ĐIỀU CHỈNH CHO THAI NHI

Geoffrey Hodson.

 

Hỏi: Có thể chữa lại việc tượng hình khiếm khuyết của thai nhi trong bụng mẹ không (a)? Nếu khuyết tật là do nhân quả, nay thể hiện để con người học một bài học thì người mẹ có khả năng thay đổi nó chăng (b) ?
Đáp: Việc chữa lại có thể thực hiện được bằng phương cách tinh thần hoặc huyền bí, nhưng một bà mẹ trung bình khó mà làm được. Việc có thể làm được phần nào bằng cách tìm dòng đi xuống của sự sống cá nhân đó và chỉnh lại, hàn gắn cái nhịp gẫy đổ trước khi nó tác động lên thể xác. Người mẹ có thể làm tăng hay giảm sự bất hòa bằng thái độ của tâm trí, và bằng kinh nghiệm tâm linh lẫn vật chất mà bà đã trải qua. Đây là lãnh vực làm việc rất lớn lao, vì cuộc nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng cao hơn hết của việc ngăn ngừa trước khi sinh.

Tâm trí và tình cảm của người mẹ đóng vai trò rất quan trọng, cả hai cần được làm cho hòa điệu và xả bỏ mọi căng thẳng, lo lắng có thể có. Lẽ tự nhiên là trên hết thẩy, bà mẹ đang mang thai cần được tự do và vui vẻ; ở khu ổ chuột, nơi nghèo khổ, nơi mà trẻ em sinh ra và gặp khó khăn tệ hại về mặt xã hội, những điều trên gần như không thể có được trong cảnh ấy vào lúc này.
Lý tưởng mà nói thì mỗi bà mẹ cần được mỹ lệ và sự hòa điệu bao bọc xung quanh mình. Khi thai nhi đủ lớn thì nên có khám nghiệm bằng sự rung động để giúp loại bỏ những bệnh tật tiềm ẩn. Chắc chắn là người mẹ có thể làm được nhiều điều, và cộng đồng cũng như y khoa có thể làm nhiều hơn nữa, nhưng ta cần nhận biết phần tinh thần của con người, mục đích hiện hữu của họ, luật nhân quả và mặt sự sống cùng mặt tâm thức của sự hiện hữu.
Nói về câu (b), nếu nhìn vào vật chất theo quan điểm tâm thức của cá nhân đi tái sinh, nó không hoàn toàn chỉ là câu hỏi về việc học bài học bằng não bộ. Hiển nhiên việc học đó không thể có được trong giai đoạn trước khi sinh (vì chưa có não bộ). Chân ngã, tức nguyên lý bất tử trong mỗi chúng ta, biết, vì nó đã sống qua bao kiếp, là sản phẩm của những gì được bảo tồn bên trong nó, và cũng là ký ức trọn vẹn của những điều này. Cái tâm thức theo dõi ấy của Chân ngã đến với chúng ta dưới hình thức là lương tâm, và Chân ngã cố gắng tận lực để biểu lộ hiểu biết ấy qua thể xác như là tánh hạnh.
Phàm ngã vì vậy rất ngang bướng; cái trí, tình cảm và thân xác xem chúng như là sự sống có ngã thức riêng nằm ngoài sự kiểm soát của Chân nhân. Trong giai đoạn sơ khởi của cuộc tiến hóa con người, Chân nhân không thể điều khiển phàm nhân đủ nên cái sau đi sai đường và thí nghiệm với quyền năng đang lớn mạnh của nó. Khi thí nghiệm nó phạm luật và kết quả là chịu đau khổ trong phàm nhân, để rồi chót hết học một bài học. Tất cả chúng ta đang ở những chặng khác nhau trong việc học một bài học. Có người đã học gần xong bài học về một đau khổ rõ rệt, và chỉ cần một thúc đẩy nhỏ về hướng nào đó là dứt nợ và xong bài học. Đó là chuyện xẩy ra khi có việc đột ngột bệnh lành.
Đôi khi có người đến với tôi nhờ giúp đỡ và được hết bệnh trong lúc họ ở với tôi hoặc một thời gian ngắn sau đó; chuyện xẩy ra không phải vì tôi có đức hạnh hay có hành động gì mà nhiều phần là vì Chân nhân đã học thông suốt bài học, và chỉ còn một chút điều bất hòa cần được sửa chữa. Phàm ngã nhìn nhận sai lầm của nó, nhờ thế mở lòng đối với Chân ngã. Tôi tin là đa số các bạn, nếu không phải tất cả mọi người ở đây, đã có cùng kinh nghiệm. Bạn chỉ cần giúp một chút là đủ để khó khăn trong tâm thức được chỉnh lại; Chân nhân nắm lấy sự trợ lực của bạn và bệnh nhân mau lẹ phục hồi.
Càng chủ ý chừng nào trong việc giúp đỡ bệnh nhân trong tâm, ta càng trở nên hữu hiệu chừng ấy trong loại công việc này. Ảnh hưởng của tư tưởng, tình cảm và hành động của bà mẹ đang mang thai cũng theo cách tương tự cho ra sửa đổi hoặc tốt hơn, xấu hơn, và ngay cả trung hòa được nhân quả xấu của thai nhi.

Hỏi: Ông có thể nhận ra tật khiếm khuyết trí tuệ trong giai đoạn thai nhi chăng ?
Đáp: Được. Theo cách nhìn này thì có hai nguyên do chính cho tính khờ dại (idiocy). Một là việc hệ não tủy có cấu tạo bất toàn, sự tăng trưởng của hệ bị hư hại. Lý do khác là phần tâm linh và cơ chế vật chất nhằm biểu lộ tâm thức không hòa hợp với nhau. Cơ chế này trong thân xác là hệ não tủy, và tôi nói về tri thức lúc con người thức tỉnh sinh hoạt hằng ngày mà không phải là tiềm thức dùng hệ thần kinh giao cảm, tuy nó cũng có thể can dự.
Tùng quả tuyến (pineal gland), tuyến não thùy (pitituary gland), hốc não thứ ba, chính não bộ và tủy sống tạo thành những phần vật chất quan trọng nhất của cơ chế. Tất cả những phần này có phần thể phách tương ứng, cũng như một số trung tâm lực tương ứng trong thể phách (thể sinh lực). Tính chung có bẩy trung tâm lực, mỗi cái liên hệ với một tuyến và trung khu thần kinh; có bẩy trung tâm lực trong thể sinh lực, bẩy trong thể tình cảm và bẩy trong thể trí. Ba loạt bẩy trung tâm này phải liên hợp hoàn toàn với nhau, với các tuyến và trung khu thần kinh liên hệ. Sự liên hợp vì vậy rất tinh tế, và tình trạng không liên hợp là một nguyên nhân gây ra tính khờ dại, nhất là khi giảo nghiệm tử thi không cho thấy có nguyên do nào về mặt thể chất.
Ta có thể thấy bằng thông nhãn cả hai việc tượng hình khiếm khuyết và liên hợp bất toàn nơi thai nhi trong mấy tháng cuối. Vài lần tôi được mời để xem trường hợp các trẻ sơ sinh có bất thường, thí dụ không chịu bú sữa. Thường thường tôi thấy nguyên nhân là các trung tâm này không hòa hợp với nhau, và đôi lúc tôi có thể giúp điều chỉnh lại được. Trong trường hợp các tuyến bị rối loạn thì hệ quả diễn biến là đầu tiên có sai lạc, lực nối kết với trung tâm lực và tuyến liên hệ bị sử dụng sai đường, rồi cơ chế tâm linh thanh bai bị tổn thương, làm cho đường sinh lực đi qua nơi ấy bị thất thoát. Điều này ảnh hưởng các diếu tố (enzymes) đi tới các tế bào, và rồi tới phiên nó tác động lên các tuyến và việc tiết ra kích thích tố. Ấy là tiến trình rất tinh tế mà tôi chưa hiểu rõ, nhưng tin chắc tâm thức là chìa khóa để hiểu mà không phải là hình thể hoặc cơ chế.

Nói về giá trị thực tế của chuyện, tôi vừa mới có trường hợp lý thú của một bệnh nhân đã được nhiều bác sĩ khám, tất cả không giải thích được tình trạng của anh là suyễn và khuynh hướng kỳ lạ là rối loạn thần kinh và nằm liệt giường. Tuần qua anh có thử máu, nước tiểu và chất trong bao tử, chụp hình tia X, và nhiều thử nghiệm khác, cái nào cũng không cho ra manh mối chi. Không một thử nghiệm nào tìm ra được gì để giải thích tại sao anh cứ lâu lâu thì bị thần kinh rối loạn, và anh đến với tôi như là một trường hợp thử thách việc định bệnh bằng phương pháp siêu hình.
Khi xem xét thể sinh lực của anh, nơi mà sinh lực được tồn trữ và phân phối, tôi thấy nó bị hao mòn, mỏng và gần như là không thể có đáp ứng linh hoạt nào. Sinh lực của anh vừa đi vào là chạy ra mất ngay lập tức. Nó thoát ra ngoài trước khi tế bào có giờ để đem nó vô. Hỏi thêm thì anh cho biết là trong thế chiến I, anh phải làm công việc của bốn, năm người quá sức anh, làm ngày làm đêm không nghỉ. Anh cật lực như vậy trong hai năm cho tới khi tâm thần xáo động nghiêm trọng và về sau bệnh phát sinh.
Thể sinh lực có một lớp da với tính chất giống như chất cách điện, ngăn không cho sinh lực thất thoát. Lớp da này giữ lại sinh lực cho tới khi tế bào và các mô nhận được lượng năng lực cần thiết. Tính chất khác là ngăn không cho độc chất và ảnh hưởng bất lợi xâm nhập. Khi ta mạnh khỏe thì lớp da này liền lạc và toàn hảo, còn lớp da thể phách của người này bị rách, bìa của thể mờ nhạt, không thành hình nên trọn lực của anh liên tục chảy ra ngoài mất đi. Chữa trị y khoa gây thêm khó khăn vì thuốc bổ, thuốc đủ loại và những trị liệu khác nhau làm tả tơi thêm thể sinh lực và dây thần kinh; tác dụng chung là thể sinh lực bị hao mòn và đó là ta đã làm chuyện tệ hại nhất.
Một trong những cách tốt nhất để tái tạo lớp da thể phách và xây dựng lại thể này là nghỉ ngơi, tắm nắng, để cho tia nắng mặt trời chiếu thẳng vào da của thể xác, và tôi muốn nói không phải chỉ có tia cực tím mà trọn tia nắng mặt trời, trong đó có những tia lúc này ta chưa khám phá được. Một cách khác là thở sâu bằng bụng, tập như là tập thể dục. Rồi phải kể đến thực phẩm tốt lành, dinh dưỡng cẩn thận, chọn những thức ăn có thể hấp thu được, điều chỉnh xương sống, xoa bóp, vận động thường xuyên và ngủ đủ, không lo phiền, tất cả đều góp phần vào sinh hoạt thiết yếu của cơ thể; và trong lúc làm những điều này thì bệnh nhân phải nghỉ ngơi.
Tôi đưa ra trường hợp này để minh chứng cho giá trị thực tiễn và tức thời của việc nghiên cứu mặt huyền bí của bệnh tật.

 The Theosophist, vol. 53, Jan 1932, p. 428.

Geese