NHẠC SCHUMANN

 

 

Một sự kiện đáng chú ý là có một sự thay đổi hết sức lớn lao đã xẩy ra trong cách giáo dục trẻ thơ. Dấu hiệu đầu tiên của sự thay đổi này tỏ ra rõ ràng sau năm 1836 khi trường mẫu giáo đầu tiên mở ra ở Đức tại Blankenberghe. Nhưng sự việc trường mẫu giáo trở thành một định chế phổ thông phần nào là do ảnh hưởng của nhạc Schumann, với việc nhạc này bắt đầu được  ưa chuộng vào lúc ấy. Ta biết thêm là phương pháp Montessori lâu về sau này thực sự được  gợi hứng nhờ ảnh hưởng từ nhạc của ông. Chót hết nó kết tinh lại nhận thức rằng:
● Trẻ con khác nhau và do vậy phải được  đối xử riêng biệt từng em mà không phải là nguyên một nhóm đông;
● Trên thực tế các em không thể được giáo dục bởi ai khác, mà động lực để học phải đến từ trong lòng của em;
● Có sự sắp xếp sẵn trong trí não của trẻ để cho khi có điều kiện thích hợp, em thích tự học hơn làm các chuyện khác.
Ba câu trên gói trọn ý tưởng của hệ thống này và hợp ý những ai tha thiết với lợi ích cho trẻ nhỏ. Nhưng hiển nhiên là để cho biện pháp thực tế như vậy được đưa ra, khoan nói là được chấp nhận, điều thiết yếu là có sự thay đổi rõ rệt trong thái độ thường có đối với trẻ. Trong thời Victoria chẳng những cách đối xử với trẻ dựa trên sự thiếu hiểu biết đáng kể về nhân tính, mà còn dựa trên lòng ích kỷ đáng kể khác có phần nào vô ý thức.
Quan niệm khi đó nói rằng trẻ con chỉ nên  được nhìn thấy mà không nên được nghe, có nghĩa các em chỉ nên là điều vui mắt cho người lớn nhưng không nên làm bất tiện cho họ bằng cách đặt câu hỏi, và lại càng không chạy tới lui làm ồn. Sự kiện là muốn nở nang bắp thịt và buồng phổi thì trẻ em phải la hét và chạy nhẩy, cũng như là việc các em phải hỏi để có hiểu biết không được  người thời trước để ý cho lắm. Thiếu niên nào mà xử sự như thế  thì không hợp với quan niệm là phải giữ lễ độ và lòng kính nể với bậc trưởng thượng. Nhưng tự nhiên là trẻ con chạy nhẩy, la hét và hỏi vì thiên nhiên mạnh hơn qui tắc, và kết quả thường khi là sự rầy la. Nói khác đi trẻ con bị đối đãi như là tội phạm, các em bị trừng phạt thay vì được cải huấn. Ảnh hưởng  của nhạc Schumann là mang lại tình thương và hiểu biết sâu đậm hơn về trẻ thơ, và đó là tính chất nổi bật  của giới trí thức hiện giờ.
Đầu tiên, trọn  những tác phẩm  của ông tràn đầy bầu không khí đơn sơ và hồn nhiên, cho dù ông diễn tả khung cảnh thơ ấu hay tình cảm  của người lớn. Kế đó, ông có niềm ưa thích thấy rõ đối với mô thức giản dị, hoặc cấu trúc bài hát, chủ đề và biến thể, và chính bài hát. Ngay cả với  những tác phẩm lớn  của ông, các bản tứ tấu và hòa tấu khúc đều phần lớn là  những đoạn viết theo hình thức bài hát. Với hai tác phẩm Carnival Papillons, chúng là một loạt nhiều bải nhỏ gộp lại có chung một tựa. Không phải là Schumann không muốn bản nhạc của ông có cấu trúc đồ sộ như Beethoven và Mendelssohn làm giỏi giang, mà sự thực là tính đơn sơ hàm chứa sẵn luôn nổi bật cho dù ông viết bất cứ điều gì.
Thực vậy, trước ông chưa có nhà soạn nhạc đáng kể nào viết một số lượng đồ sộ các nhạc phẩm ngắn. Nếu nhìn qua 34 tập nhạc  của Schumann ta thấy Papillons gồm 12 bản, Kinderszenen 13 bản, Davidsbundler 18 bản v.v.; chỉ thỉnh thoảng ta mới bắt gặp một khai tấu khúc, một bản sonata hay một hòa tấu khúc. Và rồi nếu xem xét tựa  các bản nhạc, ta cũng gặp lại tính đơn sơ thi vị, như thể Schumann chủ ý đặt tên sáng tác  của mình cho hợp với tâm hồn trẻ thơ, thí dụ như  các tập nhạc tên ‘Scenes of Childhood – Cảnh ấu thơ’, ‘Butterflies – Bướm’, ‘Fairy Stories – Chuyện Thần Tiên’ và còn nhiều nữa.
Cho riêng từng bài thì chúng được cho các tên đáng nói như ‘Why – Tại sao?’, ‘Happiness is Enough – Hạnh phúc là đủ’, ‘Soaring – Vút bay’ v.v. Hơn nữa, Schumann bỏ công giải thích cho bạn bè ý nghĩa vài tựa đề  của mình, thí dụ ông phân biệt giữa tập mang tên Kinderszenen và tập có tên Weihnachtsalbum ‘với lý do là tập trước là sự hồi ức của một người đàn ông trưởng thành còn nhớ lại tuổi thơ  của mình, còn tập sau là về các tưởng tượng và mong đợi  của thanh niên’.
Schumann được  gọi là nhạc sư  của phong trào lãng mạn trong lịch sử nhạc tây phương, và điều ấy rất đúng, nhưng với ông nét lãng mạn thật sự liên kết với tuổi thơ mà không phải với sự trưởng thành. Cá nhân ông thì Schumann là một trẻ nhỏ to xác, một kẻ mơ mộng, ông tả các tình cảm lãng mạn chỉ thấy có trong vùng đất mộng mơ  của trẻ con. Có ai ngoài một trẻ nhỏ to con, ưa thích trò đùa, có thể nghĩ ra và vui thích với sáng tác lạ lùng như là tập nhạc Davidsbundler ? Ở đây là tình huynh đệ hoàn toàn tưởng tượng, nửa khôi hài nửa thi vị, chỉ hiện hữu trong trí tưởng tượng  của Schumann mà thôi. Nó chỉ là sự vẽ vời cho lòng ưa thích chuyện giả bộ của trẻ thơ.
Tuy vậy, khuyết điểm  của Schumann là ông thiếu khả năng tạo giây phút hào hứng tột đỉnh. Khi Schumann muốn tỏ ra mạnh mẽ, ông thường chỉ thành công trong việc mô tả sức mạnh  của một cậu bé trai giả vờ là đứa trẻ to hơn. Luôn luôn có một điều gì đó có tính ngây thơ sẵn đó về các nỗ lực này, vì nếu ông soạn ra được chủ đề rõ ràng, mạnh bạo, thí dụ như chủ đề đầu của hòa tấu khúc B giáng, sau một vài phách nó luôn luôn biến thành một điều hoặc có tính đùa giỡn hoặc van nài.
Một tính cách trẻ thơ khác nơi Schumann là lòng ưa thích kể chuyện, hay sao đi nữa, ‘mang người nghe vào tâm trạng mà từ đó họ có thể tự mình mộng mơ'. Ông cũng rất ham thích trò đùa bằng âm nhạc, sự dí dỏm và thắc mắc, chẳng những ông viết sáu khúc fugues về tên ‘Bach’ mà còn trọn một loạt các biến thể của một đề tài soạn từ những chữ trong tên  của một thiếu nữ.  Các thí dụ khác về tính vui đùa như thế có thể thấy trong tập nhạc Carnival hay tập ‘Album for the Young’ và nhiều sáng tác khác.
Khi nói về nguyên nhân và hệ quả trong nhạc, ta phải nhấn mạnh một lần nữa rằng âm nhạc đi thẳng vào lòng người, do đó Schumann quả thật là sứ giả từ tâm  của trẻ thơ sang tâm  của cha mẹ. Mà còn hơn thế nữa, ông là thi sĩ đích thực cho tâm hồn trẻ thơ, bản tính và sự sống trẻ thơ. Với nét dịu dàng, dí dỏm và óc khôi hài  của mình, với  những câu hỏi  của ông, óc tưởng tượng, lời năn nỉ và sự mơ mộng  của mình, ông đưa vào tâm người mẹ tính chất thực của trẻ và bà hiểu.
Trẻ con khác với  những gì bà đã nghĩ trước đây. Tuổi thơ  của bà tuy còn nhớ lại nhưng dạy bà rất ít, cho dù nó có biết bao nỗi vui buồn. Bà đã được  sửa sai và bị phạt, và đã thành người như hiện nay. Điều gì tốt cho bà lúc nhỏ thì hẳn cũng sẽ tốt cho các trẻ khác. Nhưng không, có một ảnh hưởng tinh tế bảo bà chuyện không phải thế. Không phải tất cả trẻ con đều giống nhau, mà chúng khác nhau như người lớn; chỉ có một điều tương tự giữa chúng là tất cả các em đều là trẻ thơ.
Chính cách đối xử  của ta đối với các em làm chúng xem ra giống như nhau; ta không cho em có sự tự biểu lộ, ta chà đạp lên cá tính  của em, ta cấm việc có thắc mắc, ta không hề ráng thử hiểu em, nuôi dưỡng tiềm năng  của trẻ, khám phá tài năng ẩn tàng  của em. Khi em hư ta trừng phạt và kêu em về phòng mà không hề tìm hiểu nguyên do thực  của điều hư ấy, và khôn ngoan sửa chữa nó; trái lại ta giải quyết cách có lợi cho mình là làm trẻ sợ hãi. Không có cách nào tốt hơn chăng … ?
Tới đây ta đã xem xét ảnh hưởng nhạc  của Schumann với người lớn, nhưng nó đã có ảnh hưởng rõ ràng cho chính trẻ em; nó giúp trẻ có trí não trưởng thành mau lẹ hơn. Ngày nay có  những trẻ làm người lớn kinh ngạc khi thỉnh thoảng em tỏ ra thật khôn ngoan sáng suốt. Việc khôn trước tuổi này phần lớn là nhờ ảnh hưởng  của Schumann, vì khi tình trạng  của đời sống trẻ thơ được cải thiện, các tài năng ẩn tàng  của linh hồn trẻ thơ được biểu lộ dễ dàng hơn.
Nhạc  của ông tác động lên tiềm thức  của trẻ theo cách mà từ trước tới này không có điều chi có thể ảnh hưởng nó. Ấy là loại âm nhạc duy nhất cho tới nay được  soạn hợp với tâm trí trẻ thơ, và vì lý do ấy nó cũng là loại nhạc duy nhất có thể giáo dục trẻ. Ta có thể nói linh hồn âm nhạc  của Schumann hiểu linh hồn  của trẻ, và nói với nó theo cách mà không một nhà soạn nhạc nào khác có thể nói được … và ông nói với nó với lòng âu yếm, thương yêu.
Giống như Chopin, Schumann cho ảnh hưởng rõ rệt đối với hội họa; về một mặt ông làm sinh ra hình thức đầu tiên  của loại này gọi là Jugendstil, trong đó chữ Jugen có nghĩa là tuổi trẻ. Nó thấy rõ trong thập niên cuối  của thế kỷ 19, nhưng từ đó nó phát triển qua tay nhiều họa sĩ. Hơn thế nữa, Schumann uốn nắn các họa sĩ hậu ấn tượng - post impressionism, và nhiều người đi theo trường phái này. Nếu ta xem xét tinh thần  của trường phái hậu ấn tượng, điều không thể tránh là ta thấy đặc điểm chính  của nó là nét ngây thơ,  và các bức tranh vẽ do ảnh hưởng  của nó gợi hứng nhìn tựa như do trẻ em vẽ, cây cối, nhà cửa, hình người tất cả gợi ý do bàn tay và khối óc của một trẻ thơ.
Điều này đã được  nhận ra trong các tác phẩm  của Van Gogh và Gauguin, nó lại cảng thấy rõ hơn với tranh của Picasso. Tính sơ khai này, tính đơn sơ của ý niệm, đã lan rộng ra hết mọi nước, thí dụ ở Thụy Sĩ ta nhận ra nó trong tranh  của Hodler, và thấy nó ở các họa sĩ  của Đức, Pháp, Anh, Nga, và Ý, và ta không ngần ngại lập lại rằng ảnh hưởng đã gián tiếp được  Schumann gợi hứng, cũng như tranh  của nhóm Pre-Raphaelite là do Chopin gián tiếp gợi nên. Ta nhìn nhận là quả nó cần một thời gian dài mới thể hiện, nhưng lý do là nhạc Schumann không hề được  chơi nhiều như nhạc Chopin.
Tóm tắt lại, có thể nói tuy ảnh hưởng trực tiếp hơn của nhạc  các bậc thầy có tính lãng mạn tỏ ra tốt lành, nhưng một số ảnh hưởng gián tiếp hơn  của chúng thì không được  vậy.  Quả thực là vài tính chất trẻ thơ trong hội họa có nét đẹp và sức thu hút  của chúng, nhưng khi đi tới quá độ chúng dễ tỏ ra quái dị và gợi ý cách vẽ dở. Khi thấy rằng khuynh hướng trẻ thơ trong hội họa có thể được  lợi dụng, ngày nay có một số đông họa sĩ và họa viên kỹ nghệ tạo ra kiểu ngô nghê tuy có ý nghiêm chỉnh, thực ra chỉ là một loại biếm họa không hay.
Như vậy, cách vẽ cố tình xấu được  sinh ra cùng với nhiều tính chất gợi ý  trẻ thơ. Loại nghệ thuật như thế, tuy thỉnh thoảng gây chú ý thoảng qua, không trường thọ; nó xem như là một trong nhiều triệu chứng muốn nói có thiếu sót cảm hứng thực sự.

Theo:
Music's Influences Throughout the Ages,
Cyril Scott.