ĐỌC SÁCH

Trong quyển 'Tự Truyện Của Một Yogi - Autobiography of A Yogi', tác giả Yogananda thuật lại nhiều sinh hoạt lạ lùng của những bậc đạo sư tại Ấn, nay xin giới thiệu một quyển sách khác có nội dung tương tự rất thú vị và hấp dẫn,  xác nhận thêm sự hiện hữu của những vị tiến hóa cao đang ở cùng nhân loại. Ta đọc sách mà tưởng như nghe chuyện thần tiên từ một thế giới xa xăm và vào thuở xa xưa nào, không phải trong thế kỷ 20 vừa qua.

Tác phẩm mang tên 'Living With The Himalayan Masters' do Sri Swami Rama ghi lại, xuất bản năm 1978 và từ đó tới nay được tái bản nhiều lần. Bài điểm sách này được soạn theo ấn bản 2005. Sơ lược về tác giả thì ông có cuộc đời kỳ lạ từ trước khi sinh. Cha ông là học giả Phạn ngữ tiếng tăm, có khuynh hướng tâm linh cao độ, các giáo sĩ Bà la môn trong vùng thường đến gặp để xin ý kiến và học hỏi kinh sách với ông. Ông là đệ tử tại gia của một bậc thầy, và được thầy cho hay là dù ông đã 60, hai ông bà sẽ sinh một con trai mà lớn lên sẽ theo đạo sư, và có tiên đoán một vết đặc biệt trên thân của trẻ.

Năm 1925 quả nhiên bà sinh một bé trai với dấu vết đã nói. Đạo sư Rama ghi rằng từ lúc rất nhỏ ông đã biết mục đích đời mình là hoàn thành sứ mạng chưa xong trong kiếp trước, cũng như ông nhớ rõ ràng chi tiết của kiếp vừa qua. Ông cũng nhớ lại vị thầy của mình và luôn luôn biết có thầy bên cạnh. Năm ông ba tuổi, thầy trò gặp nhau lần đầu tiên và ông không thấy xa lạ chút gì, ông luôn nghĩ  đến thầy tới mức đôi khi cha mẹ ruột lại giống như người xa lạ, thấy vị thầy xuất hiện trong giấc mơ gần như mỗi đêm. Vài năm sau cha mẹ qua đời và ông về ở với thầy, bắt đầu được huấn luyện theo cách thức truyền từ ngàn năm trước, để chuẩn bị cho việc làm của ông. Cùng với việc tập luyện về mặt tâm linh, thiếu niên theo học đại học tại Ấn, những năm sau ông học thêm tại đại học ở Đức, đại học Oxford tại Anh. Năm 24 tuổi ông được mời nhận chức Shankaracharya miền nam Ấn Đô, tương đương với chức giáo hoàng của Công giáo La Mã, tức là nhân vật được xem là cao tột hơn hết về mặt tâm linh tại Ấn.

Để hiểu thêm vinh dự và tầm quan trọng của chức vụ này, ta ra ngoài đề một chút là theo truyền thống có năm vị Shankaracharya hoạt động ở các vùng trên đất Ấn thuộc các hệ phái khác nhau, khởi nguồn từ Đạo sư  Shankaracharya. Ngài sinh khoảng năm 1200 sau tây lịch, được sách vở ghi là hậu thân của Phật Thích Ca; ngài chấn chỉnh triết lý Ấn giáo và đặt năm trung tâm giảng dạy ở Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung Ấn. Trọn hệ thống đạo sĩ Ấn giáo phát xuất từ các trung tâm này, mỗi nơi một vị đạo trưởng đứng đầu có tước vị là Shankaracharya,  được ngưỡng mộ là người thông thạo kinh điển cũng như có mức phát triển tinh thần trên tất cả.

Đạo sư  Rama thực hiện nhiều điều khi đảm nhiệm chức vụ, tuy nhiên phần hành chánh làm ông bận bịu lẫn tín đồ ngưỡng mộ bao quanh ngày đêm, phải ban phép lành luôn tay cho tín đồ (!) không còn giờ cho ông theo đuổi lối sống cô tịch mà lòng ưa thích, nên ba năm sau trong túi không tiền đạo sư nhẩy lên xe lửa đi về rặng Himalaya, trở lại cuộc đời quen thuộc bên cạnh thầy.

Hôm trước ông có thư ký riêng, đi đâu thì có xe đưa rước, hôm sau ông vẫn còn mặc y trang sang trọng của bậc giáo chủ mà đi xe lửa lậu vì không vé, tới trạm kế người soát vé đuổi xuống, đạo sư vâng lời cúi đầu đáp:

- Cám ơn anh đã không truy tố tôi.

Ông trở về với thầy, biết rõ rằng con đường của mình là con đường từ bỏ (Renunciation). Những năm sau ngài gửi ông sang Âu Châu, Nhật, Nga phổ biến minh triết đông phương. Ông đi Hoa Kỳ năm 1969 theo lời mời của viện nghiên cứu Menninger Foundation tại Kansas, trong chương trình tìm hiểu về sự liên hệ giữa trí não và thân xác. Đạo sư thực hiện nhiều việc lạ lùng trong điều kiện thí nghiệm, những việc mà trước đây được xem là bất khả. Ông thành lập những trung tâm về khoa Yoga tại Hoa Kỳ và Ấn Độ, viết sách, giảng dạy, và qua đời năm 1996.

Trong cả chục năm tu học ở vùng núi non hoang vắng, ông tiếp xúc với các đạo sư và mục kích những điều tưởng như đã mất trong thời nay. Lúc là chú sãi nhỏ 12 tuổi lẽo đẽo theo thầy đi xa, chú nhỏ kêu đói bụng nên thầy ghé vào một căn nhà bên đường khất thực, chủ nhà cho hay con trai bệnh nặng, vợ săn sóc con ngày đêm do đó không lo được cơm nước. Vị thầy mới xin phép vào thăm trẻ nhỏ, thấy em mắc bệnh đậu mùa toàn thân nổi mụn mủ. Ông hỏi xin một bát nước, đi quanh giường ba lần rồi uống bát nước và nói với cha mẹ của trẻ:

- Cháu lành bệnh rồi, ông bà thấy không ?

Mọi người kinh ngạc nhìn mụn mủ biến mất từ từ trên thân em nhỏ, nhưng Rama sợ hãi nhận ra là mụn bắt đầu hiện trên mặt thầy nên òa khóc, nhưng ông chỉ điềm đạm nói:

- Đừng lo, không việc gì cho thầy đâu.

Trong vòng hai phút đồng hồ mặt của em nhỏ mịn màng không còn dấu vết, nay hai thầy trò ra sân. Vị thầy đến một cây đa lớn, ngồi dưới thân cây và chẳng bao lâu mụn mủ lặn dần trên thân ngài nhưng tới  phiên cây nổi mụn ! Khoảng 10' sau mụn cũng biến mất trên thân cây. Khi Rama thấy thầy lành lặn như  cũ, chú nhỏ ôm chầm lấy ông và mếu máo nói:

- Thầy ơi, đừng bao giờ làm vậy nữa, trông mặt thầy không đẹp làm con sợ lắm.

Khi khác hai thầy trò ngồi ngoài hang thình lình thầy gọi ông và bảo:

- Con phải đi ngay, xe đò cách đây 10 km vậy hãy mau lên. Đến ga Hardwar, lấy vé xe lửa đi Kanpur vì bác sĩ Mitra mắc bệnh liệt giường đang cầu cứu thầy. Ông bị xuất huyết não, máu chẩy ra ở cánh mũi phải nhưng vợ không đưa ông vào nhà thương. Anh vợ ông là bác sĩ Basu biết đó là xuất huyết não tuy nhiên ở đó không có phương tiện để giải phẫu não.

- Con phải làm gì ? Rama hỏi.

- Chỉ vỗ nhẹ thân ái vào má ông, xem con như là vận cụ cho năng lực. Thầy có hứa với ông và vợ ông là chúng ta sẽ luôn luôn trợ giúp hai ông bà. Hãy đi mau.

Rama tỏ ý không vui:

- Con ngạc nhiên là thầy hứa mà không hỏi ý con.

Rama không thích đi xa như vậy nhưng không dám cãi lời. Thanh niên đi 10 cây số ra đường lộ, đứng chờ và khi xe đò đường Rishikesh-Hardwar chạy ngang, tài xế dừng  lại cho anh lên. Các xe đò  luôn luôn cho đạo sĩ quá giang khi thấy họ đứng bên vệ đường. Tới nhà ga Rama xuống xe đò trong túi không một cắc. Anh nhìn đồng hồ tay và nghĩ thầm có thể bán để lấy tiền mua vé xe. Tuy nhiên người mà Rama tới hỏi ngỏ ý bán đồng hồ lại đáp:

- Con trai tôi không đi được với tôi nên có dư vé, anh lấy mà dùng, tôi không cần đồng hồ của anh.

Lên xe, Rama gặp một thiếu phụ là thân nhân của bác sĩ Mitra và cũng đi Kanpur, bà có nghe bác sĩ nói về thầy của anh và anh nên lo cho anh đầy đủ trên xe lửa. Qua đêm, xe đến Kanpur vào buổi sáng; ra khỏi ga anh gặp người bạn thân đang chờ người quen, nhưng họ trễ xe lửa ở Dehli và không tới, vì vậy sẵn xe người bạn đưa Rama tới nhà bác sĩ Mitra.

Vào nhà, anh thấy có ba bác sĩ đang khám ông Mitra, bà vợ rất mừng khi Rama đến và nói ngay:

- Nay anh đã tới, tôi xin giao phó nhà tôi cho anh.

Rama bước tới vỗ nhẹ lên má phải của bác sĩ Mitra, vài phút sau mũi ông không còn chẩy máu. Một trong các bác sĩ có mặt giải thích rằng cái vỗ nhẹ ấy làm mạch máu đóng lại, gắn kín chỗ hở. Khi về gặp lại thầy, Rama nói đùa:

- Nay con biết bí quyết và có thể chặn được xuất huyết cho bất cứ ai.

Thầy phá ra cười và đáp:

- Ông bác sĩ giải thích như thế vì không biết rõ nguồn cơn. Sự khổ có nhiều hình thức và mức độ, nhưng vô minh là hình thức nặng hơn hết.

Sách có thể gửi mua tại:

Himalaya Institute

RR 1, Box 400

Honesdale, Pa 18431 - 9706, USA

www.himalayaninstitute.org

 

 

Đọc  HPB

 

Một việc đáng chú ý khi đọc những sách ghi tên tác giả là bà Blavatsky, là sự kiện sách do các nhà xuất bản khác nhau có thể có nội dung giống nhau. Có hiện tượng ấy vì HPB viết rất nhiều về các đề tài có tính chất tâm linh và huyền bí học, khi bà qua đời các hệ phái TTH hoặc người sưu tập xếp đặt những bài viết này theo cách thức riêng của mình và cho tuyển tập một tên tự họ đặt ra. Kết cục là ta có nhiều sách với tựa khác nhau mà nội dung không khác cho lắm.  Để giúp bạn trong việc chọn sách, xin đưa ra thí dụ với những quyển sau:

- Raja Yoga or Occultism – Theosophy Company India (1931)

- Practical Occultism – TPH (1948)

- Articles by HPB – Theosophy Company (1981) gồm ít nhất 6 cuốn.

- A Modern Panarion – Theosophy Company (1895 và tái bản nhiều lần từ đó đến nay).

- Studies in Occultism – TUP (1980).

- Anthology - HPB Teaches –  Michael Gomes, TPH (1991 và những lần tái bản sau).

Sáu quyển đều là tuyển tập những bài viết của HPB. Hai bài trong sách Practical Occultism là Practical Occultism và Occultism versus the Occult Arts đều có trong những quyển khác ghi trên, và mỗi quyển ấy lại có thể chứa đựng tới 4/5 nội dung cùng những bài viết của HPB. Thế nên, nếu chỉ căn cứ vào tựa sách để mua thì bạn có thể không có được những sách khác nhau như đã tưởng. Chuyện cần ghi là tất cả những bài trong các sách này đều có trong bộ HPB Collected Writings (CW) 15 cuốn, nên có lẽ cách ổn thỏa nhất không sợ bị trùng lập là mua bộ CW thay vì các tác phẩm riêng rẽ. Cũng xin lưu ý có sách mang cùng tên Practical Occultism nhưng tác giả là William Q. Judge.

Một quyển sách khác cũng nên được nói thêm cho rõ là cuốn The Inner Group Teachings of HPB. Sự việc bắt đầu có hơi xa, năm 1887 HPB qua Anh và lập trường bí giáo Esoteric School (ES) năm 1888, năm 1890 bà lập Inner Group (IG) gồm 12 người sáu nam sáu nữ. Ý định về phần việc của hai nhóm này và hội là IG đóng vai trò thượng trí, ES là hạ trí và hội TTH là vận cụ cho phong trào MTTL trong thời đại mới. Những chỉ dạy ban đầu của ES chỉ dành cho học viên của trường về sau được công bố, in trong bộ The Secret Doctrine (cuốn 3 cho bộ 3 cuốn, hay cuốn 5 cho bộ 6 cuốn) mang tên Instructions I, II, III. Về những chỉ dạy cho IG, các thành viên mỗi người ghi chép riêng nên ta có nhiều bản chép tay thuộc các thành viên khác nhau. Sau buổi họp, có việc đúc kết các bản này thành một bản chung. Về sau chúng được công bố và xếp đặt lại mang tên Instructions IV, V, VI trong bộ The Secret Doctrine như vừa nói. Tất cả văn bản còn được đem vào bộ CW cuốn XII xuất bản năm 1980. Tới năm 1981, sự tìm tòi khiến có được nhiều nguồn tài liệu mới, kết quả là những văn bản này được bổ túc bằng bản chép tay của thành viên trong IG, chúng được soạn thành sách nói trên do Point Loma xuất bản. Tính ra 95% nội dung sách nằm trong bộ The Secret Doctrine và CW.

Đến năm 1996, ấn bản thứ hai của sách có thêm một  số tài liệu khác được tìm ra sau này. Bạn có thể mua sách trên internet tại amazon.com, và nếu được thì nên tìm ấn bản thứ hai tuy lai lịch vừa ghi cho thấy điều này thật ra không cần thiết, hai ấn bản không khác nhau cho lắm; cũng như nếu bạn không có sách thì các nguồn tài liệu khác là bộ The Secret Doctrine và CW có thể được xem là đầy đủ. Để giúp độc giả PST, những phần nào không có trong hai bộ này và chỉ ghi trong sách sẽ được đưa vào các bài viết trên PST.

Tiếp tục về IG thì nhóm chỉ hoạt động một thời gian ngắn, từ tháng tám 1890 đến tháng tư 1891, vài ngày sau thì HPB qua đời 8 - 5 - 1891. Chi tiết về IG được ghi chính yếu trong quyển H.P.Blavatsky as I Knew Her, by Alice Leighton Cleather, thành viên của nhóm. Sách rất thú vị với nhiều chi tiết về các nhân vật trong Hội lúc ban đầu, nhất là HPB, bạn nên tìm đọc nếu thuận tiện. Sách in năm 1923 nay đã tái bản và có thể mua tại amazon.com. Nói chung về mặt sử liệu thì có hai nguồn chính đối với bài của IG:

- Thứ  nhất là bản chép tay của mỗi thành viên và do đó giống về ý chính, nhưng có những khác biệt nhỏ,

- Thứ hai là bài được công bố trên hai bộ sách đã nói.

Lúc ban đầu chỉ có một hay hai bản chép tay, nhưng theo với thời gian người ta có được những bản khác và bổ túc thêm, công trình vì vậy chưa hoàn toàn nhưng cũng gần đầy đủ.

Nay xin nói sang một ấn phẩm ra năm 2006 chuyên về những tài liệu thuộc ES và IG. Như đã trình bầy, khi ES và IG mới thành lập lúc sinh thời của HPB, những tài liệu được giữ kín, thành viên của ES và IG cam kết với HPB không tiết lộ chúng và đây là một trong những điều kiện để gia nhập hai tổ chức. Sau khi HPB qua đời, các nhân vật kế vị HPB điều hành ES là bà Annie Besant và ông William Q. Judge quyết định cho  phổ biến chỉ dạy trên sách vở. Tính ra có hai vấn đề liên quan đến tài liệu:

- Một số người coi trọng lời cam kết nên ai hiện giữ tài liệu của họ mà chưa được công bố, vẫn không thuận đưa ra công chúng vì lời cam kết khi xưa; có nguồn tài liệu phát hành trong thời HPB nay được tìm thấy nhưng ở trong tình trạng này. Dù vậy, cũng có người khác sẵn sàng cho phổ biến những nguyên bản mà họ còn giữ.

- Khi so sánh tài liệu đã được đưa vào sách với nguyên bản nào có được, thì người ta thấy có sự sửa đổi, thêm bớt.

Không cần phải nói, phong trào 'Back to Blavatsky' lẫn quan tâm về lịch sử Hội khiến cho học viên và hội viên TTH rất chú ý về những tài liệu trong thời HPB còn tại thế, muốn đọc nguyên bản. Lý do đó khiến ông Daniel Caldwell năm 2005 đưa ra cuốn sách đáp ứng đòi hỏi này. Sách mang tên The Esoteric Papers of  Madame Blavatsky, gồm bản chụp những tài liệu do HPB soạn ra chính yếu cho ES, IG cùng những thư từ liên lạc của bà cho thành viên hai tổ chức trong thời gian ấy. Sách có giá trị lịch sử hết sức lớn lao và công khó tìm tòi, xếp đặt của người soạn rất đáng được khen ngợi.

Hình chụp tài liệu có hơi khó đọc, nhưng cách trình bầy giải quyết được vấn đề là người ta xem được nguyên bản không sợ có sai lạc. Nếu bạn ưa thích tìm hiểu về lịch sử Hội và HPB thì nên có sách, gửi mua trên internet tại amazon.com. Đa số các văn bản chụp trong sách cũng có trong website Blavatskyarchives.com. Có vẻ như sách chụp các ấn phẩm xuất bản đã lâu là hình thức ưa chuộng hiện giờ , cho ai muốn đọc nguyên văn những tài liệu quý. Sách khác trình bầy cùng cách thức là quyển Essays by H.P.Blavatsky.

Một điều cần ghi là với phong trào 'Back to Blavatsky', người ta có thể theo phong trào như  là học giả hay là hành giả đi tìm MTTL. Lịch sử Hội và nhất là sử liệu liên quan đến HPB được chú ý mạnh tới mức phương pháp, các biến cố quanh sự việc, nhân vật, sự tương tác của các nhân vật, nói chung là những điểm phụ có tính cách sách vở thuộc về trí, được quan tâm nhiều thay vì xem ý nghĩa, chủ đích, hay nội dung bài viết của HPB là điểm chính, thuộc về tâm. Ấy là điều không nên xẩy ra và bạn hãy ráng tránh. Học  giả có thể mê mải với quá khứ sôi động, lôi cuốn, đầy tình tiết lý thú mà quên đi thông điệp của phong trào TTH. Bạn cần cảnh giác, tỉnh thức khi tra cứu sử liệu, giữ cho mục tiêu việc học hỏi luôn luôn sáng tỏ, để khỏi vướng vào những cuộc tranh luận nhiều khi không hữu ích về mặt  tâm linh, chỉ là trò chơi chữ nghĩa hoặc ý kiến phụ, làm xa rời mục tiêu đã nhắm là sự giác ngộ tinh thần.