H.P.B. (Helena Petrovna Blavatsky)
(PST 69)
Dầu vậy sử gia Carl Jackson khám phá là cảm tưởng nhiều nhân chứng khác có ý nghĩa khác hẳn:
– Quan sát viên tại các buổi họp liên tục thấy những bài thuyết trình Á châu tạo nên ấn tượng tích cực. Cô Florence Winslow xác nhận rằng hội nghị đã trở nên một 'sự kiện mà các nguyên tắc và bài học không bao giờ còn có thể bị xóa nhòa khỏi tâm thức người Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ'. Cô cho phần lớn tác động là do cá tính mạnh mẽ của những vị đại diện Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo và Thần đạo tại hội nghị. 'Sự nghiêm trọng, hăng hái, thành tâm và đặc tính tinh thần' của họ làm chặn đứng mọi tư tưởng rằng tôn giáo Đông phương sẽ 'chìm trong sương khói' trước sự đắc thắng của Thiên Chúa giáo. Cô ca ngợi Dharmapala là 'người dịu hiền nhất trong các ông, gần như là tín đồ Thiên Chúa giáo trong sự thành kính của ông đối với đức Chúa' và khen Vivekananda như là 'một trong những người có trí thức rộng rãi và đầy đủ nhất' tại đó cũng như là 'một nhà hùng biện xuất sắc'.
Lucy Monroe, người cho bình luận tại chỗ trên tờ The Critic về các buổi họp, cũng được Dhamarpala và Vivekananda gây ảnh hưởng mạnh mẽ, gọi hai người là 'những nhân vật đáng chú ý nhất của hội nghị'. Cô gợi ý rằng có lẽ 'kết quả cụ thể nhất' của hội nghị là 'cảm tưởng nó gợi nên về những nhà truyền giáo ở ngoại quốc'.Chưa bao giờ sự khinh thường của việc gửi các sinh viên thần học được giáo dục nửa vời, đi giảng đạo cho người đông phương khôn ngoan và thông thái, được trình bầy một cách mạnh mẽ như vầy cho cử tọa nói tiếng Anh'.
Điều này có vẻ như chuyện viễn vông so với quan niệm thắng thế ở tây phương mười tám năm về trước, khi HPB bắt đầu việc làm của bà trong công chúng nhằm đảo ngược ý tưởng rằng người Á châu là bán khai dốt nát, và tôn giáo của họ là mớ hỗn độn các niềm tin mê tín dị đoan. Nhưng nỗ lực của bà không phải là điều đầu tiên có trong đường hướng ấy. Các triết gia Hoa Kỳ như Emerson, Thoreau và Whitman tự do nói về lòng khâm phục của họ đối với đông phương. Trong số những người khác có Sir Edward Arnold, nổi tiếng với tác phẩm The Light of Asia về cuộc đời đức Phật, và bản dịch quyển The Bhagavad–Gita lấy tên The Song Celestial; đây là bản dịch Anh văn được thánh Gandhi ưa thích của tác phẩm cổ điển Ấn. Năm 1888, nữ hoàng Victoria vinh danh việc làm của ông Arnold bằng cách phong tước Hiệp Sĩ cho ông. Khi thi hào Tennyson qua đời năm 1892, ông Arnold được nữ hoàng chọn làm thi bá của Anh.
Sir Edwin trong một lần phỏng vấn khi được hỏi là có gặp HPB lần nào chăng, ông đáp:
– Tôi biết bà Blavatsky rất rõ và có quen biết hai ông Olcott và A.P. Sinnett, và tôi tin không chút nghi ngờ rằng phong trào TTH có ảnh hưởng tuyệt vời đối với nhân loại. Nó làm cho số đông người hiểu điều mà Ấn Độ luôn luôn hiểu, và đó là điều quan trọng của chuyện vô hình.
Vũ trụ thật sự là cái mà bạn không thấy, và dân quê tầm thường nhất của Ấn biết điều ấy do thừa hưởng lại. Người TTH gây ấn tượng lên thế hệ hiện giờ về điều cần thiết phải chấp nhận sự hiện hữu của điều vô hình.Cảm quan chúng ta rất là hạn chế, và ai cũng nên biết rằng đằng sau cảm quan còn có sân trường phát triển vô hạn.
Trong sách A Year Under the Shadow of St. Paul's, mục sư E.C.Paget thuật về một buổi tối với Sir Edwin Arnold, ông viết:
– Khi nhắc đến tên bà Blavatsky, Sir Edwin kể lại việc ông quen biết bà và thành quả trí tuệ lạ lùng của bà. Để mô tả, ông kể có lần ông tự nhiên hỏi bà về ngày tháng của một học giả Phạn ngữ nổi tiếng, và bà lập tức nói ngay hết sức lẹ làng với sự chính xác tuyệt hảo.
Đổi lại, lòng khâm phục của HPB đối với ông Arnold cũng hiển hiện, vì trong chúc thư của mình bà yêu cầu là thân hữu tựu lại mỗi năm vào ngày bà qua đời và đọc một đoạn trong quyển The Light of Asia và The Bhagavad Gita, hai sách mà ông dịch. Hiện nay, ngày này được hội viên khắp nơi tổ chức tưởng niệm và gọi là lễ Hoa Sen Trắng, tên do ông Olcott đặt ra vì tại Adyar, Ấn Độ, vào ngày giỗ đầu của HPB hoa sen nở rộ khác thường.
Bộ The Secret Doctrine (SD Triết Lý Bí Truyền) và Khoa Học.
Vào năm 1988, để kỷ niệm 100 năm ngày xuất bản bộ SD, có nhiều cuộc hội thảo về tác phẩm này được tổ chức ở Hoa Kỳ, Âu Châu và Ấn Độ. Trong một buổi như thế tại thành phố Culver, California có nhận xét đưa ra:
– Nhà phê bình sách năm 1888 khi nhận được bộ SD sẽ khó mà cho rằng nó có thể được tái bản nhiều lần. Đó là bộ sách dầy 1.500 trang, có nhiều từ ngữ triết lý và tôn giáo viễn đông đối ngược với khoa học thế kỷ 19 và những lý thuyết khoa học nay đã bị loại bỏ. Nhưng vì lẽ nào đó, bộ SD vẫn tiếp tục được xuất bản 100 năm sau, và vẫn tiếp tục được nghiên cứu ...
Điều gì trong bộ SD khiến nó trường tồn và tiếp tục ảnh hưởng tư tưởng ngày nay, khi những tác phẩm khác đồng thời đã bị quên lãng từ lâu ? Có lẽ ấy là vì sách thực ra là tác phẩm cho thế kỷ 20, được viết 100 năm trước thời điểm của nó ... Nếu tác giả bộ SD không thể tiên đoán những khám phá trong tương lai, hẳn sách đã hóa lỗi thời mau lẹ so với khoa học mỗi ngày một tiến. Thật vậy, HPB đã tiên đoán rằng 'Chỉ vào thế kỷ 20 mà một phần, nếu không phải trọn bộ tác phẩm này, mới được chứng thực' (2:442).
Có ít tiên đoán được ghi trong bộ SD, các tiên đoán sau đáng chú ý vì thời điểm rõ ràng được nêu ra về sự thể hiện của chúng (cuốn 1, 611).
– Mức độ chính xác, sự sâu rộng và độ dài của các bí ẩn trong Thiên nhiên chỉ có thể được tìm thấy trong khoa học bí truyền đông phương. Chúng thật là thâm diệu và rộng lớn tới mức chỉ có ít Vị, rất ít các Vị cao cả nhất mà chỉ có một số rất nhỏ đạo sư biết đến sự hiện hữu của các Ngài, là có thể có được hiểu biết.Nhưng chúng có đó hết cả, và từng điều một, các dữ kiện và tiến trình của hoạt động trong Thiên nhiên sẽ được cho phép đi vào các khoa học chính xác, và một số ít nhân vật sẽ có được trợ giúp một cách lạ lùng để giải mã các bí mật của nó.(Thí dụ ảnh hưởng cung bẩy đang bắt đầu trên thế giới nên hai ông bà Curie và ông Millikan là các khoa học gia thuộc cung bẩy nhờ vậy mà có những khám phá về phóng xạ).
Nhiều khám phá lớn thường được xẩy ra vào cuối những chu kỳ lớn, có liên kết với sự phát triển của các giống dân. Chúng ta đang ở cuối chu kỳ hiện tại 5.000 năm tên Kaliyuga của giống dân Aryan, và giữa năm nay (1888) và năm 1897, tấm màn che của Thiên nhiên sẽ có một xé toạc lớn và khoa học duy vật sẽ nhận được đòn chí tử.
Tiên đoán này có hai phần.Phần đầu đặt ra câu hỏi là có khám phá nào đáng nói đã xẩy ra cho khoa học trong giai đoạn chín năm nêu trên không. Tác giả David Deitz trong sách The New Outline of Science của ông cho ra cái nhìn tổng quát giúp ích cho ta như sau:
– Lịch sử của nền văn minh có ít điều nào đối chọi hơn sự dị biệt về quan điểm của các vật lý gia thế kỷ 19 so với hậu duệ của họ trong thế kỷ 20. Khi tới cuối thế kỷ 19, vật lý gia thấy là đã làm xong phần việc của họ. Một khoa học gia tiếng tăm thời ấy, khi có bài diễn văn năm 1893, nói rằng có lẽ đã có hết tất cả những khám phá lớn trong ngành vật lý ... và theo ông, vật lý gia của tương lai không có gì phải làm ngoài việc lập lại và thực hiện tinh xảo hơn các thí nghiệm đã có trong quá khứ, xác định trọng lượng nguyên tử nào đó hay một hằng số của thiên nhiên tới một hay hai số lẻ thêm vào. (Chủ tịch khoa vật lý tại đại học Harvard không khuyến khích việc học lên cao sau cấp cử nhân, vì không còn mấy đề tài quan trọng chưa có giải đáp).
Và rồi hai năm sau đó vào ngày 28-12, 1895, ông Wihlhelm Conrad Roentgen trình cho hội Y khoa Vật lý tại Wurzburg, Đức, bản tường trình đầu tiên của ông viết về việc tình cờ khám phá ra tia X. Ngày đầu năm 1-1,1896, ông gửi bản sao bài này cho các khoa học gia bạn tại Berlin và những nơi khác, kèm theo hình chụp đầu tiên của tia X ông đã chụp ... mà tấm lạ lùng nhất cho thấy rõ những xương của bàn tay người. Đây chính là điều mà khoa học gia năm 1893 nói rằng không thể xẩy ra: là có việc tìm ra một khám phá mới.
Ông Roentgen đã tìm ra một tia bí ẩn dễ dàng đi xuyên qua chất đặc như tia nắng mặt trời chiếu qua kính cửa sổ. Không có gì trong vật lý thế kỷ 19 giải thích được hiện tượng kinh ngạc này ... Chẳng riêng gì khoa học gia mà luôn cả dân chúng khắp nơi cũng lấy làm hào hứng với tin ấy, và chỉ ngày trước ngày sau ông Roentgen hóa ra nổi tiếng khắp thế giới (ông được giải Nobel vật lý năm 1901).
Khám phá lớn kế đó trong ngành vật lý nguyên tử là tính phóng xạ, có vào năm 1896 do ông Antoine Henri Becquerel tìm ra ở Paris, vài tuần sau khi có tuyên bố của ông Roentgen. Cha ông Becquerel cũng là một vật lý gia, đã nghiên cứu về tính phát huỳnh quang, là sự kiện nhiều chất sau khi được cho hứng nắng mặt trời đã phát sáng trong chỗ tối.
Ông Becquerel nhớ lại công trình của cha mình, và tự hỏi có gì tương tự giữa tính phát huỳnh quang và tia X. Vì vậy, ông lấy giấy đen bao lại một tấm phim chụp hình, và đặt trên đó một tinh thể muối uranium mà cha ông đã dùng. Ông để chúng ra nắng và khi rửa phim, thấy nó bị mờ hay hóa đen, chứng tỏ là quả thật có một tia nào đó đi xuyên qua giấy đen. Ông đặt giả dụ là tia nắng mặt trời đã làm cho uranium phát ra tia X.
Khi chuẩn bị để thí nghiệm thêm, ông Becquerel tình cờ khám phá không phải tia X ông muốn tìm, mà là tính phóng xạ. Nhà vật lý tiếng tăm Robert Millikan nhận xét:
– Tính phóng xạ là cách mạng cho tư tưởng con người, vì nó có nghĩa là vài, ngay cả 'nguyên tử vĩnh cửu' như uranium và thorium, không được vững bền và tự nhiên phóng ra những mảnh năng lực lớn của chúng, do đó biến mình thành nguyên tử khác ... Trong tất cả những khám phá mới đây là điều lạ lùng nhất đối với tư tưởng con người, và khuấy động nhiều nhất óc tưởng tượng của ta, vì nó hủy diệt ý tưởng về tính bất biến của các nguyên tố, và cho thấy mơ ước của nhà luyện kim (biến kim loại thấp thành vàng) không chừng sẽ thành chuyện thật.
Việc 'vén màn bí ẩn' kế đó nằm trong khoảng thời gian mà bộ SD xác định là điều quan trọng hơn hết thẩy, tức khám phá ra âm điện tử năm 1897 của Tiến sĩ J.J.Thomson. Năm 1936, tiến sĩ Karl Compton, cựu chủ tịch viện Massachusetts Institute of Technology (MIT) trong bài diễn văn khi thôi chức chủ tịch America Association for the Advancement of Science, có nhận xét:
– Lịch sử khoa học có nhiều thí dụ trong đó một ý niệm hay khám phá mới dẫn tới tiến bộ lớn lao trong những ngành mới mẻ rộng lớn ... mà trước đó người ta không ngờ là có sự hiện hữu của chúng ... Nhưng tôi thấy rằng không có thí dụ nào kỳ lạ cho bằng việc khám phá ra âm điện tử, vật nhỏ nhất trong vũ trụ, mà chỉ trong một thế hệ đã biến đổi khoa vật lý trì trệ dậm chân tại chỗ, khoa hóa học và thiên văn học không có phát triển chi, thành các khoa học sinh động nẩy nở, tràn đầy những tìm tòi của tri thức, diễn giải liên kết nhau và có giá trị thực tiễn.
Khám phá của ông Thomson là cực đỉnh của một loạt thí nghiệm do Sir William Crookes khởi sự, Ông là người tìm hiểu về việc phát điện trong khoảng chân không trong ống Crookes do chính ông sáng chế ra. Ống này là tiền thân của ống trong máy truyền hình và đèn huỳnh quang ta dùng hiện giờ. Thí nghiệm của ông Crookes hàm ý là có trạng thái thứ tư của vật chất mà ông gọi là chất phát xạ, và hai mươi năm sau hóa ra đó là âm điện tử ! Chuyện thú vị là trong bộ SD (cuốn 1:621), H.P.B. tiên đoán là 'Khám phá chất phát xạ của ông Crookes sẽ cho kết quả là làm soi sáng hơn về nguồn gốc của ánh sáng, và làm cách mạng tất cả những suy đoán hiện giờ.'
Nhà vật lý học Millikan cho rằng việc khám phá ra âm điện tử là 'điều hữu dụng nhất cho nhân loại, với vô số ứng dụng của nó vào radio, viễn thông thuộc đủ mọi loại, cho đến phim ảnh và hằng chục kỹ nghệ khác'. Các khám phá khoa học được đẩy mạnh nhiều hơn do việc dùng các dụng cụ điện tử. Chính bộ SD đã được dùng cho nhiều mục tiêu thực tiễn. Ông Hubert S. Turner, người phát minh ra dây cáp điện thoại coaxial, là dây được đặt trong khắp Hoa Kỳ vào cuối thập niên 1940, đã dùng kèm với việc làm của mình vài đoạn chính yếu trong bộ SD (1:128-32), nói về Vòng Bất Quá (Ring Pass-Not - sự phân chia thế giới hình thể và không hình thể), và áp dụng ý nghĩa huyền bí sâu xa của nó vào thế giới của lực vật lý.
Phần hai về tiên đoán trong bộ SD rằng ' tấm màn che của Thiên nhiên sẽ có một xé toạc lớn và khoa học duy vật sẽ nhận được đòn chí tử', trong quyển Time, Matter and Value sau khi nhắc lại những khám phá mới trong vật lý, Millikan kết luận rằng ' Kết quả là thuyết duy vật tín điều trong vật lý đã chết'. Nhân vật khác là Raymon F. Yates trong quyển These Amazing Electrons cũng xác nhận, 'Trường phái cũ đã thối lui hoàn toàn.Vật lý học hóa ra hết sức lạc lõng. Trong một lúc nó bị choáng váng bởi những câu hỏi nặng nề ồ ạt tràn đến. Viên gạch rắn chắc chót đã rơi khỏi thành trì của thuyết duy vật, và hệ thống gọn ghẽ về việc phân loại, đặt để cho mỗi vật một chỗ riêng biệt mà nó cần cù sắp xếp đã vỡ tan tành'.
Theo ông David Deitz, tới cuối thế kỷ 19 có vẻ như 'một cuộc cách mạng lớn đã xẩy ra trong ngành vật lý học'. Ông nói tiếp:
– Bốn khám phá đáng kể là tia X, tính phóng xạ, chất radium và âm điện tử, làm khoa học gia tin rằng công việc của chỉ mới bắt đầu mà không phải chấm dứt. Đã tới lúc đi sâu vào bên trong âm điện tử. Tuy nhiên khó có thể tin là hồi đầu thế kỷ 20 người ta thấy trước được những tiến bộ lớn sẽ có trong lý thuyết hay ứng dụng tuyệt vời sinh ra từ hiểu biết mới này.
Sự thức tỉnh khoa học đi từ việc khám phá âm điện tử tiếp tục diễn ra với hai khám phá thêm và làm suy yếu hơn nữa nền tảng của triết lý duy vật. Đó là:
– 1900. Vật lý Lượng tử - Quantum Physics. Nhà vật lý học Max Planck đặt nền tảng cho lý thuyết lượng tử với quan sát là vật chất phát ra và hấp thụ phóng xạ gồm lượng tử (ban đầu gọi là quantum mà về sau Einstein gọi là photon – quang tử), cho thấy ánh sáng có tính hạt cũng như là tính sóng. Năm 1913, vật lý gia Niels Bohr đưa ra giả thuyết là âm điện tử nhẩy từ tầng này sang tầng kia quanh nhân nguyên tử, bằng cách phát ra hay hấp thụ lượng năng lực, mà không đi qua khoảng không gian ở giữa. Đây là một bước lớn tách rời khỏi thuyết có tính cơ học.
– 1905. Phương trình của Einstein: E = mc2 cho nhìn nhận thêm là khối lượng hay chất liệu thì tương đương với năng lực, và thời gian và không gian là những phần nội tại trong kết hợp chất liệu – năng lực tạo nên vũ trụ.
Ta có nói rải rác trong những phần trước là một số khoa học gia quan tâm đến bộ SD. Cháu gái của Einstein nói rằng ông luôn luôn có một bộ trên bàn làm việc của mình. Bộ sách này chứa đựng nhiều chi tiết mà khoa học trong thời H.P.B. phủ nhận, nhưng về sau được chứng minh là đúng thật, và rất có thể là nó có manh mối về nhiều sự việc khác chưa được chấp nhận hiện nay. Dưới đây là ba thí dụ cho thấy sách nói trước về các khám phá đã có trong vật lý học.
A– Nguyên tử phân chia được.
Isaac Newton viết trong sách Optics rằng 'Ban đầu Thượng đế tạo nên vật chất đặc, là những hạt có khối lượng, cứng, không thể được xuyên thấu với kích thước và hình thù, tính chất, tỉ lệ trong không gian thích hợp nhất cho mục đích mà ngài tạo ra chúng'.
Về sau khoa học gia loại bỏ phần thần học trong nhận xét này tuy nhiên vẫn giữ lại phần 'những hạt có khối lượng, cứng, không thể được xuyên thấu' hay nguyên tử, như là đơn vị căn bản tạo nên vũ trụ. Khi âm điện tử được khám phá non1897, nền tảng duy vật của khoa học bắt đầu rã tan.Nguyên tử phân chia được.
H.P.B. nói như sau trong bộ SD (1:519-20):
– Nguyên tử phân chia được, và phải gồm các hạt hay những phần nhỏ hơn nguyên tử ... Trọn khoa Huyền bí học dựa trên thuyết lý rằng vật chất có bản chất ảo và nguyên tử phân chia được tới vô tận.
Nói về tính phân chia được tới vô tận của nguyên tử, có nhận xét là 'khoa học đi từng bước về hướng này, mới đầu tìm ra âm điện tử, rồi dương điện tử, trung hòa tử, rồi quark và những hạt khác.Nay nó tiến đến lý thuyết dây (string) và sóng, tương ứng với khoa học mô tả trong bộ SD.
Khi mới có lý thuyết về quark, khoa học gia Wener Heisenbert nhận xét:
– Cho dù ta tìm ra quark, dựa vào những điều đã biết thì chúng có thể lại được phân chia thành antiquark v.v.và như thế ... ta phải bỏ rơi triết lý của Democritus (triết gia Hy Lạp đưa ra đầu tiên ý niệm về nguyên tử là vật nhỏ nhất không thể phân chia được) và ý niệm về những hạt căn bản. Thay vào đó ta nên chấp nhận về tính đối xứng căn bản (fundamental symmetries) là ý niệm trong triết lý của Plato.
B– Nguyên tử chuyển động luôn luôn.
Khoa học gia thời H.P.B. chẳng những không tin là nguyên tử phân chia được, mà còn tin là chúng không chuyển động, ngoại trừ trong trạng thái hơi. Bộ SD (1:507-8) viết:
– Huyền bí học nói rằng trong mọi trường hợp khi vật chất có vẻ trơ trơ (inert) nhất thì nó ở trong trạng thái linh hoạt nhất. một khối gỗ hay đá tỏ ra bất động và không xuyên thấu được theo ý ta, dầu vậy sự thực là những hạt của nó có sự rung động mãi mãi không ngưng, nhanh đến mức với mắt thường trọn khối xem ra không có chút chuyển động; và khoảng không gian giữa những hạt này khi chúng rung động – nhìn theo cõi khác và nhận thức khác – thì to lớn như khoảng phân cách giữa các tinh thể tuyết hay những hạt mưa. Tuy vậy đối với vật lý học điều này sẽ bị xem là vô lý ...
Ngày nay khó mà tin rằng có lúc ý kiến trên bị xem là vô lý.
Theo bộ SD sự chuyển động mãi mãi không ngưng của nguyên tử trong vật ta xem là chất đặc thuận theo luật chung trong vũ trụ 'nói rằng thiên nhiên không có ngơi nghỉ hay ngừng chuyển động'. Điều này hợp với quan điểm của Einstein như được thảo luận trong quyển The Theory of Relativitytheo tác giả Garrett Service:
– Khảo cứu khoa học cho thấy là trong vật cực nhỏ cũng như vật cực lớn ... tất cả là chuyển động ... chúng ta không thấy có gì đứng yên. Einstein nói rằng sự việc là vậy bởi sự chuyển động phải được xem là việc tự nhiên, cũng như là tình trạng thực sự của vật chất, trạng thái của vật mà không cần ta giải thích, vì nó sinh ra từ chính bản chất của vũ trụ.nó là điều thiết yếu của sự hiện tồn.
C. Vật chất và năng lực chuyển biến được cho nhau.
Khoa học thế kỷ 19 tin điều ngược lại, và Einstein bác bỏ nó với phương trình E = mc2. Nhà vật lý học Millikan diễn dịch phương trình như sau:
– ... m là vật chất tính bằng gram, c là vận tốc ánh sáng tính theo cm (300.000.000.000 cm/ giây), và E là đơn vị năng lực tuyệt đối gọi là erg. Nói theo ngôn ngữ thông thường, phương trình của Einstein cho biết là nếu một gram vật chất được biến đổi thành nhiệt trong một phút, sẽ có 90 tỉ kilowatt công suất được liên tục sinh ra.
Ông nói tiếp.
– Ở đây là ý niệm hết sức quan trọng, nói rằng vật chất chuyển biến được thành năng lực tỏa ra.
Nay một cách tổng quát hơn để giải thích sự kiện đã được chứng minh này là nói rằng vật chất là năng lực được cô đọng, còn năng lực là vật chất được tản ra.
Trong bộ SD (1:623), H.P.B. trích từ tạp chí Path của ông W.Q. Judge (Jan 1887, 297):
– Trong Khoa học Huyền bí, lực và vật chất chỉ là hai mặt của cùng một Chất Liệu.
Vật chất ấy bà gọi là prakriti, phát sinh từ vật chất tiên khởi là mulaprkriti (vật chất gốc).
Trong quyển Isis Unveiled (1:198), bà trực tiếp khẳng định tính chuyển biến được giữa lực và vật chất:
– Mỗi thể hiện khách quan, dù đó là sự cử động của tay hay chân sống động, hay cử động của một thể không hữu cơ, đòi hỏi hai điều kiện là ý chí và lực, cộng thêm với vật chất hay điều làm vật cử động thấy được với mắt ta; và ba điều này đều là những lực chuyển biến được ...
Đoạn trích dưới đây (SD 2:672) đặc biệt đáng chú ý chẳng những vì chữ atomic energy cho thấy là nguyên tử có năng lực, mà còn vì H.P.B. có vẻ như là người đầu tiên dùng chữ này hiện rất thông thường ngày nay.
– Câu 'Chuyển động sóng của những hạt sinh động' được hiểu ra theo thuyết của một nguyên lý phổ quát chính ... tinh thần, độc lập với vật chất của chúng ta, và thể hiện như là năng lực nguyên tử chỉ nơi cõi tâm thức của chúng ta.
Từ hết tất cả những điều nói trên, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà xuất bản bộ SD hiện thời cho biết là giáo sư các trường cao đẳng và đại học thường xuyên đặt mua sách này. Một giáo sưtại California Institute of Technology cứ vài năm lại đặt mua sách. Khi dò hỏi thân thiện thì người ta được cho hay là khi nào có quá nhiều ghi chú chi chít trong sách, làm không đọc được nữa thì ông đặt mua bộ mới.
Năm 1982 giáo sư hóa học và sinh viên tại Massachusetts Institute of Technology (MIT) đặt ra kế hoạch để nghiên cứu các chỉ dạy trong bộ SD có liên quan đến ngành của họ. Tiến sĩ Philip Percion, một khoa học gia làm việc về bom nguyên tử, năm 1988 nói rằng các giáo sư và sinh viên tại MIT đã lập hội hóa học và thường xuyên học hỏi bộ SD. Ông cũng cho biết thêm là ông cùng nhiều giáo sư hóa học, đa số là giáo sư MIT đã về hưu, gặp nhau theo định kỳ để thảo luận bộ SD tại Harvard Club ở New York.
Nói thêm thì khoa học gia Millikan quan tâm thật sâu xa về bộ SD, và là một trong các khoa học gia đầu tiên làm Einstein chú ý tới bộ sách. Trong thời gian ông Millikan là giám đốc Norman Bridges Lab tại Cal Tech (1921-1945), một bộ SD trong thư viện của đại học có quá nhiều người muốn đọc nên để mượn sách, người ta phải ghi tên vào danh sách chờ đợi dài.
...
Nay từ vật lý chúng ta quay sang khoa sinh học, bắt đầu với di truyền học.
Thế giới khoa học hoan nghênh việc tìm ra cơ cấu di truyền tử của hai khoa học gia James Watson và Francis Crick, xem nó như là giải quyết được hết tất cả những bí ẩn lớn trong sinh học tế bào.Hai ông được giải Nobel về sinh lý học. Ngày nay, các nhà sinh vật học ý thức rõ ràng là những thắc mắc lại càng khó hiểu hơn bao giờ hết.
Nguồn gốc được cơ cấu di truyền tử là một bí ẩn hoàn toàn; khoa học gia không biết làm sao thiên nhiên tạo ra nó. Sir Fred Hoyle vạch cho thấy là bên trong chất liệu di truyền trong nhân tế bào, có 200.000 chuỗi amino acid xếp đặt theo cách thức rất đặc biệt, phức tạp mà hai ông Watson và Crick tạo ra mẫu là dây xoắn đôi. Ông Hoyle nói là xác suất để có được cách xếp đặt này do tình cờ theo luật đào thải tự nhiên và ngẫu nhiên dị biến, thì tương tự như xác suất thẩy một con xúc sắc mà được 5 triệu lần liên tiếp nhau số sáu.
Một bí ẩn khác liên quan đến cơ chế 'bật' và 'tắt' (on / off) của các di truyền tử (gene). Mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta có chứa trong nhân một bộ trọn vẹn các di truyền tử, và chứa đựng tất cả chi tiết để tạo ra một con người mới.Dầu vậy, trong bất cứ một tế bào nào, chỉ có một số di truyền tử là linh hoạt. Thí dụ với tế bào da hay tế bào gan, chỉ những di truyền tử nào có thể sinh ra loại tế bào ấy mới được 'bật lên', có linh hoạt. Tất cả những di truyền tử khác được 'tắt' đi. Nếu tất cả những di truyền tử linh hoạt cùng một lúc thì sẽ có việc tăng trưởng rối loạn không phân biệt xẩy ra, tức ung thư.
Thế nên khoa học gia sau đó nói tới loại di truyền tử chưa được khám phá mà họ gọi là tác động (operator), phận sự của nó được những di truyền tử khởi động (activator) bật lên, và rồi được di truyền tử 'điều hành' (regulator) tắt đi. Đối với các nhà di truyền học, di truyền tử khởi động được tìm kiếm mạnh mẽ nhất và được xem như là đầu mối cho bí ẩn của sự sống.
Để nhấn mạnh những điều khó nghĩ trong sinh học tế bào và di truyền học, tiến sĩ Lewis Thomas nói về vấn đề liên quan đến việc sinh ra não bộ con người.
– Chuyện lạ lùng thực sự là như thế này, (em bé khởi đầu) từ một tế bào duy nhất; tế bào phân chia thành hai, rồi bốn, rồi sáu và cứ thế tiếp tục. Tới một giai đoạn nào đó khi các tế bào phân hóa, có nẩy sinh một chùm tế bào mà sau này thành não bộ con người.
Chỉ sự hiện diện của những tế bào đặc biệt này là một trong những điều lạ lùng nhất của trái đất.Một chùm tế bào được khởi động để thành trọn cơ quan lớn có hàng tỉ tế bào để suy nghĩ và tưởng tượng. Tất cả chi tiết cần thiết để học đọc và viết, chơi đàn, hay cử chỉ đưa tay ra chống vào thân cây, được chứa đựng trong tế bào đầu tiên ấy. Tất cả văn phạm, tất cả số học, tất cả âm nhạc.
Ta không biết làm sao việc 'bật lên' xẩy ra ... không ai có ý kiến gì làm sao vài tế bào của phôi thai đột nhiên có được tính chất của não bộ.
Hơn nữa, não tự nó phức tạp một cách thật kinh ngạc nên chủ bút khoa học Tom Alexander của tạp chí Fortune ghi nhận:
– Tính toán sơ khởi gợi ý rằng, đơn giản là không thể nào có đủ thông tin trong các phân tử DNA tạo nên sơ đồ di truyền của cơ thể, để ấn định cách hai tế bào thần kinh kết nối với nhau.
Khoa học gia nói 'Con số những nối kết (giữa hai tế bào thần kinh) mà não bộ dùng mỗi ngày thì nhiều hơn tất cả hệ thống điện thoại trên thế giới', và 'Não có khả năng dùng trong một tích tắc hằng triệu nối kết'.
Nay trong bộ SD (2:149), H.P.B. viết:
– Trọn chuyện tranh cãi giữa người đời và các khoa học huyền bí tùy vào niềm tin và sự chứng tỏ cho thấy có thể sinh lực (thể phách – ta gọi là etheric body còn H.P.B. gọi là astral body) bên trong thể xác, và cái trước độc lập với cái sau.
Bà nói rằng 'phần tâm linh bên trong của tế bào vật chất – 'phần tinh thần' chế ngự 'phần thể chất' sẽ được tìm thấy trong đó, và điều này là 'chìa khóa ngày kia sẽ phải mở ra cánh cổng vào vùng đất chưa biết của nhà sinh học, điều mà ngày nay gọi là bí ẩn đen tối của phôi thai học' (1:219).
Đề tài này được xem là rất quan trọng trong bộ SD tới mức trong ba định đề nêu ra trong cuốn hai, có một định đề là 'Thể sinh lực được sinh ra trước thể xác, cái trước là khuôn mẫu cho cái sau'. Trong quyển The Ocean of Theosophy, ông W.Q. Judge viết:
– Thể sinh lực làm bằng chất liệu hết sức thanh nhẹ so với thể xác hữu hình, và có tính co dãn rất mạnh, nên trong suốt đời người nó thay đổi rất ít trong khi thể xác thay đổi mỗi lúc ... (Thể sinh lực) có tính mềm dẻo, kéo dài được và mạnh mẽ. Chất liệu tạo nên thể có tính điện và tính từ magnetic.
Theo chỉ dạy này, thể sinh lực không tách riêng với thể xác mà thấu nhập và nuôi dưỡng nó. Nếu không có vật thì thể xác không thể liền lạc. Thể sinh lực được cho biết là tăng trưởng theo cùng với thể xác, như vậy lúc thụ thai hẳn nó có kích thước rất nhỏ mà có hình dạng toàn hảo.
Trong số bằng cớ đưa ra về sự hiện hữu của thể sinh lực, là hiện tượng quen thuộc về tay chân ảo (phantom limb) trong trường hợp tay hay chân bị phế bỏ. Khi ấy, ông Judge viết, 'phần thể sinh lực tương ứng không bị đụng tới thành ra người ta có cảm tưởng là nó vẫn còn đó trên người mình, vì dao kéo hay acid không gây thương tích cho cái mẫu sinh lực này.'
Bác sĩ Oliver Sacks, nhà thần kinh học tác giả quyển sách bán chạy nhất The Man Who Mistook His Wife for a Hat, nói về tay chân ảo như sau:
– Tất cả ai mất chân, tay, và tất cả ai làm việc với họ, biết rằng tay chân ảo là điều tối cần nếu người ta muốn sử dụng tay chân nhân tạo. Y sĩ Michael Kremer viết, 'nó có giá trị vô cùng to tát đối với ai mất chân, tay. Tôi chắc chắn là không một ai mất chân, tay có thể đi mãn nguyện cho tới khi hình ảnh thân xác, nói khác đi là tay chân ảo được hòa hợp vào đó'. một bệnh nhân như vậy, dưới sự chăm sóc của tôi, tả cách anh phải 'đánh thức' cái chân ảo của mình vào buổi sáng: đầu tiên anh co phần chân còn lại về mình, rồi vỗ mạnh – như vỗ mông em bé - vài lần. Vỗ năm hay sáu lần thì cái chân ảo đột nhiên giật mình tỉnh dậy nhờ kích thích bên ngoài ... Chỉ khi ấy anh mới lắp chân giả vào và bước đi.
Vẫn theo ông Sacks, tài liệu về chân tay ảo làm người ta rối trí không biết hiện tượng là thật hay là có tính bệnh lý, nhưng bệnh nhân thì không lẫn lộn chút nào. Một người nói.
– Có vật đó, có cái chân ảo và đôi khi nó đau muốn chết, hay mấy ngón chân quắp lại, hay cứng đờ. Chuyện còn tệ hơn lúc giữa khuya hay khi chân giả được lấy ra, hay khi tôi không làm gì hết. Nó hết đau khi tôi lắp chân giả vào và đi lại.Tôi vẫn cảm biết rất sống động về cái chân như nó còn nguyên vẹn, nhưng đó là cái chân ảo tốt, khác; nó làm linh hoạt cái chân giả và cho tôi bước đi được.
(còn tiếp)