TRỰC GIÁC

 

 

 

Bản năng, Óc lý luận và Trực giác
Phần trí năng tiềm ẩn trong những loài thấp mà ta xem là bán tri thức, tri thức, và bản năng, thì bị chìm khuất phần lớn nơi người. Óc lý luận, là sự tăng trưởng của não bộ, phát triển cùng lúc với việc bản năng bị lu mờ, chỉ còn rơi rớt cảm nhận mơ hồ điều xưa kia là tính toàn tri (Omniscience) thiêng liêng. Dầu vậy, óc lý luận – là bằng chứng cho sự chế ngự của con người thể chất đối với các vật thể khác – thường khi thua kém bản năng loài vật.
Vì não bộ của ta toàn thiện hơn não của bất cứ sinh vật nào khác, lẽ đương nhiên biểu lộ của nó phải cho ra kết quả cao nhất của hành động trí não sinh ra; nhưng óc lý luận chỉ áp dụng cho việc liên quan đến điều chi là vật chất, còn thì nó không thể giúp ai sở hữu nó có hiểu biết về chuyện tinh thần. Khi mất đi bản năng, con người cũng mất luôn khả năng về trực giác là tột đỉnh và điều tối hậu của bản năng.Óc lý luận là vũ khí vụng về của khoa học gia, trong khi trực giác là điều hướng dẫn không sai lạc cho ai có khả năng tâm linh.
Bản năng  dạy cây cỏ và thú vật mùa thuận tiện cho sự sinh nở của giống loài của chúng, và hướng dẫn con thú ít trí năng đi tìm dược thảo thích hợp cho mình khi mắc bệnh. Óc lý luận – là niềm tự hào nơi người – thất bại trong việc ngăn chặn sự sinh nở quá độ của họ, và không có kềm chế nào cho ý muốn được thỏa mãn vô hạn của giác quan.Chẳng những không dẫn dụ con người biết chữa trị cho chính mình, lời biện luận khôn khéo của lý lẽ lắm khi còn đưa con người tới sự diệt vong của họ.
Không gì nói rõ điều này hơn ý bảo rằng vật chất được toàn hảo thì mất đi bản năng. Khi so về cơ cấu của thân xác thì sinh vật của biển zoophyte bám vào đá ngầm, mở miệng thu lấy thức ăn nổi trôi trong nước biển chẩy ngang qua, tỏ ra có nhiều bản năng hơn cá voi. Con kiến, với khả năng xây tổ, xã hội và tương tác, nằm ở mức cao hơn con cọp đang rình mồi. Khoa học gia sững sờ, khâm phục khi xem xét phần thần kinh thật tinh tế, vi ti của kiến, là nguồn gốc làm kiến cần mẫn, trung thành, biết xây cất, có trật tự !
Giống như bất cứ vật gì khác có căn nguyên bí ẩn về mặt sinh lý, từ lâu bản năng bị khoa học lãng quên. Dầu vậy ông tổ y khoa Hippocrates nói.
– Ta thấy điều gì đã chỉ đường cho con người tìm phương thuốc để chữa tất cả bệnh tật của thân xác mình. Ấy là bản năng của những giống dân trước, khi lý trí lạnh lùng chưa làm khuất đi hiểu biết bên trong … Ta chớ nên bao giờ coi thường hiểu biết này, vì chỉ nhờ bản năng mà thôi ta mới có được những phương thuốc chữa trị đầu tiên.
Bản năng có tính tức thì và hiểu biết không sai lạc của trí năng toàn thông, về mọi mặt nó khác với óc lý luận giới hạn; và khi trí não phát triển, bản tính thiêng liêng của người bị che khuất bất cứ khi nào họ ngăn chặn mình với ánh sáng thiêng liêng của trực giác. Một cái bò trên đất, một cái bay cao lồng lộng; óc lý luận là khả năng của người nam, trực giác là tài năng của người nữ ! Kiến thức được thu thập một cách khó nhọc nhờ giác quan và trí não, còn khi người và đối tượng tìm hiểu hòa hợp làm một với nhau thì ta có trực giác, và hiểu biết có theo cách này không qua trung gian nào và được trọn vẹn nhất.
Trực giác cần thiết vì có những chân lý không thể được truyền từ miệng sang tai, từ ngoài vào, cũng như không giấy bút nào tả được, mà con người phải tìm câu trả lời ở nơi sâu kín trong tim mình. Các chân lý này nằm ngoài sự tranh luận và biện chứng pháp, và không ai có thể hiểu hay cảm nhận chúng đúng đắn nhờ vào sự giải thích của một cái trí khác, cho dù cái sau nói rằng nó được khải thị trực tiếp.
Triết gia Plotinus, môn đệ của triết gia cao cả Ammonius Saccsas, sáng lập viên chính của trường phái Tân Plato khi xưa, dạy rằng sự hiểu biết của người tiến qua ba giai đoạn: ý kiến, khoa học và tỏ ngộ. Ông giải thích.
– Phương tiện hay dụng cụ cho ý kiến là ngũ quan hay sự cảm nhận; cho khoa học đó là biện chứng pháp; còn với sự tỏ ngộ thì là trực giác (hay bản năng thiêng liêng). Về điều chót này, óc lý luận là kẻ dưới; bởi trực giác là hiểu biết truyệt đối dựa trên sự đồng hóa của cái trí với vật đã biết.’
Mỗi người đều sinh ra với mầm của cảm quan bên trong gọi là trực giác, và có thể được phát triển thành khả năng mà người Scotch gọi là ‘nhãn quan thứ hai’.Tất cả những triết gia cao cả như Plotinus, Porphyry và Iamblichus đều sử dụng khả năng này và dạy điều trên.Iamblichus viết.
– Có một khả năng của trí người cao hơn tất cả, và có đó khi ta sinh ra. Nhờ nó mà ta có thể đạt được sự hòa hợp với óc thông minh cao hơn, được mang ra xa khỏi cảnh tượng của thế giới này, và dự vào sự sống cao hơn cùng những quyền năng lạ lùng của cõi trời.
Nếu không nhờ trực giác, người Do Thái hẳn sẽ không hề có kinh Cựu Ước của họ, hay người Thiên Chúa giáo có đức Jesus. Điều mà cả đức Jesus và nhà tiên tri Moses mang đến cho nhân loại là kết quả từ trực giác của hai Vị, hay sự tỏ ngộ. Điều mà các bậc trưởng lão, thầy dạy sau đó trong tôn giáo cho thế giới hiểu là diễn giải sai lạc, nặng tín điều, và lắm khi phạm thánh.
Chấp nhận kinh thánh như là sự ‘mặc khải’ và đặt niềm tin vào lời dịch theo nghĩa đen là còn tệ hơn sự phi lý, nó là sự phạm thánh đối với nét cao cả thiêng liêng của điều ‘Vô hình’. Óc lý luận công kích niềm tin vào Thượng đế và sự bất tử của linh hồn, nhưng điều hỗ trợ niềm tin của con người vào Thượng đế và đời sống tinh thần sẽ tới về sau, là trực giác, là thành quả thiêng liêng của con người bên trong của ta, điều thách thức lại các giáo sĩ giảng chuyện sai lầm trong tôn giáo, bất kể đó là Thiên Chúa giáo, Ấn giáo, hay Tin Lành v.v.
Nếu không nhờ trực giác bất tử này tuy đôi khi chao đảo vì bị vật chất ngăn chặn, hẳn cuộc sống con người chỉ là hài kịch và nhân loại không còn đúng là nó nữa. Cái cảm giác không thể xóa nhòa là có sự hiện diện của một điều gì đó bên ngoài và bên trong chúng ta, là điều mà không lời phản bác nặng tính giáo điều, không một hình thức thờ phượng ở ngoại giới có thể phá hủy trong nhân loại, dù khoa học gia và hàng giáo sĩ làm bất cứ việc gì. Đức Phật, do cảm biết những tư tưởng về sự vô biên và tính vô tư của thần thánh, đã nói.
– Tựa như bốn dòng sông chẩy vào sông Hằng và mất đi tên riêng của chúng vừa khi hòa lẫn nước trong sông của mình với nước sông Hằng, thì tất cả những ai tin vào Phật sẽ không còn là người thuộc giai cấp này hay kia !

Trực Giác
Nay, làm sao ta biết là nhận được hiểu biết huyền bí đúng thực từ cái Ngã bên trong ? Câu đáp là trực giác phải được phát triển và sự việc được xem xét trên căn bản triết lý chân thật, vì nếu nó trái với qui luật đúng đắn thông thường thì nó sai. Ta phải tìm ra, nhờ phân tích thâm sâu, là điều gì từ lòng vị kỷ mà ra và điều gì không; nếu việc là do lòng vị kỷ thì nó không phát xuất từ tinh thần và không chân thật.
Khả năng để biết không đến từ việc học trong sách hay chỉ từ triết lý, mà nhiều phần là đến từ sự thực hành hẳn hoi lòng vị tha bằng hành động, lời nói và tư tưởng. Vì sự thực hành ấy làm tinh lọc các thể của linh hồn, cho phép ánh sáng ấy chiếu xuống vào trí não. Bởi trí não tiếp nhận lúc tỉnh thức, nó phải được thanh lọc khỏi những cảm nhận của giác quan, và cách đúng nhất để làm vậy là kết hợp triết lý với đức tính cao nhất bên ngoài lẫn bên trong.
Mỗi chúng ta đều có quan năng, cảm quan bên trong là trực giác, mà rất ít người biết cách mở mang nó ! Tuy vậy nó là quan năng duy nhất nhờ đó con người và vật được nhìn theo mầu sắc thật của mình. Nó là bản năng của linh hồn, lớn mạnh trong ta tỷ lệ với việc ta dùng nó, và giúp ta cảm nhận cùng thông hiểu những sự kiện thật và tuyệt đối, với sự xác quyết nhiều hơn khi chỉ dùng ngũ quan và lý trí. Điều gọi là lý trí cho phép ta thấy bề ngoài của vật, hiển hiện đối với mọi người. Bản năng mà ta nói đây là sự phóng chiếu của tâm thức người, đi từ chủ thể (người quan sát) sang khách thể (đối tượng của sự quan sát) mà không phải ngược lại, đánh thức dậy cảm quan tinh thần trong ta và khả năng hành động.
Những cảm quan này hấp thu phần cốt tủy của vật hay hành động khi xem xét, và trưng vật cho ta thấy như chúng thật sự là, mà không phải như ngũ quan vật chất của ta thấy chúng, và với lý trí lạnh lùng của ta. Giáo sư A. Wilder nói.
– Ta bắt đầu với bản năng, và chấm dứt với sự toàn tri.
Triết gia Iamblichus mô tả quan năng này như sau.
– Có một quan năng trong trí người vô cùng cao hơn so với tất cả những gì có trong ta. Nhờ nó ta có thể kết hợp với óc  thông minh cao hơn, được nâng cao bên trên cảnh đời của sự sống trên trái đất, và dự vào sự hiện hữu cao hơn và quyền năng siêu nhân của dân cư ở cõi trời. Nhờ quan năng ấy chót hết ta thoát khỏi sự chế ngự của Karma hay số mạng, và ta thành người định đoạt phần số của mình. Vì khi linh hồn ta được nâng cao lên tới phần tinh túy cao hơn khoa học, nó có thể phân tách mình với tình trạng giam cầm nó trong đời sống hằng ngày; nó đổi lấy sự sống thông thường cho một sự sống khác, và từ bỏ những thói quen thuộc về cung cách bên ngoài của sự vật, mà hòa vào một cung cách khác cái điều khiển cuộc sống ở mức cao nhất.
Plato diễn tả cùng ý tưởng trong vài hàng.
– Ánh sáng và tinh thần của thiêng liêng là đôi cánh của linh hồn. Chúng nâng linh hồn để hòa hợp với thần linh bên trên trái đất … Trở thành như thần linh là trở nên thánh thiện, công minh và sáng suốt. Nó là điều cho con người đạt tới, và phải là mục tiêu cho họ khi thu thập kiến thức.
Đó là Theosophy, là Minh Triết Thiêng Liêng MTTL bên trong, của linh hồn. Nhưng khi theo đuổi với mục đích ích kỷ, Theosophy thành demonosophy (HPB chơi chữ ở đây, ý muốn nói chuyện sai lầm). Ấy là tại sao minh triết đông phương dạy rằng đạo sĩ người Ấn khi ẩn mình trong rừng già hiểm trở, lẫn nhà tu hành Thiên Chúa giáo ngày xưa ngụ trong sa mạc, cả hai đều là người ích kỷ hàng đầu. Một người hành động với ý tưởng duy nhất là đạt Niết bàn để không còn tái sinh; người kia hành động với ý tưởng độc nhất là cứu rỗi linh hồn mình; cả hai chỉ nghĩ tới chính họ. Động cơ của họ hoàn toàn có tính cá nhân, vì giả dụ là đạt tới đích, thì họ có khác gì binh sĩ hèn nhát bỏ chạy thoát thân khi đơn vị ra trận, để tránh đạn cho mình ? Khi tự cô lập như thế, đạo sĩ lẫn ‘vị thánh’ chỉ giúp mình và chẳng giúp ai khác; ngược lại, cả hai cho thấy họ hết sức dửng dưng với số phận của nhân loại, những người mà họ bỏ rơi và chạy tránh xa.
Óc lý luận không thể hiểu điều vô hạn, nhưng ta luôn luôn có thể có tư tưởng trừu tượng về điều này nhờ vào quan năng cao hơn óc lý luận là trực giác, hay bản năng tinh thần. Những bậc đại sư đạt tới Samadhi (đại định) – là trạng thái trong đó ta ngưng không còn là tiểu ngã bị chi phối và có tính cá nhân, mà trở thành là một với Đại Ngã – là những bậc duy nhất có thể nói là đã tiếp xúc với sự vô hạn, nhưng cũng như người phàm các ngài không thể tả bằng lời trạng thái đó.
Những chỉ dạy đưa ra về MTTL thường có đặc tính là đòi hỏi ta phải dùng trực giác để hiểu chúng trọn vẹn, nói khác đi chúng tập cho ta mở trực giác. Về điểm sau này, HPB có lời chỉ dẫn tổng quát:
– Đầu tiên là tập luyện và kế đó là không dùng khả năng cho mục đích thuần cá nhân. Tập luyện có nghĩa phải trải qua lầm lỗi và sai sót cho tới khi sự thành tâm cố gắng trở thành thói quen, ban sơ ta sẽ có sai lầm nhưng nếu thật lòng chuyện sẽ tốt đẹp hơn và không còn phạm lỗi. Thêm vào đó là việc học hỏi kinh nghiệm của những ai đã đi con đường này trong quá khứ, và tìm ra điều gì chân điều gì không phải vậy.Họ nói rằng Chân ngã là thực tại duy nhất.Não bộ phải có tầm nhìn rộng lớn hơn về cuộc đời nhờ học hỏi về luật tái sinh, bởi việc học ấy cho sự vô hạn với bao điều khả hữu trong đó.Chẳng những ta phải không ích kỷ, mà còn phải làm tròn tất cả bổn phận của mình mà Karma đặt để cho ta, và nhờ vậy trực giác sẽ vạch cho thấy con đường thật trong đời.
Trực giác cần thiết khi học Theosophy, bởi HPB nói rõ:
– Thái độ nên có đối với các chỉ dạy được đưa ra là phát triển trực giác. Việc phải làm về mặt này là đừng tranh luận rằng chỉ dạy không giống với điều người khác nói hay viết, hay với ý tưởng riêng của ta về đề tài, hay chúng có vẻ đi ngược lại triết lý hay một hệ thống tư tưởng nào được chấp nhận. Khoa học huyền bí thực tiễn … đòi hỏi trọn khả năng trí tuệ và tâm linh của học viên để xem xét huấn thị được đưa ra, sao cho tới cuối họ khám phá ý nghĩa thật của vị Thầy và hiểu đến hết mức theo khả năng của họ.
Học viên phải nỗ sực hết sức mình trong lúc học hay thực hiện điều được giao cho họ, làm cái trí được tự do thoát khỏi tất cả ý tưởng mà họ có thể có do thừa hưởng từ sự giáo dục, môi trường hay từ các vị thầy khác. Trí của họ phải hoàn toàn không vướng bận tư tưởng nào khác, hầu ý nghĩa bên trong của huấn thị có thể tạo ấn tượng cho họ ngoài chữ dùng để diễn tả ý. Bằng không, luôn luôn có rủi ro là ý tưởng của họ bị nhuộm mầu với các ý đã có trước, từ người viết làm hiểu biết huyền bí xuôi theo khoa học hơn là chân lý bí truyền.

Trực giác là đề tài rộng lớn, bài đầu hôm nay cho cái nhìn tổng quát dựa theo các bài viết của HPB, trong kỳ sau ta sẽ bàn về cách phát triển khả năng này.

Tham khảo:
- Isis Unveiled, H.P.Blavatsky.
- Collected Writings H.P. Blavatsky.
- The Secret Doctrine, H.P. Blavatsky.

Geese