H.P.B. (Helena Petrovna Blavatsky)

(PST 70)

(Xem Mục CHUYỆN H.P.B..)

Vào tháng sáu 1981 bài viết của khoa học gia Rupert Sheldrake tên A New Science of Life: The Hypothesis of Formative Causation khi được đăng trên báo làm tranh cãi nổ bùng. Tạp chí Nature, một trong những tạp chí khoa học hàng đầu của Anh gọi đó là 'ứng viên đáng bị lên giàn hỏa nhất từ nhiều năm nay' (gợi ý việc giáo hội Công giáo La Mã có thói quen xử hỏa thiêu những ai có ý tưởng khác lạ, hay bất đồng ý kiến với họ thời xưa); tờ New Scientist cũng tiếng tăm ngang ngửa nhận xét rằng  ' Ta thấy rõ đây là việc nghiên cứu khoa học quan trọng về bản chất  của thực tại sinh học và thể chất'. Ý kiến nữa của Arthur Koestler gọi lý thuyết của ông Sheldrake là '... giả thuyết có tính kích động và thách đố vô cùng, được trình bầy nghiêm chỉnh, đề ra một phương thức mới khác lạ về sự tiến hóa'.
Tại Hoa Kỳ bài viết gây chú ý tới mức Sheldrake được mời nói chuyện tại thủ đô Washington trước Tiểu ban về Tương lai của quốc hội. Ông là tiến sĩ về sinh hóa, và làm nghiên cứu tại đại học Cambridge về sự phát triển của cây và sự lão hóa của tế bào. Ông cũng là hội viên của hội Theosophia. Năm 1984 Sheldrake đến nói chuyện về thuyết của ông  tại hội Theosophia Hoa Kỳ; bài tường thuật của giáo sư Hannon tóm tắt như sau:
– Ông bắt đầu bằng việc giải thích ý niệm căn bản trong lý thuyết của mình. Ngoài những vùng lực mà khoa học đã biết như trọng trường, từ trường, Sheldrake đưa ra giả thuyết là có vùng lực di truyền tạo hình (morphogenetic fields) hay vùng M. Ông nói chúng là cơ cấu tổ chức vô hình, có vai trò là đúc khuôn hay tạo hình dạng vật như tinh thể, cây cỏ và thú vật, và cũng có ảnh hưởng về mặt tổ chức cho hành vi. 
Nói khác đi, vùng lực này là đồ hình mẫu, kiểm soát và tạo ra các đơn vị cùng một loại. Các đơn vị mới này 'hòa – tune' theo (hay cộng hưởng với) và rồi lập lại khuôn mẫu đã tạo ra trước đó, với khuôn mẫu này có thể tác động vượt thời gian và không gian. Giải thích thêm thì khi mỗi đơn vị mới được tạo và nắn thành hình, nó tăng cường vùng M làm cho 'thói quen' thành hình. Giả thuyết này áp dụng suốt từ các phân tử trong tinh thể cho đến sinh vật phức tạp. Một điểm quan trọng là việc hóa ra càng lúc càng dễ hơn, mau hơn cho các đơn vị về sau của bất cứ loại nào dùng cơ cấu này. Tới chót, cơ cấu trở thành nội tại và hoàn toàn bất biến.
Sheldrake thảo luận về quan điểm thông thường trong di truyền học và cách DNA làm việc. Theo đó cách sinh vật phát triển  -  vì một lẽ nào đó - được ghi sẵn trong  DNA của chúng. Ông biện luận rằng quả đúng là DNA ghi mã số thứ tự của các amino acid tạo nên protein; tuy nhiên khi nhìn theo quan điểm của vùng M, hình dạng và cách tổ chức của tế bào, mô, cơ quan và sinh vật như là một tổng thể, được quản trị bởi một đẳng cấp những vùng tạo hình không thừa hưởng tính hóa học mà thay vào đó, có được thẳng từ sự cộng hưởng tạo hình - morphic resonance, truyền lại từ những sinh vật đã có trước đó thuộc cùng  loại.
Để làm sáng tỏ ý mình, tiến sĩ Sheldrake đưa ra thí dụ là máy truyền hình. Ta hãy tưởng tượng có một người không biết gì hết về điện, mới được cho thấy máy truyền hình lần đầu tiên. Ban đầu họ có thể nghĩ là cái máy thật sự có chứa những người tí hon mà hình ảnh hiện ra trên màn ảnh. Nhưng khi nhìn vào bên trong và chỉ thấy dây điện cùng các phụ tùng, họ có thể suy luận là bằng cách nào đó hình ảnh hiện ra do sự tương tác phức tạp giữa những phần trong máy.
Giả thuyết này đặc biệt có vẻ hữu lý do sự kiện là hình ảnh bị biến dạng hay mất đi khi bỏ đi các phần này. Nếu khi đó ta đề nghị là hình ảnh thực ra tùy thuộc vào các ảnh hưởng vô hình từ xa xôi (đài phát tuyến) đi vào trong máy, họ có thể gạt bỏ nó. Lý thuyết của họ, là không có gì từ bên ngoài đi vào máy, có thể được tăng cường khi khám phá là sức nặng của máy vẫn y vậy khi bật hay tắt máy.
Quan điểm này có vẻ giống như  ý niệm thông thường trong sinh học, với dây điện, phụ tùng trong máy truyền hình v.v. tương ứng với DNA, phân tử protein v.v. Sheldrake đồng ý là thay đổi về di truyền có thể ảnh hưởng việc thừa hưởng hình dạng hay bản năng, bằng cách biến đổi việc 'bắt sóng', hay khiến nó bị rối loạn. Nhưng các yếu tố di truyền tự chúng có thể chi phối hoàn toàn việc thừa hưởng hình dạng và bản năng, không khác gì việc hình ảnh trên màn ảnh của máy truyền hình có thể được giải thích chỉ bằng đồ hình mắc dây điện trong máy.
Công chúng rất là thích thú với việc nghiên cứu của ông Sheldrake nên tờ New Scientist trong số ra ngày 28-10-1982, đặt giải thưởng 250 bảng Anh cho ai nghĩ ra được thí nghiệm chặt chẽ nhất để xem xét ý tưởng của ông. Tổ chức Tarrytown Group thì khuyến khích nỗ lực lớn hơn, treo giải thưởng 10.000 mỹ kim cho ai thực hiện thí nghiệm hay nhất để hoặc xác nhận, hoặc bác bỏ giả thuyết của Sheldrake.
Nay tiếp tục phần tóm tắt trên:
– Ông Sheldrake cho hay lý thuyết này được tâm lý gia nổi tiếng William McDougal, thuộc đại học Harvard, trình ra đầu tiên cho giới  khoa học vào thập niên 1920. Người ta thấy là các thế hệ tiếp nhau của chuột, ngay cả chuột khờ dại, có khả năng thoát khỏi bồn nước, trong đó có mê lộ, được cải thiện đáng kể. Khi thí nghiệm được lập lại ở Scotland và Úc châu, người ta thấy bất kể chuột nào được dùng, tất cả đều có cách làm của nó được cải thiện.
Theo quan điểm của Sheldrake, hệ thần kinh của  người cũng do vùng M quản trị, nên nguyên tắc này cũng phải áp dụng cho con người. Điều này sẽ cho ra ảnh hưởng lớn lao đối với hiểu biết của chúng ta về cách thức và tại sao người ta học. Học theo loại này như thế sẽ là loại thừa hưởng căn bản từ giống loài, 'nhớ lại' có tính tự động ít nhiều. Nó hoàn toàn không nằm trong não bộ của cá nhân, mà được cho trực tiếp từ cơ cấu của giống loài qua sự cộng hưởng tạo hình.
Bài viết của ông Sheldrake đăng trên số đặc biệt mùa thu 1983 của tạp chí The American Theosophist kết luận:
– Vài điểm của giả thuyết về nguyên do tạo hình làm ta nhớ lại những điều của huyền bí học hay truyền thống dân gian, thí dụ như ý niệm về thể sinh lực (thể phách), ý tưởng về hồn khóm của các loài vật, và triết lý về thiên ảnh ký (akashic records). Tuy nhiên giả thuyết được nêu ra như là một giả thuyết thuần túy khoa học, và như vậy sẽ phải được phán đoán bằng thí nghiệm. Nhưng nếu bằng chứng thí nghiệm hỗ trợ nó, khi ấy nó có thể đặt căn bản cho một khoa học mới về sự sống, đi xa hơn khoa sinh học giới hạn có tính cơ học như hiện nay.
Vùng M có thể được xem như là tương ứng với từ trường; cái sau có hình dạng cho dù là nó vô hình. Trong trường hợp của một thỏi nam châm, hình dạng này được thấy qua đường nét mà vụn sắt tạo nên quanh thỏi. Vùng tạo hình, do cơ cấu riêng của nó, uốn nắn các tế bào đang phát triển, mô, sinh vật theo khuôn mẫu. Lấy thí dụ nơi phôi thai người, vành tai đang phát triển được uốn theo một vùng tạo hình có hình vành tai, và cái chân đang phát triển theo vùng có dạng cái chân.
Nhưng các vùng này là gì, và chúng từ đâu tới ? ... Tôi tin rằng chúng có thật như các vùng trọng trường và điện từ trường trong vật lý, và chúng là một loại vùng mới có tính chất rất đặc biệt. Giống như các vùng đã biết của vật lý, chúng kết nối những vật tương tự xuyên qua không gian làm như không có gì nằm giữa, mà thêm vào đó chúng còn kết nối xuyên qua thời gian.
Ý niệm muốn nói rằng vùng di truyền tạo hình uốn nắn một con vật hay cây cỏ đang tăng trưởng  thành hình, phát sinh từ hình dạng của những sinh vật đã có trước thuộc cùng loại. Diễn trình theo đó sự việc xẩy ra được gọi là cộng hưởng tạo hình. Tương tự vậy, vùng xếp đặt sinh hoạt của hệ thần kinh một con vật được sinh ra từ những con vật đã có trước thuộc cùng loại; nói về hành vi có tính bản năng, thú vật lấy ra hành vi từ vùng ký ức chung của giống loài.
(Giải thích thêm thì con chó nào cũng có một số hành vi giống nhau, chúng lấy từ ký ức chung của loài chó; tương tự vậy cho mèo, khỉ v.v.)
Như vậy thì có vẻ như trong thiên nhiên có khuynh hướng chia sẻ hiểu biết một khi học được. Ngay cả tinh thể cũng làm vậy. Giáo sư Hannon vạch ra:
– Quả thật khó mà kết tinh lần đầu tiên các hóa chất mới được tổng hợp, và từ từ về sau chúng có khuynh hướng kết tinh dễ dàng hơn.
Nơi con người thì sao ? trong sách The Presence of the Past - Morphic Resonance and the Habits of Nature (1988) của mình, ông Sheldrake tìm tòi và thấy:
– Nhiều thí nghiệm được làm với các kỹ năng đã có từ lâu cho ra những kết quả thấy như có ảnh hưởng của sự cộng hưởng tạo hình. Thí dụ vài nhóm ở Hoa Kỳ và Anh được cho học ba câu hát của trẻ con bằng tiếng Nhật, một câu rất quen thuộc với bao nhiêu thế hệ trẻ em Nhật, còn hai câu kia được soạn giống câu đầu nhưng không có ở Nhật. Kết quả là câu đồng dao truyền thống dễ học hơn.
Thí nghiệm khác dùng chữ ngoại ngữ, phân nửa thật và phân nửa làm rối tung, cho ai không biết ngoại ngữ ấy. Kết quả cũng giống vậy, chữ thật thì dễ học hơn. Rồi có thí nghiệm làm với tín hiệu Morse và bàn đánh chữ được máy điện toán, tức những mẫu mực được chấp thuận khắp nơi hơn trăm năm qua. trong cả hai trường hợp, mẫu mực quen thuộc đã lâu thì dễ học hơn bất cứ mẫu nào mới soạn ...
Bằng chứng đáng nói nhất về một thể tạo hình ở cõi vô hình do hai khoa học gia Harold Saxton Burr và S.C. Northrop thuộc đại học Yale đưa ra. Hai ông khám phá là trong cơ thể của mọi sinh vật có điều mà họ gọi là kiến trúc sư điện - electric architect, một cơ cấu có tính điện  từ. Bài viết của họ được trình ra sau bốn năm nghiên cứu về sự phát triển cơ quan của chuột và salamander. Hai giáo sư mô tả hiện tượng điện đi kèm sự tăng trưởng của chúng, khuôn mẫu này được ghi lại trong tâm động đồ và não động đồ, cho thấy đặc tính rõ ràng của mỗi loài.
Diễn giải bằng ngôn ngữ giản dị, tờ New York Times ra ngày 25-4, 1939 vạch ra ý nghĩa của cuộc thí nghiệm.
– Trong cơ thể của sinh vật có một kiến trúc sư đúc khuôn và uốn nắn từng cá nhân, theo khuôn mẫu riêng biệt đã định trước, và kiến trúc sư này ở lại trong cơ thể từ các giai đoạn tiền phôi thai cho tới lúc chết đi. Tất cả những gì khác trong cơ thể đều có thay đổi luôn luôn; vô số tế bào tạo nên cơ thể được sinh ra, hóa già lão và chết đi, được thay thế bằng những tế bào khác, tuy nhiên vị kiến trúc sư điện là điều duy nhất không đổi còn hoài suốt đời trong cơ thể, tạo ra tế bào mới và tổ chức chúng theo cùng khuôn mẫu của những tế bào nguyên thủy, và như vậy theo nghĩa đen, không ngừng tái tạo thân xác.  Cái chết xẩy ra cho sinh vật sau khi kiến trúc sư điện bên trong nó ngưng hoạt động.
(Ý niệm) kiến trúc sư điện hứa hẹn một cách mới để hiểu về bản chất của sự sống, và các diễn tiến của nó. Sự việc muốn nói là mỗi sinh vật có một điện trường, tựa như thỏi nam châm phát ra chung quanh nó một từ trường.  Tương tự vậy, theo tiến sĩ Burr, mỗi loài vật và rất có thể là mỗi cá nhân trong loài có điện trường đặc biệt của chúng, giống như những lằn lực quanh thỏi nam châm.
Như vậy, điện trường này có mẫu riêng của nó, uốn nắn thành hình dạng của nó tất cả chất liệu nào của sự sống đi vào trong vùng ảnh hưởng của nó, do đó tạo nên chính mình trong chất sống, chẳng khác nào như điêu khắc gia tạc ra ý tưởng mình trong đá.
Ba mươi ba năm sau, giáo sư Burr ra sách và ghi là 'trong gần nửa thế kỷ, lý thuyết này được thử nghiệm trong những điều kiện có kiểm soát chặt chẽ và không gặp mâu thuẫn nào'. Trong số ngày 26-1, 1982, một bài viết trên tạp chí New Scientist duyệt xét lại những thí nghiệm trong 'sinh lý điện học' và đặt câu hỏi:
– Tại sao chỉ có vài người chịu nghiên cứu công trình này khi kết quả ban đầu tỏ ra hứa hẹn như vậy ?
Bài viết kết luận là 'Câu trả lời có thể có liên kết với khuynh hướng và thị hiếu ảnh hưởng mỗi ngành khoa học.' Các thí nghiệm mới sử dụng dụng cụ điện tử mới nhất có được đã làm lộ ra các điện trường mới chưa được khám phá trước đây, có liên kết với sự tăng trưởng của tế bào trong trứng có thụ tinh thành phôi thai. Bài viết tiếp tục.
– Nay những diễn biến bí ẩn từ trước tới nay về nguồn gốc của việc tạo hình mời gọi có nghiên cứu trở lại, với điểm khởi đầu là tìm hiểu về điện ... một trong những bí ẩn lạ lùng nhất này là sự hình thành hệ thần kinh ... Tế bào thần kinh mọc nhánh dài len lỏi đi khắp nơi trong cơ thể, lắm khi qua chặng đường dài biết bao lần so với kích thước của tế bào, để tới cơ quan mà nó tác động. Điều gì khiến nhánh thần kinh biết sẽ đi tới đâu ?
Có lẽ chỉ giản dị là nó đi theo các đường từ lực của mẫu trong thể sinh lực.
Nay một vấn đề căn bản hơn được đặt ra liên quan đến thể tình cảm là việc nó làm mẫu cho thể xác. Ai hay cái gì là người tạo mẫu ? Bộ The Secret Doctrine ghi:
–Vũ trụ được vận hành và hướng dẫn từ bên trong ra ngoài ... Trọn vũ trụ được hướng dẫn, kiểm soát và linh hoạt bởi một loạt vô tận những đẳng cấp sinh linh, mỗi cấp có nhiệm vụ phải thực hiện ... Chúng có mức tri thức và thông minh khác nhau vô cùng tận. Loài tiến xa nhất có thể gọi là thợ Trời, là những đấng xưa kia là người và nay có uy lực cùng trách nhiệm của thần linh.
Hỗ trợ cho tư tưởng này đến không lâu sau khi H.P.B. qua đời, và từ chỗ không ngờ là nhà sinh vật học tiếng tăm Thomas Huxley, người dẫn đầu nhóm theo thuyết Darwin trong thế kỷ mười chín, và trong phần lớn đời mình ông là kẻ hoài nghi. Trong sách Some Essays on Controversial Subjects, ông viết:
- Nhìn vào vật chất theo quan điểm khoa học cứng rắn nhất, giả dụ nói rằng giữa vô số thế giới rải rác đó đây trong không gian vô tận, không thể có sự thông minh nào lớn hơn của người, như sự thông minh nơi người thì lớn hơn của con bọ hung; không có sinh vật nào được phú cho khả năng chi phối đường lối của thiên nhiên lớn hơn của con người, như  đường lối của con người thì lớn hơn của con ốc sên, đối với tôi chẳng những không có căn bản mà còn có lòng khinh mạn.
... Ta dễ dàng tạo ra các thực thể trong vũ trụ, theo nấc thang đi lên dần tới một điều mà thực sự không thể phân biệt được với sự toàn lực, toàn hiện và toàn tri.
Ông cũng thay đổi quan điểm của mình về tâm thức.
– Tôi hiểu tín điều chính của thuyết Vật Chất là không có gì trong vũ trụ ngoài vật chất và lực ... được xem là điều đầu tiên và cuối cùng của sự hiện hữu ... Ai không tin như thế thì bị người hăng hái tin tưởng xem là khùng điên hay giả dối. Nhưng tôi mạnh mẽ không tin điều này ... Trong vũ trụ còn một điều thứ ba là tâm thức mà tôi không thể xem là vật chất hay lực, hay là bất cứ thay đổi nào nghĩ ra được của một trong hai điều ấy.
Trong phần dưới đây ta chỉ đề cập vắn tắt hai điều theo The Secret Doctrine và khoa học là vật chất có trí năng hay không, và vũ trụ học. 
Khoa học gia Alfred Russel Wallace, người nghĩ ra thuyết đào thải tự nhiên độc lập với Darwin, nhìn nhận một cách thẳng thắn giới hạn của thuyết ấy. Ông tin rằng hành động hướng dẫn của 'kẻ hiểu biết cao hơn' là 'phần cần thiết của những luật lớn quản trị vũ trụ vật chất'. Wallace thêm rằng thuyết đào thải tự nhiên không thể cắt nghĩa làm sao nghệ sĩ và nhạc sĩ và những tài năng khác về mỹ thuật được sinh ra, cũng như là các tài năng này không cho lợi điểm cạnh tranh nào trong cuộc tranh đấu để sống còn.
Bộ The Secret Doctrine ghi thêm:
– 'Sự đào thải tự nhiên không phải là một thực thể, mà là một câu tiện dụng để mô tả cách sinh ra sự sống còn của loài thích ứng và sự loại bỏ của loài không thích ứng trong các sinh vật, trong cuộc tranh đấu để hiện hữu ... Nhưng đào thải tự nhiên ... như là một Quyền Lực (Power) thì trên thực tế chỉ thuần là chuyện hoang đường; nhất là khi được dùng để giải thích nguồn cội của các loài. Tự nó thì sự đào thải tự nhiên không thể sinh ra chuyện chi, và chỉ tác động vào chất liệu thô sơ đưa tới.
‘Câu hỏi thực sự của vấn đề là Nguyên Nhân gì - hợp với nhiều nguyên nhân thứ yếu khác – sinh ra các 'thay đổi' nơi sinh vật. Nhiều nguyên nhân phụ này thuần tính vật thể, khí hậu, dinh dưỡng v.v. Phải lắm. Nhưng ta phải đi tìm một nguyên lý sâu xa hơn vượt qua những mặt thứ yếu của sự tiến hóa tự nhiên. Thí dụ là sự 'thay đổi bất chợt' và 'phân hóa tình cờ' của người duy vật ... bất lực không giải thích được các phức tạp lớn lao và những điều kỳ diệu trong cơ thể con người ... Nguyên nhân bên dưới của sự thay đổi trong các loài ... là trí tuệ tiềm thức thấm nhuần vật chất, có thể truy ra chót hết tới sự Phản Ảnh của Minh Triết Thiêng Liêng của Thần Thánh.’
Quan điểm của bà Blavatsky rằng sự đào thải tự nhiên và ngẫu biến không thể cho ra một thế giới phức tạp như của chúng ta, càng lúc càng được nhiều khoa học gia tự chấp nhận. Thí dụ đưa ra là tờ Time trong số ra tháng tư 1988 trích sách Infinite in All Directions của giáo sư  vật lý Freeman Dyson tại đại học Princeton:
– Tôi không tin rằng vũ trụ này ngẫu nhiên mà có. Tôi tin là trí năng hiện hữu theo nghĩa nào đó rất thực trong vũ trụ. Nhưng nó là hệ quả chính hay ngẫu nhiên của một cái gì khác ? Ý kiến chính trong các sinh học gia có vẻ nói rằng trí năng ngẫu nhiên sinh ra từ phân tử DNA hay vật gì khác. Tôi nghĩ khó mà có chuyện ấy. Cho rằng trí năng là phần chính của thiên nhiên từ lúc ban đầu, và chúng ta chỉ là sự biểu hiện của nó ở giai đoạn hiện nay của lịch sử thì có vẻ hợp lý hơn. Không phải là trí năng có sự sống của riêng nó, nhưng trí năng ấy hàm chứa sẵn trong cách vũ trụ được tạo dựng, và sự sống là cách của thiên nhiên cho trí năng cơ hội mà nó không thể có được nếu không nhờ vậy.
Ý kiến thứ hai của nhà sinh vật học Lewis Thomas về địa cầu (trên báo New York Time 15-7-1989):
– Thử nghĩ chuyện lạ lùng nhất trong mọi chuyện nghịch lý, cái tư tưởng nói rằng một sinh vật như trái đất rất đỗi to lớn và phức tạp, với bao hệ thần kinh chằng chịt tương tác, liên lạc làm việc với nhau, từ con dế và đom đóm tới triết gia, mà chính nó lại không có trí năng. Tôi không thể tin như thế.
So sánh thì hồi thế kỷ 19, ông W.Q. Judge một trong những sáng lập viên hội Theosophy nói trái đất là 'một thực thể mà không phải chỉ là một khối vật chất thô kệch'.
Tiếp tục về trí năng trong vật chất, H.P.B. viết:
– ... mỗi hạt nguyên tử ... tự nó là một tiểu vũ trụ (và biểu lộ một mức độ tâm thức).
Nay thử xem quan điểm của Thomas Edison:
– Tôi không tin là vật chất có tính trơ, chịu tác động của một lực từ bên ngoài. Đối với tôi dường như mỗi hạt nguyên tử có một phần trí năng thô sơ. Hãy thử xem cả ngàn cách mà nguyên tử hydrogen kết hợp với những nguyên tố khác ... Bạn muốn nói rằng chúng làm vậy mà không có trí năng ư ?
Brian Josephson, giáo sư vật lý và là khoa học gia khác được giải Nobel nói:
– ... Vật lý gia có khuynh hướng tin rằng vật chất  là điều chi không có sự sống, có tính máy móc và suy nghĩ lầm đường. Ở mức nhỏ nhất, vật chất có vẻ xử sự giống như điều chi có tính sinh học và sống động. Có thể có sự sống và trí năng bên dưới hiện tượng ta thấy thường ngày, và vượt luôn cả hiện tượng mà khoa vật lý nghiên cứu ... Tương tự vậy, dường như hết mọi vật chất có sự hợp nhất hay toàn vẹn huyền bí mà khoa học gia không thể giải thích được, nhưng thường được mô tả trong các tôn giáo đông phương.
Nhận xét khác là của giáo sư sinh học George Wald, người đồng nhận giải Nobel về sinh lý học năm 1967:
– Tôi và thực tế là tất cả sinh vật gia và đa số người cho rằng tâm thức hay trí năng là sản phẩm có về sau trong cuộc tiến hóa của loài vật. Nay tôi nghĩ là thay vì vậy, sự hiện diện luôn có ở khắp nơi của trí năng đã hướng vật chất theo đường lối đó. Tôi nhận ra là nhiều người cũng nghĩ vậy, vì  những ý tưởng như thế đã có từ ngàn năm qua trong triết lý đông phương; và đông người trong  nhóm quan trọng các vật lý gia ( hồi tiền bán thế kỷ 20 ) đã đi tới cũng chính tư  tưởng đó. Tôi thấy Eddington có lúc nói rằng tính chất của thế giới là trí năng, và cho nó địa vị chính so với vật chất. Rồi Von Weizsacker, vật lý gia có tính triết học nói rằng ... trí năng và vật chất là hai nét song đôi của mọi thực tại.
Suy đoán như vậy dẫn tới điều không tránh được là xem xét sự sống chẳng những trên trái đất mà luôn cả nơi khác trong vũ trụ, và rồi sự tử của vũ trụ và sự tử của con người. Thuyết Big Bang nói về sự bùng nổ ban đầu và từ đó vũ trụ được thành lập nay được xét lại, với ý cho rằng không phải chỉ có một sự bùng nổ duy nhất mà có nhiều lần như thế lập đi lập lại theo chu kỳ, nói khác đi vũ trụ tái sinh nhiều bận:
– Câu hỏi là vũ trụ 'mở - open' và sẽ tiếp tục mở rộng mãi mãi, hay nó 'đóng - closed', ngày kia sẽ ngưng mở rộng, sụp đổ và rồi tái sinh, giống như vòng sinh tử của Ấn giáo.
Stephen Hawking, vật lý gia tiếng tăm của Anh, viết trong quyển A Brief History of Time ... rằng ban đầu ông tin vào một vũ trụ 'mở', và sẽ bị hủy diệt mãi mãi. Nhưng nay ông và các bạn đồng sự cho là vũ trụ tiếp tục mở rộng rồi co thắt, không có khởi đầu hay kết cuộc. Như thế sự nổ bùng Big Bang không phải chỉ có một lần.
H.P.B. viết đoạn sau trong bộ Isis Unveiled và rồi nhắc lại trong  bộ The Secret Doctrine:
– Triết lý bí truyền, như Phật giáo và Bà La Môn giáo và ngay cả kinh Kabalah của Do Thái giáo, dạy rằng Tinh chất (Essence) vô biên mà ta không biết, hiện hữu trong mọi thời đại và xuất hiện kế tiếp nhau đều đặn, hòa hợp hoặc tích cực hoặc tiêu cực. Nói cho văn vẻ thi vị thì các tình trạng này được gọi là 'Ngày' và 'Đêm' của Brahma - Thượng đế, với ngài 'thức' hay 'ngủ'.
Khi bắt đầu giai đoạn tích cực, triết lý bí truyền  dạy rằng Tinh chất thiêng liêng này mở rộng từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong , và vũ trụ hữu hình hay hiện tượng là kết quả sau cùng của một chuỗi dài những lực vũ trụ theo đó chuyển động dần. Tương tự vậy, khi tình trạng tiêu cực xẩy ra, Tinh chất thiêng liêng co rút lại, và công trình sáng tạo từ từ lần lượt biến mất. Vũ trụ hữu hình hóa tan rã, vật chất bị tứ tán, và sự 'tối đen' lại một lần nữa phủ lấy bề mặt của 'thẳm sâu'. Dùng ẩn dụ của Mật Thư sẽ cho ý tưởng rõ ràng hơn, là hơi thở ra của 'tinh chất' đó tạo nên thế giới, và hơi thở vào làm nó mất dạng. Diễn trình này đã từng có từ vô biên, và vũ trụ hiện thời của chúng ta chỉ là một trong một loạt bất tận, vô thủy vô chung.
Nói thêm thì hiện đang có việc đặt lại câu hỏi về thuyết nổ bùng Big Bang (vũ trụ chỉ sinh ra có một lần và rồi tiêu tán), và thuyết cho rằng vũ trụ tái sinh theo định kỳ ngày càng có thêm ủng hộ.

(còn tiếp)