CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI ĐỆ TỬ

I. Các Chặng Đường

Con đường của người đệ tử thường được chia làm ba giai đoạn.

A.Giai đoạn Dự bị

Khi một người ở trong  giai đoạn dự bị, họ cần phát triển ba điều sau:
1. Khả năng tiếp xúc với nhóm của anh, hay nói khác đi, nhậy cảm với làn rung động của nhóm mà vị Chân sư là tụ điểm. Mới đầu anh thỉnh thoảng cảm ứng với nó mà hiếm khi được vậy. Trong lúc ban đầu của thời gian dự bị, khi anh được quan sát và theo dõi, anh chỉ có thể cảm nhận và duy trì làn rung động của nhóm (là làn rung động của vị Chân sư) trong khoảng rất ngắn ngủi. Có đôi lúc thành công thì anh tiếp xúc được với Chân sư và với nhóm, và trọn con người của anh tràn ngập làn rung động đó, bừng sáng lên với mầu sắc của nhóm. Rồi anh lắng xuống, rơi trở lại về mức độ thường ngày của mình và làn rung động chưa vững ở mức cao nên không thể ở đó lâu.
Tuy nhiên theo với thời gian, dài hay ngắn tùy theo sự nhiệt thành của ứng viên, số lần tiếp xúc tăng lên, anh có thể giữ được làn rung động lâu hơn một chút và bớt rơi trở lại mức thường như trước kia. Rồi tới ngày anh giữ được tiếp xúc vững vàng, ổn định và bước sang giai đoạn hai.

2. Trong chặng tiếp theo, điều anh phải phát triển là khả năng suy nghĩ trừu tượng, hay khả năng nối kết với thượng trí. Anh phải học cách dùng hạ trí như là dụng cụ mà thôi, để nhờ đó lên tới thượng trí vào cảnh giới trừu tượng. Bao lâu chưa làm được việc này thì anh chưa thể thực sự tiếp xúc với Chân sư, vì có hai điều đã được ghi rải rác trong các bài là:
– Người đệ tử phải đi từ cõi của anh là cõi thấp lên những cõi cao là cảnh giới hoạt động của các Ngài; và
– Các Chân sư chỉ làm việc từ cõi trí trở lên, do đó muốn tiếp xúc với các ngài thì chúng ta phải bước vào cõi trí, học cách linh hoạt ở đó, sử dụng trí năng thành thạo.
Cả hai điều 1 và 2 ở trên – khả năng tiếp xúc với Chân sư cùng nhóm của ngài, và khả năng trụ ở thượng trí, sinh hoạt ở cõi trừu tượng – hiển nhiên là kết quả của tham thiền. Do sự dầy công thiền định và khả năng chú tâm vào công chuyện phải làm – nói cho sát là kết quả của tham thiền thể hiện trong cuộc sống hàng ngày – sẽ làm tăng thêm khả năng giữ vững làn rung động cao.
Ở đây ta nhấn mạnh cái chân lý xem ra đơn giản là một người được thu hút về nhóm mà họ có thể thuộc về, lôi cuốn tới vị Chân sư là nhờ họ có làn rung động tương đồng. Mức rung động là điều quyết định mọi việc. Do cách làm việc của luật Thu hút và Xô đẩy nơi tất cả các cõi, mà sự sống thiêng liêng được gợi nên trong loài kim thạch, thảo mộc, thú cầm, nhân loại, và đưa con người tới nhóm thiêng liêng của anh. Cũng luật này giúp anh được thoát khỏi những thể tuy thanh bai hơn mà vẫn có tính ràng buộc, cầm giữ, và đưa anh trở nguồn cội của mình là Thượng đế mà anh là một phần.
Thế thì công việc của người dự bị là điều hòa làn rung động của mình cho hợp với của Chân sư, thanh lọc ba thể thấp để chúng không cản trở việc tiếp xúc; chế ngự hạ trí để nó không còn là hàng rào ngăn chặn sự tuôn tràn của ánh sáng của chân nhân. Khi làm được vậy anh được phép tiếp xúc với chân nhân và với nhóm trên cảnh của thượng trí mà anh – do sự xứng đáng và do nhân quả – thuộc về. Tất cả những điều này có được nhờ tham thiền và không có cách nào khác để đạt tới mục đích ấy.
Điều cần ghi rõ là chữ 'tham thiền' không chỉ muốn nói đến việc ngồi yên định trí, mà cần được hiểu rộng ra là sống có ý thức như là con người tinh thần, sống tỉnh thức trong mọi hoạt động của mình. Hiểu được như vậy thì ai tham thiền tích cực là người có trí tuệ linh hoạt thay vì mơ mơ màng màng, vẩn vơ.

3. Chuyện thứ ba phải làm là trang bị cho mình về tình cảm và trí tuệ, cùng ý thức và chứng tỏ rằng anh có thể đóng góp cho nhóm mà anh có liên kết tâm linh một đôi điều. Thử nghĩ, sách vở thường đề cập quá nhiều đến việc một ai sẽ nhận được gì khi được chấp thuận làm đệ tử, trong khi sự thực là điều ao ước này sẽ không thể thành cho tới khi nào anh có thể có cái gì đó để cho ra, thêm vào, làm tăng vẻ mỹ lệ của nhóm, làm cho dụng cụ mà vị Chân sư tìm kiếm để giúp đỡ nhân loại được sẵn sàng hơn, và làm mầu sắc của nhóm được dồi dào, phong phú hơn. Việc này được thực hiện bằng hai cách tương tác với nhau:
– Trang bị thể tình cảm và thể trí của mình, làm cho chúng có nhiều khả năng hơn, nhờ học hỏi và áp dụng.
– Sử dụng hai thể này để phụng sự nhân loại nơi cõi trần, nhờ vậy chứng tỏ cho đấng cao cả thấy rằng người dự bị có điều nào đó để cho ra. Anh phải chứng tỏ rằng ao ước duy nhất của anh là trở thành người làm lợi ích và phụng sự, hơn là nắm bắt và thâu thập cho chính mình. Cuộc sống nhắm tới việc tạo khả năng để cho ra phải có động cơ thúc đẩy là lý tưởng cảm nhận được trong lúc tham thiền, và có gợi hứng là những điều tuôn xuống từ cõi trí và cõi bồ đề, là kết quả của việc tham thiền.
Khi có được ba kết quả nói trên, và khi việc tiếp xúc với làn rung động cao diễn ra thường hơn, ổn định hơn, người dự bị tiến đến bước thứ hai và trở thành đệ tử thực thụ.

B. Đệ tử Thực thụ (Accepted Discipleship)
Giai đoạn thứ hai, khi một người thành đệ tử thực thụ, có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất trong những kiếp sống của anh. Việc diễn ra bằng nhiều cách như sau.
Nay anh thuộc hẳn vào nhóm, là một phần của nhóm và ở trong tâm thức Chân sư luôn luôn, được giữ bên trong hào quang của ngài; nó muốn nói anh hằng giữ mình ở mức rung động cao. Ta hãy thử xem điều ấy có nghĩa gì. Giữ cho mình luôn có làn rung động cao là chuyện rất khó làm; nó thường đòi hỏi việc tăng bội tất cả những gì có trong bản chất con người, và nhất là ban đầu có thể dẫn tới những biểu lộ bất thường; tuy nhiên khó khăn này có lý do của nó. Bởi về sau khi anh tiến bộ và có chứng đạo (còn gọi là điểm đạo, initiation), nếu muốn đủ sức đón nhận năng lực cao đến với anh vào lúc đó, thì anh phải tỏ ra có khả năng ấy ở lúc sớm sủa ban đầu, và có thể giữ cho mình ổn định, vững vàng tiến bước khi tiếp xúc với làn rung động tăng cường bội phần từ Chân sư tỏa ra.
Anh phải có kỷ luật bản thân để không gì vào được tâm thức anh mà có thể gây hại bất cứ ra sao cho nhóm mà anh thuộc về, hoặc đối nghịch bất cứ về mặt gì với làn rung động của vị Chân sư. Giải thích cho rõ hơn thì khi anh mới gia nhập thành một phần của nhóm nằm trong hào quang của ngài, anh được giữ ở ngoại biên của hào quang cho tới khi học được cách tự động thải ra và gạt bỏ ngay lập tức, mỗi tư tưởng cùng ham muốn không xứng đáng với Chân ngã và do vậy có hại cho nhóm. Bao lâu mà anh chưa học được điều này, anh không thể tiến xa hơn để có liên hệ thân cận hơn, mà vẫn phải ở nơi nào anh có thể bị tự động ngăn chặn.
Tuy nhiên, dần dần anh thanh tẩy chính mình  nhiều hơn, dần dần anh phát triển tâm thức nhóm và suy nghĩ theo ý nghĩa nhóm trong cách phụng sự (thí dụ điều gì có lợi nhất cho nhiều người nhất), từ từ hào quang của anh càng lúc càng có dần mầu sắc như hào quang của vị Chân sư, cho tới khi anh hòa vào, và do công sức của mình, được quyền đến gần hơn tâm vị Chân sư. Ta không đi vào chi tiết mà chỉ cần nói rằng khi giai đoạn 'đệ tử thực thụ' càng tiến xa (và nó thay đổi theo trường hợp), người đệ tử càng tiến gần vào tâm của nhóm, tìm được chỗ của anh và phần việc anh làm trong đó. Ấy là cái bí ẩn, tìm ra chỗ đứng của mình trong việc phụng sự mà không phải là chỗ đứng của mình trên thang tiến hóa, vì điều sau được biết tới ít nhiều. Ta chỉ đề cập phớt qua ở đây, nhưng tầm quan trọng của chuyện là giai đoạn này là giai đoạn mà khi tới cùng sẽ cho thấy rõ ràng con đường một ai sẽ theo sau lần chứng đạo thứ năm.

C. Con của Thầy.
Nay tới lúc mà người đệ tử tiến đến vị thế được ao ước rất nhiều là 'Con của Thầy'. Khi ấy anh là một phần có ý thức và hằng ở trong tâm thức của vị Chân sư. Sự ứng đối (interplay) giữa Thầy và trò được kiện toàn mau lẹ, và nay người đệ tử liên kết có ý thức với Chân sư, cũng như làm vậy khi nào anh muốn, và thăm dò tư tưởng của ngài. Anh có thể thấu nhập vào kế hoạch, ước muốn và ý chí của ngài, được vậy là nhờ công sức của anh trong việc làm cho làn rung động của mình tương đồng với của ngài, và do việc đóng cửa ngăn chặn anh (là điều cần thiết lúc ban đầu do làn rung động chỏi nghịch) nay chấm dứt, không còn cần nữa. Người đệ tử đã làm cho mình thanh khiết đến mức tư tưởng và ham muốn của anh không còn gây xáo trộn cho vị Chân sư, và không sinh ra làn rung động trái ngược với nhóm. Anh đã được thử thách và chứng tỏ hội đủ điều kiện. Đời phụng sự của anh trong thế giới càng lúc càng toàn thiện và được chuyên chú hơn, cũng như hằng ngày anh phát triển khả năng cho ra của mình, và gia tăng dụng cụ trong tay là các thể.
Tất cả những điều này can dự đến sự liên hệ giữa anh và vị Chân sư và nhóm linh hồn, mà không tùy thuộc vào việc được chứng đạo. Chứng đạo là việc có tính kỹ thuật và có thể giải thích theo huyền bí học, còn làm đệ tử là liên hệ cá nhân, do nhân quả và sự kết nối mà không tùy thuộc vào vị trí của một người trong Thiên đoàn. Ta cần nhớ điều này trong tâm, cũng như sự kiện là một người có thể được chứng đạo mà vẫn chưa là 'Con của Thầy'. Trường hợp được biết là do chuyên cần, có người hội đủ những điều kiện để có chứng đạo trước khi liên kết với một Chân sư riêng biệt nào.
Giai đoạn là 'Con' của một vị Chân sư có sự ngọt ngào đặc biệt của nó, và có chứa đựng một số đặc ân. Khi ấy người đệ tử có thể đỡ lấy phần nào gánh nặng làm nhẹ vai Chân sư, đảm nhận vài trách nhiệm bớt cho ngài, và nhờ đó làm ngài được rảnh tay cho công việc rộng lớn hơn. Như thế sự nhấn mạnh là vào việc phụng sự, vì chỉ nhờ phụng sự mà người ta mới tiến bước. Nó là đặc tính chính của làn rung động nơi cõi thượng trí. Tới lúc này vị Chân sư sẽ bàn thảo với 'Con' của ngài và lập kế hoạch cho công việc phải làm, dựa theo quan điểm thống nhất của hai người. Theo cách ấy ngài phát triển óc phân biện và phán đoán của người đệ tử, làm nhẹ bớt phần việc của ngài theo những đường hướng nào đó, để chính ngài quay sang và lo công chuyện khác hệ trọng hơn.

Sang giai đoạn cuối con đường Đạo thì có ít chi tiết được đưa ra, ở những chặng này con người tiến càng lúc càng gần sát hơn với nhóm của mình và với Thiên đoàn. Chẳng những anh rung động cùng nhịp với nhóm và với Chân sư, mà bắt đầu tụ họp người khác quanh mình, thành lập nhóm của riêng anh. Mới ban đầu thì nhóm chỉ ở cõi trần, tình cảm và hạ trí. Sau khi đạt tới lần chứng đạo thứ năm, vị Chân sư (và cũng là đệ tử của đấng cao cả khác) sẽ bao trùm các nhóm này trong hào quang của mình lẫn các nhóm ở cõi cao hơn.
Những điều trên cộng thêm các chi tiết khác rải rác trong sách vở, cho ta vài ý niệm về quyền hạn và quyền năng có được trên con đường Dự bị và đường Chứng đạo. Phương cách để phát triển chúng luôn luôn y  nhau:
– Tham thiền và phụng sự
– Nội tâm chuyên chú đi với thực hành bên ngoài
– Khả năng tâm linh tiếp xúc được với điều cao hơn
– Khả năng biểu lộ điều ấy ra ngoài là sống đời thánh thiện
– Sự chói lọi bên trong của Tinh thần
– Sự chiếu sáng bên ngoài trong nhân loại.

 

II. Tinh Luyện Các Thể

Nay ta sang phần hai của bài là động cơ chân chính hay lòng thanh khiết. Chuyện giản dị là khi có mong ước và tâm trí trong sạch, hình thể tạo ra không thể bị lôi cuốn để theo đường tả đạo hay phá hoại. Đối với đa số, mục tiêu là sự trong sạch về tình cảm và vật chất, và quan trọng số một là thoát khỏi sự kềm chế và ham muốn tình cảm, do đó câu nói hay được nhắc tới trong sách vở thí dụ như cuốn 'Ánh Sáng trên Đường Đạo' là:
– Hãy diệt lòng ham muốn.
Đúng hơn, có lẽ nên nói là hãy tái định hướng lòng ham muốn, hướng nó theo đường ngay. Bởi việc liên tục tái định hướng lòng ham muốn để cuối cùng nó thành thói quen của trí não là chìa khóa cho việc thanh lọc bản thân, cũng như là căn bản cho hoạt động hữu hiệu về huyền thuật. Giải thích rõ một chút thì khi bước vào đường đạo và làm việc với tư tưởng, cách suy nghĩ của người chí nguyện hóa ra mạnh mẽ hơn, hình tư tưởng được tạo với mục tiêu rõ ràng và được mạnh mẽ nhờ thiền định, cho ra kết quả hữu hiệu hơn. Huyền thuật – luôn luôn thực hiện ở cõi trần – vì vậy hằng chứa đựng khuynh hướng thiên về tả đạo cho tới khi con người có được tâm thức cao thường trực, và động cơ chân chính trở thành thói quen của cái trí.
Thế thì, luyện tập để có thói quen đúng đắn, giữ cho nó vững vàng, là đòi hỏi đầu tiên nơi người chí nguyện. Từ lâu, tư tưởng của người bị lòng ích kỷ lôi kéo và tư lợi thành yếu tố chế ngự. Một phần công việc của đức Chúa khi xưa là đảo ngược trở lại khuynh hướng này, bằng cách đề cao lòng hy sinh và không ích kỷ. Tinh thần tử vì đạo là một trong những kết quả của lời dạy này, tuy nó thường khi nhuộm mầu điên loạn và có óc tư lợi về cõi thiên đường; dầu vậy kết quả được xem là thành công vì tinh thần Thiên Chúa giáo là tái định hướng về chuyện cõi trời. 
Trên đường tiến hóa, sự chú tâm hay phân cực của con người thay đổi theo từng chặng. Vào lúc này con người tập trung chính yếu vào thể tình cảm, với cảm xúc, ham muốn, quan tâm về phàm ngã chi phối họ. Thể tình cảm là tâm điểm của phàm ngã rồi khi tiến bộ hơn, sự việc chuyển lên mức cao hơn và thể trí trở thành tụ điểm; cứ lần lượt đi lên cao hơn cho tới khi con người không còn rung động theo ba cõi, phàm ngã không còn ảnh hưởng được họ, chỉ còn lại sự sống của Tinh thần và lòng tự nguyện rời bỏ cảnh sống ấy để giúp đời.
Khi thúc đẩy cuộc tiến hóa, cố gắng đi mau, thì có một số chuyện cần được thực hiện trước khi con người có thể được dùng làm vận cụ đáng tin cậy, vững chắc như thép đã tôi, trong việc phụng sự. Ta chớ nên quên rằng ai sống kiếp ở cõi trần, sinh hoạt trong thể xác vào thời điểm nào, là phương tiện tốt nhất cho các ngài sử dụng vào lúc đó, khi họ đã được thử thách và có khả năng; bởi anh hiểu thông suốt tâm thức con người thời ấy, và vì anh đối đầu với những vấn đề của thời đại theo cách thức trọn vẹn hơn là của một chân nhân thuộc thời điểm trước đó. Thế nên các Chân sư mong muốn sử dụng ai đang hiện diện lúc này để chữa lành sự đau khổ của thế hệ hiện tại. Trong việc chuẩn bị để phụng sự, người ta phải tập luyện cả ba thể với những đại cương sau:

1. Huấn luyện Thân thể.

Công việc gồm một số đòi hỏi rõ ràng với chủ đích là đem vào cơ thể chất liệu ở những cảnh cao, và loại bỏ chất liệu cảnh thấp thô trược hơn. Cần làm vậy vì ai với thân xác thô trược không sao tiếp xúc được với làn rung động cao; chân nhân không thể nào truyền hiểu biết và chỉ dẫn loại cao vào một thân xác thô trược; cũng như những tư tưởng thanh cao không sao thấm vào não bộ hồng trần của người chưa tiến hóa. Do đó tinh luyện xác thân là điều thiết yếu, nó được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, cách nào cũng hợp lý và dễ làm. Ta ghi ra đây bốn điều chính.
a. Thực phẩm thanh khiết. Gồm việc ăn chay trường, chọn lựa các món một cách khôn ngoan, biết phân biện, nó đòi hỏi việc dùng chỉ những rau trái, ngũ cốc nào mang lại sinh lực. Ta không nên ăn quá nhiều, và khi ăn thì làm sao cho thực phẩm được hấp thụ hoàn toàn là đủ. Một số thực phẩm đề nghị là sữa, mật, bánh mì lức, tất cả rau đậu có nhận ánh mặt trời, cam (nhất là cam), chuối, nho, các loại hạt, khoai tây, gạo lức. Tất cả những loại này càng nhiều càng tốt để bảo đảm sinh hoạt..
b. Sạch sẽ. Dùng nước cho nhiều việc, bên trong cũng như bên ngoài, là điều tối quan trọng.
c. Ngủ đủ. Nên ngủ trong khoảng từ 10 giờ đêm tới 5 giờ sáng, ngủ được ngoài trời càng nhiều càng tốt.
d. Ánh nắng mặt trời. Nên có tiếp xúc nhiều với ánh mặt trời, vì tia nắng mang lại sinh lực làm linh hoạt. Lại nữa mặt trời tiêu diệt mầm bệnh, cho ta thoát khỏi bệnh tật.
Khi bốn điều kiện này được thực hiện đầy đủ thì sự loại trừ chất không thích hợp diễn tiến rõ ràng, vài năm sau trọn thể xác chuyển hướng dần cho đến cuối cùng ta sẽ có thân xác gồm vật chất thanh bai nhất của những cảnh. Diễn trình có thể cần nhiều kiếp mới hoàn tất, nhưng ta nên nhớ rằng vào mỗi lần tái sinh, thân xác có phẩm chất đúng y như thân xác bỏ lại khi qua đời của kiếp ngay trước đó. Như vậy thì giờ không hề bị mất mát trong việc tạo dựng thể. Chót hết có hai phương pháp khác làm tinh luyện diễn ra mau lẹ hơn:

Dùng ánh sáng mầu.

Những ánh sáng này khi chiếu vào cơ thể cho ra hai tác dụng, làm lay chuyển rồi loại trừ và cùng lúc khích động hạt nguyên tử. Hiểu biết chưa thể được đưa ra lúc này mà phải chờ tới khi có thêm chi tiết về các cung. Khi biết cung một ai thì ta tạo được sự kích thích bằng cách dùng mầu của chính người đó, cách áp dụng là dùng mầu phụ để tạo thể, và mầu đối chọi để làm vật chất muốn loại trừ bị tan rã. Vài hiểu biết sẽ được đưa ra cho những tổ chức chuyên về điều bí truyền nhưng ngày giờ chưa tới.

Sức khích động của âm nhạc.

Một số âm gây tan vỡ và gẫy đổ. Một số âm khác kích thích và thu hút. Khi biết được cái nốt chính trong đời một người, khi nhận ra được âm thanh mà anh đáp ứng thì khi ấy ta có thể dùng âm thanh để tinh luyện. Vào lúc này điều duy nhất ai muốn phụng sự có thể làm là thực hiện những điểm thiết yếu nói ở trên, gắng công tiếp xúc với làn rung động cao, và để cho thời gian thực hiện phần còn lại.
Nói thêm một chút về các lực thì  ánh sáng mặt trời có hữu dụng chính là làm linh động thể sinh lực (thể phách). Sức nóng của tia sáng mặt trời là điện lực, được làm thích nghi với nhu cầu của đại đa số tất cả những loài trong thiên nhiên. Riêng về con người, khi có sự tiến bước thì lực tăng cường được áp dụng trong những trường hợp riêng biệt. Trong buổi lễ chứng đạo, chiếc Đũa Chứng Đạo (Rod of Initiation) chạm vào đầu của ứng viên có tác dụng là đũa dẫn điện vào luân xa trên đầu. Đũa được làm cho mục đích này nhưng ngày nay con người đã tiến xa hơn, sự chú tâm không còn hướng vào thể xác mà đa số người trụ tâm thức vào thể tình cảm hoặc thể trí. Nhu cầu và mục tiêu khi dùng đũa vẫn y vậy, nhưng phương pháp áp dụng khác nhau trong ba trường hợp và điều này được giữ kín cẩn mật.

2. Tinh luyện thể sinh lực.

Việc làm này trùng với nỗ lực cho thể xác. Phương pháp chính yếu là cho cơ thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, giữ cho không bị lạnh; xa hơn nữa con người sẽ được chỉ cách rõ ràng để kết hợp các sinh tố, chế biến thành thuốc viên và cho ra ảnh hưởng trực tiếp lên thể sinh lực. Ta thấy ngay là điều này chỉ có thể xẩy ra sau khi khoa học nhìn nhận có thể sinh lực, nên có nghĩa là ... còn hơi lâu mới thành thực tại. Khi đó, hiểu biết chắc chắn được đưa vào chương trình huấn luyện y khoa, và việc nghiên cứu những bệnh của thể sinh lực sẽ được công nhận, đưa tới trị liệu và công thức xác định.

 

3. Tinh luyện thể tình cảm.
Sang phần này thì phương pháp khác đi. Thể tình cảm chỉ là vật phản chiếu, nó lấy mầu sắc và chuyển động từ khung cảnh chung quanh, và nhận ấn tượng từ mỗi ao ước thoảng qua. Thể tiếp xúc với mỗi một dấy động tình cảm nào trong môi trường xung quanh, mỗi làn sóng làm nó khuấy động, mỗi âm thanh khiến nó cảm ứng theo, trừ phi con người ngăn cản tình trạng ấy, và huấn luyện cho thể chỉ ghi nhận những cảm tưởng nào đến từ trực giác.
Mục tiêu của người chí nguyện nên là huấn luyện cho thể được tĩnh lặng và trong sáng như gương, để có thể phản chiếu trọn vẹn. Kế đó, anh nhắm tới việc làm cho thể chỉ phản chiếu điều từ trên cao, lấy mầu sắc phù hợp với luật, và chỉ chuyển động theo chiều nhất định, mà không phải tư tưởng chiều nào thì hướng theo chiều đó, hoặc lên xuống theo dục vọng. Những chữ nên dùng để mô tả thể tình cảm là: tĩnh lặng, điềm tĩnh, không xáo động, yên lặng, an nhiên, trong sáng, trong trẻo, như gương, bình thản, gương phản chiếu trong vắt – truyền đi chính xác ham muốn, ước ao, nguyện vọng của chân nhân mà không phải của phàm nhân.
Làm cách nào thực hiện được điều ấy ? Có nhiều cách:
a. Luôn theo dõi mọi ham muốn, động cơ và ước muốn nổi lên hàng ngày, sau đó nhấn mạnh vào những gì thuộc loại cao hơn, và ngăn chặn loại thấp hơn.
b. Mỗi ngày liên tục có nỗ lực tiếp xúc với Chân nhân, và phản chiếu ước nguyện của nó trong đời sống. Ban đầu ta sẽ phạm sai lầm nhưng từ từ việc kiến tạo tiến triển, thể tình cảm chuyển trọng tâm dần lên tới cảnh cao nhất của cõi tình cảm. Nói khác đi nay làn rung động của thể chỉ đáp ứng với tình cảm thanh cao nhất nơi đây.
c. Hàng ngày dành riêng những lúc cho việc tĩnh lặng thể tình cảm, tức tham thiền. Có quá nhiều nhấn mạnh vào việc làm tĩnh lặng thể trí, nhưng ta nên nhớ rằng làm tĩnh lặng thể tình cảm là bước đầu, dẫn tới làm lặng cái trí. Cái này theo sau cái kia, và chuyện khôn ngoan là bắt đầu ở bậc thấp nhất. Mỗi người phải tự khám phá là mình dễ chìu theo rung động hung bạo nào nhất, như lòng sợ hãi, lo lắng, ham muốn bất cứ loại nào cho cá nhân, yêu thích riêng tư điều gì hay ai, ngã lòng, nhậy cảm với dư luận; và rồi phải thắng làn rung động ấy bằng cách áp đặt lên nó nhịp mới, loại trừ hẳn và kiến tạo rõ ràng.
d. Có thể có việc khác diễn ra mà ta không ý thức. Ban đêm trong lúc ngủ, theo sự hướng dẫn của vị Chân sư những linh hồn tiến xa hơn anh có thể gây tác động lên thể tình cảm của anh, như là dùng một số âm thanh và mầu sắc để kích thích làn rung động hoặc làm nó chìm xuống. Mầu sắc còn có tác động lên các luân xa.

4. Tinh luyện thể trí.
Đây là kết quả của công khó và óc phân biện. Nó cần ba điều trước khi người ta làm chủ được nơi cõi trí:
– Suy nghĩ sáng suốt, không phải chỉ về đề tài mà ta thấy ưa thích, mà về mọi đề tài có ảnh hưởng đến con người. Nó liên can đến việc sắp xếp chất liệu cõi trí và khả năng xác định. Nó có nghĩa là có khả năng dùng chất liệu cõi trí để tạo hình tư tưởng, và dùng những hình tư tưởng này để giúp đời. Ai không suy nghĩ rõ ràng, ai có thể trí hỗn độn, là sống trong sương mù và là người mù dẫn đường cho người mù khác.
– Khả năng làm tĩnh lặng thể trí, khiến cho tư tưởng ở những cảnh trừu tượng và cõi trực giác có thể được ghi nhận. Có nhiều sách vở nói rõ ràng về những điều này do vậy không cần bàn thêm ở đây, nói chung nó là kết quả của sự chuyên cần chăm chỉ, tập luyện trong nhiều năm.
– Một tiến trình rõ rệt do Chân sư thực hiện với sự ưng thuận của người đệ tử, để hợp những thành đạt khổ công mới có được và kết quả sau nhiều năm thành dạng vĩnh viễn. Vào mỗi lần chứng đạo, điện lực hay từ lực được áp dụng mang lại sự ổn định cho thể, nó khiến những kết quả mà người đệ tử đạt được trở nên trường tồn. Giống như người làm đồ gốm nhồi khuôn và nắn đất sét, rồi đem nung làm vật hóa cứng chắc, người chí nguyện cũng ép vào khuôn, nắn thành hình, tạo dựng và chuẩn bị cho lửa làm rắn chắc. Chứng đạo đánh dấu sự thành đạt vĩnh viễn và là khởi đầu cho một chu kỳ gắng công mới.

Trên hết thẩy, có hai điều cần được nhấn mạnh:
1. Lòng kiên trì bền bỉ, không lay chuyển, không nề hà thời gian hay trở ngại mà tiến bước. Khả năng kiên tâm này giải thích tại sao ai không có gì đặc biệt lại thường khi có chứng đạo trước ai tài giỏi, và trước ai được chú ý nhiều hơn. Khả năng miệt mài là điều đáng mong ước.
2.  Tiến bộ có được mà không cần tự phân tích quá độ. Đừng bới lên hết gốc rễ để xem tăng trưởng được tới đâu, vì nó làm mất thì giờ quí báu. Hãy quên sự tiến bộ của riêng mình trong khi uốn người theo luật và giúp đỡ kẻ khác. Khi làm vậy thì đột nhiên giác ngộ sẽ tới, và bạn chợt ý thức là đã tới đích, nơi mà đấng Chủ Lễ triệu bạn tới và có chứng đạo. Do công khó và gắng sức lớn lao tuân theo luật và thương yêu mọi người, bạn đã tạo thể bằng những chất liệu khiến cho bạn có thể đứng trước mặt ngài. Luật Thu hút đưa bạn tới với ngài và không gì có thể ngăn cản được luật.

 

Theo: Letters on Occult Meditation, A.A. Bailey.