THƯ GỬI ÔNG SINNETT

Thư  Gửi  Ông  Sinnett  (tt)

 

Thư  35 – Nhận tháng 12-1881.
Thư bầy tỏ thêm lòng quan tâm của Chân sư M. đối với việc bà Blavatsky bị công kích và thông cáo báo chí mà ông Sinnett viết để bà và ông Olcott ký tên rồi gửi đi các báo.
Tôi phải nói là bà bị đau khổ nặng nề mà tôi không thể giúp, vì trọn chuyện là hệ quả của nguyên nhân không thể ngăn được ... Nay bà phải hoặc khống chế hoặc là chết. Khi ngày giờ tới bà sẽ được mang về Tây Tạng. Xin đừng trách bà đáng thương mà hãy trách tôi; nhiều lúc bà chỉ là cái 'vỏ' và tôi đôi khi lơ đãng không theo dõi chuyện bà làm.
Đừng ngã lòng nản chí. Hãy can đảm bạn thân mến, và xin nhớ bạn đang giải trừ nhân quả của bạn bằng cách giúp bà, vì chuyện tàn nhẫn xẩy ra cho bà là do tình bạn của ngài K.H. đối với bạn, bởi ngài dùng bà làm phương tiện liên lạc. Nhưng, hãy can đảm.
... Đơn kiện không có ích gì, nhưng nó minh chứng và gây chú ý nhiều như lời cáo buộc – 10.000 tờ thông cáo báo chí gửi đi khắp nơi để chứng tỏ là cáo buộc sai lầm.

Thư  36 – Nhận tháng 1-1882.
Sau khi đề cập tới vài chuyện khác, chân sư cho nhận xét về ông Sinnett và hội viên thuộc chi bộ Prayag:
... Bạn thành thật, còn người khác để lòng hãnh diện của mình lên trên hết thẩy. Và rồi còn hội viên chi bộ Prayag... học giả và nhân sĩ ! Họ không làm gì cả, mà mong đợi chúng tôi liên lạc với họ. Người khờ dại và phách lối.

Thư  37 – Nhận tháng giêng 1882.
Thư do đức Djwhal Khul D.K. ,  là đệ tử đức K.H, viết, lúc này ngài còn nhỏ tuổi. Có vẻ như kỳ nhập thất dài của đức K.H. đã xong và ngài đã trở về.
Thư đề cập tới nhân vật D.M.Bennett người Hoa Kỳ, ông được ông  Olcott mô tả là 'người đáng để ý và chân thành, là nhà tư tưởng tự do Freethinker bị giam một năm vì công kích gay gắt, đôi khi thô lỗ,  các tín điều của Thiên Chúa giáo. Một người vô lương tâm trong hội Thiên Chúa giáo ở New York đặt bẫy, làm cho ông  bị truy tố và phạt tù một năm, cho dù có 100.000 người ký tên vào thỉnh nguyện thư gửi tổng thống Hayes của Hoa Kỳ để bênh vực ông. Khi ra khỏi tù, đám đông chào mừng ông cuồng nhiệt tại sảnh đường công cộng có tiếng nhất của New York, và lập một quỹ tài trợ cho ông  đi quan sát cách làm việc của Thiên Chúa giáo ở các nơi trên thế giới, ông ghé Ấn Độ trong chuyến đi này'.
Ông Bennett là  người nhiệt thành tìm chân lý được các Chân sư ái mộ. Các ngài có thể thấy được bề trong nên không nhầm lẫn, còn bề ngoài không được thanh nhã của ông làm người phàm hiểu lầm, do đó thư có lời khuyến cáo ông Sinnett.

Thưa ông,
Chân sư đã tỉnh giấc và nhờ tôi viết cho ông. Ngài rất tiếc là vì vài lý do ngài phải chờ một khoảng thời gian mới có thể đón nhận luồng tư tưởng mạnh mẽ tràn về từ bên kia dãy Himalaya; vì vậy tôi được lệnh viết ra giấy lời ngài. Tôi được dặn cho ông hay là ngài 'cảm thấy thân ái với ông như trước đến giờ, và hài lòng với thiện ý của ông lẫn việc thực hiện chúng nếu nằm trong vòng khả năng của ông.
'Bạn đã chứng tỏ tình thân ái và sự thành tâm bằng lòng nhiệt thành của mình. Nỗ lực mà bạn tự mình đóng góp cho công cuộc mà chúng tôi yêu quí sẽ  không bị ngăn chận; thế nên thành quả của nó sẽ không bị giữ lại khi nhân và quả được quân bình. Khi làm việc một cách không ích kỷ cho người khác và phải chịu rủi ro cho mình, bạn đã làm việc rất có hiệu quả cho mình ... bạn sẽ được trực tiếp liên lạc với tôi vào lúc sớm nhất có thể được vì chúng tôi không quên ơn ...'
Trên đây là những lời của thầy tôi, và với sự trợ giúp của ngài tôi có thể soạn  ra bằng ngôn ngữ của ông, thưa ông. Cùng lúc ấy tôi xin phép nồng hậu cám ơn thiện cảm chân thành mà ông đã dành cho tôi, vào lúc tôi bị tai nạn do tánh dễ quên, và đã khiến phải nằm dưỡng bệnh. Tuy có thể ông đọc trong sách báo hiện thời về thuật thôi miên, cách mà từ lực được ai chủ động truyền sang ai thụ động, có lẽ ông ít nhận ra là làm sao mỗi ai trên thực tế, tuy không ý thức, làm theo luật này mỗi ngày mỗi giây.
Cũng như ông không nhận thức rõ ràng là việc trau luyện thành đạo sư gia tăng cả khả năng phát ra lẫn cảm được lực này. Tôi xin đoan chắc với ông là tuy chỉ là một chela - đệ tử hèn mọn, tôi vẫn cảm được lời chúc lành của ông tràn đến tôi, như người bệnh nằm tĩnh dưỡng trên núi lạnh cảm nhận làn gió nhẹ từ đồng bằng bên dưới thổi tới họ.
Tôi cũng được kêu cho ông hay là ông Bennett người Hoa Kỳ sắp đến Bombay. Cho dù nơi ông Bennett có sự quê mùa là đặc tính của nước ông và khuynh hướng quá tự do, ông có thể nhận ra ấy là một trong các nhân viên của chúng tôi (mà chính đương sự không biết) để thực hiện kế hoạch chỉ dẫn cho tư tưởng tây phương thoát khỏi mê tín dị đoan. Ngài rất vui lòng nếu ông có thể tìm cách cho ông Bennett hay ý tưởng đúng đắn về tình trạng hiện thời và tiềm năng tương lai của tư tưởng Á châu, nhất là  của Ấn Độ.
Về ông Hume ... Chân sư lấy làm tiếc khi thấy ông Hume có tinh thần hết sức ích kỷ mà không biết, không để ý gì tới sự tốt lành cho công cuộc mà ông ấy đại diện ... Vì Chân sư chưa thể tự mình viết thư cho ông trong một hay hai tháng tới (tuy ông sẽ luôn luôn có tin của ngài), ngài xin ông tiếp tục việc học về triết lý huyền bí (1) và đừng chán nản bỏ cuộc bất cứ khi nào gặp tư tưởng khó hiểu trong thư của đức M. Và càng nên làm vậy hơn nữa vì điều mà đức M ghét nhất trong đời là viết lách. Để kết luận, Chân sư xin gửi ông lời chúc tốt nhất của ngài, và cầu xin ông đừng quên ngài.

Tái bút.
Nếu muốn viết thư cho ngài, tuy chưa thể tự mình trả lời thư, Chân sư rất vui lòng nhận thư của ông.

(1) Đây là bài 'Ghi Chú 1 về Vũ trụ học', xin đọc thư 44.

Thư 38 - Nhận vào tháng giêng 1882.
Đây là thư từ một thân hữu gửi cho ông Sinnett, có lời nhận xét của Chân sư ghi trong đó.

Thư 39-40 - Nhận vào tháng giêng 1882.
Nội dung bàn về công việc Hội.

Thư 41  -  Nhận vào tháng giêng 1882.
Thư nhắc tới việc vào tháng giêng và hai 1882 đức M. xuất hiện nhiều lần cho nhiều người thấy, và có vẻ như ông Sinnett không có cơ hội như vậy. Đức M viết:
- Tôi không thể làm phép lạ, bằng không hẳn tôi đã làm cho bà Sinnett và bạn thấy được tôi hoàn toàn, bất kể tình trạng vật chất và tâm linh (bạn). Xin hãy hiểu rằng ý thức công bằng trong tôi mạnh đến nỗi tôi sẽ không từ chối điều làm bạn thỏa mãn như đã làm cho Ramaswami và Scott thỏa mãn (hai người này thấy ngài hiện ra). Nếu bạn không thể thấy tôi thì giản dị chỉ vì ấy là điều bất khả...
Ông Sinnett nhiều lần tỏ ý mong muốn được tiếp xúc mặt đối mặt với Chân sư, có vẻ như ông không ý thức là sự việc tùy vào một số điều kiện, và các ngài tuy cố gắng nhiều lần mà không thành công, chỉ vì bầu không khí chung quanh không thích hợp để tạo hiện tượng. Thư này cho thấy đức M. nỗ lực như thể nào, và trong một thư sau đức K.H. giải thích bầu không khí nhà ông Sinnett với hơi rượu do việc uống rượu – là cách sống bình thường của người Anh như ông – cho ảnh hưởng tệ hại ra sao.

Thư 42 - Nhận vào tháng giêng 1882.
Trước khi có thêm thư từ trao đổi giữa hai ta, chúng ta cần đi tới một thỏa thuận, hỡi bạn bốc đồng của tôi. Trước tiên bạn phải hứa với tôi là không bao giờ xét đoán hai chúng tôi, hay tình hình, hay bất cứ chuyện gì khác có liên hệ với 'bậc Huynh trưởng huyền bí' – dù họ cao hay thấp, ốm hay mập – theo kinh nghiệm đời thường của bạn, bằng không sẽ chẳng bao giờ thấy được sự thật ... Sao bạn nóng nẩy quá vậy ?  Bạn có cả một đời trước mặt để trao đổi thư từ ...
Cách Chân sư viết thư là dùng hiểu biết có sẵn trong trí của ai được sử dụng để soạn theo ý ngài, với thư này đức M dùng hiểu biết về Anh ngữ của đức K.H. Ngài viết:
- Tôi viết theo tiếng Anh hay nhất mà tôi thấy nằm trong não của bạn tôi (ngài K.H.), trong đó cũng thấy có ký ức là tư tưởng của một thư ngắn sẽ gửi cho bạn, để làm dịu sự nóng nẩy kiểu người Anh của bạn. Này bạn của bạn tôi, ngài K.H. chưa quên bạn, không có ý cắt đứt với bạn ... bạn đã làm hết sức mình và ấy là điều mà chúng tôi hằng mong ước nơi mỗi người.
Nay ta có thể vào chuyện được rồi. Bạn phải hoàn toàn gác qua bên mặt cá nhân nếu bạn muốn tiến xa trong huyền bí học – và trong một thời gian – ngay cả với chính ngài K.H.  Bạn thân mến nên ý thức rằng những cảm tình thông thường không thể khiến một nhân vật Huyền môn chân chính thay đổi trong việc thi hành nhiệm vụ. Song song với việc tiến đến địa vị đạo sư thì có sự giảm dần những ưa thích và ác cảm của phàm ngã xa xưa (như ngài K.H đã giải thích kỹ cho bạn), vị ấy đem vào tâm mình toàn thể nhân loại và coi tất cả như một khối duy nhất.
Đối với ngài K.H. con người Sinnett hữu hình có thể là sao không thể là câu hỏi cho ngài, như động lực của ông ra sao, sự thành công hay thất bại trong đời của ông, tình cảm vơi hay đầy của ông  đối với ngài. Chúng tôi không có liên hệ gì với con người 'hữu hình'. Với chúng tôi họ chỉ là tấm màn che mắt phàm với con người bên trong, và chúng tôi quan tâm đến sự tiến hóa của con người bên trong ấy. Trong thế giới hữu hình bên ngoài bạn muốn làm hay nghĩ gì tùy ý; chỉ khi ảnh hưởng của hành động tự ý đó thấy trong con người của bạn thì bắt buộc người phải để ý tới nó ...
Bạn là nạn nhân của nhiều ảo ảnh. Bạn sẽ phải chật vật lâu để gạt bỏ màn che mắt và thấy sự vật như chúng là. Ông Hume là một ảo ảnh lớn cho bạn ... Con người bên ngoài của ông  Hume thì khác và cao hơn con người bên trong của ông  Hume, cũng như con người bên ngoài của ông  Sinnett thì khác và thấp hơn con người bên trong của ông  Sinnett. Hãy học điều ấy, và để cái sau theo dõi cái trước, kẻo không có ngày sinh chuyện không hay.
Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là dạy đệ tử đừng bị lầm lạc bởi hình thức ... Bạn chỉ thấy là ông  Bennett có tay không rửa sạch, móng tay dơ, dùng ngôn từ thô lậu, và đối với bạn  nói chung có nét không ưa. Nhưng nếu ấy là tiêu chuẩn đạo đức hay tiềm năng theo ý bạn, thì có bao nhiêu đạo sư hoặc lama làm được phép lạ sẽ hội đủ điều kiện của bạn ? Đó là một phần của sự mù quáng nơi bạn. Nếu ông chết đi ngay vào phút này, không ai sẽ được Tử Thần nhỏ lệ tiếc thương nhiều hơn, tiếc cho người không được đời trọng dụng. Ít ai bị đau khổ, và đau khổ một cách bất công như ông  Bennett, và cũng ít ai có tấm lòng nhân hậu, không ích kỷ và chân thật hơn. Chỉ có thế thôi, và về mặt đạo đức ông Bennett không tắm rửa lại vượt trội hơn ông  Hume nhã nhặn lịch sự ...
Điều H.P.B. lập lại với bạn là đúng:
- Người bản xứ không nhìn thấy sự thô lậu của ông Bennett, và ngài K.H. cũng là người bản xứ.
Tôi ngụ ý gì khi nói thế ? Có gì đâu, chỉ giản dị là người bạn giống như Phật của tôi (đức K.H.) có thể thấy qua lớp sơn phủ bề ngoài tới vân gỗ bên dưới, và bên trong con sò hôi, nhớt tay là viên ngọc vô giá. Ngoài sự chân thật, thành tâm, ông Bennett, còn có một can đảm tinh thần mãnh liệt, ngài K.H mến hạng người như thế, còn thì ngài chỉ có lời chê trách cho vài người danh giá trong xã hội Anh.
Tôi cho rằng việc con người thanh nhã, lịch duyệt K.H. hạ mình đối với ông Bennett thô lậu thì không có gì đáng ngạc nhiên, như đức Jesus thanh nhã hạ mình với cô gái điếm Magdalene. Này bạn, đạo đức có mùi của nó, cũng như thể xác có mùi riêng. Và hãy thấy ngài K.H. hiểu tánh tình bạn kỹ tới bực nào khi đòi hỏi một đệ tử trẻ ở Lahore phải thay áo khi đến nói chuyện với bạn. Bạn thân mến, múi cam ngọt ngào nằm bên trong vỏ cam; hãy ráng nhìn bên trong hộp nữ trang và đừng tin vào những gì nằm trên nắp hộp. Tôi nhắc lại, ông Bennett là người thành thật và rất nhiệt thành; ông  không hẳn là thiên thần – loại sau phải đi kiếm trong nhà thờ thời thượng, buổi đại tiệc trong dinh thự của giới quý tộc, ở nơi diễn kịch, hội quán và những chỗ tương tự; nhưng bởi thiên thần nằm ngoài thế giới của chúng ta, người ta vui mừng có được sự trợ giúp của ai chân thật và gan dạ, cho dù dơ bẩn.
Tôi nói những điều này với bạn mà không có chút ác ý hay cay đắng như bạn tưởng tượng sai lầm. Bạn đã có tiến bộ trong năm qua – và do vậy tiến lại gần chúng tôi hơn, nên tôi nói chuyện với bạn như một người bạn mà tôi hy vọng khuyến dụ được để tin theo cách suy nghĩ của chúng tôi. Lòng nhiệt thành của bạn đối với việc học của chúng ta có nhuộm chút ích kỷ trong đó, ngay cả cảm tình của bạn đối với ngài K.H. cũng pha trộn này kia, dầu vậy bạn đang tiến lại gần hơn. Chỉ có điều bạn quá tin vào ông  Hume, và bớt tin ông  quá trễ. Bạn không kín miệng về những chuyện mà H.P.B. nói riêng với bạn làm ông Hume tuyên bố nhiều điều vội vã. Tôi e sợ chuyện sẽ gây bất lợi cho bạn. Về sau hãy khôn ngoan hơn. Nếu qui tắc của chúng tôi là cẩn ngôn, đó là vì chúng tôi được dạy ngay từ thuở đầu về sự phải chịu trách nhiệm theo Luật Quân bình, đối với mỗi lời thốt ra. Lẽ tự nhiên ông  Hume sẽ cho đó là thủ đoạn.
Bạn cũng hãy vượt qua màn ảo ảnh mà học viên huyền bí học trên khắp thế giới luôn luôn được thầy của họ khuyến cáo, là lòng ham muốn thấy hiện tượng. Tựa như sự thèm rượu và ghiền thuốc phiện, nó tăng lên khi được thỏa mãn. Người theo thông linh học ghiền nó, họ là kẻ dại khờ về thuật tâm linh. Nếu bạn không vui khi không thấy hiện tượng thì bạn không bao giờ học được triết lý của chúng tôi. Nếu bạn muốn có tư tưởng lành mạnh, triết lý và hài lòng với như thế thì chúng ta hãy trao đổi thư từ với nhau. Tôi xin cho bạn một chân lý sâu xa với điều sau, là nếu bạn chỉ chọn có minh triết (giống như vua Salomon trong truyền thuyết của bạn), theo với thời gian tất cả những điều khác sẽ được thêm vào.
Chân lý siêu hình của chúng tôi không thêm trọng lượng nào khi thư của chúng tôi từ không trung rơi vào lòng bạn, hay đến với bạn bên dưới gối. Nếu triết lý của chúng tôi sai lầm thì một phép lạ không thể chỉnh lại nó cho ngay. Hãy đem niềm tin ấy vào tâm thức của bạn, và chúng ta hãy nói chuyện như người suy nghĩ hợp lý. Tại sao chúng ta phải dùng trò chơi trẻ con (ngài hàm ý các hiện tượng), không phải chúng ta đã mọc râu hết rồi hay sao ?
Nay tới lúc phải ngừng lại văn chương không hoa mỹ của tôi và cho bạn được ngơi nghỉ. Phải – thắc mắc về 'vũ trụ học' của bạn ! Này bạn, tôi sẽ cố gắng tột mức để trả lời bạn ngay khi nào rảnh, vì tôi vừa được giao nhiệm vụ phải làm.
Hãy coi chừng, hỡi bạn. Công việc khó khăn và ngài K.H. ưa thích trích thơ văn, ngài nhờ tôi chấm dứt thư này với đoạn thơ sau cho bạn.
Suốt con đường dốc đứng
Mãi cho tới điểm cùng.
Trọn ngày dài rảo bước.
Sáng tới chiều, bạn ơi. (Christina Rosetti).
Như thực phẩm đối với thể xác, sự hiểu biết nuôi dưỡng và giúp thể trí tăng trưởng. Nhưng điều hiểu biết cần được đồng hóa càng hoàn toàn và chẫm rãi chừng nào càng hay cho cả xác lẫn trí.

Thư 43 – Nhận vào tháng hai 1882.
Một lần nữa tôi xin nói điều bạn không  muốn tôi nói, là không thể có huấn thị, liên lạc đều đặn giữa chúng ta trước khi con đường của chúng ta được dọn sạch nhiều trở ngại, mà cái lớn nhất là sự hiểu lầm trong công chúng về hai vị sáng lập Hội. Bạn không thể bị phiền trách do lòng thiếu kiên nhẫn, nhưng nếu bạn dùng đặc ân mới theo cách có lợi thì quả thật bạn không xứng đáng, bạn à. Ba hay bốn tuần nữa và tôi sẽ rút lui, nhường chỗ lại cho Vị mà chỗ ấy thuộc về (tức ngài K.H.), và nhường lại vai trò mà tôi đóng rất thiếu sót, vì tôi không phải là người giỏi văn chương hay là học giả tây phương.
Câu hỏi khác là ngài Chohan (đức Maha Chohan) có xem bạn và ông Hume xứng đáng hơn so với khi trước, để nhận được chỉ dẫn của chúng tôi. Nhưng bạn phải chuẩn bị mình cho điều ấy, vì có nhiều chuyện phải giải quyết. Cho tới nay bạn đã thấy được ánh sáng rạng đông, và nếu cố gắng, với sự trợ giúp của ngài K.H. bạn có thể thấy mặt trời rực rỡ lúc đúng ngọ khi nó lên tới đỉnh cao nhất. Mà bạn phải ra công mới được việc ấy, hãy tuôn rải ánh sáng cho những cái trí khác qua trí năng của mình. Bạn hỏi bằng cách nào ? Câu trả lời của tôi là từ trước tới nay trong hai bạn, ông Hume tích cực chống lại khuyến cáo của chúng tôi, còn bạn đôi khi thụ động đối kháng  nó, thỉnh thoảng nhượng bộ so với điều mà bạn cho là nhận xét hay hơn của mình.
... Ông Hume sẽ không hề nghe theo đề nghị của ngài K.H. để có buổi nói chuyện tại nhà ông, nhằm làm dư luận được sáng tỏ một phần về thành kiến này, nếu không phải là hoàn toàn được sáng tỏ. Bạn thì nghĩ rằng nó không cần thiết phải phát hành và làm lan truyền trong độc giả (báo Pioneer mà ông Sinnett là chủ bút) về bà là người như thế nào.
Hãy thử nghĩ, liệu hai người chủ báo ông Primrose và Rattigan nhiều phần sẽ làm lan truyền hiểu biết này và cho ra thông báo điều mà họ biết là sự thực về chuyện chăng ?  Từ đây dẫn tới những chuyện khác. Gợi ý là đủ đối với trí thông minh như bạn.  Tôi viết điều này cho bạn vì tôi biết cảm tình của bạn đối với ngài K.H. sâu đậm và chân thành ra sao. Tôi biết bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn thấy liên lạc giữa các bạn không được cải thiện. Và chắc chắn sẽ có hệ quả khi ngài Chohan thấy không có tiến bộ gì từ lúc ngài cho phép đức K.H. liên lạc với bạn.
Thử coi bài Fragments (do ông Hume viết, bàn về huyền bí học dựa vào thư từ trao đổi với hai Chân sư) – bài viết hay nhất – đã cho kết quả như thế nào, nó sẽ cho ảnh hưởng ít oi ra sao trừ khi phe đối lập được kích động, khêu gợi nên các cuộc thảo luận và người thông linh học bị bắt buộc phải biện hộ cho những lời tuyên bố khờ dại của họ. Hãy đọc bài xã luận trong tờ Spiritualist ngày 1881; bà không thể trả lời nó như bạn hay ông Hume có thể làm, và hệ quả là gợi ý quí giá nhất không tới được trí óc những ai mong ước có chân lý, vì một viên ngọc đơn độc ở giữa một vốc kim cương giả chẳng mấy chốc sẽ chiếu sáng át chúng, nếu có người buôn nữ trang vạch cho thấy giá trị của nó...
Sự việc là thế, bạn à... Con đường đạo giữa cõi trần dẫn đến nhiều va chạm và thử thách, nhưng người nào không làm gì hết để chinh phục chúng thì không thể chiến thắng ...
Và để được như thế bạn phải nhớ rằng khi ngài K.H. nói với bạn, ' Hãy tới đây ' thì bạn phải sẵn sàng. Bằng không bàn tay đầy uy lực của ngài Chohan sẽ lại đứng giữa ngài K.H. và bạn.

Nhắc lại một chút thì đức K.H. chỉ trao đổi thư từ với hai ông Sinnett và Hume với sự cho phép của đức MahaChohan. Câu trên hàm ý nếu thấy sự trao đổi không có lợi ích gì thì rất có thể nó không được phép tiếp tục.

Thư 44  – Nhận vào tháng giêng 1882
Đây là thư đầu tiên bàn chuyên biệt và hoàn toàn về chỉ dạy triết lý. Để theo dõi cho sát thì cần nhắc lại vài điểm.

I. Trong thư 37 đức D.K. có ghi là ngài K.H. xin ông Sinnett tiếp tục việc học về triết lý huyền bí và đừng chán nản bỏ cuộc bất cứ khi nào gặp tư tưởng khó hiểu trong thư của đức M, nó muốn nói về phần trả lời trong ngài M. cho những câu hỏi của ông Hume. Các câu trả lời này về sau được cho tên ‘Ghi Chú 1 về Vũ trụ học’, và được in lại trong các nguồn tài liệu sau:
- Phụ lục II trong sách Letters of H.P.B. to A.P.Sinnett,
- Phụ lục III trong sách The Mahatma Letters to A.P.Sinnett,
- Bài The Early Teachings of the Masters, do ông Jinaradasa soạn.

Ghi Chú 1.
1. Có những loại hiểu biết khác nhau nào ?
Chân hiểu biết và hiểu biết không chân thực. Khi sinh hoạt, chân hiểu biết trở thành tác nhân tích cực cho ý chí – hay điện lực – không có tên nào khác. (Đây là điểm đáng chú ý. Bản chất của điện lực cho tới nay chưa được rõ.)

2.   Sự khác biệt giữa hai loại hiểu biết là sao ?
Chân hiểu biết nói về các chân lý vĩnh cửu và nguyên nhân tiên khởi; nó độc lập với niềm tin hay việc không tin của con người. Hiểu biết không chân thực chỉ liên quan với ảnh hưởng huyễn mộng, và đòi hỏi phải có niềm tin; nó dựa vào quyền lực.

3. Ai có chân hiểu biết ?
Chỉ có thần thánh hay vị đạo sư mới sở hữu chân hiểu biết, tâm trí các ngài thông thương với Đại Trí Universal Mind. Các ngài có trí tuệ và hiểu biết tuyệt đối về các luật thiên nhiên (tức chân hiểu biết).
Tài liệu cho thấy đức M. là tác giả của ghi chú, viết vào khoảng tháng 10-1881, không lâu sau khi đức K.H. nhập thất. Việc tìm hiểu cặn kẽ đưa ta vào vài đề tài thâm sâu nhất trong Theosophia, ở đây có lẽ ta chỉ có thể xem xét vắn tắt tài liệu để hiểu các nguyên tắc nằm trong triết lý bí truyền mà các Chân sư đề cập trong thư.  Điều cần nhớ là vào thuở đầu này, chưa có từ ngữ chuyên môn cho các ý niệm như ta biết về sau nên việc trình bầy chưa được gọn gàng. Ngoài ra ghi chú còn dùng một số chữ Tây tạng mà để cho dễ đọc, bài sẽ thay bằng các danh từ tương đương tiếng Anh hay Việt khi nào có thể được.
Một điểm quan trọng trong ghi chú được nhắc tới nhiều lần về sau trong các thư khác, là ý nói rằng tinh thần và vật chất là một, chỉ là sự phân hóa của các trạng thái, không phải bản chất. Kế đó ghi chú bàn về những nguyên lý của con người; bởi các tài liệu khác cũng nói về các nguyên lý với phân chia hay tên gọi khác, có đề nghị là bạn nên lập một bản ghi rõ chúng với những tên hay định nghĩa khác để so sánh và hiểu rõ hơn.

II. Phần trả lời của đức M. sinh ra thêm thắc mắc cho ông Sinnett nên ông ghi ra và trình lên đức M. Trong thư 43 ta thấy ngài viết ... thắc mắc về 'vũ trụ học' của bạn ! Này bạn, tôi sẽ cố gắng tột mức để trả lời bạn ngay khi nào rảnh, vì tôi vừa được giao nhiệm vụ phải làm. Thư 44 gồm những câu trả lời ấy mà sau này được đặt tên là Ghi Chú 2 về Vũ trụ học.
Như vậy, Ghi Chú 1 và Ghi Chú 2 bổ sung cho nhau và ta không nên nhầm lẫn chúng với nhau.  Vì đề tài có tính cách chuyên môn cao độ, thích hợp cho ai muốn đi sâu vào triết lý huyền bí nên ta sẽ không dịch hết mà chỉ tóm lược các điểm chính và dễ hiểu cho đa số người. Độc giả nào thích nghiên cứu kỹ xin đọc nguyên bản Anh văn.

Ghi Chú 2.
Nhìn tổng quát thì đa số các mục trong thư là những câu tổng kết của ông Sinnett hơn là câu hỏi, và Chân sư trả lời hoặc 'Đúng vậy', hoặc cho giải thích thêm.
1. Trong ghi chú 2, đức M. viết 'Sự tiến hóa có nghĩa là ... tiến trình tăng trưởng dần dần'. Nay trong thư 44, ngài ghi:
Không gì trong thiên nhiên đột ngột tự dưng mà hiện hữu, tất cả đều bị chi phối bởi cùng một luật tiến hóa từ từ. Khi bạn nhận thức được tiến trình của một đại chu kỳ, một bầu là bạn ý thức được tất cả chúng. Người này được sinh ra giống như người kia; một giống dân tiến hóa, phát triển và tàn lụi giống như tất cả những giống dân khác.
Thêm vào đó ngài khuyên ông Sinnett nên hiểu về luật tương đồng / khắp nơi:
Khi học hỏi về vũ trụ học bí truyền, hãy nhìn diễn biến sinh lý của việc con người sinh ra bằng con mắt tinh thần; đi từ nguyên nhân tới hệ quả, học tới đâu đặt ra tới đó sự tương tự giữa việc sinh ra của một con người và của một thế giới.
Trong triết lý của chúng tôi bạn sẽ thấy cần phải dùng phương pháp tổng hợp; bạn sẽ phải xét tổng thể, có nghĩa hòa hợp đại vũ trụ với tiểu vũ trụ với nhau, trước khi bạn có thể  học các phần riêng biệt, hoặc phân tích chúng để làm bạn hiểu được. Vũ trụ học là sinh lý học của vũ trụ được tinh thần hóa, vì chỉ có một luật duy nhất.

2. Trong việc học các thư, ta nên nhớ kỹ nguyên lý  'Trên sao dưới vậy' và nhận xét sau trong ghi chú gợi nên ý này.
Sự tiến hóa của các thế giới không thể được xem xét tách riêng với sự tiến hóa của mọi chuyện khác được tạo ra hay hiện diện trong các thế giới ấy ... Tất cả chỉ là một Luật. Con người  có bẩy nguyên lý thì một hành tinh, một thế giới cũng vậy.
Đây là phân biệt quan trọng giữa phương pháp của huyền bí học và khoa học hiện đại; cái sau đi từ phần riêng biệt đến tổng quát. Một bên dùng lý luận loại suy, bên kia dùng lý luận tổng hợp. Khi ta nắm được nguyên tắc thiết yếu hay là luật trong hệ thống huyền bí, ta bắt đầu thấy cách mọi chuyện sinh ra, hay diễn biến, theo nguyên tắc ấy. Thư viết:
Thiên nhiên theo cùng đường từ sự 'sáng tạo' một vũ trụ cho tới sáng tạo của một con muỗi. 

Thư cho tên các nguyên lý và như vậy ta thấy rằng có nhiều cách đặt tên và phân loại chúng tùy theo quan điểm, hoặc đó là quan điểm của người thường hoặc bí truyền, lại nữa quan điểm theo kinh Veda có thể khác với TTH. Vì vậy nếu có tranh cãi là cách này đúng hơn cách kia thì chỉ vô ích, và H.P.B. nói thêm:
- Khó mà kể tên các nguyên lý nơi người, vì mỗi người đều khác nhau. Việc đánh số chúng tùy thuộc vào mức tiến bộ tinh thần và sự vượt trội của nguyên lý này so với nguyên lý kia.
Ta được giải thích về các nguyên lý như thể sinh lực, tình cảm, trí, bồ đề v.v. mà có lẽ chi tiết sẽ thích hợp cho ai muốn tìm hiểu sâu hơn về đề tài này cho nên bài sẽ lướt qua phần đó, và chỉ nêu ra những điểm chung.
Cuộc tiến hóa đi theo hình chữ V và theo đường xoắn ốc, khởi thủy sự sống từ trên cao đi xuống tới điểm giữa thì khởi sự đi lên. Trong chu kỳ lớn đó có những chu kỳ nhỏ hơn lồng bên trong, vậy thì chúng ta đã qua điểm giữa và đang bắt đầu đi lên, tuy nhiên một chu kỳ nhỏ sẽ bắt đầu đi xuống và có tiên đoán là một số lớn linh hồn đi chậm sẽ phải tách ra khỏi dòng để chờ dịp khác.

(còn tiếp).