H.P.B. (Helena Petrovna Blavatsky)

PST72

(Xem Mục CHUYỆN H.P.B..)

Phật Giáo Truyền Sang Tây Phương

Tính đến giữa thế kỷ trước, Phật giáo được xem là một tôn giáo bên lề tại Âu châu và Mỹ châu.Thay đổi bắt đầu xẩy ra khi quyển sách bìa mềm tựa Buddhism được nhà sách Penguin phát hành năm 1951 tại Hoa Kỳ và Anh.Từ đó tới nay đã có hơn một triệu cuốn được bán ra. Christmas Humphreys (1901-1983), tác giả sách, là chủ tịch và là sáng lập viên Hội Phật giáo tiếng tăm ở London, và lèo lái tổ chức trong 60 năm.
Ông cũng là người có tiếng trong ngành luật, là Công tố viên Thượng cấp của chính phủ Anh và sau đó là quan tòa thuộc Tối cao Pháp viện. Cha của ông cũng là quan tòa có tiếng, được gọi là 'Ông Tòa Treo cổ', còn ông Humphreys được xem là  'Ông Tòa Dịu hiền, giúp thay đổi cuộc đời của ai bị ông xét xử.
Quyển Buddhism thường nhắc đến Theosophy và trích từ các bài viết của HPB. Điều này không có gì lạ vì Humphreys là hội viên của Hội cũng như là một Phật tử. Nhiều lần ông nói:
– Hội viên của Hội Theosophy than phiền là tôi thiên về Phật giáo quá, còn Phật tử than phiền vì tôi thiên về TTH quá, nhưng nếu tôi tìm ra một tôn giáo nào mà thích hợp hơn cho nhiều người hơn, tôi sẽ đổi đạo trong tích tắc.
Việc ông làm quen với Phật giáo và về sau với TTH xẩy ra vào lúc ông học luật tại đại học Cambridge.Có lần ông giải thích chuyện gì đến với ông trong quãng đời ấy.
– Hồi 16 tuổi tôi là tín đồ Thiên Chúa giáo nhiệt thành ... Tôi có người anh trai lớn hơn bốn tuổi, bị tử trận ở Ypres trong thế chiến thứ nhất, và thế giới của tôi tan vỡ. Lòng tôi tràn ngập một mối đau khổ vô hạn, với ý thức dữ dội về sự bất công ... Thế giới không còn ý nghĩa gì hết vì không còn hạnh phúc chi cả. Tôi bắt đầu đọc hết mọi điều trong ngành đối chiếu các tôn giáo ...
Tới năm 1919, ông đọc được cuốn Buddha and the Gospel of Buddhism, tác giả Coomaraswamy và nói thầm trong lòng, 'Sách nói đúng, chắc mình là Phật tử !' Ông bảo ý thức bừng tỉnh thực sự của mình đến nhờ hiểu biết ý niệm về nhân quả và luân hồi:
– Đối với tôi, triết lý đầu tiên xem ra hiển nhiên là sự Luân hồi.Tôi không học lại Phật giáo này, mà tôi nhớ lại nó. Tôi biết nó gần như  không cần phải bỏ công đọc lại cuốn sách, và chỉ trong một thời gian ngắn tôi bắt đầu viết và giảng về Phật giáo.
Tuy không hoàn toàn thỏa mãn với triết lý Phật giáo thường được giảng dạy trong thế giới, Humphreys đã tìm ra một lối để đi:
– Tôi thấy con đường nhưng tại sao nó ở đó ? Bản đồ hay một phần bản đồ ở đâu, để tôi có thể thấy khởi đầu và viễn ảnh về chung cuộc của nó ? Vì ngay cả bước kế tiếp cũng hóa chán nếu chính cái hướng của đường Đạo còn mờ mịt không biết ... Bà Rhys Davids (một học giả uyên thâm về kinh sách Phật giáo Tiểu thừa) nói 'Phật giáo là con đường dài giữa sự bất toàn hiện thời của chúng ta và sự toàn thiện tiềm ẩn nơi mọi người'. Nhưng tôi muốn thấy Thiên Cơ ấy. Tôi nhớ mình đứng khựng lại giữa đường trong thành phố Cambridge và lớn tiếng đòi hỏi 'Vậy không được, chán chết, vậy không được ! Mình là ai và mình là gì chứ, quay cuồng trên mảnh đất tí xíu này trong vũ trụ riêng biệt này ?’
‘Tôi tìm thấy Thiên Cơ của mình trong lời bàn của Kinh Dzyan, kinh điển rất cổ xưa của Tây Tạng, trong quyển sách tên The Secret Doctrine, của HPB. Cuốn sách này cho tôi lần đầu tiên điều tôi thấy, lúc đó cũng như bây giờ, như là sự diễn giải rõ ràng vạch ra vũ trụ thành hình như thế nào và ngưng lại ra sao, và nằm trong đó là việc khai sinh và ý nghĩa của con người. Đây là bản đồ của việc trở thành.’
Humphreys gia nhập chi bộ của Hội Theosophy ở đại học, và chẳng mấy chốc thành chi trưởng. Sau khi tốt nghiệp đại học Cambridge năm 1922, ông hoạt động tại hội ở London.Vài năm sau đó ông xin phép được thành lập một chi bộ Phật giáo bên trong Hội, và được chấp thuận.
Một trong những học trò của ông là cô Muriel Daw, ghi rằng khi nghiên cứu quyển The Secret Doctrine và rồi nhập tâm quyển The Voice of the Silence, ông thành ra kính yêu Helena Blavatsky với lòng ngưỡng mộ sâu xa. Ông có lòng tôn kính đối với cái tinh thần đã chiếu rạng qua bà và lòng biết ơn thật vô hạn đối với cuộc đời bà.Hứng khởi bà gợi nên không hề phai nhạt nơi ông, và bức hình của bà treo ở đầu giường ông cho tới khi ông mất.
Hoạt động của ông trong chi bộ Phật giáo thuộc Hội Theosophy kéo dài hai năm. Rồi ông nói:
– Năm 1926 với sự đồng ý của tất cả hội viên chúng tôi rời Hội Theosophy, với lý do là theo quan điểm của chúng tôi, sinh hoạt của chi bộ lúc ấy hướng quá nhiều vào các tổ chức bên ngoài tới mức gạt qua bên phần giáo huấn mà các Chân sư ở Tây Tạng truyền cho bà Blavatsky.
Tổ chức được thành hình mang tên The Buddhist Society với sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có một hội viên TTH tên Aileen Faulkner, mà năm sau thành hôn với ông Humphreys. Cuộc hợp tác tỏ ra mỹ mãn và kéo dài hơn 50 năm. Một thành viên khác cũng hoạt động tích cực trong tổ chức mới này là ông Edward Conze, người mà Humphreys xem là nhân vật lãnh đạo uy tín trong ngành Phật giáo Đại thừa.
Edward Conze cũng là hội viên TTH lâu năm dù làm việc với The Buddhist Society. Ông quí chuộng bộ The Secret Doctrine và tin bà Blavatsky là hậu thân của ngài Tsongkapa, nhà cải cách Phật giáo Tây Tạng hồi thế kỷ 19, và sáng lập ra phái Mũ Vàng là chi phái của đức Dalai Lama và Ban Thiền Lạt ma (Panchen Lama).
Sau khi thành lập The Buddhist Society, Humphreys tiếp tục thuyết giảng và viết sách về TTH. Trong quyển Exploring Buddhism, ông nhận xét là quyển The Secret Doctrine có thể được chấp nhận như là một trong các tác phẩm tôn giáo vĩ đại nhất đã có cho con người. Trong phần giới thiệu quyển Karma and Rebirth, ông cho độc giả hay rằng quyển sách là 'nỗ lực nhỏ bé nhằm xem xét lại đề tài theo những tài liệu có sẵn', chính yếu là kinh điển Ấn giáo và Phật giáo. Ông tiếp tục:
– Khi bình luận thêm vào những kinh sách này, các tác phẩm của HP Blavatsky người từng được học tập trong tu viện Tây Tạng, có ba nguồn 'thẩm quyền' khác mà tính chung, cho ra căn bản cho luật bao trùm khắp, hướng dẫn và quản trị sự tiến hóa của nhân loại.
Hội phải chật vật mới tồn tại và được sự trợ giúp lớn lao của một học trò của bà Blavatsky là tăng sĩ Dharmapala thuộc Tích Lan. Ông đến Anh hai năm để chỉ dạy Phật giáo cho The Buddhist Society; từ Thụy Sĩ  Dharmapala viết cho Humphreys, tự giới thiệu về mình bằng cách nói đến 'tác phẩm thuần Phật giáo', quyển The Voice of the Silence. Không cần phải nói, The Buddhist Society mừng rỡ đón tiếp Dharmapala.Về sau ông lập nên tổ chức British Maha Bodhi Society tại Anh.
Năm 1927, học giả Nhật tiến sĩ D.T. Suzuki cho phát hành cuốn Thiền Luận đầu – Essays in Zen Buddhism. Humphreys nhận xét là 'sách cho chúng ta nhiều hiểu biết hơn ngoài Thiền Phật giáo; nó cho ta viễn ảnh chói ngời về sự mênh mông của Phật giáo Đại thừa, khi cho tới nay hiểu biết của ta hoàn toàn chỉ nằm trong Phật giáo Tiểu thừa,' ngoại trừ quyển The Voice of the Silence của bà Blavatsky.Năm 1910, Suzuki viết cho vị hôn thê của mình là cô Beatrice Lane ở đại học Columbia về cuốn The Voice rằng 'Đây là Phật giáo Đại thừa chân chính'.
Humphreys gặp ông Suzuki năm 1936 tại đại hội thế giới các tôn giáo và kết tình thân, mối giao hữu kéo dài tới khi Suzuki qua đời năm 1966. Phải chờ tới giữa thập niên 1950 khi ông Suzuki có mặt tại Hoa Kỳ mà phong trào Thiền mới nẩy sinh. Đây là lúc 50 tâm lý gia và bác sĩ tâm thần Mỹ gặp ông tại Mexico để học về những ý tưởng của ông, và có nhiều mối liên hệ khác được kết với những tư tưởng gia quan trọng của tây phương.
Ngoài ông Suzuki, một người khác có công lớn nhất trong việc phổ biến Phật giáo tại Hoa Kỳ là Alan Watts; ông đã viết 30 cuốn sách về đề tài này cùng những đề tài khác. Trong quyển In My Own Way, ông viết về ông bà Humphreys như sau, dùng tên thân mật của hai người:
– Toby và Puck cho tôi một sự giáo dục mà không tiền của nào có thể mua được, và tôi chịu ơn hai người vô kể. Dù rằng lúc này tôi trách nhẹ nhàng vài diễn giải của Toby về  Phật giáo, tôi sẽ luôn yêu quí ông như là người đã thật sự làm óc tưởng tượng của tôi linh hoạt, và đặt để tôi trên trọn đường đời của tôi. Ta cần hiểu rằng Toby và Puck, trước tiên hết thẩy, là hội viên Hội Theosophy ... Như vậy, qua sách vở của bà Blavatsky mà các truyền thống này được đến với Toby lúc ông là sinh viên ở đại học Cambridge cùng với Ronald Nicholson.
(Về sau Ronald Nicholson thành giáo sĩ Ấn giáo tên Sri Krishna Prem, và viết quyển sách giá trị tên Man the Measure of All Things, bàn về bộ The Secret Doctrine).
Trong thời gian ông Watts hợp tác  với Humphreys tại London, ông biên tập tạp chí của The Buddhist Society trong hai năm, và do đó có được huấn luyện căn bản để làm việc về  Phật giáo. Ông biết được Suzuki qua Humphreys.
Humphreys có cống hiến đáng kể cho việc nở rộ phong trào Thiền. Ngoài những sách mà ông viết và các lớp ông dạy, Humphreys có công phần lớn trong việc làm cho tác phẩm của tiến sĩ  Suzuki phát hành rộng rãi trong quần chúng tây phương, và là đại diện cho Suzuki ở Âu châu. Dầu vậy, ông không chỉ nhắm vào một trường phái duy nhất của Phật giáo. Mối quan tâm hơn hết của ông là Phật giáo Thế giới, và ông tin rằng chỉ bằng cách kết hợp mọi trường phái với nhau thì ta mới khám phá được hết sự vĩ đại của Phật giáo. Năm 1945 ông trình bầy nét chung của những chỉ dạy như vậy trong tác phẩm 'Twelve Principles of Buddhism', sách được tất cả các chi phái Phật giáo chấp nhận, và đã được dịch ra 14 ngôn ngữ.
Có lần ông được mời góp bài về HPB cho một quyển sách.Humphreys viết:
– Thật là phụ nữ tuyệt vời làm sao ! ... bị hiểu lầm, nói xấu và chê bai, bà có bộ óc thực giỏi dang, lịch lãm và uyên bác thâm sâu; là linh hồn đúng thực cho lòng rộng rãi; một phụ nữ  có hành động và ăn nói thẳng thắn, không chịu nói lời đãi bôi và tầm phào mà ta nói đưa đẩy theo xã hội để được tiếng là biết xử sự phải phép, mà đưa ra sự thật cho bất cứ ai muốn có nó ... Bà không hề đứng trung lập hay là ai cũng thấy bà theo một cách chung. Bà kết được nhiều thân hữu sẵn lòng chết vì  bà, và kẻ thù muốn giết hại bà nếu họ làm được ... Đôi mắt xanh mạnh mẽ có thể nhìn thấu tư cách của người nam hay nữ  đến với bà, và thấy luôn cả ai về sau sẽ phản bội bà ... Bà sẽ giúp đỡ từ số tiền ít oi của mình (và bà luôn có ít tiền) tất cả ai cần được giúp, cho dù lúc ấy bà biết là họ đang âm mưu phá hoại công cuộc mà bà hiến trọn đời mình cho nó ...
‘Bà có sức thu hút mạnh mẽ khi nói chuyện, bà không hề thuyết giảng mà sẽ trò chuyện, và ai được nghe bà nói thì không thể còn nghĩ đến việc gì khác.Năm 1920 khi gia nhập Hội, tôi quen một số người biết rành về bà và họ cùng đồng ý một điều là sau khi đã gặp bà rồi thì không gì còn giống như trước nữa.’

Nay ta sẽ tóm tắt ảnh hưởng của HPB qua các tác phẩm của bà đối với một số ngành sau:

Thuyết Luân Hồi
Bà Blavatsky được cho là đã làm sống lại niềm tin vào thuyết luân hồi trong thời hiện đại, tuy nhiên phải tới giữa thế kỷ 20 con số tác giả viết về thuyết này mới gia tăng mau lẹ. Nói một cách dè dặt thì tại Hoa Kỳ, có ít nhất 1/4 dân số người đã trưởng thành tin vào sự luân hồi. Đây là thống kê trong một nước mà đa số người sinh ra thuộc các tôn giáo không dạy về việc tái sinh, thế nên kết quả thăm dò như vậy thật đáng kể.
Có nhiều nhân vật giúp mang lại thay đổi ngạc nhiên này, và mỗi nhân vật đều có liên quan ít nhiều đến TTH:
● Edgar Cayce (1923) được ông Arthur Lammers khuyến khích soi kiếp để chữa bệnh, với ông Lammers là hội viên hội Theosophy. Ban đầu khi nhận ra là con người có những kiếp trước do soi kiếp, điều này làm ông Cayce bị xáo trộn mạnh mẽ khi tỉnh dậy (ông phải thiếp ngủ mới có thể nhìn lại quá khứ), bởi ông là người Thiên Chúa giáo. Ông bị lòng nghi ngờ dằn vặt, và chỉ sau khi học hỏi kỹ và tìm hiểu kinh thánh cặn kẽ, sau chót ông mới chấp nhận có việc tái sinh.
Trong lúc thiếp ngủ như vậy, ông Lammer đặt câu hỏi với ông Cayce:
– Thông tin về kiếp trước của người ta lấy ở đâu ra ?
Dù thiếp ngủ, ông Cayce đánh vần rõ ràng chữ Akasha (danh từ), và Akashic (tĩnh từ), và giải thích:
– Akasha là chữ Phạn chỉ chất liệu ether căn bản trong vũ trụ, có tính điện - tinh thần. Akasha ghi lại không xóa nhòa được mọi âm thanh, ánh sáng, chuyển động hay tư tưởng từ khi vũ trụ thành hình. Nó ghi lại ấn tượng như tấm phim chụp hình bén nhạy, và có thể xem như là máy chụp hình khổng lồ đúng đắn của càn khôn. Bên trong mỗi chúng ta có khả năng đọc dữ kiện này sinh ra do làn rung động, nó tùy thuộc vào sự nhậy cảm của ta, và gồm có việc tâm thức hòa đúng mức, tựa như vặn radio cho đúng độ dài sóng ... Thiên ảnh ký còn có thể gọi là 'Ký ức chung của Thiên nhiên' hay 'Cuốn Sách Đời'.
● Tâm lý gia Gina Cerminara viết sách Many Mansions về ông Cayce năm 1950 làm nhiều người biết đến ông, về sau xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ, và cô là hội viên hội Theosophy. Trong nhà thì ông ngoại và mẹ cũng là hội viên; cô nói:
– Tôi rất cám ơn về hiểu biết mà Theosophy đã cho tôi. Khi nghiên cứu việc làm của ông Cayce, gần như  không có gì mà ông nói mới mẻ đối với tôi hay làm tôi kinh ngạc, vì đa số phù hợp với điều viết trong sách vở TTH.
● Các giáo sư đại học có tiếng nghiên cứu và giảng dạy về thuyết luân hồi như C.J. Ducasse, Ian Stevenson, làm cho thuyết được coi trọng hơn. Ban nhạc The Beatles cũng chú ý đến triết thuyết đông phương, và chuyện ít ai biết là ca sĩ Elvis Presley học hỏi trong nhiều năm bộ The Secret Doctrine và quyển The Voice of the Silence của HPB. Có người nói về việc ấy như sau:
– Sách vở mà Elvis Presley ưa thích để có được thăng bằng trong đời mình được sinh ra hồi thập niên 1870 ở thành phố New York do bà Blavatsky kỳ lạ lập ra ... Thực vậy, danh ca rất ưa thích cuốn sách mỏng tên The Voice of the Silence của bà dịch từ kinh sách Tây Tạng, nên thỉnh thoảng mang nó ra đọc trên sân khấu, và nó gợi hứng cho anh đến nỗi anh đặt tên cho ban hát thánh ca của riêng mình là Voice.
Khi danh ca đổi thợ hớt tóc sang người mới là Larry, người này làm anh lưu ý đến các Chân sư. Cô Priscilla, vợ của ông, viết trong cuốn tiểu sử Elvis and Me:
– Elvis khám phá ra là còn có nhiều bậc Thầy ngoài đức Jesus, như đức Phật, Muhammad, Moses và những người khác, mỗi người được chọn cho một mục đích riêng. Nay tôi chứng kiến một điều nơi Elvis là sự lộ ra một phần bản tính của anh, khao khát có câu trả lời cho hết mọi thắc mắc căn bản về cuộc đời.
Anh hỏi Larry là tại sao trong số bao nhiêu người trên mặt đất, anh lại được chọn để ảnh hưởng bao nhiêu triệu linh hồn. Được đặt vào vị thế độc đáo này, anh có thể đóng góp ra sao để cứu thế giới bị đè nặng vì nạn đói, bệnh tật và sự nghèo khó ? Mà trước tiên tại sao con người lại phải chịu biết bao đau khổ như vậy ? Và tại sao anh không có được hạnh phúc, khi anh sở hữu nhiều hơn bất cứ ai muốn có ?Anh cảm thấy mình còn thiếu điều gì đó trong đời. Anh hy vọng với nhận xét của Larry, anh sẽ tìm ra con đường dẫn tới các câu trả lời.
Anh hăng hái muốn tất cả chúng tôi - nhất là tôi - thấm nhuần hết mọi hiểu biết mà anh đọc được. Elvis hân hoan chia sẻ mọi điều, đọc cho chúng tôi cả mấy tiếng và đưa cho đọc những cuốn nào mà anh nghĩ là chúng tôi sẽ thích.
... Anh đọc chúng tới lui khiến cho sách hóa nhầu, góc sách xếp lại làm dấu, trang bị hoen ố, gần như mỗi trang có bút chì ghi nốt ... anh bảo tôi, 'Ta phải kiểm soát dục vọng của mình để chúng không kiểm soát được ta'.
● Người khác là Geddes MacGregor, giáo sư triết tại Âu châu và Hoa Kỳ mà cũng là giáo sĩ Anh giáo. Tại Hoa Kỳ ông là giáo sư triết ở đại học Southern California, và dạy triết lý tôn giáo từ 1960 đến 1975. Với tư cách là giáo sĩ, ông được chỉ định thuyết giảng tại St. Paul's Cathedral và Westminster Abbey ở Anh từ năm 1970. Ông viết nhiều sách về Thiên Chúa giáo, trong đó có hai cuốn về luân hồi. Trong một bài giảng năm1982, ông nói:
– Tôi nhớ kỹ hồi năm 15 tuổi, tình cờ tôi đọc được vài cuốn sách do các hội viên tiếng tăm của Hội Theosophy viết. Tôi lập tức bị thu hút, vì chính các cuốn sách thì ít mà đúng hơn là vì những gì có vẻ như chúng làm tôi gợi nhớ lại ... Khi tôi bắt đầu dành đời mình cho Thiên Chúa giáo, cùng lúc ấy tôi lầm tưởng là phải để qua bên những chỉ dạy như thế của TTH; nhưng thực ra tôi không hề từ bỏ chúng, mà cũng không thể làm vậy.
Ngược lại, chúng hằng soi sáng tất cả suy nghĩ của tôi về Thiên Chúa giáo, tuy chỉ trong khoảng thập niên qua tôi mới thấy rõ hơn hết so với trước kia, sự liên kết giữa kinh nghiệm và quan điểm của các nhà thần bí lớn trong Thiên Chúa giáo và Minh Triết Thiêng Liêng, mà nhờ Trời tôi được tiếp xúc thật sớm sủa trong đời, chặt chẽ như thế nào. Nó ở đó nẩy mầm trong tâm, ảnh hưởng hiểu biết tinh thần của tôi về mọi mặt mà chỉ đi tới thành quả trọn vẹn về sau, vào lúc tương đối trễ trong đời.
Không ai, những người đã đọc sách của tôi với con mắt tinh tế, mà không thể nhận ra (đôi khi còn rõ hơn chính tôi) là các ý niệm về MTTL ấy đã ảnh hưởng sâu đậm dường nào đến tư tưởng của tôi.  Tựa như những người xây cất vương cung thánh đường thời trung cổ, tôi đã tạo tác giỏi hơn là tôi tưởng ... Tôi luôn luôn thích thú với nhận thức đặc biệt rõ ràng là vì một lẽ nào đó, ở tuổi còn nhỏ tôi  được cho ý thức sự hiểu biết và cảm nhận mà tôi cần, để thủ đắc một số lớn kiến thức chuyên môn.
Các sách của ông về luân hồi xuất bản từ năm 1978 là:
– Reincarnation in Christianity: A New Vision of the Role of Rebirth in Christian Thought.
– Reincarnation as a Christian Hope.
– The Christening of Karma: the Secret of Evolution.
Giáo sư cũng dạy về thuyết luân hồi tại đại học University of California at Berkeley và đại học Iowa. Năm 1976 khi được mời giảng tại đại học McGill ở Montreal, Canada, ban đầu ông đưa ra ba đề tài cho ban tổ chức chọn. Nhưng rồi ông nẩy ý nghịch ngợm và ghi thêm đề tài thứ tư 'Thuyết luân hồi có tương hợp với Thiên Chúa giáo ?' Câu trả lời tức khắc là:
– Làm sao chúng tôi chịu đề tài nào khác hơn được !

Phong Trào Tâm Linh
Từ  thời của HPB tới nay, tư tưởng con người đã được mở rộng hơn với nghiên cứu về tiềm thức, tâm lý, phân tâm học, tân kỷ nguyên (New Age), kinh nghiệm cận tử (near death experience) v.v. Xem xét kỹ thì trong bất cứ ngành nào kể trên, ta đều có thể ghi nhận ảnh hưởng của HPB. Để tượng trưng thì phong trào tâm linh nở rộ vào cuối thế kỷ trước khiến có ý tưởng cho rằng HPB là mẹ đẻ sáng lập ra việc nghiên cứu chuyện thần bí tại Hoa Kỳ.
Bài viết trên tạp chí McCall số tháng 3-1970  của tác giả Kurt Vonnegut, Jr. tựa đề 'The Mysterious Madame Blavatsky' có những đoạn sau:
– Tôi thấy nhiều người Mỹ biết mơ hồ là có một bà Blavatsky ở đâu đó trong quá khứ xa xăm của chúng ta. Khi tôi hỏi họ đoán xem bà là ai và làm gì, họ đều giả dụ chung rằng bà là người lường gạt nổi tiếng nhất trong số nhiều người lường gạt, giả vờ là nói chuyện được với ai đã khuất. Câu trả lời này thiếu hiểu biết và bất công ...
Bà được 42 tuổi khi tới Hoa Kỳ năm 1873 và tâm trí bà đầy ắp những triết lý bí truyền, nhưng bà lại không muốn làm chuyện tiếp xúc với ai đã chết ... Bà nói rằng mình đã du hành vòng quanh thế giới ba lần trước khi ngừng lại nơi đây. Tờ Daily Graphic tại New York viết :
'Bà sống đời thực sôi nổi, đi tới nhiều vùng của đông phương, tìm kiếm cổ vật dưới chân kim tự tháp và chứng kiến nhiều điều huyền bí trong đền thờ Ấn giáo ...'
Trước tiên bà thật là can đảm khi đi xa như vậy chỉ một mình. Bà cũng thật khôn ngoan, biết hết sinh ngữ này rồi sinh ngữ kia, học những điều mà các hiền triết trong vùng biết. Và bà cũng thật rộng rãi, gần như không muốn gì hết cho mình ... Và bà cũng rất kinh sợ là ai không xứng đáng, không được luyện tập lại có thể mầy mò huyền thuật và sinh ra thảm họa.Bà tạo nên kẻ thù tại Hoa Kỳ vì nói rằng người đồng gặp rủi ro với những lực mà họ không hiểu.
Ông Vonnegut trích đoạn sau trong một bài viết của HPB về huyền bí học:
– Chỉ có động cơ, và động cơ mà thôi, là khiến việc sử dụng quyền năng thành tà thuật, ác độc, hay chính thuật, tốt lành. Ta không thể nào dùng lực tinh thần nếu trong tâm còn dấu vết lòng ích kỷ dù là thật nhỏ. Bởi, trừ phi dụng ý hoàn toàn được trong sạch, phần tinh thần sẽ tự biến sang phần tâm linh, tác động lên cõi trung giới và hệ quả tệ hại có thể được sinh ra. Quyền năng và lực của thú tính (là bản chất tâm linh) có thể được dùng bởi ai ích kỷ và muốn trả thù, cũng như nó có thể được dùng bởi ai không ích kỷ và sẵn lòng tha thứ; còn quyền năng tinh thần chỉ có nơi ai có tâm hoàn toàn thanh khiết, và đó là Huyền Thuật Thiêng Liêng.
Bài viết dài của ông được kết luận như sau.
– Có thể nói tôi viết về bà Blavatsky từ bên trong, lắng nghe bà và những ai yêu quí bà. Tôi cũng có thể dễ dàng tin rằng đời bà là trò cười hạ cấp, và mau mắn trích lời kẻ thù của bà, họ cho rằng bà là kẻ giả mạo trơ trẽn. Ít nhất, bà Blavatsky mang lại cho Hoa Kỳ minh triết từ phương Đông là điều mà nó rất cần khi đó, và vẫn còn rất cần ngày nay ... Nên tôi nói 'Cầu chúc bà Blavatsky được bình an và vinh danh bà'. Tôi hân hoan và thích thú rằng bà là công dân Mỹ ... Dù bà có thể khác đời, bà là người thực đáng yêu, nghĩ rằng mọi người là huynh đệ của mình, và bà là công dân của thế giới.
Trong những điều bà nói thì có câu này:
Chớ để mặt trời chói lọi làm khô một giọt lệ đau khổ
Trước khi con có thể tự mình lau ráo nó khỏi mắt của kẻ khổ đau.’
...
HPB trưng ra huyền bí học chân thực nên nếu so sánh điều bà viết với những gì được gọi là huyền bí học, chắc chắn bà sẽ từ chối không muốn nhận là 'mẹ đẻ sáng lập ra việc nghiên cứu chuyện thần bí tại Hoa Kỳ'; và điều gọi là huyền bí học của phong trào tân kỷ nguyên thực ra có huyền bí học giả hiệu.

Kết
Vinh Danh tại Quê Mẹ

Tại Hoa Kỳ, một nhóm gồm 200 người là học giả, giáo sĩ và người thường gọi chung nhóm nghiên cứu về đức Jesus (Jesus Seminar) sau sáu năm miệt mài tìm hiểu, dùng các chứng cớ mới nhất để có lịch sử đáng tin, khám phá là không có hơn 20% những câu nói được gán cho ngài trong kinh Tân Ước là thực sự do ngài thốt ra. Trong số những câu ngài không hề nói là câu 'Ta là con đường, sự thật và sự sống.Không ai đến được với Cha ta mà không qua ta'.Như vậy khám phá này làm suy yếu giáo điều chính của Thiên Chúa giáo là chỉ qua đức Jesus mà ta mới được cứu rỗi.
Còn về những lời được tin là do ngài thốt ra, người ta thấy có một câu ghi trong cả ba sách thánh Matthew, Mark và John với khác biệt nhỏ, về việc nhà tiên tri không được vinh danh nơi quê hương mình, hoặc nói dễ hiểu là 'Bụt chùa nhà không thiêng'.
Ứng dụng câu ấy vào trường hợp của HPB, sách của bà luôn luôn bị cấm tại Nga thời cộng sản. Thế nhưng tới năm 1990, tờ The Theosophist số tháng tám ghi:
– Quê hương của bà Blavatsky nay sống động với chú ý về cuộc đời và sự nghiệp của bà, thấy qua chuyến đi của bà Radha Burnier, Chánh Hội Trưởng Hội TTH quốc tế (Adyar) sang Moscow và St Petersbugh từ ngày 14-24 tháng 6, 1990 theo lời mời của Hội Nhà Văn Nga và tổ chức 'Peace Through Culture'.
‘Có hai buổi tiếp đón quan trọng tại Moscow, lần đầu tiên diễn ra vào ngày 18-6 với việc khai mạc cuộc trưng bầy về HPB ở trụ sở bề thế của Hội Nhà Văn. Nó có hình ảnh của bà, các tác phẩm của bà bằng Nga văn, trích đoạn từ các bài viết của HPB, nhận xét của thánh Gandhi, Jawaharlal Neru, Nicholas Roerich, và nhiều người khác về ảnh hưởng của bà trong đời họ, và một số sách TTH bằng Anh ngữ lấy từ Adyar.
‘Báo chí và truyền hình tại Moscow tường thuật sự việc này, và mấy triệu người xem được thấy lễ khai mạc vào giờ tin tức thuận lợi trên truyền hình, khi tin loan báo là năm 1991 sẽ được chào mừng là International Year of Blavatsky; đó cũng là kỷ niệm 100 năm ngày bà tạ thế.
‘Hôm sau, ngày 19-6 có một buổi họp tại sảnh đường của Hội Nhà Văn Nga để vinh danh HPB.Không có đủ ghế cho hơn 500 khách tham dự, đến chẳng những từ Moscow mà còn từ nhiều thành phố khác. Một bức chân dung lớn của bà có hoa bao quanh được đặt trên khán đài. Chủ tịch tổ chức 'Peace Through Culture' khi ấy là ông Valentine M. Sidorov nói sơ lược về cuộc đời của HPB, giải thích ba mục đích của Hội Theosophy, và chào mừng bà Chánh Hội Trưởng. Ông nói cuộc viếng thăm của bà là biến cố lịch sử, sau hơn 70 năm sách của HPB bị cấm và Hội Theosophy bị ngăn cấm nơi quê hương của bà.  Tiếp theo là bài nói chuyện của bà Radha Burnier ... Sau lúc giải lao ngắn, các bài thơ về HPB được đọc lên và những bài dân ca mà bà ưa thích được trình bầy. Mỗi nghệ sĩ đều dâng hoa tưởng nhớ HPB.
‘Chương trình tại St. Petersburg cũng gồm hai buổi họp, trong đó một buổi là tại trụ sở Hội Nhà Văn. Sau phần giới thiệu ngắn và bài nói chuyện của bà Radha Burnier, cử tọa được mời đặt câu hỏi. Mức chú ý sâu sắc của người tham dự, khoảng hai trăm người, thấy rõ qua những câu hỏi khác biệt và các loại về Hội và Theosophy.Thành viên của tổ chức Roerich Foundation góp phần rất nhiều vào chương trình, và mối liên hệ giữa Hội với gia đình Roerich cũng được thảo luận.
‘Một số cuộc nói chuyện riêng được tổ chức tại cả Moscow và St. Petersburg với ai thắc mắc muốn tìm hiểu và với cảm tình viên. Trong buổi thảo luận với nhân viên của tổ chức 'Peace Through Culture', có đề nghị đưa ra là xin phép viên chức thành phố Dnepropetrovsk (tên cũ là Ekaterinoslav), sinh quán của HPB, để đặt tấm bảng thích hợp lên căn nhà mà bà sinh ra, nay may mắn thay vẫn còn nguyên vẹn. Điều này được thực hiện vào ngày 12-9, 1991 theo lịch Nga hiện giờ, là ngày sinh của HPB. (Lịch tây phương hiện nay là 12-8, lịch Nga cũ là 31-7.)
‘Phần khác của chương trình International Year of Blavatsky còn là tái bản 5.000 quyển The Secret Doctrine bằng tiếng Nga. Bà Chánh Hội Trưởng Radha Burnier đề nghị dùng bản tiếng Nga hiện có để in tại nhà in Vasanta Press, Adyar, vì nước Nga đang thiếu giấy nên không thể in ra kịp để phát hành vào năm 1991. Dự tính là sách sẽ được cung cấp bộ sách cho thư viện và những cơ sở quan trọng khác tại Nga.
‘Như thế một khởi đầu mới đáng nói đã có, làm cho Theosophy được biết tới rộng rãi hơn ở Đông Âu. Chuyện đáng mừng là sáng kiến do chính người  trong nước Nga nêu lên, vùng đất rộng lớn mà không may là bao năm qua bị tăm tối, nay khao khát có hiểu biết tinh thần và ánh sáng cần để giải quyết những vấn đề của nhân loại.’
Trong International Year of Blavatsky, điều có ý nghĩa là dân chúng Nga đã cởi bỏ trói buộc của chế độ cộng sản và thay bằng chính quyền dân chủ, qua việc cuộc đảo chánh của phe bảo thủ Soviet vào tháng tám 1991 bị thất bại.
Tổ chức 'Peace Through Culture', cơ quan bảo trợ những cuộc họp nói trên tại Moscow và St. Petersburg, là một hội phi chính trị và phi chính phủ. Tên của nó do họa sĩ Nicholas Roerich đặt ra, ông là hội viên của Hội và là nghệ sĩ Nga nổi tiếng, với các họa phẩm được trưng bầy trong nhiều viện bảo tàng. Các bức trang trí của ông cho sân khấu những vở nhạc kịch của Wagner, Moussorgsky và Rimsky-Korsakov, và ballet như 'Rite of Spring' của Stravinsky được xem là tác phẩm nổi tiếng. Roerich còn viết nhiều sách về nghệ thuật, văn hóa và triết lý. Ông cũng đi thám hiểm và là khoa học gia, thực hiện việc khảo cổ lớn rộng ở Nga và Trung Á. Ông được đề nghị tặng giải Nobel hòa bình, do đã soạn hiệp ước để có sự bảo vệ của thế giới những dinh thự, đền đài và các nơi đáng quí về văn hóa, trong lúc hòa bình lẫn chiến tranh. Hiệp ước nào được 36 nước ký trong thập niên 1930.
Roerich là bạn thân của phó tổng thống Hoa Kỳ Henry Wallace, ông đề nghị là nay đã tới lúc dùng mặt chưa khắc của con dấu của Hoa Kỳ. Ông Wallace chuyển ý này sang tổng thống Roosevelt, và ngày nay trên tờ giấy bạc đồng dollar có mặt trái của con dấu, với biểu tượng là kim tự tháp chưa xây xong và con mắt huyền bí nằm thay cho viên đá tảng. Hàng chữ Novus Ordo Seclorum (Một Trật Tự Mới của Thời Đại) nằm dưới kim tự tháp.
Món quà của Hội Theosophy (Adyar) là 5.000 bộ The Secret Doctrine dùng bản dịch của bà Helena Roerich, phu nhân ông Nicholas Roerich, xuất bản tại Riga, Nga năm 1937, được ông Boris de Zirkoff cháu của HPB khen là tuyệt vời. Ta được biết bản dịch thực ra là công việc của trọn gia đình, với ông Nicholas và hai con trai cũng đóng góp.
Nói thêm về hoạt động của ông Roerich, ông được xem là anh hùng tại Nga, và chủ tịch Mikhail Gorbachev cũng ưa thích họa sĩ. Năm 1987 Gorbachev mời con trai của Roerich đến dùng cơm trưa tại điện Kremlin và cho hay ông muốn bảo trợ một trung tâm Roerich tại Moscow. Kết quả là nhiều trung tâm Roerich được lập nên trong các đô thị khắp nước, và bà Raisa Gorbachev tham gia vào việc lập quỹ mang tên Roerich.
Sau đó, Gorbachev cho phi cơ sang Ấn để con trai ông Roerich là Svetoslav chuyển trọn bộ tranh của Roerich từ Bangalore, Ấn Độ, nơi ông cư ngụ sang Moscow và nay chúng được cất giữ ở đó.
Về việc ông bà Roerich gia nhập Hội năm nào, thì trong tài liệu lưu trữ tại thư viện Roerich ở New York có thư của Hội Theosophy tại Anh, cho thấy hai vị vào Hội năm 1920. Ta không biết trước đó hai vị có là hội viên tại Nga hay chưa. Trong những năm cuối đời, gia đình Roerich sống tại Ấn. Từ Darjeeling, ông viết thư cho bà Annie Besant. Chánh Hội Trưởng lúc ấy (31-3-1924):
– H.P.Blavatsky, vị sáng lập vĩ đại Hội Theosophy, trong bài viết chót hết của bà, vạch ra sự quan trọng của nghệ thuật. Bà thấy trước ý nghĩa tương lai của lực sáng tạo lớn lao này, điều sẽ giúp xây dựng thế giới mới, vì nghệ thuật là chiếc cầu gần nhất giữa các quốc gia khác nhau. Chúng ta nên luôn luôn ghi nhớ ý tưởng này của nhân vật cao cả, và cách giản dị nhất để giữ nó luôn trong tâm trí là nên lập tại Adyar một bảo tàng viện nghệ thuật, hiến dâng trong danh nghĩa H.P.Blavatsky. Một viện như thế sẽ thu hút đại diện của mọi ngành nghệ thuật, và tụ hợp người mới quanh nơi đã sinh ra bao ý tưởng cao cả. Nếu Hội sẵn lòng xem xét đề nghị của tôi, tôi xin tặng cho nhà bảo tàng Blavatsky bức tranh 'Sứ Giả – The Messenger' của tôi, được vẽ tại đây, để tưởng nhớ người phụ nữ vĩ đại ấy.
Đề nghị được chấp thuận và vào ngày 18-1, 1925, một bài báo viết:
– Ông Roerich kéo tấm màn để lộ bức họa và nói, 'Tại ngôi nhà Ánh sáng này tôi xin trưng bức họa, hiến dâng cho Helena Petrovna Blavatsky, như là tâm điểm cho Nhà Bảo Tàng Blavatsky tương lai có tiêu ngữ 'Mỹ Lệ là Trang Phục của Chân Lý'.
Bức họa, khoảng 105 x 90 cm, là tranh tempera với mầu chính là mầu tím, vẽ một thiếu nữ trong ngôi chùa Phật giáo, mở cửa đón nhận sứ giả lúc sáng sớm.
Nhân viên viện bảo tàng Roerich giải thích là thiếu nữ trẻ tuổi trong tranh tượng trưng cho nhân loại, còn sứ giả bước vào ngôi chùa tượng trưng cho HPB, và công việc của bà trước công chúng bắt đầu năm 1875.
Nơi cư ngụ cuối đời của ông bà Roerich là tại thung lũng Kulu trong tiểu bang Punjab của Ấn, ở đây ông Roerich viết một thư cho cháu bà Blavatsky là ông Boris de Zirkoff, có đoạn:
– Xin cám ơn thư ngày 20-5, 1939 của ông, thư chỉ mới đến góc núi này của chúng tôi hôm nay. Tôi rất mừng được viết cho ông bằng tiếng Nga, và cũng mừng rằng ông là thân nhân của HPB, người mà chúng tôi có lòng tôn kính sâu đậm. Sẽ tới lúc tên của bà vang dội khắp nước Nga, với sự quí chuộng và tôn kính ... Người Nga thường lãng quên  chính các vị lãnh đạo tư tưởng của mình, và nay là lúc chúng ta học quí chuộng kho tàng đích thực ...
‘Trong khi tôi đang viết những giòng này cho ông, trước mắt tôi ở nơi xa tít mọc lên những đỉnh núi tuyết phủ và đường đèo vòi vọi dẫn sang Tây Tạng. Chúng đứng như là nhân chứng lặng thinh cho các Chân lý trường cửu mà sự tái sinh động nằm khuất trong đó, cùng với sự toàn thiện sau cùng của nhân loại. Các Đấng Cao Cả luôn sẵn sàng trợ giúp nhưng con người thường khi quay lưng với sự giúp đỡ ấy. ‘
Giờ đây, thanh niên Nga đặc biệt là người hăng hái trong việc học hỏi các chỉ dạy của HPB. Họ cũng quan tâm đến việc tìm kiếm trong thư viện và đại học những thư  của bà đã thất lạc từ lâu. Trong quyển History of the Russian Theosophical Movement, tác giả Helen F. Pissareff ghi là năm 1909, bà cùng với một nhóm hội viên Nga sang dự đại hội quốc tế Theosophy tại Budapest. Trên đường về nước, họ đi thuyền qua Athens, Istanbul và Odessa. Đây là trạm chót vì mọi người đều muốn gặp hai cháu gái của HPB, là con gái của Vera, em bà. Họ được đón tiếp nồng hậu và được tặng nhiều hình ảnh, chân dung và các tài liệu quí giá khác.Chúng được lưu trữ tại trung tâm Theosophy ở St. Petersburg trong một quyển sách hình lớn.Những năm về sau nhà cầm quyền cộng sản tịch thâu các vật này.
Ngày nay việc truy tầm các tài liệu về HPB tiếp tục diễn ra trong các thư khố và thư viện Nga. Có ít nhất khoảng một trăm bức thư của bà đã được tìm thấy. Vì vậy ta có thể nói không phải là HPB không được vinh danh nơi quê hương mình. Nhưng còn Hoa Kỳ, vùng đất mà bà chọn để hoạt động thì sao ? Nơi đây có nhiều hội viên và sách của bà được lắm người học hỏi, nhưng khi nước Nga loan báo năm 1991 là năm quốc tế về Blavatsky, không một tờ báo hay tạp chí định kỳ tại Mỹ đăng tải tin này.
Vì sao như thế ? Bài viết tên 'Helena Petrovna Blavatsky' của ông James Pryse, viết năm 1898 gợi ý trả lời:
– Kẻ thật sự cao cả vượt xa trước đồng loại mình, và chỉ được quí chuộng đúng mức bởi các thế hệ sau; chỉ có ít người trong thế hệ của họ là hiểu được ai như thế. Việc xem xét vào lúc có sự việc chỉ gặp ở chuyện nhỏ, với chuyện lớn người ta phải chờ một khoảng thời gian tương xứng để lượng xét chúng đầy đủ.Người ta nói rằng trong số các tượng dự cuộc thi được đặt trong đền thờ của cổ Hy Lạp, có một tượng xem ra thô sơ, chưa hoàn chỉnh và sần sùi góc cạnh, làm giám khảo cười chê. Nhưng mỗi một tượng trơn láng hoàn hảo chỉ được đặt lên cao để rồi bị hạ xuống vì chi tiết của chúng không phân biệt được với nhau ở độ cao như vậy, và vẻ sáng từ mặt phẳng được mài nhẵn nhụi của nó chỉ làm rối loạn đường nét của tượng, tác phẩm bị chê bai cuối cùng được đặt vào chỗ và ai nấy mê mẩn kinh ngạc vì nét mỹ lệ của nó, vì bề mặt gồ ghề của vật làm cho đường nét rõ ràng, và khoảng cách xa làm dịu bớt đường cong sù sì chỉ đẽo sơ sài của tượng.
‘Nếu H.P.Blavatsky có vẻ thô kệch, thiếu tế nhị và ngay cả thô lỗ với ai quanh bà, nó chỉ là vì bà vĩ đại. Vào thời buổi này với cách xử sự chìu lòng người, những trường phái tư tưởng theo qui ước, điều tầm thường được khoe trương, bà xem ra bị đặt không đúng chỗ. Tựa như nhà tiên tri thuở xưa, sôi nổi như Elijah, lừng lẫy như Isaiah, thần bí như Ezekiel, bà tung ra lời chê trách sự xấu xa và giả dối của thế kỷ 19. Bà là người tiền phong hét to trong chỗ có rối loạn niềm tin.Bà không thuộc vào thời đại này. Thông điệp của bà đến từ quá khứ vĩ đại, và bà truyền nó không phải cho thời hiện nay mà là cho tương lai.
‘Bởi hiện tại bị chìm khuất trong màn tối đen của chủ nghĩa duy vật, và chỉ có ánh sáng trong thời xa xưa mới soi sáng được tương lai ... Bà tuyên bố cho ai có tai để nghe các chân lý đã bị quên lãng mà nay nhân loại cần. Bà làm chứng nhân cho sự Hiểu Biết vào thời đại đã trở thành không hiểu biết.Bà mang đến tin về Thiên Đoàn mà vào thuở xa xưa là 'Người Chăn Dắt' nhân loại.’
Trong bài nói chuyện tại trụ sở hội ở Hoa Kỳ, nhân bách chu niên ngày bà qua đời, 8- 5 - 1991 của giáo sư Stephan Hoeller có đoạn:
– … Bà là ai ? Ta không biết. Có lẽ sẽ chẳng bao giờ ta biết được.Bà vẫn mãi là điều bí ẩn cao quí.
‘Nhưng có một điều khác mà ta biết, ấy là ai không biết ơn về điều họ nhận được thì chắc chắn không đáng được ân huệ thêm. Nên bổn phận của ta ngày hôm nay là bầy tỏ lòng tri ân đối với việc bà là người như  bà đã là, và về điều bà cho chúng ta, mang đến cho ta… Ta phải tạ ơn bà hôm nay và cho tới ngày cuối đời của mình. Xin vạn tạ, Helena Petrovna, thâm tạ, đa tạ vô cùng.’

Để kết thúc câu chuyện về cuộc đời và ảnh hưởng của Helena Blavatsky, đây là vài hàng của bà để lại.Người ta tìm thấy chúng trên bàn viết sau khi thân xác của bà chết đi ngày 8-5, 1891.
Có một con đường, dốc đứng và gai góc, chứa đầy hiểm nguy đủ mọi loại, nhưng vẫn là một con đường; và nó dẫn đến tâm của vũ trụ.Tôi có thể nói với bạn cách tìm những Vị sẽ chỉ cho bạn cổng bí mật chỉ đưa vào nội tâm ... Vì cho ai thắng cuộc và tiến bước, có một phần thưởng vượt hết mọi điều, quyền năng ban phước và cứu độ con người.Và cho ai thất bại, còn những kiếp khác có thể đạt tới thành công.

 

HẾT

 

Sylvia Cranston
The Extraordinary Life and Influence of Helena Blavatsky.