Ý NGHĨA CỦA THIÊN CHÚA GIÁO

 

 

 

Giới Thiệu
Tài liệu TTH ghi rằng trong chính phủ tinh thần trên địa cầu, mỗi chức vụ được những đấng Cao Cả lần lượt đảm trách. Khi một Vị đạt mức tiến hóa cao hơn thì ngài lãnh phần việc mới với trách nhiệm mới, và có Vị khác đến thay ngài, Thiên đoàn luôn có thay đổi nhân sự và chuyển dịch như thế, nên chức vụ Huấn Sư Thế Giới (World Teacher - Vị đứng đầu cung hai lo về giáo dục và tôn giáo) cũng vậy. Ngài làm việc cùng với đức Bàn Cổ (Manu - đứng đầu cung một, lo về chính trị, sự tiến hóa của một giống dân chính) và đức Văn Minh (MahaChohan - đứng đầu cung ba, lo về nền văn minh trong một giai đoạn).

Đại Cương
Nói riêng về Vị Huấn Sư Thế Giới  của chu kỳ hiện tại là đức Chúa hay đức Di Lặc, Ngài thấu đáo hoàn toàn về loại thân xác, tình cảm và trí tuệ, nói tóm tắt là loại người sẽ cư ngụ tại Âu châu, và ý thức rằng những điểm tinh tế về siêu hình học trong tôn giáo đông phương sẽ không thích hợp cho tâm tính người tây phương. Ngài đã ảnh hưởng các nhà hiền triết của Ấn, Ba Tư, Khổng Tử và Lão Tử của Trung Hoa, và Pythagoras của Hy Lạp, nhưng làm sao khối đông người thời cổ Âu Châu, so ra tương đối sơ khai, hiểu được phần triết lý tinh tế mà các vị này giảng dạy ?
Vì vậy ngài nhấn mạnh một điểm riêng trong các tôn giáo trên là tình thương xả kỷ, và chủ trương rằng nó là điểm chính của Thiên Chúa giáo.
●Thượng đế là tình thương
● Hãy thương người bên cạnh như thương chính mình
Đây là lời dạy mà ngài đưa ra qua trung gian và đệ tử của ngài là đức Jesus. Bởi người tây phươngtheo sắp đặt sẽ là giống dân năng động mà không phải là giống dân trầm tư như đông phương, việc đặt lý tưởng là tình thương là điều thiết yếu để gìn giữ phần nào sự hòa hợp giữa người thuộc sắc dân này với nhau. Trừ phi hành động được thúc đẩy bằng tình thương, trừ phi có được nguyên tắc của tình huynh đệ, hành động dễ sinh ra cảnh ‘mạnh được yếu thua’.
Ta có thể nói Thiên Chúa giáo không đạt tới lý tưởng này và chuyện đáng tiếc là điều ấy đúng. Nhưng xét về mặt khác tình trạng hẳn sẽ tệ hơn nếu tôn giáo không răn dạy như vậy. Lỗi lầm xẩy ra một phần do sự vô minh, và một phần do lòng ham muốn thế lực và việc sử dụng thế lực trong tay của kẻ thiếu hiểu biết. Hàng giáo sĩ, vì muốn đạt mục tiêu riêng của mình, tuyên bố rằng tất cả những tôn giáo khác là phương tiện của quỷ dữ, và đặt để rằng niềm tin  vào  giáo hội và tín điều là cách ngừa việc sa hỏa ngục. Đây là điều oái ăm vì ai học hỏi MTTL biết là tất cả các tôn giáo lớn đều do Vị Huấn Sư Thế Giới gợi hứng mà ra, Ngài đáp lại ước nguyện của tín đồ bất kể họ nghĩ đến Ngài như là Krishna, đức Chúa, đức Di Lặc hay vị Inman Madhi của Hồi giáo v.v.

Các Chi Phái
Ngoài lòng ham muốn có thế lực, còn có những điều bất toàn khác trong Thiên Chúa giáo. Bản chất con người khiến cho tôn giáo nào cũng phải trải qua những thời kỳ đen tối, có những sai lầm to tát. Tuy nhiên khi việc này xẩy ra các Chân sư tìm cách gợi nên một phong trào nào đó nhằm điều chỉnh, làm tình trạng cân bằng tới mức có thể được. Để thực hiện điều này, các ngài gợi hứng những ai có điều kiện hầu mang lại kết quả, và Martin Luther của Đức vào thế kỷ 16 là một người như thế. Có nhiều người đóng góp vào phong trào Cải Cách - Reformation của Thiên Chúa giáo, nhưng ông nổi bật như là nhân vật sáng chói nhất. Do lòng vô úy mạnh mẽ, trí tuệ chân thật, khả năng hùng biện và tài văn chương, Martin Luther trở thành dụng cụ rất hùng mạnh trong tay các ngài. Sơ lược thì Martin Luther là tu sĩ Công giáo La mã, nhưng khi thấy giáo hội thời đó không theo đúng lời dạy trong kinh thánh,ông từ bỏ tu viện, giáo hội, và khởi xướng phong trào Cải Cách Thiên Chúa giáo đưa tới các chi phái Tin Lành.
Do ước ao nồng nhiệt muốn biết chân lý, kỷ luật chặt chẽ của tu viện mà ôngtheo học và kỷ luật bản thân, Martin Luther khiến cho mình cảm thụ đối với ảnh hưởng của các ngài một cách vô thức. Chuyện đáng nói là việc nhịn đói, cầu kinh, tham thiền của ông mang lại kết quả trái ngược với điều mong ước. Những tập luyện trên thay vì đưa ông tới gần hơn chân lý mà  ông tìm kiếm, chúng lại sinh ra nơi ông lòng sầu muộn. Nhìn theo huyền bí học thì chuyện đầy ý nghĩa, ấy là khi ước vọng của linh hồn và mong mỏi của phàm nhân không giống nhau, con ngườithỉnh thoảng có nỗi buồn rầu sâu đậm. Martin Luther sống đời tu hành để mong đạt sự bình an, nhưng nếu ta xem lại đời ôngtheo hiểu biết bí truyền thì điều rõ rệt là chân nhân ông có mục tiêu khác. Ông nhận ra là giáo hội mà mình theo và tin rằng nhờ vậy được cứu rỗi, thì khác xa với điều ông tưởng nó là, và bản tính yêu mến điều thật của ông nổi lên chống đối.
Phong trào Cải Cách chỉ là một trong nhiều hoạt động hoặc khuếch trương, làm phong phú hoặc chấn chỉnh Thiên Chúa giáo. Ngoài việc trưng ra chân lý ở hình thức giản dị để khối đông tín đồ với tâm hồn đơn sơ có thể hiểu được, một tôn giáo cũng cần phải làm thỏa mãn ai có đầu óc biết suy nghĩ tức giới trí thức. Thế nên ngay từ thưở ban đầu của Thiên Chúa giáo, Vị Huấn Sư Thế Giới còn mở màn vài khuynh hướng thần bí và triết lý có tính cách của tôn giáo này, và được ấn định sinh hoạt song song với Thiên Chúa giáo.
Đầu tiên là nỗ lực tạo một triết lý cho Thiên Chúa giáo, thấy qua các nhân vật ban đầu như Clement của Alexandria, Origen, thánh Augustine, phái tân Plato. Về sau là nhiều tổ chức và hội kín tuy có tính chất Thiên Chúa giáo phần nào, mà cũng đem vào chủ trương của mình nhiều giảng dạy có nguồn gốc Ai Cập và Hy Lạp. Ta cũng có phái luyện kim thực ra chỉ là bề ngoài che đậy cho huyền bí học, khi sự che đậy là điều cần thiết để tránh bị giáo hội ngược đãi.
Gần đây hơn là phong trào Thông linh học - Spiritualism từ thế kỷ 19, Christian Science, Anthroposophical Society do Rudolf Steiner lập ra. Phần việc hướng dẫn những tổ chức bí truyền của Âu châu, đặc biệt những gì liên quan đến nghi lễ, là do vị Chân sư cung bẩy đảm trách.Ngài sống ở Âu châu nhưng đi lại nhiều nơi như London, Paris.

Đức Jesus
Nhân vật chính yếu trong Thiên Chúa giáo sau đức Chúa tự nhiên là đức Jesus.Sách vở ghi ngài hiện mang thân xác người Syria, cư ngụ vùng đồi núi của Lebanon và cũng di chuyển nhiều đó đây.Chuyện trong kinh thánh mô tả đời ngài, nhưng có nhiều chi tiết không chính xác; hơn thế nữa một số tín điều phát sinh từ con người của ngài vừa không thể chấp nhận được, vừa không chắc là có thực. Thí dụ niềm tin ‘ngài chết để cứu rỗi kẻ có tội’ là chuyện đặc biệt sai lầm đã không may ăn sâu vào tín đồ. Ngài được Vị Huấn Sư Thế Giới sử dụng để ‘chỉ đường’ cho sự thăng hoa tinh thần, và việc ngài chết trên thánh giá là số phận xẩy đến do lời dạy có tính cách mạng tôn giáo của ngài, và do mưu mô của kẻ thù. Sự thực là ngài sống để ‘cứu người có tội’ và chắc chắn là ngài không chết để cứu rỗi họ.
Việc bị đóng đinh trên thánh giá có liên hệ với sự tiến hóa riêng của ngài. Do sự việc bi thảm này, ngài trang trải hết và chấm dứt karma còn lại của mình trước khi đạt tới quả vị Chân sư. Thế nên ta sai lầm khi nói là cái chết của ngài hay của bất cứ bậc Huấn Sư cao cả nào có thể xóa hết tội lỗi cho những cá nhân khác, và họ không còn cần phải làm quân bình nhân quả của riêng mỗi người.
Về hình dạng trong kiếp đương thời, đức Jesus được mô tả rất khác với phong thái yếu ớt, gầy gò mà họa sĩ thường vẽ trong tranh, cũng như ngài không chỉ thuần là hình ảnh nhân từ, nhu hòa như thánh ca viết. Tuy ngài có thể hết sức hiền từ, thực ra ngài thuộc tâm tính chiến sĩ nhiều hơn, là người có ý chí sắt thép, mà cùng lúc tỏa ra tình thương yêu xả kỷ mạnh mẽ là đặc tính của tất cả Chân sư. Ngài có nhiều phần việc và một trong những việc đó là thuật chữa bệnh, như ta thấy trong kinh thánh ghi.
Đức Jesus là tụ điểm qua đó năng lực tuôn chẩy đến các giáo hội Thiên Chúa khác nhau; ngài đặc biệt làm việc với khối đông hơn là với cá nhân riêng biệt, tuy ngài cũng có nhiều  đệ tử. Công việc của ngài là hướng tư tưởng tây phương ra khỏi sự rối loạn đương thời, tới sự tĩnh lặng của hiểu biết và xác quyết.Ngài rành rẽ các vấn đề của tây phương, và có liên hệ chặt chẽ với ai biểu lộ đẹp đẽ nhất các huấn thị của Thiên Chúa giáo.
Chân sư Jesus  như thế là nhân vật mà hàng triệu tín đồ đầy lòng sùng tín hướng tới, dâng lời kinh; nhưng khác với niềm tin của họ, ngài không phải là Con Một của Thượng đế và ngự cùng Cha trên trời, mà là người sống trên mặt đất. Tuy nhiên, ngài đón nhận và đáp lại lòng hiến dâng của họ, khiến họ nhận được theo khả năng của mình. Nhưng nếu lòng hiến dâng của tín đồ Thiên Chúa giáo  được tuôn tràn tới đức Jesus, thì có nhiều hơn thế cho Vị Huấn Sư Thế Giới, bởi không phải chỉ có tín đồ Thiên Chúa giáo hướng tới Ngài mà còn là tất cả tín đồ thuộc các tôn giáo khác, tuy họ không biết và nghĩ đến Ngài bằng những danh hiệu khác nhau.
Thế giới mong chờ sự tái hiện của ngài, và có người tin rằng ngài sẽ mang lại thông điệp mới cho nhân loại, và giải quyết hết những bất hòa, xáo trộn để hòa bình được tái lập. Nhưng thông điệp ấy sẽ không mới mẻ cũng như nó không thể là vậy, bởi những lời răn Ngài đưa ra hơn hai ngàn năm về trước vẫn còn đúng, không thay đổi theo thời gian. Những chi tiết mới về đời sống tinh thần đã được trưng ra do các tổ chức này hay kia trong quá khứ, và tương lai rồi sẽ có nhiều điểm mới được tiết lộ, dầu vậy không một điều nào trong số các điều này sẽ làm thay đổi qui luật cốt yếu (Hãy thương người bên cạnh như thương chính mình) mà Vị Huấn Sư Thế Giới đã thốt ra, để đưa nhân loại từ xáo trộn khắp nơi đi tới sự hòa hợp mọi chỗ. Khi con người thực sự học được việc thương người bên cạnh như thương chính mình, khi đó và chỉ khi đó ‘Nước Trời’ mới biểu lộ trên trần gian.

Vai Trò
Tầm quan trọng của Thiên Chúa giáo nằm ở điểm ta nhận thức rằng đó là một tôn giáo bắc cầu. Nó được tượng trưng qua việc vị giáo chủ sáng lập đạo tái sinh tại Palestine, vùng đất nằm giữa Á châu và Âu châu và mang tính cách cả hai nơi. Thiên Chúa giáo là tôn giáo của giai đoạn chuyển tiếp, nối liền thời đại có ý thức về cái tôi với thời đại có ý thức về nhóm, cũng như tư tưởng trong thời đại của nó có vai trò nối liền thế giới cụ thể và thế giới trừu tượng.
Nghĩa là sao ? Nó có nghĩa con người nói chung được phân biệt giữa ai biết theo lý trí, và ai còn để tình cảm chi phối mạnh; giữa ai có nhận thức về thiên trách của mình trong kiếp này và ai chỉ thấy việc phải trang trải nhân quả mà thôi, và do đó cần tìm sự an ổn cho tâm hồn.
Thiên Chúa giáo chính yếu là tôn giáo về sự phân chia, cho con người thấy bản chất song đôi của mình là gồm cả thể chất và tinh thần, và từ đó đặt căn bản cho sự hợp hai phần làm một trong tương lai.Đây là giai đoạn cần thiết và Thiên Chúa giáo đã làm tròn phần việc thiêng liêng của nó.Ngày nay nó đang trên đường bị thay thế, nhưng hình thức mới của chân lý chưa được tỏ lộ. Diễn trình là ánh sáng đang chậm chạp đi vào đời người và nhờ đó họ sẽ phác họa ra tôn giáo mới, có cách thức mới để diễn đạt chân lý ngàn xưa.
Nói khác đi, con người đang có vấn đề, có khủng hoảng và phải tự mình tìm lời đáp, cách giải quyết cho vấn đề, là chính trị, tôn giáo hay là gì khác.Nhờ trí tuệ khai mở, ta sẽ thấy được những nét thiêng liêng mà lúc này chưa biết. Bởi có những đặc tính thiêng liêng ẩn tàng mà từ trước tới nay con người không biết, không hề cảm biết, chưa có tiền lệ và ta không có chữ để diễn tả. Ấy là chuyện đang có hiện giờ, giống như  ‘tâm thức nhóm’ không có nghĩa gì với người tiền sử, có những đặc tính và mục tiêu thiêng liêng nằm ngoài tâm thức hiện nay của nhân loại. So sánh này cho ta can đảm, vì quá khứ bảo đảm sự mở rộng vô cùng tận trong tương lai.
Nói thêm về vai trò bắc cầu của Thiên Chúa giáo, theo Thiên cơ phương tây học để tiến bằng cách làm, có hành động; còn đông phương bằng cách suy gẫm, làm cái trí tĩnh lặng. Thiên Chúa giáo nhắm tới việc hòa hợp hai tính chất này, vì con đường hành động không chỏi nghịch với con đường có thành đạt tinh thần.
Vai trò ấy cũng như mọi chuyện khác đều có thời của nó, từ việc xây cầu nơi cõi trần đến việc xây cầu trong thế giới tâm linh, từ việc nuôi dưỡng xác thân vật chất sang việc nuôi dưỡng các thể thanh là cầu nối từ con người sang Thượng đế. Dầu vậy, tuy căn bản được đặt ra vào ngày đầu bởi Vị sáng lập, những ai đóng vai trò tạo dựng nó đã không làm phần việc của mình, và kế hoạch của kiến trúc sư bị thay thế bằng dinh thự lộng lẫy cõi trần, lầu đàicao sang làm chỗ mở tiệc rượu.

Khó Khăn
Đi vào chi tiết thì Vị giáo chủ tìm cách đặt vào tâm người tây phương cái lý tưởng là làm việc để phục vụ cho đồng loại và Thượng đế, nhưng con người lại chú tâm vào việc phục vụ cho chính mình. Do ảnh hưởng của dục vọng trần thế, đam mê, con người dùng tên Ngài để làm cớ cho mọi chuyện không hay, và trở thành công cụ trong tay những ai đối nghịch với Ngài mà không hay biết.
Ấy là những ai ? Ngay từ thưở ban đầu của Thiên Chúa giáo, lòng ham muốn Quyền Lực, lòng cao ngạo khiến hàng giáo sĩ muốn rằng họ là người nắm giữ sự hiểu biết. Thế nên từ đó tới nay, tín đồ dễ tin được dạy rằng chỉ có giáo hội mới nắm giữ chìa khóa dẫn đến Chân Lý, và triết lý ngàn đời của những tôn giáo khác đã có trước đây, các triết thuyết khác thảy đều do Satan dẫn dụ, là bẫy rình rập ai không ngờ.
Họ dùng sự đe dọa, đặt ra tín điều về việc sa hỏa ngục đời đời, thay vì dạy những luật công bằng và nhân từ là Tái sinh và Nhân quả mà Ngài đã dạy cho các đệ tử; và cao ngạo cho mình là người duy nhất có quyền ấn định ai được cứu rỗi và ai sẽ bị trừng phạt đời sau. Cách làm việc của họ là trước tiên ca ngợi sự vô minh nhân danh Ngài, rồi gợi nên lòng sợ hãi của ai dễ tin và thiếu hiểu biết.
Chẳng những vậy, lịch sử các nước tây phương cho thấy dòng tu gửi giáo sĩ len lỏi vào triều đình, tạo thế lực với vua chúa cầm quyền và nhân danh Ngài chi phối những ai cai trị, bào chữa rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện. Tuy nhiên, điều gì đúng cho tôn giáo thì cũng đúng cho giáo hội, dòng tu, ấy là các tổ chức này không hiện hữu để duy trì, làm lợi cho chính họ, mà chúng chỉ hiện hữu để phục vụ con người. Đó là sứ mạng của tổ chức mà nếu không được vậy thì chúng không có lý do tồn tại, bởi tôn giáo được lập ra cho con người, mà không phải con người được lập ra cho tôn giáo.
Thiên Chúa giáo nhấn mạnh đến tình thương vì tình thương là sự che chở hữu hiệu nhất, và ai thương yêu kẻ địch của mình như đức Chúa thương yêu kẻ địch của ngài thì không sợ bị kẻ địch làm hại. Con người được khuyến khích biết thương yêu, mà tình thương  càng có sức bảo vệ nhiều hơn khi đi kèm với sự hiểu biết, nên từ lúc đầu đã có nỗ lực đưa ra thêm hiểu biết cho con người.
Giống như không khí có những luồng gió nơi cõi trần thì cũng có những luồng lực ether liên can đến tư tưởng nơi cõi thanh, chúng được những bậc Cao Cả sử dụng làm lợi ích cho con người. Một trong những Vị này là thánh Paul - nay được biết là Chân sư Hilarion - ngài dùng vài luồng tư tưởng ấy nhằm thúc đẩy trí tuệ của dân chúng phương tây. Về sau, những kẻ khác do lòng ham muốn Quyền Lực đã học cách làm chủ được chúng, và dùng chúng cho điều ác thay vì cho điều thiện.
Bởi những địch thủ của Thiên Chúa giáo chiếm quyền đặt ra cách thờ phượng Thượng đế nên có nhiều người trong các nước được gợi hứng để phản đối, dẫn đến chi phái Tin Lành  Protestant. Phái này đạt như ý mà chẳng bao lâu họ cũng bị hoen ố vì điều xấu, bởi không theo các điều răn của ngài, và không có tình huynh  đệ. Thế nên từ một khối chung đông đảo, họ phân chia thành cả ngàn nhóm nhỏ, mỗi nhóm tuyên bố mình là chi phái duy nhất nắm giữ Chân Lý. Kết cục là lòng không khoan dung, ghét bỏ lẫn nhau.

 

Tạo Quân Bình
Để làm quân bình cũng như để bổ túc ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo tại tây phương, khoa học và các tổ chức tâm linh được gợi hứng để phát triển.Như đã nói ở trên, hàng giáo sĩ muốn tín đồ thiếu hiểu biết để họ dễ làm chủ, nên khoa học gia chân chính đi tìm sự hiểu biết là địch thủ cho ai muốn chế ngự Thiên Chúa giáo.
Tuy nhiên không phải khoa học gia không phải lúc nào cũng đúng, thường khi những khám phá của họ chỉ là gần sát, là một bước tiến gần hơn đến chân lý, vì vào mỗi thời chỉ một số mặt củachân lý được mang ra ánh sáng. Như vậy ta không nên đòi hỏi nhiều nơi các khoa học gia, và cần nhớ rằng mọi hình thức về chuyên môn luôn có giới hạn và sai lầm.Khoa học gia đi tìm chân lý của trí tuệ, cũng là một loại chân lý, cho nên nó không chỏi với tôn giáo và họ là bạn của tôn giáo.Chỉ những ai chế tạo dụng cụ cho mục đích phá hoại, giết chóc thì mới chỏi với tôn giáo, vì họ là kẻ địch của Tình Thương.
Bên cạnh đó ta còn phải kể đến các nhóm tự gọi là Bất Tri - Agnostics, Thông Linh học - Spiritualism v.v. Lai lịch của hai phái này là vào cuối thế kỷ 19, óc thiếu hiểu biết của xã hội Anh thời Victoria cùng với tâm trí hẹp hòi về Thiên Chúa giáo lên tới cực điểm, nên một Chân sư gợi hứng cho ra phái Bất Tri.
Với nhóm này, tuy họ phá hủy vài điều nhưng họ vẫn là người đi tìm chân lý và do đó phục vụ cho ngài theo cách của họ. Những người ấy gạt bỏ nhiều mối lo sợ sai lầm, mê tín dị đoan, niềm tin sai lạc, và do vậy dọn sạch bầu tư tưởng cho một điều tốt đẹp hơn tiến vào.
Trong nhóm có người đi xa hơn và nói:
– Chúng ta không thể biết nhiều chuyện, và sẽ không bao giờ biết.
Người khác kêu lên:
– Không có linh hồn, và như thế không có sự bất tử, không có Thượng đế ngoại trừ chính Khoa Học !
Theo cách đó, phái Bất Tri đi tới quá độ vì lòng hãnh diện và óc tín điều, họ đóng cánh cửa không cho có thêm ánh sáng của sự hiểu biết, thành ra một Chân sư  khác gợi hứng lập phong trào thứ hai, để tác động ngược lại tính tiêu cực của nhóm, tạo sự quân bình và ta có phong trào Thông Linh học.
Nói về linh hồn, cõi bên kia thì từ trước tới nay con người chỉ tin mà không thấy, và niềm tin mà không hiểu này lại còn được khen ngợi, tôn vinh như là đức hạnh. Thông Linh học được lập ra để đưa chứng cớ thay cho niềm tin; ban đầu có nhiều lời chê bai, dù rằng khoa này mang lại an ủi và chữa lành cho ai đau khổ, thương tiếc thân nhân. Người ta có thể bác bỏ khoa này nhưng nó sẽ tồn tại vì nay tới lúc bắc nhịp cầu giữa cõi vô hình với hữu hình, để con người biết được sự thực về sự bất tử của mình.
Làm sao có được việc ấy ?Điểm chính ở đây là sự khám phá và công nhận chất ether và thể sinh lực (thể phách).Bao lâu nay khoa học gia chú tâm vào hình thể vật chất trong thiên nhiên mà không biết về các thể thanh.Họ không tin lời giải thích của huyền bí học về những thể này, nhưng thực ra hiểu biết đó thiết yếu cho việc hiểu bệnh và cách chữa trị.Chuyện sẽ đến là khoa học và huyền bí học đang mau lẹ tiến lại hòa hợp với nhau, dù khoa học gia không biết hoặc không muốn nhìn nhận sự việc.
Thực tế là con người có thể nói dối và bị lạc trong huyễn mộng, nhưng máy móc dụng cụ thì không. Chẳng bao lâu ta sẽ có những dụng cụ tinh nhậy để khám phá hoặc chất liệu thanh bai, hoặc bắt được sóng tinh tế và bí mật lâu nay của thiên nhiên được lộ ra, phơi bầy trước mắt ai hoài nghi.Những máy móc đó cho phép ta phân biệt các làn rung động khác nhau của ether, và nghĩ tới cách áp dụng chúng cho việc lành hay việc dữ. Ngày kia, dụng cụ nhậy bén sẽ làm cho chuyện vô hình thành hữu hình, điều không được nghe nay nghe rõ. Cõi vô hình hiển hiện còn cho ta thấy những loài sống nơi đây, tốt cũng như xấu.
Các luồng lực mới sẽ mang lại lý tưởng, ước nguyện mới, và việc đi theo các con đường mới. Hình tư tưởng kết cứng của Thiên Chúa giáo bị tan vỡ, và những cản trở cho chân lý trong tôn giáo này sẽ không quét sạch hết.
Một điểm khác cũng có liên quan đến tôn giáo nói chung, trong đó có Thiên Chúa giáo, là mặt tâm thức, với sự tranh đấu trong tâm thức con người thay đổi sân trường theo từng thời đại. Khi trước vấn đề là việc nâng tình cảm lên tinh thần bằng lời kinh và ước nguyện, nay là khuynh hướng dùng phân tâm học để làm chủ lòng ham muốn. Dục vọng thường nằm trong tiềm thức, nên ấy là một trong số những lý do các Chân sư cho có sự thành hình một khoa học mới, là khoa học về tiềm thức, vì nó cũng là một trong nhiều con đường dẫn tới hiểu biết mới.
Đó là đích nhắm tới, nhưng các Vị hướng dẫn đường lối cũ của nỗ lực tinh thần phải biến cải phần nào phương pháp ban đầu, để hợp tác với những Chân sư và đệ tử các ngài là những kẻ làm việc theo đường lối mới. Việc này không dễ, nó đòi hỏi sự khéo léo tột bực trong việc uốn nắn các lực tâm linh, mà giống như luồng điện, tuôn chảy qua tâm thức người.
Việc chuyển từ đường này sang đường kia sẽ diễn ra trong nhiều thế kỷ, vì hằng ngàn linh hồn không thuộc loại tự phân tích sẽ vẫn còn cần năng lực chữa lành mà chỉ riêng lời kinh có thể làm được. Bởi lời cầu nguyện làm nâng, hay lẽ ra sẽ nâng, trọn con người lên một nốt, nhờ vậy cho phép ước nguyện tinh thần chế ngự cả trí não và dục vọng như nhau.
Mặt khác, như đã ghi trong một bài trước, hành động quì gối khi cầu nguyện - tự nó có ý nghĩa huyền bí lớn lao- khiến cho các trung tâm lực của thể sinh lực hòa theo những đường lực chảy bao quanh địa cầu, luôn có sẵn đó cho những ai muốn được trợ giúp từ cõi vô hình. Khi kết hợp việc cầu nguyện với sự quì gối, chẳng những con người được giúp mà về mặt khác, còn được che chở phần nào khỏi những ảnh hưởng xấu dễ khống chế họ, hơn là khi thân xác ở trong bất cứ tư thế nào khác.

Tương Lai
Hai thế chiến xẩy ra trong thế kỷ qua phần lớn tại Âu châu, khiến có lời phê bình là tôn giáo này bất lực không ngăn chặn được chúng. Nhận xét khác nói rằng có thất bại ấy nhiều phần vì chỉ dạy của Thiên Chúa giáo bị che khuất, vì hiểu lầm, và còn vì nhân loại chưa đủ sức nắm lấy cơ hội tuyệt vời đưa tới cho họ. Ta cũng nên nhìn nhận là công bằng mà nói, nền văn minh phương tây có được hoàn toàn là nhờ Thiên Chúa giáo như sự chăm sóc trẻ nhỏ và thú vật, lòng quan tâm đến kẻ khác, là những khởi đầu mờ nhạt của sự hợp tác và tình huynh đệ.
Nay câu hỏi đặt ra là nếu Thiên Chúa giáo không làm tròn chủ đích ban đầu của Vị sáng lập, vì giáo huấn của ngài bị bẻ cong, được dùng cho mục đích ích kỷ, vậy tại sao các Chân sư đã không có biện pháp từ nhiều thế kỷ trước để ngăn chặn, hoặc đảo ngược lại các sai lầm này ?
Câu trả lời nằm ở mức tiến hóa rất thấp kém về trí tuệ và tinh thần của nhân loại lúc bấy giờ, cùng với sự kiện là không có đủ người phụng sự hay đệ tử các ngài sống trong thế giới để có thể làm việc ấy. Ngày nay may mắn là điều kiện đã thay đổi nhiều về mặt sau, có số đông người phụng sự và đệ tử sống riêng rẽ hay thành nhóm trong nhiều quốc gia. Các nhóm này không nhất thiết có tính tôn giáo mà gồm người nam cùng người nữ có thiện chí, làm việc theo cách này hay cách kia cho sự cải thiện của nhân loại. Ta có thể kể vài tổ chức phi chính phủ NGO đang hoạt động hiện thời cho điều này như Amnesty International, Médecins sans Frontières, Human Rights Watch, và luôn cả World Wildlife Fund v.v.
Trong tương lai gần, nhiều luồng lực được tuôn tràn vào các thánh địa ở Syria và Palestine để làm sinh động chúng. Để chuẩn bị cho việc này, đức Jesus đã từ hóa – magnetise một số địa điểm, với chủ ý biến chúng thành nguồn thiêng liêng cho sự tuôn tràn năng lực, thúc đẩy ai nhiệt thành tìm kiếm sự công chính đi mau hơn.
Từ các nơi đó, Ngài gửi đệ tử đi khắp chốn truyền đạo và tới phiên họ chỉ dạy tín đồ phép từ hóa, theo đó linh phù được chôn cất ở những địa điểm khác nhau làm cửa ngõ cho lực chữa lành tuôn ra, để chữa trị thân xác và tâm hồn vào lúc Thiên Chúa giáo bị nghi ngờ hay không còn được tin tưởng. Do đó, nhiều thánh địa đã xuất hiện ở phương tây và hiện hữu đến ngày nay, một trong các thí dụ là Lourdes tại Pháp.
Rome không phải là trung tâm của Thiên Chúa giáo, mà đó là một vùng gần Palestine, là trung tâm ngay từ những ngày đầu khi tôn giáo nàyphát sinh. Cũng y vậy, Palestine sẽ đóng vai trò chính khi ngày giờ tới và chu kỳ hoàn tất, đức Jesus từ nơi ẩn cư xuất hiện và kết hợp những chi phái khác biệt lại với nhau, thanh lọc để tách trấu với gạo và cho chúng có hình thái mới. Vì dù rằng tinh thần luôn vậy không thay đổi, nhưng hình thái phải thích nghi với nhu cầu từng thời đại, tinh thần chân thực sẽ chiếu rọi và từ sự tối tăm ánh sáng lại ló dạng.
Một tôn giáo mới sẽ được đưa ra, nhưng nó sẽ chỉ là hình thức mới của chân lý đã có từ xưa.Bởi chỉ có một tôn giáo cũng như chỉ có một Thượng đế. Chân lý tự nó thì lớn lao vô tận hơn điều chi phản ảnh trong chỉ dạy, triết lý, và các tôn giáo khác. Mỗi hình thức này nắm bắt và phản chiếu lại một tia của Sự Sáng. Phản ảnh được trung thực hay không tùy nơi tấm gương trong sạch ra sao.
Sự phát triển của giống dân không thể được thúc hối, tựa như sự tăng trưởng của cây; nên thay đổi chỉ đến dần dần từ tỏ lộ, tôn giáo này, sang tỏ lộ, tôn giáo kia. Loại người sùng tín mà thời đại của họ chế ngự thế giới hai ngàn năm qua sẽ từ từ được thay thế bằng loại người thuần trí tuệ hơn, và kẻ sau sẽ gợi hứng tư tưởng chính yếu cho tương lai. Việc chuyển di lực sang cung năm do Chân sư Hilarion thực hiện, và có sự hợp tác giữa các Chân sư để giúp tín đồ Thiên Chúa giáo kết hợp ước nguyện hiến dâng với ước vọng có bằng chứng khoa học, về việc con người tiếp tục sống còn sau cái chết.
Chót hết, có lời sau cho những ai khi đi tìm chân lý đã phải phấn đấu và bị đau khổ, lầm lẫn là họ được những đấng Cao cả chúc lành, các Ngài sẽ biến đổi mọi khổ đau, sầu não, mỗi thất vọng thành vinh quang, sức mạnh và tốt đẹp trong tương lai.

 

Theo:
-An Outline of Modern Occultism, Cyril Scott.
-Through the Eyes of the Masters, David Anrias.
-Esoteric Psychology, vol. I, Alice A. Bailey.