DÒNG TÀI LIỆU MINH TRIẾT THIÊNG LIÊNG
Năm 1875 bắt đầu một sự việc quan trọng là hội Theosophia được thành lập, và tiếp theo là các diễn biến mà kết quả là phong trào TTH được sống động mạnh mẽ từ đó tới nay. Đóng vai trò thiết yếu cho việc ấy là các sách vở về Theosophia được liên tục đưa ra từ bà Blavatsky (HPB) đến các tác giả sau này. Bài dưới đây cho cái nhìn tổng quát về dòng tài liệu MTTL hiện đại, khởi sự với HPB, dựa theo những giáo huấn mới. Những hiểu biết đó làm ta nhìn vấn đề theo quan điểm khác xa cái nhìn thường có khi bàn về HPB và tác phẩm của bà. Ngoài những điểm quen thuộc, ta sẽ xem xét sự việc về mặt năng lực tức ảnh hưởng các cung, cùng vị trí của tài liệu trong thế giới hiện đại.
Có hai điểm nên chú ý khi bàn về các sách TTH, thứ nhất là chúng nhằm thực hiện điều chi và thứ hai là bối cảnh của chúng.
Mục Tiêu
Bốn tác phẩm chính của HPB theo thứ tự thời gian gồm:
–Isis Unveiled
–The Secret Doctrine- SD
–The Voice of the Silence
–The Key to Thesophy
Việc HPB xuất hiện và hội được thành lập không phải tự dưng xẩy ra, mà là kết quả của những lực tác động theo chu kỳ trong thiên nhiên. Ta gọi những lực ấy là cung (Ray), có bẩy cung với bẩy tính chất khác nhau biểu hiện qua bẩy năng lực. HPB đến với thế giới theo chu kỳ năng lực cung một, với phần việc là phá vỡ khuôn mẫu tạo giới hạn thấy trong khoa học và tôn giáo.
Đây là điểm rất đáng nói, thông thường các sứ giả của Thiên đoàn (Hierachy) làm việc chỉ chuyên về một mặt như chính trị (vua Akbar của Ấn Độ), tôn giáo (Tsongkhapa, nhà cải cách Phật giáo của Tây Tạng), nghệ thuật (họa sư Leonardo da Vinci của Ý), hay khoa học (Newton) v.v. chỉ riêng HPB tả xung hữu đột để giải thích, tấn công, đả phá và đặt nền tảng cho cả hai ngành khoa học và tôn giáo cũng như triết lý, mà ảnh hưởng còn lan sang cả nghệ thuật.
Có việc ấy vì thời đại này khác với những thời đại trước, ta có trí năng phát triển mạnh đưa tới chủ thuyết duy vật mà nếu không được kềm chế sẽ đưa tới sự tàn bạo; rồi thế giới đang bước vào tân kỷ nguyên Bảo Bình - Aquarius, nhiều năng lực mới tuôn vào địa cầu ảnh hưởng lên con người, và chót hết việc đức Chúa (đức Di Lặc) sẽ tái hiện. Dòng tài liệu MTTL cần được nhìn theo các yếu tố này để nhận ra đúng đắn vai trò của nó. Nếu không làm vậy ta sẽ không đánh giá chính xác giá trị tài liệu, đặt chúng vào đúng chỗ và sử dụng đúng cách.
HPB có sứ mạng làm linh hoạt trở lại phong trào Theosophy, và bộ Isis Unveiled là bước dọ dẫm đầu tiên.Isis bàn về khoa học, tôn giáo và triết lý, công thức này được dùng trong bộ tiếp theo là The Secret Doctrine- SD. Như có nói trong một bài trước, sự kiện tác phẩm thứ ba The Voice of the Silence xuất hiện sau SD là chuyện đầy ý nghĩa.
Bộ Isis chuẩn bị tâm lý người đọc, chứa đựng một khối những chi tiết chưa được tiết lộ từ trước tới nay về các đề tài trong huyền bí học, có giá trị lớn lao cho học viên; và gồm hai phần, khoa học và thần học.Isis dành nhiều trang để phá bỏ, làm quang những tư tưởng đang có vào khi ấy (1877) đứng ngáng đường việc chấp nhận chỉ dạy mới.Đầu tiên là niềm tin rằng khoa học đương thời có câu trả lời cho hết mọi việc, trong khi thực tế là nó chỉ giới hạn vào mặt vật chất mà thôi.Kế tiếp là tin tưởng rằng tôn giáo (Thiên Chúa giáo) chứa đựng trọn chân lý mà đúng ra nó chỉ chứa vài phần. Như thế phần lớn nội dung của Isis nhắm đến việc chứng tỏ sự bất túc của khoa học và tôn giáo phương tây, sách tương đối có ít chỉ dạy mới và chỉ ghi rằng có sự hiện hữu của Tôn giáo Minh triết hay Theosophia, và hiểu biết này vẫn còn được gìn giữ ở phương đông.
HPB viết về sách:
– Đây là nỗ lực dè dặt đầu tiên nhằm đưa vào phương tây vệt mờ nhạt của tia sáng bí truyền đông phương. … Trong khi viết bộ Isis chúng tôi không được phép đi vào chi tiết, và do vậy chỉ có điều tổng quát mơ hồ… Nhiều điểm không được nói ra và tùy thuộc vào trực giác chưa phát triển toàn vẹn của người đọc, dầu vậy không có khác biệt nào giữa chỉ dạy đưa ra trong Isis và về sau này, vì cả hai phát xuất từ chung một nguồn là các vị Chân sư.
Nói rõ hơn, các tác giả của Isis nhìn nhận là sách chưa toàn hảo. Tài liệu trong Isis được đưa ra từng điều một rời rạc không theo hệ thống. HPB ghi.
–Khi bắt đầu viết tài liệu mà về sau khai triển thành bộ Isis, tôi không biết là bài viết rồi sẽ thành điều chi. Tôi không có kế hoạch, không biết nó sẽ là bài viết, là tờ thông tin pamphlet, là cuốn sách hay bài khảo luận. Tôi chỉ biết là mình phải viết nó, có vậy thôi.
Chỉ về sau nội dung mới được sắp gọn, rồi xếp đặt trở lại nên thực tế là sách không theo một dàn bài định trước:
–Nói đúng ra như một thân hữu tỏ ý, là làm như một khối nhiều đoạn độc lập với nhau câu này không liên kết với câu kia, được bới tung lên trong giỏ rác rồi lấy ra ngẫu nhiên và đem in.
Ý này tương tự như ý chân sư K.H. ghi trong thư viết cho ông Sinnett:
–Bạn không thấy là mọi điều trong Isis không liên tục nhau, chỉ phác thảo sơ sài ư - không có gì hoàn tất hay được tiết lộ trọn vẹn …Tác giả ám chỉ và vạch ra phương hướng đúng, nói lên điều mà sự việc không phải là vậy, thay vì nói ra điều mà chúng là … Có nhiều đề tài bàn trong sách mà ngay cả HPB không được phép thông suốt … Isis không được vén màn bí mật mà chỉ được vẹt qua bên đủ rộng, cho phép có cái nhìn thoáng qua để rồi trực giác của học viên sẽ giúp hoàn tất…
Chúng tôi luôn căn dặn bà ‘Con chỉ viết điều này, điều kia, chỉ đưa ra tới chừng ấy và không hơn’ khi HPB soạn sách. Đó là buổi ban đầu của một chu kỳ mới, và HPB được lệnh viết Isis chỉ một năm sau khi hội được thành lập… Nói chung bạn không nên theo sát nghĩa đen trong Isis. Sách chỉ là cố gắng dọ thử nhằm thay đổi hướng chú ý của phái Thông linh học - Spiritualism vào tình trạng đúng của sự việc…Thực tình sách cần được viết lại …
HPB bắt đầu viết lại vào giữa thập niên 1880 thành bộ SD. Lần này bà được phép đưa ra nhiều chân lý hơn với từ ngữ rõ ràng.
–Khi Isis được soạn, những Vị khởi công và hướng dẫn việc chuẩn bị, nghĩ rằng thời điểm chưa chín muồi cho việc tuyên bố đầy đủ nhiều chân lý lớn mà nay các ngài sẵn lòng đưa ra bằng ngôn ngữ thông thường. Thế nên độc giả của Isis chỉ có các ẩn dụ, phác thảo về triết lý mà các chân lý này liên hệ, hơn là sự diễn giải có phương pháp…
Bà vui mừng báo cho ông Sinnett:
–Tôi xin cho ông hay là bộ SD uyên bác, có tính triết lý và hay hơn Isis 20 lần … Nay có hằng trăm điều tôi được phép nói và giải thích.
Sang bộ SD, Chân sư K. H. cho ông Sinnett hay.
–Bộ 'Giáo lý Bí truyền' là lược thuyết của Chân lý Huyền bí. Trong nhiều năm sắp tới, tác phẩm đó sẽ là kho tàng về tài liệu và giáo huấn đối với học giả chân thành.
Sách vẽ ra tổng quát cuộc tiến hóa của thái dương hệ, rồi đi vào chi tiết hơn cho cuộc tiến hóa của sự sống gồm con người và các loài khác trên địa cầu. Nội dung giải thích con người từ đâu đến và đi về đâu, đặt họ vào khung cảnh rộng lớn của sự sống, dùng trí năng dẫn dắt con người từ thế giới hiện tượng sang thế giới nguyên nhân. Trong hành trình đó, tinh thần trở thành điều tất yếu cho vật chất với ghi nhận căn bản được lập lại nhiều lần:
– Tinh thần là vật chất thăng hoa đến bậc cao nhất, và vật chất là tinh thần ở mức thấp nhất.
SD I, t. 80.
Trong chuyện HPB (Sylvia Cranston) đăng trên PST có phần phân tích tỉ mỉ bộ SD và ảnh hưởng của sách đối với khoa học, tôn giáo, nghệ thuật nên ta không nói thêm ở đây, xin bạn đọc lại để hiểu trọn vẹn. Nay chỉ xin ghi thêm là khi toàn cảnh cuộc tiến hóa được mô tả trong bộ SD, ai đã từng gắng công đi tìm ý nghĩa của cuộc sống sẽ tự hỏi làm sao đi tới mục tiêu, quyển The Voice trả lời thắc mắc ấy bằng cách vạch ra con đường phải theo, điều chưa hề được công khai tỏ lộ chi tiết.
Nó có nghĩa trước hết ta cần nắm vững vấn đề bằng trí năng (thí dụ như bộ SD), sau đó hiểu biết này thành nền tảng và ta dùng trực giác để theo con đường tới mục tiêu (mô tả trong The Voice); diễn trình là phát triển trí năng và kế tiếp là mở trực giác. Xét kỹ thì trước bộ SD, một nỗ lực đã được thực hiện để trình bầy nguồn gốc con người theo hiểu biết bí truyền, dưới hình thức có thể thu hút giới trí thức thế kỷ 19, đó là quyển Man, A Forgotten Fragment of History đăng trên PST. Sách có cùng nguồn như bộ SD, là một phần trong dòng tài liệu MTTL, và ta có thể nói bộ SD là sự khai triển cho cuốn Isis mà luôn cả cuốn Man.
Còn một việc khác mà HPB cũng là người tiền phong, là đưa ra ý niệm về bậc Chân sư, việc làm đệ tử, chứng đạo (initiation, còn dịch là điểm đạo). Về sau bà tỏ ra hối tiếc hành động này của mình, vì tên các ngài bị lạm dụng cho việc không đúng, không hay, khiến các ngài bị tai tiếng. Dầu vậy, đưa ra hiểu biết về các bậc Huynh Trưởng của nhân loại là một phần trong sứ mạng của HPB khi đó, cũng như là của một số nhân vật về sau trong phong trào TTH như Cyril Scott, David Anrias, và không phải là sự sai lầm. Khi con đường, sự tiến hóa được trưng ra thì chuyện tự nhiên là nhắc tới những Vị là thành quả của cuộc tiến hóa-– tức các Chân sư, để chứng minh cùng tạo hy vọng cho khối đông người ở sau đi chậm hơn.
Việc HPB xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 còn có ý nghĩa sau.Mỗi thế hệ có những người có khả năng hoạt động ở cõi tinh thần; họ sẽ dùng sự kiện đã được biết ở cõi trần như là gạch lót đường dẫn tới hiểu biết toàn vẹn.Họ biết và cho ra hiểu biết mà chỉ nhiều năm sau khi việc làm của họ hoàn tất, thế giới mới bắt đầu nhìn nhận sự thật mà một số nhỏ đã đưa ra.Điều này thấy rõ với trường hợp HPB, khi ngày giờ tới bộ SD sẽ được thấy là chứa đựng chân lý và công việc của bà nhìn nhận là đúng thực.Ngay vào lúc này, vài nhận xét nêu ra trong SD đã được khoa học công nhận như ghi trong chuyện HPB trên PST.
Nhân đây ta nói rõ thêm về lời của HPB liên quan đến nỗ lực của Thiên đoàn mỗi trăm năm. Lực mà bà nói ở đây thuộc cung một, có chu kỳ là 100 năm và 1000 năm; lực có sức rung động mạnh nhất vào mỗi phần tư cuối của thế kỷ. Điều ta hay quên là đây chỉ là một trong bẩy loại lực, và được cân bằng với lực của những cung khác. Khi hiểu như vậy thì ta có thể truy ra là những khám phá khoa học có tính cách mạng trong bao thế kỷ qua như công thức về sức trọng trường, sự tuần hoàn của máu, máy chạy bằng hơi nước, hiện tượng điện, việc tìm ra chất phóng xạ radium, mỗi điều trong ngành chuyên môn của chúng tương đương với nỗ lực ở mỗi phần tư cuối của thế kỷ, nhằm kích thích sự tiến hóa của người. Newton, Copernicus, Galileo, ông bà Curie theo những ngành hay đường lực riêng của mình, là những người mang lại sự sáng, có công lao ngang hàng với HPB. Tất cả những vị này cách mạng tư tưởng thời đại của họ, tất cả cho khả năng con người sự thúc đẩy để diễn giải các lực trong thiên nhiên, hiểu diễn trình của vũ trụ, và chỉ ai có tầm nhìn giới hạn mới không nhận ra sự hợp nhất của những động lực phát xuất từ một nguồn cội chung.
Mỗi đường lực này có chu kỳ riêng và do đó không trùng hợp với chu kỳ một trăm năm của cung một. Lại nữa năng lực mỗi cung có hai tính chất, là xây dựng qua việc tạo hình và hủy diệt qua sự tàn phá trước khi xây dựng. Như thế, HPB xuất hiện trong chu kỳ mà năng lực làm phá hủy các khuôn mẫu đặt giới hạn cho khoa học và tôn giáo, điều này trùng hợp với việc làm có tính xây dựng của cung hai và cung ba, là việc khám phá cấu trúc của nguyên tử, nghiên cứu về điện và chất phóng xạ. Nói khác đi, HPB thể hiện đường lực cung một và ta không nên quên là còn sáu đường lực khác cũng quan trọng bằng hay hơn, phát xuất theo chu kỳ từ Thiên đoàn và tác động lên những ai rung động theo loại năng lực riêng ấy.
Động lực cung một khởi dâng vào phần tư đầu mỗi thế kỷ và lên tới tột đỉnh ở cõi trần vào phần tư cuối thế kỷ.Còn lực cung hai cho ảnh hưởng cao nhất trong khoảng từ 1925, thấy qua việc tập yoga phát triển ở phương tây.
Sự Nối Tiếp
Vài điều HPB khởi sự mà về sau được tiếp nối, đi sâu hơn trong sách của bà Bailey là:
● Có một Thiên Cơ. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mục đích của những sự việc trong quá khứ - về mặt lịch sử và tâm lý - được ghi lại rõ ràng như là nền tảng cho các biến cố đương thời, làm luật nhân quả trở thành dễ hiểu cho nhân gian. Hiện tại vì vậy có thể được thấy là chỉ đường cho tương lai, và tỏ lộ điều Thiện là điều làm linh hoạt trọn sự tiến hóa.
● Sự hiện hữu của Thiên đoàn và các Chân sư.
● Mặt tâm lý tinh thần của triết lý bí truyền được khai triển.
Bà Blavatsky còn đặt nền tảng cho một việc khác là mở trường bí giáo đầu tiên trong thời đại này. Sự việc quan trọng vì nó là viên đá tảng cho những trường tham thiền hay huyền bí học về sau (xin đọc loạt bài Trường Tham Thiền Tương Lai trên PST 68, 70, 71). Ngày kia, sẽ tới lúc có những trường bí giáo hoạt động, huấn luyện con người về chứng đạo. HPB đóng vai trò hiệu trưởng Trường Tham Thiền trong thời của bà, tụ họp học viên trường bí giáo và Inner Group chung quanh, giữ họ trong hào quang của mình và nhờ vậy che chở cũng như kích thích, nâng cao đáng kể mức rung động của ai tiếp xúc với bà. Việc diễn ra dưới con mắt quan sát của Chân sư trụ vào và xuyên qua HPB. Khi bà qua đời, ảnh hưởng che chở mất đi và ai chưa đủ khả năng đứng vững một mình đã gặp khó khăn, như thấy nơi một số học viên.
Nơi HPB, ta có óc hiểu biết sâu xa, khả năng tiếp nhận nguồn chỉ dạy cõi cao, thông nhãn - clairvoyance và thông nhĩ- clairaudience, những điều này kết hợp khiến bà thành công cụ hiếm có và hữu dụng để trợ giúp nhân loại.
Các chỉ dạy đưa ra gồm ba đặc tính cho ba chặng đường.
– Giai đoạn chuẩn bị, với tài liệu mà HPB trình bầy trong khoảng từ 1875 - 1891.
– Giai đoạn giữa, gồm sách của A.A. Bailey từ 1919 - 2025.
– Giai đoạn sau, từ 2025.
Mọi giáo huấn về huyền bí học làm ít nhất hai việc, thấy trong sách HPB và Bailey:
● Khai triển chỉ dạy đã đưa ra trước đó, như trình bầy thêm chi tiết, hay nhìn theo góc cạnh mới, và
● Đặt nền tảng cho những tài liệu về sau.
Tất cả chỉ dạy về huyền bí học phát xuất từThiên đoàn có chứa đựng trong nó hạt mầm sống động cho điều sẽ nối tiếp nó, ở đây kế nghiệp những sách của HPB là các tác phẩm của bà Alice Bailey, trưng ra chỉ dạy của đức D.K., tuy điều nhấn mạnh là tác giả sách là ai thì không quan trọng, mà chỉ có chân lý trong các chỉ dạy là đáng nói. Chân lý là điều làm sách có giá trị, mà không phải danh hiệu, hay việc tự nêu mức tiến hóa của người viết là thước đo giá trị cho sách.
Bàn vắn tắt về sách A.A. Bailey, trong thời HPB bà có nhắc đến các Chân sư và việc chứng đạo mà không theo một thứ tự rõ rệt chi. Nay đề tài này được trình bầy có hệ thống trong quyển Initiations, Human and Solar cho công chúng chú ý, theo đó Thiên đoàn - Hierachy được xem như là sự kiện, và quan niệm sai lầm về các ngài, đường đạo, việc nhận và làm đệ tử được chữa lại.
Ta được cho biết là tuy với người thường các ngài được xem là bậc toàn thiện, nhưng thật ra Chân sư vẫn còn trên đường tiến hóa đi tới đích ấy. Sách cho thấy bản chất thật của bậc Chân sư cũng như các đòi hỏi của đường đạo. Lòng sùng tín có thể là đặc tính nổi bật nơi người chí nguyện, trong giai đoạn này sự thanh lọc con người được nhấn mạnh, dầu vậy ai muốn làm đệ tử Chân sư, hoạt động đắc lực trong đời và cho ảnh hưởng lớn thì phải hướng về trí năng, tâm từ phát triển và nhận biết các giá trị thật. Quyển này cho anh viễn kiến về Thiên đoàn gồm các bậc Thầy tìm cách giúp nhân loại, cho ý niệm về cách làm việc của các ngài và diễn tiến công chuyện.
Quyển thứ hai Letters on Occult Meditation trình bầy cách tiến đến gần những bậc Thầy ấy, và kỷ luật trong đời sống phải có khi bước vào đường Đạo. Cả hai sách được viết cho người chí nguyện trung bình.
Kế đó, nối tiếp bộ SD là quyển A Treatise on Cosmic Fire, khai triển những gì đưa ra trong bộ SD nhất là về mặt tâm lý. Sách có dụng ý đưa tầm nhìn của người chí nguyện vượt khỏi chính họ và sự tăng trưởng của họ, hướng tới ý niệm rộng lớn và phổ quát hơn. Đặc tính của người đạo đồ - initiate là không còn chú ý vào cái tôi, vào sự phát triển và số phận của mình, và tất cả người chí nguyện muốn trở thành đệ tử phải có lòng vô tư lợi. Tầm nhìn của họ phải rời khỏi nhóm mà họ thuộc về, và chú mục vào cảnh rộng hơn và sân trường hoạt động lớn lao hơn.
Sách đề cập tới Thiên Cơ vĩ đại, các luật chi phối nó, cách nó được thực hiện, và việc làm của những thành phần tạo tác Vũ Trụ. Ý chính đằng sau các dữ kiện này là thái dương hệ là một sự sống vĩ đại với tâm lý và ý tưởng riêng của nó. Sách nỗ lực cho hình ảnh tổng hợp về thiên trí, làm thiên cơ diễn ra ra sao.Nó cho ra sự tổng hợp rất có giá trị về diễn trình của sự sống, trưng ra chân lý và làm phát triển trực giác.
Quyển A Treatise on White Magic có mục đích giúp người chí nguyện luyện tập thể tình cảm, bằng cách dùng thể trí được soi sáng bởi linh hồn, theo nguyên tắc là cái cao bao trùm và chứa đựng cái thấp. Quyển này đi song song với quyển A Treatise on Cosmic Fire, theo ý trong khi quyển sau viết về phần việc của đại vũ trụ, vị Thái dương Thượng đế và những luật mà ngài sử dụng trong việc làm của mình, quyển trước bàn về phần việc của tiểu vũ trụ tức con người và việc làm của họ. Sách đưa ra các ứng dụng thiết thực trong đời sống hằng ngày.
Bộ sách quan trọng khác là A Treatise on the Seven Rays gồm năm quyển, đặt căn bản cho khoa tâm lý tinh thần. Bộ SD đã nói tới bẩy cung như là các lực tạo tác, cho ra vũ trụ hữu hình; tuy nhiên ảnh hưởng của chúng đối với con người, tính chất căn bản của mỗi cung vẫn còn là điều bí ẩn.Sách Seven Rays đưa ra chi tiết có giá trị thực tiễn về bẩy cung cho học viên và người đọc thông minh, vì nhắm đến mặt tâm lý, và có chủ đích là đặt nền tảng cho khoa tâm lý học mới.Đây là khoa tâm lý nhìn nhận luật tái sinh, là điều rất cần nếu muốn hiểu rõ con người cùng chữa trị các bệnh tâm thần sẽ ngày càng nhiều trong nhân loại. Nội dung của bộ này có thể tóm tắt là lời dẫn giải câu ghi trong SD:
– Tất cả mọi linh hồn là một với Đại hồn.
Đặc biệt hai quyển đầu Esoteric Psychology 1 và 2 trong bộ này có nhiều ứng dụng thực tiễn cho người đọc về các cung. Sách nêu ra đặc tính mỗi cung để khi người ta tin rằng mình thuộc về cung này hay kia, chi tiết trong sách sẽ giúp họ tìm ra tính chất của mình, và không chừng còn cho biết họ cần phải làm gì, điều gì cần thể hiện và điều gì cần sửa chữa; cũng như tính chất của mỗi cung cần được xem xét theo hai góc cạnh là mặt thiêng liêng và mặt hình thể.
Những sách trên tới phiên chúng là viên gạch lót đường cho các giáo huấn sẽ đưa ra sau này, bắt đầu từ 2025. Đó là tính chất của mọi tài liệu và việc làm trong dòng MTTL được tiết lộ cho thế giới từ trước tới nay, và còn tiếp tục về sau nữa.
Vài Nhận Xét.
Một điểm chung của các sách này, từ HPB sang A. Bailey, là nội dung đến từ các bậc Thầy do việc truyền tư tưởng như HPB viết.
–Mỗi chi tiết trong các sách của tôi lấy từ giáo huấn của các bậc Thầy đông phương, và nhiều đoạn trong các sách là do các ngài đọc cho tôi viết.
Đây không phải là phép lạ, vì không gian và khoảng cách không hề là trở ngại đối với tư tưởng, và khi hai người hòa hợp tuyệt diệu với nhau về mặt từ lực, với một trong hai người là bậc Thầy về huyền bí học, việc truyền tư tưởng và đọc từ xa hằng chục ngàn dặm nhiều trang giấy không khác gì hai người trong phòng nói chuyện với nhau.
Cả hai tác giả đều ghi là loạt sách mà hai vị đưa ra thực sự là cho các thế hệ sau. HPB tin rằng phải sang thế kỷ 20 ý nghĩa và giá trị của bộ SD mới dần được nhìn nhận, và đức D.K. ghi ngài viết các sách xuất bản dưới tên bà Bailey là cho những người sẽ sinh ra trong hai thế hệ sau. Ta không nên quá nhấn mạnh vào thời gian tính của các ghi chú này, nó chỉ muốn nói ai có tâm trí thích hợp sẽ hiểu được sách, và người như vậy có mặt vào bất cứ lúc nào, tuy rằng sẽ có đông người như thế vào một thời điểm nào đó.
Chứng tỏ cho điều sau là hoàn cảnh khác biệt giữa việc soạn bộ Isis và các các sách của bà Bailey.Trong phần trên ta đã thấy HPB phải dè dặt và chỉ đưa ra sơ sài về Theosophy trong Isis, không được nói hết những điều bà biết.Với sách Bailey, nhiều hiểu biết bí truyền được đưa ra ngay từ đầu với quyển Initiations, Human and Solar và rồi lần lượt trong những sách kế tiếp, không giữ lại hiểu biết như với Isis. Được như vậy đầu tiên là nhờ HPB đã khai phá mở đường, dọn quang, quét sạch những hiểu lầm, tin tưởng sai lạc trong khoa học và tôn giáo, đặt nền tảng vững vàng cho bà Bailey xây dựng trên đó; mặt khác nó còn là do lớp người của thế kỷ 20 có trí năng phát triển hơn, khả năng hiểunhiều hơn và nội dung các sách Bailey đáp ứng điều ấy.
Dầu vậy, sách của bà Bailey không nên được xem là thay thế cho sách của HPB; ta sẽ sai lầm to lớn nếu tin như vậy và chỉ chuyên tâm học loạt sách trước. Ngược lại, khi học kỹ ta sẽ thấy là phải không ngừng quay về bộ SD và The Voice lần này rồi lần nữa, bởi như đã ghi ở trên sách SD là căn bản, là cái khung, là phác họa tổng quát sự tiến hóa mà các tài liệu về sau từ đó khai triển rộng ra, đi vào chi tiết. Có điều ấy vì luôn luôn cách làm việc đúng đắn là đi từ tổng quát vào các phần riêng biệt, và hai tác giả HPB cùng Bailey viết theo nguyên tắc này.
Nay có một lưu ý đặc biệt cho ai đọc sách Bailey.Nhiều chi tiết lý thú được tìm thấy trong sách nhưng nếu bạn dừng lại ở đó, bằng lòng với việc có kiến thức huyền bí học phong phú không mà thôi thì chưa đủ, lại còn gây hại cho chính mình.Bởi đó không phải là dụng ý của vị Thầy cho ra sách.Luật nói rằng có được hiểu biết là có trách nhiệm, và ta phải sử dụng hiểu biết đó. Nhìn như vậy thì thụ đắc nhiều giáo huấn là một gánh nặng vì hệ quả là con người có trách nhiệm lớn hơn, phải làm nhiều hơn cho xứng với hiểu biết; nếu giáo huấn chỉ được cất giữ mà không áp dụng thì có sự trừng phạt.
Chỉ dạy được đưa ra không phải để nhằm thỏa mãn óc hiếu tri không lành mạnh, đi tìm chuyện lạ lùng thú vị ta gọi là tào lao tinh thần. Chất chứa tâm não với các chi tiết bí truyền mà không nhằm mục đích hữu dụng nào, thì chỉ làm não bộ căng thẳng và nuôi dưỡng tánh kiêu căng.Điều ta được nhắc nhở luôn là ai đọc sách cần tìm cách ứng dụng các giáo huấn vào cuộc sống.
Nhận xét nữa là sách Bailey tiếp nối sách HPB hàm ý dòng tài liệu Theosophy không ngừng nơi bộ SD. Nói cách khác bộ SD không là tiết lộ sau cùng hay chứa đựng tất cả mà theo với thời gian, khi con người đủ sức lãnh hội nhiều hơn thì sẽ có giáo huấn mới được đưa ra, ở đây là các sách Bailey. Như thế, chủ trương nói rằng chỉ bộ SD là đúng, hoặc chỉ đọc sách HPB hay sách Bailey, tin rằng sách của tác giả này hay kia là đủ và bác bỏ sách thuộc nguồn khác, là không nhìn trọn sự việc rộng lớn. Tâm trí ấy không nhận ra dòng tài liệu Theosophy theo thời gian, cũng như sự kiện toàn bộ các giáo huấn là từ một nguồn được đưa ra nối tiếp nhau, cho con người thêm ánh sáng trên đường tìm chân hiểu biết.
Phản ứng của nhiều người là bộ SD và sách Bailey khó đọc, khó hiểu, xa vời, trừu tượng và hỏi.
– Tại sao cần phải học về các cung, bầu hành tinh ? Biết về những chuyện mà một học viên trung bình chưa nắm được chân lý thì có lợi gì ?
Đây là câu hỏi chính đáng, và xứng đáng được trả lời một cách thông minh.Vậy ta trả lời bằng một câu hỏi khác.
– Điều gì khiến người muốn phụng sự tin rằng trí năng của họ hữu dụng cho đời ?
Một trong những điều đầu tiên mà bất cứ vị Thầy nào phải làm là gia tăng trí năng của kẻ muốn giúp đời. Công việc thường bị ngăn trở do nhiệt tâm của người chí nguyện nặng tình cảm. Thiên cơ có lúc bị ngưng trệ không thành, vì nỗ lực sai lạc không hợp thời của ai hăng hái muốn theo bước Chân sư. Trên hết thẩy, công việc bị ngăn trở do phản ứng cá nhân của người trong các nhóm bí giáo, phát xuất từ thể tình cảm. Chúng ngăn chặn không cho thấy sự việc rõ ràng để dẫn tới hành động khôn ngoan và hợp tác.
Nếu trí năng và khả năng cảm nhận chân lý bằng trí não được gia tăng thì có thể là công việc được thành công. Nhằm vào điều ấy, hiểu biết được cho ra để nhờ đó thể trí của học viên có thể tăng trưởng, và nhờ vậy họ tìm được thức ăn tinh thần và phương tiện để phát triển. Ít người có thể tự mình có được tư tưởng và ý tưởng để dẫn họ tới việc nhận ra chân lý; vì thế các bậc Huấn Sư có trách nhiệm chỉ dạy con người bắt buộc phải cung ứng cho nhu cầu.
Mặt khác khi làm vậy là các ngài khiến cho thế hệ những ai tương lai sẽ gõ cửa đi tìm, biết rõ là giáo huấn có tính cao xa hôm nay, và ý tưởng mới ảnh hưởng kẻ dẫn đầu trong nhân loại, trở thành hứng khởi cho công chúng biết suy nghĩ trong thế hệ sau. Điều tin tưởng và hiểu biết của nhà bí giáo chân thực và tinh thần hôm nay, (không phải của những nhóm gọi là bí giáo), sẽ thành mô thức cho đức tin của ai nối bước họ, và cuối cùng đồng hóa với niềm tin tôn giáo và giáo hội.
Riêng về bẩy cung, hiểu biết nói chung có tầm quan trọng về trí tuệ và tinh thần hơn là giá trị thực tế trong đời sống hằng ngày, nó làm chuyển nơi trụ tâm thức của người chí nguyện từ cõi tình cảm sang cõi trí, và nhờ vậy liên hợp trí não với tình cảm, làm ổn định tâm thần.
Ý chót không có gì khó hiểu là sau HPB ta có bà Bailey, nên sau bà Bailey lẽ tự nhiên sẽ có những giáo huấn mới đưa ra trong thế kỷ 21 nối tiếp dòng tài liệu.Con người ngày nay đã phát triển nhiều về tâm thức và trí năng so với thế kỷ 20, và lại càng xa hơn nữa so với thời HPB là thế kỷ 19, thế nên cần có giáo huấn hợp với thời đại mới. Ta được cho hay thời điểm là từ năm 2025, tuy nhiên giống như mọi tiên đoán, sự việc tùy thuộc nhiều yếu tố và mốc thời gian chỉ là gợi ý mà không xác định, sai biệt có thể đến trăm năm. Điều nói được chắc chắn là như mọi giáo huấn được trưng ra trước đó, một trong các mục tiêu của nỗ lực sẽ tới này là nhằm cho thế hệ mới hiểu biết để nắm lấy cơ hội do tân kỷ nguyên mang lại, và nói chung để soi đường cho người từ cõi tối tăm đến nơi sáng suốt.
Ấy là công việc mà các sứ giả của Thiên đoàn, với đại diện gần đây nhất là HPB và Bailey, lần lượt nhau thực hiện qua bao thế kỷ, giữ cho dòng tài liệu Theosophy tuôn chẩy luôn.
Tham khảo:
-My Books, Lucifer May 15, 1891.
-Isis Revisited, David Reigle, Quest, Summer 2015.
-Esoteric Psychology, vol I, A.A. Bailey.