SẮC TƯỚNG VÀ TINH THẦN
Sắc Tướng và Tinh Thần
Hình thể là vật thấy trước mắt, tinh thần là điều nằm sau làm linh hoạt hình thể, và đôi khi có sự nhầm lẫn điều sau với điều trước.Dân gian đã biết việc này qua câu ‘Chiếc áo không làm nên thầy tu’, bài dưới đây khai triển thêm ý đó.
Kỷ Luật cho Thân Xác
Trên đường Đạo có những luật nhỏ và luật lớn mà ta cần phân biệt để tránh đi sai đường. Tính chất chung là
● Luật nhỏ liên quan đến thời gian và không gian,
● Luật lớn vượt thời gian và không gian, và
● Luật lớn trùm bao luật nhỏ.
Sai lầm xẩy ra khi trường hợp cần áp dụng luật lớn mà ta lại dùng luật nhỏ. Thí dụ cho ý này là luật nói rằng tới một lúc nào đó con người cần phải ăn chay. Mục tiêu của luật là sự thanh tẩy xác thân nhằm chuẩn bị cho bước kế tiếp. Lý do của kỷ luật như thế là để con người thể hiện khả năng chấp nhận và theo sát kỷ luật tự đặt ra cho mình. Nhờ kỷ luật đó họ tự chứng tỏ là anh làm chủ được thân xác và tình cảm, cũng như hệ quả của kỷ luật là nó lộ ra cho anh thấy vài điểm yếu căn bản không thể tránh - khi làm chủ thú tính và kềm chế được dục vọng - là lòng tự cao, kiêu hãnh và óc phân cách.
Khả năng duy trì kỷ luật, sự tự khen mình làm được vậy, cộng thêm cảm nghĩ rằng mình cao thượng hơn ai khác không theo kỷ luật như thế, tất cả đều là dấu hiệu của khuyết điểm căn bản. Óc cuồng tín, tiềm ẩn hoặc biểu lộ, hiện rõ ràng trong tâm thức anh mà nếu thành thực với mình, anh ý thức là mình có đạt được phần nào sự thanh khiết về thể chất, và cùng lúc anh cũng cảm biết là không chừng anh đã khởi sự với cái bên ngoài và hiển hiện, trong khi lẽ ra nên bắt đầu từ cái bên trong và khó nhận biết hay thể hiện. Đây là bài học lớn và quan trọng nhất.
Khi ăn chay, con người thành công trong việc làm chủ thân xác thay vì để nó chế ngự, và ấy là điều luôn hữu ích. Dầu vậy, họ nên biết luật này là luật nhỏ nằm trong thời gian và không gian, một khi con người có thể chứng tỏ mình tuân theo luật thì khi ấy họ thoát khỏi luật và không cần nó nữa. Ai thực sự cảm biết rằng sự sống là một, biết rằng sự sống nơi anh cũng là sự sống trong kim thạch, thảo mộc và thú cầm, hiểu rằng ta không thể lấy đi hay hủy diệt sự sống, mà nó chuyển từ hình thái này sang từ hình thái khác cho tới có sự toàn thiện.
Giải thích rõ hơn thì ở mức độ này, ý niệm về hình thái được điều chỉnh và không còn quá chú trọng tới nó; có nghĩa anh hướng tới trước vào linh hồn, tinh thần thay vì nhìn về đằng sau vào hình thái sắc tướng. Chuyện hay thấy là có người chí nguyện rất chân thành đã quan tâm quá đáng vào phần thể chất và việc đặt kỷ luật cho thân xác, tới mức họ không còn thì giờ để mở rộng tinh thần. Họ quá chú ý đến phản ứng của mình đối với kỷ luật tự đặt ra (như ăn chay, sống độc thân), với sự thành công hay thất bại trong việc tuân theo kỷ luật, khiến cho các chân lý tinh thần không vào được tâm họ. Xin đọc thêm về ăn chay trong bài Thư Gửi ông Sinnett, thư 63.
Đó là cách hành xử của người sơ cơ, với ai đã có kinh nghiệm thì họ tập có sự chừng mực, trung dung trong mọi chuyện, ở đây là việc sử dụng một cách khôn ngoan mọi hình thể nhằm nuôi dưỡng xác thân, và quên mình. Nhiều người hăng hái trong việc đặt kỷ luật cho thân xác mà làm ngơ với kỷ luật của linh hồn (như tình cảm thanh khiết, tư tưởng thanh cao), và ấy là điều đáng suy gẫm.
Một chuyện hay được kể mô tả ý này rất rõ, đại khái nói rằng có hai vị tăng đi tới con suối và thấy một cô gái đứng bên bờ ngần ngừ không dám băng qua. Một vị tăng thản nhiên xắn tay áo bồng thiếu nữ lội nước qua bờ bên kia. Tới nơi, ông đặt cô xuống, cúi chào rồi đi theo đường của mình; vị thứ hai nối gót theo. Được một khúc đường, vị sau hỏi.
- Sư huynh à, qui luật ghi rằng tăng chúng không được động chạm hàng phụ nữ, nay sư huynh bồng cô gái một đỗi đường là phạm luật rồi.
Vị trước hỏi lại.
- Ta đã đặt cô xuống khi qua khỏi suối, sư đệ còn mang cô trong tâm ư ?
Cách giải thích hay được nêu ra nhấn mạnh đến chữ ‘xả’, buông bỏ làm tâm không vướng mắc, nhưng ta cũng có thể nhìn sự việc theo khía cạnh khác là sắc tướng và tinh thần. Vị tăng thứ nhất có tâm thức phát triển đến mức ông sống trong thực tại tinh thần, nhận biết mình là một với mọi sinh linh, và nhìn vượt qua sắc tướng để thấy phần tinh thần bên trong. Cô gái không làm tâm ông động vì hình thái nam, nữ không còn ảnh hưởng đến thói quen tinh thần, hành động của xác thân biểu lộ một tâm thức không phân biệt nam với nữ hay ta với người, làm cũng như là không làm vì tâm không trụ vào hành động, sắc tướng. Vì không trụ, tâm do vậy không có gì cần phải ‘xả’. Vị tăng thứ hai có tâm trụ vào sắc tướng và do đó còn phân biệt nam với nữ, ta với người, làm và không làm, thế nên cần phải ‘xả’.
Thói Quen Tinh Thần
Về mặt tâm thức, nói tổng quát thì có thể phân chia thành viên trong Thiên đoàn làm hai nhóm, một là những Vị làm việc nhằm khai mở tâm thức nơi người chí nguyện, hai là các Vị khác làm việc với sự sống và sự biểu lộ của nó nơi bậc đạo đồ. Tương tự vậy, người chí nguyện cũng có hai nhóm, các bậc thầy nhỏ làm việc với người sơ cơ, trông coi việc áp đặt kỷ luật thân xác và truyền dạy những điều có giá trị nhỏ cho ai mới đặt chân lên đường Đạo, hầu cho họ nắm được ý mà người thầy đã đạt; nhóm kia gồm những người có phần việc là đưa ra hiểu biết và lý tưởng phụng sự, để thay cho kỷ luật về thể chất và mục tiêu ích kỷ không tránh được vào thuở ban đầu.
Sự khác biệt giữa hai chặng đường là thời gian hay mức trưởng thành tâm linh nơi người tầm đạo. Kỷ luật cho thân xác có giá trị ở những bước đầu tiên trên đường Đạo, nó cho ý niệm về tầm mức và ý thức về điều chi thiếu sót và giới hạn.Những điều này có chỗ của chúng trong không gian và thời gian, và chỉ có thế mà thôi. Một khi bước vào thế giới của linh hồn, người giác ngộ dùng mọi hình thể một cách khôn ngoan do đã hiểu mục đích của chúng và không còn làm quá độ, cũng như anh không quá bận tâm đến chúng hay đặt nặng giá trị vào đó.
Truyền thống Thiền đông phương ghi nhiều chuyện về ý này, chẳng hạn sư Đơn Hà khi ghé vào chùa ngụ qua đêm, trời lạnh không có củi bèn thản nhiên bê tượng Phật bằng gỗ trên bàn thờ xuống để đốt sưởi. Hành động của bậc giác ngộ biểu lộ tâm không còn câu nệ vào hình thức là điều muốn ghi ở đây, còn thì ta không nên bắt chước ngài ! Chuyện khác kể Tế Công Phật Sống ăn thịt, uống rượu; có điều ấy vì người đệ tử chân chính không cần ăn chay hay bất cứ kỷ luật thân xác nào, không thèm muốn sắc tướng nào còn chế ngự được người như thế. Việc họ phải làm thuộc về lãnh vực khác và để ý giữ gìn khuôn phép về thân xác chỉ làm mất thì giờ cùng năng lực của họ, bởi họ tự động có kỷ luật, và thói quen tinh thần của họ (thí dụ bát chánh đạo) thắng lướt mọi khuynh hướng thấp về sắc tướng.
Các thói quen này tự động làm họ vượt lên trên đòi hỏi muốn thỏa mãn dục vọng thấp. Con người đi từ việc chế ngự có ham muốn sắc tướng sang việc không còn nô lệ tư tưởng, chân lý hay vị thầy tâm linh nào, làm chủ ước nguyện cuồng tín của mình khi muốn hy sinh thân mình mà luôn cả sự sống của người khác cho điều mà anh tin là đúng (hành động tử vì đạo, ca ngợi thánh tử đạo có liên quan ở đây. Tôn giáo có thể khuyến khích tín đồ sùng bái việc ấy nhưng trong một số trường hợp, ai được gọi là ‘thánh’, được phong thánh theo quan điểm người trần, thực ra bị lòng cao ngạo chi phối nhiều hơn là ước vọng thanh cao); mức kế nữa là sự mở rộng tâm thức không phải bằng ước nguyện cao ngất hay lòng hy sinh cuồng tín, mà biết rằng sự sống là một và không gì có thể lấy mất đi sự sống ấy.
Người đã phát triển có được thái độ ấy vì nay họ chỉ quan tâm đến sự sống, họ làm việc với năng lực và đó là năng lực của sự sống; sắc tướng và ảnh hưởng của nó đối với các Vị ấy là điều mà các ngài đã để lại sau lưng, việc thắng được sức thu hút của chúng là ký ức xa xăm nay chìm sâu vào phần vô thức của các ngài.
Ai như thế không nhìn ngắm mình mà chú mục vào những giá trị chân chính, không còn ý gì về tư lợi, bởi ý thức về sự sống chung đang mau lẹ thay thế tâm thức của cái tôi riêng biệt. Do đó mỗi người quyết định nấc của mình, hoặc họ là người sơ cơ mới bắt đầu và vì thế chọn việc áp dụng luật nằm trong thời gian và không gian, hoặc đã tới mức hiểu rằng sự sống là một, và hình thể không có ý nghĩa đáng nói về mặt vật chất, ngoại trừ việc đó là sân trường học hỏi cho linh hồn.
Ứng Dụng
● Vài điều có thể suy ra từ các ý trên, thí dụ ta hãy xem mục đích đầu tiên của Hội, ‘Tạo tình huynh đệ đại đồng không phân biệt mầu da, chủng tộc, tôn giáo, nam nữ.’ Ấy là nỗ lực nhìn ra sự sống chung bên trong hình thể dị biệt, và nhận biết mọi sinh linh cùng chia sẻ sự sống chung đó, tất cả là một dù rằng hình hài khác nhau.
● Thứ hai là tình dục, có liên quan đến khuynh hướng sai lầm hay thấy nơi con người là diễn giải chuyện tinh thần theo quan điểm vật chất. Hiểu đúng đắn thì tình dục chỉ về sự liên hệ giữa phàm ngã và chân ngã, hầu cho con người nhờ vậy đạt được sự hợp nhất trọn vẹn với thiêng liêng, nói khác đi là sự thăng hoa của phàm tính thành thiên tính. Ý này giải thích sự xuất thần, ngất ngây mà Thiên Chúa giáo thuật về các thánh, giống như bao điều khác nó đã bị trình bầy sai lạc và mô tả kinh nghiệm tinh thần theo nghĩa tính dục nam nữ (bride of Christ).
Tình dục ban đầu thuần là sinh hoạt có tính vật chất, đôi khi diễn ra do tình yêu thúc đẩy, giờ được nâng lên cõi đúng chỗ của nó thành sự hòa hợp thiêng liêng, diễn ra và hoàn thành ở cõi tinh thần, sinh ra ý thức thiêng liêng. Đây là chân lý vĩ đại nằm sau những gì tồi tệ viết về sự biểu lộ của tình dục, về huyền thuật dùng tình dục và sự bẻ cong về huyền thuật của Mật tông thời nay. Con người đã hạ giá ý nghĩa của biểu tượng, do cách suy nghĩ của mình hạ thấp tình dục thành sinh hoạt thuần thú tính, và đã sai lầm khi không nâng sự việc vào cõi của biểu tượng.
Họ tìm sự biểu lộ có tính vật chất để mong mang lại sự hợp nhất và hòa hợp trong nội tâm mà họ mong muốn, và điều này không thể làm được theo cách đó. Tình dục chỉ là biểu tượng của tính nhị nguyên bên trong mà chúng phải chuyển biến thành nhất nguyên.Nó không thể được chuyển hóa bằng phương tiện thân xác hay nghi thức, bởi đó là sự chuyển hóa trong tâm thức.
● Điều thứ ba liên quan đến hình thể là sự hủy diệt thấy ở nhiều mức độ, quen thuộc như cái chết ở loài người; ở mức độ lớn hơn là sự diệt chủng hoặc của thảo mộc hay thú cầm, như có sự biến mất dần của vài loài thú trong môi trường hiện nay. Thế giới có báo động về sự diệt chủng này, mà thật ra ấy là điều không tránh được do việc ta bước vào một thời đại mới và năng lực mới của cung bẩy tác động. Hai yếu tố đó sinh ra nhiều hệ quả, và một trong các hệ quả là một số hình thể không còn thích hợp cho tân kỷ nguyên nên chúng bị hủy diệt. Sự hủy hoại ở đây vì vậy thuận theo cơ Trời.
Ngoài ra, có những sự hủy diệt hình hài sai lầm như việc đi săn làm trò giải trí, gọi là thể thao.Chuyện giản dị là ai vui thú với việc giết chóc chứng tỏ chưa có từ tâm, thiếu tình thương mà sự việc còn hơn thế nữa. Quả đúng là không ai có thể hủy diệt sự Sống, vì sự Sống là, nó vô tận và chỉ chuyển từ hình thái này sang hình thái khác, tuy nhiên lòng tàn nhẫn gây ra đau đớn khi đi săn để làm vui, và lòng tàn nhẫn đi ngược với tình thương. Con người đã quá quen với hành động tới mức tim chai cứng, không thấy đó là sự tàn ác, cũng như trong khi có bao trò tiêu khiển khác sẵn đó, họ lại chọn lựa trò gây tổn thương và giết hại.
Hình thức khác nữa là mổ xẻ thú vật sống hay gây bệnh cho thú trong việc nghiên cứu khoa học, lập luận rằng nhờ vậy đạt được hiểu biết có lợi cho loài người. Nhưng hiểu biết thu thập bằng cách sai lầm ấy không có giá trị nhiều, mà lại có thể có được bằng cách khác không cần nhẫn tâm. Nhìn theo lẽ công bằng, thiên thần dạy rằng khi con người tin tưởng một loài bị hành hạ (thú vật) để loài khác (nhân loại) hưởng lợi là chuyện đúng đắn, thì đó là óc mê tín lớn lao. Sự việc bị xem là tội ác khi ta hành hạ thú vật vô tội để tìm hiểu biết hầu chữa bệnh cho người.
Các giáo sĩ nói rằng thú vật không có linh hồn để biện minh cho hành động này của con người, nhưng đó là lời nói do vô minh mà ra, bởi như mọi vật con thú cũng có linh hồn. Chúng là linh hồn trẻ trên thang tiến hóa sau con người, và do vậy nên được ta đối xử với từ tâm và tình thương.
Nói riêng về con người, nhìn rộng ra là sự sụp đổ các nền văn minh, văn hóa, giống dân, chu kỳ hưng thịnh của các nước; sự hủy diệt hằng triệu người trong hai thế chiến cũng nằm trong Thiên cơ. Ta cần nói rõ chiến tranh là điều ác, nhưng các đấng cao cả dùng sự ác do con người tạo ra để mang lại kết quả lành. Tất cả diễn ra theo luật, dưới sự điều khiển của các ngài, nhằm mang lại kết quả trong ba cõi phù hợp với cuộc tiến hóa. Các linh hồn nói chung của người hay thú rút về, để rồi trở lại sau đó trong không gian và thời gian với hình hài thuận lợi hơn cho việc biểu lộ.
Áp dụng trong thực tế là chúng ta nên tập các thói quen tinh thần, và kế tiếp tập nhìn cuộc sống theo mặt tinh thần hơn là sắc tướng. Có nhiều cách cho bước thứ nhất như bát chánh đạo (chánh tinh tấn, chánh tư duy v.v.), suy gẫm lời chỉ dạy trong kinh điển tôn giáo hay sách Chân Lý Hằng Ngày, Tiếng Vô Thinh. Thực hành bước thứ hai là ta đi dần từ hiện tượng cõi trần sang ý nghĩa ở cõi cao. Đó là trình tự phát triển mà ta nên theo càng sớm càng tốt.
Theo:
- Esoteric Astrology, A.A.Bailey