hầu bàn nầy. Hắn thực hiện như lời và lập tức tôi thấy một người hầu bàn đi tới bàn chúng tôi, hỏi xem chúng tôi muốn uống gì, y như cách mình nghĩ sẽ có nếu là người bình thường trong thể xác. Charles kêu một ly dry sherry còn tôi là whisky với soda, vì hắn bảo việc tôi được dặn đừng uống rượu trong hai ngày trước khi có cuộc thí nghiệm này thì không áp dụng ở đây. Rượu được mang tới cho Charles và tôi, nếm thì thấy y như tôi đã tưởng. Chuyện được giải thích cho tôi là nếu ngoài đời chưa từng nếm whisky, tôi sẽ không thể nào biết được vị của nó ở cõi tình cảm, tuy đương nhiên tôi sẽ cho chất lỏng mà mình nếm ở cõi tình cảm là whisky.
Charles kể là khi vị thầy Ấn độ giảng cho hắn về những chuyện này, ông bảo hắn kêu thức uống. Ông chỉ kêu ly nước và giải thích với Charles là ông kêu rượu whisky, vodka hay sherry chỉ vô ích, bởi ông không hề nếm những thức này trong đời hiện tại ở cõi trần, ông không thể tưởng tượng ra được vị của các rượu ấy và sẽ không thấy vui thú chi. Sự việc cũng y vậy với chuyện hút thuốc. Vị thầy Ấn độ không hề hút thuốc nên ông luôn luôn từ chối khi được mời thuốc lá ở cõi tình cảm, tưởng tượng việc hút thuốc vào và phà khói ra không thú vị gì đối với ông. Nghe hợp lý và tôi mừng là mình biết uống rượu, hút thuốc và đó là hai thú vui giản dị tôi thích hưởng lúc này.
Chúng tôi nhấm nháp rượu và ngắm nhìn khách trong tiệm, nghe được cả tiếng trò chuyện rì rào chung quanh, tôi nghiệm ra nó đúng như lời nói rằng mỗi âm thanh cõi trần có âm tương ứng ở cõi tình cảm, mà ai trong thể tình cảm đều có thể nghe được. Nhìn đủ loại người khác nhau tới rồi đi không ngớt, tôi thấy khó mà tin là bấy giờ nước Anh đang bị dồn vào chân tường phải chiến đấu dữ dội để sống còn. Ai nấy đều có vẻ rất yêu đời, cười đùa rộn rã lẫn với tiếng nói huyên thuyên không dứt.
Charles gọi to một thanh niên mặc đồ không quân vừa tới, cả hai mừng rỡ chào hỏi nhau. Charles đưa anh ta lại bàn chúng tôi và giới thiệu đó là Roy Chapman, một phi công tử trận trong cuộc oanh tạc dữ dội nước Anh mùa thu năm trước. Anh chàng dễ thương và khi tôi hỏi anh thấy cảnh sống ở cõi tình cảm ra sao, câu đáp của anh giải thích sự việc thật rõ. Anh nói:
– Sống được lắm, nhưng sau một thời gian thì đâm chán. Mới đầu mình hứng chí là muốn gì được đó khỏi phải trả tiền, nhưng mãi thì cũng quen không còn lạ lùng nên nói thật, tôi vẫn muốn sống với phi đội của tôi.
Tôi nghĩ đây là cơ hội độc đáo để tìm hiểu về sự việc nên hỏi anh làm gì cho hết ngày giờ, Roy đáp là hứng gì làm nấy, rồi nói tiếp hiện anh đang chờ cô gái mà anh quen để đi ăn tối. Tôi hỏi cô bạn sống hay chết. Anh bảo:
– Dĩ nhiên là chết nếu anh muốn dùng chữ cổ lổ sĩ ấy. Hẹn hò với người còn ở cõi trần chỉ vô ích, bởi giữa chừng câu chuyện thích thú thì họ phải quay trở về xác thân.
Trong vài phút trước khi bạn gái của anh đến, tôi hỏi chuyện và được nghe là anh đã chơi hết tất cả những trò thường có và thấy chán ngấy. Thí dụ như chơi golf thì chẳng bỏ công (trước khi qua đời Roy là tay chơi gofl hạng khá), khi tất cả việc bạn phải làm chỉ là tưởng tượng mình đánh trúng vào lỗ và chuyện xẩy ra y hệt như thế. Không còn phải tranh tài, vì bạn chỉ cần nghĩ ra hình tư tưởng đối thủ bị đánh bại là đủ biến nó thành sự thật. Chơi bi da cũng thế, nghĩ là được khiến chơi không còn gì vui. Yếu tố may rủi không còn đã biến mọi trò chơi cần tài năng hóa ra hết lý thú. Tôi nhìn ra việc ấy và thấy là vị thầy Ấn Độ nói đúng, khi ông dạy rằng đời sống ở cõi tình cảm có thể buồn chán cho ai mà thú vui hoàn toàn dựa vào cảnh sống cõi trần.
Tôi hỏi Roy lúc còn sống anh có thích nhạc hay nghệ thuật chăng và anh trả lời là không. Anh biết khiêu vũ và thỉnh thoảng nghe nhạc nhưng không để ý tới nhạc cho lắm. Tôi nghĩ là về sau, khi đã mệt với cảnh gặp bạn bè chơi bời và sống bên lề cuộc sống cõi trần, anh sẽ tìm ra được chuyện khác làm anh vui hơn, bằng không cuộc đời khi ấy sẽ chán hết sức. Tới đây thì bạn gái của anh đến và anh chàng quả có mắt tinh đời. Cô bạn thật xinh đẹp, đẹp thiệt tình, hai người tạo nên một cặp lý tưởng khi họ xuống cầu thang ra phòng ăn, nơi tôi chắc họ định ăn tối. Tôi bảo Charles là muốn hỏi hắn cảm thấy gì khi mới bước qua cõi tình cảm, hắn nói không muốn nhắc tới chuyện cũ cho lắm.
– Không ai trong bọn em thích nói về chuyện đó, anh à.
Tôi thắc mắc tại sao nhưng không muốn hỏi thêm lúc ấy.
Chúng tôi đi xuống phòng ăn và chọn chỗ gần góc phòng không có bàn, và Charles tạo ra cái bàn bằng hình tư tưởng cho hai chúng tôi. Vừa an vị thì một người hầu bàn tới và hỏi chúng tôi muốn ăn gì. Charles bảo tôi gọi bất cứ món gì tôi thích. Phải nói thật là tôi không đói cho lắm nhưng kinh nghiệm độc đáo này làm tôi gọi món cá chiên ròn, món gà hấp rượu, tráng miệng và tách cà phê đen. Charles kêu hai ly sherry và một chai Chambertin 1933, bảo đây là năm hắn biết có rượu ngon. Tôi hỏi chúng có thuộc những rượu được bán trong thời chiến và Charles đáp không biết, tuy nhiên chuyện không quan hệ vì ở cõi trung giới bạn gọi gì thì có nấy bất kể cõi trần có hay không. Tôi ăn ngon với món ăn nấu y như tôi tưởng, đương nhiên rồi. Dầu vậy tâm trí không sao quen được cảnh mình như đang ngồi trong nhà hàng Trocadero, ăn một bữa tối thật là bình thường với Charles thân yêu, chung quanh là hạng người tôi biết sẽ có mặt nơi đây gần như mỗi tối trong tuần.
Ngay khi đó tôi nhận ra một người bạn cũ không gặp từ nhiều năm qua. Lần chót chúng tôi gặp nhau là trên tàu năm 1935, lúc tôi quay trở lại Sri Lanka sau kỳ nghỉ phép còn anh đi Malaya. Tôi đi về phía anh để Charles ngồi lại một mình. Bạn tôi trong nhóm bốn người thấy đang hứng chí hết sức, vì anh kể chuyện hăng say theo cách của anh từ hồi nào đến giờ. Tôi đập nhẹ vai anh và hỏi:
– Bạn làm gì ở đây ?
Nhưng anh không để ý gì đến tôi cả mà tiếp tục câu chuyện của mình, thấy anh đang vui lắm vì tôi có thể nghe rõ từng chữ anh nói, và mấy bạn của anh có những tràng cười vui thích. Tôi ý thức là không thể nào làm cho anh biết là có tôi nên bực bội quay trở về bàn, thấy Charles thú vị với sự bất mãn của tôi. Tôi hỏi:
– Làm sao biết là anh ta thực hay không thực ?
Charles đáp là hắn thấy ngộ nghĩnh với việc tôi dùng chữ 'thực' và 'không thực' vì hai chữ ấy không áp dụng ở đây. Em giải thích là mới đầu thì khó mà nói nhưng có sự khác biệt: với ai còn dùng thân xác vật chất thì thể tình cảm mà chúng tôi thấy không có đường nét rõ rệt cho lắm, còn ai đã mất thân xác và ở thường xuyên nơi cõi tình cảm cũng như ai qua cõi tình cảm lúc ngủ, thì thể tình cảm của họ có đường nét rõ ràng hơn. Ngoài ra còn một khác biệt nữa cần để ý, là sợi dây bạc mờ bằng chất ether luôn luôn dính vào người chỉ tạm thời sang cõi tình cảm một lúc, trông họ không hề sống động bằng người thường trực ở đây. Chẳng bao lâu bạn sẽ quen phân biệt ngoại trừ khó mà thấy sợi dây bạc.
Em kêu tôi so sánh Roy Chapman với những thực khách khác trong phòng ăn. Quả thực có sự khác biệt vì đường nét thể tình cảm của anh chàng thấy rõ rệt hơn so với những người khác. Lý do của việc có thể là khi thể tình cảm được dùng làm thể chính nơi người đã mất xác thân vật chất, linh hồn trong thể này không còn sống hai nơi như trong trường hợp của người còn ngụ ở cõi trần.
Bữa ăn của chúng tôi đã xong và khi nhấm nháp ly rượu ngọt tôi thấy một màn vũ sắp bắt đầu. Tôi thấy tầm quan trọng của việc ai đang bị căng thẳng vì sống trong cảnh chiến tranh cần được giải khuây khi nào có dịp. Thấy rõ ràng là cảnh trong phòng trước mắt tôi không có chút gì là chiến tranh, nhưng người ta có thể thấy sự căng thẳng đằng sau cuộc vui ngoài mặt lúc này, vì những ai hiện diện đều biết là tương lai hết sức bấp bênh, và chuyện gì cũng có thể xẩy ra cho họ hay cho người thân bất cứ lúc nào. Màn vũ có những vũ viên ăn mặc thật khêu gợi, và trong lúc vũ họ tiến tới tiến lui trọn những khoảng trống giữa mấy bàn ăn, tức chỗ có bàn của chúng tôi ở cõi tình cảm. Thế nên chúng tôi lại có cảm giác lạ lùng khi người trong thân xác vật chất đi xuyên qua thể tình cảm của tôi.
Sau màn vũ Charles đề nghị dẫn tôi đến một hộp đêm nhỏ mà hắn là hội viên trước khi bị bắn rơi. Tôi không nhớ con đường có hội quán này nhưng tôi biết nó nằm giữa công trường Leicester và Soho. Chuyện diễn ra y hệt như tại nhà hàng Trocadero, Charles tạo ra cái bàn cho chúng tôi và người hầu bàn lấy rượu theo ý hai tôi, chắc người này cũng là do sự tưởng tượng của cậu em mà ra.
Chuyện quan trọng kế hẳn phải xẩy ra lúc 10 giờ đêm tại Anh. Hộp đêm chật nghẹt người vừa quân nhân vừa một số dân sự. Thình lình còi báo động vang lên cho biết có phi cơ địch tới dội bom. Chứng kiến cảnh ai nấy đi ra có trật tự hoàn toàn không hốt hoảng là kinh nghiệm lý thú. Tất cả khách trong hộp đêm vội vã tới những hầm trú ẩn nằm ở đủ chỗ lạ lùng, ngoại trừ đường xe điện ngầm là nơi đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự an toàn của dân chúng tại London trong những cuộc oanh tạc. Chúng tôi ra khỏi hộp đêm và đi về Piccadilly. Lúc này trời đã tối nhưng đối với chúng tôi ánh sáng vẫn là mầu xanh xám như khi bắt đầu đi ở Sri Lanka. Chưa gì chúng tôi đã nghe tiếng bom rơi, tiếng súng nổ 'tạch tạch' như xé không khí lúc bấy giờ. Rồi tới một lúc yên lặng và nghe có tiếng gầm thét của chiến đấu cơ thuộc phi đội nhà bắt đầu phản công.
Vào khoảng này tôi thấy vị thầy Ấn Độ trở lại với chúng tôi, ông đề nghị chúng tôi đi xem có thể giúp được gì. Tôi không hiểu ý ông lúc đó nhưng cũng làm theo, chúng tôi lập tức bay bổng lên khỏi các cao ốc, lượn quanh thành phố London với oanh tạc cơ của địch và phi cơ chiến đấu của Anh đông đầy quanh chúng tôi. Tôi để ý thấy Charles đâu mất nên tỏ thắc mắc, không biết em có lạc chúng tôi chăng. Tôi được giải thích là hắn luôn luôn biến dạng khi phi cơ quần thảo nhau, vì ký ức bị bắn rơi không lâu trước đó vẫn còn quá sống động trong trí. Vị thầy Ấn Độ bảo:
– Chắc lát nữa ta sẽ gặp lại anh chàng.
Nhưng sau đó tôi cũng không thấy em đâu dù rằng cho tới bây giờ tôi mới nhận ra điều ấy.
Chúng tôi bay lượn giữa biển lửa đang hoành hành, tai nghe tiếng bom và súng máy trong suốt khoảng thời gian ấy. Đó là lần đầu tiên tôi thực sự cảm biết đời phi công và oanh tạc là sao, và nhận thức là vài hành động vô trách nhiệm mà bọn họ làm lúc nghỉ ngơi giữa hai phi vụ chỉ là kết quả đương nhiên, sinh ra do sự căng thẳng họ gặp phải khi lâm trận. Nay tôi hiểu rất rõ câu nói xưa.
– Ăn chơi cho thỏa đi vì ngày mai ta sẽ chết.
áp dụng rất đúng cho họ, và ai có thể trách được nếu họ tìm mọi cách để xả hơi trong thời gian ngắn ngủi dành cho việc giải trí ? Vị thầy Ấn Độ bay theo một chiếc phi cơ chiến đấu đặc biệt dường như đang ở giữa cuộc không chiến xẩy ra lúc ấy, có vẻ như ông biết chuyện sắp diễn ra và chỉ vài giây sau một tràng súng máy làm phi cơ đâm xuống đất. Chúng tôi bay theo với cùng vận tốc còn phi cơ vừa rơi vừa lộn nhiều vòng, tôi thấy lửa phát ra từ động cơ rồi dần dần bao phủ lấy trọn phi cơ. Phi cơ trúng mặt đất với tiếng động lạnh mình, và viên phi công bị bắn tung ra khỏi phòng lái giữa các mảnh vụn. Trong vài khoảnh khắc nó đúng là biển lửa và tuy xe cứu thương đến gần như là tức thì, thấy rõ là không còn có thể làm gì cho người phi công kém may mắn. Vị thầy Ấn Độ nói:
– Bây giờ anh sẽ thấy người có hiểu biết giúp được ra sao.
Khi chúng tôi đáp xuống mặt đất thì thấy tuy thân xác của người phi công bị cháy nám ghê gớm, gần như không còn hình thù nhận ra được là của người, nhưng con người thật trong thể tình cảm đang đứng cạnh thể xác nằm trên đất, trông anh đầy vẻ kinh hãi và tội hết sức. Khi vị thầy đi lại và nói chuyện với anh, làm như anh không nghe hay để ý chuyện chi. Tôi thấy vật giống như tấm áo khoác bằng vật chất đặc tìm cách quấn quanh thể tình cảm của viên phi công đang đứng trước mặt chúng tôi. Trông nó giống như chất thun dầy và bao trùm gần kín hết thể tình cảm có hình dạng rõ nét. Việc phủ trùm này chỉ diễn ra vài giây là xong. Tôi chỉ có thể mô tả nó như bóng ma phát xuất từ thể xác nằm trên mặt đất, và làm như bóng bị thu hút bằng từ lực vào người phi công đứng gần đó. Về sau tôi được dạy sự việc đúng là như thế, và được giải thích là thể sinh lực (thể phách), vật bị đẩy ra khỏi thể xác vào lúc ta qua đời, quấn quanh thể tình cảm để tìm cách giữ lại sự sống cho nó, vì cái chết của thể xác cũng có nghĩa là chấm dứt sự sống của thể sinh lực, vốn là một phần của thể xác.
Vị thầy Ấn Độ khi ấy cố gắng hết sức để làm anh mất sự kinh hoảng đang có, vì tôi có thể nghe anh được khuyên nhủ rằng không có gì phải sợ hãi mà mọi việc rồi sẽ tốt lành. Cậu nhỏ – vì anh rất trẻ – làm như mê mẩn với hoạt động rộn ràng đang xẩy ra chung quanh anh ở cõi trần. Anh thấy nhân viên cứu thương sau khi dập tắt phần sót lại của ngọn lửa đã thiêu rụi chiếc phi cơ chiến đấu, nhấc lấy thể xác của anh và kính cẩn mang ra xe cứu thương đang chờ. Tôi thấy cậu nhỏ thỉnh thoảng rùng mình vì xem ra bom nổ gần chúng tôi. Anh muốn đi theo thể xác của mình, nhưng vị thầy khuyên can, nói hoài trong lúc này bằng giọng êm ái, tìm cách làm cho anh hiểu ra là khó khăn của anh đã xong rồi. Vài người cư ngụ thường trực ở cõi tình cảm có mặt ở đó, và dễ nhận ra họ ngay so với nhân viên cứu thương hay ai tới phụ ở cõi trần, tiến lại hỏi chúng tôi có cần họ giúp chăng. Vị thầy bảo họ đi giúp kẻ khác vì ông sẽ ở đây lo cho 'trường hợp' của chúng tôi.
Tôi không nghe hết tất cả những lời mà ông nói, nhưng sau một lúc tôi thấy dường như mặt cậu nhỏ lóe lên chút hiểu biết, ngay lúc đó chất liệu đeo dính bao phủ anh một phần bắt đầu rã ra và rơi xuống đất. Việc được giải thích là sự phân rã này do chính cậu nhỏ làm, khi cậu được kêu dùng ý chí tách rời mình với chất liệu. Sau một lúc nó rơi hết xuống đất và có vẻ như tan biến thành khói bụi. Về sau tôi được dạy là thể tan rã rất mau lẹ, vì chất ether tạo nên thể là chất tương đối thanh nhẹ so với vật chất của thể xác đậm đặc. Khi đó cậu nhỏ như choàng tỉnh, cậu ngồi bệt trên đất lấy hai tay ôm đầu và khóc sướt mướt. Vị thầy để cậu khóc một lúc, vì ông giải thích là thể tình cảm của cậu bị căng thẳng rất mực, nên cần để cho phản ứng tự nhiên diễn ra.
Cậu nhỏ có vẻ như nghĩ rằng mình không làm tròn được bổn phận, và ngay cả khi đó làm như vẫn chưa ý thức rằng mình đã chết, đã rời khỏi cảnh sống ghê gớm như địa ngục mà mình đã biết. Vị thầy Ấn Độ nói:
– Nào, anh đi với tôi rồi mình sẽ nói về chuyện này.
Ông nắm lấy tay anh, và với cậu nhỏ dường như không để ý, chúng tôi bay vút đi khỏi cảnh tượng đó, chỉ vài giây sau chúng tôi đã ở xa chỗ ấy tiến vào vùng quê. Vị thầy đưa anh đến một chỗ xinh đẹp gần cánh rừng, có dòng suối uốn lượn chảy vào con sông lớn bên dưới, chúng tôi ngồi yên lặng bên bờ suối và so với cảnh địa ngục cháy nóng vừa bỏ đi thì nơi đây như cảnh thiên đàng. Vị thầy bắt đầu nói và dần dần làm biến đi cảm giác sợ hãi, kinh hoàng còn vương vấn, trong khi ấy cậu nhỏ lắng nghe lời giải thích ngắn gọn về chuyện đã xẩy ra.
Ban đầu cậu không tin là mình đã chết và cứ hỏi:
– Làm sao tôi có thể chết được khi thấy mình đầy sức sống ?
Chúng tôi mới hỏi nhà cậu ở đâu và cậu cho biết.
– Vậy đi nào, mình tới coi ba má em đã ngủ chưa.
Cậu nhỏ không hiểu chi cả nhưng cậu chỉ căn nhà mà gia đình cư ngụ, ở quá Finchely một chút. Tới đó chúng tôi thấy cả nhà vừa mới lên giường nhưng chưa thiếp ngủ. Cậu nhỏ dường như không ý thức là có người lạ đi lại trong nhà nhìn ngắm ba má mình, còn vị thầy tiếp tục nói chuyện để làm cậu phân tâm không nhận ra chuyện đúng ra lạ lùng đối với cậu.
Sau một lát ba cậu thiếp ngủ trước rồi kế đó là mẹ cậu, vừa khi hai ông bà tách ra khỏi thân xác họ tỏ ra mừng rỡ vì gặp con trai. Vị thầy bắt đầu kể cho hai người nghe chuyện đã xẩy ra, tìm cách chuẩn bị họ về tin báo tử ngày mai sẽ đến. Đương nhiên ban đầu họ kinh sợ với chuyện nhưng khi nhận ra rằng mình không hề mất con trai, mà có thể gặp và tiếp xúc con bất cứ khi nào họ ngủ và ra khỏi thể xác, phần lớn nỗi đau khổ ập xuống họ bất chợt lúc ban đầu nay biến mất.
Đáng tội là người ta không nhớ điều mình đã thấy và được chỉ dẫn lúc ngủ, và thường thường họ không nhớ gì cả. Nay tôi có thể hiểu tại sao nhiều người có cảm tưởng lo lắng trước khi tin dữ đến, hay trước khi có tai nạn, có ai qua đời trong nhà. Ấy là vì họ được cho biết trước ở cõi tình cảm, và sáng hôm sau lúc thức dậy còn hồi nhớ một chút trong tâm não.
Sau khi nán lại với họ một lúc, giải thích rất nhiều về cái chết thực sự nghĩa là gì, vị thầy đề nghị cậu nhỏ đi với ông để được giới thiệu với một bà đang làm việc ở cõi tình cảm, và rất sẵn lòng chỉ dẫn cho cậu cách thích nghi với cuộc sống trong điều kiện mới. Thế rồi chúng tôi rời cha mẹ cậu ra đi, để hai ông bà vẫn còn ngồi trong căn nhà ở cõi trung  giới, bàn luận với nhau về chuyện họ vừa được nghe. Cặp vợ chồng này chưa tiến hóa mấy nên họ không đi xa cho lắm khỏi xác thân vật chất đang nằm ngủ trên giường, không hay biết điều mà chủ nhân của xác sẽ phải gặp vào sáng hôm sau.
Vị thầy Ấn Độ khi ấy đứng lặng yên một lát rồi cất tiếng phát ra nốt đặc biệt, nó không phải là tiếng huýt sáo mà tương tự như vậy. Lập tức sau đó một thiếu phụ chừng ba mươi lăm tuổi có vẻ như từ đám sương mù hiện ra với chúng tôi, đáp lại nốt kêu gọi đó. Vị thầy giải thích là muốn tiếp xúc với ai ở cõi tình cảm thì người ta chỉ cần nghĩ thật mạnh mẽ về họ, và nếu đó là chuyện khẩn cấp thì để phụ vào tư tưởng ấy, ta cũng làm vang lên cái 'nốt thật' của cá nhân này. Tôi nghe là mỗi người có cái gọi là 'nốt thật' của mình khác với nốt của bất cứ ai khác, làm vang lên nốt ấy trong trường hợp khẩn cấp khiến mang được người mà ta cần đến một chỗ trong thời hạn ngắn nhất. Họ nghe được nốt ấy và sẽ bị thu hút bằng từ lực đến người gọi.
Thiếu phụ đáp lời kêu gọi của ông là một trong những người cứu trợ vô hình, tận tụy làm việc giúp đỡ những ai vừa rời bỏ cõi trần mà ta gọi là cái chết, và nay tôi có thể ý thức trọn vẹn là công việc này cần thiết lẫn tuyệt diệu ra sao. Nếu không có những người tình nguyện như thế, điều dễ thấy là ai qua đời phải mất nhiều thì giờ hơn để thải ra thể sinh lực quấn vào thể tình cảm của họ – vì đời sống ở cõi tình cảm không thể thực sự bắt đầu bao lâu chưa làm vậy. Cái lợi còn là có người chỉ dẫn họ những điều kiện khác biệt ở cõi này.
Chẳng mấy chốc thiếu phụ được cho hay hết mọi chi tiết về 'trường hợp' của chúng tôi, bà tỏ ra đầy thông cảm làm cậu trai thấy tự nhiên dễ chịu, và bà đưa cậu đi nơi khác để chỉ dẫn về lối sống ở cõi trung giới. Tôi được cho hay là chuyện như vậy luôn luôn xẩy ra, không ai bị để bơ vơ phải tự mình tìm hiểu sự việc nơi đây, mà luôn luôn có người được giao nhiệm vụ thực hiện phần việc này. Theo cách đó người mới tới chẳng bao lâu bắt đầu hiểu cảnh sinh hoạt, và bước vào cuộc đời mới thay cho đời cũ ở cõi trần anh đã bỏ lại sau lưng.
Khi ấy vị thầy hỏi tôi giờ, nhìn vào đồng hồ gần đó tôi thấy hai giờ khuya. Nó có nghĩa bốn giờ đã trôi qua từ lúc có còi báo động, vậy thì tại Sri Lanka đã 6:30 sáng rồi. Ông bảo chúng tôi chỉ còn hơn một tiếng đồng hồ vì tôi phải trở về thân xác lúc 8 giờ sáng ở Colombo. Ông đề nghị là sẽ giới thiệu cho tôi những cảnh đời khác có thể sống ở cõi tình cảm, cho ai không bị ràng buộc vì lòng ham muốn vật chỉ có căn bản vật chất mà thôi. Thế nên ông bảo tôi hãy theo sát và vút đi. Chúng tôi bay ngang qua biển không thấy bến bờ đâu cả, ông hỏi tôi có bao giờ tò mò muốn biết dưới nước có chi, tôi thú thật là chưa hề nghĩ nhiều về việc ấy. Vị thầy mới bảo rằng ở cõi tình cảm người ta có thể tiếp xúc với những thực thể thuộc về đường tiến hoá song song với người, thí dụ cá và chim không đi theo đường nhân loại để tới sự toàn thiện mà tiến hóa theo một cách riêng, khác hẳn, là đường thiên thần. Tuy nhiên trước khi tới đẳng cấp thiên thần, chúng phải tiến hóa qua những chặng là tinh linh (elementals), tiên nữ và loài tương tự, và nếu tôi muốn hiểu đôi điều về đường tiến hóa này, tốt hơn tôi nên bắt đầu từ dưới đáy và đi dần lên trên theo thứ tự đúng cách.
Ông đề nghị mang tôi xuống nước, khuyến cáo rằng dù có chuyện gì xẩy ra tôi phải không được kinh hoảng, bằng không nó có nghĩa tôi bị lập tức trở về thể xác và không còn nhớ chút gì chuyện đã thấy đã làm tối nay. Vị thầy nhắc lại lần nữa việc cần phải mất lòng sợ hãi đối với tất cả những vật liên hệ tới cuộc sống ngoài cõi trần, và hỏi xem tôi thấy mình làm được như thế không. Tôi luôn luôn là người cái gì cũng thích làm một lần cho biết, nên tỏ ý sẵn lòng đi theo ông. Tôi được dặn là đi xuống nước không ảnh hưởng chút gì đến thể tình cảm của tôi, vì thể ấy không cần thở nên ở trên hay ở dưới mặt nước cũng không có chi khác biệt.
Chúng tôi đi xuống nước và tuy biển có vẻ hơi động nó không gây cản trở gì cho chúng tôi. Cảm giác về nước khác hơn một chút so với khi trên đất liền. Nhiệt độ có vẻ không thay đổi và khi chúng tôi từ từ chìm xuống, chìm rất chậm để tôi không phải lo lắng, tôi không thấy có gì khó chịu. Khi đầu tôi chìm sâu dưới những lượn sóng, tôi mừng thấy ánh sáng không thay đổi, nó vẫn là mầu xám xanh mà tôi bắt đầu quen thuộc. Chung quanh tôi nhiều sinh vật di động tới lui và tôi nhận ra đó là mấy con cá, nhưng với số lượng không ngờ. Xuống sâu hơn thì số cá ít đi, và cá mà tôi thấy thì to hơn đáng kể, di chuyển chậm hơn nhiều so với cá trên mặt. Cũng có những khối rất lớn trông như đá nổi nhưng lại gần hơn tôi thấy chúng có mắt lân tinh, muốn nói có sự sống nào đó. Vị thầy giải thích quả đây là sinh vật sống động, chúng ở giai đoạn từ cá sang tinh linh, chúng không hề đi lên mặt nước mà cũng chưa hề thấy người vì sinh sống ở độ sâu quá tầm thả lưới của ngư phủ.
Sau một lúc rất ngắn theo cách tính thời gian của người, chúng tôi xuống tới đáy biển và đi trên đất vững chắc trở lại, mà không giống như mặt đất vì nó đầy đá và gồ ghề. Nhưng cảnh tượng mới lạ lùng làm sao ! Trọn đáy biển là một cảnh vườn, có bụi cây đầy hoa, hoa biển đủ loại và đá lấp lánh muôn ngàn mầu sắc. Rải rác đó đây tôi thấy có hang động, chúng không tối nhưng hiển nhiên không ánh sáng như bên ngoài và tôi được dẫn vào một hang như thế. Đó là nơi cư ngụ của tinh linh biển, thấy có nhiều hang như vậy trên đáy biển.
Mới đầu tôi rụt lại khi nhìn vào vật to bằng con voi mới lớn phân nửa, có mắt lân tinh chiếu sáng nhấp nháy trong bóng tối của hang khiến nó giống như đầy sức thu hút. Tôi được dạy là quả thật các sinh vật này quyến rũ con mồi của chúng như cá và hải vật đến với mình bằng từ lực trong mắt. Tôi cảm thấy sự lôi kéo và trong một phút chốc có hơi sợ hãi, nhưng vị thầy Ấn Độ không hề đi xa tôi, trấn an rằng vật không thể làm hại tôi và tôi không có gì phải sợ. Thấy rõ là sinh vật mà chúng tôi nhìn vào biết có sự hiện diện của chúng tôi, tôi được dạy rằng hình mà chúng tôi thấy là thể tình cảm của vật.
Chúng tôi ra khỏi hang và tôi lại một lần nữa nhìn cảnh trí tuyệt đẹp chung quanh thật mãn nhãn. Trong lúc ấy tôi nghe có tiếng động trầm, rập rình hơi giống tiếng nhạc một chút. Chúng tôi đứng yên trong lúc nó tiến lại gần hơn và chẳng bao lâu tôi thấy có một nhóm chừng hai mươi sinh vật lạ lùng, không phải cá mà cũng không phải người hay thú vật. Chúng có đầu người, theo nghĩa có đường nét giống người nhưng thân hình lại hoàn toàn được cái trông như rong biển quấn quanh lượn lờ, xinh đẹp hơn bất cứ vật gì khác tôi đã thấy trước đây. Khi trôi đi chỉ bên trên đáy biển một chút, chúng hát một điệu hát trong khi vài sinh vật chơi nhạc cụ giống như cái ống kỳ dị, phát ra âm vi vút như tiếng gió. Kết quả là âm điệu tuyệt hay và tôi được dạy rằng chúng là hải tiên sống ở chỗ nào có biển sâu. Tôi có thể lắng nghe nhạc của chúng một lúc rất lâu, vì nó giống như điệp khúc tới rồi lui, nốt không phân biệt rõ từng cái một mà quyện lẫn vào nhau ít nhiều thành khúc nhạc du dương êm ái. Quả đó là khúc hoà tấu của trùng dương mà tôi muốn nghe thêm. Tôi được dạy là có thể dễ dàng làm vậy vào một dịp khác nếu muốn, nhưng nay đã tới lúc chúng tôi phải về.
Tôi đi theo sát vị thầy, chẳng bao lâu chúng tôi trồi lên mặt biển và không cần cố gắng chi, phóng lên không tiếp tục cuộc hành trình. Một lần nữa chúng tôi lại đi với tốc độ thật mau lẹ xét theo tiêu chuẩn trên mặt đất, tuy thực ra không có cảm giác nào về vận tốc, vì chỉ trong vài phút có vẻ như chúng tôi đi chậm lại và tôi thấy chúng tôi bay ngang qua cảng Colombo. Chốc lát sau chúng tôi lướt qua cửa sổ phòng ngủ trong căn nhà mà tôi rời đi gần mười tiếng đồng hồ trước đó.
Thân xác tôi như còn say ngủ trên giường, nhưng ngay cả khi chúng tôi đứng nhìn nó, tôi để ý thấy nó cử động và xoay người đang nằm nghiêng thành nằm ngửa. Vị thầy chỉ cho tôi coi và giải thích rằng trong tiềm thức, nó bắt đầu cảm nhận là gần tới giờ để phải dậy trở lại, và trong vài phút một tín hiệu S.O.S sẽ được phát ra, để cho dù có cách xa vạn dặm tôi cũng trở về lập tức, vì tín hiệu này có nghĩa là xác thân đã có giấc ngủ đầy đủ và muốn trở dậy làm tiếp công chuyện của nó ở cõi trần.
Tôi hỏi làm sao có thể bảo đảm là thân xác sẽ luôn luôn ngủ một số giờ nhất định nào đó thì ông đáp khó mà bảo đảm như vậy, nhưng với tập luyện và chú tâm nhiều thì có thể điều khiển cơ thể khiến nó hành động theo ý muốn của ta, tuy vậy tôi đoán là cần nhiều thì giờ và huấn luyện mới làm được đúng cách. Tôi hỏi phải chăng viên thuốc mà tôi uống trước khi đi ngủ tối qua có ảnh hưởng đến việc ấy, thì câu đáp là đúng vậy trong trường hợp này. Viên thuốc là loại thuốc ngủ đặc biệt được chế theo công thức mật, chẳng những bảo đảm là người ta ngủ liền tức thì, mà còn làm cho cơ thể ngủ một lúc mười tiếng đồng hồ trừ phi có tiếng động lạ thường khiến tỉnh dậy, hay có gì đụng chạm vào.
Tôi được dặn kỹ là nếu tôi muốn nhớ lại hết trong trí não của thân xác chuyện đã làm trong lúc rời cơ thể, thì điều thiết yếu là tôi huấn luyện người giúp việc trong nhà không bao giờ đánh thức tôi dậy, hay gây ra tiếng động lớn gần phòng ngủ trong lúc tôi muốn cơ thể vẫn còn ngủ. Rồi vị thầy Ấn Độ bảo rằng đã tới lúc tôi trở vào thân xác, và ông sẽ cố gây ấn tượng lên tế bào não của xác việc cần nhớ lại chuyện gì đã xẩy ra trong đêm, để không có gián đoạn tâm thức lúc thức dậy. Ông dặn là ngay khi vừa tỉnh giấc trong thân xác vật chất, tôi hãy ghi ra liền chuyện đã làm hồi đêm, và lập tức sau khi tắm và ăn sáng, tôi không bỏ phí thì giờ mà viết ra ngay chi tiết tất cả những gì tôi nhớ.
Ngay khi vị thầy vừa nói xong tôi cảm thấy mình trượt từ từ vào thân xác trở lại, và thức giấc mà không có gián đoạn nào trong tâm thức như ông hy vọng. Tôi ngồi dậy trên giường, kéo lại gần tập giấy và cây viết chì mà tôi đã đặt cạnh giường, và bắt đầu ghi lại tất cả những gì đã xẩy ra trong đêm. May mắn là tôi được dặn phải ghi xuống ngay, vì tôi thấy rằng dù đã viết những tiểu đề, tôi vẫn khó mà nhớ lại chính xác chuyện gì đã xảy ra khi về sau tôi viết bài thuật lại đầy đủ chi tiết. Tuy nhiên, tôi sẽ biết trí nhớ mình theo sát được tới đâu khi tôi đưa cho thầy vào ngày mai, vì ông nói là sẽ trở lại để tiếp tục câu chuyện.

 

CHƯƠNG NĂM

 

 

Chẳng ăn thua gì, đêm qua tôi chuẩn bị mọi việc và tập trung vào việc nhìn thấy chính mình trong gương, nhưng sáng nay tôi không nhớ chút nào. Tôi thiếp ngủ gần như ngay khi đặt đầu xuống gối, tôi đoán là vì mệt mỏi sau khi chú tâm viết bài kể lại chuyện ngày hôm qua, và dường như tôi chỉ mới ngủ một lúc ngắn là thức dậy sớm sáng nay, tươi tỉnh sau giấc ngủ đêm không mộng mị. Phải, không có giấc mơ nào trong lúc ngủ và tôi phải nói là mình thất vọng, tuy có thể là tôi đã mong đợi quá nhiều. Trong một tiếng nữa vị thầy Ấn độ sẽ tới đây, và không chừng ông sẽ giải thích cho nghe tại sao đêm qua tôi đã thất bại ê chề như vậy.
Đúng 11 giờ, lúc tôi nhìn vào bài viết lòng không chắc là ông sẽ nghĩ sao về chúng thì ông mở cửa. Rõ ràng là ông biết tôi có chút hồi hộp, tự hỏi có quên nhiều chuyện chăng trong chuyến du hành cõi tình cảm, vì mắt ông hóm hỉnh lúc hỏi tôi là bài viết đã xong chưa. Dường như không bao giờ thấy ông cười tuy mắt ông thỉnh thoảng cười, và ta nhận ra ngay là ông có óc khôi hài phát triển rất cao độ.
Đọc xong bài viết của tôi ông khen là tôi nhớ nhiều lắm, và bảo nỗ lực lần đầu mà được như vậy thì quả là trên trung bình. Tôi hỏi thầy là mình có quên nhiều chăng, thì được trả lời là chắc chắn tôi không để ý một vài chuyện khi tôi xuống biển, cũng như không nhớ nhiều việc xẩy ra khi chúng tôi tìm cách giúp chàng phi công trẻ tuổi ngay sau khi anh bị bắn rơi; những thiếu sót này không quan hệ, điểm chính là tôi đã tự chứng tỏ cho thấy có thể nhớ được điều gì làm bên ngoài xác thân, và nay việc nhớ lại chỉ là vấn đề thời gian cùng định trí. Tôi hỏi.
– Nhưng tại sao tôi không nhớ gì sáng nay ?
Ông cười và vạch cho tôi thấy là đừng mong được thành công ngay tức khắc, và tôi phải chuẩn bị cho việc có nhiều thất vọng sau này, tuy nhiên nếu tôi nhất quyết muốn thành công thì ông sẽ giúp tôi bằng mọi cách. Ông nói tiếp:
– Cuộc đi chơi tối hôm kia của anh làm việc của tôi là mô tả cõi tình cảm cho anh trở thành dễ dàng hơn trước, vì nay nhờ kinh nghiệm anh biết đôi điều về sự việc mà tôi chỉ giải thích được bằng lời. Vì vậy anh học được bài học đầu tiên của cái chúng tôi gọi là Minh Triết Bí Truyền, nó nói rằng anh phải chớ hề tin một cách mù quáng bất cứ chuyện gì nghe nói, và anh cũng đừng không tin vì như vậy là khờ dại. Phương pháp duy nhất áp dụng là chấp nhận điều anh được nghe như là chuyện khả hữu, rồi tìm cách tự chứng minh những điều ấy.
"Nào, tới bây giờ chúng ta đã chứng minh được gì ? Đó là điểm tôi muốn bắt đầu. Anh đã chứng tỏ rằng có thể có kinh nghiệm bên ngoài thể xác, rằng cái chết không phải là điều như anh vẫn tưởng xưa nay, vì anh đã thấy em trai Charles cùng biết rằng hắn đang linh hoạt dù vô hình đối với anh trong khi anh linh hoạt trong thể xác; anh đã nói chuyện với em, và điều này đủ là bằng chứng rằng hắn hiện hữu ở cõi mà anh có thể đến gặp vào thời điểm ấn định. Anh ý thức rằng tuy Charles vẫn còn biết rất ít về cảnh sống ở cõi tình cảm, anh không thể nói rằng hắn đang khổ sở hay cảnh đời của hắn tệ hại và là điều người ta tự nhiên muốn tránh. Vì vậy anh đã tiến thêm một bước tới việc loại trừ lòng sợ chết, nỗi sợ hãi ăn sâu vào tâm thức của biết bao người sống trên thế gian.
"Ngay cả với kiến thức hiện có anh biết rằng chết không phải là thảm kịch như người ta hay gọi, và trong vài trường hợp dễ thấy nó chẳng những là việc trút gánh nặng mà còn là đại ân phước. Anh đã tự mình thấy là cuộc sống sau khi chết nhiều phần bị lối sống khi trước ở cõi trần chi phối, anh có thể thấy ai có khuynh hướng nghệ thuật hay ưa thích những ngành nghệ thuật như nhạc, hoạ, văn chương, triết học, hay ngay cả sở thích đặc biệt là du lịch đều được chăm lo về mặt này sau khi chết. Về mặt khác anh cũng thấy ai có cuộc sống thuần vật chất, ai mà có trò giải trí và sở thích tùy thuộc vào thân xác vật chất, ai chú trọng chính yếu vào thể thao, ăn ngon mặc đẹp, các hình thức thương mại có mục đích làm giàu, sẽ thấy thời gian trôi qua nặng nề sau khi chết cho tới khi họ thức tỉnh là mình có thể tạo sở thích mới.
Tôi hỏi.
– Nhưng làm sao người ta tạo nên sở thích mới sau khi chết ?
– Làm được y như cách anh có thể tạo ra trong lúc sống nếu có đủ thì giờ và tài chính cho học phí. Ở cõi tình cảm tuy anh chưa thấy nhưng có trường dạy, do nhu cầu lớn lao là cần huấn luyện cư dân thường trú ở đó những điều mà họ thiếu cho cuộc sống trước mặt. Những trường này có hai mục đích, chúng không những giảng dạy cho học viên về cách sống ở cõi tình cảm, và làm thế nào tận dụng những điều kiện nơi đây cho lạc thú và việc giáo dục họ, mà còn có những khóa học chỉ dẫn đủ các môn khác nhau, những môn thực hiện được không cần tới điều kiện ở cõi trần.
"Đa số các nhạc sĩ, họa sĩ, triết gia chân chính và những ai là giáo sư, thầy dạy ở cõi trần rất đỗi sung sướng khi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của họ cho ai không có nhưng ham thích muốn học. Việc thời gian không thành vấn đề ở đây cũng giúp chuyện một cách đáng kể vì ta không còn cần phải ngủ tám tiếng một ngày nữa. Nếu chuyên gia một ngành bỏ ra một ngày chỉ ba hay bốn tiếng để dạy học trò, thì thời gian mất đi này không làm họ khổ sở, vì họ vẫn còn hai mươi tiếng mỗi ngày để làm chuyện riêng.
"Trên thực tế cái diễn ra là nhiều giáo sư và chuyên gia trong ngành nghệ thuật của họ, rất hài lòng khi uốn nắn vật chất mới thành hình, nên họ tự nguyện dạy học ở những trường này, và thường khi dành hơn nửa đời ở cõi tình cảm để dạy phần nhập môn nghệ thuật của mình cho người khác. Hay trong một số trường hợp giúp đỡ ai có năng khiếu trở thành chuyên nghiệp tinh xảo, nhờ sự chỉ dẫn chuyên tâm có sẵn nơi cõi này.
"Không những các trường ấy đóng một vai trò lớn lao trong cuộc sống ở cõi tình cảm, mà chắc chắn nó còn có ảnh hưởng tới những kiếp tương lai của học viên. Nếu ở cõi trung giới một người sinh lòng yêu thích bất cứ nghệ thuật hay ngành khoa học nào thì vào kiếp sau ở cõi trần, họ sinh ra với ước muốn tiếp tục việc học hỏi đó. Vì vậy ta có trẻ nhỏ lộ năng khiếu về điều này điều nọ mà cha mẹ không có đặc tính ấy. Ta nên luôn luôn khuyến khích khuynh hướng về nghệ thuật như vậy.
"Cha mẹ thường khi biện luận rằng cần gạt bỏ ưa thích đó, vì họ đã thành công trong đời mà đâu cần biết tới nghệ thuật. Dầu vậy đó là lỗi lầm tai hại và nếu cha mẹ nhận ra đó là ham muốn thật tự nhiên, và thực tình là trẻ chỉ mong ước được tiếp tục việc huấn luyện đã bắt đầu trong thời gian vô tư lự vừa qua ở cõi tình cảm, có lẽ cha mẹ sẽ hiểu rằng nên khuyến khích lòng ham muốn ấy thay vì bác đi như vẫn thường làm. Ở cả hai nơi cõi trần và cõi tình cảm, chúng ta đang luôn luôn học hỏi và làm cho những kiếp tương lai của ta được trọn vẹn và hạnh phúc hơn.
"Người cư ngụ thường trực ở cõi tình cảm tìm ra những trường này theo nhiều cách khác nhau, và luôn luôn vào lúc nó có ích nhất cho họ. Ban đầu khi họ mới ý thức là đang sống ở cõi trung giới, nói về những trường này chỉ mất công vì họ sẽ lập tức cho anh hay rằng chán đi học lắm rồi, họ chỉ muốn vui chơi. Trong vài tháng đầu tiên, có cơ hội du lịch vòng quanh thế giới đi thăm những nơi muốn đi mà lúc còn sống ở cõi trần không đi được, thường đủ làm họ thỏa mãn.
"Anh còn nhớ Roy Chapman, bạn của em anh, nhìn nhận là có lúc hắn thấy nhàm chán ? Anh ta đã làm hết mọi chuyện vừa nói, dĩ nhiên là kết được bạn bè cùng với họ đi ăn tối, coi show, đi picnic và những trò giải trí như vậy, nhưng sau một thời gian sự việc không còn hứng thú. Hồi còn sống Roy ham thích chơi golf, nhưng ở cõi tình cảm golf không còn là trò thú vị như ở cõi trần. Người như Roy chắc chắn sẽ mệt mỏi với những chuyện anh làm trong sáu tháng qua, và khi chán chường như thế anh sẽ không ngần ngại nói cho ai mà anh gặp ở cõi đó biết.
"Tới một ngày có người mà anh được giới thiệu, sẽ đề cập về những cơ hội có ở đây để mở mang kiến thức hay phát triển về một ngành nghệ thuật, khoa học. Mới đầu Roy sẽ không hào hứng mấy nhưng chẳng bao lâu, anh ý thức rằng học một việc gì đó hoàn toàn mới thì sẽ lấp được ngày dài dằng dặc. Về sau anh thấy hứng chí, và như vậy ta có thêm một người chuyển từ khuynh hướng duy vật sang cảnh sống làm thời gian ở cõi tình cảm hóa ra thật ngắn ngủi.
"Có những người khác mà chuyện vừa kể không hấp dẫn họ chi hết. Thường khi đó là cặp vợ chồng lớn tuổi thích cuộc sống gia đình. Mơ ước của họ chỉ là có căn nhà, mảnh vườn sống đời yên ổn giữa thân hữu. Họ thích nghe radio, xem truyền hình và những điều tương tự. Họ có được hạnh phúc khi sống gần kề nhau, và có thể sống đời như vậy ở cõi tình cảm không chút khó khăn nào. Nếu người chồng chết trước, ông lang thang rầu rĩ cô đơn trong những giờ khắc bà vợ sinh hoạt ở cõi trần, có mặt chờ sẵn ngay khi cơ thể bà ngủ thiếp và người vợ bước ra khỏi thể xác.
"Đề nghị với ai như vậy là có trường cho họ tới học thường chỉ uổng công, họ sẽ gạt phăng vì chuyện họ cần chỉ là căn nhà êm ấm với người bạn đời. Ông có ý định và nay tìm cách thực hiện cuộc sống sao cho bà và ông sẽ vui hưởng khi hai người tái hợp. Ông học được rằng tạo căn nhà và mảnh vườn theo đúng ý là chuyện dễ dàng, chỉ cần tỏ ý muốn trong trí là có ngay. Người chồng mới đi tìm mảnh đất thơ mộng nhất có được, khi bà qua đời sang cõi tình cảm hai người xây căn nhà trong mộng, và trang trí y hệt như cách họ muốn có ở cõi trần nếu có phương tiện.
"Ở đây tư tưởng tạo ra ngay vật mà ta muốn, và thường khi họ nghĩ ra đồ gia dụng kỳ diệu tiết kiệm được sức lao động. Có thương gia thấy các vật dụng đó, để ý ghi nhớ và trong kiếp tới ở cõi trần họ sáng chế ra vật tương tự. Cặp vợ chồng lớn tuổi này có dàn âm thanh nổi rất hiện đại, và dùng tư tưởng tạo ra một số người giúp việc nhà cho mình, làm ra khu vườn đầy hoa trái mà họ thích vì không còn bị giới hạn về khí hậu nơi đây. Họ mở tiệc thết đãi bạn bè, thích trưng cho thấy những sáng chế của họ và sống rất hạnh phúc nơi cõi tình cảm. Thường thường họ tái hợp lại với những con thú đã nuôi ở cõi trần hoặc nuôi những con khác.
"Không phải cảnh sống êm đềm an nhàn của cặp vợ chồng lớn tuổi vừa nói là chuyện hay thấy ở đây. Người ta lập gia đình vì nhiều lý do, có khi vẻ hấp dẫn bên ngoài mang họ đến với nhau, khi khác là tiền của, và ngay cả sự cô đơn cũng kết hợp hai người lại. Hiếm khi ta có được cặp vợ chồng lý tưởng, là hai người nam nữ có cái nhìn về cuộc đời phù hợp nhau, có trình độ tiến hóa tương tự, mỗi người có đủ thông minh để hiểu được vấn đề của người kia. Những cuộc tình duyên như vậy thường hiếm, và nhìn theo huyền bí học thì nó không đáng ao ước, như khi một người tiến hóa cao bị hấp dẫn tới người có trình độ thấp hơn về một mặt nào đó.
"Khi ta nghe nói:
– Tội nghiệp cho John lấy Mary, thiệt không xứng chút nào.
Thì ta thấy ngay nếu người nói câu này có chút kinh nghiệm, hẳn họ sẽ hiểu là định mạng xếp đặt cho cặp thanh niên thiếu nữ ấy có lợi đáng kể trong vài năm ngắn ngủi chung sống bên nhau. Kết quả đầu tiên của cuộc tình duyên có vẻ không xứng này luôn luôn là một loạt khó khăn cho cả đôi bên, không ngừng có xung đột quyền lợi. Mới đầu có thể chàng thanh niên bị thu hút bởi diện mạo, thân hình của thiếu nữ. Sau một thời gian sức thu hút này giảm lần tuy không chắc là nó sẽ biến mất luôn, rồi hai người chỉ còn ràng buộc vào nhau như là bạn đường nhưng tình nghĩa vợ chồng khó mà đậm đà mãi khi thị hiếu và ước vọng của hai cá nhân khác nhau.
"Trong trường hợp người chồng có trình độ hiểu biết cao hơn vợ, anh thích đọc sách, nghe nhạc, chú tâm đến những mặt quan trọng của cuộc đời, trong khi người vợ thích đến những chỗ vui chơi mà bạn bè nhất thời của cô có mặt. Vậy là có xung đột ý tưởng và tranh cãi bất đồng ý. Nếu không có con thì đôi khi cuộc hôn nhân tan vỡ chỉ vì tính khí không hợp, nhưng đó là chuyện hết sức đáng tiếc khi sự việc xẩy ra như thế, vì đôi bên có thể học được nhiều hiểu biết và kinh nghiệm nhờ sự bất bình đẳng giữa hai người. Người chồng cần học cách chia xẻ phân nửa trách nhiệm, khi tìm cách thực hiện thì anh thấy là phải khởi sự bằng việc nâng thị hiếu của vợ lên tới trình độ của mình, mà cùng lúc tính kỹ sao cho cô không nhận ra là anh đang cố công làm thế, bằng không cô sẽ lập tức có mặc cảm tự ti.
"Anh phải học kiên nhẫn khi do thiếu kinh nghiệm, cô đòi hỏi những điều mà anh biết là không khôn ngoan hay không cần thiết. Dù biết làm vậy không đúng nhưng có khi anh phải chìu ý để cô thấy được kết quả của lỗi lầm đã phạm. Người vợ không phải lúc nào cũng thích được chỉ bảo, ngay cả khi trong thâm tâm biết là bạn đời khôn ngoan hơn mình. Chuyện ngược lại cũng đúng khi người vợ là linh hồn tiến hóa hơn người chồng. Nói chung nếu hai người như thế có thể sống đời với nhau thì họ sẽ được lợi ích to tát, vì một người có lợi thế là trí tuệ trội hơn và nhiều kinh nghiệm hơn để hướng dẫn người kia, giúp phát triển cá tính của bạn đời. Trong khi đó họ cũng phải học giá trị của sự kiên nhẫn, tế nhị, sự cần thiết phải nhìn theo quan điểm của bạn mình, cái quan điểm bị giới hạn nhiều lần hơn so với của họ vì bạn đời thiếu kinh nghiệm.
"Sau khi chết hai người như vậy không nhất thiết sẽ tiếp tục sống chung với nhau nữa, người tiến hóa hơn trong lứa đôi có thể cảm thấy muốn dành thì giờ với những ai hiểu biết hơn họ; trong khi người thấp hơn sau nhiều năm ở cõi trần bị thúc đẩy phải sống ở mức quá khả năng của mình, bây giờ sẽ muốn xả hơi, nhàn hạ một thời gian cho khỏe.
"Thường thường sau một thời gian ngắn tương đối thảnh thơi, người sau thấy mầm mống gieo trong lúc sống ở cõi trần nay sinh ra lòng ước ao mãnh liệt, muốn tiếp tục việc phát triển có thêm hiểu biết đã bắt đầu trong đời vừa qua. Họ thấy mình không còn thỏa mãn hoàn toàn với những trò giải trí giả tạo mà khi xưa mơ ước, và tạo áp lực với chồng/vợ mình để đòi cho bằng được. Khát khao về trí tuệ được khơi dậy, và họ thấy không thể nào sống trở lại cái tiêu chuẩn đối với họ là tự nhiên trong đời sống lứa đôi khi xưa. Họ sẽ cho anh hay rằng cuộc đời ấy không hạnh phúc cho lắm, nhưng nay việc đã xong thì họ lấy làm mừng là định mệnh đã xếp đặt cho họ có kinh nghiệm như vậy.
"Chuyện thường xảy ra là hai người đã sống chung với nhau trọn cả đời không tiếp xúc với nhau nữa, hoặc sau khi chết hoặc trong những kiếp tương lai. Người này đã giúp người kia, cả hai đều có lợi qua việc ở cạnh nhau một khoảng thời gian, nhưng quan điểm của họ về cuộc đời quá khác biệt khiến cho người này không tự nhiên hấp dẫn được người kia.Trong trường hợp như vậy rất có thể một bên đã sống nhiều hơn bên kia ít nhất 50–100 kiếp, lẽ đương nhiên mức hiểu biết của họ về thiên cơ sẽ nhiều hơn người bạn, kho kiến thức được thâu thập từ kinh nghiệm những kiếp qua sẽ lớn lao hơn, và họ là linh hồn vượt trội hơn bạn đời của mình về mọi mặt. Tuy thế ta đừng quên rằng cách đây 100 kiếp họ ở cùng vị trí như chồng/vợ mình hiện nay, và không chừng đã có lợi nhờ bị ép phải sống đời với ai đó có mức tiến hóa cao hơn họ bội phần.
Chắc anh có nghe nói là mỗi ai cũng đều có bạn tâm đầu ý hợp với mình (soul mate), và phải luôn luôn cảnh giác để nhận ra người đó. Chuyện ấy rất đúng vì khởi thủy khi lực sống túa ra từ Thiên Lực (Divine Power), nó hiện ra trong cuộc sống dưới hình thức song đôi một nam một nữ. Cả hai dạng này tiến hóa riêng biệt nhau, mỗi bên có số lượng kiếp ấn định trong thể xác nam và thể xác nữ, nhưng trong những cơ hội đặc biệt lúc có việc trọng đại cần thực hiện thì khi ấy hai linh hồn được mang lại với nhau, vì hứng khởi của người này khiến người kia hoàn thành được công tác vĩ đại phải làm.
"Nhân vật cao cả nào đạt tới mục đích của mình, thường nói rằng họ không thể làm được chuyện ấy nếu không có sự giúp đỡ, cố vấn và trợ lực của chồng/vợ mình. Nó không nhất thiết muốn nói rằng đó là hai người tri âm tri kỷ với nhau, nhưng nó có thể muốn nói điều ấy và nếu đúng vậy thì hai người hành động như là một đơn vị tuyệt vời, chẳng những họ suy nghĩ như nhau mà còn tự động cảm biết chuyện gì thích hợp cho cả hai bên.
"Dĩ nhiên đó là sự hòa hợp tuyệt diệu của âm và dương, nam và nữ trong thiên nhiên, nhưng kiếp nào cũng sống chung với người tri âm tri kỷ thì lại không phải là điều tốt, vì trong hoàn cảnh như vậy ta có khuynh hướng trở nên rất ích kỷ. Ta sẽ không hề học cách nhìn sự vật theo quan điểm của người khác, đối phó với tư tưởng nghịch ý, nhường nhịn hầu đạt được chuyện thay vì khăng khăng giữ ý riêng mà không đạt kết quả chi.
"Ngày mai tôi sẽ nói cho anh nghe vài điều về những sinh vật không phải là con người ở cõi tình cảm. Sau đó tôi sẽ đưa anh đi thăm cõi ấy một lần nữa, để anh tự thấy rằng người ở cõi tình cảm sinh hoạt bình thường giống như ở cõi trần."

 

CHƯƠNG  SÁU

 

 

Viễn ảnh được đi chơi lần nữa ở cõi tình cảm mà vị thầy Ấn độ nêu ra làm tôi hết sức hớn hở, nghĩ tới chuyện gì có thể xẩy ra làm tôi quên đi phần nào nỗi thất vọng là chưa đạt được kết quả khi tập một mình. Tối qua tôi tập trung tư tưởng thấy trong trí là mình nằm trên giường, giống như tôi đã làm vào tối được giúp đi sang cõi bên kia. Sáng thức dậy tôi thấy khoẻ khoắn, nhớ là phải lâu lắm mới thiếp đi nhưng chuyện gì xẩy ra lúc tôi say ngủ thì không nhớ được chút nào. Tôi phải tìm cho ra cách nhớ lại mới được. Tôi biết rằng lo lắng vì không học được ngay tức thì việc ấy chỉ vô ích, bởi âu lo thường gây trở ngại hơn là trợ giúp. Tôi nghĩ có lẽ chuyện duy nhất tôi có thể làm là kiên tâm trì chí với cách tập trung tư tưởng này, tôi nghe nói đây là một phần rất quan trọng của sự việc cho tới khi tôi có chút tiến bộ để từ đó tiến thêm.
– Thất vọng chỉ vô ích thôi.
Vị thầy Ấn độ đã tới đứng sau lưng lúc tôi đang viết. Tôi không nghe thấy ông mở cửa.
– Đó là cái xẩy ra trong rất nhiều trường hợp. Con người được cho thấy thoáng qua chân lý và vì họ không thể lập tức làm ngay được chuyện biết là người khác có thể làm, họ thấy nản lòng và buông xuôi không cố công nữa. Có khi họ nói 'Thấy rõ là cảnh sống huyền bí không dành cho tôi,' trong khi đó để đạt tới kết quả thì chỉ cần kiên nhẫn một chút, và quyết tâm phá bỏ bức tường ngăn cách giữa cuộc sống cõi trần và cuộc sống ta bước qua lúc ngủ. Anh đừng mong ước nhiều. Hãy nhớ lại gần hai tuần trước khi anh ngồi đây đau khổ trong lòng, không biết rõ cả việc cái chết là diễn tiến hợp lý của cuộc sống. Nay ít nhất anh biết được vài điều, chẳng bao lâu sau anh sẽ được cho cơ hội để biết thêm nữa.
"Anh nghĩ 'Tại sao không có thêm nhiều người biết về những chuyện này ?' Có lẽ họ không hỏi xin để có hiểu biết, giúp đỡ như anh đã hỏi, có lẽ họ thấy thỏa mãn hoàn toàn với tôn giáo của mình trong số các tôn giáo, nói rằng hãy có niềm tin, và tin rằng mọi chuyện là do ý Trời. Chắc chắn tất cả những gì xẩy ra là do Trời sắp đặt, nhưng chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu ta biết tại sao nó lại như thế. Chuyện dễ hơn nếu có câu trả lời hợp lý cho mỗi câu hỏi, và cũng dễ hơn nếu ai chịu khó thì tự mình chứng nghiệm được sự việc, và do vậy không cần chấp nhận các ý niệm nhờ có đức tin. Có đức tin luôn luôn là chuyện tốt nhưng có kiến thức hiểu biết thì tốt hơn nữa. Anh phải có đức tin trong lúc thâu thập kiến thức, và dù có chuyện gì xẩy ra anh phải không được ngã lòng. Cuộc tiến hóa là diễn trình chậm chạp và ít khi thúc hối được, tuy ta có thể gây hứng khởi cho hành động của cá nhân bằng việc khuyến khích, và bằng sự hỗ trợ đưa ra đúng lúc.
"Cho tới nay anh mới thấy một phần rất nhỏ của cõi tình cảm, chỗ mà ai vừa mới qua đời thường đến cư ngụ. Khi là cư dân của cõi này rồi thì ít khi anh đến những chỗ như vậy nữa nhưng anh có thể đi nếu muốn. Thỉnh thoảng anh ghé như để gặp thân hữu và bà con vừa chết, cần người cư ngụ thường trực ở đây giúp đỡ, y như anh cần được bạn bè ở ngoại quốc giúp khi anh tới nước ấy như là du khách hoặc như là người mới định cư.
"Cõi tình cảm được chia làm nhiều cảnh (subplanes, spheres) hay các bầu mà ta cần biết các nơi ấy, bằng không anh sẽ không thể hiểu lối hoạt động của cõi này. Đa số các vị thầy mô tả sự việc bằng cách kêu học viên tưởng tượng cảnh thấp nhất của cõi tình cảm, là khung cảnh hiện hữu ngay trên mặt đất ta đang đứng. Trong cảnh này có thể tình cảm tương ứng của mọi vật ở cõi trần, thí dụ nơi nào ở cõi trần có thị trấn hay cao ốc thì ở cõi tình cảm cũng có thể tương ứng bằng vật chất trung giới của thị trấn hay cao ốc đó, anh có thể thấy thật rõ khi hoạt động ở cõi tình cảm trong thể vía. Thể này là phản ảnh của vật ở cõi trần. Hãy tưởng tượng  phản ảnh ở cõi tình cảm của khu Piccadilly Circus tại London mà anh đến thăm mấy đêm trước, như là tượng trưng cho cảnh giới thấp nhất ồn ào nhất.
"Kế đó tưởng tượng một nơi tương tự cao hơn cảnh thấp nhất đó khoảng một dặm (1.6km), nơi mà chỉ cần phát ra ý muốn là ta đến được ngay trong tích tắc. Đó là cảnh thứ hai từ dưới đếm lên của cõi tình cảm, nó bớt trọng trược hơn cảnh đầu nhưng vẫn còn nặng phần vật chất và giống điều kiện ở cõi trần. Nếu vượt lên trên thành phố London thêm một dặm nữa, anh có thể vẫn còn nghe mơ hồ tiếng huyên náo của xe cộ lưu thông, và tiếng động ấy luôn luôn là một phần của cuộc sống trong một thành phố lớn. Nhưng nó chỉ là tiếng rì rầm so với tiếng động inh tai mà anh nghe khi đứng ngay tại chỗ trên mặt đất.
"Bây giờ nghĩ tới cảnh giới thứ ba của tâm thức, cũng cao khoảng một dặm bên trên cảnh thứ hai này. Khi sinh hoạt ở đây anh cách xa sự ồn ào náo nhiệt của thành phố London tới mức chẳng những anh không bị nó ảnh hưởng, mà cũng không còn ý thức về nó cho lắm.
"Có bẩy cảnh hay bẩy bầu tâm thức ở cõi tình cảm, mỗi cảnh bớt đi tính vật chất so với cảnh 'thấp' hơn dưới nó, và thường trú nhân ở đây có thể dành khoảng đời của họ ở cõi tình cảm trong bất cứ cảnh nào, theo ý thức tự nhiên của người đó. Lấy thí dụ người ta có thể sống vài tuần ở cảnh thứ nhất, rồi hai năm kế đó ở cảnh thứ hai, sau đó qua cảnh thứ ba hay thứ tư, khi từ từ thói quen và ham muốn của  họ bớt nét vật chất và thiên dần về nghệ thuật, trí tuệ hay tinh thần hơn. Bởi vậy không hề có việc chật chội sống chen lấn nhau ở cõi này.
"Ở cõi trần ta bị giới hạn trong việc chọn lựa nơi sinh sống. Do công ăn việc làm một người có thể bị buộc phải sống ở chỗ mà nếu được quyền chọn thì anh sẽ không ở nơi ấy. Mặt khác nhiều nơi không thể cư ngụ được vì khí hậu hay những khó khăn khác. Người ta không thể sống ở bắc hay nam cực vì giá lạnh quá mức hay những hạn chế khác nhau, như thiếu ánh mặt trời một thời gian trong năm. Ta không sống được trong sa mạc vì thiếu nước, hay sống trong rừng già dầy đặc có thú dữ vì ta phải giết thú trước khi an toàn xây cất nhà cửa cư ngụ.
"Nơi cõi tình cảm ta không bị những giới hạn ấy. Khí hậu chỗ nào cũng y như nhau, dù nam hay bắc cực hay bất cứ nơi nào ở cõi này, cũng không có giới hạn về nắng trong ngày nhiều ít vì nơi đâu cũng luôn luôn sáng 24 tiếng một ngày. Trong sa mạc thì anh không cần nước để sống, nếu anh muốn sống trong rừng già ở cõi tình cảm thì cũng được, ở đó không có dã thú tấn công anh. Bởi cũng y như con người học và hiểu rằng mình không thể hại được thú ở cõi tình cảm, thì thú cũng khám phá là chúng không thể hại được người.
"Thêm vào đó có bẩy cảnh tâm thức để chọn nơi cư trú nên ta luôn luôn có thể chọn điều kiện cần thiết cho lối sống muốn có, trong khung cảnh hợp với mức phát triển tình cảm, trí tuệ và tinh thần của mình. Một khi anh có được ý niệm về những cảnh sống khác nhau sau cái chết, anh sẽ dễ dàng thấy là mọi chuyện có thứ tự lớp lang, ý nghĩa đầy đủ cả, và Con Đường Tiến Hóa  thành diễn biến hợp lý của những chuyện do luật thiên nhiên kiểm soát, đúng về cả lý thuyết và thực hành.
"Tất cả những sự việc này được giải thích và giảng dạy ở những trường thuộc các cảnh trung giới, và thường người ta nghe nói về chúng bằng cách này hay cách kia ở các trường đó, nhờ vậy sinh ra thúc giục hay lòng mong muốn sang một cảnh khác. Ở những trường ấy người đã chết được dạy cách đi từ cảnh này sang cảnh nọ, bằng việc dùng ý chí một cách đặc biệt, bởi cho dù vật chất mỗi cảnh có cấu tạo khác nhau, thể tình cảm của chúng ta có vật chất tương tự với vật chất của mọi cảnh, và vấn đề chỉ là làm linh hoạt những nguyên tử trong thể của ta tương ứng với cảnh liên hệ, để cho phép ta hoạt động trọn vẹn ở nơi đã chọn.
"Điểm kế nữa được chỉ dạy cho người cõi này là ai ở cảnh thứ hai không thể tiếp xúc hay liên lạc với người ở cảnh thứ nhất (từ dưới đếm lên), hay cảnh thứ ba với cảnh thứ hai. Nếu người ở cảnh thứ ba vì lẽ nào đó muốn tiếp xúc với người ở cảnh thứ nhất thì họ phải trở xuống cảnh này nhờ vào ý chí, việc như tôi đã nói là làm cho vật chất thuộc cảnh thứ nhất trong thể của anh linh động trở lại. Đi 'lên' hay 'xuống' đều dùng cách thức này. Sự sống biểu lộ ở mỗi cảnh đều riêng biệt với nhau và gói trọn đầy đủ trong cảnh ấy, y hệt như cuộc sống tại Anh riêng biệt và khác với cuộc sống ở Ấn Độ. Giống như cả hai nước đều là thành phần của thế giới vật chất thì các cảnh đều là những phần của cõi tình cảm, nhưng chúng sinh hoạt riêng rẽ vì nhiều nguyên do rất chính đáng.
"Phần vật chất của cõi trung giới, tức đậm đặc nhất, là khoảng bao chung quanh anh ngay sau khi chết, và trong lúc sống ở khoảng đậm đặc nhất này anh thấy chung quanh có mọi vật như đã từng thấy ở cõi trần. Lấy thí dụ lúc sinh tiền anh cư ngụ tại London thì khi qua đời nhiều phần là anh vẫn ở trong vùng tương ứng với London ở cõi trung giới, hay vùng là phản ảnh của thành phố này, chỉ vì anh muốn giữ liên lạc với cái mà anh quen biết. Anh muốn thấy có người chung quanh anh và muốn có căn nhà tuyệt hảo để tiếp đãi bạn bè như trước.
"Rồi tới ngày kia, có thể một người bạn chỉ cho anh thấy rằng cuộc sống trong thành phố không có lợi mấy ở cõi trung giới, và đề nghị anh nên đi xem cảnh đẹp miền quê. Anh dễ dàng tưởng tượng ra sự khác biệt của bầu không khí giữa cảnh sống chung đụng với hằng triệu người ở đô thị, và sự tương đối thanh tịnh của thôn làng, nơi chỉ có vài chục thay vì hàng ngàn hay hàng triệu cư dân. Đây là cảnh thứ hai mà không có cách để diễn tả đúng hơn nên tôi gợi ý là nó ở phía trên cảnh thứ nhất chừng một dặm. Ở đó anh có thể thấy nhiều gia đình vui sống hạnh phúc, giao hảo với nhau và cuộc đời diễn ra êm đềm trong thôn trang diễm ảo.
"Anh có thể sống ở những cảnh này bao lâu tùy thích. Loại người rất trọng trược nặng phần vật chất thì thích sống nhất ở cảnh đậm đặc hết thẩy ở cõi trung giới, vì phần này sát cõi trần mà anh gắn bó chặt chẽ, nên anh tiếp tục sống đời thật hạn chế ở đây. Đây không phải là nơi mà người đã tiến hóa có phần tinh thần nẩy nở một chút thấy vui sống, nếu bị ép phải ở đó lâu.
"Họ không bị ép buộc như thế. Sau khi qua giai đoạn mà Thiên chúa giáo gọi là luyện ngục (purgatory) tức được cho thấy kết quả của hành vi tốt và xấu trong đời vừa qua, mà nhận thức về chúng sẽ ảnh hưởng đến cá tính tương lai của họ, con người bắt đầu cảm thấy sự thúc giục muốn lánh xa những gì tương tự với cảnh đời vừa xong. Họ khám phá là có biết bao cơ hội để được những kinh nghiệm thích thú, ích lợi đang chờ đón họ ở những cảnh cao hơn và ít đậm đặc hơn của cõi trung giới.
"Cuối cùng họ định cư ở cõi này trong điều kiện phù hợp với mức phát triển thực sự của họ. Đó có thể là ở cảnh thứ ba, nơi họ gặp loại người có óc sáng tạo như nhạc sĩ, họa sĩ, khoa học gia v.v., hay ở cảnh thứ tư nơi họ có thể thảo luận những vấn đề thế giới với người có hiểu biết sâu rộng hơn chính họ. Khi lên tới những cảnh đó con người ý thức là còn có những thực thể khác cư ngụ nơi đây không phải là người. Chuyện quan trọng là anh nên biết vài điều về các thực thể này và nguồn gốc của họ, trước khi có thêm kinh nghiệm ở cõi trung giới, vì vậy bây giờ tôi sẽ nói với anh một chút về những nhân vật ấy.
"Họ thuộc về đường tiến hóa song song với người gọi là thế giới thiên thần (Deva). Họ tiến hóa theo cách tương tự như loài người, theo đó thay vì thoát kiếp thú làm người thì những thực thể này từ côn trùng, cá hay chim, thoát kiếp thú thành tinh linh (elementals), tiên nữ và thiên thần. Tới ngày giờ cho cá hay chim tiến hóa sang giai đoạn kế thì chúng trở thành tinh linh hay tiên nữ tùy theo loài của chúng ở cõi trần.
"Anh nhớ là khi tôi đưa anh xuống biển trong lần đi thăm đầu tiên cõi trung giới, tôi cho anh thấy vài tinh linh sống ở đáy biển. Thuở ban đầu chúng là cá và trên đường tiến hóa tới đích toàn thiện, chúng phải đổi từ cá sang tinh linh, y như chó, mèo, ngựa v..v. chuyển sang người dã man trong thế giới. Lấy thí dụ chim biến thành tiên nữ, và cả hai loại tinh linh với tiên nữ sau nhiều kiếp đạt tới giai đoạn ta gọi là thiên thần.
"Có sự khác biệt lớn lao giữa hai đường tiến hóa của người và thiên thần, theo đó sau khi cá hay chim tiến đến mức thành tinh linh hay tiên nữ, chúng không sống trong cõi trần mà chỉ sống trong cõi tình cảm và cõi trí, từ cảnh thứ ba trở lên của cõi trung giới (từ dưới đếm lên), ngoại trừ tinh linh bậc thấp và tiên nữ rất trẻ hay chưa tiến hóa. Ấy là lý do tại sao con người ở cõi vật chất biết rất ít về đường tiến hóa này. Chúng gần như không tiếp xúc với ta, tuy rằng người nào có thông nhãn (clairvoyance) thấy được các thực thể đó ở cõi trần, bởi giữa cõi trung giới và cõi trần không có gì ngăn cản cho ai có khả năng ấy. Nhưng như tôi đã nói, người trung bình thường không có hiểu biết đó và họ hay chế nhạo chuyện thần tiên trong dân gian về các loài này, kể rằng chúng có thật.
"Chỉ ở những nước như Ái Nhĩ Lan nơi mà dân chúng gần với thiên nhiên hơn mức trung bình, thì tiên nữ, tinh linh mới được công nhận. Ở đó tuy đa số người không hề thấy chúng nhưng họ tin là chú lùn có thật. Tới ngày nay vẫn còn nhiều nông gia không chịu cầy bừa một khoảng đất đặc biệt trong ruộng, vì dân gian tin là có tiên nữ cư ngụ nơi ấy. Lắm chuyện kể lại là chủ trại đương thời thiên về vật chất, cười chê chuyện cổ là hoang đường mê tín đã gặp tai họa, với cư dân trong vùng cho đó là vì họ khinh thường tiên nữ, tinh linh.
"Tôi không có ý nói là những chuyện bị tai họa này có căn bản đúng thật hay không, vì nói thực thì không thể nào cho ý kiến tổng quát về đề tài ấy. Mỗi trường hợp phải được xem xét riêng rẽ để biết hư thực ra sao, và hiện tại đó không phải là chuyện của tôi phải làm. Tuy nhiên tôi muốn nói với anh rằng ở cõi trung giới chẳng những có loài này, mà chúng còn đóng một vai quan trọng trong cuộc sống nơi đây. Sau cái chết khi lên tới cảnh thứ ba và những cảnh cao hơn, anh sẽ chính mắt thấy và còn tiếp xúc được với chúng như tôi sẽ mô tả.
"Khi lên đến cảnh thứ tư, mới đầu người ta thấy lạ lùng vì việc hoàn toàn thiếu vắng sinh hoạt chỗ ấy. Dĩ nhiên là họ sẽ gặp người ở đó và nếu chưa từng gặp kẻ ấy ở đời sống cõi trần vừa qua, họ sẽ được giới thiệu cho nhau y như cách ở cõi trần. Họ cũng được cư dân thường trú ở cảnh này tiếp đón như là người đồng sở thích, vì người ở đây biết rằng anh không thể tiến lên được cảnh thứ tư trừ phi có lòng ước ao và khả năng cần thiết để sinh hoạt chỗ này.
"Thay vì có sinh hoạt thể chất anh sẽ thấy nó là sinh hoạt trí tuệ, vì mối ưa thích chính của cư dân cảnh nầy là thảo luận các vấn đề của thế giới và đường tiến hóa, thảo luận liên hệ đến sự phát triển của khoa học, đường tiến hóa song song của thế giới  thiên thần với những khác biệt lớn lao so với đường tiến hóa của người v..v., hay việc lập những thuyết mà họ muốn thử nghiệm.
"Những chuyện này có thể rất nhàm chán với anh nhưng với người trí thức thì nó không nhàm chán chút nào. Dĩ nhiên người mà ta gặp có trình độ trí tuệ thay đổi, và ai có trí não tinh anh nhất, ai thực sự là linh hồn già dặn nhiều kinh nghiệm hơn, sẽ hướng dẫn cuộc thảo luận vì đó là chuyện tự nhiên đối với họ. Trong nhiều trường hợp các thiên thần tham gia cuộc tranh luận với việc trao đổi tư tưởng diễn ra không phải bằng lời. Tuy họ chưa phải sống ở cõi trí nơi mà tư tưởng quản trị mọi việc, ta thấy rằng ở những cảnh cao của cõi trung giới việc trò chuyện có thể diễn ra không thực sự dùng lời. Cuộc sống ở đây bớt phần vật chất rất nhiều nên việc trao đổi tư tưởng xẩy ra tự nhiên, và chuyện như vậy không được xem có gì là kỳ diệu hay lạ lùng.
"Ta cần nhớ rằng thiên thần ở cảnh thứ tư của cõi trung giới cũng là linh hồn tiến hóa cao, khác với tinh linh bậc thấp và tiên nữ, giống như người tiến hóa khác với người phu khuân vác thuộc hạng thấp kém ở cõi trần. Quan điểm của thiên thần khác hẳn quan điểm của người, đó là thiên thần chú tâm chính yếu vào tiến trình trong thiên nhiên. Cuộc sống của họ hoà hợp mật thiết với các phần của thiên nhiên như biển cả, núi đồi, cây cỏ, hoa lá, mưa gió .v..v., tới mức dường như họ không bị ảnh hưởng mảy may về những vấn đề của cuộc sống mà con người bận tâm, ngoại trừ trường hợp đặc biệt cần sự trợ giúp của các vị.
"Sự thăng trầm của các quốc gia không động chạm gì đến thiên thần nhưng sự tăng trưởng của sức sống trong cây, khảo cứu khoa học về việc thiên nhiên cung ứng cho nhu cầu của người làm họ hết sức chú ý. Mỗi loài cây, cỏ hay hoa khác nhau đều có một thiên thần tiến hóa cao chăm sóc. Dưới quyền ngài có hàng ngàn phụ tá làm việc, mỗi kẻ xem ra có nhiệm vụ riêng của mình. Khi lối sống mà loài người gọi là nền văn minh làm chặt đi thật nhiều cây, các thiên thần cố gắng tạo ra cây mới trám chỗ những cây bị hủy hoại. Thiên thần rất quan tâm đến các thí nghiệm của khoa học như sinh ra mưa nhân tạo, và bằng phương pháp riêng của mình các ngài tìm cách ảnh hưởng con người để theo đúng đường trong việc nghiên cứu.
"Thế giới thiên thần thể hiện bằng mầu sắc, ai ưa thích lập cảnh vườn (landscape gardening) sẽ thấy được kết quả tuyệt vời do hoạt động của thiên thần tạo ra ở cảnh thứ tư và thứ ba cõi trung giới. Cũng y như người làm vườn có đầu óc khoa học ở cõi trần nỗ lực để tạo hoa có mầu sắc khác nhau, bằng cách ghép cây hay gieo phấn hoa có chọn lọc, thiên thần cũng thí nghiệm và bởi họ gần thiên nhiên hơn loài người nên có hiểu biết sâu rộng hơn, các ngài cho ra kết quả đẹp đẽ hơn bội phần. Ta không thể nào dùng lời để mô tả vẽ diễm lệ của bông hoa do thế giới thiên thần tạo nên, vì hoa có hàng trăm mầu sắc trong khi con người chỉ có vài chục mầu, và ta không có tên cho những khác biệt rất tinh tế của các mầu ta gọi là đỏ, xanh và tím hồng.
"Thiên thần dường như cũng biểu lộ bằng âm thanh nhằm ảnh hưởng sinh hoạt của sự sống. Ta thường nói câu 'tạo bầu không khí thích hợp' với hàm ý là khiến người khác có tâm trí thuận hòa. Thiên thần biểu lộ đường tiến hoá của họ theo một cách vang lộng hơn với kết quả là âm nhạc thiên thần. Nhiều thiên thần tụ họp lại trong rừng, đồng cỏ, dùng nhạc cụ bằng gỗ có hình dạng lạ lùng sinh ra những âm thanh du dương nhất, luôn luôn hòa điệu nhịp nhàng.
"Giọng của họ hình như cao hơn nhiều so với giọng con người mà êm nhẹ hơn, họ không dùng lời như ta biết. Thiên thần thường tụ thành ban hợp ca đông đảo, nhưng cũng có người thỉnh thoảng đơn ca với ban hợp ca giữ im lặng trong suốt đoạn họ hát. Thiên thần đơn ca như vây thường ngồi trên cây cao tách khỏi ban hợp ca một quãng, cho kết quả vô cùng kỳ diệu đối với tai người.
"Không lời nào mô tả được trọn vẹn những buổi 'hòa ca' này cho ai chưa được nghe nó, nhưng chắc chắn là chúng sinh ra bầu không khí mà thiên thần nói ảnh hưởng khắp cả thế giới con người. Có lẽ đó là cách họ biểu hiện sự bình an dưới thế cho người thiện tâm, vì không làm sao họ hiểu được sự khác biệt tư tưởng trong thế giới lại có thể dẫn đến chiến tranh ngày nay.
"Thiên thần không có tài sản riêng theo kiểu ta hiểu, mà họ cũng không cần gì. Từ thuở là tinh linh, thiên thần không phải làm lụng để kiếm tiền sinh sống nên về một mặt, ta có thể xem thiên thần may mắn hơn con người. Tuy thiên thần có vẻ không cười đùa hân hoan theo cách ta hiểu, họ lại rất thân thiện và sẵn lòng trợ giúp con người khi cần. Nhìn theo vài khía cạnh thì thiên thần có vẻ không quan tâm lắm đến chuyện của người, nhưng trong vài trường hợp đặc biệt như khi có động đất hay núi lửa bùng nổ, thì làm như họ có phần việc riêng phải thực hiện vì bất cứ việc gì liên quan đến thiên nhiên, đất đai, biển cả, hoa trái hay thú vật là chuyện của họ..
"Động đất hay núi lửa bùng nổ là hiện tượng thiên nhiên ảnh hưởng đến mặt đất, khi tai biến như vậy xẩy ra có một số đông thiên thần được gửi tới để trợ giúp theo sức của họ. Tôi không thể nói chính xác cho anh hay là họ làm gì, nhưng chắc chắn họ có phần việc của mình trong diễn biến chung, và có thể ngày kia ta sẽ biết về thiên thần nhiều hơn hiện giờ.
"Các ngài làm phận sự của mình bằng cách giúp đỡ con người về mặt tình cảm. Ở cõi trung giới không có bệnh tật cho thân thể nhưng có sự xáo trộn tình cảm lúc con người bị u uất, sầu não quá độ. Cõi trung giới là cõi của tình cảm, và thể vía là vận cụ cho ý thức về mặt tình cảm. Trong trường hợp như thế có vẻ như thiên thần săn sóc người sầu não, giúp cho tình cảm lành mạnh trở lại. Họ an ủi con người, làm họ nghe được âm nhạc cõi trời mà thiên thần tạo ra. Đối với ai buồn rầu thì nhạc nầy cho ảnh hưởng rất đáng kể. Ít khi ta thấy ai thực sự đau khổ ở cõi trung giới vì điều kiện nơi đây khó mà làm con người không vui, nhưng có vài trường hợp người ta thấy lo buồn và khi đó thiên thần xử sự như y sĩ và điều dưỡng viên hết sức hiệu quả.
"Tôi đã trình bầy đủ cho anh suy ngẫm trước khi đưa anh đi thăm cõi tình cảm lần thứ hai. Vì vậy ngày mai tôi sẽ không đến đây nhưng sẽ trở lại trong ba ngày nữa. Tôi để lại cho anh một viên thuốc, hãy uống nó như kỳ vừa rồi, khi anh đi ngủ vào tối mai để chắc chắn anh sẽ thiếp ngủ lúc 10 giờ tối. Tôi sẽ gặp ngay lúc anh thiếp ngủ. Từ đây tới đó đừng ăn thịt hay uống rượu, và khi anh tỉnh dậy vào sáng hôm sau tức ngày mốt, hãy lập tức viết ngay những gì anh vẫn còn nhớ được. Tôi sẽ giúp để anh nhớ như tôi đã làm kỳ trước. Hôm nay anh hãy viết lại buổi nói chuyện này, ngày mai coi lại tất cả bài đã ghi từ đầu tới nay và tối mai chúng ta sẽ cùng đi bằng thể tình cảm. Tôi sẽ gặp anh lúc 11 giờ sáng ngày mốt, và hy vọng là anh sẽ có sẵn bài viết đầy đủ về kinh nghiệm của chuyến đi. Bây giờ, xin từ biệt anh. "

Sáng nay thiệt là hứng thú ! Trời nóng bức, ẩm, và vị thầy Ấn Độ nói chuyện lâu hơn mọi hôm, tuy những chuyện ông nói lại đầy thú vị hơn các hôm trước. Ông mở ra một viễn ảnh mới về cuộc sống ở cõi bên kia sau cảnh đời này, và nếu đúng thực thì chắc chắn sẽ khiến việc tiếp xúc với cõi ấy lại càng hứng thú hơn. Chẳng những tôi thấy hào hứng về việc sắp đi chơi cõi trung giới lần thứ hai, mà nếu nó thích thú y như cuộc đi chơi hồi tuần rồi thì tuyệt biết mấy. Từ đêm đáng nhớ đó tôi không gặp lại Charles nhưng chẳng hiểu sao tôi không lo lắng chi cả, vì nay tôi biết là em được bình an. Sự thiếu vắng Charles bằng xương bằng thịt không làm tôi đau khổ nữa, tôi không còn buồn rầu mà cảm thấy rằng bất cứ lúc nào tôi cũng có thể tiếp xúc được với em nếu thật cần, và tôi cũng tin chắc rằng em không mất biệt trong cõi đời mà vẫn còn hiện hữu giữa người sống. Khó mà diễn tả thành lời chuyện như vậy có nghĩa gì đối với tôi, nhưng tôi bắt đầu muốn nói chuyện với những ai đau khổ vì cùng lý do như tôi đã đau khổ để an ủi họ, và giải thích đôi điều về cơ trời cai quản vũ trụ. Có lẽ đó là một trong những lý do tại sao tôi được giúp đỡ, vì tôi có sự thúc đẩy rất mạnh mẽ trong lòng muốn truyền đạt hiểu biết này cho người khác, và muốn có khả năng đưa ra chứng cớ như vị thầy Ấn Độ đã cho tôi. Có thể một ngày kia tôi sẽ thực hiện được ao ước này.
Tối hôm đó tôi đi coi chiếu bóng loại phim hồi hộp làm tôi mê say vài tiếng. Về nhà tôi đi ngủ ngay và làm theo lời dặn là tưởng tượng có tấm gương bên trên giường khi thiếp đi. Tôi nhớ rõ rệt là bắt đầu mở cửa phòng ngủ, ngay khi đặt tay lên nắm cửa tôi thấy đã bước nửa chừng xuyên qua cánh cửa, và sực nhớ rằng cửa nẻo không còn là trở ngại cho thể tình cảm nên tôi lướt đi.
Tôi bay là là xuống cầu thang cách nấc thang chừng ba tấc, tôi nhớ điều này vì tôi cúi đầu để không bị cộc lúc cầu thang quẹo góc. Lẽ dĩ nhiên cúi đầu không cần thiết chút nào nhưng tôi tự động làm. Tôi đi xuyên qua cửa trước và nhẹ nhàng lướt ra cảng rồi biển. Chuyện kế tôi nhớ là thức dậy sáng nay vào giờ thường lệ, tôi nằm yên ráng nhớ lại sâu trong tâm tưởng mình, nhưng chỉ khơi được vài chi tiết ban đầu của việc rong chơi đêm qua. Vậy cũng không sao, nhớ được bấy nhiêu là chuyện đáng nói và tôi thấy phấn khởi là để tự mình thì tôi đã có thể giữ cho tâm thức được liên tục lúc thiếp ngủ, và lại còn nhớ được khúc đầu của cuộc đi chơi sang cõi trung giới.
Bây giờ là 9:30 tối, tôi đã xong bữa tối nhẹ, lấy viên thuốc uống và lên giường. Chuyện gì sẽ xẩy ra trước sáng mai đây ? Chỉ có trời biết.

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem tiếp HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN Chương 7-8