THƯ GỬI ÔNG SINNETT (tt)

Thư  Gửi  Ông  Sinnett

The Mahatma Letters to A.P. Sinnett(tt)

 

Thư 67 - Nhận ngày 10 tháng 7, 1882.
Thư tiếp tục trả lời các câu hỏi của ông Hume, nhưng ta sẽ lướt qua các chi tiết siêu hình mang tính triết lý. Ngoài ra Chân sư cũng cho hay ngài không thể đi quá xa vượt giới hạn cho phép tiết lộ về đề tài này
1.
Trong mỗi hình thái của kim thạch, thảo mộc, thú cầm luôn luôn có mầm nằm sẵn từ bao thời gian qua cho một thực thể tương lai, có tiềm năng phát triển thành bậc siêu phàm. Hãy thử xem bào thai nơi người. Từ lúc đậu thai cho đến lúc nó được bẩy tháng, bào thai lập lại ở mức độ nhỏ các chu kỳ kim thạch, thảo mộc, thú cầm mà linh hồn đã trải qua trong những lần tái sinh trước, và chỉ trong hai tháng cuối mới phát triển đặc tính của con người sắp sinh. Thể này chỉ hoàn tất vào lúc trẻ được bẩy tuổi. Nó hiện hữu không tăng không giảm qua bao thời gian trong thiên nhiên cũng như nay trong lòng mẹ, trước khi theo đường đi lên.
Câu ‘Các giai đoạn của bào thai trong bụng mẹ thể hiện bản lưu trữ cô đọng của vài trang thất lạc trong lịch sử địa cầu’ của một triết gia thông thái đã nói đúng, dựa nhiều vào trực giác hơn là theo khoa học. Như thế bạn cần nhìn lại các thực thể kim thạch, thảo mộc, thú cầm. Mỗi thực thể này vào đầu giai đoạn linh hoạt manvantara là hạt nguyên tử vũ trụ tiên khởi,  đã được phân hóa bởi lực sống vào phút đầu tiên, và tiềm năng nằm bên trong nó cuối cùng về sau phát triển thành đấng cao tột (planetary spirit).
Các hạt nguyên tử do ái tính của mình sẽ kết hợp với những hạt nguyên tử tương tự khác, và theo với thời gian khối tổng hợp đó thành bầu hành tinh có người ở, sau khi trải qua các giai đoạn tinh vân, là bầu lửa mù mịt, cô đọng, kết cứng lại, co rút và nguội dần. Không phải hành tinh nào cũng có người ở, nhưng ta không được cho biết gì thêm.
Khó khăn lớn lao trong việc nắm được ý tưởng của diễn biến này nằm ở chỗ ta tạo nên ý niệm bất toàn ít nhiều trong trí về tác động của một nguyên chất (One Element), sự hiện diện không tránh được của nó trong mỗi hạt nguyên tử, và sự phân bội không ngừng cùng gần như vô hạn về sau của nó thành các tâm linh hoạt mới mà không ảnh hưởng chút nào đến khối lượng ban đầu của nó.
Ta hãy xem hạt nguyên tử vũ trụ tiên khởi gọi là A, không phải là một trung tâm sinh hoạt có chu vi (tức có giới hạn) mà là điểm ban đầu manvantara cho cuộc tiến hóa. Từ đây nó sinh ra B, C, D v.v.hằng hà sa số. Theo dòng tiến hóa mỗi điểm chính sinh ra các điểm phụ a, b, c, d v.v.; rồi tới phiên các điểm này phát triển thành A’, B’, C’ v.v. và như thế thành cội rễ hay nguyên nhân cho sự phát triển thành các ngành, lớp, bộ, họ mới v.v. đến vô tận.
Hạt A nguyên thủy và các nguyên tử đồng bạn  của nó cũng như là a, b, c v.v. không mất đi chút nào lực ban đầu hay tinh chất sống khi có sự phân hóa theo dòng tiến hóa. Lực trong đó không biến thành điều gì khác, mà với mỗi trung tâm mới được tạo ra từ bên trong nó, lực nhân bội đến vô tận và không hề mất đi tính chất về phẩm hay về lượng. Thay vào đó, khi tiến triển nó lại còn thu thập được thêm nhờ phân hóa.
Lực ấy thực là bất hoại, nhưng không tương ứng và không thể hoán đổi (như điện lực biến thành nhiệt) theo nghĩa mà khoa học chấp nhận, đúng ra ta có thể nói là nó tăng trưởng và mở rộng thành ‘điều khác’ trong khi chính tiềm năng và bản thể của nó không hề bị ảnh hưởng chút gì do việc biến hóa ấy. Nó cũng không phải là ‘lực’ theo ta hiểu, chữ gần đúng mà ta có thể gọi nó là sự sống vô tận và là nguồn của  mọi sự sống vô hình lẫn hữu hình, là tinh chất bất tận, luôn có đó, nói ngắn gọn là Swabhavat (ta sẽ gặp chữ này nhiều lần trong bộ Secret Doctrine).
Phật giáo đại thừa gọi đó là Adi Buddhi, là trí huệ cao tột và tuyệt đối thấm nhuần khắp trọn …là nguồn mẹ, là tổng khối mọi trí huệ đã, đang và sẽ có trong bất cứ phần nào thuộc thái dương hệ của ta. Suy luận ra bạn sẽ thấy Adi Buddhi còn là tổng hợp trí huệ của trí huệ vũ trụ, kể luôn cả trí huệ của  bậc Dhyan Chohan cao nhất. Đấy là tất cả những gì tôi dám nói với bạn về đề tài đặc biệt này, và tôi e ngại là không chừng đã đi quá giới hạn cho phép.Vì vậy khi nào tôi nói về nhân loại mà không ấn định gì thì bạn phải hiểu là tôi không muốn hàm ý nhân loại thuộc vòng bốn của ta, mà là trọn những ai đã tiến hóa.
Phải, như đã viết trong thư, chỉ có một nguyên chất và ta không sao hiểu được hệ của ta trước khi ý niệm đúng đắn về nó được ghi chặt chẽ trong trí. Thế nên bạn phải thứ lỗi nếu tôi nói về đề tài này lâu hơn thực sự cần, nhưng nếu sự kiện trước tiên lớn lao này không được nắm vững thì phần còn lại sẽ không sao hiểu được. Nguyên chất này nói một cách trừu tượng thì đó là lớp đáy hay nguyên do thường hằng của mọi biểu lộ trong thế giới hiện tượng.
Người xưa nói đến năm hành được nhận biết là ether, khí, thủy, hỏa và thổ … mà năm hành này chỉ là các dạng phân hóa của một nguyên chất. Con người là thực thể có bẩy phần  thì vũ trụ cũng vậy. Tiểu vũ trụ với thất nguyên đối với đại vũ trụ và thất nguyên của nó thì tựa như hạt mưa và đám mây mà giọt mưa từ đó rơi xuống, và theo với thời gian sẽ trở về nơi ấy. Sự tiến hóa của khí, thủy, hỏa v.v. từ mức tuyệt đối trừu tượng đến cụ thể cho thấy tiềm năng có vô số hình dạng thay đổi hay sự tiến hóa của bản thể; cái nguyên nhân hằng tiến hóa làm sinh động, thúc đẩy đằng sau sự biểu lộ trong thiên nhiên.
Hãy lấy lửa làm thí dụ. Nguyên lý lửa là căn nguyên tối hậu cho mỗi hiện tượng lửa trên tất cả các bầu trong dẫy. Nguyên nhân gần là các tác nhân điều khiển bẩy sự đi xuống của lửa trên mỗi hành tinh (mỗi hành có bẩy nguyên lý, và mỗi nguyên lý có bẩy nguyên lý phụ, cái sau tới phiên chúng là nguyên nhân cho việc khác).Hành lửa là một thất nguyên mà phần cao nhất của nó là thuần tinh thần.Bầu chúng ta là bầu thứ tư trong dẫy nên lửa ở dạng thô trược hơn hết, nặng tính vật chất hơn hết như con người bị nhốt trong thân xác.Ở bầu trước bầu này, lửa bớt nặng trược so với ta biết trên trái đất; và bầu trước nữa thì lửa lại thanh nhẹ hơn nữa.Cứ như thế lửa càng lúc càng thanh khiết và có nét tinh thần hơn nơi mỗi hành tinh đi trước. Khi trước hết thẩy tức vào đầu manvantara, nó hiện ra gần như là sự sáng thanh khiết.
Vì bầu chúng ta nằm ở đáy của vòng cung, nơi vật chất có dạng nặng nề nhất, ở bầu kế chúng ta trên đường đi lên, lửa sẽ bớt đậm đặc như ta thấy. Đặc tính tinh thần của nó sẽ y như lửa trên bầu đi trước chúng ta trên vòng cung đi xuống, và bầu hai trên vòng cung đi lên có tính cách tương ứng với bầu hai trên vòng cung đi xuống v.v. Mỗi bầu trong dẫy có bẩy biểu lộ của lửa mà cái đầu tiên tương ứng với cái biểu lộ lần chót của lửa trên bầu ngay trước bầu đang nói; diễn trình này sẽ đi ngược lại ở vòng cung đối nghịch. Vô số biểu lộ khác nhau này của các hành chỉ là cành, nhánh, nhánh con của ‘Cây Sự Sống’ duy nhất nguyên thủy.
Theo luật ‘Trên Sao Dưới Vậy’ hay sự tương ứng thấy khắp nơi, ta hãy tìm hiểu bằng phép loại suy, theo đó trong mỗi khoáng chất đều có một tinh thần. Tôi xin nói thêm là mỗi hạt cát, mỗi tảng đá hay mỗi khối đá hoa cương là phần tinh thần kết cứng hay hóa thạch. Bạn không chắc ư ? … Hãy xem nguồn gốc của đá trầm tích hay hỏa nham là gì.Đá trầm tích là hỗn hợp của ba hành là thổ, thủy và hỏa hay đúng hơn là ba biểu lộ của một nguyên chất; tương tự vậy đá hỏa nham là hỗn hợp của chất liệu vũ trụ (trong điều kiện vật lý khác), tự nó là một trong các biểu lộ của nguyên chất. Thế thì làm sao ta có thể nghi ngờ việc kim thạch có chứa trong nó ánh linh quang của Nhất Nguyên, như mọi vật khác trong thiên nhiên hữu hình ?

2.
Giai đoạn cần thiết cho sự hoàn tất bẩy chặng của kim thạch thì dài hơn các loài khác vô cùng. Suy luận theo luật thất nguyên thì mỗi bầu trước khi tới giai đoạn trưởng thành phải trải qua giai đoạn tạo hình cũng thất nguyên. Luật thiên nhiên thì đồng nhất và việc đậu thai, tạo hình, sinh ra, lớn lên, tăng trưởng  của trẻ nhỏ chỉ khác với các điều này nơi một bầu về mức độ mà thôi ... giống như các nguyên tử trong cơ thể thay đổi mỗi bẩy năm, một bầu tái tạo những lớp của nó sau mỗi bẩy chu kỳ.
Có ba loại manvantara (giai đoạn linh hoạt) và pralaya (giai đoạn ngơi nghỉ).
a- Manvantara và pralaya vũ trụ.
b- Manvantara và pralaya thái dương hệ 
c- Manvantara và pralaya nhỏ của dẫy hành tinh
Khi pralaya loại a chấm dứt thì manvantara vũ trụ khởi sự. Lúc ấy trọn vũ trụ phải khởi sự tiến hóa lại từ đầu.
Khi có pralaya thái dương hệ  thì nó chỉ ảnh hưởng thái dương hệ ấy mà thôi, và một pralaya thái dương hệ = 7 pralaya nhỏ; pralaya nhỏ chỉ liên hệ đến dẫy hành tinh như dẫy của chúng ta, và các bầu trong dẫy có thể có hay không có người sinh sống. Nằm trong pralaya nhỏ có tình trạng hành tinh ngơi nghỉ hay ’chết’, như thiên văn gia nói về mặt trăng, theo đó thể xác là đất đá của hành tinh còn hiện hữu nhưng động  lực sống đã rút lui.
Ta hãy tưởng tượng trái đất là một trong nhóm bẩy hành tinh từ A đến G có người, xếp theo hình trứng với trái đất nằm ở ngay điểm giữa bên dưới của quỹ đạo tiến hóa, tức là ở nửa vòng . Sau mỗi pralaya thái dương hệ thì có sự hủy diệt hoàn toàn thái dương hệ của ta, và bắt đầu việc tái tạo trọn hệ thống trở lại; mỗi lần như thế mọi vật thành hoàn hảo hơn trước.
Bắt đầu thì động lực sống đi tới bầu A, hay đúng hơn là chỗ sẽ thành bầu A nhưng hiện giờ chỉ là bụi vũ trụ. Một tâm điểm thành hình trong khối vật chất mờ mịt đó, là sự cô đặc của bụi tràn lan trong thái dương hệ, và một loạt ba cuộc tiến hóa vô hình đối với mắt thường diễn ra nối tiếp nhau. Ấy là ba loài tinh linh hay lực thiên nhiên, nói khác đi là linh hồn sinh động của bầu tương lai được tạo ra.
Sự tương quan giữa bầu và con người trên đó có thể thấy như sau:
Tinh linh (có bẩy loài) tạo nên:
a- bầu vật chất.
b- thể sinh lực của  bầu
c- nguyên lý sống
d- thể tình cảm do động lực sáng tạo đi từ trung tâm ra ngoại biên
e- trí năng thể hiện qua thảo mộc và thú cầm
f- bồ đề tâm thể hiện qua con người, và
g- Atma, là một màng akasha tinh thần bao quanh bầu.

Khi ba cuộc tiến hóa nói trên hoàn tất, bầu vật chất bắt đầu thành hình rõ dần.Kim thạch là loài thứ tư trong trọn chuỗi, nhưng là loài đầu tiên ở giai đoạn này, khởi sự diễn trình.Thoạt tiên những quặng mỏ ở dạng khí, mềm và dẻo, chỉ thành cứng và rắn chắc ở chặng bẩy (một vòng có bẩy chặng). Khi phần này hoàn tất nó chuyển tinh chất của nó sang bầu B, bầu này đã qua giai đoạn tạo hình sơ khởi và cuộc tiến hóa của kim thạch bắt đầu nơi đây. Ở điểm này thảo mộc bắt đầu cuộc tiến hóa của nó trên bầu  A, và khi xong chặng bẩy, tinh chất của nó sẽ chuyển sang bầu B. Tới lúc này thì tinh chất kim thạch đi sang bầu C, và mầm của thú cầm đi vào bầu A. Khi thú cầm xong chặng bẩy ở bầu A, tinh chất hay nguyên lý sống của nó đi sang bầu B, và tinh chất của kim thạch và thảo mộc đi sang các bầu kế tiếp.
Nay tới con người đến bầu A, có dạng sương khói đi trước dạng cứng chắc về sau trên địa cầu. Họ trải qua các mẫu chủng, chi chủng và khi hoàn tất chặng bẩy như các loài trước đó, con người lần lượt chuyển qua các bầu sau cho tới bầu G. Ngay tự thuở đầu con người đã có bẩy nguyên lý nằm sẵn bên trong họ nhưng chỉ là mầm và chưa nguyên lý nào phát triển. Nếu so sánh con người với trẻ sơ sinh ta sẽ thấy là đúng, đó là trong cả ngàn chuyện ma được kể lại không ai đã từng thấy ma em bé, tuy óc tưởng tượng của bà mẹ có thể gợi nên trong giấc mơ hình ảnh của con thơ đã mất.
Sự việc này đầy gợi ý. Trong mỗi vòng anh phát triển toàn vẹn một nguyên lý, ở vòng đầu tâm thức anh trên trái đất còn chậm lụt, yếu ớt và mờ mịt, tựa như của em bé. Khi anh đi tới trái đất ở vòng thứ hai anh đã có trách nhiệm phần nào, và sang vòng ba thì anh có ý thức trách nhiệm hoàn toàn. Ở mỗi giai đoạn và mỗi vòng, mức phát triển của anh tương ứng với bầu mà anh ngụ. Vòng cung đi xuống từ bầu A tới bầu trái đất của ta được gọi là ‘bóng mờ’, và vòng cung đi lên tới bầu G là ‘sáng rỡ’…
Người của vòng bốn là chúng ta hiện thời đã đạt tới nửa phần sau của mẫu chủng thứ năm (thuộc nhân loại vòng bốn), còn người của vòng năm (thiểu số nói ở trên) dù chỉ mới thuộc mẫu chủng thứ nhất của vòng ấy, lại cao vô kể hơn chúng ta hiện giờ về mặt tinh thần nếu không phải là về mặt trí tuệ; bởi do sự hoàn tất hay phát triển đầy đủ nguyên lý năm (trí tuệ) họ tiến tới đích gần hơn chúng ta, tiến tới gần nguyên lý sáu là Buddhi hay bồ đề tâm. Tự nhiên là có nhiều người trong vòng bốn có những mầm nguyên lý không phát triển đồng đều, nhưng luật là như thế.
Con người tới bầu A sau khi các loài khác đã xong … Khi tất cả các loài đi tới bầu G chúng sẽ không  trở lại bầu A trước con người, do có luật trì hoãn tác động ở trung tâm lên bầu G - đây là luật làm quân bằng luật gia tốc nơi vòng cung đi xuống - chúng sẽ chỉ mới xong cuộc tiến hóa của mình khi con người đạt tới mức phát triển cao nhất của họ trên bầu G, trong vòng này hay bất cứ vòng nào khác. Lý do của việc nằm ở điểm là các loài này cần lượng thời gian nhiều lần hơn của người để phát triển vô số chủng loại của chúng so với nhân loại; vận tốc tương đối của sự phát triển trong các chặng vì thế tự nhiên là gia tăng khi ta từ kim thạch đi lên.
Dầu vậy các mức khác biệt này được điều chỉnh qua việc con người  dừng lại lâu hơn trên các bầu để nghỉ ngơi, khiến cho tất cả các loài kết thúc phần việc của mình cùng lúc trên bầu G. Thí dụ trên bầu này của chúng ta, ta thấy luật quân bình tác động như sau. Từ lúc con người mới xuất hiện dù có tiếng nói hay chưa cho đến ngày nay là người vòng bốn và người của vòng năm sắp tới, cơ cấu sắp đặt của người không thay đổi căn bản, tính chất sắc tộc dù đa dạng nhưng không ảnh hưởng con người chút nào như là một con người. Hóa thạch của người hay bộ xương của họ, dù thuộc giai đoạn phát triển nào, như chỉ có một mắt hay lùn, ta chỉ liếc mắt là vẫn có thể được nhận ra là tàn tích của người. Trong khi đó, thảo mộc và thú cầm càng lúc càng trở thành khác đi so với dạng ban đầu …
Hệ thống với tính thất nguyên của nó hẳn không sao hiểu được đối với ta, nếu ta không có khả năng, như các bậc đại sư đã chứng tỏ, phát triển giác quan thứ sáu và thứ bẩy trước hạn kỳ; chúng sẽ là giác quan bẩm sinh cho mọi người trong các vòng tương ứng. Đức Phật - người vòng sáu - lẽ ra không xuất hiện vào giai đoạn này của ta vì công đức tích tụ lớn lao của ngài trong những kiếp trước; việc ấy có được là do một bí ẩn … Cá nhân không thể vượt nhân loại của vòng hơn một lần (tức con người có thể phát triển thành người vòng năm, hơn vòng bốn hiện tại một lần, mà không thể tiến hơn nữa thành người vòng sáu ở vòng bốn), vì đó là chuyện bất khả về mặt toán học. Bạn nói là nếu dòng sống tuôn chẩy không ngừng thì lúc nào cũng sẽ có người thuộc các vòng khác nhau hiện diện trên trái đất v.v.  Gợi ý về việc hành tinh ngơi nghỉ có thể chữa lại ý niệm sai lạc này.
Khi con người hoàn tất một vòng trên bầu A, anh mất dạng trên đó như một số thảo mộc và thú cầm. Từ từ bầu này mất dần sinh lực của nó và cuối cùng đi tới giai đoạn của mặt trăng, tức tàn lụi đi và ở trong tình trạng ấy khi con người qua bầu B, và cứ như thế đi tới bầu G và trải qua bẩy chặng ở đó, rồi nghỉ giữa hai vòng trước khi bắt đầu vòng kế. Giữa hai bầu kế nhau là một giai đoạn ngơi nghỉ, và giữa hai vòng liên tiếp (tức giữa bầu G cuối một vòng trước khi lực sống trở lại bầu A bắt đầu một vòng mới cho dẫy hành tinh) là giai đoạn ngơi nghỉ khác. Vậy rõ ràng là không ai có thể đi trước đồng loại của mình hơn một vòng. Và đức Phật là ngoại lệ do một bí ẩn.
Chúng ta có được vòng năm ở giữa nhân loại chỉ vì ta đang ở giai đoạn nửa cuối của vòng bốn trên trái đất. Nếu đó là nửa đầu thì chuyện không thể có được. Có vô số nhân loại vòng bốn đã tiến vượt bậc chúng ta và hoàn tất bẩy chặng trên bầu G, đã nghỉ ngơi giữa hai vòng, bắt đầu vòng mới và nay tiến hóa trên bầu của ta. Nhưng làm sao có thể có người thuộc vòng một, hai, ba, sáu và bảy ? Chúng ta là tượng trưng cho ba vòng đầu, còn người vòng sáu chỉ có thể xuất hiện ở những khoảng hiếm thấy và đi trước thời gian như đức Phật (chỉ trong điều kiện đã được chuẩn bị sẵn), còn thì chưa có người tiến hóa ở mức vòng bẩy !
Giữa vòng G và A tức sau một vòng và chưa bắt đầu vòng mới, con người ở trong trạng thái Niết bàn.  Bầu A là bầu chết từ vòng trước.Khi vòng mới bắt đầu nó đón lấy luồng sống mới tràn vào, tỉnh giấc trở lại với sinh lực và sinh ra tất cả các loài ở mức cao hơn lần vừa qua.Sau khi việc này lập lại bẩy lần thì tới giai đoạn ngơi nghỉ pralaya nhỏ của dẫy hành tinh. Dẫy hành tinh không bị hủy diệt bằng việc tan rã và phân tán các phần tử của nó mà chỉ khuất dạng (obscurate). Chúng sẽ hiện ra trở lại trong giai đoạn thất nguyên tới. Cho một thái dương hệ thì trong giai đoạn linh hoạt tức manvantara có bẩy pralaya nhỏ như thế, theo đường đi lên.
Tóm tắt lại:
- Trong một vòng (round) có bẩy chặng (ring) trên một bầu cho mỗi loài, và rồi bầu khuất dạng nhưng không tan rã.
- Manvantara nhỏ cho một dẫy hành tinh gồm bẩy vòng, 49 chặng và bẩy lần khuất dạng (khi một vòng chấm dứt ở bầu G và sự sống ngơi nghỉ trước khi bắt đầu vòng mới ở bầu A).
- Manvantara cho thái dương hệ gồm 49 vòng v.v.
Ta sẽ rối trí khi muốn tính xem thái dương hệ của ta phải qua bao nhiêu đêm ngơi nghỉ pralaya trước khi đến sự ngơi nghỉ toàn vũ trụ, nhưng đó là chuyện sẽ tới về sau.
... Với pralaya nhỏ thì không có việc bắt đầu lại từ đầu, mà chỉ là tiếp tục sinh hoạt đã ngưng. Hai loài thảo mộc và thú cầm vào lúc manvantara nhỏ chấm dứt chỉ mới phát triển một phần, không bị hủy diệt. Sự sống của chúng cũng có giai đoạn ngơi nghỉ tương ứng, chúng cũng có Niết bàn của chúng, và tại sao không đối với các thực thể non trẻ này ? Giống như chúng ta, tất cả chúng sinh ra từ một nguyên chất (one element). Con người có các Dhyan Chohan thì trong các loài khác cũng có những vị chăm sóc, giữ gìn trọn khối, như khối nhân loại. Nguyên chất này không những tràn đầy không gian và là không gian, mà còn thấm nhập mỗi hạt nguyên tử của vật chất vũ trụ.
Khi đến lúc có pralaya thái dương hệ, tuy con người đi tới vòng bẩy chót y như những lần trước, mỗi hành tinh   thay vì chuyển từ cõi hữu hình sang vô hình khi con người rời nó đi, nay bị hủy diệt. Vào đầu vòng bẩy của manvantara nhỏ thứ bẩy, mỗi loài nay đi tới chu kỳ chót và khi con người rời mỗi hành tinh, trên đó chỉ còn lại ảo ảnh của những hình dạng đã có lần hiện hữu và sống trên đó. Với mỗi bước theo vòng cung đi xuống rồi đi lên khi con người đi từ bầu này sang bầu kia, hành tinh nào bị bỏ lại sau lưng trở thành cái kén rỗng.
Khi con người bỏ đi thì mỗi loài khác cũng rút lui theo, và chúng  ngơi nghỉ trong lúc chờ đợi sang hình hài cao hơn khi ngày giờ tới. Đó là giấc ngủ vùi trong không gian cho tới khi được làm sinh động trong manvantara thái dương hệ mới. Loài tinh linh cũ sẽ nghỉ ngơi cho tới khi được kêu gọi để tới phiên chúng thành thân xác cho kim thạch, thảo mộc và thú cầm (trên dẫy hành tinh khác và cao hơn), trên đường đi tới việc thành người (xin xem quyển Isis Unveiled), trong khi ấy các thực thể mầm của dạng thấp nhất ... nằm lơ lửng trong không gian như giọt nước đột nhiên hóa băng. Chúng sẽ hóa lỏng khi có hơi ấm đầu của manvantara thái dương hệ và thành linh hồn của những bầu tương lai ...
Việc phát triển chậm của loài thảo mộc có được là nhờ giai đoạn ngơi nghỉ dài của con người khoảng giữa hai bầu … Khi có pralaya thái dương hệ, trọn nhân loại đã được thanh tẩy sẽ chìm vào Niết bàn là giai đoạn giữa hai thái dương hệ; từ đây nó sẽ tái sinh vào những hệ cao hơn. Các chuỗi thế giới bị hủy hoại và biến mất như bóng trên tường lúc ánh sáng tắt. Vào lúc này đây chúng tôi có dấu hiệu rõ ràng là một pralaya thái dương hệ đang diễn ra, và hai pralaya nhỏ chấm dứt ở nơi nào đó.
Vào đầu manvantara thái dương hệ, chất liệu vô hình của thế giới vật chất đang rải rác trong bụi vũ trụ mới (chất cao nhất của thái dương hệ trước đã tiến cao hơn), nhận được động lực từ các vị Dhyan Chohans mới của thái dương hệ, sẽ thành lượn sóng tiên khởi của sức sống, và phân thành những tâm sinh hoạt khác nhau mà hợp chung thành bẩy giai đoạn tiến hóa tuần tự. Giống như các bầu khác, trái đất của chúng ta trước khi có được tính vật chất sau cùng, và không gì hiện nay trong thế giới này cho bạn ý niệm về vật chất như thế là sao, sẽ trải qua một giai kỳ (gamut) bẩy chặng đậm đặc. Tôi cố ý dùng chữ ’một giai kỳ’, vì âm giai bẩy bậc trong nhạc mô tả hay nhất chuyển động nhịp nhàng vô tận của chu kỳ xuống và lên của nguyên chất, chia thành bậc như các nốt một cung và bán cung.
Trong số các hội viên thông thái của hội Theosophia mà không quen thuộc với triết lý bí truyền của chúng tôi, có người đã nhờ trực giác nắm được ý niệm về manvantara và pralaya thái dương hệ, dựa vào các dữ kiện khoa học. Tôi muốn nói đến thiên văn gia nổi tiếng  Flammarion. Ông bàn luận như là người có thông nhãn thấy được sự việc ... Sai lầm của ông là tin rằng sự tàn lụi của thái dương hệ sẽ diễn ra trong một lúc dài, nhưng chúng tôi được dạy là nó xẩy ra trong một chớp mắt, tuy không phải là không có nhiều khuyến cáo báo trước. Sai lầm khác là cho rằng trái đất sẽ rơi vào mặt trời. Thực ra chính mặt trời sẽ tan rã trước tiên vào lúc có pralaya thái dương hệ.
Hãy nghiên cứu về thiên nhiên và bản chất của nguyên lý thứ sáu trong vũ trụ và nơi con người, và bạn sẽ biết được cái bí ẩn lớn lao nhất trong thế giới của chúng ta, và tại sao không chứ, không phải là nó bao quanh bạn ư ? … Mức chứng đạo của vị đạo sư đánh dấu bẩy giai đoạn mà ngài khám phá bí mật của bẩy nguyên lý trong thiên nhiên và con người, và khơi dậy tiềm năng ẩn tàng của mình.
(còn tiếp)