BẢY CUNG & CÁC NƯỚC

Trong bài về tâm lý chúng ta thấy rằng bẩy cung ảnh hưởng đến con người, nay sang bình diện rộng lớn hơn ta sẽ học về tác động của những cung lên quốc gia; bài chỉ bàn các điểm tổng quát và giới hạn vào một vài quốc gia lớn trên thế giới.
Tất cả những quốc gia lớn đều chịu sự kiểm soát của hai cung, giống như con người. Đó là cung của phàm ngã là cung chủ vào lúc này, có sức chi phối chính yếu, và cung của chân ngã mà chỉ có người hiểu biết trong nước ghi nhận được. Công việc của người phụng sự bất kể quốc gia nào là kích thích, làm cho cung chân ngã của đất nước mình linh hoạt nhiều hơn. Họ được khuyến dụ rằng đây là một trong những mục tiêu và việc làm chính của họ, và chớ bao giờ quên điều ấy. Dưới đây ta có bảng ghi hai cung của một số quốc gia, và nhiều điều thú vị sẽ lộ ra khi ta nghiên cứu về sự liên hệ của cung và tình hình thế giới hiện nay hay quá khứ. Cung hoạt động theo chu kỳ, mỗi cung có lúc linh hoạt và có lúc rút lui; khi linh hoạt cung sẽ cho ảnh hưởng mạnh mẽ hoặc về mặt vật chất hoặc tâm linh; một số vấn đề mà quốc gia gặp phải còn có thể là do vài cung không linh hoạt lúc này.
   


 Quốc Gia

Cung Phàm Ngã  

 Cung Chân Ngã

 Ấn Độ

  4 - Hòa Hợp

  1 - Quyền Lực

 Trung Hoa

 3 - Trí Tuệ 

   1 - Quyền Lực

 Đức 

   1 - Quyền Lực  

   4 - Hòa Hợp

 Pháp    

 3- Trí Tuệ   

 5 - Hiểu Biết

 Anh   

 1 - Quyền Lực

   2 - Từ Ái  

 Ý 

 4 - Hòa Hợp

 6 - Lý Tưởng

 Hoa Kỳ 

 6 - Lý Tưởng

 2 - Từ Ái

 Nga  

   6 - Lý Tưởng   

 7 - Trật Tự

 Tây Ban Nha

 7 - Trật Tự 

 6 - Lý Tưởng

 Ba Tây 

   2 - Từ Ái 

 4 - Hòa Hợp



1. Tính Chất các Quốc Gia.
Xem kỹ bảng trên cho ta hiểu biết sâu hơn về con người và quốc gia của họ, thí dụ Đức và Anh có sự tương ái tự nhiên do việc có cung phàm ngã giống nhau. Trí tuệ sáng chói của Pháp với khuynh hướng về khoa học có được là do tác động của cung 3 và cung 5, điều này giải thích việc Pháp đã đóng góp tuyệt vời vào kiến thức và tư tưởng của thế giới và lịch sử lý thú của nước này. Trong quá khứ Pháp nỗ lực kiến tạo đế quốc, tương lai khi năng lực trí tuệ dẫn tới sự khám phá chuyện tinh thần và giác ngộ, Pháp lại sẽ làm cho thế giới thức tỉnh. Ấy là khi cung chân nhân (3) chế ngự cung phàm nhân (5), và hoạt động có tính chia rẽ của cung 5 được chuyển biến thành hoạt động mang lại sự tỏ lộ, khi đó Pháp lại bước vào một giai đoạn vinh quang mới, đế quốc ngày xưa nay thăng hoa thành vùng trời tư tưởng mà Pháp soi đường, và vinh quang nói trên là sự vinh quang của tâm linh.
Sang nước Anh, chuyện thấy rõ là cung một Ý Chí hay Quyền Lực là đặc tính nổi bật của nước này. Anh là tay thiện xảo về thuật kiểm soát làm chủ, và phần việc của nó là thử có tập hợp liên bang đầu tiên các quốc gia trên thế giới, và cho thấy sự việc khả thi. Hoa Kỳ đang làm việc tương tự, hòa hợp nhiều chủng tộc vào một liên bang các tiểu bang thay vì quốc gia. Theo cách này và với mục tiêu rộng lớn này, hai cường quốc về sau sẽ cho thế giới một hệ thống các liên bang hoặc trong khuôn khổ quốc gia hay nhóm; hình thức ấy cho hệ quả có tính quốc tế và tượng trưng cho kỹ thuật chính quyền trong thời đại mới.
Ta ghi nhận cung 4 Hòa Hợp vắng mặt lúc này và sẽ trở lại trong một thời gian ngắn, có lẽ vì vậy mà những nước có cung 4 quản trị như  Ấn Độ, Đức, Ý gặp nhiều xáo trộn,
đó là những xáo trộn chuẩn bị cho mai sau, cung bốn khi tác động mang lại hòa hợp giữa các tranh chấp. Cung 6 thấy ở Nga, Hoa Kỳ, Ý và Tây Ban Nha, óc cuồng tín một lòng một dạ theo đuổi lý tưởng là nguyên do gây ra những biến đổi trong bốn nước này. Chúng trải qua tiến trình quốc gia phân hóa (breaking down), có việc hủy hoại những hình thức cũ trước khi có sự đáp ứng đầy đủ với ảnh hưởng của cung trở lại. Giống như cá nhân, phản ứng một nước xẩy ra khi ảnh hưởng cung chân ngã ngày càng tăng là luôn luôn có một giai đoạn tan vỡ, tuy nhiên sự hủy hoại lộ ra chỉ có tính tạm thời và chuẩn bị cho việc khác sẽ đến.
Ấn Độ cất giữ ánh sáng hay Minh Triết mà khi xuất ra trên thế giới và tỏ lộ cho nhân loại sẽ mang lại hòa hợp về mặt hình thể, sự việc sẽ được nhìn nhận như nó là và không còn ảo ảnh, huyễn tưởng. Kết quả khác là sự làm việc đúng đắn của chính phủ cung một. Nhìn rộng ra thì giữa Ấn Độ và Anh có liên hệ do việc cung chân ngã nước này và cung phàm ngã nước kia giống nhau, và một số người Anh liên kết thân thiết với Ấn Độ vì đã từng có kiếp ở đó và có sự nối kết trong quá khứ. Sự tranh cãi giữa hai nước thực ra là chuyện trong nhà theo nghĩa sâu xa nhất và do vậy có sự cay đắng, mặt khác ta biết có sự liên hệ chặt chẽ giữa cung hai và cung bốn, điều này cũng biểu lộ trong tương quan giữa hai nước, nó muốn nói cả hai có vận mạng cần giải quyết chung.
Với nước Đức, cung một khiến họ có khuynh hướng ổn định, thăng bằng tĩnh (static), sinh ra nỗ lực giữ cho nòi giống thuần chủng mà như lịch sử cho thấy, đó là chuyện bất khả. Đây là đường lối dễ làm nhất cho Đức vì tuy lúc này cung một không biểu lộ nhưng đại đa số nhân vật lãnh đạo nước Đức trong tiền bán thế kỷ 20 đều thuộc cung phụ thứ nhất của các cung (mỗi cung trong bẩy cung lại chia làm bẩy cung phụ), thế nên chuyện không tránh được là họ thành dụng cụ cho năng lực cung một truyền đi, và rõ ràng là cách sống theo mẫu mực qui củ ở đây bị tà đạo chi phối trong thời gian chiến tranh. Nước Anh có thể nói chuyện với Đức bởi thuộc cùng một cung, cả hai chia sẻ các đặc tính tương tự  và Anh thông cảm với dân tộc Đức dễ dàng hơn những cường quốc khác. Sau thế chiến Anh có thể giúp Đức bằng cách diễn giải nhu cầu, tâm tư của Đức cho thế giới hay.
Năng lực cung bốn  gây ra chủ trương là đặt cùng mẫu mực và hòa đồng cho mọi điều trong quốc gia, dẫn tới mức việc gì cũng theo qui củ. Trong quá khứ tài năng của Đức thường được diễn tả qua cung bốn của chân ngã, cống hiến âm nhạc và triết lý cho nhân loại.
Bảng ở trên có liệt kê Ba Tây trong khi nước này không phải là cường quốc, hoặc có điều gì đáng nói trong lịch sử như các nước khác, vì lý do sau. Trong bảng ta thấy chỉ có ba nước Anh, Hoa Kỳ và Ba Tây chịu ảnh hưởng của cung hai Minh Triết - Bác Ái, và có chỉ dẫn nói rằng Anh giữ gìn đặc tính minh triết của năng lực cung hai nơi mẫu chủng thứ năm, Hoa Kỳ làm nhiệm vụ đó cho mẫu chủng thứ sáu, và trong tương lai xa xôi hơn nữa, nhiều ngàn năm về sau với mẫu chủng thứ bẩy, Ba Tây sẽ vượt trội cả hai nước này. Ba mẫu chủng thể hiện tính thu hút kết nối của cung hai, và sẽ biểu lộ tính ấy bằng óc sáng suốt, sự cai trị đúng đắn dựa trên lý tưởng chân chính và tình thương.
Nói thêm thì Anh tượng trưng cho trí tuệ biểu lộ ra bằng sự cai trị thông minh, có căn bản là công bình và hiểu biết thông cảm. Lý tưởng ấy nằm trước mặt Anh nhưng chưa được thực hiện hoàn toàn. Về phần Hoa Kỳ nước này tượng trưng cho trực giác, biểu lộ như là sự tỏ ngộ; và khi ngày giờ tới, Ba Tây cho ra tâm thức trừu tượng hòa hợp trí tuệ và trực giác, làm lộ ra sự đẹp đẽ của cung hai là minh triết. Ta không có đủ chữ và ý niệm để diễn tả điều thâm diệu này nên sự trình bầy còn nhiều thiếu sót; phần khác con người hiện giờ mang nặng tinh thần quốc gia, dân tộc tính hơn là quốc tế  và tình huynh đệ đại đồng, do đó chỉ có thể tổng quát hóa câu chuyện cùng đưa ra đường nét đại cương về diễn biến tương lai.
Điều khác là con người nắm vận mạng của đất nước trong tay, mà không ai biết chắc dân chúng sẽ có hành động gì một khi được khơi động, được giáo dục, và chưa có nước nào mà dân chúng  có thể thấy hay được phép thấy trọn vai trò nước mình phải làm trong diễn biến chung. Mỗi một nước - và không có ngoại lệ nào - đều có ưu điểm và khuyết điểm tùy theo mức tiến hóa, mức độ làm chủ của cung phàm ngã, mức độ chế ngự của cung chân ngã đang dần có, và chủ đích tổng quát của nước đó.
2. Nhóm Các Nước.
Vừa rồi ta xem xét từng nước riêng rẽ, mà ta cũng có thể gộp các nước thành nhóm theo đặc tính chung của chúng như nữ tính và nam tính, hay âm dương. Ấn Độ, Pháp, Hoa Kỳ, Nga và Ba Tây là những nước nữ tính, có tính mẹ và nuôi dưỡng. Chúng có tâm lý nữ tức có trực giác, thần bí, mờ ảo, xinh đẹp, ưa phô diễn, chuộng mầu sắc; tật xấu cũng có tính nữ như nhấn mạnh quá đáng vào khía cạnh vật chất của cuộc sống, vào lễ nghi long trọng, tính sở hữu, tiền của hay vật tương tự như là biểu tượng cho phần hình thể của sự sống.
Trung Hoa, Đức, Anh và Ý là những nước có nam tính, thiên về trí não, chính trị, cai quản, mẫu mực hóa, có tinh thần nhóm, thiên về huyền bí, hung bạo, oai nghi, chú trọng vào luật và đặt nặng vấn đề về chủng tộc, đế quốc; tuy nhiên chúng có tính bao trùm nhiều hơn, nhìn vấn đề một cách rộng rãi hơn là nước có nữ tính.
Nhóm các quốc gia còn có thể xếp theo ảnh hưởng của cung quản trị. Ta được dạy rằng có hai nhóm cung, những cung một, ba, năm và bẩy liên hệ với nhau và cung hai, tư, sáu lập thành nhóm khác. Như vậy, các nước Tây Ban Nha, Pháp có một số cung liên hệ nên có tương quan thân thiết. Điều này diễn ra một cách lý thú hồi thời Trung cổ, khi đó vận mạng hai nước kết nối chặt chẽ với nhau.
Con người ra sao thì đất nước cũng tương tự nhưng ở mức độ lớn hơn. Ban đầu phàm ngã chiếm ưu thế, biểu lộ mạnh mẽ nhưng dần dần chân ngã làm chủ, năng lực cung chân ngã tràn vào nhiều hơn điều khiển phàm ngã, khiến nó theo mẫu mực tinh thần và mỗi nước theo đặc tính của mình biểu lộ mẫu mực này theo cách riêng của chúng. Nhìn như vậy thì khi nước Pháp biết sử dụng năng lực cung năm là cung chân ngã nước này, Pháp có thể dùng trí tuệ mang cho nhân loại khoa tâm lý học chân thực về linh hồn, làm cho khoa này thành khoa học đích thực.
Trong quá khứ mới đây, phàm ngã của Đức vượt trội biểu lộ tính ác tệ hại nhất, chân ngã không hiển hiện, nhưng theo với thời gian khi Đức học bài học của mình, đặc tính của linh hồn sẽ biểu hiện trở lại. Nói về nước Anh, cung phàm ngã có đặc tính là công bằng và khi Anh chuyển hóa nó thành hình thức chính quyền chân thực, là nước này tỏ cho thấy nó trưng ra đặc tính của chân ngã. Sang Hoa Kỳ, quốc gia này đang bị phàm ngã làm chủ và phát triển theo những đường lối chia rẽ, nó cần biểu lộ tình thương nhiều hơn nhất là về mặt chủng tộc. Xem xét kỹ từng nước sẽ làm lộ ra cách thức hoạt động của nước ấy, hoặc có tính ích kỷ của phàm ngã hoặc mục tiêu của chân ngã.
Anh và Ý có một liên hệ đặc biệt là nhiều người La Mã khi xưa nay tái sinh vào Anh, vì vậy Anh và Ý có tình cảm thân thiện với nhau dù bề ngoài khác biệt. Sự tương ứng có nghĩa khi xưa người La Mã chăm chỉ xây đường, cầu cống trong đế quốc của mình thì ngày nay nước Anh là nước xây đường hỏa xa đầu tiên. Ý có cung bốn là cung chân ngã với đặc tính là hòa hợp, nó biểu lộ qua việc Ý theo đường của mình mà gây nên rất ít lòng thù ghét, hờn giận nơi người khác. Chuyện kể rằng hồi thế chiến thứ hai, Ý hợp tác với Đức trong phe Trục, quân Ý liên minh với quân Đức ở mặt trận đông bắc Âu châu tấn công Nga, và mặt trận phía đông nam là Hy Lạp. Ở cả hai nơi, dân chúng và binh sĩ vùng bị chiếm đóng có cảm tình với quân Ý trong khi thù ghét quân Đức, vì quân Ý đối xử với họ khác hẳn với quân Đức (thí dụ là phim 'Captain Corelli's Mandolin).
Sang Hoa Kỳ, nhiều khó khăn của nước này sinh ra từ cung phàm ngã là cung sáu. Hoa Kỳ có lòng tham sống mãnh liệt đưa tới biểu lộ dục tình và mặt vật chất. Nhưng óc vật chất này rất khác với lòng ham muốn vật chất của Pháp, dân Mỹ dùng tiền để mua tiện nghi nào của cuộc sống có thể mua được, đó là lý do họ đáp ứng lẹ làng với mọi hình thức gì có tính lý tưởng, với nhu cầu của kẻ khác, có tình thương cho mọi sự đau khổ, và có lòng nhân đạo mạnh mẽ. Họ gọi đó là lý tưởng dân chủ nhưng thực ra nó còn hơn thế nữa và về sau vượt trội hơn tính cách dân chủ mà thành lý tưởng về chính quyền tinh thần, gồm những người tiến hóa nhất và phát triển tinh thần nhất.
Vào thời điểm này hai cung sáu và bẩy có năng lực hoạt động nhiều nhất, mà nước Nga có cả hai cung này vì vậy Nga chịu sự chi phối của cả hai và trưng ra vài điều lý thú. Trong thế kỷ qua nước này có tranh chấp lớn lao giữa sự tàn bạo cuồng tín thuộc chế độ độc tài cung sáu và đặc tính tinh thần của quốc gia. Tình huynh đệ của các sắc dân trong cựu Liên bang Soviet  có là do sự áp đặt của óc lý tưởng và ước nguyện có tính thần bí của dân Nga. Quốc gia này nằm từ Á châu sang Âu châu nên có tính nối liền Đông và Tây, thế giới dục vọng và ước vọng tâm linh, lòng cuồng tín sinh ra sự nhẫn tâm tàn bạo và thông cảm sinh ra tình thương, chủ trương duy vật và tính thánh thiện (như diễn tả thật rõ trong chuyện của Tolstoy).
Dân Nga có khuynh hướng tôn giáo rất đặc biệt đi kèm với tâm hồn thần bí lạ lùng. Tính chất nổi bật và kỳ lạ ấy khiến cho một nền văn minh mới  cũng như một tôn giáo mới sống động sẽ sinh ra , chứng tỏ cho một nhận xét đã có từ lâu là 'Ánh sáng hay sự giác ngộ đến từ phương Đông'. Tôn giáo lớn này sẽ soi sáng phương Tây, và biến lời tiên tri  rất xưa thành sự thực.
Tây Ban Nha có cung chân ngã là cung 6 và cung phàm ngã là cung 7 tức đối ngược lại với Nga, và như vậy làm cùng phần việc như Nga là đứng trung gian nối liền, nhưng giữa hai phần khác là Âu châu và Phi châu; lịch sử cho thấy Tây Ban Nha đã đóng vai trò này. Cũng do sự tương ứng giữa các cung, Tây Ban Nha và Nga có mối liên hệ không sao tránh được, từ đây sự việc cũng rõ là chủ trương của Nga trong thế kỷ 20 đã ảnh hưởng chính quyền quốc gia của Tây Ban Nha như thế nào. Nó cũng giải thích vì sao  tranh chấp giữa hai chủ nghĩa lớn của thế kỷ này là Fascism (độc tài phát xít) và Cộng Sản đã xẩy ra tại Tây Ban Nha, và là điều không khỏi xẩy ra.
Sự kiện chủ trương Fascism thắng thế trong cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha (1936) ngay trước lúc có thế chiến II là một điều khác hiển nhiên phải vậy ngay từ đầu, vì  cung chân ngã của Ý và của Tây Ban Nha giống nhau, và chủ trương này đang thắng thế tại Ý. Sự liên hệ này giữa hai nước còn được phụ trợ thêm do việc chúng nằm gần kề nhau về mặt địa lý, khiến cho tư tưởng về chủ nghĩa Fascism tại Ý dễ dàng gây ấn tượng lên tâm thức đã được chuẩn bị và nhậy cảm của Tây Ban Nha, do hiện tượng thần giao cách cảm.
Vài điểm khác cũng đáng nói về Tây Ban Nha là lòng cuồng tín, tính tàn nhẫn tự nhiên ngày nay còn thấy qua việc đấu bò, óc lý tưởng nồng nhiệt, lòng kiêu hãnh ngạo mạn, nét thần bí và tinh thần tôn giáo trong đặc tính của nước này (St Catherine, dòng Jesuit sáng lập ở Tây Ban Nha) nói lên rõ rệt việc chúng phát xuất từ cung sáu (Sùng Tín) mà đã bị kết tinh khô cứng. Đặc tính cá nhân cao độ của người dân là ảnh hưởng rõ rệt của cung bẩy. Tiên đoán về công việc mai sau của nước này ghi rằng chúng có liên quan đến tôn giáo và khoa học, điều này dễ hiểu khi ta nhớ lại Tây Ban Nha có karma về Thiên Chúa giáo phải trang trải, khi vua chúa và giáo hội thời xưa tích cực lập pháp đình tôn giáo (the Inquisition) ở đây. Tuy nhiên đó là chuyện còn rất lâu mới xẩy ra và không thể kiểm chứng trong một hai thế hệ, ta chỉ ghi để biết rằng nó có căn nguyên từ dân tộc tính.
3. Lá số quốc gia.
Những phân tích trên về các nước lớn cũng có thể áp dụng cho các nước khác và dân tộc nhỏ hơn, phương pháp là một và sẽ mang lại nhiều điều lý thú cho ai nghiên cứu về sử học. Từ đây ta đi sang  điểm kế là ... tuổi chiêm tinh hay cầm tinh một nước ! Giống như con người, quốc gia cũng có lá số mà chiêm tinh gia có thể soạn ra căn cứ vào ngày giờ lập quốc. Cho đa số các nước ấy là chuyện bất khả vì sự việc đã chìm sâu trong quá khứ mịt mù, với những nước có thể truy nguyên thì người ta bất đồng ý kiến về ngày giờ, thí dụ chưa có thỏa thuận về giờ chính xác của ngày lập quốc Hoa Kỳ. Hệ quả là  lá số  có thể soạn ra mà không ai biết chắc là nó đúng hay không. Có lẽ như  vậy lại hay vì với ai biết thuật, khoa chiêm tinh có thể đưa tới ứng dụng nguy hiểm, và thiên cơ bất khả lậu là chuyện có lý.
Dầu vậy, có đôi điều nói được về lá số các nước, trước nhất có hiểu biết nói khác hẳn điều ở trên về lá số quốc gia. Sự khác biệt này là do cách nhìn, con người phàm trần nhìn sự việc theo quan điểm vật chất trong ba cõi, cách nhìn tâm linh xem sự việc theo quan điểm tinh thần trong không gian và thời gian rộng lớn hơn, dựa trên những tiêu chuẩn hay yếu tố hoàn toàn khác. Vậy thì, trong khi lá số con người tính theo ngày giờ sinh ra, yếu tố này căn cứ vào vị trí của nơi sinh trên địa cầu, cách soạn lá số một nước không giống thế. Nó không dựa  chút nào vào vị trí địa lý của nước đó, mà liên quan đến vận mạng (hay tương lai) và karma (hay quá khứ) của nhân loại nói chung, khi nhân loại phân hóa thành dân tộc, vào mỗi thời điểm sinh sống ở những lãnh thổ khác nhau, tạo nên những hình thái mà ta gọi là quốc gia hay chủng tộc. Linh hồn hay chân ngã của các quốc gia hay dân tộc này lúc ban đầu đứng ngoài, chưa đồng hóa với quốc gia mà chờ đến khi nó có thể sử dụng - tức chi phối được hành động - quốc gia để làm việc trên địa cầu.
Quốc gia là tập hợp khối người đông đảo, vì vậy lá số quốc gia là lá số của nhóm. Tính cách nhóm của con người trên đường tiến hoá đã được nói sơ qua trong chuyện Vòng Tái Sinh đăng trên PST và trang web PST (chương Hy Lạp), xin bạn đọc coi lại, ở đây điều muốn ghi là bởi khoa chiêm tinh hiện giờ chưa biết nhiều về lá số của nhóm, hay cách xác định ảnh hưởng của việc đã qua (tức nhân quả karma) lẫn chuyện sẽ đến,  con người chưa thể soạn để tính ra tuổi chiêm tinh đúng của các nước, cũng như không thể kiểm chứng xem những điều mà khoa học bí truyền đưa ra có xác thực hay không. Do đó thái độ thích hợp khi nghiên cứu các trình bầy về điều này là ghi nhận, suy xét với tinh thần cởi mở.
Có thêm điểm khác cần nói, khi xưa lúc phương tiện giao thông còn giới hạn và chuyện đi lại khó khăn, việc di cư dời chỗ ở có xẩy ra nhưng với số ít người và thường là không xa. Thế nên dân chúng trong một nước tương đối thuần chủng, và hai chữ chủng tộc với quốc gia nhiều phần đồng nghĩa với nhau. Tuy nhiên kể từ thế kỷ 18 khi Hoa Kỳ lập quốc và nhất là từ thế kỷ 19 trở đi rồi sau hai trận thế chiến trong thế kỷ 20, thế giới không ngừng có việc di dân từ nơi này sang nơi khác, từ nước này sang nước kia, từng người riêng rẽ hay cả một nhóm đông. Nó cho ra điều không tránh được là có sự hòa lẫn, trộn chung, hiệp chủng, liên tục thay đổi tính cách thuần chủng trước đây.
Kết quả là sự phân cách chủng tộc (segregation) và thuần chủng không còn đúng nghĩa nữa,  hiện trạng kể trên làm sự việc bất khả, và giòng máu nào cũng có pha trộn ít nhiều. Có những nỗ lực đó đây trên thế giới muốn thực hiện hai điều trên (Nhật, Nam Phi)  nhưng may mắn đó chỉ là thiểu số, chẳng những mục đích này không sao đạt được vì ngay ở khởi đầu người ta đã không có máu thuần chủng, mà còn đi nghịch với chiều tiến hóa. Khuynh hướng phân biệt chủng tộc như tại Đức hồi thế chiến II là một hình thức cô lập, có tính duy vật, và liên quan đến phàm ngã của nhân loại, đó không phải là tính cách của chân ngã.
Nó cho hệ quả là óc phân rẽ và thường là nuôi dưỡng lòng kiêu hãnh của cá nhân và quốc gia, đi ngược lại với sự tiến bộ đích thực của con người  là tiến dần  đến tình thân thiết hơn với nhau, đến một khối nhân loại chung theo nghĩa sát thực nhất. Ý thức một nhân loại duy nhất dẫn tới chuyện phải có là không nhấn mạnh vào một quốc gia hoặc giống dân này hay kia. Hoa Kỳ có lúc chủ trương cô lập như trước hai trận thế chiến, tinh thần này là một mối hiểm nguy nên đã có dấu hiệu vật chất đưa ra để khuyến cáo, thí dụ là các trận bão từ lực cắt đứt liên lạc giữa Hoa Kỳ và Âu châu, cũng như giữa các tiểu bang trong nước, trong một khoảng thời gian.
Thế giới chỉ là một và các nỗi khổ của nhân loại là đau khổ chung. Nói cho đúng chân lý thì nhân loại chỉ là một khối, vậy mà nhiều người vẫn chưa ý thức điều này. Vì thế, trọn khuynh hướng của hiểu biết bí truyền được đưa ra là nhằm giúp nhân loại thức tỉnh về điểm ấy, hầu có đủ ngày giờ tránh những thảm họa trầm trọng hơn. Các tội lỗi của con người cũng là tội lỗi chung. Mục tiêu của nhân loại là một, và đại gia đình nhân loại tiến bước chung vào tương lai như là một, sau khi đã học được bài học của quá khứ, hối cải, sáng suốt hơn và trở thành hòa đồng với nhau.
Người đứng ngoài cuộc tranh chấp nói rằng mình trung lập không theo phe phái nào như Thụy Sĩ hay Thụy Điển trong thế chiến II, hoặc cô lập như Hoa Kỳ trong những năm đầu của thế chiến, hoặc có sự phân biệt chủng tộc như Đức, phải nhận lãnh hậu quả của việc không tham dự vào số phận chung của toàn khối nhân loại. Các chủ trương này là khuynh hướng chia rẽ của phần hình thể, nhấn mạnh chuyện sai lầm. Ta nên nhớ rằng Thiên đoàn (Hierarchy) không hề đứng trung lập (như một số nhân vật tiếng tăm trên thế giới chủ trương) khi có sự tranh chấp giữa tính Ác và tính Thiện trong thế chiến II, mà Thiên đoàn là một với thành phần có lẽ phải trong bất cứ quốc gia nào, đối nghịch lại với mọi chủ trương có tính chia rẽ, cô lập và duy vật. Những thái độ ấy ngăn chặn không cho con người cảm biết giá trị tinh thần chân thực, và cản trở sự phát triển của nhân loại. Đồng hóa với tất cả mọi người và tham dự vào tình hình thế giới một cách tự nguyện mà không phải do cưỡng ép, là cách để chúng ta giải quyết vấn đề chung cho địa cầu.


Theo The Destiny of the Nations,  Alice A. Bailey.