ĐỆ TỬ HUYỀN MÔN

 

Đệ tử huyền môn là người xin thọ giáo với một vị Đạo Sư chánh pháp để học thực tiễn về 'những Chân lý huyền vi trong thiên nhiên và những linh năng còn ẩn tàng trong con người. 'Ở Ấn Độ, đệ tử gọi Đạo Sư là 'Guru'; bậc 'Guru' đầy đủ tư cách luôn luôn là một Chân Sư thông suốt Khoa học huyền bí, thấu triệt phần công truyền và bí truyền của tôn giáo (nhất là phần bí truyền). Chân Sư là đấng đã làm cho phàm tính phục tùng ý chí, đã tự phát triển những tiềm năng nơi bản thân và nhờ đó Ngài có thể nghiên cứu những bí mật cùng sử dụng những năng lực thiên nhiên.
Hiến mình để làm đệ tử là việc khá dễ dàng, nhưng tu luyện để trở nên Chân Sư là một công trình khó khăn bậc nhất trên cõi đời này.
Người ta có thể kể tên hàng chục nhà thi, nhà toán học, kỹ sư, chánh khách... bẩm sinh đã được thiên tư, nhưng một người sinh ra đã có tư cách làm một Chân Sư là điều chưa từng thấy. Thật vậy, mặc dầu đôi khi chúng ta nghe nói đến một người có thiên tư phi thường, học đạo rất mau, luyện phép rất dễ, nhưng người đó cũng phải trải qua những cuộc thử thách, những lớp sơ đẳng, cũng như phải chịu huấn luyện như bất cứ một bạn đồng môn nào khác kém thiên tư hơn y.
Trong Huyền bí học không có con đường rộng rãi thênh thang nào mở sẵn cho kẻ có đặc ân tiến bước cả.
Từ bao thế kỷ, ngoài những nhân vật sinh hoạt liên tục nơi những chùa Tây Tạng (Gompa) thì chính những bậc Thánh Sư (Mahatma) ở Hy mã lạp sơn tự tuyển chọn đệ tử trong hạng người có tâm hồn thần bí. Hạng người này có đông đảo tại Tây Tạng. Những trường hợp ngoại lệ chỉ áp dụng cho vài người ở Âu Châu như các ông Fludd, Thomas Vaughan, Paracelse, Pic de la Mirandole, Bá tước Saint-Germain... Những vị nầy là những người có khí chất thích ứng với Khoa học siêu linh, nên những bậc Thánh Sư ở tận Phương Đông phải chú ý và tiếp xúc với họ. Nhờ đó, họ có thể lãnh hội vài phần trong toàn bộ Chân lý phù hạp với hoàn cảnh xã hội thời đó.
Trong thánh kinh Kiu-Te, quyển IV nơi chương 'Những Qui luật của Hạng đệ tử chưa được điểm đạo (Upasaka)' có nêu ra những đặc tính mà người đệ tử cần có là:

1- Xác thể hoàn toàn khoẻ mạnh.
2- Xác thể và trí thể tuyệt đối trong sạch
3- Mục đích vị tha; lòng nhân từ đối với trọn cả thế gian; lòng trắc ẩn đối với trọn cả sinh vật.
4- Chuộng Chân lý và vững lòng tin nơi luật Nhân quả. Không dùng thế lực để can thiệp vào vấn đề nghiệp quả. Không dùng một phương thế nào khác để gây trở ngại cho luật tự nhiên đó. Không cầu xin hay cúng kiếng để tai qua, nạn khỏi.
5- Một lòng can đảm, không nao núng trước mọi cảnh ngộ, dù phải nguy hiểm đến tính mạng cũng vậy.
6- Một nhận thức bằng trực giác rằng mình chỉ là khí thể mà Avalokitesvara (*) hay là Atma dùng để biểu hiện.
7- Tính thản nhiên và sự nhận định đúng đắn giữa những vật tạo nên thế giới khách quan, giả tạm với cảnh siêu linh.

Đó là những chuẩn bị sơ khởi đối với người quyết tâm trở thành đệ tử có đủ tư cách. Ngoại trừ điểm thứ nhất có thể châm chế trong vài trường hợp đặc biệt và hiếm có, những điểm khác đều thường được nhắc nhở đến; và đệ tử phải tự mình phát triển ít nhiều tất cả chúng nó trong tư chất của mình trước khi được phép chịu cuộc thử thách thật sự.
(*) Danh từ Avalokitesvara đồng nghĩa với:
- Adi Buddha của Phật giáo bí truyền.
- Atma, cái Ta cao siêu của người Bà la môn.
- Christos của Cao đẳng Thần học thời xưa.
(Chú giải của Bà H.P. Blavatsky trong quyển The Voice of Silence.)

Khi hành giả đã quyết định tự tiến hóa (trong khi dấn thân vào đời hay đứng ngoại cuộc) và có năng lực để làm chủ thể xác, các giác quan, các lỗi lầm, sự đau khổ riêng tư và có đủ phẩm cách để phát huy Thượng trí (Manas), Tuệ giác thể (Buddhi) và cái Ta cao siêu hay là Linh thể (Atma); khi hành giả chuẩn bị xong và sẵn sàng thừa nhận Atma là vị lãnh đạo tối cao của tri giác và ý chí, là Uy quyền thượng đẳng thì bấy giờ, đúng theo qui luật cổ kính, người chí nguyện đó có thể được một trong những Nhân vật Huyền môn chấp nhận và dìu dắt. Sau đó, Chân Sư mới có thể chỉ cho đệ tử con đường bí truyền dài đăng đẳng, nhưng ở cuối đường, hành giả sẽ đạt được sự minh biện vững chắc về nhân quả, luân hồi mà người còn vô minh không đủ khả năng để quyết định.
Nhưng từ khi Hội Thông Thiên Học được thành lập để đánh thức trong trí người Aryan cái ký ức lu mờ về sự hiện hữu của Khoa Huyền bí, và những năng lực siêu linh trong con người thì qui tắc chọn đệ tử có phần dễ dãi hơn trước trong vài phương diện. Nhiều hội viên Thông Thiên Học nhờ thế mà được cơ hội trở thành đệ tử và nắm được những bằng cớ xác đáng về những điều đã kể trên. Lý luận sau đây của họ cũng đúng. Đó là nếu xưa kia đã có nhiều người đi đến đích thì nay họ cũng làm được như thế. Nếu đầy đủ tinh thần thì họ cũng có thể đi theo con đường đó được; vì vậy họ cố nài nỉ để làm thí sinh. Và nếu họ không được dịp thực nghiệm ít ra là vài bước đầu thì điều đó không đúng với luật Nhân quả; bởi thế họ được chấp thuận. Từ thuở ấy đến nay, không có kết quả nào là khả quan, đáng khuyến khích cả. Và vì cần chỉ cho họ thấy những nguyên nhân thất bại và đồng thời để cảnh giác cho nhiều người khác khỏi khinh suất đặt mình vào số phận tương tự, nên tôi được lịnh viết bài nầy.
Những thí sinh nói trên, mặc dầu đã được chỉ dẫn rành rẽ, nhưng họ vẫn phạm cái lỗi mãi ngó về tương lai cách ích kỷ mà lãng quên quá khứ. Họ quên rằng họ chưa từng làm được điều gì xứng đáng để được chọn, được quyền hy vọng được chọn. Họ quên rằng họ chưa thể tự hào có được một thành tích trong những thành tích kể trên. Họ đang sống trong một thế hệ quá ích kỷ, quá mê say nhục dục. Bởi vậy, dầu họ có đôi bạn hay sống độc thân, dầu họ là thương gia, công chức, quân nhân hay hành nghề tự do, họ cũng ở trong một cảnh đời quá dồi dào phương tiện để đồng hóa với phàm tính, nhưng cuộc đời đó lại kém khuyết phương tiện để phát triển năng lực tinh thần còn đang tiềm tàng nơi họ. Tuy nhiên, họ vẫn tự tôn tự đại, tự cho mình là nhân vật phi thường. Qui luật đã làm khuôn mẫu trong vô số thế kỷ đã qua không thể áp dụng cho họ được; làm như họ chính là Hóa thân của Thượng đế vậy ! Vì họ là hội viên Thông Thiên Học, họ ước mong được những huấn thị bí truyền, những quyền năng siêu phàm. Dù sao, chúng ta cũng phải nhìn nhận sự thực tâm của một vài người chân thành cải thiện đời sống mình và loại trừ những sai lầm.
Ban đầu, tất cả đều bị khước từ, trong đó phải kể trước tiên là Đại tá Olcott. Chính vị Hội trưởng cũng không được nhận làm đệ tử thiệt thọ trước khi Ông trải qua hơn một năm làm việc tận tụy và tỏ ra cương quyết để chứng minh có đủ năng lực chịu sự thử thách cách an toàn. Sau đó, nhiều lời phiền trách nổi lên tứ phía: từ người Ấn Độ đáng lẽ phải được giảng dạy để hiểu biết thêm, đến người Âu Châu không ý thức tí gì về những qui luật huyền bí. Người ta tuyên bố rằng: Hội Thông Thiên Học sẽ không thể tồn tại nếu không cho ít ra là vài hội viên được cơ hội thử sức. Người ta không còn nhớ đến những đặc điểm cao thượng và vị tha đã ghi trong Chương trình của chúng ta như: nghĩa vụ của con người đối với đồng bào, với xứ sở, nghĩa vụ phải giúp đỡ, dìu dắt, khuyến khích và nâng đỡ những người yếu kém, ít duyên phần hơn chúng ta. Người ta không lưu tâm đến người yếu đuối, có khi người ta lại dẫm lên họ để chạy đua đến địa vị Thánh nhân !
Tiếng la ó vang dội khắp nơi: 'Đâu nào những hiện tượng kỳ bí ? Đâu nào những hiện tượng phi thường ?' Người ta không để những vị sáng lập rảnh tay làm tròn những công việc chính của Hội. Thiên hạ cứ yêu cầu những vị nầy can thiệp với Chân Sư. Họ trách móc các Ngài, tuy rằng chỉ những đệ tử đáng thương của các Ngài lãnh đủ mà thôi. Cuối cùng, lịnh trên đưa xuống: cho phép vài người trong số thí sinh nóng nảy kia được thử nghiệm theo lời khẩn cầu của họ. Có lẽ kinh nghiệm sẽ giúp họ thấy rõ hơn lời khuyến cáo rằng tư cách của đệ tử phải như thế nào, và kết quả của tính ích kỷ, liều lĩnh sẽ ra sao.
Mỗi thí sinh đều được cho biết trước phải chờ đợi nhiều năm trước khi có thể thấu đáo năng lực của mình. Thí sinh cũng phải qua nhiều thử thách ngõ hầu làm tỏ hiện tất cả những tính tốt cũng như tính xấu của mình. Đa số thí sinh đều lập gia đình, do đó họ được gọi là đệ tử tại gia. Đệ tử tại gia là người thế gian tự nguyện tu học để được giác ngộ về mặt tinh thần. Hội viên Thông Thiên Học nào thừa nhận mục đích thứ ba trong ba mục đích công khai của Hội thì đều có thể tự coi như đệ tử tại gia, bởi lẽ, mặc dầu y chưa được thâu nhận vào hàng đệ tử thiệt thọ, nhưng y có thể trở nên thành phần của hàng ngũ đó. Thật vậy, thí sinh được chú ý khi y vượt qua lằn ranh giới giữa y và Chân Sư bằng việc tự hiến mình cho công cuộc của các Ngài.
Lúc thí sinh gia nhập Hội và khi tận tâm cộng tác vào công nghiệp của Hội thì đương nhiên thí sinh hoạt động thích hợp đôi phần với thánh ý của những Chân Sư đã ban lịnh lập Hội Thông Thiên Học và vẫn còn hộ trì Hội. Khi gia nhập Hội, chính hội viên tự giới thiệu mình với các Ngài. Thế thì giai đoạn còn lại hoàn toàn tuỳ nơi hội viên và y không thể trông mong một ân sủng nào của một trong các vị Chân Sư của chúng ta, hoặc của vị Thánh Sư nào khác – khi Ngài ra mặt – nếu y không tỏ ra xứng đáng. Chân Sư là những người phụng sự chớ không phải là những trọng tài cho luật Nhân quả. Chỉ có một đặc ân ban cho đệ tử tại gia. Đó là làm việc để trở nên xứng đáng dưới mắt của các Ngài. Dầu cho đệ tử có thấy Chân Sư hay không, kết quả cũng không mảy may thay đổi. Những tư tưởng tốt cũng như những tư tưởng xấu của đệ tử, những lời nói, hành vi của y sẽ đem lại kết quả đúng theo luật định. Cố ý khoe khoang hoặc phô trương mình là đệ tử tại gia chỉ làm cho mối liên giao với Chân Sư trở thành một điều rỗng tuếch mà thôi. Bởi vì, hành động như thế là một bằng cớ hiển nhiên về tánh tự kiêu và sự thiếu tư cách để tiến bộ. Trong bao năm qua, đến đâu chúng tôi cũng nhắc lại câu châm ngôn nầy: 'Trước hết hãy trở nên xứng đáng, sau đó mới mong mỏi đến gần các Chân Sư.'
Có một định luật kinh khủng tác động trong thiên nhiên. Luật này không thể sửa đổi. Nó giải thích cho ta hiểu cái lẽ bí ẩn do đó vài đệ tử được chọn trong mấy năm gần đây đã sa ngã đáng thương. Độc giả còn nhớ chăng câu ngạn ngữ cổ xưa này: 'Chớ đánh thức con mèo đang ngủ.' Câu đó chứa đầy ý nghĩa huyền bí. Không người nam hay người nữ nào biết được nghị lực của mình ra sao nếu họ chưa chạm trán với sự thử thách. Có cả ngàn người có cuộc sống đáng kính vì họ không bị cám dỗ. Đó là một thực tế rất tầm thường, nhưng rất hạp với vấn đề ở đây. Người nào cố ý dọn mình làm đệ tử sẽ đồng thời đánh thức và làm nổi dậy cách dữ dội mọi dục vọng ngấm ngầm của phàm tính. Bởi vì, đây là sự khởi hấn trong cuộc đấu tranh cho quyền tự chủ. Trong trận chiến đó, nguời ta không thể nương tay mà cũng không thể trông mong đối thủ nhẹ tay. Đó là lần cuối cùng để chiến thắng hay chiến bại.
Thắng là đi đến địa vị Thánh Sư; bại là thành kẻ thất trận kém hèn, bởi vì sa ngã vào vòng dục vọng, kiêu căng, hà tiện, tự đắc, ích kỷ, hoặc bất câu một xu hướng thấp thỏi nào, thật ra, nếu ta đem tính cương cường ra làm mực thước thất bại trước phàm ngã là điều đáng chê trách. Vị đệ tử chẳng những phải đương đầu với mọi xu hướng xấu xa ngấm ngầm nơi mình, mà y còn phải chống lại áp lực của bao thế lực bất chính chất chứa trong đoàn thể, trong xã hội mà y là một phần tử. Vì đệ tử không thể sống biệt lập và những gì ảnh hưởng đến cá nhân, đến xã hội, đều ảnh hưởng lẫn nhau. Trong hoàn cảnh đó, cuộc chiến đấu để dành phần thắng cho điều thiện làm đệ tử va chạm vào toàn diện cái khối xấu xa, đê tiện ở chung quanh y và đồng thời y chọc cho cái khối đó giận dữ lên.
Nếu vị đệ tử cam phận đi theo chìu hướng của những người lân cận và hành động tương tự như họ - có lẽ hơi tốt hơn hoặc hơi xấu hơn cái mức trung bình đôi chút - thì không ai chú ý đến y. Nhưng nếu người ta biết vị đệ tử có sự sáng suốt thấy được sự giả dối che đậy bên ngoài cái xã giao rỗng tuếch (như sự giả nhân giả nghĩa, sự ích kỷ, dục vọng, tham lam và những điều đê tiện khác); nếu người ta biết vị đệ tử quyết chí sống cuộc đời cao thượng hơn thì liền đó, y sẽ bị họ thù ghét, và tất cả những độc ác, cuồng tín, bất lương, đều sẽ tranh nhau phóng đến y những áp lực trái ngược với điều y mong muốn. Nếu đủ nghị lực, vị đệ tử vượt qua áp lực, giống như tay bơi giỏi có thể lội ngược dòng, còn người yếu đuối phải xuôi theo dòng nước.Trong trận chiến gay go nầy, nếu đệ tử còn mang một vết xấu ngấm ngầm, vết đó sẽ hiện ra tỏ rõ, không thể giấu được.
Cái lớp sơn của tập tục mà 'màu văn minh' đã phủ lên con người chúng ta, phải được cạo thật sạch, hầu chân ngã con người (khi không còn bị bức màn che lấp) sẽ hiện ra minh bạch. Những tập tục của xã hội duy trì con người trong một khuôn khổ đức hạnh, và bắt họ nộp lễ cho đức hạnh bằng cách cư xử cho ra vẻ lễ độ, dầu lễ độ giả dối cũng không sao. Nhưng với vị đệ tử bị áp lực quá nặng nề, những tập tục đó cơ hồ bị quên mất, những hạn chế cơ hồ bị tiêu hủy. Bấy giờ, y đang ở trong bầu không khí ảo giác, trong mê hồn trận của Ma vương.
Tính xấu có bộ mặt khả ái; thị dục có vẻ huyền ảo. Chúng hấp dẫn người có thiện chí nhưng thiếu kinh nghiệm, để lôi cuốn họ vào vực thẳm của dục lạc. Trường hợp ở đây không giống với cảnh ngộ mà một văn sĩ danh tiếng đã có lần miêu tả. Đó là trường hợp có một người đem linh hồn mình đánh cuộc trong một ván cờ với Satan. Người đấu cờ đó được vị thần hộ mạng đứng một bên mách nước và trợ tinh thần. Nhưng, sự chiến đấu kể trong trường hợp của bài này xảy ra giữa ý chí của đệ tử và phàm tính của y, nên luật nhân quả không cho phép Thần Thánh hay Chân Sư can thiệp, cho đến khi có kết quả phân minh.
Ông Bulwer Lytton có thi vị hóa hình ảnh của cuộc chiến trong quyển 'Zanoni', một tác phẩm mà các nhà huyền bí học vẫn tán thưởng. Trong quyển 'Sự tích dị kỳ', Ông B. Lytton cũng tài tình diễn tả mặt trái của sự nghiên cứu huyền bí cùng những mối hiểm nguy ghê gớm của nó.
Đã có lần một bậc Chân Sư xác định trạng thái của đệ tử là 'vật dung môi làm tan cặn bã của phàm tính và chỉ giữ lại chất thuần khiết mà thôi'. Nếu trong tâm địa của thí sinh còn ẩn mầm tham lam, mánh khóe chính trị, hoài nghi theo đầu óc duy vật, phô trương, gian trá, tàn ác, dục lạc, thì cái mầm đó sẽ nẩy nở lớn thêm; cũng như những đức tính cao thượng nơi đệ tử được gia tăng trong giai đoạn nói trên. Chân tướng con người hiện ra trọn vẹn. Thế thì phải là một người quá điên rồ mới bỏ con đường bằng phẳng của cuộc đời bình thường, để leo lên dốc núi hiểm trở và không có lối dễ trèo của đệ tử, nếu y chưa xét kỹ xem mình có đủ tư cách để mạo hiểm như thế chăng.
Thánh kinh Thiên Chúa Giáo có nói rất đúng rằng: 'Người đứng lên phải coi chừng kẻo té xuống.' Với câu đó, người chí nguyện muốn làm đệ tử phải suy gẫm chính chắn trước khi khai chiến.
Những nỗi khó khăn của đệ tử sẽ không phút nào giảm cho đến khi y biến đổi phàm tính và tạo được một trật tự mới trong đời sống y. Thánh Paul có thể nghĩ đến nỗi niềm của vị đệ tử khi Ngài thốt ra câu: 'Trong phàm tính của tôi không có điều gì tốt hết; dù tôi quyết định làm điều phải, nhưng tôi lại hành động khác. Tôi không làm điều phải mà tôi muốn, nhưng tôi lại làm điều quấy mà tôi không muốn.' (Romans, VII, 18-19). Trong Kinh Kiratarjunijam của Baravi cũng có nhận định như sau:
Phàm nhân đó như muôn vàn kẻ nghịch,
Chỗi vùng lên, chi phối chốn nơi nầy,
Đàn áp chi ? Dục vọng ? Khó khăn thay !
Hồn cương quyết mới mong ngày thắng trận.
Trận thắng ấy, ngàn thu hồ bất tận,
Chiến sĩ nầy, ví tựa đấng chinh nhân,
Đã khắc sâu dư ảnh giữa bụi trần:
'Tam hạ giới ' muôn phần chinh phục trọn. 

H.P. Blavatsky.

 

Bài đã được chi bộ Phụng Sự tại Sài Gòn in ra năm 1971. PST xin hết lòng cảm ơn vị huynh trưởng tại Pháp đã ân cần gửi tặng, để bài tiếp tục hướng dẫn thế hệ sau.