CON  ĐƯỜNG  LÀNH  BỆNH

Bài  13

Nhưng trong khi tâm hồn  còn khô héo, kiêu hãnh, tự tôn, luôn than thân trách phận, đầy lòng thù ghét hay ganh tị, hết sức chia rẽ thì làm sao có thể xử sự như là con kinh cho lực hòa đồng chẩy qua đó ? Nụ hoa không được cho hé cánh để đón ánh mặt trời sẽ so rút lại và chết đi, không thể truyền đời mình về sau bằng cách sinh hạt giống. Chuyện cũng y vậy với quả tim đóng kín, nó không thể làm trí não đơm bông kết trái để chuyển hoá cuộc sống, vì tâm trí nào không đáp ứng với tình thương sẽ khiến cho trọn cơ thể mất đi chất dinh dưỡng cần thiết cho nó.
          Do tình trạng 'điếc' nói chung này, việc thiếu khả năng đáp ứng với sự sáng, mà đức Jesus đã giảng đi giảng lại bằng lời và gương của ngài rằng ta cần vun trồng tình thương. Ngài biết rằng chỉ nhờ vậy mà nhân loại đau khổ mới có thể đạt được đời sống dồi dào hơn, tức có sức khoẻ đúng thực. Thế thì, nếu đôi khi bạn vẫn thấy trong tim không có tình thương và năng lực tái tạo xin hãy vững lòng. Chúng có đó. Chúng không biểu lộ vì bạn chưa học cách thể hiện chúng. Hãy khởi sự bằng cách tập có lòng ân cần, phục vụ, có thiện chí trong mọi cảnh ngộ, và bạn sẽ khiến có được những tánh ấy trong lòng và trong khung cảnh chung quanh.
          Ta chỉ mới xem xét vài cách mà qua đó tình thương tự biểu lộ. Một trong những cách chính là dùng óc sáng tạo. Nó có vẻ lạ đối với bạn, nhưng không phải sự sáng tạo đúng ra là một lực tạo hình và sinh sản ư ? Không phải nó là tinh hoa của động lực Sống làm tăng trưởng, phát triển đến vô cùng tận sao ? Sự sáng tạo nhờ óc tưởng tượng nuôi dưỡng, nếu không có thì con người không bao giờ tiến hóa khỏi giai đoạn sơ khai. Và  nói thật rốt ráo không phải sự sáng tạo là hành động cho ra chính mình sao ? Họa sĩ, nhạc sĩ, nhà sáng chế và khoa học gia khi làm việc đã cho ra chính họ không giữ  lại chút gì, chịu cho kỹ luật của lực huyền bí áp đặt lên họ, lực mà Socrates gọi là thần linh của ông. Và đó là gì nếu không phải là điều phát xuất từ Chân Nhân là tâm của sức sáng tạo ? Người mẹ cũng làm y vậy khi cho bào thai trong lòng trọn con người của bà, và tình nhân cho người mà họ yêu quí.
          Biểu lộ tình thương bằng việc cho ra như thế là một cách diễn giải khác lời dạy của đức Jesus: Kẻ nào có sẽ được có thêm. Vì ai có khả năng cho ra tới mức nào thì tình thương trong lòng họ có khả năng phát triển và tăng trưởng tới mức ấy. Hơn thế nữa, khi cho ra trọn tất cả những gì họ có không chút tiếc rẻ, họ thu hút vào người nhiều phần thưởng tinh thần to lớn hơn, lý do là khi biểu lộ ý chí cái TOÀN  VẸN theo cách nhỏ bé của mình, cuối cùng họ hợp nhất với điều mà họ cho là cái TOÀN  VẸN.
          Đừng nghe ai nói rằng cho ra là việc bất khả, rằng họ không có gì để cho. Lắm người vì những lý do khác nhau mà ít khi họ nhận ra, tự bảo mình điều ấy và bạn có tính đó ít nhiều. Họ viện đủ cớ để không cho ra:
- Số mạng  cầm giữ tôi.
- Tay chân tôi bị trói buộc.
- Tôi không có cơ hội để phục vụ người khác.
- Không ai cần tôi thương.
- Cuộc đời đã giết chết nhiệt tâm và lý tưởng của tôi.
- Nỗi đau đớn khiến tôi không làm thiện nguyện được.
- Tôi bị nghèo khó nên không giúp được ai.
- Đời sống hàng ngày đòi hỏi làm tôi không có giờ rảnh.
- Tôi không có chỗ để cho ra.
- Tôi già quá / Tôi trẻ quá.
- Phụng sự chán lắm và chẳng có thưởng gì.
- Tôi chán đời quá đỗi.
- Tôi mệt quá.
          Người ta sẽ viện cớ đến bất tận để biện minh cho việc mình không mở lòng từ khi có ai cần. Khi nào bạn thấy mình làm vậy thì hãy xét lòng coi những cớ viện ra có chính đáng như bạn và người khác tưởng chăng.
          Có ai nghèo quá đỗi, bơ vơ đến mức không thấy có cảnh đời khác tệ hơn đời mình? Vì vậy, hãy bước ra khỏi căn phòng đen tối chỉ biết chính mình, và quên đi cảnh ngộ của bạn trong chốc lát để nhìn quanh xem có ai cần lòng thông cảm, khuyến khích, hay chỉ cần sự hiện diện của một người khác chịu lắng nghe họ, làm họ vui lên và cho họ hy vọng. Hãy giúp mọi ai mà bạn bị thu hút tới. Tôi nhắc lại: 'bị thu hút tới'. Không như ai cho rằng mình tốt lành thường nghĩ, không có gì cần phải chạy tới đâm bổ vào cảnh nói ví von là căn phòng đóng kín. Việc cố tình can thiệp như vậy không do tình thương chân thực gợi nên, mà thường khi do lòng kiêu căng, tự phụ hay cảm giác có lỗi mà ra. Nhưng nếu bạn tập  có thái độ sẵn sàng trong lòng, ai cần giúp đỡ sẽ cảm được làn rung động của tâm bạn và sẽ tự mình tìm đến bạn.
          Hãy tập dùng trí não và sự thông cảm một cách lặng lẽ để khiến ai quanh bạn cảm biết rằng bạn sẵn sàng, có sẵn đó gặp họ trong cảnh của họ và chịu lắng nghe. Có thể bạn không ở trong vị thế giúp đỡ được về mặt vật chất hay ngay cả khuyên giải họ, nhưng tư tưởng và trên hết thẩy thái độ mà đa số người tin là giống như lời cầu nguyện, sẽ kêu gọi được những năng lực ngoài năng lực của chính bạn, chúng có thể tuôn qua người nếu bạn giữ cho mình khai mở đối với ảnh hưởng của chúng. Ngay cả khi bạn bị ràng buộc vì công việc, phải ở trong phòng hay nằm liệt giường, hãy dùng cách thức này là điều ai cũng làm được. Nếu bạn không thể dùng vật chất ở mức đậm đặc hơn thì hãy làm việc bằng các dùng chất liệu của trí tuệ.
          Ai cũng có điều gì đó để cho ra, có một vai trò sáng tạo và xây dựng trong cuộc sống dù không đáng kể thế mấy theo ý họ hay ý người khác. Ai chỉ có tài mọn sẽ làm chủ hài lòng nếu họ dùng nó và khi làm vậy phát huy được hết những tiềm năng của nó. Nếu không được gì thì bạn có được kinh nghiệm cho chính mình, biến nỗi đau khổ và mất mát của bạn thành sự khôn ngoan sáng suốt.
          Đừng quan tâm đến cách mà người ta đón nhận nỗ lực của bạn. Đó không phải là chuyện của bạn. Tình thương chân thật không lệ thuộc vào sự đáp trả. Nó tuôn ra không ngừng đến mọi người, mọi vật trong tầm của nó và thấy thỏa mãn trong lòng với việc Tự biểu lộ này. Vì tình thương là nỗi vui của chính nó, nó phát sinh cái Nguồn bất tận, tăng trưởng chỉ nhờ nguồn ấy, có được sự tái tạo từ Suối nước không hề vơi.
          Tình thương như thế có thể ví như ngọn đèn tỏa sáng ở chỗ tối tăm, nó rải ra tia sáng không màng đến kết quả việc chiếu rọi của mình. Nếu không có ai được lợi gì nhờ ánh sáng của nó thì cũng không sao; nó vẫn tiếp tục rạng ngời. Kết quả không ảnh hưởng gì đến năng lực soi sáng bóng tối chung quanh nó. Biểu lộ tình thương ở mức cao nhất có thể có được cho con người ở mức tiến hóa hiện thời là đồng hóa với nhu cầu của kẻ khác, khiến cho mọi ý muốn chia rẽ cá nhân bị chế ngự. Điều này thường có nghĩa là đứng qua bên không can thiệp vào ý muốn của người khác, ấy là một trong những thái độ rất khó làm. Không một điều gì, sự lãnh đạm, vô ơn, thay đổi hay thiếu điều muốn có lại ảnh hưởng được hay làm bớt đi sự an nhiên tự tại và nỗi hoan lạc của người đã tuyệt kỹ về khoa cao nhất và khó đạt nhất  này trong tất cả các ngành khoa học và nghệ thuật.
          Đương nhiên nó là mục tiêu quá cao  nên đa số chưa thực hiện được, vì nhân loại nói chung vẫn còn đắm chìm trong tư lợi, đồng hóa mật thiết với cái ngã. Nhưng nó không là lý do cho ai muốn có sức khoẻ tốt lành mọi mặt gạt bỏ không xem đó là lý tưởng để gắng sức đạt tới. Bởi lẽ việc có thể làm được một khi Linh Hồn làm chủ nhiều hơn trong đời.
          Vì bạn sinh trưởng trong nước theo Thiên Chúa giáo, tôi đề nghị bạn đọc lại tất cả những điều mà đức Jesus và môn đệ thân cận của Ngài giảng dạy về năng lực và bản chất của tình thương. Ấy là các đoạn cao thâm và quan trọng nhất trong kinh sách của thế giới, tuy nhiên bạn sẽ thấy rằng tất cả những vị đại giáo chủ khác theo cách của họ giảng nhiều chân lý y hệt thế, vì Chân Lý chỉ có một. Và các bậc Thầy này tự chứng tỏ sự hữu lý của chúng bằng cách thực hành lời dạy, các Ngài là chứng nhân cho thấy ta có thể sống trọn vẹn theo các lý tưởng đó trong đời vật chất.
          Nhiều người bảo họ 'thương nhân loại' hay 'thương hết thẩy mọi người', tức lời mơ hồ tổng quát rất dễ nói mà thường là vô nghĩa. Bởi không thể nào 'thương yêu' đa số người quanh ta theo nghĩa thường được hiểu, nhưng hãy nhớ rằng nó có nhiều nghĩa ngoài nghĩa bình thường hay nói. Nói rằng mình thương yêu mà không biểu lộ bằng hành động thiện chí, nhằm phục vụ, có liên hệ cá nhân hòa hợp, lòng vô hại hay thấy qua việc không thốt lời chỉ trích phá hoại, thì chỉ là nói sai. Vì tình thương có bản chất là hợp nhất.
          Chỉ bằng cách luôn giữ ý tưởng này trong trí bạn mới có thể làm cho tình thương tuôn chẩy tự do vào trọn môi trường quanh bạn, mang lại những thay đổi căn bản, như lời đức Chúa dạy rằng tình thương   là điều cần thiết hơn hết để sống đúng đắn trong bất cứ cảnh nào. Nỗ lực đặt  tình thương làm nền tảng cho sự sống đặc biệt cần vào lúc này. Con người tự gây nguy hiểm cho mình vì có các liên hệ thực là thiếu tình thương, chẳng những với kẻ khác mà luôn cả với thiên nhiên rộng lớn hơn. Thiên trách của họ là bảo vệ, phục vụ, huấn luyện và bảo vệ thiên nhiên, mà lại xem thiên nhiên như  nô dịch thay vì là con quí của mình.
          Họ quên rằng mọi sinh vật đều là phần nối kết của mình trong một thế giới chung có cơ cấu hợp nhất, khiến cho không có phần gì của thế giới này không phải cũng là một phần của trọn người họ. Đặc biệt hơn nữa là trường hợp thế giới loài vật mà họ liên hệ rất mật thiết, vì thể xác của con người thuộc về loài này. Bao lâu mà chúng ta chưa ý thức điều ấy khi làm tổn thương và tiêu diệt chẳng những thú vật mà luôn cả địa cầu chỉ vì lòng tham, là ta tiếp tục việc gây tổn thương và phá hoại chính mình.
          Tôi nêu lên điều này để giúp bạn thấy rõ là mọi vật liên kết thân thiết với nhau ra sao. Sự Sống thiêng liêng làm linh hoạt mỗi vật, làm cho mọi vật có tính thiêng liêng. Nhìn nhận rằng con người có trách nhiệm rất đặc biệt về việc sử dụng và đường hướng của sự  Sống thiêng liêng có trong con người và luôn cả thế giới bên ngoài, thì chưa đủ. Ta cần biết thêm là mọi việc, mọi người mà ta tiếp xúc cũng có ảnh hưởng làm ta đau hay mạnh. Tất cả những gì mà bạn sờ mó, thấy, nghe hay ngửi và nhất là ăn vào là thành phần của sự  Sống này và cần được đối xử cho hợp, như  là sự tín thác thiêng liêng.
          Bạn vẫn cho rằng biểu lộ tình thương ở mọi mức và trong mọi sinh hoạt là chuyện bất khả. Hãy thử làm mà xem, thí nghiệm dù chỉ trong vài giờ hay một ngày. Hãy tận dụng trí tưởng tượng của mình và giả dụ mình là một đấng cao cả nào đó như đức Jesus, đức Phật, vị thánh hay nhà hiền triết nào mà bạn chọn, và tự hỏi ngài sẽ xử sự ra sao nếu ở trong trường hợp của bạn, phải đối đầu với những vấn đề đặc biệt của bạn. Thử nhìn tình trạng theo nhãn quan của ngài, cái nhìn của tình thương không vị kỷ; lắng nghe bằng đôi tai của ngài, tai của lòng từ; dùng đôi tay của ngài, bàn tay phục vụ khôn ngoan.
          Nếu bạn làm được việc ấy với trọn tấm lòng, óc thông minh và ý chí một cách chân thật và xả kỷ dù chỉ trong vài giờ, tôi dám quả quyết bạn sẽ có được cái nhìn hoàn toàn mới về ý nghĩa thực và mục đích của cuộc sống. Hơn thế nữa, khi thỉnh thoảng tập có thái độ này, dần dần nhiều thái độ giả tạo của bạn với sự sống sẽ biến cải rõ rệt, cho kết quả là thay đổi trọn nhãn quan vốn chỉ biết có mình, điều đã gây tổn thương biết bao cho bạn.
          Tôi muốn nhắc lại lần nữa câu nói Ta nghĩ  gì trong lòng thì ta trở nên thế ấy. Tư tưởng quả thật luôn nhuộm mầu, chi phối và uốn nắn trọn khung cảnh của người cũng như là bản tính của họ. Tư  tưởng là một trong những lực tạo tác mạnh mẽ nhất trong vũ trụ, và bao lâu mà ai suy nghĩ không thuận theo Thực Tại và luật thiêng liêng, bấy lâu nó vẫn còn là một trong những lực nguy hiểm nhất .
          Hãy xem một thí dụ nhỏ, ảnh hưởng của tư tưởng và tình cảm (vì ở mức độ hiện nay của người chỉ trong rất ít trường hợp là tư tưởng hoàn toàn tách biệt với dục vọng) có thể làm tràn khắp phòng hay một nơi chốn làn rung động do người hay tụ họp nơi ấy phát ra, khiến ai nhậy cảm lập tức nhận biết  và bị nó chi phối. Đó là chứng cớ khác về khả năng của cá nhân, hoặc có thể làm khung cảnh nhẹ nhàng sáng sủa, hoặc khiến nó u tối và đắm chìm vào bầu không khí phá hoại, rầu rĩ của họ.
          Nó có nghĩa ta chịu trách nhiệm lớn lao dù điều này thường không được nhận biết. Mỗi chúng ta liên tục uốn nắn và tạo tác môi trường của mình, và dụng cụ bạn dùng là những cặp đối nghịch lớn như thương ghét, tư tưởng xây dựng và phá hoại. Thế nên tất cả những bậc Thầy đều chê trách thói quen thường thấy là tính chỉ trích và nói xấu người khác.  Tôi đã nói về điều này trước đó rồi, nhưng trở lại nữa vì những ai như bạn có tánh ưa phê bình thấy rất khó mà ý thức ảnh hưởng tai hại nó có thể gây ra cho bạn lẫn người mà bạn chỉ trích.
          Vậy hãy canh chừng cẩn thận chính mình. Trông chừng ngay cả lời nói dường như vô tình mà có thể gây đau khổ, lo buồn  hay gợi nên mặc cảm tự ti nơi người khác, nhất là lời nói gay gắt hoặc bài bác. Coi chừng luôn cả tư tưởng của bạn. Hãy nhớ tới khả năng có thể làm tổn thương hay làm lành của nó. Tốt hơn hết là tránh mọi hình thức chỉ trích trừ phi nó thực sự được yêu cầu, khi ấy chỉ nên đưa ra nếu nó xây dựng và hữu ích, vì trong trường hợp như vậy nó có thể là một dạng của tình thương. Một cách để chữa bạn khỏi thái độ chỉ trích (thường có gốc rễ từ lòng kiêu hãnh, khinh thị, tự cao tự đại vốn là một hình thức của mặc cảm tự ti) là tìm cách đồng hóa nhiều hơn với ai mà bạn lên án, và sẽ thấy họ là một phần của bạn nhiều như thế nào.
          Sao đi nữa, bao lâu mà bạn chưa thể đồng hóa thực sự – việc nằm ngoài khả năng của đa số người –, làm sao bạn dám ngang nhiên cho mình quyền phán xét kẻ khác ? Làm sao bạn có thể ở vị trí lên án hành động của họ khi chắc chắn là bạn không có sự sáng suốt để chỉ nhờ đó hiểu thấu được nguyên nhân thật ? Làm sao bạn có thể biết được bí ẩn của đời họ, sự tranh đấu, đau khổ, thất vọng, nhược điểm và những lo sợ của họ ? Và trên hết thẩy mục tiêu mà Linh Hồn họ quyết định đạt tới trong kiếp này trên dương thế ? Muốn làm được những việc này bạn phải trở thành là chính họ.
          Nếu có được cái nhìn thấu đáo như thế – chuyện bất khả khi chưa phát triển tâm linh cao độ – mọi lời kết án sẽ lập tức ngưng ngay vì tâm bạn tràn ngập lòng thương xót. Hơn nữa bạn sẽ hiểu rằng rất thường khi lỗi lầm mà bạn đang chỉ trích là phản ảnh nhiều lỗi của bạn. Nếu không phải vậy hẳn nó đã không gợi nên phản ứng gay gắt như thế nơi bạn. Đó thường là dấu hiệu của tiềm thức nhận ra lỗi của mình và sinh lòng sợ hãi, bác bỏ nó.
          Thế thì, trừ phi bạn đã bỏ được cái xà trong mắt mình như đức Jesus dạy,  hãy dằn lại  ý chỉ trích người khác, và thay vào đó quay vào tự kiểm bản thân. Ai đã giác ngộ thực sự sẽ tự chế không có hình thức,  ý kiến, thái độ gì chống đối hung bạo người khác, và nhất là đối với chuyện chi mới mẻ, bất ngờ hay ngay cả khi chúng khác với bản tính của họ, vì những phản ứng như thế gần như luôn luôn phát sinh từ  tình cảm do đó đáng nghi.
          Hãy nhìn nhận rằng mọi việc không gì hơn là chuyện thoảng qua trong sự phát triển của con người hay giống dân, hãy chấp nhận nó với lòng cởi mở và thông cảm, hiểu biết rằng không chừng chính mình đã ở trong những giai đoạn ấy nhiều kiếp trước, trên đoạn đường dài xuyên qua ảo ảnh cuộc đời. Nó không có nghĩa là tôi khuyên bạn nhắm mắt với điều ác nói chung, hay ngay cả việc chìu theo tiêu chuẩn giá trị giả tạo của đa số người đời. Khác hẳn vậy. Bạn phải nhìn sự việc y như nó là mà cùng lúc nhận ra nguyên do sinh ra nó.
          Thế giới này bệnh hoạn y như bạn là người đau yếu, tuy nhiên như tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, tiềm năng có được sức khoẻ và sự trọn lành nằm sẵn trong mỗi người, do đó việc chữa bệnh phải bắt đầu từ chính cá nhân. Phản ứng có thể bắt đầu từ mỗi cái tâm nhỏ bé và theo thời gian kích thích làm trọn khối bùng dậy. Có lẽ bạn sẽ bớt khe khắt hơn nếu hiểu rằng cuộc tiến hóa chưa hoàn tất, cho dù nhân loại có hình thể và các bộ phận hoạt động như ngày nay. Ta chỉ mới phát triển nửa đường và đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Trong tương lai nhân loại bớt là tác nhân thụ động đối với những lực vô tư, bị các lực sơ khai nhào nặn và quản chế như hiện giờ. Về một mặt con người sẽ ý thức họ là kẻ sáng tạo ra chính mình, làm chủ tiến trình phát triển ở mọi mức độ bằng cách tiếp xúc với Linh Hồn và các đẳng cấp thiên thần. Như vậy càng ngày họ lại càng có khả năng để tạo mình theo cách thức lý tưởng của nguyên mẫu (archetype) thiêng liêng.
          Khi tìm cách tập cho bạn có ngã thức và tự chủ tôi chỉ cố công giúp bạn tiến chút ít đến giai đoạn sắp tới ấy, chỉ cho thấy cách bạn có thể chuẩn bị thể tương lai cho tâm thức sử dụng, làm cho việc nẩy nở thêm những tiềm năng có thể xẩy ra trong thể đó. Bạn sẽ thấy rằng khi suy gẫm luôn những khái niệm ấy trong tâm, và gắng sức áp dụng chúng bằng mọi cách, bạn sẽ tham dự càng lúc càng nhiều hơn vào việc tái tạo. Hãy tập khiêm tốn và cởi mở hơn, bớt xét đoán và tìm cách nhận ra tình thương ẩn dấu dưới nhiều mặt, có hình thức không ngờ, rồi từ từ năng lực của nó sẽ nẩy nở trong lòng, tuôn tràn ra từ người bạn và soi sáng thế giới của bạn.

 

H.K. CHALLONER
(The  Path of Healing)
(còn tiếp)

 

Xem trọn bài CON  ĐƯỜNG  LÀNH  BỆNH: