CHU KỲ MỚI

Chu Kỳ Mới

 

 

Nhân dịp tạp chí Revue Theosophique ra số đầu tiên tại Paris ngày 21.3.1889, HPB viết bài cho số ra mắt.Phần dưới đây là lược dịch các đoạn quan trọng, lướt qua những ý không còn thời gian tính.

Cho tới nay, ý tưởng mà người ta có về hội Theosophia tại Ấn Độ thật mơ hồ và thay đổi, nên nhiều hội viên có quan niệm sai lầm về đề tài này. Điều ấy cho thấy cần có lời giải thích rõ ràng về mục tiêu ta muốn đạt tới trong tờ tạp chí dành hoàn toàn cho Theosophy. Vì vậy, trước khi chúng tôi xin độc giả chú ý tới báo, chắc chắn chúng tôi cần vài giải thích trước tiên. Theosophy là gì ?Người ta hỏi chúng ta ngay từ đầu là tại sao có tên lạ lùng này. Khi chúng ta trả lời rằng chữ có nghĩa là minh triết thiêng liêng, hay minh triết của thần thánh (Theo-sophia) hơn là của Thượng Đế, thì lại có lời phản đối lạ lùng hơn, "Bạn không phải là Phật tử ư ? Chúng ta biết là Phật tử không tin vào một Thượng Đế hay nhiều Thượng Đế..."
Đúng hoàn toàn. Nhưng để bắt đầu thì chúng ta không phải là Phật tử gì hơn là người Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Hỏa giáo hay Ấn giáo. Và rồi, nói về Thượng Đế, chúng tôi tin vào ý nghĩa huyền bí của chữ này. Aristotle nói:
– Tính chất thiên liêng thấm nhuần thiên nhiên và lan tràn khắp vũ trụ vô tận, điều mà dân chúng gọi là thần thánh, chỉ giản dị là các Nguyên Lý Đầu Tiên...
Nói khác đi, lực sáng tạo và thông minh của Thiên Nhiên. Không phải vì triết gia Phật giáo nhìn nhận và biết về bản chất của những lực này, như mọi ai khác, mà Hội theo Phật  giáo. Với tư cách là một tổ chức trừu tượng, Hội không tin vào điều gì, không chấp nhận điều gì, và không dạy việc chi. Hội tự nó không thể và không nên có chỉ một tôn giáo nào. Nói cho cùng, các giáo phái chỉ là vận cụ, ít nhiều là hình thức vật chất, có chứa đựng mức độ lớn hay nhỏ tinh túy của Chân Lý, vốn là Một và đại đồng.Nói về nguyên tắc thì Theosophy là khoa học tinh thần cũng như vật chất của Chân Lý ấy, cái tinh túy của việc nghiên cứu về thần linh và triết học. Là đại diện hữu hình cho Chân Lý phổ quát - vì mọi tôn giáo và triết lý đều chứa đựng trong đó, và mỗi một chúng tới phiên nó chứa đựng một phần của Chân Lý ấy - Hội không thể có tính phe phái, hay thiên vị, hay có ưa chuộng gì, hơn một hội địa lý hay nhân chủng học. Những hội sau có quan tâm là nhà thám hiểm của họ thuộc về tôn giáo này hay kia chăng, bao lâu mà các hội viên của họ can đảm làm phận sự của mình ?
Vậy nếu chúng ta được hỏi, như đã xẩy ra nhiều lần trước đó, rằng chúng ta có hội viên theo thần học hay vô thần, theo Thông linh học hay người duy vật, người lý tưởng hay người bảo hoàng, người thích chính thể cộng hòa hay theo chủ nghĩa xã hội, chúng ta sẽ trả lời rằng mỗi quan điểm ấy đều có đại diện trong Hội. Và tôi chỉ  lập lại điều tôi đã nói y vậy mười năm trước trong một bài trên The Theosophist, cho thấy nhiều điều mà công chúng nghĩ về chúng ta thì khác điều mà chúng ta là ở ngoài thực tại. Hội của chúng ta bị cáo buộc nhiều lần về những lỗi lầm kỳ lạ và trái nghịch nhau, cùng động cơ và ý tưởng được gán cho nó mà nó không có….
Mặc dù vậy, ngay từ ngày đầu khi Hội được thành lập tại Hoa Kỳ, mười bốn năm trước, chỉ dạy mà chúng ta đưa ra đã được tiếp nhận theo cách hoàn toàn chưa hề thấy. Chương trình căn bản đã phải mở rộng, và lúc này lãnh vực nghiên cứu và thăm dò phối hợp lại của chúng ta đã vượt quá chân trời vô tận. Việc mở rộng này có là do số hội viên tăng lên luôn, mỗi ngày cónhiều hơn, việc họ thuộc mọi chủng tộc và tôn giáo khác nhau đòi hỏi chúng ta phải có nghiên cứu càng lúc càng thâm sâu hơn. Dầu vậy.dù chương trình của chúng ta được mở rộng, nó không hề thay đổi chút nào về những mục tiêu chính, ngoại trừ chuyện rất tiếc là mục đích đầu mà tâm chúng ta rất quí chuộng, là Tình Huynh đệ Đại đồng không phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay mầu da. Dù nỗ lực rất nhiều, mục tiêu này gần như luôn luôn bị bỏ quên, hay chỉ là chữ vô hồn, nhất là ở Ấn Độ. Ngoại trừ điều ấy, hai mục đích còn lại là học hỏi các tôn giáo đông phương nhất là triết lý Veda và Phật giáo, và nghiên cứu những quyền năng ẩn tàng trong con người đã được theo đuổi hăng hái và mang lại thành quả.
Từ năm 1876 chúng ta đã bị bắt buộc phải đi xa hơn phần tổng quát như đã vạch ra từ đầu, để đi sâu vào những phần càng lúc càng mở rộng. Để thỏa mãn mọi hội viên và để theo dõi sự tiến hóa của mỗi tôn giáo, chúng ta phải bắt đầu cuộc hành trình từ buổi ban đầu của nhân loại sơ khai. Những nghiên cứu này dẫn tới sự tổng hợp chỉ được ghi những nét chính trong bộ The Secret Doctrine. Triết lý chỉ được trình bầy đại cương trong hai quyển của bộ, nhưng phần bí truyền tỏ lộ trong đó liên quan dến niềm tin của người tiền sử, vũ trụ học và nhân chủng học; những điều này từ trước tới nay chưa hề được tiết lộ. Một số tín điều, lý thuyết đối nghịch với lý thuyết khoa học nhất là của Darwin; chúng giải thích và làm sáng tỏ những điều mà cho tới ngày nay là chuyện khó hiểu, và giải thích nhiều điều mà khoa học chính thống bỏ sót.  Chúng tôi phải trình bầy các triết lý này như chúng là, bằng không sẽ không hề có thể nói về chúng. Ai sợ những viễn ảnh vô tận, và ai muốn thâu ngắn chúng bằng cách rút gọn, bằng phương tiện nhân tạo mà khoa học đương thời tạo ra đểlấp một ngàn lẻ một khoảng trống, thì tốt hơn đừng bước qua cổng vào này của khoa học bí truyền. 
… Đó là một trong các thành quả của Hội, có thể nó là rất ít oi, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều tỏ lộ khác theo sau hoặc bí truyền hoặc không. Nói vậy là để cho thấy là chúng ta không giảng dạy một tôn giáo nào riêng biệt, mà để mỗi hội viên hoàn toàn có tự do theo đuổi niềm tin của mình. Mục đích chính của tổ chức chúng ta, mà ta nỗ lực để tạo một tình huynh đệ đại đồng thật sự, được biểu lộ đầy đủ trong tiêu ngữ của Hội Theosophia và tất cả những cơ quan của nó: 'Không Tôn Giáo nào qua Chân Lý.’
Là một hội vô tư, chúng ta phải nắm lấy Chân Lý tìm thấy bất cứ ở đâu, không để cho mình thiên vị một niềm tin này so với niềm tin khác. Việc ấy  đưa thẳng tới kết luận rất hợp lý, là nếu chúng ta tuyên bố và dang rộng tay đón nhận tất ai chân thành đi tìm chân lý, thì trong hàng ngũ chúng ta không thể có chỗ cho ai  kịch liệt cótính bè phái, tin mù quáng, giả đạo đức không chấp nhận ai khác. Người cuồng tín như thế, những ai mà tôn giáo họ cấm mọi việc tìm hiểu và không chấp nhận có tranh luận, làm sao ở trong hàng ngũ chúng ta, khi ý tưởng căn bản, cái nguồn mà từ đó nẩy sinh chương trình đẹp đẽ gọi là Theosophy, là tự do tuyệt đối và không bị cản trở trong việc nghiên cứu mọi bí ẩn của thiên nhiên, con người hay thiêng liêng.
Ngoại trừ điều ấy, Hội mời tất cả mọi người dự vào sinh hoạt và khám phá của nó. Bất cứ ai cảm thấy tim mình hòa nhịp với con tim vĩ đại của nhân loại, ai cảm thấy quan tâm của mình là một với của ai khác nghèo hơn và kém may mắn hơn họ; người nam hay người nữ nào sẵn sàng đưa tay trợ giúp ai đau khổ, ai hiểu nghĩa đúng của chữ  'Ích kỷ', là người TTH. Họ luôn luôn có thể tìm thấy người thông cảm với mình trong Hội.Hội chúng ta thật sự là một thế giới nhân loại nhỏ, và như trong thế giới nhân loại lớn, ai cũng luôn luôn có thể tìm thấy người tương hợp với mình.
Nếu có ai nói rằng trong Hội chúng ta người vô thần đứng cạnh người hữu thần, và người duy vật đứng cạnh ngườiđầy lý tưởng, chúng ta sẽ trả lời, "Vậy thì có sao?" Việc là người duy vậy hay là người theo Thông linh học không hề cản trở ai thành người TTH tốt lành. Hơn thế nữa, ai thờ phượng một Thượng Đế cá nhân thì lại duy vật hơn ai nhìn nhận  phần tinh  túy thiêng liêng trong từng hạt nguyên tử. Hình thể vô thường có đáng kể gì nếu mục tiêu đạt tới có chung tinh túy vĩnh cửu ?...
Khi đi tới cùng, người duy vật khăng khăng nhất, cũng như là triết gia siêu việt nhất, nhìn nhận sự hiện hữu khắp nơi của tinh túy không sờ chạm được, hiện hữu trong mọi loài trong thiên nhiên kể cả con người; cái tinh túy không thể phân chia, có ở khắp mọi nơi; là Tất Cả và cái Không, tràn lan mà chỉ là Duy Nhất; là tinh túy phổ quát nối kết, chứa đựng mọi vật, có trong tất cả.... Nhìn nhận các sự thật này là đủ để được gọi là người TTH, vì sự nhìn nhận này tương đương với việc chấp nhận rằng không những nhân loại - với đủ mọi sắc dân - mà mọi vật khác được tạo từ cùng tinh túy và chất liệu ấy, được sinh động bởi cùng tinh thần, và như vậy mọi vật trong thiên nhiên đều liên kết với nhau chặt chẽ.
Trên tạp chí The Theosophist chúng ta có ghi là Hội Theosophia sinh ra tại Hoa Kỳ và được lập theo khuôn mẫu của đất nước này. Như ta biết, hiến pháp Hoa Kỳ không có ghi chữ ‘Thượng Đế - God’, vì các nhân vật sáng lập nền Cộng Hòa e ngại là ngày kia chữ ấy có thể trở thành cái cớ để sinh ra quốc giáo; vì họ muốn có công bằng tuyệt đối cho mọi tôn giáo trước luật pháp, để  mỗi  hình thức sẽ hỗ trợ quốc gia, và tới phiên nó quốc gia sẽ bảo vệ tất cả chúng.
Hội Theosophia được lập theo khuôn mẫu xuất sắc đó….
Khi tự do theo đuổi bất cứ sinh hoạt trí tuệ nào thích hợp nhất cho mình, mỗi hội viên dầu vậy  phải có lý do để thuộc về Hội, có nghĩa mỗi hội viên phải cống hiến phần của mình, dù nhỏ tới đâu, bằng trí tuệ hay công sức nào khác cho lợi ích chung. Nếu người ta không làm việc cho kẻ khác thì họ không có quyền được gọi là người TTH. Tất cả phải nỗ lực cho sự tự do của tư tưởng con người, việc loại trừ lòng mê tín dị đoan ích kỷ và bè phái, và cho việc khám phá mọi chân lý trong tầm của trí tuệ loài người. Mục tiêu ấy chắc chắn đạt được bằng cách vun trồng sự doàn kết trong nỗ lực trí tuệ. Không ai chân thành, ai hăng hái tìm kiếm sẽ chỉ được tay không, và không ai dù cho là mình bận rộn, lại không thể đóng góp bằng cách này hay kia lên bàn thờ chân lý.
Vào giây phút hiện tại của lịch sử Theosophy, chúng ta muốn chỉ ra chân trời trí tuệ mới, vạch ra những đường chưa thăm dò dẫn tới sự cải thiện tình trạng con người, và có lời an ủi cho ai đau khổ do thiếu thốn vật chất hay tâm linh.  Chúng ta đang đối mặt với bao cơ hội rực rỡ của tương lai. Đây là giờ phút mà chu kỳ lớn của những tư tưởng thần bí tại Âu châu dâng cao. Chúng ta bị bao quanh mỗi bên trong biển khoa học vũ trụ, khoa học của sự sống vĩnh cửu, sóng của nó mang theo kho tàng đã quên và bị đắm chìm mà bao thế hệ qua đã quên lãng, những kho tàng mà các sắc dân văn minh đương thời vẫn chưa biết.
… Chúng ta phải chuẩn bị và học hỏi chân lý dưới mọi khía cạnh, cố công không bỏ sót điều chi nếu ta không muốn rơi vào hố sâu vô minh khi ngày giờ đến. Sự tranh chấp sẽ khốc liệt giữa một bên là thuyết duy vật tàn bạo và óc cuồng tín mù quáng, và bên kia là triết lý và huyền học, cái huyền học che đậy vĩnh cửu với màn mỏng ít hay nhiều.
Nhưng thuyết duy vật sẽ không chiếm trội. Mỗi kẻ cuồng tín do tư tưởng của mình bị cô lập với tiêu ngữ 'Không Tôn Giáo nào qua Chân Lý’ sẽ thấy họ bị gạt bỏ vì chính điều ấy... Với tất cả những ai thấy sự vô ích và điên khùng của một cuộc sống mù quáng vì thuyết duy vật và mạnh mẽ làm ngơ với số phần của kẻ bên cạnh mình, đây là giờ phút hành động, là giờ phút cho họ dành trọn năng lực, trọn can đảm và trọn nỗ lực cho cuộc cải cách trí tuệ. Sự cải cách này chỉ thực hiện được bằng Theosophy và ta có thể thêm là với Huyền Bí học hay minh triết phương đông. Có nhiều con đường dẫn tới nó, nhưng minh triết chỉ có một.
Ta cần nhớ rõ là những lời này không viết cho đám đông… mà chỉ hướng tới những ai đủ sức hiểu nó, ai đau khổ, khao khát thấy Thực Tại trong thế giới  ảo ảnh này… Sao những người ấy chưa đủ can đảm để từ bỏ thế giới của họ gồm những chuyện phù phiếm, các lạc thú của họ và trên hết thẩy luôn cả những tư lợi, trừ tư lợi nào là bổn phận của họ với gia đình và kẻ khác ? Không ai quá bận rộn hay nghèo tới mức không thể đặt ra lý tưởng cao cả cho mình theo. Vậy tại sao ngần ngại trong việc dọn con đường đưa tới lý tưởng này, qua mọi cản trở, chướng ngại, mọi ngăn cản lặt vặt của đời sống trong xã hội, để thẳng tiến cho tới khi đạt mục đích ?
Ai chịu có nỗ lực đó không bao lâu sẽ thấy rằng 'cánh cổng hẹp' và 'con đường gai góc' đưa tới thung lũng rộng với chân trời vô tận, tới tình trạng không còn cái chết, vì người ta cảm thấy mình trở thành thần linh ! Quả thật điều kiện đầu tiên đòi hỏi để đạt tới đích là lòng vô tư lợi tuyệt đối, hiến mình không giới hạn cho phúc lợi kẻ khác, và lòng hoàn toàn dửng dưng với thế giới và quan niệm của nó.Để có thể đặt bước đầu tiên trên đường lý tưởng này, mục tiêu phải tuyệt đối trong sạch, không một tư tưởng không xứng đáng nào làm ta quên đi mục đích cuối đường, không một nghi ngờ hay chần chừ nào vướng bận chân. Có những người nam và nữ đủ điều kiện cho việc này, mục tiêu duy nhất của họ là sống theo Thiên Tính của mình. Ít nhất họ hãy có can đảm sống đời như vậy và không che dấu nó trước mắt kẻ khác! Vậy hãy để lương tâm ấy phát triển tới mức cao nhất của nó, hướng dẫn ta trong mọi hành động thông thường ở đời. Còn với đời sống nội tâm, ta hãy hướng trọn chú ý vào lý tưởng đã đặt cho mình, và nhìn vượt qua nó, không màng chi đến bùn trên chân ta...  
Ai đủ sức làm nỗ lực này là người TTH chân chính, những ai khác chỉ là hội viên thờ ơ ít nhiều.