H.P.B. (Helena Petrovna Blavatsky)

(PST 71)

(Xem Mục CHUYỆN H.P.B..)

 

 

Phần kế đây ta nói vắn tắt về ảnh hưởng của Theosophy với văn chương, nghệ thuật như hội họa, âm nhạc.

A. Văn Chương

Tại Ái Nhĩ Lan, thi sĩ Yeats được giải Nobel và  văn sĩ George Russell là hai văn nghệ sĩ tiếng tăm. Liên hệ giữa Theosophy và sáng tác của hai người được ghi như sau trong quyển tiểu sử của George Russell, tác giả John Eglinton:
– Có lẽ không quốc gia nào có thời kỳ sinh hoạt văn chương mà không đi kèm với, hay trước đó không có, sự kích thích do quan tâm về tôn giáo ... Ai tìm kiếm điều ấy tại Ái Nhĩ Lan vào lúc này (1937), sẽ thấy được nó trong sự sôi nổi mà sinh hoạt ban đầu của phong trào TTH tại Dublin gợi nên trong tâm hồn của một nhóm thanh niên. Bằng chứng là không những vào lúc đó không có phong trào tôn giáo nào khác ở Ái Nhĩ Lan, mà hai ông Russell và Yeats, về sau là hai nhà lãnh đạo chính của sinh hoạt Phục Hưng Văn Học, có liên hệ chặt chẽ với phong trào TTH.
Russell và Yeats chế ngự hoàn toàn sinh hoạt nói trên và chi phối trọn đời sống trí thức của Ái Nhĩ Lan trong thời đại của họ.
Trong quyển khác, Ireland's Literary Renaissance, tác giả Ernest Boyd viết:
Phong trào TTH cho ra một tâm văn chương, nghệ thuật và trí thức, từ đó tỏa ra ảnh hưởng mà ngay cả ai không thuộc về nó cũng cảm thấy được. Hơn nữa, phong trào đặt nền tảng chung cho tất cả ai nhiệt thành nhất trong các trí thức già cũng như trẻ. Nó mang lại với nhau các nhân vật khác biệt nhất, mở rộng rõ ràng phạm vị của văn chương mới, nhấn mạnh tiến bộ rõ rệt trong tất cả phong trào quốc gia trước đây... Nó là một nơi hòa hợp trí tuệ mà từ đó các yếu tố chân chính và vững chắc của dân tộc tính hiện ra được củng cố, và phần cặn bã rơi rớt mất đi.

William Butler Yeats (1865-1939)
Thi sĩ Yeats là hội viên tích cực của chi bộ TTH ở Dublin, Ái Nhĩ Lan. Khi gia đình sinh sống tại London, ông tiếp xúc với H.P.B. trong thời gian bà cư ngụ nơi đây.Ông thành hội viên chi bộ London và khi trường bí giáo thành lập năm 1888, ông là một trong những học viên đầu tiên của trường.Thời đại của ông là thời đại của thuyết duy vật, thuyết tiến hóa. Điều sau thuyết phục được trí tuệ của ông nhưng  Yeats không hài lòng, và ông ước ao có một điều gì đó thỏa mãn được mong muốn kéo dài của tâm tư. Phân tích của giáo sư William York Tindall về Yeats năm 1942 ghi:
– Giáo hội ở Ái Nhĩ Lan không còn làm ông thỏa mãn ... Trong sự hoang mang đó ông khám phá được Theosophy, ... cho tâm hồn ông sự mở rộng mà nó cần, và dường như không làm trí tuệ phản đối.
Ông rất quan tâm đến H.P.B như thấy trong đoạn thư sau gửi cho bạn:
– Hãy đến gặp bà ngay khi anh tới London ...
Bài viết khác của ông ghi:
– H. P.Blavatsky ... nhất định là phụ nữ học rộng và có tư chất ...
– Tôi tin các vị thầy của bà Blavatsky là huấn sư chính đáng, học rộng, và tôi tin tưởng họ như trò tin vào thầy.
Thi sĩ rời trường Bí Giáo năm 1889, tuy vậy ông chịu ảnh hưởng của H.P.B. như lời phân tích sau của Richard Ellman, tác giả quyển tiểu sử Yeats: The Man and the Mask.
Nói về các triết lý thì Yeats mặc nhiên chấp nhận phần lớn những gì mà hội viên  TTH tin, tuy chuyện dễ hiểu là ông thích gán cho Boehme, Swedenborg và ai đáng tin khác như là nguồn của chúng, hơn là cho bà Blavatsky ... Dù ý tưởng của bà cho ra ảnh hưởng ngay tức thì hay tiềm tàng trong trí não của ông, chúng đều cho tư tưởng của ông một căn bản, và tràn lan trong triết lý của ông. Thí dụ tác phẩm A Vision có đầy nối kết với Theosophy.
... Truyền thống huyền bí học và tôn giáo mà Theosophy giải thích có nhiều điều hữu lý, thâm sâu ... Theosophy cho ông cái khiên và thanh kiếm, và ông xông tới như hiệp sĩ Don Quixote tuy có chút ngần ngừ, tấn công điều xấu của đời sống hiện tại ... Cho dù ông ra khỏi hội, năm hay sáu năm trong Hội, trong đó có ba năm tích cực hoạt động đã để lại ảnh hưởng cho ông.
Hơn thế nữa, Yeats nhìn nhận với John Eglinton rằng tổng quát mà nói, hội Theosophy đã làm nhiều điều cho văn chương Ái Nhĩ Lan hơn đại học Trinity College của Ái Nhĩ Lan đã làm trong ba trăm năm.

–George W. Russell (1867-1935)
Là thi sĩ, nhà văn, nhà báo, chuyên gia kinh tế, được xem là người Ái Nhĩ Lan cao cả nhất trong thời của ông. Ông quen biết với Yeats khi học chung ở đại học, và qua Yeats cùng Charles Johnston (thành hôn với cháu gái của H.P.B.) mà ông biết đến Theosophy. Một bạn thân của ông viết về những ngày này:
– ... Ông là thanh niên ngượng nghịu và ít lời, tuy nhiên ông hấp thu Theosophy với mức độ nhanh chóng như có phép mầu, làm như nó là bài học quen thuộc tạm thời bị quên lãng mà nay được gợi nhớ lại, với hiểu biết đầy đủ hơn. Chỉ trong một tuần ông đã có thể dự vào cuộc thảo luận với những sinh viên khác lớn tuổi hơn, và có bài giảng về điều vừa học - tuy mới mà cũ.
Hiểu biết về Theosophy của ông có được từ những bài viết trong tạp chí The Path của ông W.Q.Judge và Lucifer của bà Blavatsky ... Sau đó là các tác phẩm của bà như The Secret Doctrine, The Voice of Silence The Key to Theosophy. Theo lời của Russell, 'được đắm mình trong các sách này, tôi thấy lạ lùng rằng mình đã có thể làm gì để được sinh ra trong thời đại mà minh triết như thế được dâng tặng cho mọi ai có thể hỏi xin, mượn, hay lấy cắp một bản những sách vở này'.
Trong thư viết cho bạn ngày 17-10-1922, Russel kể về các hội viên TTH làm việc trong những phong trào khác ngoài Hội, 'và đem vào đó một khuynh hướng tinh thần. Tôi cố gắng làm vậy trong các phong trào kinh tế và văn hóa mà tôi có dự phần ở Ái Nhĩ Lan.'
Qua Charles Johnston (nói ở trên) và vợ ông, Russell có dịp gặp gỡ H.P.B. Khi có người thắc mắc là hiện tượng do bà tạo ra chân thật hay không, ông nói:
– Họ muốn nói gì thì nói, còn tôi đã thấy bà làm nhiều điều kỳ diệu.
Có người cho rằng sự liên hệ của Russell với Theosophy và hội TTH ở Dublin chỉ là một giai đoạn trong đời của ông lúc mới trưởng thành.Tuy nhiên hành động của ông chứng tỏ chuyện khác. Từ 1898 đến 1933 khi ông rời Ái Nhĩ Lan, Russell giữ cho một nhóm nhỏ tên The Hermetic Society được sống động  gồm các học viên chân thành. Còn ông viết cho bạn về nhóm này:
Có lúc nhóm đông người tham dự, khi khác thì là nhóm ít người. Nó lên, xuống, rồi lên trở lại; người ta đến rồi đi chỗ này chỗ kia, và tôi thấy mãn nguyện trong lòng là mọi người ít nhiều đều trải qua việc tắm mình trong các ý tưởng TTH. Tôi không có triết lý riêng nào, không có gì ngoại trừ H.P.B., W.Q. Judge, The Bhagavad Gita, Upanishads, Patanjali, và một hay hai kinh sách ... Tôi làm hết sức mình để theo việc học mà H.P.B. và W.Q.J. đã khởi xướng.
Điều làm nhiều người quý mến ông là Russell sốngtheo triết lý của mình. Khi ông qua đời năm 1935,  báo tường thuật là đoàn người đi theo linh cữu người ông tới nghĩa trang dài gần hai cây số.

–James Joyce (1882-1941)
Ông là tác giả quyển sách nổi tiếng Ulysses, và lần đầu tiên gặp Russell, Joyce cùng ông nói chuyện về Theosophy.Sách ghi lại rằng Joyce 'thật tình chú ý đến những đề tài TTH như chu kỳ cuộc sống, luân hồi, các đấng cao cả nối tiếp nhau, và phần minh triết trường tồn nằm trong các tôn giáo lớn'. Joyce đọc các sách của ông Sinnett và bà Blavatsky, và rút nhiều điều từ chúng đem vào tác phẩm của mình (thí dụ như ý niệm luân hồi trong Ulysses), tới mức quyển James Joyce's Ulysses của tác giả Stuart Gilbert khuyến cáo người đọc:
– Ta không thể hiểu được ý nghĩa của Ulysses, biểu tượng của nó và tầm quan trọng của đề mục nêu trong sách nếu không có hiểu biết về lý thuyết huyền bí là nền tảng của chuyện ... Nhiều đoạn tối nghĩa trong sách sẽ thành dễ hiểu hơn nếu ta ghi nhớ điều này trong trí.
Nhà phê bình khác thì viết:
– Joyce xem huyền bí học là cái khung thích hợp cho ý niệm văn chương nghiêm chỉnh nhất của ông, giống như Yeats.

Phần dưới đây là tóm tắt về ảnh hưởng của Theosophy với vài văn sĩ Anh và Hoa Kỳ:

– Jack London (1876-1916), mạnh mẽ đề cập tới thuyết luân hồi trong các tác phẩm của mình. Chuyện The Star Rover của ông có đoạn:
Cả đời mình tôi có ý thức về những nơi chốn và thời điểm khác. Tôi ý thức có những người khác trong tôi ... Tôi chưa hề hé môi nói chữ 'vua', vậy mà nhớ là có lần tôi là con trai một vì vua. Còn nữa, tôi nhớ có lần mình là nô lệ và là con trai một nô lệ, đeo vòng bằng sắt quanh cổ mình ... Tất cả những cái tôi trước của tôi đều có tiếng nói, âm vang, thúc giục trong  người tôi ... Tôi là người nam được người nữ sinh ra. Tôi là người nữ được người nữ sinh ra.Tôi là người nữ và sinh con.Và tôi sẽ tái sinh nữa.Ồ, tôi sẽ còn tái sinh biết bao lần nữa.
Văn sĩ khác (Prewitt) nói rằng nhờ đọc Jack London mà lần đầu tiên sách cho ông hình ảnh rõ ràng về việc linh hồn tái sinh.
– Emil M. Foster (1879-1970) .
Có nhận xét:
– Không cần phải suy đoán về sự chú ý của E.M. Foster đối với bà Blavatsky vì ai cũng biết là văn sĩ thường quan tâm về bà và phong trào TTH.
Nói về tác phẩm nổi tiếng A Passage to India đã được quay thành phim, các nhà phê bình ghi nhận là bối cảnh của sách được đặt ở vùng đất tinh thần của Theosophy, và một nhân vật trong chuyện bà Moore có nhiều nét tương đồng với bà Blavatsky.
Trong chuyện khác Howards End, nhân vật Margaret Schlegel đọc sách TTH, suy nghĩ về hào quang, cõi trung giới v.v.

– D.H. Lawrence (1885-1930)
Trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau khi ông đã qua đời, vợ ông cho biết:
– Ông đọc và ưa thích tất cả những tác phẩm của bà Blavatsky, vừa đọc vừa mỉm cười về hình ảnh quả trứng (tượng trưng cho vũ trụ) mà bà dùng, và rồi ông cũng nói tới hình ảnh này nhiều lần trong sách của ông.
Còn chính ông thì viết trong quyển Fantasia of the Unconscious:
– Tôi thành thật tin rằng thế giới ngoại đạo lớn lao mà Ai Cập và Hy Lạp là những nước rơi rớt lại, cái thế giới đi trước thời đại chúng ta, đã có một khoa học rộng lớn và không chừng toàn hảo của riêng nó, một khoa học về sự sống. Sang thời nay khoa học đó tàn lụi thành huyền thuật và trò lừa đảo.Nhưng ngay cả minh triết cũng suy tàn.
Tôi tin rằng khoa học lớn lao ấy có trước khoa học của chúng ta, và khác biệt hẳn về chi tiết và tính chất so với khoa học của ta; nó đã có thời phổ biến khắp nơi trên địa cầu. Tôi tin là nó bí truyền, được giữ kín trong khối giáo sĩ đông đảo. Tựa như toán, cơ học và vật lý được định nghĩa và giảng giải theo cùng cách trong  đại học ở Trung Hoa, Bolivia hay London, Moscow ngày nay thì tôi thấy có vẻ như trong thế giới ngày trước so với thế giới ngày nay của ta, có một khoa học lớn lao và vũ trụ học được giảng dạy bí truyền trong hết các nước trên địa cầu, Á châu, Polynesia, Mỹ châu, Atlantis và Âu châu ...
Nhiều điểm trong các chuyện của ông (The Plumed Serpent, Apocalypse) được cho là bắt nguồn từ ý tưởng trong sách của bà Blavatsky.

– T.S.Eliot (1888-1965) là nhà thơ nổi tiếng với tập thơ The Waste Land (Hoang Địa), có hình ảnh của bà Blavatsky thấp thoáng trong đó qua nhân vật Madame Sosostris. Vậy chưa đủ, ông đem hẳn bà vào thơ của mình trong  bài A Cooking Egg, và phê bình gia cho rằng các tác phẩm của ông lộ ra sự tương tác huyền bí giữa cấu trúc cơ thể con người và cấu trúc của vũ trụ.

– Thorton Wilder (1897-1975) dùng bà Besant làm thí dụ cho bài viết của mình, và khi khác thì cho nhân vật nói lên triết lý mà Hội đưa ra như luân hồi, nhân quả.

– L. Frank Baum (1856-1919)  là tác giả chuyện nhi đồng có tiếng 'The Wizard of Oz'. Mẹ vợ của ông là hội viên hội Theosophy, và nhờ bà mà ông biết đến Hội rồi gia nhập năm 1885.Tuy nhiên trước đó hai năm, với cương vị là chủ bút một tờ báo ông giới thiệu hội Theosophy tới độc giả.Ý tưởng có nét TTH tràn ngập trong chuyện The Wizard of Oz từ đầu tới cuối, và cho ông hứng khởi.

 

B. Nghệ Thuật.

Nay ta bước sang ảnh hưởng của Theosophy trong nghệ thuật như hội họa và âm nhạc. Bắt đầu với hội họa, trong quyển An Art of Our Own, The Spiritual in Modern Art, tác giả Roger Lipsey viết:
Khi Theosophy bước vào thế kỷ 20 và bành trướng mạnh mẽ từ nước này sang nước kia, trong một khoảng thời gian nó trở thành một văn hóa khác nổi bật. Nó là trường phái mà nghệ sĩ và người tìm ý nghĩa cuộc sống có thể tìm thấy sự mô tả khác biệt hẳn về thế giới và con người.
Ai trong chúng ta chưa từng xem và thưởng thức các họa phẩm của Piet Mondrian, một người theo đuổi Thesophy suốt cả đời ông ? Kadinsky, từ lâu được xem là 'họa sĩ của họa sĩ ', trong những năm gần đây đã có tiếng tăm nhờ nhiều cuộc triển lãm đầy đủ họa phẩm và nghiên cứu về ông. Dù không hề là người TTH đúng nghĩa và có sở thích đa dạng, ông là người cả đời đi tìm chân lý và có vẻ như  rút ra được hiểu biết căn bản của mình về 'chân lý' có nghĩa gì từ ... quan điểm của TTH về thế giới.
Kadinsky và Mondrian được xem là hai sáng lập viên chính cho nền hội họa tân thời hay nghệ thuật trừu tượng.

–Wassily Kadinsky (1866-1944).
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ, tờ New York Times có bài viết của phê bình gia Hilton Kramer về ông.Kramer bàn về giai đoạn chính yếu mà họa sĩ học hỏi Theosophy, cho phép ông có bước nhẩy cách mạng vào thuật trừu tượng. Kramer ghi,
– Theo cách suy nghĩ của họa sĩ, việc ông gắn bó với Theosophy ít nhất bảo đảm cho ông là nghệ thuật trừu tượng sẽ đạt tới ý nghĩa tinh thần cao hơn.
Điều ghi nhận đặc biệt về Kadinsky là quyển sách nhỏ Concerning the Spiritual in Art của ông. Sách xuất bản năm 1911 rất đúng lúc và hào hứng khiến các nghệ sĩ tiền phong avant-garde ở khắp nơi để ý tới thông điệp của sách. Trong những trang đầu ông đề cập tới bà Blavatsky:
–  Nghệ thuật đi tìm sự trợ giúp của người sơ khai và quay về thời đại bị bỏ quên một nửa để có sự giúp đỡ từ phương pháp đã quên một nửa. Tuy nhiên, những phương pháp này vẫn còn sống động và được sử dụng trong các nước mà chúng ta, do sự hiểu biết rộng rãi của ta, hóa ra quen thuộc với lòng thương hại và dạ chê bai. Người Ấn thuộc về một nước như thế, và thỉnh thoảng họ trực diện các nhà thông thái thuộc nền văn minh của chúng ta với những vấn đề  mà hoặc ta bỏ qua không chú ý, hoặc gạt qua bên với cách nói và lời giải thích hời hợt.
Bà Blavatsky là người đầu tiên, sau khi sống nhiều năm ở Ấn, thấy sự liên kết giữa 'những người bán khai' đó và 'nền văn minh' của chúng ta. Từ phút ấy có phong trào tinh thần vĩ đại mà ngày nay thành đông người và có hình thức rõ ràng là Hội Theosophy. Hội gồm các nhóm người tìm giải pháp cho vấn đề tinh thần bằng hiểu biết nội tâm. Lý thuyết của Theosophy dùng làm căn bản cho phong trào này là do bà Blavatsky đề ra, dưới dạng hỏi đáp qua đó học viên nhận được lời đáp rõ ràng theo quan điểm TTH cho thắc mắc của mình.
Họa sĩ giải thích thêm ấy là quyển The Key to Theosophy. Tuy nhiên tài liệu nghiên cứu về ảnh hưởng của Theosophy cho rằng khi đưa ra lý thuyết riêng cho mình và rồi thực hiện chúng bằng tranh vẽ, ông lại sử dụng rất nhiều ý tưởng trong bộ The Secret Doctrine, sách của hai vị A. Besant và C. W. Leadbeater.

–Piet Mondrian (1872-1944).
Nhà họa sĩ Hòa Lan này hiện nay được xem là người sáng lập cao tột nhất của nghệ thuật trừu tượng. Ông gia nhập Hội năm 1909, và quyển tiểu sử Mondrian ghi 'họa sĩ quan tâm sâu xa về của vấn đề tôn giáo, và luôn luôn tích cực chú ý đến Theosophy'. Sách viết thêm:
– Theosophy đối với Mondrian không phải chỉ là niềm ưa thích riêng. Khoảng năm 1910 nhiều nghệ sĩ  qua TTH đi tìm những giá trị sâu xa và phổ quát hơn, ý nghĩa nằm sau ý nghĩa, những chiều đo mới của sự hiểu biết.
Nói về món nợ mà Mondrian có đối với Đông phương xuyên qua Theosophy, các phê bình gia khác nhận xét:
– Theosophy ... trước hết là phương tiện cho họa sĩ thoát khỏi  ảnh hưởng của cha mình.
– Nhờ Theosophy mà ông có được tự do thoát khỏi tín điều của giáo phái Calvin.
– Việc học hỏi Theosophy của ông kéo dài và tỉ mỉ.
Năm 1972 kỷ niệm bách chu niên ngày sinh của họa sĩ, cùng với cuộc triển lãm tranh ông ở New York, một bài viết được đưa ra mang tên 'Mondrian và Theosophy' . Bài viết giải thích:
– Những ý tưởng liên quan đến cuộc thảo luận của ông nằm rải rác trong biết bao tài liệu, cuộc thảo luận do H.P.B. và ai quanh bà phụ trách.
Nhiều tranh của Mondrian vẽ theo quan điểm TTH về sự tăng trưởng do luật tiến hóa, do luân hồi. Quan điểm ấy thấm nhuần khắp hết các bài viết lý thuyết của họa sĩ; ông đặc biệt ám chỉ tới thuyết tiến hóa nói trong bộ The Secret Doctrine như là yếu tố quyết định trong lịch sử nghệ thuật. Năm 1918 khi trả lời một cuộc phỏng vấn, họa sĩ nói:
– Những điều tôi có được đều là từ trong bộ The Secret Doctrine mà ra.
Xưởng vẽ của ông được mô tả như sau:
– Mondrian rất kỹ lưỡng về các vật trong phòng vẽ của mình. Thế nên chuyện đáng để ý là ông cho treo một hình chụp lớn trên tường trong  phòng làm việc, bên cạnh những khung mầu thuần sắc. Đây là hình  vẽ chân dung lớn hơn người thật của nhà huyền bí học có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 19, H.P. Blavatsky.

–Paul Klee (1879-1940)
Ông cũng là một trong những họa sĩ lập ra môn phái trừu tượng. Klee chú ý đến tiềm thức, tranh của ông mang tính chất thần bí và nhà phê bình Knotts nhận xét như sau về ảnh hưởng của bà Blavatsky đối với họa sĩ:
  Chắc chắn ông Klee có chú ý đến việc bà Blavatsky giải thích các lực bí ẩn liên quan đến một mức độ khác của tâm thức con người, một mức độ mà ông luôn thấy mình có liên kết. Trong tác phẩm của mình ông Klee gần như luôn luôn tách rời vật khỏi khung cảnh ngay cạnh chúng, và đặt chúng vào những cõi không ngừng mở rộng, với kết quả là có sự tương ứng giữa trái đất và vũ trụ, vật sống và vật chết, chuyện quá khứ và hiện tại.

–Paul Gauguin (1849-1903)
Ông là họa sĩ đại diện cho trường phái biểu tượng, và là một họa sĩ khác chịu ảnh hưởng của Theosophy. Sử gia nghệ thuật Thomas Buser viết như sau trong bài 'Gauguin's Religion' đăng trên tạp chí Art Journal số mùa hè 1968:
Một trong nhiều điều khác biệt về Paul Gauguin là ông vẽ tranh tôn giáo. Có ít tranh tôn giáo của các họa sĩ lớn thuộc cuối thế kỷ 19, và có ít họa sĩ lớn quan tâm đến tôn giáo, dù là trong đời sống riêng tư. Tuy nhiên, với Gauguin, tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật và đời ông ... Dầu vậy niềm tin của ông dễ có tính thần bí hơn là theo giáo hội lúc bấy giờ ... Nói giản dị thì Gauguin có vẻ như  say mê Theosophy.
Vào những giai đoạn khác nhau, điều ông viết và vẽ đi song song chặt chẽ với triết lý TTH của tác giả Édouard Schuré trong quyển Les Grands Initiés được ưa chuộng ... Ngay từ thuở đầu, chuyện làm Gauguin thích thú về Theosophy là triết lý của nó về vị đạo đồ hay người có khải thị, có thể nhìn xuyên qua cõi bên kia ...
Buser tin rằng chắc chắn Gauguin biết đến Theosophy từ năm 1889 lúc quyển sách trên xuất bản. Thực vậy, Theosophy đi song đôi với sự sáng tạo trong kiểu vẽ già dặn của họa sĩ. Ít nhất, sự hiểu biết về Theosophy giúp giải thích làm sao ông có thể tìm ra nhiều tương hợp như thế, giữa các kiểu thức của nghệ thuật tôn giáo trong nhiều nền văn minh khác biệt như Java, Ai Cập, Hy Lạp v.v.
Bài viết của Buser kết luận:
– Tuy các nhân vật trong tranh Gauguin có thể không bao giờ được 'giải thích' trọn vẹn, có một điều nói được về họ. Nói không rào đón thì khi suy nghĩ về một đề tài, ông suy nghĩ theo Theosophy. Trí tưởng tượng của ông có tính TTH.Theosophy là quan điểm của ông về thế giới. Hy vọng rằng hiểu biết này của chúng ta không giải thích cho qua tranh Gauguin, mà làm ý nghĩa của chúng sâu xa hơn...
Ý nghĩa tranh Gauguin có chứa đựng huyền bí học, về nhiều mặt huyền bí học đặt ra nền tảng cho trọn trường phái Biểu Tượng. Dầu vậy trong trường hợp của Gauguin, triết lý TTH cho ông cái sườn trí tuệ để nhờ vậy làm sâu đậm thêm ý nghĩa của tranh vẽ, còn cảm nhận của ông biến bố cục tranh thành tác phẩm có óc tưởng tượng cao độ.
Thiện cảm của Gauguin đối với các ý tưởng trong TTH gồm luôn cả việc tái sinh, và ông ghi như sau trong tác phẩm Modern Thought and Catholicism, viết vào những năm cuối đời trên đảo Tahiti, xuất bản sau khi ông đã qua đời. Ông vẽ xong một bức tranh lớn năm 1898 có tên ' Chúng ta từ đâu đến, ta là gì, ta đi về đâu ?'; đó cũng là câu mở đầu cho sách nói trên, và ông tiếp tục:
Chuyện ngụ ngôn về cái thang của Jacob từ đất bắc lên trời mà các thiên sứ đi lên xuống các bậc, quả giống với việc lên và xuống theo nấc, từ thấp nhất đến cao nhất trong đời, tùy theo việc sử dụng tích cực nhiều hay ít tính chất của các ngài ... giáng cấp hay nâng cấp theo mức xứng đáng và không xứng đáng. (Ấy là) ý niệm về luân hồi như được nhìn nhận trong Ấn giáo, và là điều mà Pythagoras học từ người Ấn và dạy lại ở Hy Lạp ... Nó nói rằng linh hồn tạo nên các thể, linh hồn cho ra cuộc tiến hóa của các sinh vật  thuộc đủ loài ... Thượng đế ... là biểu tượng cho tinh thần tinh khiết bất diệt, cái tinh thần chung của vũ trụ ... trở thành nguyên lý của mọi sự hòa điệu, là chung cuộc sẽ đạt tới mà đức Chúa trưng ra, và trước ngài là đức Phật đã nói tới. Và mọi người sẽ thành Phật.
Vào tháng 11-1986 Los Angeles County Museum of Art có buổi khai mạc khu triển lãm mới, với cuộc triển lãm tên The Spiritual in Art and Abstract Painting 1890-1985. Cuốn thư mục trong dịp này ghi lại hơn bốn trăm họa phẩm, và cuộc triển lãm dài ba tháng sau đó lên Chicago rồi sang the Hague. Ở cuối thư mục có một hình lớn của H.P.B và bài dài hai trang viết về Theosophy, nói rõ ràng:
– Hội Theosophy trở thành tổ chức có ảnh hưởng rộng rãi nhất qua việc thăng tiến trong công chúng các giảng dạy huyền bí ở thời đại hiện nay ... hội tỏ ra quan trọng về mặt lịch sử trong việc làm phổ thông hóa ý tưởng về luân hồi, nhân quả, các Chân sư, và Tây tạng như là vùng đất của minh triết muôn đời; trợ giúp cho việc hồi sinh Phật giáo ở Tích lan và Ấn giáo tại Ấn độ.

–Gustave Mahler (1860-1911)
Lúc sinh thời, Mahler không được chú ý mấy như là nhà soạn nhạc, mà ông chỉ được biết tới ở Âu châu và về sau ở Mỹ châu như là nhạc trưởng. Các hòa tấu khúc của ông và nhiều sáng tác khác đi trước thời đại, nên được đón nhận với sự thắc mắc hơn là ngợi khen. Ông đã tiên đoán rằng 'Thời của tôi chưa đến', và đúng y như vậy.Nay ông được xem như là một nhạc sư tài ba.
Năm 1895, Mahler khởi sự viết hòa tấu khúc thứ ba. Tuy những hòa tấu khúc trước đây của ông có tính bi thảm và lộ ra sự tỉnh mộng cay đắng với đời, bản thứ ba được mang tên 'The Joyful Knowledge – Hiểu Biết Hoan Hỉ', và nhà nghiên cứu về Mahler nhận xét tác phẩm có 'một niềm lạc quan mới tìm ra, hay đúng hơn nó là một sự tỏ ngộ thần bí về sự hữu lý và mục đích của việc hiện hữu'.
Hiểu Biết Hoan Hỉ này là gì ?Trong quyển tiểu sử của ông, bạn thân Mahler kể lại một cuộc trò chuyện với nhạc sư tại Hamburg năm 1895. Vào dịp ấy Mahler nói với lòng tin tưởng mạnh mẽ:
– Tất cả mọi chúng ta đều tái sinh; chính sự xác quyết này làm đời sống có ý nghĩa; và khi sinh ra ở đời sau mà ta không nhớ gì về đời trước, điều ấy không có ảnh hưởng chi hết. Điều quan trọng không phải là cá nhân và sự an vui của họ, mà là ước vọng lớn lao về sự toàn thiện và sự thanh khiết nơi mỗi lần tái sinh.
Có thể nói là bản hòa tấu khúc thứ ba mô tả việc tái sinh của sự sống qua các loài thấp đến con người và đi xa hơn nữa. Trong một thư cho bạn, Mahler ghi là ông muốn diễn tả trong bản này sự phát triển của thiên nhiên theo đà tiến hóa, nó ẩn dấu trong chính mình hết tất cả những gì đáng sợ, cao cả và luôn cả nét đáng yêu. Ông nói thêm:
– Lẽ tự nhiên chưa có ai hiểu điều này. Tôi luôn luôn ngạc nhiên, thấy lạ lùng là đa số người khi nói 'thiên nhiên' thì chỉ nghĩ đến hoa cỏ, chim chóc, và mùi thơm của rừng. Không ai biết về thần Dionysus, đại thần Pan. Coi đó !Nó như một chương trình, tức là cái mẫu về cách tôi soạn nhạc.Bất cứ ở đâu và luôn luôn, nó chỉ là tiếng nói của thiên nhiên.
Hành âm thứ nhất của tấu khúc được xem là tượng trưng cho 'thiên nhiên' trong trọn tổng thể của nó ... được làm thức tỉnh từ sự yên lặng thăm thẳm mà nó có thể làm reo lên và vang dội lại. Những hành âm tiếp theo mô tả các giai đoạn của việc tái sinh, đi lên từ thảo mộc qua thú cầm, con người, trở về Nguồn Thiêng liêng toàn năng, toàn tri.
Ta được biết niềm tin của nhạc sư về sự tái sinh có được là nhờ ông tiếp xúc với các thân hữu là hội viên hội Theosophy, quen biết trong thập niên 1890.

–Jean Sibelius (1865-1957)
Vào sinh nhật 90 tuổi của nhạc sư Sibelius, bài phê bình âm nhạc trên tờ New York Times (December 1955) viết:
– Mối tương quan giữa sự sống và âm nhạc là một trong các quan tâm chính của Sibelius ... Sự đồng hóa của ông với đồng nội, rừng cây, biển cả và trời cao sâu xa đến mức nó luôn luôn thấm nhập vào nhạc của ông ... Hồi là thiếu niên, Sibelius dạo chơi thơ thẩn trong cảnh thiên nhiên ở quê nhà là tỉnh Hame. Chim chóc luôn luôn làm ông thích thú. Có lần ông nói với con rể 'Mấy triệu năm về trước, trong những kiếp xưa của ba, hẳn ba phải có liên hệ với thiên nga hay ngỗng trời, vì ba vẫn còn cảm thấy tình luyến ái đó'.
Một người bạn và là hàng xóm của ông cho biết Sibelius nói chuyện cởi mở với thân hữu gần gũi về niềm tin của ông về việc tái sinh, và luôn cả những kiếp trước của mình. Một giáo sư Hoa Kỳ kể là có lúc họ sang Phần Lan tìm tới nhà của gia đình nhạc sĩ để thăm, và được nghe hàng xóm của nhạc sư thuật rằng Sibelius và các nhạc sĩ quanh ông tham gia nhiều vào việc học hỏi Theosophy cũng như chỉ dạy của tổ chức Rosicrux.

Alexander Scriabin (1872-1915)
Phần này đã ghi trong bài Nhạc Thiên Nhiên và Scriabin, PST 55, xin mời bạn xem lại.