THUỐC TRƯỜNG SINH

 

 

 

Chuyện xưa kể đạo sĩ có linh đan, linh dược uống vào khiến con người được trường sinh bất tử. Huyền bí học nói phép trường sinh giản dị chỉ là đẩy lui cái chết xa hơn trong đời người, kéo dài khoảng cách giữa sự sống theo ta hiểu và mức chung cuộc của một kiếp. Nay PST xin giới thiệu một bài viết về đề tài này, đăng trên tạp chí Theosophist, số tháng 3 và 4 - 1882. Bài The ‘Elixir of Life’ tác giả Godolphin Mitford dài nhiều trang, phần khác có vài điểm trong bài mất thời gian tính nên bản dịch dưới đây chỉ là tóm lược, bỏ qua chi tiết nào không còn hợp với tâm tình và quan điểm của thế kỷ 21. Bài cần suy nghĩ kỹ để thấu đáo ý tưởng, nên mong bạn coi đi coi lại nhiều lần.Nguyên tác có trên internet rất dễ dàng cho ai muốn biết thêm.Xin khuyến khích bạn tìm đọc.
Có bài viết này vì thuở ban đầu của hội trên đất Ấn, một số người tây phương muốn được tiếp xúc với các Chân sư, hoặc gặp mặt hoặc trao đổi thư từ. Bài viết cho giải thích vì sao không thể thỏa mãn ao ước đó, và được ta phân đoạn cho dễ đọc.

Ở Âu châu cũng như Á châu, vài người nghiên cứu huyền bí học thời trung cổ vẫn tin rằng có thuốc trường sinh, mà không biết gì tới điều bí ẩn to tát thực sự; óc tưởng tượng của nhiều người cho là có thể có khám phá khoa học trong tương lai về chuyện như thế.

1. Quả là có hiện tượng trường sinh bất tử, nhưng ý niệm về cách dẫn tới việc ấy thì sai lầm theo cái nhìn của MTTL. Ngay cả những bậc đạo sư  thông thạo kinh điển, với trí tuệ siêu việt, khám phá là trong cõi vô tận không có gì bất biến ngoại trừ không gian. Tất cả đều phải chịu có thay đổi. Như thế, trong một vũ trụ mà đặc tính chính yếu là không trường cửu thì không gì có thể cho sự trường cửu, vì vậy không chất liệu nào, cho dù lấy từ nơi thâm sâu vô tận; không một đơn thuốc tưởng tượng kết hợp nhiều chất thuộc địa cầu hay nơi khác và được trí tuệ cao siêu nhất soạn ra; không một cách sống hay kỷ luật nào được theo đuổi với sự quyết tâm mạnh mẽ nhất và khéo léo nhất, có thể mang lại sự bất biến.
Thế thì ý niệm thường có về 'trường sinh bất tử’ chẳng những sai lầm từ bản chất, mà còn là chuyện bất khả về mặt vật chất và siêu hình. Bất kể ai ưa thích nó, là người duy vật hay duy tâm, tín đồ đạo này hay đạo kia, ý tưởng đó chỉ là mơ ước viễn vông. Tuy nhiên con người thực sự có thể làm được việc kéo dài đời sống tới một khoảng thời gian rất lâu, khiến ai nhìn sự việc theo quan điểm kiếp người chỉ dài nhiều nhất vài trăm năm, xem là chuyện khó tin và kỳ diệu.
Ta có thể phá tan sự tử, và thay vì chết đi, biến nó từ việc đột ngột rơi vào cõi tối tăm sang việc chuyển di vào nơi sáng rỡ. Chuyện có thể diễn ra hết sức chẫm rãi, từ trạng thái hiện hữu này sang trạng thái kia mà sự xáo trộn giảm thiểu tới mức trên thực tế không cảm nhận được. Đây là việc khác hẳn, và nằm trong khả năng của huyền bí học.Về điều này cũng như nhiều điều khác, nó có nghĩa khi được điều khiển đúng cách, ý chí sẽ mang lại kết quả và nguyên nhân sinh ra hệ quả.Bài dưới đây nhằm vén màn bí ẩn tới mức được phép về khía cạnh này của huyền bí học.

2. Đầu tiên ta cần nhắc lại với bạn đọc hai điều sau về MTTL.
– Vũ trụ là một, biểu lộ qua muôn hình vạn trạng;
– Con người có nhiều thể ngoài xác thân vật chất, tổng cộng bẩy phần hòa hợp với nhau. Những phần thanh nhẹ nằm bên trong phần đậm đặc thô trược hơn, chiếm khoảng không gian giữa các hạt nguyên tử. Hãy nhìn vào phản ảnh của bạn trong gương, có bẩy phần kết lại tạo nên con người tổng hợp ấy, mỗi thể là tương ứng xác thực của nhau, nhưng sự thanh nhẹ của chúng khiến các hạt nguyên tử mỗi thể thấu nhập vào thể kế thô trược hơn.
Sự kiện người theo phái Veda hay Kabbal, đạo này hay đạo khác, đếm, chia ra, phân loại, gọi tên chúng khác nhau ra sao, không là vấn đề bàn luận ở đây. Ta cũng không màng việc khoa học gia phủ nhận cách sắp xếp ấy về con người, vì dụng cụ của họ không tinh nhậy đủ làm cho ngũ quan họ cảm biết được. Ta chỉ giản dị đáp, ‘Hãy có dụng cụ tốt hơn và quan năng bén nhậy hơn, rồi rốt cuộc bạn sẽ thấy.’
Tất cả điều ta muốn nói là nếu bạn mong ước được uống thuốc trường sinh lão tử, thọ ngàn năm, thì bạn phải chấp nhận lời trong bài vào lúc này, và đi theo giả dụ ấy. Bởi huyền bí học không cho hy vọng nhỏ nhoi nào là thành quả có thể đạt được bằng cách nào khác, còn khoa học đương thời gọi là khoa học chính xác thì cười chê.

3. Vậy ta đi tới mức là quyết định bỏ thể xác vật chất này -theo nghĩa đen mà không phải ẩn dụ - và khoác lấy thể kế đó (thể tình cảm). Vật sau không phải là tinh thần mà chỉ là thể thanh nhẹ hơn. Do đã luyện tập một thời gian lâu và chuẩn bị để thích ứng nó cho cuộc sống trong bầu không khí này, trong thời gian đó ta dần dần làm cho vỏ ngoài (thể xác) chết dần đi theo một cách riêng (sẽ nói về sau), ta phải chuẩn bị cho sự biến hình đó về mặt sinh lý.
Làm sao làm được ?Nói về thể xác, khoa học dạy rằng chúng ta thay da khoảng bẩy năm một lần, chẳng khác nào loài rắn. Chuyện diễn ra rất từ từ không cảm biết tới độ nếu khoa học do nghiên cứu và quan sát không nói cho ta hay, chẳng ai sẽ tin là có việc đó. Việc khác là khi cơ thể bị thương, vết cắt dù sâu thế mấy, nó luôn có khuynh hướng chữa lại sự mất mát và làm trọn lại như xưa. Theo cách đó, thể tình cảm thanh nhẹ hơn thể xác có thể được điều khiển làm các phần tử của nó cứng chắc lại theo thay đổi của môi trường. Trọn bí ẩn là thực hiện điều sau, tách nó ra ngoài thể xác, và trong khi các hạt nguyên tử vô hình khởi sự kết lại thành khối đậm đặc, ta dần dần loại bỏ những phần tử cũ của thể hữu hình, làm chúng chết đi và biến mất trước khi phần mới có giờ biến hóa và thay chỗ chúng.  Nói nhiều hơn nữa thì không được.
Á đông tin là con người bất tử, còn tây phương có nhận xét rằng nếu có phút nào mà ai nhận thức là ngày kia họ sẽ phải chết, họ sẽ chết ngay lúc đó. Ai sáng suốt sẽ nhận ra là trọn bí ẩn về sự trường sinh nằm  giữa hai điều này. Ta chỉ chết đi khi ý chí không còn đủ mạnh để khiến ta sống. Trong đa số trường hợp, cái chết đến khi việc kiệt lực đi kèm với sự thay đổi mau lẹ tình trạng của thể xác hóa mạnh tới mức trong một khoảnh khắc làm suy yếu lòng ham sống, ý chí muốn hiện hữu.Bao lâu chưa tới phút đó, dù bệnh tình trầm trọng thế nào, ta chỉ đau ốm hoặc bị thương mà thôi.
Điều này giải thích những trường hợp chết đột ngột vì mừng rỡ, kinh hãi, đau đớn, buồn khổ hay việc gì khác.Cảm nhận mạnh mẽ là công nghiệp cả đời được hoàn tất, hay thấy đời không đáng sống, chắc chắn sinh ra cái chết không khác gì trúng đạn hay độc dược. Ngược lại, việc quyết chí mạnh mẽ muốn sống đưa nhiều người qua được an lành cơn khủng hoảng của bệnh tật trầm trọng nhất.

4. Như thế trước tiên phải là quyết tâm, ý chí, niềm tin chắc là sẽ sống còn và tiếp tục. Không có điều ấy thì mọi việc đều vô ích. Và để hữu hiệu thì nó phải không là quyết định nhất thời cho phút  ấy, ý muốn nồng nhiệt trong một lúc ngắn, mà là nỗ lực lâu dài, được duy trì, càng chú tâm vào nó không ngơi nghỉ chút nào, càng tốt chừng ấy. Tức ai muốn ‘bất tử’ phải ngày đêm canh thức chính mình, quyết chí không sai chạy của họ phải là muốn sống, sống, sống.Anh không được lạc hướng ý đó.
Người ta có thể nói đây là lòng ích kỷ sâu đậm nhất, hoàn toàn đi ngược với giáo huấn Theosophia về sự lành, có óc vô tư lợi, và điều thiện cho con người. Nhìn theo tầm mắt thiển cận thì nó là như vậy. Nhưng nếu muốn làm lành cũng như đối với mọi việc khác, người ta phải có giờ và phương tiện sử dụng, và đây là phương tiện cho việc có được quyền năng để làm vô số điều lành, những điều không làm được nếu không có nó. Một khi làm chủ các phương tiện ấy, cơ hội sử dụng chúng sẽ đến, vì sẽ đến lúc việc canh thức và nỗ lực không còn cần nữa, phút mà ta an toàn vượt qua điểm bất khả hồi.
Giai đoạn đầu của việc quyết tâm, kiên trì và sáng suốt trụ vào cái ngã, là chuyện tuyệt đối cần. Dầu vậy, ta chớ nên nghĩ rằng ai như thế phải không còn nhân tính hay tàn bạo làm ngơ kẻ khác. Việc xử sự ích kỷ như vậy sẽ có hại cho họ y như việc ngược lại, là phung phí năng lực để thoản mãn ham muốn vật chất.Tất cả những gì anh bị đòi hỏi là thái độ thuần tiêu cực.Bao lâu chưa đi tới điểm bất khả hồi, bấy lâu anh không được phung phí năng lực hay có nhiệt tình nồng nàn với bất cứ điều chi, dù cao cả, tốt lành, đẹp đẽ ra sao đi nữa.
Ta có thể nghiêm chỉnh trấn an bạn đọc là thái độ nhiệt thành như vậy sẽ mang lại phần thưởng theo nhiều cách, có thể trong một kiếp khác, có thể trong thế giới này, nhưng nó có khuynh hướng rút ngắn cuộc đời mà họ muốn duy trì, y như việc ăn chơi trụy lạc. Đó là lý do vì sao rất ít những ai thực sự vĩ đại trong đời như người tuẫn tiết, là anh hùng, giáo chủ tôn giáo, giải phóng quốc gia, lãnh đạo việc cải tổ, là thành viên của Thiên đoàn - Hierachy những Vị từ lâu bị cáo buộc là ‘ích kỷ’. Đó là lý do vì sao các nhà yogi của Ấn bị đòi hỏi nếu họ muốn được xem là sống theo các nguyên lý của trường phái mình, là tỏ ra hoàn toàn thản nhiên với mọi cảm xúc, tình cảm bên trong. 
Các nhân vật nói ở trên dù tâm thanh khiết ra sao, ước nguyện cao cả thế mấy, sự tự hy sinh vô tư lợi như thế nào, họ không thể sống vì đã lỡ giờ. Đôi lúc họ có thể thực hiện quyền năng mà thế giới gọi là kỳ diệu, khích động người và khống chế thiên nhiên bằng ý chí nồng nhiệt và tự tin, họ có thể có trí tuệ siêu nhân, có hiểu biết ngay cả tiếp xúc với Thiên đoàn, nhưng do việc chủ tâm dâng hiến năng lực của mình cho sự an vui của kẻ khác, thay vì cho chính họ, họ đã từ bỏ sự sống và khi thiệt mạng trên thánh giá, hay gục ngã gươm còn trong tay trên chiến trường, hay kiệt lực ngã quỵ sau khi đạt tới mục đích đời mình, chết trên giường tại nhà, họ đều như nhau chót hết phải kêu lên.
– Lạy Cha, sao Cha lại bỏ con !  (lời đức Jesus trên thánh giá).
Nhưng dù có ý chí để sống và mạnh thế mấy, ta vẫn thấy rằng trong cuộc sống thường ngàykhông thể nào tránh được sự tàn lụi.Việc chống chọi của các thành phần trong vũ trụ luôn xẩy ra để tiếp tục có thay đổi, bất kể cái ý chí kềm chế nó như đôi ngựa lồng lên chống lại ý người đánh xe kềm giữ chúng, tích tụ lại thành hùng mạnh tới mức nỗ lực tột cùng của ai mà ý chí không được luyện tập  bên trong một xác thân chưa được chuẩn bị, trở thành vô ích. Người chiến sĩ dũng cảm nhất; ước ao nồng cháy của tình nhân tha thiết nhất; lòng tham của người keo kiệt chưa thỏa lòng; niềm tin không chút nghi ngờ của ai cuồng tín nhất; sự tập luyện thành vô cảm với nỗi đau đớn của chiến sĩ da đỏ can đảm hay nhà yogi hiểu biết nửa vời; triết lý đã suy xét kỹ của tư tưởng gia trầm tĩnh nhất, tất cả sau cùng đều thất bại.
Lực của động năng nhằm tan rã mạnh ngang với ý chí chống lại nó, và bởi nó chồng chất nên cuối cùng chế ngự được ý chí và thắng cuộc. Ngược lại chuyện có thể xẩy ra là ý chí dường như yếu ớt, không nhất quyết bên trong một xác thân yếu đuối không nẩy nở, có thể được ao ước nào đó chưa thỏa nguyện tăng cường (thí dụ tấm lòng bà mẹ muốn tiếp tục sống để trợ giúp các con không cha của mình), có thể khống chế trong một thời gian ngắn thể xác mà nó tạm thời áp đảo.
Thế thì trọn điều kiện cho bước đầu tiên để tiếp tục hiện hữu trên đời là:
– Phát triển ý chí hùng mạnh tới độ vượt qua khuynh hướng được thừa hưởng (theo thuyết Darwin) của nguyên tử tạo nên thể xác, muốn đi theo đường có thay đổi thấy trong vũ trụ.
– Làm suy yếu hành động của thể xác, khiến quyền lực ý chí uốn nắn nó dễ hơn.

5. Muốn đánh bại quân địch, bạn phải làm cho họ xuống tinh thần và bị hỗn loạn. Mục tiêu thật sự của mọi nghi thức, nghi lễ, nhịn ăn, ‘cầu nguyện’, tham thiền, và kỷ luật bản thân thấy trong nhiều môn phái bí truyền khác nhau của đông phương, từ ước nguyện thanh cao đưa tới sự thành đạo chân thật, cho tới những thử thách đáng sợ và đáng ghê mà ai theo tả đạo phải trải qua, là nhằm thực hiện điều ấy.
Các cách thức này có điều hay cũng như không hay, hữu ích và không hữu ích, có phần thiết yếu và không thiết yếu, bí ẩn, có những điều khô cứng, và có những mê lộ. Dầu vậy, cho tất cả họ đạt được mục tiêu nhắm tới bằng những cách khác nhau: ý chí được củng cố, khích lệ, có định hướng, và các phần tử nghịch với nó bị xuống tinh thần.
Ai đã tìm hiểu nhiều thuyết tiến hóa khác nhau và nối kết chúng lại, không phải từ nguồn huyền bí nào, mà từ sách vở khoa học thông thường sẵn đó cho mọi người xem, sẽ thấy là chúng có chung một căn bản. Đó là, một vật giả dụ, khi được cho có động lực, sẽ có khuynh hướng tiếp tục nên do vậy, chuyện xẩy ra cho điều gì vào một lúc và chỗ nào, sẽ muốn lập lại nó ở thời điểm khác và nơi chốn khác. Ấy là lý luận được chấp nhận về tính di truyền và định mạng, và cũng áp dụng cho hành vi thông thường của ta như thấy rõ qua việc ‘thói quen’ dễ dàng được tạo thành, tốt hay xấu, và luật này cũng áp dụng cho trí tuệ và đạo đức y như cho phần vật chất.
Thêm vào đó, lịch sử và khoa học dạy ta rõ ràng là có những thói quen vật chất đưa tới kết quả về trí tuệ và luân lý. Chưa có nước nào gồm người ăn chay lại là quốc gia khống chế nước khác. Ngay cả trong thời đại xa xưa của người Ấn Độ, thánh nhân không hề cấm giai cấp chiến sĩ săn bắn hay ăn thịt. Người sau có vị trí rõ ràng trong phần chính trị nên thánh nhân không can thiệp vào, y như không ngăn cản cọp trong rừng sâu theo thói quen của chúng. Điều ấy không ảnh hưởng gì đến thói quen thánh nhân tập cho chính mình.
Như vậy, ai muốn được trường sinh bất tử phải canh giữ mình đối với hai hiểm nguy, là đặc biệt tỉnh thức với tư tưởng không trong sạch và thú tính.Khoa học đã cho thấy tư tưởng sinh ra động lực, ảnh hưởng xác thân. Thể xác bên ngoài dù thanh bai thế mấy, những thể thanh của con người bên trong vẫn do chất liệu tạo thành, và vẫn chịu tác động của luật là một ‘hành động’ có khuynh hướng lập lại chính nó; cái khuynh hướng sinh ra hành động tương tự trong cái vỏ thô trược mà các thể thanh tiếp xúc và ẩn dấu bên trong.
Mặt khác, vài hành vi có khuynh hướng sinh ra tình trạng nơi thể xác không thuận lợi cho tư tưởng thanh khiết, và do đó không thuận lợi cho điều kiện cần để phát triển làm con người bên trong vượt trội.

6. Trở lại diễn biến trên thực tế, bước đầu tiên là có một trí não tốt lành, trong một thân xác mạnh khỏe bình thường. Kỷ luật bản thân khởi sự ở đây, ta có thể ghi vắn tắt rằng điều thiết yếu là sự phát triển song song về đạo đức, trí tuệ và thân xác, mặt này sẽ vô dụng nếu không có mặt kia.
Và chuyện cũng cần ghi là mọi kềm chế, dù tự áp đặt cho mình, chỉ vô dụng. Chẳng những mọi ‘tốt lành’ sinh ra do cưỡng ép bằng vũ lực, đe dọa, hay hối lộ (có tính vật chất hay ‘tinh thần’ như  dâng lễ vật cho thần thánh) hoàn toàn vô ích cho ai có tính ấy, nét giả dối của nó có khuynh hướng gây độc hại cho bầu không khí chung quanh; mà ước nguyện được ‘tốt lành’, ‘thanh khiết’ muốn có hiệu lực phải tự nhiên mà ra. Nó phải là động lực phát sinh từ nội tâm, lòng thực sự ưa thích điều cao hơn, mà không phải là việc không có tính xấu vì sợ luật; đó không phải là việc giữ phẩm hạnh, tiết giá vì sợ dư luận đàm tiếu; không phải là lòng tốt thể hiện để mong được khen hay vì sợ hãi hệ quả trong tương lai chưa biết.
Nay ta thấy rằng liên hệ với thuyết về khuynh hướng có hành vi tái lại nói ở trên, là việc kỷ luật bản thân được đưa ra như là đường duy nhất theo huyền bí học dẫn tới sự trường sinh, không phải là lý thuyết có ý tưởng mơ hồ, mà thực sự là hệ thống luyện tập có tính khoa học. Theo hệ thống đó, mỗi phần tử thuộc bẩy thể tạo nên con người nhận một động lực, và thói quen làm điều gì cần cho mục đích  theo ý nó, và với dạ hân hoan. Mỗi thể phải được tập và hoàn thiện thói quen mà nó vui lòng làm. Luật này đặc biệt áp dụng cho sự phát triển con người. ‘Đức tính’ tự nó có thể là điều tốt, và dẫn tới kết quả vĩ đại, nhưng muốn hữu hiệu nó phải được vui vẻ làm mà không phải với sự miễn cưỡng hay đau khổ.

7. Hệ quả của các nhận xét trên là ai muốn được trường sinh thì ngay ở bước đầu phải loại bỏ ham muốn có tính vật chất, không phải vì cho là nó đúng hay sai, mà vì lý do chính đáng sau. Lý thuyết khoa học xác định rõ ràng là xác thân hữu hình luôn luôn tái tạo những phần tử của nó; con người, khi dằn lòng không thỏa mãn các ham muốn, sẽ tới chặng cuối một giai đoạn trong đó những phần tử tạo nên người có tật xấu và có tính xấu, sẽ phải mất đi. Cùng lúc ấy, việc không sử dụng chúng sẽ có khuynh hướng ngăn cản sự thấu nhập của phần tử mới thay thế những phần tử cũ, với phần tử mới có khuynh hướng lập lại hành vi đã ghi.
Tuy đây là kết quả riêng biệt của vài ‘tật xấu’, kết quả chung của việc tránh không có hành vi ‘tệ hại’ (theo luật Darwin là vật chi không được sử dụng sẽ suy thoái) là giảm thiểu sự tương đối trọng trược và liền lạc của thể xác (do phân tử của nó được dùng ít đi); trong khi đó số lượng giảm bớt của các phân tử này sẽ được bù lại với việc có nhiều hơn những phần tử thanh bai hơn đi vào các thể.
Những ham muốn vật chất nào phải bỏ và theo thứ tự nào ? Trước tiên và trên hết thẩy, anh phải bỏ rượu dưới mọi hình thức; dù rượu không cho sự bổ dưỡng nào, không có vui thú trực tiếp chi (ngoài sự ngọt ngào hay hương vị có thể có được khi nếm rượu, mà nồng độ rượu chính nó không thiết yếu) cho ngay cả những phần tử thô trược nhất của thể xác, nó dẫn tới hành vi bạo động, sự căng thẳng mà chỉ có những phần rất nặng nề, thấp kém nhất chịu được, lấy từ môi trường bao quanh bên ngoài, và do đó ngược hẳn với mục tiêu ta nhắm đến.
Kế tiếp là không ăn thịt, vì cùng lý do ở mức nhỏ hơn. Nó làm gia tăng tính gấp rút của sự sống (loài vật thường có đời sống mau hơn loài người, như một năm tuổi chó bằng bẩy năm tuổi người), năng lực hành động, tính hung bạo của ham muốn. Anh hùng phải chiến đấu và tử nạn có thể là việc tốt, nhưng cho ai muốn thành hiền triết, ai phải sống và …
Sau đó là ham muốn tình dục, vì bên cạnh việc hướng sinh lực vào các đường khác theo nhiều cách ngoài đường chính (thí dụ sự phí phạm năng lực khi mong đợi, ghen tuông v.v.) là những thu hút trực tiếp chất liệu có tính thô trược trong vũ trụ, giản dị chỉ vì khoái cảm vật chất mạnh nhất chỉ có thể có được ở mức đậm đặc ấy.
Cùng với và đi xa hơn tất cả các điều này và những thỏa mãn khác của ngũ quan (gồm không những các việc thường được xem là ‘xấu xa’, mà tất cả những gì tuy bình thường được cho là ‘vô hại’, nhưng phải loại trừ vì chúng lo cho lạc thú của xác thân; điều vô hại cho người khác và ít ‘thô trược’ nhất là tiêu chuẩn cho những gì phải loại bỏ sau rốt trong mỗi trường hợp),  phải là việc thanh lọc đạo đức.
Ta cũng không nên tưởng tượng tính ‘khắc khổ’ hiểu theo nghĩa thường trong đa số trường hợp giúp thúc đẩy việc làm ‘thanh nhẹ’. Đó là sai lầm mà nhiều chi phái huyền bí đông phương mắc phải, và là lý do họ suy đồi thành mê tín dị đoan thấp kém. Tu sĩ tây phương và nhà yogi đông phương nào nghĩ rằng đã tới đỉnh quyền năng khi tập trung tư tưởng vào rốn, hay đứng một chân, là làm những chuyện không có mục đích nào khác hơn việc củng cố quyền năng ý chí, cái quyền năng đôi khi được dùng cho mục tiêu thấp hèn nhất.
Đây là những thí dụ cho sự phát triển một chiều và méo mó, thui chột.Nhịn đói chẳng có lợi gì bao lâu bạn vẫn còn cần thức ăn. Việc không còn ao ước thực phẩm mà không gây nguy hại cho sức khỏe, là dấu hiệu muốn nói nên càng lúc ăn càng ít dần, tới khi đạt giới hạn tột cùng hợp cho sự sống. Cuối cùng người ta tới mức chỉ cần uống nước mà thôi.

8. Việc đạt được sự trường sinh để không phạm chuyện vô đạo đức cũng không có lợi gì, nếu tâm bạn vẫn còn ham muốn điều ấy, và cũng y thế cho mọi ước ao khác trong tâm không được mãn nguyện. Điều chính yếu là loại bỏ ước ao thầm kín, và bắt chước một đức tính mà trong lòng không có nó thì chỉ là sự giả dối trắng trợn và óc nô lệ vô ích.Ấy là điều phải có khi tập có tánh hạnh thanh khiết.Những tính ‘thấp kém nhất’ phải được loại bỏ trước, xong tới các điều khác. Đầu tiên là óc tham lam, rồi tính sợ hãi, kế là lòng ghen tị, hãnh diện với đời, không từ thiện, ghét bỏ; chót nhất là tham vọng và tính hiếu kỳ phải được loại trừ tiếp theo. Việc củng cố phần gọi là ‘tinh thần’ và thanh nhẹ hơn của con người phải diễn ra cùng lúc, và tham thiền - hay là việc lý luận từ điều đã biết sang điều chưa biết - phải được khuyến khích và thực hành.
Tham thiền là nỗi khát khao không diễn tả được của con người bên trong muốn ‘đi ra tới vô tận’, mà khi xưa là ý nghĩa thực của lòng tôn thờ, nhưng nay không có đồng nghĩa nào trong ngôn ngữ Âu châu, vì sự việc không còn hiện hữu ở phương tây, và chữ ấy bị tục hóa thành tưởng tượng lầm lạc như cầu nguyện, ngợi ca và hối lỗi. Suốt những giai đoạn tập luyện, sự quân bằng của tâm thức - ý tin chắc là mọi việc phải tốt lành trong vũ trụ và do vậy cũng tốt lành cho bạn là một phần của nó - phải được duy trì. Diễn trình của sự sống phải không được thúc hối mà trì hoãn lại nếu được; làm khác đi có thể mang lại sự tốt lành cho người khác, và không chừng ngay cả cho bạn trong những cảnh giới khác, nhưng nó sẽ sớm mang lại sự tiêu tán cho bạn trong cảnh giới này.
Ta cũng phải không được làm ngơ chuyện bên ngoài ở giai đoạn đang nói. Hãy nhớ là bậc đạo sư, dù ‘hiện hữu’ làm cho người thường tin là ngài trường sinh bất tử, không phải là không bị hại bởi những tác nhân bên ngoài. Việc tập luyện để kéo dài sự sống tự nó không làm người ta an toàn đối với tai nạn. Nói riêng về mặt thể chất thì gươm vẫn có thể cắt, bệnh tật len vào, độc chất gây xáo trộn. Thực tế phải là vậy, ấy là chuyện đúng đắn bằng không mọi ‘quả vị Chân sư’ chỉ là lời nói gạt vô căn cứ.
Vị đạo sư có thể được an toàn hơn người thường đối với các nguy hiểm thường tình, nhưng ngài được vậy nhờ hiểu biết siêu việt, điềm tĩnh, tự chủ và thấu triệt, có được do sống lâu và hệ quả của việc này mang lại, mà không phải vì diễn tiến này cho quyền năng bảo tồn chi. Ngài được an toàn như ai có súng thì an toàn hơn con khỉ trần trụi, mà không an toàn theo nghĩa thần tiên được xem là an toàn hơn con người.
Nếu đó là trường hợp của bậc đạo sư cao cấp, thì nó lại cần hơn nữa cho người sơ cơ trong việc chẳng những phải được che chở, mà anh còn phải dùng mọi cách có thể được hầu bảo đảm cho mình sống đủ lâu, để hoàn tất diễn biến làm chủ điều ta gọi là sự tử ! Bạn có thể hỏi sao bậc đạo sư cao hơn không bảo vệ anh ? Có lẽ ngài làm vậy tới một mức nào đó, nhưng trẻ nhỏ phải học tự đi một mình hầu cho em chỉ nhờ vào nỗ lực riêng mình để được an toàn; che chở trẻ chỉ làm mất đi một điều thiết yếu cho sự phát triển của em là ý thức trách nhiệm.
Kẻ được gửi ra chiến đấu mà trang bị bằng vũ khí không gì địch lại, và mang áo giáp không gì đâm thủng.thì cần gì có lòng can đảm và tư cách ? Do đó người sơ cơ phải nỗ lực tới hết mức có thể được để thực hiện những cách sống lành mạnh mà khoa học đương thời cho biết. Không khí trong sạch, nước uống tinh khiết, thực phẩm tốt lành, vận động nhẹ nhàng, giờ giấc điều độ, việc làm và khung cảnh thoải mái là tất cả, nếu không phải là những điều không thể không có, ít ra thuận lợi cho tiến triển của anh.
Chính vì để có được những điều này, ít nhất là có được càng nhiều càng tốt sự yên tĩnh và cô tịch, mà thần nhân, hiền triết, nhà huyền bí học của muôn đời đã rút lui hết mức vào nơi thanh vắng xa xôi, hang động lặng lẽ, rừng già thâm sâu, sa mạc hoang vu, hay núi cao chớn chở. Không phải việc thánh nhân luôn yêu thích chốn ‘cao vút’, và ngày nay nhóm các Vị cao cả nhất của Thiên đoàn - Hierachy trên thế giới cư ngụ trong rặng núi cao nhất của địa cầu, là việc đầy ý nghĩa sao ? Ngoài ra, người sơ cơ cũng không nên coi nhẹ giá trị của thuốc men và cách chữa trị y khoa đúng đắn.Anh vẫn còn là người phàm trần bình thường có xương có thịt, và cần sự giúp đỡ của người phàm khác.

9. ‘Giả dụ khi làm theo hết các điều kiện này hay các điều kiện có thể có khác, bước kế là sao ?’, độc giả có thể hỏi. Khi ấy, nếu không rớt lại sau trong tiến trình nói trên, những kết quả sau về sinh lý sẽ tới.
● Đầu tiên người sơ cơ sẽ thấy vui hơn với chuyện tinh thần và thanh khiết. Dần dần, chẳng những anh không còn ham muốn chuyện và vật chất thô trược mà chúng còn thành điều cấm kỵ, và giản dị thành điều chán ghét đối với anh theo nghĩa đen. Anh ưa thích những cảm xúc đơn sơ của thiên nhiên hơn, loại cảm xúc mà ta biết khi là trẻ nhỏ. Anh sẽ cảm thấy phơi phới, tự tin, hạnh phúc.Nhưng anh phải cẩn thận đừng để cho cảm tưởng về tuổi thanh niên có trở lại dẫn dụ anh sai đường, bằng không có nguy cơ là anh rơi vào cuộc sống thấp kém của mình khi trước và còn ở mức thấp hơn nữa.‘Động và Phản động bằng nhau’.
● Nay ham muốn về thức ăn khởi sự ngưng lại. Hãy để việc diễn ra từ từ, không cần phải nhịn đói mà ăn món gì bạn thấy cần. Những món thèm ăn nhiều phần là sẽ tự nhiên, giản dị.Thường thì sữa và trái cây là tốt nhất. Bạn chỉ làm giản dị từ từ phẩm chất của thức ăn, rất thong thả, theo mức bạn thấy có thể giảm khối lượng. Bạn sẽ hỏi, ‘Người ta có thể sống mà không cần thực phẩm chăng ?’ Không, nhưng trước khi cười chê hãy xem xét diễn trình mà nó hàm ý. Con sán kim - guinea worm (ký sinh trùng trong ruột) là thí dụ rất hay. Nó là sinh vật phức tạp nhưng không có ống bài tiết.Tất cả những gì nó ăn - chất ít dinh dưỡng nhất trong cơ thể con người - được dùng cho sự tăng trưởng và sinh sản. Do sống trong mô của người, nó không thải ra bất cứ thực phẩm nào được cơ thể nó tiêu hóa.
Vào một giai đoạn trong sự phát triển của mình, người sơ cơ phần nào ở mức tương tự với khác biệt là anh có thải ra, nhưng là qua lỗ chân lông, và những phần tử vật chất thanh nhẹ cũng đi vào bằng cửa ngõ này để trợ giúp anh. Anh ở trong tình trạng tương tự như bào thai trước khi sinh. Tất cả thức ăn và thức uống chỉ nhằm giữ cho những phần ‘thô trược’ của thân xác anh được quân bằng; chúng vẫn còn cần được bù đắp thay cho chất thải đi vào máu. Về sau, sự phát triển của tế bào trong người sẽ trải qua thay đổi nữa, trở thành tốt đẹp hơn, ngược lại với bệnh tật làm tệ hại hơn. Anh sẽ thành rất sinh động và nhậy cảm, và lấy chất nuôi dưỡng từ Ether hay Akasha - linh khí. Nhưng cho người sơ cơ thì thời điểm ấy còn rất xa.
Có lẽ, lâu trước khi tới mức đó, những thành quả khác không kém phần ngạc nhiên cũng như khó tin cho ai chưa rành rọt, sẽ tới để cho người sơ cơ can đảm và khích lệ trong công việc khó khăn của họ. Tưởng nên nhắc lại điều mà hằng trăm tác giả cho rằng đã xẩy ra, vì họ không biết nguyên do thực, về niềm hoan lạc và hài lòng có được khi sống đời đơn sơ, thanh khiết. Nhưng thường khi ngay vào khởi đầu của tiến trình, vài kết quả thực sự về mặt thể chất xẩy ra, bất ngờ và anh không hề nghĩ tới.Bệnh tật dây dưa kéo dài, tưởng là vô vọng, có thể hóa đỡ hơn; hoặc anh có thể sinh ra khả năng chữa bệnh bằng nhân điện; hoặc giác quan trở thành bén nhậy làm anh thích thú.
Nguyên ủy của những chuyện này là như ta đã nói, không có gì kỳ diệu hay khó hiểu. Trước hết, việc hướng của sinh lực có thay đổi đột ngột phải sinh ra hệ quả này hay kia. Thứ hai, như ta đã nói ở trên Theosophia dạy rằng con người có bẩy thể thấu nhập vào nhau, chuyện tự nhiên là việc làm thanh nhẹ thể đậm đặc, trọng trược nhất sẽ khiến những thể kia được tự do hơn theo sát nghĩa.
Một bầy ngựa có thể bị đám đông chặn lại và gặp nhiều khó khăn để xuyên qua; nhưng nếu mỗi kẻ trong đám đông có thể đột nhiên biến đổi thành ma chỉ là sương khói, thì không có gì ngăn trở được ngựa.Và bởi mỗi thể bên trong linh hoạt hơn, thanh nhẹ hơn thể bên ngoài; bởi mỗi thể như vậy liên hệ với những chất, không gian và những điều khác về huyền bí học, trí não ta có thể nhận ra bao điều tuyệt diệu từ từ mở lớn cho người sơ cơ.
Họ có thể nắm lấy nhiều cơ hội như thế để làm cho mình được an toàn, để vui đùa giải trí, và mang lại sự tốt lành cho ai quanh họ. Nhưng cách mà họ sử dụng tùy thuộc vào kinh nghiệm của họ, và là thử thách phải trải qua; lạm dụng các quyền năng này chắc chắn sẽ mang lại hệ quả tự nhiên là bị mất chúng.Viễn ảnh mở ra đưa tới ham muốn, và điều sau sẽ làm anh chậm trễ hay bị thụt lui.

10. Còn một phần khác của điều bí ẩn to tát mà ta phải nói tới, và điều mà nay là lần đầu tiên được cho phép đưa ra cho thế giới vì thời điểm đã chín muồi. Bạn đọc có kiến thức hẳn đã biết và không cần được nhắc tới một khám phá lớn làm tên tuổi Darwin bất tử, là luật nói rằng một sinh vật luôn luôn có khuynh hướng tái lại hành động của tổ tiên vào một giai đoạn trong đời nó, vật càng gần về mặt tuổi tác với tổ tiên thì chuyện càng chắc chắn diễn ra và trọn vẹn hơn.
Một hệ quả của việc này là nói chung, sinh vật thường có khuynh hướng chết đi vào cùng giai đoạn như tiền nhân. Quả đúng là có sự khác biệt lớn giữa những tuổi thực sự mà cá nhân của mỗi loài chết đi. Bệnh tật, tai nạn và đói kém là các tác nhân chính gây ra sự việc. Nhưng trong mỗi loài, có một giới hạn biết rõ mà sự sống của sinh vật thuộc loài này nằm trong đó, và không cá nhân nào được biết là sống lâu ngoài giới hạn ấy.Luật này áp dụng cho loài người y như bao loài khác.
Nay, giả dụ mọi điều kiện về sức khỏe được làm theo và người có vóc dáng bình thường tránh được hết những bệnh tật, tai nạn, y khoa biết là có trường hợp vẫn tới một lúc các phần tử trong cơ thể cảm nhận khuynh hướng di truyền, để làm điều dẫn đến sự tan rã không sao tránh được, và sẽ tuân theo. Ai biết suy nghĩ sẽ thấy là hiển nhiên nếu do cách nào mà điểm hệ trọng này được vượt qua hẳn, hiểm nguy sau đó về sự Tử sẽ giảm theo năm tháng trôi qua.
Đây là điều mà không một trí năng và thân xác bình thường không chuẩn bị có thể làm được, thỉnh thoảng khả hữu cho ai có ý chí và cơ thể được chuẩn bị đặc biệt. Cơ thể như vậy còn có ít các phần tử thô trược hơn để cảm biết khuynh hướng di truyền; rồi lại có sự trợ giúp của ‘con người bên trong’ được củng cố (thời gian sống trung bình của những thể này luôn luôn dài hơn thể xác, ngay cả khi chết bình thường) cho xác thân hữu hình bên ngoài; và có Ý Chí được trui rèn không gì chế ngự được, chỉ lối và làm chủ mọi điều.
Từ phút đó trở đi, con đường của người chí nguyện thành rõ ràng hơn. Anh đã khống chế được kẻ địch di truyền của con người, và tuy vẫn còn gặp những hiểm nguy mới mẻ luôn trên đường tới Niết Bàn, anh đắc thắng và có thể dấn bước đến sự toàn thiện với lòng tự tin mới và những quyền năng mới để thực hiện việc ấy. Bởi, ta nên nhớ rằng, thiên nhiên mọi nơi làm theo Luật, và diễn trình thanh tẩy ghi ở trên cho thể xác hữu hình cũng diễn ra cho các thể vô hình bên trong mà khoa học gia không thấy. Tất cả đều có thay đổi và sự biến hình của thể thanh xẩy ra theo như diễn tiến nơi thể đậm đặc, cho tới khi ở cõi Niết Bàn cái Ngã riêng biệt thanh nhẹ nhất cuối cùng hợp làm một với Đại Ngã vô tận.

11. Từ sự mô tả ở trên về diễn tiến, ta hiểu vì sao dân gian ít khi được gặp các ‘đạo sư’ trong đời sống thường nhật, vì sự thanh nhẹ của các thể và quyền năng đã phát triển nơi ngài làm gia tăng lòng chán ghét và ‘coi nhẹ’ những điều trong cuộc sống hằng ngày. Giống như kẻ đào tẩu tuần tự liệng bỏ vật gây bất lợi cho việc bỏ chạy, khởi đầu với món nặng nhất, thì ai muốn tránh cái ‘Chết’ sẽ từ bỏ tất cả điều chi có thể gây ra việc đó. Trong cuộc loại trừ thì tống khứ điều nào là tốt điều ấy.
Như ta đã ghi, vị đạo sư không trở thành ‘bất tử’ theo nghĩa dân gian thường hiểu. Tới mức hoặc vào khoảng thời gian mà con người chết đi thì ngài đã thực sự chết rồi, nghĩa là ngài đã thải bỏ hết hoặc gần hết tất cả phần tử vật chất nào cần phải bỏ, để cản ngăn cái chết. Ngài đã chết từ từ trong trọn giai đoạn tới chứng đạo.Cái chết không thể xẩy ra lần thứ hai. Ngài chỉ kéo dài nhiều năm chuyện tan rã mà người thường trải qua hoặc một chốc ngắn ngủi hoặc nhiều giờ.
Trên thực tế vị đạo sư cao nhất đã chết đối với cõi trần, tuyệt đối không còn tri thức về nó. Nói về mặt cảm xúc thì ngài dửng dưng với lạc thú trần gian, không màng tới đau khổ nơi ấy, tuy nhiên ý thức nghiêm khắc về  trách nhiệm không hề khiến ngài làm ngơ với sự hiện hữu của thế gian. Bởi những cảm quan mới thanh nhẹ mở ra nhiều vùng trời rộng lớn hơn, giống như thế giới của ta thì rộng lớn hơn thế giới của sinh vật nhỏ bé. Trong cõi vô tận đó có những ao ước và vui thú mới, hiểm nguy và trở ngại mới hiện ra, với cảm giác và cảm nhận mới; và xa tít bên dưới trong làn sương mờ ảo - nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - là địa cầu nhỏ bé mà ai ‘nhập vào hàng ngũ thần linh’ đã bỏ lại sau lưng.
Cho nên thật khờ dại biết bao ai hỏi xin được tiếp xúc với các vị đạo sư cao cả nhất.Nó khó vô vàn khi mong ngài vướng bận vào chuyện trần gian, bởi ngài gây hại cho sự tiến bộ của chính mình nếu làm vậy.Độc giả bình thường sẽ trách, ‘Thế không giống như thánh nhân, đó là lòng ích kỷ tột bực …’ Nhưng hãy tự hỏi là với Vị đạo sư cao tột, khi muốn cải hóa thế gian thì ngài phải tái sinh lần nữa. Liệu kết quả đạt được sau khi đã trải qua những chuyện vừa nói ở trên sẽ đủ để thúc đẩy ngài làm vậy không ?
Xem xét kỹ những điều ta đã ghi cũng cho hội viên ý tưởng về điều họ yêu cầu, khi họ muốn biết cách thực tiễn để có được quyền năng cao. Nói rõ ràng không úp mở thì có cách, là đường Đạo … Họ có thể bước trên ấy chăng ?
Ta cũng không thể không nói đến sự kiện là với người thường có những hiểm nguy khôn lường, cám dỗ và thù địch bao lấy con đường của người sơ cơ. Điều ấy chẳng có gì lạ, mà đơn giản chỉ là trên thực tế anh phát triển một số cảm quan mới nhưng chưa biết cách sử dụng, và cũng chưa hề thấy những điều nay anh thấy. Ai bẩm sinh khiếm thị nay đột nhiên có thị giác sẽ khng thể lập tức hiểu được hết ý nghĩa của cảnh tượng, mà như đứa trẻ tưởng rằng mặt trăng nằm trong tầm tay vói, hay ở trường hợp khác, chẳng ngại ngùng bốc lấy cục than hồng đỏ rực hết sức tự tin.
Người ta có thể hỏi điều gì đền bù cho việc loại bỏ mọi lạc thú của đời phàm, lạnh lùng gạt đi mọi ưa thích trần gian, sự luyện tập lâu dài để tới mục tiêu chưa biết, càng lúc càng như không thể đạt được ? Bởi không giống như tín ngưỡng của con người, huyền bí học không hứa hẹn kẻ theo đuổi nó một thiên đàng vĩnh cửu vô tận với lạc thú trên đời, có được lẹ làng ngay sau nấm mộ. Thực thế, nhiều người sẵn lòng chịu chết lúc này để hưởng thiên đàng ở đời sau.
Nhưng huyền bí học không hứa hẹn là ta có được lạc thú vô tận, minh triết và sự hiện hữu như thế ngay lập tức với giá rẻ. Nó chỉ hứa việc kéo dài những điều này qua nhiều cổng kế tiếp nhau với màn che khuất cái nọ sau cái kia, trên chuỗi đường không đứt đoạn dẫn tới Niết Bàn. Và tình trạng bắt buộc phải có cho cái sau là quyền năng mới đi kèm với trách nhiệm mới, cũng như khả năng cảm nhận lạc thú nhiều hơn sẽ đi chung với việc nhậy cảm hơn với sự đau khổ.
Vậy thì câu trả lời duy nhất có thể đưa ra là ý thức về quyền năng tự nó là lạc thú tuyệt vời nhất, và không ngừng làm mãn ý trên đường tới việc có phương tiện mới để sử dụng. Đây là con đường duy nhất mà ít nhất theo khoa học ta có thể tránh được sự ‘Tử’, lưu giữ mãi mãi ký ức, đạt được minh triết vô tận, và nhờ vậy có thể trợ giúp nhân loại lớn lao một khi vị đạo sư an toàn vượt qua điểm bất khả hồi.