ĐỌC KINH TÂN ƯỚC

 

 

 

Thiên Chúa giáo là tôn giáo có chỉ dạy bị nhiều hiểu lầm.Giống như các tôn giáo khác, Thiên Chúa giáo có phần bí truyền dành cho thiểu số chọn lọc, gồm những điều đức Chúa giảng dạy cho tông đồ mà không nói trước đám đông, và phần công truyền dành cho công chúng, sử dụng ngụ ngôn chứa đựng ý sâu xa cho ai biết cách suy diễn. Theo với thời gian, phần bí truyền bị mai một, còn về phần công truyền do thiếu hiểu biết con người có khuynh hướng gán ý vật chất cho chuyện tinh thần, giải thích chân lý thiêng liêng theo quan điểm cõi phàm làm sai lạc tư tưởng nguyên thủy. Do đó từ thuở ban đầu của Hội, bà Blavatsky và rồi nhiều tác giả khác về sau đã nỗ lực trưng ra hiểu biết đúng đắn hơn về kinh thánh.
Mặt khác, một phần việc của đức Jesus vị sáng lập Thiên Chúa giáo vẫn còn là dùng chữ viết để sửa lại các triết lý sai lầm trong quá khứ, hầu nhờ đó khêu gợi tinh thần khoan dung lớn lao hơn, chẳng những giữa các chi phái khác nhau của Thiên Chúa giáo, mà còn nhằm biểu hiện tinh thần ấy với các tôn giáo khác. Ngài dùng mọi cách có được, dù nhỏ bé và khác nhau, để thực hiện mong ước là mang lại sự kết hợp mọi người trên thế giới. Tác giả Cyril Scott được sử dụng cho việc này, ông soạn quyển The Adept of Galillee rồi được ngài phù trì - overshadow để viết quyển The Vision of the Nazarene, giúp cho những ai không thỏa mãn với cách diễn giảng kinh thánh theo quan điểm của giáo hội, hàng giáo sĩ, và ai không còn tin vào các chủ trương ấy.
Cho riêng PST, năm 1983 trong số 27 ta giới thiệu sách The Vision of the Nazarene nhằm góp phần cho cùng mục đích. Rải rác từ đó tới nay là những số báo khác viết về tính bí truyền của chỉ dạy trong kinh thánh. Số vừa rồi PST 71 trình bầy ý nghĩa Thiên Chúa giáo, nay tiếp tục phần việc ta sẽ bàn về vài ý trong kinh Tân Ước mà nghĩa của chúng hoặc đáng chú ý, hoặc cần được hiểu theo cách khác với quan niệm thông thường.

Diễn Giải
Sau đây là vài giải thích trích từ hai tác phẩm trên.
‘Hãy để người chết chôn người chết’ (Matt, 8:22), được hiểu là hãy để người mà phần tinh thần  đã chết chôn người đã chết phần thể chất.
‘Con người không có chỗ gối đầu’ (Matt, 8:20), ai đã giác ngộ thì trở thành công dân của thế giới, tâm thức không còn giới hạn vào một nơi chốn . Câu trên mô tả tính chất này nhưng bởi nhìn theo quan điểm loài người nên mang ýthan thân, là đặc tính không có nơi bậc Chân sư.
● Lời trách mắng cây sung không ra trái (Matt 21:19). Ta nên nhớ là bốn sách kinh thánh Matthew, Mark, Luke và John viết vài trăm năm sau khi đức Chúa đã qua đời, và bằng tiếng Hy Lạp mà không phải bằng ngôn ngữ của người thời đức Chúa là tiếng Aramaic. Tất cả có nghĩa là tam sao thất bổn, trong kinh có chân lý đẹp đẽ mà cũng có sai lầm, và lời thuật về cây sung là một trong các sai lầm ấy. Chuyện xẩy ra vào mùa xuân, cây cối chưa đơm bông kết trái thì cây đâu có lỗi gì ! Thế nên có nhận xét cho rằng đoạn này không phải là lời Chúa, mà do người viết kinh thánh đặt ra.
Thí dụ khác là chuyện kể đức Jesus khóc lúc nghe Lazarus đã chết, thực không đáng tin. Tại sao ngài lại khóc nếu biết là có thể làm ông sống lại, hay nếu ngài biết rõ là ông chưa chết ? Muốn nói cách nào cũng không ổn !Lòng từ biểu lộ cách đó thì là khuyết điểm.  Nếu có y sĩ tuy biết rõ là bệnh nhân có thể cứu được mà vẫn òa ra khóc khi nghe thân nhân nói là bệnh nhân đau nặng, thì ta sẽ nghĩ sao về y sĩ ấy ? Chắc chắn làm vậy là cách hay nhất để làm thân nhân kinh hoảng hồn vía lên mây.
‘Ai có sẽ được có thêm, ai không có sẽ mất đi điều họ có’ (Mark, 4:25), mọi chuyện của kinh thánh  cần được hiểu theo nghĩa tinh thần, vậy câu này muốn nói ai hiểu biết sẽ nhờ vậy có thêm hiểu biết tinh thần, ai chưa có hiểu biết và do đó làm lỗi thì hệ quả là mất đi những gì họ có.
● Hôn nhân. Vài điều cần nói về đề tài này. Thứ nhất là nhiều người đặt niềm tin mù quáng vào lời ai ghi chép kinh thánh là người chưa toàn hảo, và  có ít tin tưởng vào phần tinh thần trong chỉ dạy của ngài, sinh ra nhiều điều tai hại và đáng tiếc. Thứ hai là luân lý và tục lệ không giữ nguyên mà thay đổi theo thời gian và không gian,  luân lý và tục lệ của một vùng và một thời đại sẽ khác với vùng khác và thời đại khác. Vì thế những gì mà ngài thốt ra về hôn nhân không hàm ý rằng đó là luật ghi khắc trên đá bất di bất dịch cho mọi người và mọi thời đại, và giáo hội đã sai lầm khi diễn giảng lời ngài chẳng những theo nghĩa vật chất, mà còn theo cách vô minh của loài người.
Thực tế là không biết bao lần, con người và giáo hội đã dựa vào lời ngài như là cớ để làm tan rã cuộc hôn nhân hay chấp thuận việc thiếu lòng từ trong hôn nhân, và khi khác cũng lời ấy được dùng cho việc ngược lại là duy trì hôn nhân giữa hai bên dù không hợp nhau. Thế nhưng ngài có hề khuyến khích sự tàn nhẫn giữa con người với nhau chăng ? Như vậy, ai từ chối không hủy bỏ sự kết hợp do hôn nhân trong đó hai kẻ bị ràng buộc và đau khổ, chán ghét lẫn nhau, là hành hạ người trong danh ngài. Mà cũng vì thế, ai trong hôn nhân không còn thương yêu nhau mà nay cố tâm yêu quí nhau trở lại, thì họ quả là anh hùng trong mắt ngài, và rất gần với Thượng đế là Tình Thương.
Nói về câu:
‘Ai mà Thượng đế đã nối kết thì không kẻ nào khác được tháo gỡ. (Matt, 19:6)
mà giáo hội thường dùng làm cớ để không cho hủy bỏ hôn nhân, ngay cả khi hai bên bất hòa với nhau, khi xử sự như vậy giáo hội đã cao ngạo tự cho mình vai trò và quyền hạn  của Thượng đế, nhưng họ quên rằng lúc  lời ấy thốt ra thì chưa có giáo hội, cũng như diễn giải cách đó là đi ngược hẳn với lời đức Chúa rằng ‘Thượng đế là sự Thương Yêu’.
Câu nói trên vì vậy có ý nghĩa cao hơn và sâu xa hơn. Bởi trọn vũ trụ được tình thương nối kết, lời này có thể được diễn giải như sau:
– Ai do tình thương cao quí và trọn lành nối kết với nhau, thì không kẻ nào khác nên tìm cách chia lìa.
●Ý ‘Con Một’ cũng cần được nói cho rõ, vì nó không có nghĩa thông thường trong tôn giáo rằng ngài là ‘Con Một của Thượng đế’. Nhắc lại thì các sách kinh thánh ban đầu viết bằng tiếng Hy Lạp nên không phải là nguyên văn lời Chúa, bởi vậy ý nghĩa sẽ thay đổi tùy theo mức giác ngộ hay thiếu hiểu biết của người đọc.
– Một cách diễn giải nói rằng chữ trong kinh thánh không nên dịch là ‘Con Một’ mà là ‘trở thành duy nhất’, theo nghĩa linh hồn sau bao kiếp đồng hóa với phần vật chất và các thể thanh, nay thăng hoa, cởi bỏ được ràng buộc của những thể này, chỉ còn lại nó ở trạng tháitinh thần cao nhất (Samadhi). Nói khác đi, ấy là trạng thái cách biệt của Tinh Thần đối với thế giới thấp hơn.
– Cách thứ hai nhìn sự việc theo mặt vũ trụ học, là con người tinh thần được sinh ra từ một nguồn duy nhất, một nguyên lý thiêng liêng, khác với sự tạo hình do hai tác nhân hợp lại như noãn và tinh trùng cho ra thai nhi.
Nói ra ngoài đề một chút thì vũ trụ học khi hiểu đúng cũng cho giải thích thỏa đáng ý ‘thụ thai vô nhiễm’. Chữ này không hàm ý là người trinh nữ được thụ tinh theo phép lạ, vì ta nên nhớ mọi chuyện trong thiên nhiên đều xẩy ra theo luật mà không có phép lạ, tức đi ngược với luật. Ý ‘thụ thai vô nhiễm’ không nói về sự kiện tạo hình trong bụng mẹ, mà muốn nói đến việc tạo lập vũ trụ, là các cõi trong vũ trụ thành hình từ biển vật chất. Chúng được tạo ra từ một nguồn nguyên thủy (biển vật chất trinh nguyên) không có gì khác thêm vào, do đó ‘vô nhiễm’.
● Về câu ‘Luôn luôn có người nghèo trong đời’ (Matt, 26:11), chắc chắn ta không nên hiểu theo nghĩa đen, và Đấng thốt ra lời ấy không hề ngụ ý việc giầu nghèo theo nghĩa có ít hay nhiều của cải trong xã hội. Giống như mọi chỉ dạy khác của ngài, lời này phải được hiểu theo nghĩa tinh thần, là luôn luôn có người chưa hiểu biết, nghèo sự minh triết, thiếu giác ngộ trong cuộc sống. Khi con người dùng câu này, dù là giáo hội hay giáo sĩ, để khuyến khích tín đồ làm từ thiện là đi quá xa ý nghĩa thật, cho thấy không phải hễ là giáo sĩ, giáo hội thì mặc nhiên có hiểu biết đúng về kinh thánh.
● Việc hiểu kinh thánh sai lầm còn là do con người mất đi chìa khóa để hiểu những dụ ngôn trong chuyện. Chẳng hạn chữ ‘Cha’ thường dùng trong kinh thánh không có nghĩa là ông lão râu tóc bạc trắng bay phất phơ trên trời như hình vẽ mô tả. Hiểu theo nghĩa tinh thần thì đó là Chân Thần của mỗi chúng ta,và như thế khi đức Chúa nói:
– Ta với Cha Ta là Một.
nó hàm ý linh hồn bậc tiến xa hòa hợp với Chân Thần của mình; lời ấy mô tả thực tại của ngài và sẽ là thực tại cho chúng ta mai sau. Một chân lý thường có nhiều nghĩa tùy trình độ người, ở đây khi đức Chúa nói theo nghĩa ngài là bậc đạo đồ bẩy lần chứng đạo, tâm thức siêu việt thì câu trên còn có thể hiểu là ngài hòa hợp với vị Hành Tinh Thượng đế, quả thật là ‘Cha’ của muôn loài.
Cũng vậy, câu:
‘Lạy Cha, không phải ý con mà xin cho ý Cha được trọn’ (Mark, 14:36)
thốt ra lúc ngài cầu nguyện ở vườn Gethsemane, cho thấy ngài nhận thức ý muốn của Chân Thần và sứ mạng của mình. Lời này không có nghĩa như nhà thần học và giáo sĩ Thiên Chúa giáo quen diễn giải, là ý chấp nhận  việc bị bắt và chết trên thánh giá sắp đến với ngài. Đúng ra, nó là lời bật lên khi cảm biết ý của Chân Thần; con người từ bỏ ý mình mà cuối cùng nhìn nhận và trụ vào Chân Thần.
● Nói về các nghi lễ và phép bí tích được cử hành trong Thiên Chúa giáo nhân danh đức Jesus, không phải tất cả chúng là do ngài đặt ra mà chúng được du nhập từ các tôn giáo cổ xưa hơn. Giáo sĩ ngày nay xướng kinh, tin rằng ấy là lời mà ngài đã nói đầu tiên với các tông đồ, nhưng thật ra chúng được lấy từ một tôn giáo đã có lâu trước đó. Cũng y vậy, khi dâng lễ với lời xướng nhắc đến xác thân và máu của ngài (bánh thánh nay trở thành thân xác đức Chúa và rượu thành máu), và tín đồ khi nhận bánh thánh tin rằng họ rước Mình Thánh  Chúa, thì sự thực là thân xác và máu ấy không khác gì thân xác và máu của ai nhắc lại lời xướng. Có nghĩa không có gì huyền bí như tín đồ vẫn gán cho sự việc, và lời thốt ra trong lúc hành lễ chỉ có tính cách biểu tượng. Nghi lễ được cử hành chỉ là để nhắc ta nhớ đến ngài, và ý bánh thánh nay trở thành thân xác đức Chúa và rượu thành máu là do con người chế ra, tạo chuyện huyền bí để mong giải thích nghi thức mà họ không hiểu.
Nhưng có thật chuyện huyền bí cho ai thấy được, ấy là nếu nghi lễ được cử hành đúng cách, nó sẽ triệu thỉnh một Đại Thiên Thần, ngài đến tuôn rải sự chói rạng của ngài cho mọi ai tham dự, nâng cao tâm hồn và thanh tẩy tình cảm họ tùy theo khả năng và mức họ sẵn lòng tiếp nhận. Hiện giờ chưa thể có hiểu biết ấy, nhưng sẽ tới lúc con người có khả năng nhìn thấy việc ở cõi thanh mà nay đang bị che khuất, và khi đó sự thực về nghi lễ triệu thỉnh này được chứng minh và nhìn nhận.
● Sau hết, thí dụ cho việc con người hiểu sai lạc kinh thánh ra sao là hình ảnh đức Chúa được mô tả từ cả ngàn năm nay hoàn toàn không chính xác. Ngài được gọi là ‘đấng Sầu Muộn – Man of Sorrows’ nhưng thực tế lại khác hẳn. Ngài trọn lành nên các luân xa hoạt động hoàn hảo, thân xác là sự biểu hiện nét toàn thiện thiêng liêng; trong khi đó tranh vẽ ngài đầy nét yếu đuối, có từ tâm nhưng có ít sức mạnh, sống động và năng lực linh hoạt.
Phần kế là bài trên PST 27 theo sách The Vision of the Nazarene, nay được đăng lại ở đây cho trọn ý bài này.

Về Tín Điều
Rồi Đấng Rạng Rỡ dẫn tôi vào một nhà thờ đang có bậc lão niên hùng hồn kêu gọi người nghe tin sự thụ thai vô nhiễm. Chân sư mỉm cười có pha nét thú vị và nói.
– ‘Người ấy có quan niệm thực lạ lùng về Ta, biện thuyết tốn bao năng lực để khiến người nghe tin điều không quan trọng chút nào. Ông đã nghĩ sai khi cho rằng Ta buồn bực trong lòng, giận dữ nhiều nếu tín đồ không tin Chúa nhập thế bằng phép mầu, và cũng hăng hái biết bao lúc ông cảnh cáo họ chớ tin thuyết nguy hại.
‘Hỡi con, loài người mới nông nổi làm sao, ngây thơ một cách lạ lùng khi thờ lạy mở miệng gọi ta là Chúa của sự Thương Yêu, mà lại nghĩ Thương Yêu có thể phật lòng về việc thiên hạ tin hay nghĩ cách Ta được sinh ra. Đáng buồn thay, nhìn vào tâm họ Ta thấy nỗi hân hoan vì có cớ để tranh dành cãi lẫy nhau, và hân hoan vì nghĩ đã tìm ra con đường dễ dàng để được cứu rỗi.
‘Thật dễ biết bao khi nói tin vào chuyện tưởng tượng, dễ hơn việc yêu kẻ thù và làm lành cho người bách hại mình. Và ta có hề dạy ai tin sự thụ thai vô nhiễm cùng những điều khác thì được cứu rỗi chăng ? Thật, Ta đã dạy chỉ có một điều để được cứu rỗi, ấy là ‘Yêu thương người bên cạnh như chính mình’ (Matt, 22:39).
‘Ta ước sao tín đồ hiểu rằng bám vào giáo đìều chi cũng không làm tâm trong sạch hay tính tình thánh thiện hơn. Nào được vậy, giáo điều làm bóp nghẹt tâm và trí, cho họ cớ phân ly thay vì hòa hợp. Hơn nữa, Ta có hề nói thân xác này được thụ thai vô nhiễm chăng ? Chỉ có người chép lại đời Ta ghi vậy mà không phải ai cũng ghi. Có kẻ lại ghi Ta mắng nhiếc cây sung, rằng Ta dễ nổi cơn thịnh nộ và nhiều điều vô lý khác nữa. Sao tín đồ chưa nói rằng muốn được cứu rỗi phải tin thêm mấy điều này ?
‘Tiếc thay, kẻ rao giảng kinh thánh lại đánh mất chìa khóa giải các ngụ ngôn của Ta, và bởi thế giảng chuyện kỳ quặc, nhồi nhét vào đầu người nghe việc không hệ trọng cùng những trở ngại cản sự mở lòng. Hãy biết rằng mọi linh hồn đều được thụ thai vô nhiễm, vô thủy vô chung, đều là con của Thượng đế. Chỉ bởi con người hiểu kinh thánh từng chữ một thay vì ý nghĩa tinh thần, hiểu nghĩa đen thay vì nghĩa bóng câu văn nên mới sinh chuyện điên rồ quái dị, và cũng từ đó nẩy lòng ngạo mạn ghét bỏ người quanh mình.
‘Hãy nghe dụ ngôn sau.
‘Xưa kia có một y sĩ xuất hiện giữa những người mắc bệnh phong (bệnh Hansen) mang theo lọ thuốc trị bá bệnh. Ông nói với họ:
– Hãy nghe kỹ lời ta, ai muốn được chữa hết bệnh bằng thuốc trong lọ phải theo đúng cách dùng và nhớ nằm lòng, vì ta sẽ để thuốc lại còn chính thân ta phải đi.
‘Và ông bắt đầu dặn dò phải dùng thuốc cách nào, sau đó ông trao lọ cho một bệnh nhân và bảo.
– Hãy giữ lọ này phát cho mọi người lượng thuốc như ta đã chỉ. Nói xong y sĩ biến đi.
‘Chỉ ngay sau đó các người bệnh phong tranh luận đủ chuyện, nào y sĩ là ai, ông tới bằng cách gì, ông đi ra sao.Họ cãi nhau dữ quá, hăng quá nên quên mất lời y sĩ, mọi chỉ dẫn bay khỏi trí họ biệt mù không hề trở lại.Thế nên tuy lọ thuốc còn nằm giữa bọn mà không ai nhớ được cách dùng, thuốc trở nên vô dụng, y như chiếc tầu đầy ngọc ngà châu báu bị đắm chìm giữa khơi.
‘Chuyện có vậy, phước cho kẻ nào hiểu và theo.’

Về Hình Tượng
Và Đấng Rạng Rỡ dẫn tôi đến vùng đất xa vào một làng nhỏ có tượng đức Phật to lớn; trước tượng, một người đi chùa đang sấp mình đảnh lễ. Và Đấng Chí Kính nói.
– ‘Hỡi con, khi con thương yêu và biết ơn ai, con đặt hình người ấy trước mặt để nhìn ngắm cho thỏa lòng mà chẳng ai nói gì. Thế nhưng khi người huynh đệ này của Ta sấp mình vì lòng yêu quí và biết ơn trước tượng Ngài, Đấng chỉ đường tới sự bình an, tín đồ của Ta lên án anh, nói anh thờ hình tượng, là kẻ ngoại đạo, bán khai.
‘Rất cần thay, ai muốn kết án phải tập hiểu; bởi vậy Ta có nói lúc xưa, ‘Chớ xét đoán để con không bị xét đoán’; vì dưới mắt Thượng đế người huynh đệ này của Ta không phải là kẻ thờ hình tượng. Ai không hiểu biết vội vàng nói Phật tử này thờ lạy tượng đá, nhưng thật ra anh đang thờ lạy Đấng mà hình này chỉ là biểu tượng, cũng như ảnh người thân chỉ tượng trưng cho người ấy.
‘Hãy xem, có bao kẻ sấp mình trước ảnh Ta mà chỉ có ai dốt nát mới gọi họ là thờ ngẫu tượng. A, nhiều ngẫu hình còn tệ hại, nguy hiểm hơn tượng đá và kẻ dại khờ tôn vinh chúng, góp nhặt của cải cho mình. Quả vậy, họ  thờ sự giầu sang, khoái lạc, tiếng tăm danh vị và những điều làm hư hoại chính họ, hư hoại tâm ai dính liền với họ.
‘Những người này ra công giữ gìn thần của cải, thần danh vọng của họ và rất sẵn sàng đập phá tượng thờ của tín đồ tôn giáo khác, những người lòng Ta quí yêu. Rồi họ cũng đập vụn hình ảnh Ta, nói mà không hiểu, ‘Tôn giáo chúng ta không thờ hình tượng, hãy vứt đi những vật làm tôn giáo suy đồi !’
‘Hỡi con, hãy biết rằng cho dù không thờ của cải hay hình tượng, một người vẫn có thể đang vái lạy ngẫu hình. Quả vậy, ai ca tụng kinh sách chữ nghĩa thay vì tư tưởng cùng phần tinh thần, dưới mắt Thượng đế họ cũng là kẻ lạy ngẫu hình. Ta nói thêm, ai thờ lạy Thượng đế như là một người cũng có tính này ít nhiều trong tâm, vì Đấng Tuyệt Đối, Vô Hạn bị biến thành tương đối.
‘Cũng vậy, biết bao lần người chép kinh thánh đã lầm lộn con người Ta với con Đường và Tính Thiêng Liêng mà Ta có sứ mạng giải bầy. Ta đã dặn các tông đồ, ‘Lời Ta dạy chẳng phải do chính Ta nói, mà do Cha trong Ta làm’. Ta không hề đòi được thờ lạy, chẳng phải Ta đã trách ai nói Ta tốt lành, và dạy rằng chỉ có một Đấng duy nhất tốt lành và đó là Thượng đế hay sao ? Thế nhưng tín đồ không nhớ lời trách đó.
‘Nếu ta dặn tín đồ thương yêu, ấy chẳng phải cho Ta mà cho họ, vì quả thật, từ ái là của ăn cao quí nhất cho linh hồn nào biết thương yêu. Hỡi con, hãy nói cùng anh em rằng Cha có trong mọi người, ai ai cũng có tâm thức của Thượng đế và nhờ vậy hòa hợp làm Một với Cha. Làm Một với Cha là làm Một với muôn loài, ý niệm được Hiểu Biết và Bình An Tuyệt Đối.
‘Nhưng cũng hãy biết ai nói đã hiểu được Thượng đế là chưa thông. Vì loài người không thể hiểu được Thượng đế, y như con mối trên gò mối không thể hiểu được người. Dầu vậy, Ta gọi hiểu được Thượng đế là ‘Cha’ mà Ngài còn hơn Cha lành;  Thượng đế là Từ Ái mà Ngài còn hơn Từ Ái. Phải, Thượng đế là tất cả những gì có thể hiểu được mà còn hơn thế kia.’
Nói xong, Chân sư bao phủ người Phật tử  bằng hào quang chói lọi của ngài, khiến anh tưởng đó là ân huệ xuống từ Đức Thế Tôn và lòng hoan hỉ tột cùng.Đấng Rạng Rỡ mỉm cười dắt tay tôi quay về sân của ngài.