GIÁO DỤC MỚI

 

 

Trong một trăm năm vừa qua, nhiều tư tưởng gia đã thay đổi cách thức và triết lý giáo dục, và cho chúng ta nhiều kỹ thuật mới mẻ để giáo dục con người. Thí dụ như truyền hình, băng thính thị, máy điện toán được sáng chế và ứng dụng vào việc giáo dục. Tất cả những kỹ thuật này làm thay đổi phương pháp giáo dục, và nói chung nay người ta hài lòng, nghĩ rằng chúng ta đã có hệ thống giáo dục tân kỳ.
Tuy nhiên điều chúng ta đi tìm là một nền giáo dục mới. Giáo dục mới không chỉ dựa độc nhất vào kỹ thuật hiện đại hay trường lớp mới mẻ. Nó không nằm ở máy nghe bạn đặt vào tai, vào kích thước của màn ảnh truyền hình bạn xem, hay vào cách máy điện toán của bạn làm việc. Luôn luôn có những phương pháp mới để giáo dục con người nhưng giáo dục mới không do phương pháp mới mang lại, mà giáo dục của kỷ nguyên mới nằm trong những môn mà con người được học, và ấy là điều chưa hề thay đổi chút nào. Điều cần phải thay đổi là những gì ta dạy trong trường, ở đại học.
Điểm quan trọng thứ hai phải được nhấn mạnh ở trường là mục đích của điều ta dạy. Ta dạy điều chi và tại sao dạy điều ấy ? Nếu hai điểm này không được thay đổi thì hệ thống giáo dục sẽ trở nên nhà tù hay là bệnh viện của chúng ta, như nó đang là vậy ngày nay. Cho dù ta có triết lý tới đâu và cho dù ta làm kiểu cách hệ thống giáo dục ra sao đi nữa, hệ thống cũ không sao đạt được những đòi hỏi mới.
Mục đích của nền giáo dục mới là gì ? Một mục đích là chuẩn bị cho công dân của giống dân thứ sáu. Chương trình này chưa được đặt ra cho trường tiểu học, trung học, và ngay cả đại học của chúng ta. Hiện thời mục tiêu của những trường này là nhắc lại những kiến thức để chuẩn bị con người cho việc tranh sống. Trường học dạy thiếu niên cách tranh đua lẫn nhau, cách kiếm tiền và hưởng thụ kết quả. Nhưng mục đích thật của giáo dục là chuẩn bị con người cho nước Trời, cho việc trở thành siêu nhân, hay giống dân thứ sáu.
Chúng ta cần chuẩn bị nhân loại cho giống dân sắp tới đây, nhưng hệ thống giáo dục hiện thời của ta dùng kỹ thuật giáo huấn không hợp cho mục đích ấy. Nó có đặc tính của giống dân thứ ba là tôn thờ thân xác, thần khẩu và tính dục. Kỹ thuật này cũng tạo nên sự sôi động, hào hứng cho học sinh; bạn có thể thấy nhiều phương pháp được sử dụng để gây kích thích trong việc học tập. Tính chất thứ ba của giáo dục lúc này là truyền đạt kiến thức, biến học sinh thành máy điện toán, thành kho chứa thông tin. Hệ thống này có thể dẫn tới cuộc sống không có tình cảm, viễn kiến, ước vọng tương lai. Tính đến nay, xem ra điều này đã thành công lớn.
Còn giáo dục trong kỷ nguyên mới là gì ? Nó sẽ có tính chất của kỷ nguyên Bảo Bình (Aquarius), tức hệ thống giáo dục đó nhắm tới việc tạo tâm thức nhóm, tổng hợp, tinh thần trách nhiệm nhóm theo đó tính chia rẽ dù thuộc loại nào cũng sẽ biến mất, và tâm thức sẽ suy luận theo mẫu mực là cho toàn khối thay vì cá nhân riêng rẽ.
Trong quyển 'Education in the New Age' của Alice A. Bailey có ghi:
- Nền giáo dục mới sẽ quan tâm trước nhất vào việc liên kết có tính khoa học và hữu ý những khía cạnh khác nhau của con người'.
Điều này không thấy có trong hệ thống trường học của chúng ta, vậy những khía cạnh khác nhau của con người là gì ? Đó là các thể xác, tình cảm, trí và tinh thần. Nay là lúc ta ý thức rằng con người không xử sự như một đơn vị thuần nhất, bởi nếu chịu bỏ giờ quan sát, tìm hiểu chính mình, chúng ta sẽ thấy tâm lý của ta phân rẽ ra sao. Có lúc ta phản ứng như là thể xác, khi khác ta xử sự thuần tình cảm, lúc sau thì như trí tuệ mạch lạc thuần lý, và có lẽ trong vài phút ta biểu lộ nét tinh thần. Nhưng bạn không có sự hòa hợp trọn vẹn vì những thể này không liên hợp, không được luyện cho hòa hợp với nhau.
Giáo dục của tân kỷ nguyên sẽ chỉ dẫn con người cách liên hợp những thành phần với nhau, khi chưa được hòa hợp thì năng lực không thể tuôn chảy suông sẻ, con người không sử dụng được hết năng lực của mình, và tất cả những bệnh tật thể chất, tình cảm lẫn trí não là kết quả của việc các thể không diều hợp với nhau. Ngược lại khi các thể liên hợp thì con người trở thành nguồn năng lực sống động, tâm thức được mở rộng.
Hệ thống năng lực trong các thể có thể được ví như cách mắc dây trong một bộ máy. Nếu hệ thống không được tạo dựng một cách khoa học ta không có được sức khỏe, không có năng lực, dễ bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Những điều này không được giảng dạy ở trường học, nó là hiểu biết của tân kỷ nguyên. Vì thế các môn học hiện thời phải được thay đổi mà không phải là phương pháp. Khi trước người ta ngồi xếp bằng trên sàn nghe giảng, học thuộc lòng thơ phú, lời thầy dạy. Nay ta ngồi ghế kiểu cọ với tay, mắt, tai dính chặt vào máy móc và  trí óc hoạt động mạnh. Đó là phương pháp và chúng không nhất thiết xấu, nhưng môn học vẫn là những môn xưa cũ.
Điều chúng ta cần là có hệ thống mắc dây một cách khoa học cho các thể. Đây không phải là chuyện mơ hồ tưởng tượng mà là sự kiện cụ thể, ai có thông nhãn quan sát được các thể cho ta biết là có khi năng lực hoặc bị 'rỉ' ra ngoài môi trường vì thể phách không bao kín liền lạc, hoặc khi khác năng lực bị nghẽn, đọng lại ở nơi nào đó trong một thể, sinh ra bệnh tật ở phần tương ứng của thể xác hay tâm lý không lành mạnh. Tư tưởng, cảm xúc đủ loại tất cả đều gây ra xáo trộn trong các thể của ta khi không có hệ thống rõ ràng cho năng lực chuyển di.
Làm sao để có được Tân Kỷ Nguyên khi bao tội phạm, giết chóc, bóc lột đang diễn ra ? Câu trả lời thật dễ dàng. Làm sao ta đã tạo nên những tình trạng này ? Chúng sinh ra do cách giáo dục của chúng ta. Sửa đổi cách giáo dục và bạn sẽ tạo nên những điều kiện khác. Chúng ta đều biết việc gì đang xẩy ra, xã hội tiếp tục gặt hái cùng một thành quả vì ta trồng cùng một loại cây. Bây giờ thay đổi loại cây, trồng cây trái khác thì bạn sẽ thâu hoạch được quả khác. Chuyện y vậy có thể xẩy ra cho thế giới này nếu ta vun trồng một hệ thống giáo dục mới.
Vì vậy, công việc của nền giáo dục mới là điều hợp phàm ngã để chót hết dẫn tới sự hợp nhất với linh hồn. Một vài nhóm người gắn bóng vào đèn trước khi dây được mắc xong, và họ mong sẽ có đèn sáng. Nhưng trọn hệ thống dây mắc phải được giảng dạy cho con người, những đường năng lực trong thể xác, tình cảm và trí não. Hãy điều hợp và tổng hợp chung các thể với nhau, thử nghiệm chúng và sinh ra một phàm ngã hòa hợp trước khi dạy các đề tài trừu tượng. Trong khoa học bí truyền, phàm ngã là đơn vị trọn vẹn gồm các hệ thống vật chất, tình cảm và trí tuệ hòa hợp làm một, có những đường năng lực tuôn tràn thông suốt; không có chia rẽ, phân cách, đường tắt trong hệ thống. Khi đó con người có thể được dạy những hiểu biết mới ở mức đại học, còn ở trung học, học sinh được dạy về hệ thống năng lực trong người.
Ngay từ khi còn trong bụng mẹ hệ thống năng lực đã bắt đầu thành hình, nhưng khi người mẹ dùng ma túy trong lúc mang thai, uống rượu là bà phá hủy hệ thống năng lực này của em bé, để khi sinh ra thì hệ thống của em bé đã bị hư hoại. Tuy nhiên nếu người đàn bà được chỉ dẫn và tự cô biết cách tạo nên vóc dáng của em bé, thì nhân tài trong các bộ môn khác nhau sẽ được sinh ra.
'Nền giáo dục mới sẽ đề cập tới những luật của tư tưởng, phân tích và diễn giải chúng vì cái trí sẽ được xem là cầu nối liền giữa linh hồn và não bộ. Những luật này là phương cách qua đó:
a. Người ta trực nhận được ý tưởng.
b. Lý tưởng được lan truyền
c. Ý niệm hay hình tư tưởng được tạo ra và tới đúng lúc sẽ thấu nhập vào tâm người.'
Có thể nào những điều trên được thảo luận ở đại học, dùng những phương tiện học hỏi tinh xảo như dụng cụ thính thị, máy điện toán ? Trẻ nhỏ trong tân kỷ nguyên sẽ học về Linh hồn, và khi chúng cảm biết được Chân ngã, trẻ sẽ học về chương trình giáo dục cho chúng, và mục đích của đời mình. Trẻ sẽ học về bản chất của tư tưởng, kỹ thuật tiếp nhận chúng, cách tiêu hóa và sử dụng tư tưởng trong đời sống hằng ngày. Học sinh học về những luật mà nhờ đó chúng sẽ có thể phổ biến ý tưởng, và gợi hứng con người gắng bước đến sự toàn thiện.
Thế giới sẽ khác biết bao khi nền giáo dục mới bắt đầu chiếm ưu thế. Thay vì phim ảnh mô tả bạo động, ma túy, tội phạm thì ta có phim phơi bầy kho tàng bên trong của tâm hồn con người. Phim ảnh sẽ dạy ta cách tạo hình tư tưởng và phổ biến từ cá nhân như trung tâm phát sóng đến dân số trên địa
cầu, gợi hứng mọi người nỗ lực tiến về Chân, Thiện, Mỹ, Tự Do, Hoan Lạc, Phụng Sự, Hy Sinh.
Giáo dục chân thật không truyền đạt hiểu biết mà chỉ dạy con người cách khám phá hiểu biết. Giáo dục đương thời là
hệ thống truyền đạt hiểu biết. Vào lúc này có ba cách để có được hiểu biết:
– Thí nghiệm
– Kinh nghiệm
– Khám phá
Trong tương lai cách tiếp nhận hiểu biết phải thay đổi, những cách ấy phải nhờ:
– Hứng khởi
– Ấn tượng
– Khải thị (vision)
– Tiếp xúc trực tiếp
Một số người sẽ có thể nâng tâm thức, tạo đường tiếp xúc với cõi cao, nhận được hứng khởi từ cõi cao và diễn dịch chúng theo ngôn từ làm cho cuộc sống tiến bộ. Họ sẽ ghi lại ấn tượng từ những cõi này, xếp đặt chúng theo tính cách của bẩy cung mà con người sinh hoạt. Họ sẽ kinh nghiệm được những khải thị, nhận được huấn thị trực tiếp và do đó học được các nguyên nhân của một số diễn trình trên trái đất và trong thái dương hệ. Chót hết, nhờ phát triển khả năng tiếp xúc trực tiếp với cõi cao, họ nhận được thêm hiểu biết từ các nguồn này. Hiện thời đã có một số người như vậy, nhưng do áp lực của giáo dục đương thời họ không dám nói tới nguồn nhờ đó họ có hiểu biết.
Giáo dục được xét đoán qua kết quả nó mang lại, và một người không nên được xét đoán qua bằng cấp họ treo trên tường. Nếu kết quả của nền giáo dục ta có là ô nhiễm toàn cầu, nhiễm độc khắp trái đất, chiến tranh khắp nơi, tai biến, tận diệt, thì nó đáng vứt sọt rác ! Nhưng nếu giáo dục của chúng ta dẫn con người tới sự sinh tồn, thiên nhiên và vạn vật được sinh tồn, trọn địa cầu lành mạnh và trong sạch thì đó là một nền giáo dục chân thật và đúng đắn. Giáo dục ấy sẽ gieo vào tâm thức con người sự quan trọng của điều lành cho trọn
địa cầu, những luật chung và cách sống hòa hợp theo các luật đó.
Giáo dục trong quá khứ có tính toàn trị, bị các chủ thuyết, ý thức hệ, chính trị, tín điều tôn giáo kiểm soát. Trong tương lai sự toàn trị, quyền lợi của phe phái riêng rẽ sẽ nhường bước  cho quyền lợi của tất cả nhân loại. Khi trước các đảng phái, phe nhóm, giáo hội dùng hệ thống giáo dục qua sách vở, truyền thanh, tạp chí uốn nắn con người để làm họ phục vụ cho quyền lợi của cá nhân có thế lực hay phe nhóm, chính phủ, giáo hội. Nay nền giáo dục mới sẽ cho phép con người theo tín ngưỡng và lối sống mà họ muốn, nhưng nó giúp họ đi sâu hơn vào tôn giáo và truyền thống ấy, cho tới khi họ đạt tới cái nguồn chung của mọi văn hóa và tôn giáo.
Khi đó, người ta thấy rằng mỗi cách trình bầy khác biệt trở thành một phần quí giá của toàn khối rộng lớn hơn. Mục tiêu của giáo dục là tạo nên một thế giới trong đó con người có hạnh phúc, phát đạt, phát triển nét đẹp bên trong, quyền năng ẩn tàng, và có thể tạo dựng cuộc sống tiến bộ hơn sự sống ta biết hiện giờ.
Giáo dục phải là tiến trình qua đó nhân loại tiếp tục đi trên con đường hoàn thiện. Diễn trình này phải là sự sống kết hợp bẩy ngành hoạt động của con người là:
Chính trị                 Giáo dục                      Triết lý              Nghệ thuật
Khoa học               Tôn giáo                       Kinh tế
Giáo dục phải là sức sống trong mỗi ngành nói trên, là lượn sóng thúc đẩy nó đến sự toàn thiện, đến việc tổng hợp với mỗi ngành khác, do có một mục tiêu duy nhất là khiến con người có cuộc sống hạnh phúc, mạnh khỏe và phát đạt hơn.

Torkhom  Saraydarian          (Education II)

leaf1leaf1egyptgeesleaf1