PHỎNG VẤN ÔNG TIM BOYD

Phỏng  Vấn

Ông  Tim  Boyd

 

Dưới đây là bài phỏng vấn của bà Linda Olivera, hội trưởng Xứ bộ Úc với ông Tim Boyd, Chánh Hội trưởng Hội Thông Thiên Học Thế Giới (Adyar),vào tháng giêng 2016 tại Perth - Úc, đăng trên tạp chí Thesophy in Australia, June 2016.
– Linda Olivera (L.O.): Ông lớn lên ở đâu ? Ông vui lòng chia sẻ vài kỷ niệm đặc biệt đáng chú ý về tuổi thơ  của ông được không ?
– Tim Boyd (T.B.): Tôi lớn lên ở thành phố New York là chỗ rất hay, đó là thành phố có tính đa văn hóa rất mạnh với nhiều chuyện diễn ra nơi ấy. Tôi là con thứ hai trong gia đình có bốn con. Ba mẹ tôi không đặc biệt ngoan đạo cho lắm, nhưng hai người tin rằng các con nên biết về đạo của mình.Tôi mau lẹ thấy rằng đi học giáo lý ngày chủ nhật chẳng hứng thú chi cả.Dần dần tôi nghĩ không có gốc là tôn giáo nào lại là điều có lợi. Theosophy là điều mà tôi phải học bằng chính mắt của mình thay vì để người khác truyền cho tôi theo quan điểm của họ.
– LO: Có điều gì khác trong những năm mới lớn của mình mà ông muốn chia sẻ không ?
– TB: Ba tôi là loại người có tính rất quảng giao. Loại tâm trí như vậy thường truyền sang kẻ khác. Việc sinh ra là người da đen trong nước Mỹ, vào lúc mà luật trong nước không đề cập tới quyền dân sự, là điều cũng ảnh hưởng quan điểm của tôi, làm mở rộng tầm nhìn, khiến tôi có thể sống theo ý mình mà cũng thu thập đôi điều từ bên ngoài.
– LO: Có gì đặc biệt xẩy ra khiến ông gia nhập hội Theosophy ?
– TB: Khi ấy tôi không biết gì hết, và nếu xét về hoàn cảnh của tôi lúc đến với hội, hẳn tôi sẽ không nghĩ là nó làm đời tôi được phong phú gì hơn, nhưng may mắn là tôi gặp được một nhân vật. Lúc đó tôi học năm thứ hai đại học và tới kỳ nghỉ mùa xuân. Tôi chưa gặp người anh họ ở Chicago từ mấy năm nay, giờ ba tôi có việc đi tới đó và hỏi tôi có muốn đi theo. Tôi đáp ‘Dạ đi’, bụng nghĩ đến người anh họ này là người từ hồi nào đến giờ có hơi liều lĩnh bạt mạng. Nhưng khi tới nơi, anh xử sự khác hẳn, ăn nói đàng hoàng và đã tập tham thiền.
Sau một lúc tôi bắt đầu ghi nhận là đã có gì đó thay đổi. Tôi nói:
– Anh thành người khác rồi, Barrett, và anh đáp.
– Phải đó, Tim, em cần gặp thầy anh, Ông Cụ - the Old Man.
Khi anh nói vậy tôi thấy kỳ nghỉ mùa xuân đầy mộng đẹp thế là đi đứt. Tôi mới bắt đầu kỳ nghỉ ở đại học và không muốn gặp ông thầy nào, vì tôi tưởng anh nói về một ông thầy dạy những điều trong sách, râu tóc bạc kiểu như triết gia; nhưng anh đưa tôi đến gặp một ông có sức thu hút rất mạnh và sống động, ăn mặc đúng mốt. Ông lớn tuổi so với chúng tôi nhưng lúc ấy có lẽ ông được 54 tuổi. ‘Cụ’ làm sao được !Tôi ngồi xuống nghe. Chúng tôi có khoảng năm hay sáu người và ông bắt đầu nói. Bởi tôi thực tâm không muốn có mặt ở đó nên chỉ lắng nghe, và ông nói về nhiều điều lý thú. Xong chuyện tôi chào ra về và nói theo phép lịch sự.
– Dạ, được gặp ông thật hay quá.
Ông Cụ tên Bill Lawrence, nhìn vào mắt tôi đáp lại.
– Anh à, gặp được anh cũng hay lắm. Tôi sẽ gặp anh nữa không lâu sau đây.
Tôi thưa với ông.
– Không, tôi không nghĩ vậy đâu, sáng mai tôi về rồi.
Một phần đó là sự thật và phần khác là lòng cao ngạo của tuổi mười chín.
Ông cứ nhìn tôi mỉm cười và nói.
– Chẳng mấy chốc tôi sẽ gặp lại anh.
Chuyện xẩy ra là tôi bị mất một món mang từ New York tới.Anh họ muốn tôi đến hỏi Ông Cụ xem nó ở đâu.Tôi hỏi.
– Anh nghĩ có hơi vô lý không ? Mình ở xa ông sáu cây số, ông biết gì về việc ở đây ?
Anh lắc đầu như thể đang nói chuyện với kẻ ngớ ngẩn và không nói gì thêm.Tối hôm đó anh dẫn tôi trở lại gặp Ông Cụ, chúng tôi bước vào, ông nhìn tôi cười và nói, ‘A, ta lại gặp nhau’.Rồi thêm rằng.
– Về điều mà anh tới đây để hỏi tôi, anh sẽ có câu trả lời khi quay về New York.
Xong  ông bắt đầu nói về những điều mà tôi chưa hề nghe trong đời. Tôi ngồi xuống ghế lắng nghe ông nói.Tôi chưa nghe ai nói những chuyện này mà mỗi điều ông nói tới thì làm như tôi đã biết rồi.Ông cũng nói những điều mà chỉ có tôi biết.Cuối cùng ông bảo.
– Anh à, tốt hơn anh về đi.
Lúc đó là hai giờ sáng, bốn giờ đã trôi qua mà tôi không hay biết.
Tôi về New York, và đúng như ông nói, câu trả lời cho điều tôi tìm kiếm dần dần tới và tôi có được tất cả những gì cần biết.Tôi cũng có kinh nghiệm khác khi thả bộ một mình ở công viên, suy nghĩ về những điều mà ông đã nói. Ông chia sẻ nhiều điều trong đó có những câu sau:
Tôi biết tôi là điểm linh quang từ
Ngọn lửa vĩnh cửu
Tôi là hạt cát trên
Bãi biển này của đời
Tôi liên hệ với một lá cỏ
Liên hệ với chiếc lá trên cây
Tôi là một phần của Tất Cả trong vũ trụ.
Còn có gì mà tôi không có được ?
Một điều cứ vấn vương trong tâm trí tôi là hạt cát và bãi biển.Hạt cát hoàn toàn tách biệt nhưng nếu không có nó thì bãi biển khác hẳn.Tôi bắt đầu nhìn nhiều khía cạnh khác nhau về điều ấy.Tôi suy gẫm sâu xa hơn, tìm tòi ý nghĩa của nó.
Lúc ở Chicago tôi lấy ở kệ sách của anh họ cuốn sách về Yoga, và đọc một câu nói đôi điều về hơi thở. Câu đó làm trí tôi nghĩ đến nhịp thở, tôi thành hòa theo nhịp thở và chuyện xẩy ra kế đó là một trong những kinh nghiệm mà về sau tôi đọc được trong sách.
Nó hoàn toàn khác với tâm trí lúc thường mà ta như bước qua cánh cửa vào trọn một tâm thức mới mẻ. Tôi đang bước đi và ngay đúng vào giữa lúc chân này đặt xuống và chân kia nhấc lên, làm như trọn thế giới đã thay đổi, và đủ mọi ý cùng bao chuyện bắt đầu ùa vào tâm trí tôi. Nó tiếp tục như thế một lúc sau.Và phút đó miên man dẫn tới điều kế.Tất cả âm thanh trong công viên thành phố lặng xuống.Tôi tới cầu thang và mọi việc chuyển khác; tôi sống trong tâm trạng như thế khoảng vài tuần.
Nhiều việc xẩy ra nhưng từ phút ấy, thấy rất rõ là tác nhân cho kinh nghiệm này là việc tôi được biết Ông Cụ, và căn bản cho mọi điều mở ra cho tôi là Theosophy. Tôi thấy cần trở lại gặp Ông Cụ và quyết tâm làm vậy. Cùng lúc ấy, người khác ở Kentuky liên lạc mà tôi không biết gì; họ ngẫu nhiên gặp người ở hội Theosophy và nghe nói về Ông Cụ, trọn cả nhóm kẻ trước người sau lần lượt tới sống ở Chicago, tụ lại trong ngôi nhà to lớn này đang cần được tu sửa.
Tôi đến Chicago tính là sẽ ở ba tháng, vậy mà nay tôi đã ở đó bốn mươi hai năm rồi.
– LO: Ông cùng các bạn thành lập một cộng đồng tinh thần tại Chicago. Điều chi đã dẫn tới việc ấy ? Làm sao ông can dự vô đó ?
– TB: Lúc chuyện xẩy ra thì chúng tôi không nghĩ là mình thành lập cái gì cả. Khi tôi đến Chicago, một nhóm chúng tôi tụ lại quanh Ông Cụ. Ông là trọng tâm.Đó là vùng có những ngôi nhà xinh đẹp nhưng suy tàn tới mức có sinh hoạt tiêu cực.
Chúng tôi học chung, thảo luận, chơi chung và rồi bắt đầu thực sự làm nhiều việc khác nhau.Bà quả phụ của một viên chức cao cấp trong thành phố Chicago là chủ nhân hai cao ốc ngay bên cạnh nơi chúng tôi cư ngụ. Tuy nhiên các cao ốc này bị sử dụng tệ hại theo nghĩa người quản lý chúng có tâm trí rất thấp, để cho cờ bạc và những chuyện khác xẩy ra ở đó. Ấy là một vấn đề rất thật trong cộng đồng.Bà chủ nhân đã lớn tuổi và chúng tôi chữa bệnh cho bà, nói về luân hồi cho bà nghe cùng nhiều chuyện khác.
Bà quyết định là sẽ bán hai cao ốc.Đối với chúng tôi ấy là tin rất tuyệt, nhưng lúc đó chúng tôi không có tiền vì cả nhóm toàn là sinh viên đại học, còn Ông Cụ cũng không có tiền. Ông có người bạn và anh của người này cho họ hay sự việc. Hai anh em sẵn lòng mua theo giá mà bà chủ nhà đưa ra. Chuyện sắp xếp đâu đó xong xuôi. Sáng hôm ấy là ngày trọng đại cho chúng tôi và luật sư hoàn tất thủ tục việc mua bán, đúng lúc tiền sắp trao tay và chỉ việc ký tên, bà bật nhổm lên đi ra khỏi phòng bảo Ông Cụ.
– Này, tôi đổi ý, không có mua bán gì nữa, xin ông gọi tôi sau khi mọi người về hết rồi.
Chúng tôi sững sờ vì tất cả chúng tôi đều mong có thay đổi do bán nhà mang lại. Ông Cụ gọi cho bà sau khi ai nấy đã về và bà nói.
– Anh biết không, Bill, tôi có nghe anh và nhóm của anh nói về luân hồi và đời sống sau khi chết. Trọn cả đời tôi chưa hề điều nào như thế, nhưng khi tôi ngồi trong phòng kia ngay trước khi chúng tôi ký giấy bán nhà, tôi thấy ông nhà tôi rõ như ban ngày và ông bảo tôi là để lại các tòa nhà cho anh và nhóm của anh.
Chồng bà đã qua đời khoảng hai mươi năm rồi.
Ông Cụ phá ra cười và nói.
– Vậy quí hóa quá, nhưng ông nhà có nói cho hay là làm sao chúng tôi sẽ trả được tiền nhà không ?Bà đáp.
– Tôi sẽ sắp xếp để anh phải nhận chúng, Bill à. Và bà làm y như lời.
Thế nên chúng tôi có hai cao ốc và không ai biết làm chuyện gì. Chúng tôi phải học để biết làm mọi việc và bắt đầu sửa sang các tòa nhà này, tu bổ chúng lại, làm đẹp bên trong lẫn bên ngoài. Thanh niên trong vùng lân cận bắt đầu tới dự và chúng tôi giao việc cho họ làm. Nhiều người trong bọn không có cơ hội biểu lộ óc sáng tạo của họ. Khi đó tôi đang học đại học và những người khác cũng thuộc hoàn cảnh tương tự; vài người trong bọn có việc làm và cả bọn chung tiền lại với nhau. Ở tuổi ấy bạn sống mà không cần nhiều tiền cho lắm.
Sau khi chúng tôi bắt đầu chỉnh đốn hai tòa nhà này, khoảng sáu tháng sau chủ nhân cao ốc bên cạnh đến gặp chúng tôi và nói.
– Này, tôi có tòa nhà mà con trai tôi không muốn giữ nữa. Tôi thấy việc các bạn đang làm. Tôi bán tòa nhà này cho các bạn được không ?
Thành ra trong vòng sáu tháng, với đồng lương của sinh viên đại học, chúng tôi làm chủ các cao ốc trên nửa khúc đường trong thành phố mà không phải ra công tìm kiếm, và cũng không có đồng nào.Chúng tôi khởi sự dùng nơi ấy, người ta đến với chúng tôi, đây là giai đoạn cộng đồng thành hình.Nhóm TTH và các lớp bắt đầu lớn, có lúc trọn những người tới đây đều là nhạc sĩ. Vào thời điểm đặc biệt đó không biết vì lý do nào mà có một nhóm nhạc sĩ trẻ tiếp xúc với chúng tôi, họp nhau đến 4, 5 giờ sáng. Họ muốn dùng nhạc để chữa bệnh, ngồi xuống bàn thảo với Ông Cụ đến sáng.
Nhóm gồm cả nam lẫn nữ, nhiều người trong nhóm nay đã tách ra và rất thành công trong thế giới âm nhạc, nhưng từ nhóm này mà cộng đồng thành hình rồi tăng trưởng. Nhóm tham thiền chung vào buổi sáng, xong sửa sang các cao ốc khác nhau đã suy sụp cần chỉnh đốn, tất cả thành thương nghiệp hỗ trợ cộng đồng. Nhóm các nhạc sĩ này sản xuất nhiều băng nhạc và còn cho ra những chuyện khác.
Cộng đồng cũng có vườn rau và nuôi ong lấy mật.Trọn những sinh hoạt này chỉ cách dưới phố năm phút, và nhìn ra cửa sổ là thấy tháp Sears.Trung Tâm Tinh Thần TTH này nằm ngay ở giữa trung tâm thành phố, rồi Ông Cụ qua đời năm 1987.
– LO: Những sách nào có nhiều ý nghĩa với ông trong việc học hỏi Theosophy ?
– TB: Nhiều sách lắm. Lúc ban đầu tôi thích đọc sách của bà Annie Besant và ông C. W. Leadbeater.Về sau, là cuốn Trước Thềm Thánh Điện - In the Outer Court của bà Annie Besant.Rồi tôi bắt đầu càng lúc càng quen với tác phẩm của HPB. Sách mà tôi đọc đi đọc lại hoài là Tiếng Vô Thinh - The Voice of the Silence, và Chìa Khóa Thông Thiên Học - The Key to Theosophy, chúng liên tục là sách đầy hứng khởi.
– LO: Khi nghĩ về Theosophy, có khía cạnh đặc biệt nào mà ông quan tâm rất nhiều không ?
– TB: Đối với tôi ý Một Sự Sống Duy Nhất là điều căn bản, vạn vật đều có liên hệ với nhau. Nhưng có lẽ việc thực hành và ứng dụng ý này là điều quan trọng nhất, vì một khi để mình hòa theo khuynh hướng ấy, bạn thấy có bao ứng dụng vô tận cho cá nhân và trong thế giới quanh ta. Nếu ý niệm Vạn Vật Đại Đồng là đúng thì nó đòi hỏi ta phải xử sự theo một cách nào đó trong đời. Nó đòi hỏi có lòng từ với người khác và với chính ta.Thường khi kẻ bị bỏ quên nhất và đối xử tệ nhất trong đời ta khi ta tập ứng dụng là chính bản thân mình.
– LO: Có một câu hỏi dường như rất khó trả lời trong khắp thế giới TTH. Theosophy là gì ?  Chữ này đương nhiên là được định nghĩa trong hội Theosophy, nhưng theo ông nó nghĩa là sao ?
– TB: Đó là một trong những câu hỏi không được trả lời, và nói chung ấy là điều hay. Nhưng nó cũng là một trong những vấn đề lớn nhất ta có trong thế giới TTH.Cho nhiều người thì Theosophy là đủ mọi việc.Nó truy ra từ ý niệm mọi sự sống là một.Nếu đó là một thực tại thì mọi tôn giáo đều có chỗ trong đó.Đối với tôi, Theosophy không có giới hạn. Nó không do một ai rất khôn ngoan, thông thái hay tài giỏi tạo nên. Một phần  của Minh Triết này được cho phép tỏ lộ ra vào một thời điểm riêng biệt, để đáp ứng lại một nhu cầu mà nhân loại nói chung đang có.
Nguồn gốc thật sự của nó là từ các đấng Cao Cả mà ta gọi các Mahatma, là các Chân sư Minh Triết.Theo tôi điều này rất là rộng lớn.Tôi biết nhiều người chìm đắm trong đó, dành cả đời mình để thể hiện nó, có tầm nhìn như thế.Ai thấu hiểu TTH là người không đặt ra phân biệt sai lầm, hồ đồ giữa những người khác, các chủng tộc hay tôn giáo khác. Về mặt này hay mặt kia họ là những người vĩ đại.
– LO: Vậy là theo một nghĩa, Theosophy cũng là một thái độ.
– TB: Phải, nó là một thái độ của trí và tâm, là sự học hỏi, là một kinh nghiệm, là cách suy nghĩ và là một cách sống, nên nó rất là bao trùm.
– LO: Số hội viên đang sút giảm ở nhiều nơi trên thế giới. Ông nghĩ sao về điều ấy ?
– TB: Nó là chuyện đáng quan tâm về vài mặt. Tôi xin nói ngay là tôi không lo ngại lắm với con số. Hiển nhiên là con số có tầm quan trọng của nó, nhưng hội Theosophy ra đời hầu có thể mang lại một mức hiểu biết nào đó. Để làm được vậy thì phải có việc tạo ra một số từ ngữ dù chỉ để bàn về các đề tài này chưa hiện hữu trong thế giới tây phương hồi thế kỷ 19.Nay ta có kho từ ngữ ấy.
Kết quả là hiện giờ có biết bao nhóm trên thế giới sinh hoạt theo mặt này hay mặt kia của TTH. Kể ra thì ta có chủ trương thức tỉnh trong hiện tại, nhóm chữa bệnh, chữa tình cảm, đủ loại nhóm được động lực Theosophy thúc đẩy. Sự thực là ta có nhiều sinh hoạt khác nhau theo đường hướng rộng rãi mang tính chất TTH ít nhiều thu hút người ta. Vào thập niên 1890 hay 1900, nếu bạn muốn biết điều gì đúng đắn về Phật giáo Tây Tạng thì hội Theosophy là nơi duy nhất có được thông tin chân chính loại ấy. Ta sang năm 2016 và ở bất cứ thành phố lớn nào trên thế giới cũng có những vị Lama Phật giáo Tây Tạng, giảng dạy theo quan điểm của tôn giáo ấy, thế nên vào thời điểm này nó không còn là phận sự của ta nữa. Ai lẽ ra được thu hút vể hội vào một lúc nào đó giờ có nơi khác mà họ có thể tìm được mái nhà.
Vậy con số hội viên giảm sút là việc tự nhiên phải có, vì Theosophy có đường hướng rất đặc biệt. Điều khác là nhiều hội viên trong hội, giống như tôi, đang dần có tóc bạc.Chuyện này rất thường khi bị xem là một vấn đề.
– LO: Ông sắp dự một diễn đàn thanh niên quốc tế tại Brazil, hiển nhiên là ông rất chú ý đến việc khuyến khích thanh niên về Hội và giúp nuôi dưỡng ước nguyện của họ về mặt này.
– TB: Nếu tôi đến với Hội lúc mười chín tuổi bằng cách gia nhập chi bộ ở Chicago thì chắc ngày nay tôi không có mặt ở đây. Có ba điều đặc biệt thu hút về hoàn cảnh xẩy ra cho tôi:
● Thứ nhất, tôi tích cực tham gia làm một việc chi đó.Tâm và trí của thanh niên cần có việc cho họ bận rộn.Ngồi thụ động một chỗ và tiếp nhận thì không hấp dẫn với cái tôi mười chín tuổi.
● Thứ hai, tôi tìm được điều có bản chất thực trong Theosophy, do việc có được chung quanh là những người khác tích cực giống như tôi.
● Thứ ba, có được một người giầu kinh nghiệm và tiến xa về những mặt này làm chuyện đầy ý nghĩa với tôi.
Nhờ ba điều ấy mà như có từ lực lôi cuốn.Tới lúc này, khoảng bốn mươi năm sau, trong số những người can dự từ thuở ban đầu của cộng đồng chúng tôi, tôi là người duy nhất vẫn còn tích cực trong hội Theosophy. Đó có phải là điều dở không ?Về một mức nào đó, điều này cũng đúng cho vấn đề số hội viên. Nhưng cũng tới một mức nào đó bạn phải tự hỏi, Thành công là sao ?
Khi nào thì bạn có thể nói một sự tương tác là thực sự thành công ? Có phải ấy là khi người ta ký đơn gia nhập, đóng niên liễm và ở lại nơi đó một thời gian ? Không chừng có vai trò trong chi bộ ?Đó có thể là một định nghĩa về sự thành công.Tại Hoa Kỳ ngày nay, trung bình 50 phần trăm người gia nhập hội Theosophy sẽ rời Hội hai năm sau.Thành ra về một mặt sự việc như cánh cửa xoay vần. Vậy có phải là điều dở ? Ai trong hai năm được cho thấy con đường chân thật dẫn đến tinh thần và chân lý, rồi bỏ đi sang nhóm khác thì đó có phải là điều dở không ?
Đây là những câu hỏi mà rốt cuộc tôi tự hỏi mình.Hiển nhiên ta muốn trò chuyện để có điều gì đó được khơi dậy nơi người khác, làm cho họ thấy đây là nơi họ có thể phụng sự.Ấy là chuyện tốt nhất. Nhưng căn bản mà nói việc chúng ta như là hội viên TTH, như là hội Theosophy, thì không phải chỉ là giảng dạy người khác, vì cách ấy phần nào muốn nói là ta cho họ điều mà họ chưa có, mà là tìm cách sáng tạo để nhắc nhở người ta về hiểu biết sâu xa nhất mà họ đã có sẵn trong lòng, và nghĩ cách khơi sáng nó.
view details