BỨC THÁNH THƯ 1881

Giới  Thiệu

Bức thánh thư 1881 được xem là tài liệu quan trọng nhất trong số những thư nhận được của các chân sư, vì nó ghi lại nhận xét của Đức Maha-Chohan (Đức Văn Minh, Vị mà chân sư K.H. ghi là có tầm mắt thấu suốt tương lai như trang giấy mở rộng), do đó cần có ghi chú để ta hiểu rõ ý nghĩa của văn bản. 
Sau khi hội được thành lập tại New York ngày 17 – 11 – 1875, ông H.S.Olcott và bà H.P.Blavatsky dời qua Ấn Độ, đến Bombay vào tháng hai, 1879. Khi đó tại Ấn tờ The Pioneer là nhật báo uy tín hàng đầu, có thế lực lớn, và được xem là cơ quan ngôn luận bán chính thức của chính quyền Anh đang cai trị Ấn. Chủ bút báo là ông Alfred Percy Sinnett (A.P.S.) có óc hiếu kỳ về vấn đề tâm linh nên đặc biệt chú ý đến tin hai vị sáng lập tới Ấn. Ông lập tức viết thư làm quen và mời cả hai đến nhà ông ở Simla phía bắc Ấn. Lời mời được hoan hỉ đón nhận dẫn tới nhiều diễn biến lạ lùng trong lịch sử hội (xin đọc trong chuyện H.P.B. trên trang web), nhưng ở đây ta chỉ chú trọng đến các điểm liên quan đến thư. Qua ông Sinnett, hai vị sáng lập tiếp xúc thêm với các nhân vật trong chính quyền Anh lúc bấy giờ, trong đó có ông Allan Octavian Hume (A.O.H.) là một công chức cao cấp và là nhà điểu loại học. Ông có trí thông minh cao độ, giỏi về hành chánh, quản trị và có tinh thần khoa học; ông cho người đi tìm những loại chim lạ ở những nơi xa xôi như nam Mỹ, Trung Hoa, để lấy mẫu cho bộ sưu tập điểu loại của mình. Ông Hume tò mò về Hội và triết lý đề cập tới những bậc siêu nhân có quyền năng  lạ lùng (các vị Chân sư), nên muốn biết thêm về Minh Triết Thiêng liêng.
Hai nhân vật Sinnett và Hume thuộc giới thượng lưu người Anh tại Ấn, hai người tin tưởng mạnh mẽ rằng họ hiểu rõ tầng lớp trí thức người Anh nói riêng và Âu châu nói chung nhiều hơn các Chân sư. Cả hai cũng cho rằng họ biết cách trình bầy MTTL cho giới trí thức tây phương hữu hiệu hơn ông Olcott và bà Blavatsky. Hai người thành thực tin là họ thích hợp cho công việc này hơn hai vị sáng lập, ngoài ra họ còn nghĩ mình cao hơn người bản xứ Ấn Độ. Ông Sinnett hãnh diện vì chủng tộc còn ông Hume cho rằng mình có trí tuệ hơn người. Khi các Chân sư giải thích công việc các ngài nhắm tới cho Hội là ảnh hưởng thế giới qua việc quảng bá tình Huynh Đệ Đại đồng rộng rãi hơn và chân thực hơn so với các tôn giáo, hai vị mạnh mẽ cho các ngài hay rằng phong trào TTH tại Âu châu sẽ không có tương lai nếu hoạt động theo đường lối ấy.
Theo hai ông Hume và Sinnett, cách duy nhất để làm giới trí thức tây phương lưu ý đến triết lý mà Hội đưa ra (về các siêu nhân và quyền năng ẩn tàng trong con người), là trước tiên làm phép lạ theo điều kiện khoa học. Sự việc sẽ thuyết phục được các khoa học gia lúc bấy giờ tại Âu châu, khiến họ sẵn sàng xem xét triết lý về sự sống và cuộc tiến hóa. Về mục đích thứ nhất của Hội là tình Huynh Đệ Đại đồng, hai người nói rằng Thiên Chúa giáo đã đề xướng từ hơn 1800 năm nay mà không thành công, vậy tại sao phung phí năng lực người muốn phụng sự các chân sư theo đường hướng ấy ? Cách duy nhất hữu hiệu để thuyết phục tây phương rằng các chân sư có quyền năng, là tạo nên phép lạ thí dụ như mang về Simla cùng ngày tờ báo Times xuất bản ở London, với thời gian bình thường để báo từ London tới  Simla là 21 ngày, bằng đường tầu và xe lửa.
Đề nghị này bị bác bỏ, nhưng nó không làm thay đổi quan niệm của hai ông là họ biết cách làm việc trong thế giới (hàm ý Anh và Âu châu) hơn các chân sư, cả hai tiếp tục vạch ra cho các ngài biết cần phải làm gì nếu muốn phong trào TTH thành công.  Bởi việc trao đổi thư từ giữa ngài và hai ông có được do đức Maha-Chohan cho phép, thế nên khi thư từ qua lại theo cung cách này một thời gian mà không đi tới đâu, đức K.H. bèn trình sự việc lên đức Maha-Chohan. Trong một thư gửi cho ông Sinnett, đức K.H. cho ghi lại lời của đức Maha-Chohan về vấn đề và văn bản được biết tới trong Hội qua tên ‘Thánh Thư 1881’, còn được gọi là ‘Hiến Chương Hội TTH’.
Tóm tắt về hoạt động trong Hội của hai ông Hume và Sinnett, hai vị cùng một số người khác thành lập chi bộ tại Simla mang tên The Simla Eclectic Theosophical Society, nhưng chi bộ hoạt động vài năm rồi tan rã. Ông Sinnett làm việc cho Hội tới cuối đời mình, ông là phó Hội trưởng hai lần và viết nhiều sách được hâm mộ. Dầu vậy ông vẫn một mực cho rằng quảng bá tình Huynh Đệ Đại đồng nên là việc làm thứ yếu của người TTH.
Về ông Hume, ông ra khỏi Hội năm 1884 tuy nhiên việc tiếp xúc với các chân sư tạo ảnh hưởng mạnh mẽ khiến ông thực hiện được một trong các mục tiêu quan trọng của các ngài, là khơi dậy ý chí của Ấn Độ trong cảnh bị trị. Ông Hume chủ trương giáo dục, huấn luyện người bản xứ để tự trị nên khi về hưu, ông dành thì giờ gợi hứng, thúc đẩy, hướng dẫn thành phần trí thức Ấn tới mục đích này. Ông có công rất lớn trong việc tạo nên Hội Đồng Đại Biểu Ấn Độ (Indian National Congress) nên được gọi là Cha đẻ của Quốc hội Ấn. Về sau, thánh Gandhi và ông Nehru lãnh đạo tổ chức này tranh đấu cho Ấn được độc lập. Sau khi biết về MTTL, ông Hume ăn chay trường và thông báo cho những người từ trước tới nay được mướn để săn lùng chim quí cho ông, là ngưng việc bắt giết chim để tôn trọng sự sống.

Thánh Thư 1881
 Giáo lý mà chúng ta phổ truyền là Chân Giáo Lý duy nhất. Cuối cùng nó phải vinh hiển như bất cứ Chân Lý nào khác, sau khi có đủ bằng chứng mà chúng tôi sẽ đưa ra. Tuy nhiên, điều tất yếu là phải gieo Nó vào tâm người từ từ. Dĩ nhiên là đối với người thông thái, những thuyết đó phải được chứng minh với các dữ kiện trực tiếp  được minh xác bởi khoa học tân tiến. Đại tá H.S.Olcott lấy sự phục hưng Phật giáo làm mục tiêu chính. Do đó, Ông có thể được xem như người phụng sự đúng đường hướng Thần Triết hơn bất cứ người nào khác chỉ mong thâu hoạch những kiến thức thần bí để thỏa mãn thị hiếu riêng tư. Bỏ đi những lớp vỏ dị đoan, Phật giáo là Chân lý muôn đời. Những ai mong đạt đến Chân lý đều đang hướng đến Theo-Sophia (Thần Triết) là Minh triết Thiêng liêng, đồng nghĩa với Chân lý.
Để cho những Giáo lý của chúng ta tác động trên điển tắc luân lý - như người ta quen nói - hay trên những ý niệm về Chân lý, trong trắng, vong kỷ, phước thiện ... thì chúng ta phải truyền bá những yếu lý Thần Triết trong dân gian. Điều khiến cho một người trở thành Thần Triết gia chân chính không phải là sự quyết tâm đơn độc đạt tới Niết Bàn (chót đỉnh của Thông Tuệ và Minh Triết siêu tuyệt), chung quy cũng chỉ là một thứ ích kỷ cao thượng. Việc trở thành Thần Triết gia phải là sự quên đi cái tư kỷ để tìm kiếm những phương pháp tuyệt diệu nhất hầu đưa đồng loại đến con đường của Chân lý, càng nhiều càng tốt.
Trong nhân loại, có lẽ rồi đây những giai cấp trí thức sẽ chia ra làm hai thành phần:
Một hạng tự dấn thân một cách vô tâm vào những thời kỳ tiêu hồn thụ động tạm thời, vì lẽ họ tự chối bỏ quyền sử dụng chánh lý và tự hãm mình vào vòng chật hẹp của cuồng tín, dị đoan đưa đến sự biến dạng chắc chắn của thần trí.
Một hạng thì lao mình vào con đường đầy thú tính, với ý định dứt khoát nhận chịu sự bị hủy diệt đương nhiên trong thất bại xuyên qua muôn ngàn năm đắm mình trong cảnh trầm luân sa đọa, cho đến lúc phần thể chất hoàn toàn tan biến.
Những 'giai cấp trí thức' này chi phối quần chúng dốt nát, hấp dẫn chúng, được chúng thần tượng hóa, lôi cuốn chúng vào con đường đồi trụy tinh thần thay vì che chở, dắt dẫn chúng. Giữa sự dị đoan hạ cấp và sự duy vật tàn bạo đồi trụy hơn nữa, con chim bồ câu trắng của Chân lý chỉ tìm ra một chỗ đủ để đặt đôi chân mỏi mệt và không ai mong chờ của nó.
Đã đến lúc Giáo lý Thần Triết hiện ra trên đương trường. Con cái của những Thần Triết gia đương nhiên sẽ chọn Thần Triết hơn bất cứ giáo lý nào khác. Không một sứ giả Chân lý nào, một đấng tiên tri nào, hay dù Đức Thế Tôn cũng vậy, đã hoàn toàn thành công trong kiếp sống của mình. Hội Thông Thiên Học đã được chọn làm viên đá đầu tiên để xây nền tảng cho các tôn giáo tương lai. Để đạt đến mục đích đó, đã có sự quyết định mở rộng phạm vi cộng đồng có tính cách sáng suốt hơn, đặc biệt là phải có tình tương ái hơn, để cấp thượng lưu và cấp hạ đẳng trong xã hội loài người xích lại gần nhau hơn. Giống bạch chủng có phận sự bắt tay thân thiện trước đối với những quốc gia hắc chủng và gọi 'người da đen bị khinh bỉ' là anh em. Điều này có thể không làm mọi người hài lòng. Tuy nhiên, đã là Thần Triết gia thì không thể chối bỏ nguyên tắc đó. Trước sự toàn thắng mà cũng là sự quá lạm dụng chủ thuyết tư tưởng tự do và tự do quyền (mà Eliphas Lévi gọi là giai đoạn thượng tôn Satan trên hoàn cầu), làm sao ngăn được bản năng đấu tranh của con người bạo tàn, hung hiểm, độc tài, bất công chưa từng thấy, nếu không sử dụng ảnh hưởng thuần hòa của một đoàn thể, và sự áp dụng một cách thực tiễn những giáo lý nội môn của Đức Thế Tôn ?
Như mọi người đã biết, nếu đào thải hoàn toàn thần oai của quyền lực mà các đạo gia gọi là Trời, các hiền giả của các thế hệ gọi là Phật, là Minh triết, là Quang minh Thiêng liêng, là Thần Triết, thì cũng như đào thải luôn cả căn cơ của những luật lệ nhân bản. Tháo gỡ đi hết những sợi dây xiềng xích các Giáo lý cơ bản vào khối nặng chết cứng của những lề lối diễn giảng theo giáo điều độc đoán, theo những danh xưng nhân thần đồng hình hóa của những giáo sĩ có lương bổng thì những giáo lý đó của các tôn giáo sẽ giống nhau về phần nội môn. Osiris, Chrisna, Buddha, Christ chỉ còn là những danh từ khác nhau để chỉ con đường thánh thiện duy nhất đưa đến Niết Bàn tự tại.
Ky tô giáo huyền bí, nghĩa là Ky tô giáo chuyên dạy con đường tự siêu thoát do khí thể thứ bẩy Para Atma hay Augoeides - mà có người gọi là Christ, có người gọi là Phật- chính thật là sự siêu hóa, là sự tái sinh tinh thần. Ky tô giáo đó sẽ hiện ra như Chân lý Niết Bàn của Phật giáo nội môn vậy. Tất cả chúng ta đều phải thoát khỏi phàm nhân ảo ảnh để trực nhận Chân ngã trong đời sống siêu việt. Nhưng, nếu chúng ta không muốn ích kỷ thì phải cố gắng trình bầy Chân lý đó lại với đồng loại của chúng ta, và giúp họ nhận chân ra cái thực tại của Chân ngã siêu việt đó chính là Phật, là Christ, là Trời mà các bực truyền đạo đã dạy. Do đó, Phật giáo, dầu là ngoại môn, cũng vẫn là con đường chắc chắn nhất để đưa con người đến Chân lý duy nhất và bí truyền.
Ngày nay, khắp mọi nơi, đối với tín đồ Ky tô, Hồi giáo hay Ngoại giáo, công lý chỉ còn là một danh từ rỗng, danh dự và lòng nhân đều bị ném theo chiều gió. Rốt cuộc, những người có hảo tâm nhất muốn phục vụ cá nhân chúng tôi cũng hiểu lầm những mục tiêu chính của Hội Thông Thiên Học. Như vậy, thử hỏi làm sao chúng tôi có thể ảnh hưởng được người đời trong xã hội và nhất là cảm hóa được điều bất hạnh của trần gian là sự 'tranh đấu để sống'; vốn dĩ là cha sanh của tất cả đau buồn, khổ ải cũng như những tội ác trầm trọng. Tại sao cuộc đấu tranh sinh tồn này trở thành mục tiêu hầu như đại đồng trên thế giới ? Xin trả lời ngay là: Không một tôn giáo nào, ngoài Phật giáo, đã dạy người đời biết xem thường đời sống phù du mộng ảo này. Trái lại, mỗi tôn giáo - với sự ngoại trừ nói trên - chuyên khảm vào đầu óc tín đồ tín điều hỏa ngục và tội đày, khiến lòng sợ chết trở nên to lớn nhất giữa các thứ sợ sệt khác. Đó là lý do khiến ta thấy sự đấu tranh sinh tồn được phô diễn hết sức ác liệt bên Âu châu cũng như bên Mỹ châu.
 Sự cạnh tranh đó kém náo nhiệt hơn tại các vùng ngoại đạo, và gần như không có giữa những Phật tử. (Bên Trung Hoa, lúc nạn đói xẩy đến, trong thành phần đại chúng tỏ ra thờ ơ, dốt nát nhát đối với tôn giáo của họ, người ta thấy những trường hợp mẹ ăn thịt con đều xẩy ra trong những vùng có đông nhà truyền giáo nhất. Nơi nào không có các nhà truyền giáo, các sư sãi có nhiều ảnh hưởng, con người biết tiếp nhận sự chết một cách điềm tĩnh.)  Phải dạy cho dân chúng biết là kiếp sống trong cõi trần dù huy hoàng đến đâu, cũng chỉ là gánh nặng và ảo ảnh mà thôi. Cần dạy rằng: quả nghiệp của riêng ta, vốn là nguyên nhân của những báo ứng và chính nó là quan tòa mà cũng là Cứu tinh của những kiếp lai sinh của ta. Như  vậy, sự đấu tranh để sống sẽ bớt đi lần lần cái tính cách ác liệt của nó. Trong những quốc gia theo Phật giáo, không có trại lưu đày và tội sát nhân gần như không bao giờ xẩy ra giữa Phật tử Tây Tạng.
Thế giới nói chung và Ky Tô giáo nói riêng, đã từ hai ngàn năm qua, được đặt dưới giáo điều Thần quyền cá tánh - cũng như những hệ thống chánh trị, xã hội nằm trong phạm vi ảnh hưởng của ý niệm này - đều đi sai đường cả. Nếu hội viên Thông Thiên Học nói: ‘Chúng tôi không có gì khiến phải để mắt vào đó. Những giai cấp và chủng tộc hạ lưu không có gì can hệ đến chúng tôi, và họ phải tự lo, tự liệu lấy'. Nếu bảo như thế, những chủ trương phước thiện, nhân ái, canh tân ... của chúng ta mới ra sao đây ? Phải chăng chúng chỉ là điều bỡn cợt ? Và nếu như vậy, con đường của chúng ta đâu còn là chánh đạo nữa. Chúng tôi không thể mảng lo dạy một thiểu số người Âu châu - phè phỡn với sự sung túc của hoàn cảnh quá ưu đãi - những hiện tượng như tiếng chuông ngân, tách trà hiện hình, sự cách mặt truyền âm và sự cấu tạo huyễn hình, mà lại đành để cho quần chúng vô minh, nghèo nàn, đơn côi, bị bạc đãi, phải tự lo, tự liệu trong kiếp sống này cũng như sau khi chết sao ? Không bao giờ. Thà là Hội Thông Thiên Học mất đi với các sáng lập viên không may của nó, còn hơn là để cho nó trở thành một hàn lâm thần bí hay một huyền linh học viện.
Chúng tôi, là những kẻ chí nguyện phụng sự cái tinh thần nhập thể ấy, cái tình nhân ái triệt để vong kỷ ấy, cái thiêng liêng thánh thiện ấy, cũng như tất cả các mỹ đức cao cả khả dĩ biểu lộ được ở cõi trần này; chúng tôi, là những kẻ phụng sự Đức Hoàn Thiện, vậy đâu có thể có chuyện lạ lùng là để cho Hội Thông Thiên Học đại diện cho hiện thân của ích kỷ, dung túng một thiểu số chưa bao giờ tưởng nghĩ đến quần chúng. Trong một số sự việc đã được vài người Âu châu quan sát ở Tây Tạng và về vấn đề huyền giai 'Chư Lạt Ma Hoàn thiện', có một điều được cho là đứng đắn như sau: 'Khi tịch diệt, các Vị Bodhisattva, Padma Pani hay Avalokitesvara, Tsong-ka-pa và Amitabha đều chối từ ngôi vị Phật Đà, tức là ngôi tự tại trên chót đỉnh (summum bonum) của cá nhân, để chấp nhận sự tái sinh liên tiếp ngõ hầu tế độ mê đồ' (Rhys Davids).
Để nói rõ hơn, truyền thống phục lâm mãi mãi chốn hồng trần tràn đầy phiền nào này đâu phải để đãi ngộ và đưa đường cho một thiểu số được lựa chọn trong một  hay nhiều giống người đến bờ giải thoát trong tương lai. Người ta còn nghĩ rằng: chúng tôi, là những môn đồ khiêm tốn của các bực Lạt Ma Hoàn thiện ấy, lại có thể để cho Hội Thông Thiên Học bỏ mất đi cái mỹ danh Tình Huynh đệ giữa nhân loại, để trở thành một tâm linh học viện. Không thể được, thưa chư  huynh. Chư Huynh đã sống quá lâu trong ảo ảnh đó rồi, chúng ta phải hiểu nhau hơn. Những vị nào nghĩ rằng mình không đủ khả năng thấu triệt và phụng sự cái ý niệm cao đẹp đó thì đừng đảm nhiệm cái công việc quá sức ấy. Tuy nhiên, trong Hội, họa hoằn lắm mới có một hội viên, ngoài việc tự mình truyền bá tư tưởng Thần Triết lại không còn có khả năng giúp đỡ đắc lực trong công việc hiệu chính những dư luận sai lầm của người ngoài. Chúng tôi kêu gọi những tâm hồn thanh cao và vong kỷ giúp chúng tôi trong cái công vụ thiêng liêng đó trên đất Ấn Độ. Tất cả kiến thức của chúng tôi trong quá khứ và hiện tại không đủ để tưởng thưởng những tâm hồn đó.
Đó là những nhận định và ước mơ của chúng tôi. Tôi chỉ còn nói thêm vài lời nữa thôi.
Với căn bản là Chân Lý, tôn giáo cũng như triết học, cần cung cấp giải đáp cho tất cả vấn đề. Cái hiện trạng tinh thần của nhân loại là bằng cớ hiển nhiên chứng minh các tôn giáo và triết luận, nhất là của các chủng tộc 'văn minh', đều không có CHÂN  LÝ. Những giải thích đứng đắn và hợp lý liên hệ đến các tương đối luận như: công bình và bất công, thiện và ác, tự do và độc tài, vui sướng và đau buồn, tư kỷ và vị tha, đều không thể đưa ra được ngay bây giờ, cũng như 1881 năm về trước. Thiên hạ cách biệt với bài giải đáp lý tưởng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một bài giải đáp thiết thực phải có ở một nơi nào đó, và nếu những giáo lý của chúng ta có khả năng kiến hiệu, thế giới nhân đó sẽ nhận chân ra mau lẹ cái chân triết lý, chân tôn giáo, chân yếng sáng hàm chứa thuần Chân lý mà thôi.


The Maha Chohan - 1881.