CHƯƠNG TRÌNH CHO CÔNG CHÚNG

 

 

 

Khi đến thăm một chi bộ TTH tại Hoa Kỳ, Úc và có thể tại nhiều nước tây phương khác, ta sẽ thấy chi bộ có những buổi giảng về các đề tài có đặc tính chung lỏng lẻo là ‘tâm linh’ như thuật chữa bệnh Reiki, thiên thần, hoặc về tôn giáo và triết lý như Đạo Đức kinh, Sufi, kinh Bhagavagita v.v. Sự đa dạng này trong sinh hoạt của chi bộ đưa tới ý kiến dưới đây của tác giả Pablo Sender, nhân viên của xứ bộ Hoa Kỳ.

Bài liên quan đến việc làm của hội trong lãnh vực giáo dục tinh thần. Hội Theosophy nên đưa ra chương trình nào cho công chúng để giúp cho sự tăng trưởng tinh thần của nhân loại ?

Hai Thái Cực
Do công việc của tôi với hội, tôi có cơ hội trình bầy nhiều chương trình tại những thành phố và các nước khác nhau, tương tác với lắm hội viên thuộc đủ các chi bộ. Khi tiếp xúc vậy, tôi thấy có nhiều cách làm việc cho hội chúng ta, và những đường hướng khác nhau mà hội viên dùng để đáp ứng với thử thách họ gặp phải. Để mô tả thì có hai thái độ tượng trưng cho hai đầu đối nghịch trong loạt các đáp ứng mà tôi quan sát thấy. Những nhóm khác nhau có khuynh hướng nghiêng về phía này hay phía kia, vài nhóm thực ra đi gần tới một trong hai thái cực. Khi quá gần với một thái cực ta gặp nguy hiểm là đi quá xa con đường chính và do đó bị lạc hướng. Nếu muốn thực hiện mục tiêu của hội, điều quan trọng là tìm đường ở giữa - trung đạo - là đường đáng mong ước tuy khó gặp.
Ở một đầu của những chọn lựa là ý tưởng cho rằng ta có thể đánh giá mức thành công của việc làm cho hội, bằng số người được thu hút tới các sinh hoạt của chúng ta. Khi mục tiêu hàng đầu là lôi cuốn thính giả càng đông càng tốt, chương trình cho công chúng bắt đầu được quyết định dựa trên điều gì dễ nghe cho đa số người. Đề tài được chọn có khuynh hướng chạy theo thị hiếu thời đại, có tính kích thích, vuốt ve hay chìu lòng. Ta thường được nghe là giáo huấn TTH khó quá, đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều, hay đã lỗi thời. Khi hội viên đi theokhuynh hướng này, ảnh hưởng tiêu biểu là chương trình mà nhằm về phần TTH căn bản dần dần bị đẩy ra ngoài lề, cho tới khi chúng gần như biến mất. Theo khuynh hướng ấy, chiều sâu của thông điệp đưa ra và tiềm năng làm thay đổi cuộc sống của người thường bị lãng quên, sinh ra kết quả là việc giáo dục tinh thần biến từ từ thành giải trí tinh thần.
Thái cực kia xem TTH đưa ra trong thời đại này như là tiết lộ sau chót về triết lý bí truyền, coi hết những chỉ dạy khác là ‘ngoại môn’ và cho rằng chúng có ít giá trị. Hội viên như thế có khuynh hướng nhấn mạnh việc học hỏi chỉ riêng sách vở của các tác giả quen thuộc về TTH, và việc dùng từ ngữ, định nghĩa trong hội.Họ thường không nhậy cảm với điều mà công chúng có thể cần, hay họ cũng không quan tâm lắm đến việc tìm cách hữu hiệu để chia sẻ hiểu biết của mình với ai mới đến hội.
Họ sinh hoạt với giả dụ là chỉ một số ít là được kêu gọi gia nhập hội, và ai muốn vào hàng ngũ của chúng ta phải ráng mà hiểu ngôn ngữ và ý niệm của ta. Thái độ này dẫn tới việc nhiều nhóm thông thạo về hiểu biết chuyên môn nào đó mà tuy làm thỏa mãn số nhỏ hội viên này, lại không có liên quan gì mấy đến thế giới nói chung.
Hai hình ảnh trên mô tả hai thái độ. Cái đầu tiên giống như một người thiếu lòng tự tin, luôn nhìn những ai chung quanh rồi quyết định hành vi của mình tùy theo điều gì làm ai nấy thích họ. Cái sau là như ai vị kỷ, mải miết với ý tưởng và tư lợi, muốn người khác theo cách suy nghĩ của mình và nhận ra sự vĩ đại của nó.
Hai thái cực ấy cho ra hai loại vấn đề khác nhau.Thái cực đầu làm cho có đông hội viên mà không thiết tha cho lắm, người ta không hết lòng với hội và không thống nhất trong nỗ lực. Họ có thái độ cởi mở và chấp nhận tất cả, đi kèm với việc thiếu sự rõ ràng hay đường hướng. Thái cực sau dẫn tới số hội viên nhỏ mà chặt chẽ, gồm người tích cực và tận tâm.Các hội viên này thường có ý tưởng mạnh mẽ và nghiêng về tín điều, với xung đột thường đi kèm việc diễn dịch cứng ngắc.
Ta thấy rõ là một tổ chức TTH lành mạnh phải tìm thái độ quân bằng, chứa đựng những nét tích cực của hai thái cực và tránh các khuyết điểm của chúng. Bài này tìm hiểu về đường hướng ấy.

Thí Nghiệm Ban Đầu
Ai ngoài hội đọc mô tả trên về hai cách thức khác nhau có trong hội, có thể sẽ tự nhiên hỏi làm sao lại có hai thái độ đối chọi như thế trong cùng một tổ chức ? Sự việc có là do tính chất độc đáo của hội Theosophy. Theo một trong các Vị là sáng lập viên bên trong của hội, hội được thành lập như là một ‘thí nghiệm’ mà đa số các Chân sư dường như nghĩ là nhân loại chưa sẵn sàng để nhận.
Trước khi hội được lập vào năm 1875, khuôn mẫu mà đa số tổ chức tinh thần theo là phát triển quanh một hay nhiều nhân vật ở trung tâm, và mục đích của phong trào là truyền bá một loại giáo huấn riêng biệt. Thí dụ Phật giáo dựa trên giáo huấn của đức Phật, và Thiên Chúa giáo dựa trên lời dạy của đức Chúa. Nhiều tổ chức sinh ra sau hội Theosophy cũng theo khuôn mẫu này, như Anthroposophical Society học về chỉ dậy của Rudolph Steiner, và Krishnamurti Foundation quảng bá tư tưởng Krishnamurti, v.v.
Hội Theosophy được lập theo kế hoạch khác, cho dù bà Blavasky, một trong những người sáng lập hội, viết và đưa ra nhiều hiểu biết, không hề có chủ trương biến hội thành ‘Hội Blavatsky’. Theo với thời gian có thêm một số đông hội viên đóng góp tạo thành khối tài liệu TTH phong phú và đa dạng. Tuy vậy, hội chúng ta không được lập ra để giới hạn sinh hoạt của nó vào việc truyền bá chỉ quan điểm này mà thực ra, hội là tổ chức đầu tiên trong thế giới đương thời khuyến khích việc học hỏi có hệ thống các giáo huấn khác nhau về tinh thần, triết lý và khoa học có sẵn, cả xưa lẫn nay.
Khoảng một thế kỷ sau khi hội ra đời, khuynh hướng mới này dần được các tổ chức khác làm theo, và ngày nay nhiều nơi có buổi giảng, tĩnh tâm, thảo luận về đủ mọi đề tài ‘tinh thần’. Những trung tâm mới này thường giống nhau là không có giáo huấn riêng của họ.Họ được ưa chuộng vì như là nơi tổng hợp, cổ động cho nhiều truyền thống, triết lý và phong trào khác nhau.
Nét độc đáo của hội nằm ở điểm hội bao trùm - trong một tổ chức duy nhất - hai tính chất dường như đối nghịch.So với phong trào tâm linh truyền thống, hội có quan điểm riêng biệt về sự sống để cống hiến cho đời, như thấy qua chỉ dạy TTH.Nhưng việc làm của nó không ngừng ở đó.Hội còn khuyến khích việc học hỏi các truyền thống khác giống như các trung tâm tâm linh hiện đại có tính trung hòa - neutral.
Sự hiện diện của hai đặc tính này chung với nhau là một  tính chất thiết yếu và nổi bật của hội Theosophy. Nếu tổ chức của chúng ta loại bỏ một trong hai điều này, nó sẽ trở thành hoặc là ‘giáo phái’ TTH với tín điều riêng của nó, hoặc thành một hội chỉ có tính trung dung mà không có tiếng nói riêng của mình. Số phận nào cũng có nghĩa là hội Theosophy sẽ ngưng là điều mà ý ban đầu lúc mới lập hội muốn nó thành như vậy, và thí nghiệm mà các Chân sư khởi đầu sẽ cuối cùng bị thất bại.
Nhìn nhận giá trị của hai bên và học cách tôn trọng chúng, là chuyện không khó như ban đầu ta tưởng. Khi hiểu đúng thì hai khía cạnh không phản bác nhau mà thật ra bổ túc cho nhau. Hội viên tận tâm với hội có trước mặt mình trách nhiệm nghiêm trọng mà gợi hứng, là tham dự vào một công cuộc do các Chân sư Minh triết soạn ra để giúp nhân loại tiến theo đường hướng mới, như lời đức MahaChohan ghi:
Hội Theosophy được chỉ định làm viên đá tảng, nền móng cho các tôn giáo tương lai của nhân loại.

Chương Trình cho Công Chúng
Trong nhiều năm sau khi hội được thành lập, tổ chức của chúng ta là một trong số rất ít tổ chức tâm linh so với các tôn giáo truyền thống, nhất là ở phương tây.Nhưng ngày nay có hàng ngàn tổ chức cổ động việc ta có thể gọi một cách lỏng lẻo là ‘tâm linh’. Hội có vai trò gì giữa khối đông đảo ấy ? Hội có còn giá trị không ? Nó có còn điều gì để cống hiến chăng ?
Qua bao năm hội đã có ảnh hưởng về nhiều cách và trong nhiều lãnh vực.Nó đóng vai then chốt trong việc làm linh hoạt trở lại phong trào Phật giáo ở đông phương.Hội giúp Ấn Độ lấy lại niềm tự tin về giáo huấn cổ xưa của mình thường được xem là chuyện mê tín dị đoan.Tổ chức của chúng ta kích thích việc dịch, nghiên cứu và truyền bá văn chương Phạn ngữ cho công chúng.Thật vậy, hội đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại giáo huấn đông phương cho trời tây.Hội vạch ra sự liên kết giữa khoa học và phần tinh thần vào lúc mà cả hai được xem là hai đối nghịch không phương hòa hợp.
Nó cũng nhấn mạnh nhu cầu học hỏi để đối chiếu tôn giáo, có đối thoại liên tôn khi mặt này thực ra không được biết tới, và ngay cả không thể được nghĩ tới cho đa số người. Hội viên của hội là nhân vật trung tâm của việc truyền bá hiểu biết về Thiên Chúa giáo bí truyền nói chung, và Thông giáo - Gnosticism nói riêng, nhiều thập niên trước khi những cuộn cổ thư về Thiên Chúa giáo và Thông giáo được khám phá ở Biển Chết và Nag Hammadi ở Ai Cập. Chỉ dạy TTH còn ảnh hưởng các địa hạt như nghệ thuật, giáo dục, chữa bệnh và nhiều ngành khác.
Điều quan trọng cần ghi là trong quá khứ, nếu hội Theosophy không tổ chức những chương trình và soạn sách về, thí dụ, Phật giáo, Ấn Độ giáo hay Thông giáo, công chúng nói chung ở phương tây hẳn không có nguồn nào khác để học hỏi. Ngày nay sự việc khác xa. Tại đa số nước có nhiều tổ chức làm việc theo một trong các đường lối này. Nhóm kinh Kabbal của Do Thái giáo, phái Sufi, v.v. mỗi tổ chức truyền bá giáo huấn riêng của họ thật hữu hiệu, ta dễ dàng tìm thấy các bài giảng và sách vở ở nhiều nơi. Vậy tự nhiên câu hỏi là những đề tài này nên có chỗ nào trong chương trình của ta dành cho công chúng ?
Giả dụ có một nhóm hội viên TTH mà chương trình trong năm gồm có việc chính yếu là mời người tới nói về các tôn giáo đương thời, việc chữa bệnh, thiên thần, v.v. Tuy mỗi đề tài này tự chúng có giá trị, nhưng ta phải tự hỏi các chương trình ấy có phù hợp với việc làm của hội ?Dĩ nhiên có những trường hợp đặc biệt cần được xét tới. Nếu nói về nhóm ở vùng khó mà có được các đề tài này, thì chương trình  đi theo đường ấy có thể cho ảnh hưởng tích cực. Cũng vậy, trong trường hợp một tôn giáo bị hiểu lầm thí dụ như Hồi giáo hiện nay, chương trình về Hồi giáo có thể là một phần quan trọng cho việc làm của hội. Nhưng trong  hoàn cảnh thông thường, một nhóm mất thì giờ, tiền của và phương tiện để có những buổi giảng và ấn phẩm về các đề tài có sẵn rộng rãi bên ngoài hội, thì có khôn ngoan chăng ?
Để định giá những chương trình nên cổ động khiến việc làm của ta cho nhân loại tiếp tục được thích hợp,chúng ta có thể đặt câu hỏi sau:
– Nếu hội Theosophy biến mất thì thiếu đi chuyện chi ? Liệu Phật tử, tín đồ Ấn giáo hay bất kỳ tôn giáo nào khác có bị thiệt thòi gì không ? Liệu khoa học và mặt tâm linh có bị ảnh hưởng ?
Cũng câu hỏi này có thể được hỏi về những tôn giáo và sinh hoạt tâm linh khác, và câu trả lời có thể là không một sinh hoạt nào trên đây sẽ nhận ra sự thiếu vắng của hội.Vậy điều gì bị thiệt thòi nếu hội Theosophy không còn nữa ?
Câu trả lời đầu tiên và hiển nhiên nhất là giáo huấn TTH. Nếu tổ chức của chúng ta không truyền bá TTH thì ai sẽ làm việc ấy ? Liệu tín đồ các tôn giáo khác sẽ giảng dạy TTH chăng ? Liệu ai trong ngành tâm lý hay thuộc chủ trương Tỉnh thức trong Hiện tại - Mindfulness sẽ làm vậy chăng ? Còn có ai khác sẽ giảng ?
Nói cho chắc thì sách vở vẫn còn đó trên internet, nhưng nếu không còn tổ chức để cổ động các giáo huấn này và giúp con người hiểu chúng, chẳng bao lâu chúng sẽ bị rơi vào quên lãng. Bà Blavatsky nói rằng hội ‘được thành lập để giúp chỉ cho con người biết là có điều hiện hữu gọi là MTTL, và để giúp họ tiến lên đến nó bằng cách học hỏi và thấm nhuần các chân lý vĩnh cửu của nó’.
Vậy ta thấy rõ là ngoài phần công  việc mà ba mục đích của hội đề ra, việc duy trì, phát triển và truyền bá giáo huấn TTH là phần nền tảng cho sứ mạng của chúng ta.
Thế việc ấy có nghĩa là chúng ta chỉ nên giảng dạy TTH mà thôi hay sao ? Ta có nên thành giống như đa số các truyền thống tâm linh, thành một loại giáo phái TTH chỉ giảng dạy lời của những vị sáng lập và các nhà lãnh đạo hội mà thôi ? Một lần nữa ở đây, hãy tự hỏi mình là thế giới sẽ bị mất mát gì nếu hội Theosophy trở thành một giáo phái tâm linh khác, và làm vậy có thể khiến chuyện sáng tỏ hơn một chút. Ta có thể nhận ra là hội Theosophy có thể đưa ra một loại học hỏi đặc biệt mà vẫn có tính độc đáo trong thế giới đương thời.
Như đã ghi trong mục đích thứ hai của hội, một phần mục tiêu của hội chúng ta là ‘Khuyến khích việc học hỏi và đối chiếu tôn giáo, triết lý và khoa học’. Khi áp dụng vào việc làm của ta cho công chúng, chuyện này xem ra hàm ý là ta nên có bài giảng về những đề tài khác nhau, thí dụ về Yoga, Huyền học - Mysticism, triết lý Hy lạp v.v. Dầu vậy, nó không phải là ‘đối chiếu’. Tất cả những gì ta làm là đưa ra những cách khác biệt mà dường như không có liên hệ gì giữa chúng với nhau.
Theo ý tôi, mục đích thứ hai của hội nhắm tới nỗ lực so sánh các quan điểm khác nhau trên thế giới, đi tới tổng hợp về hiểu biết, nó trọn vẹn hơn là việc chỉ đưa ra tổng số những phần khác nhau.Khi làm vậy, ta có một điều độc đáo để trưng ra, một hiểu biết mới có thể mang lại trật tự và nối kết bao quan điểm tinh thần đang có ngày nay.
Một thí dụ là Thiên Chúa giáo có khuynh hướng nhấn mạnh rằng chúng ta là kẻ có tội, không thể tự mình có được sự cứu chuộc cho mình. Ta cần tin vào đức Jesus và bỏ đi ý riêng của mình để theo ý Thượng đế. Đối nghịch lại thì giáo huấn đương thời của phái Advaita - Bất Nhị cho rằng chúng ta đã giác ngộ rồi cho nên không cần đấng  cứu thế - hay thực hành cho việc ấy.
Nếu nhóm TTH của ta tổ chức hai buổi giảng liên tiếp nhau về các đề tài này, người ta sẽ học được hai triết lý dường như đối chọi nhau mà không có gì nhiều để gợi ý một quan niệm thống nhất. Người nghe sẽ làm gì với chi tiết đưa ra ?
Trong quá khứ, người ta thường không biết tới quan điểm về sự sống mà những tôn giáo khác nêu lên.Việc tiếp xúc với một cách nhìn khác tự nó có ảnh hưởng tốt lành, cho phép họ suy nghĩ vượt ra ngoài lề lối quen thuộc.Nhưng ngày nay, người ta biết là dễ dàng có đủ mọi loại quan điểm khác nhau về tôn giáo.Thực vậy, nhiều người bị choáng ngợp và hoang mang với sự đa dạng ấy, và chỉ đưa ra quan điểm khác nhau mà thôi thì chưa đủ.
Nếu ta muốn hội có ý nghĩa, ta không thể chỉ lập lại công thức cũ không còn đáp ứng nhu cầu của thời đại.Điều này có nghĩa là trình bầy về những truyền thống khác không còn cần thiết nữa. Sự thực là hội có thể cống hiến một điều trong lãnh vực này mà nói chung không tổ chức nào khác có thể làm được. Trở lại thí dụ nói trên, nếu hai triết lý về tôn giáo - Thiên Chúa giáo và phái Advaita - Bất Nhị - thật sự đối chọi nhau thì chúng loại trừ lẫn nhau; chỉ một trong hai là có giá trị hay đúng thực cho người và điều kia phải là sai. Nhưng nếu ta dùng sựhiểu biết sâu xa mà Theosophy chỉ dạy, ta có thể mang lại ánh sáng mới cho bản chất dường như đối nghịch của chúng, và đi tới nhận thức có tính thống nhất và thâm sâu hơn.
Thí dụ, khi nhìn theo quan điểm TTH, Thiên Chúa giáo mô tả thái độ cần thiết của phàm ngã (kama-manas). Mức độ tâm thức này tự nó bị giới hạn và không thể cảm nhận chân lý.Phàm ngã cần mất đi hầu cho phần Thiêng liêng có thể biểu lộ. Thuyết Bất Nhị đương thời tới phiên nó nói về minh triết  (buddhi - manas) là phần nội tại của con người thiêng liêng. Bản chất thực của chúng ta đã ngộ sẵn, nhưng nó bị che khuất khi phải biểu lộ qua phàm ngã.Khi mang hai chỉ dạy này lại với nhau, ta nhận ra là nếu muốn phần minh triết nội tại được biểu lộ trong lúc ta thức tỉnh, thì phàm ngã phải không còn.
Khi hai ý niệm này được nhìn theo quan điểm ấy, cả hai đều thấy có nghĩa. Chúng không nói về các thực tại khác nhau, mà về những khía cạnh khác nhau của cùng một thực tại.Cả hai đều có chỗ và bổ túc cho nhau, cùng nhau cho ra một hình ảnh liền lạc hơn là mỗi triết lý có thể cho ra riêng biệt. Không phải thông điệp này có giá trị nhiều lần hơn là chỉ làm hai chương trình chẳng liên quan gì với nhau, cho người nghe những quan điểm dường như chỏi nghịch nhau sao ?
Lẽ tự nhiên muốn làm được vậy, giảng viên cần có hiểu biết một mức nào đó về Thiên Chúa giáo, thuyết Bất Nhị và Theosophy. Chỉ mời người tới nói về tôn giáo hay truyền thống của họ thì dễ hơn là đưa ra sự nghiên cứu đối chiếu, nhưng không một tổ chức nào có thể mong cho ra ảnh hưởng có ý nghĩa trong thế giới khi làm việc với thái độ ơ thờ.

Việc Làm của Hội Viên
Chuyện rõ ràng là phẩm chất công  việc TTH của ta trong đương trường tùy thuộc vào phẩm chất của hội viên. Ở những nước mà xứ bộ và các chi bộ không khuyến khích hội viên có học hỏi nhiều mặt, sinh hoạt cho công chúng trở thành hoặc dựa nhiều vào giảng viên không phải là người TTH, hoặc khô khan chẳng hứng thú.Ở đây, sự quan trọng hiển nhiên là việc làm của chi bộ.
Ta cần ghi chỗ này là sự học hỏi TTH không giới hạn vào việc nghiên cứu bằng trí não. Nếu trong chương trình cho công chúng ta muốn cho ra nhiều hơn là chỉ có lời nói và ý niệm, nếu ta muốn gợi hứng ai đến dự buổi họp, ta cần có nỗ lực chân thành sống đời TTH tới hết mức có thể được cho ta vào lúc ấy.Chỉ khi đó mới có thể trình bầy chỉ dạy như là quyền năng sống động có thể làm biến đổi đời ta. Một vị Chân sư có lời rằng:
Vấn đề cho TTH chân chính và sứ mạng của nó là đầu tiên, có ý niệm rõ ràng không sai chạy về ý tưởng đạo đức và bổn phận … và thứ hai ứng dụng các ý niệm này vào đời sống thường nhật … ở nơi mà chúng có thể áp dụng được.
Tuy nhiên trong bài này, ta chỉ có thể xem xét vai trò của hội Theosophy trong việc cho ra hiểu biết phong phú, có thể dùng làm nền tảng cho sự thực hành về mặt tinh thần.
Việc học hỏi TTH ngày nay nên là sinh hoạt đều đặn cho chi bộ và hội viên tận tâm. Ta nói vậy không phải là do óc tín điều gợi nên, mà vì lẽ giản dị là chỉ dạy TTH tự nó cho ra cách độc đáo mà tổ chức của ta có thể đóng góp cho đời. Ta không thể nào cống hiến chuyện chi mới mẻ nếu không thấuđáo các giáo huấn này. Dầu vậy, nếu giáo huấn MTTL được học hỏi tới mức gạt bỏ mọi điều khác, ta sẽ trở thành một nhóm nữa quảng bá một phần Chân lý, không  phân biệt được với trọn Chân lý. Ta cần tạo cơ hội cho hội viên học hỏi về những tôn giáo, triết thuyết khác và kết hợp hiểu biết này.
Trong nỗ lực đó, ta phải tìm hiểu các triết lý tận nguồn của chúng, thay vì chỉ lập lại điều bà Blavatsky hay ai khác nói về truyền thống ấy. Ta phải cẩn thận đừng nhìn mọi chuyện qua ‘lăng kính TTH’. Nếu, lấy thí dụ, một triết thuyết nói rằng con người có thể tái sinh làm thú vật, ta không nên lập tức tuyên bố rằng điều ấy không đúng. Ta cần có thể hiểu lý luận của nó, cho dù không hoàn toàn đồng ý. Một khi xong bước này, đề tài có thể được xem xét theo quan điểm TTH, cho ánh sáng mới vào những điểm mù mờ hay thêm diễn dịch theo cách mới.
Thoạt tiên, việc đối chiếu này có vẻ khó nhưng ta không cần phải uyên bác, thông thái cao độ. Thí dụ nói ở trên chỉ đòi hỏi có hiểu biết căn bản về triết thuyết liên hệ. Như bao việc trong đời, thực hành nhiều sẽ làm ta giỏi dang và về sau có thể làm công chuyện dễ dàng. Theo chiều hướng ấy, hội Theosophy có thể tiếp tục là một ảnh hưởng sống động trong cuộc tiến hóa của nhân loại, và không chừng trở thành viên đá tảng cho các tôn giáo tương lai, làm gương cho cách sống sâu xa, trọn vẹn và đứng riêng tách biệt trong đời.

Trích:
The Public Work of the Theosophical Society,
The Theosophist, Sept 2015. Pablo Sender.