H.P.B. (Helena Petrovna Blavatsky)

(PST 68)

(Xem Mục CHUYỆN H.P.B..)

 

 

Bác sĩ Franz Hartmann thuật một trường hợp tương tự là có người chết xa nhà. Gia đình ông nghe nhiều tiếng động to đến nỗi làm hàng xóm thức dậy. Ông Hartmann nhận xét:
- Chuyện có thể do hình tư tưởng mãnh liệt của người sắp qua đời. Cơ thể là nơi chứa đựng một lượng lớn năng lực, chúng được bung ra vào lúc con người chết đi và có thể sinh ra tiếng động như thế. Paracelsus cho rằng thể tình cảm sinh ra chúng.
Nhưng người ta cũng nghe được âm thanh đẹp đẽ khi HPB chết, như thư của dì Nadya viết cho Vera:
- Mấy lần trong buổi tối và một lần ban ngày ... cây phong cầm gần bức hình lớn của Helena đột nhiên bắt đầu chơi một mình. Nắp đàn đóng và không có ai đụng tới nó. Rồi cũng vậy, chuông reo vang mà không có duyên cớ chi cả.

Hai ngày sau khi HPB qua đời và trước khi hai bà dì biết tin HPB đã chết, gia đình
- ... tụ họp trong phòng khách rộng như thường lệ vào buổi chiều, tiếng là đọc sách nhưng thật ra là nghĩ nhiều về cô cháu gái ở xa. Đột nhiên dì Catherine nhìn chăm chú vào một góc tối của phòng ở đằng xa (nơi có tiếng động lớn phát ra khi trước)  và thì thào, 'Chị thấy Helena ! Kìa, Helena đang ở đó !' Dì mô tả hình bóng mặc áo trắng có những bông hoa trắng lớn trên trán của Helena, y hệt như cảnh Helena được đặt nằm trong áo quan.  Đấy là lời chào vĩnh biệt của Helena với trần thế.
Thân xác của HPB được hỏa thiêu tại Woking, Anh ngày 10-5. Trong số người tham dự có ông William Stewart Ross, chủ bút tờ Agnostic Journal. Trong số báo ngày 16-5, ông mô tả tang lễ được tóm tắt như sau:
- Trời London trĩu nặng mầu xám, chúng tôi lái xe hôm ấy qua những cánh đồng xanh và bao nhiêu là cây ăn trái, đi tới nhà hỏa thiêu thân xác của Helena Petrovna Blavatsky. Chúng tôi không đưa lên giàn hỏa một chiến sĩ, mà chúng tôi đưa tới ngọn lửa một nhà tiên tri, một nhân sư hay một người báo mộng, khác với những gì mà ta hay thấy trong cảnh bình thường ở đời.
Tôi đến nhà hỏa thiêu ... xe tang đến, quan tài được mang vào nhà nguyện, đặt lên giá bằng gỗ sồi, và tất cả chúng tôi đứng dậy, quan tài được mở nắp. Ông G.R.S. Mead, thanh niên có gương mặt thanh nhã, bước tới trước đầu quan tài, đọc một bài diễn văn đáng chú ý. Cánh cửa từ lò thiêu sang nhà nguyện mở ra và bốn nhân viên đưa quan tài vào cửa này. Bốn hội viên, những người biết và yêu quí bà Blavatsky, và giống như tôi thấy người phụ nữ cao cả nhất mà cũng bị chê trách nhất trên đời, đi theo thân xác bà qua cánh cửa rộng dẫn tới lò thiêu.
Bất cứ ai biết suy xét khi gặp HPB có thể dễ dàng hiểu tại sao bà được yêu mến sâu đậm như vậy, và cũng không dễ gì đoán được tại sao bà bị công kích dữ dội như thế. Bà là người phơi bầy rõ cảm xúc của mình, và thật không may cho ai muốn được thăng tiến trong đời, bà không hề có mảy may lòng đạo đức giả. Bà không chấp nhận hành xử như ..., tựa như chim ưng không thể bắt đi chặng đường dài theo dấu chân lừa.
Bà không gọi ai đã bôi bác và xử sự sai lầm với bà bằng tên gì tệ hơn chữ 'vớ vẩn'. Với những kẻ công kích bà như ông bà Coulomb, ông Coues, bà nói tới họ với ý tương đương như ghi trong kinh thánh 'Xin Cha tha tội cho họ vì họ không biết mình làm gì', ngay cả khi những kẻ tấn công này làm hết sức mình để gây tổn thương cho cả thân xác và linh hồn bà với bao nhiêu thương tích đáng sợ, rồi chà xát muối và độc chất thêm vào đó. Rất ít người được như bà, có tình thương trào dâng lai láng.

Tại London, ông W.T. Stead, chủ bút tờ The Review of Reviews, viết trong số báo Feb-Jul 1891:
- Trong số nhiều vị thầy tâm linh mà tôi ngồi dưới chân học hỏi trong nghề làm báo, bà Blavaatsky là một người độc đáo nhất. Có những kẻ tưởng rằng  đã bác bỏ được Theosophy khi cười chê chuyện về tách trà được tạo ra ... Điều mà bà Blavatsky làm là chuyện vô cùng lớn lao hơn việc tạo ra tách trà. Bà làm cho người nam và người nữ có học nhất mà hoài nghi, tin tưởng nồng nhiệt đến độ không màng lời cười chê và coi thường việc bách hại – rằng chẳng những thế giới vô hình bao quanh chúng ta có thực thể thông minh vượt bực so với hiểu biết của ta về chân lý, mà người ta còn có thể tiếp xúc được với những vị lặng lẽ kín đáo ấy, được các ngài chỉ dạy điều thiêng liêng huyền bí về Thời gian và sự Vĩnh cửu ... Ấy là thành quả lớn lao, là điều mà ban đầu có thể bị cười chê rằng bất khả. Thế mà bà đã thực hiện được phép lạ đó.
Bà Blavatsky là người Nga ... đã khiến các nhân vật Anh-Ấn hàng đầu say mê tin vào sứ mạng truyền bá Theosophy của bà ... và trong những năm cuối đời bà thành công làm bà Annie Besant thuận theo mình, với bà Besant trong nhiều năm đứng đầu nhóm vô thần tranh đấu lớn tiếng. Một phụ nữ có thể đạt được hai điều này quả là người đích đáng ...
Bà Blavatsky, ở giữa một thế hệ có tính duy vật và máy móc, đã thành công trong việc khiến ai tò mò và kinh tế gia nhìn nhận rằng ít nhất có ý niệm nói là mọi điều vật chất chỉ là ảo ảnh thoảng qua, và chỉ riêng có tinh thần là đáng kể. Bà Blavatsky cũng củng cố và gần như tạo ra trong trí nhiều người cảm nhận rằng cuộc đời này chỉ là cuộc thử thách. Về mặt ấy chỉ dạy của bà hợp với tinh thần của Tân Ước nhiều hơn là với chỉ dạy giả dối gọi là Thiên Chúa giáo trong thời đại chúng ta.
Bà mở rộng chân trời của trí não, và mang lại cảm nhận vô biên về điều bí ẩn vô hạn của chiến tranh, bí ẩn không thể có giới hạn.
Trong một bài xã luận về sau Stead viết:
- Chuyện tái sinh có thể hay không có thể đúng thực. Dù đúng hay sai, tính đến cuối thập niên qua nó là điều gần như không thể nghĩ tới được cho người Âu châu trung bình. Nay chuyện không còn như thế nữa. Đông đảo người vẫn bác bỏ nó như là điều vô chứng cớ nay đã nhận biết giá trị của nó như là giả thuyết giải thích nhiều điều bí ẩn của đời người ... không còn gì phải bàn cãi là việc nhìn nhận tái sinh là điều khả hữu đã mở rộng tư tưởng chung ... Và điều ấy, thành quả lớn lao không phải thắc mắc, sẽ luôn được nối kết với tên của bà Blavatsky.

Bài xã luận sau đăng trên tờ New York Daily Tribune, ra ngày 10-5, 1891.
- Có ít phụ nữ trong thời chúng ta bị hiểu lầm dai dẳng, bôi xấu, và nhục mạ hơn bà Blavatsky, nhưng tuy sự vô minh và độc ác gây tệ hại cho bà, có nhiều dấu hiệu nói rằng công việc của đời bà sẽ minh chứng cho nó, rằng nó sẽ trường tồn, và sẽ tác động mãi mãi ...
Cuộc đời bà Blavatsky thật đáng nói, nhưng đây không phải là chỗ hay là lúc viết về thăng trầm của nó. Chỉ cần nói rằng trong gần hai mươi năm bà đã hiến mình cho việc quảng bá triết thuyết, các nguyên tắc căn bản của đạo đức cao quí nhất. Việc xóa bỏ trong thế kỷ mười chín hàng rào chủng tộc, dân tộc tính, giai cấp, và thành kiến về tầng lớp, và nuôi dưỡng tinh thần tình huynh đệ đại đồng mà  bậc Thầy cao cả nhất thúc giục trong thế kỷ thứ nhất, có vẻ không tưởng ra sao với một số đầu óc thì nét cao quí của mục đích ấy chỉ có thể bị lên án bởi ai bác bỏ Thiên Chúa giáo.
Bà Blavatsky nói rằng việc truyền tục của nhân loại phải dựa trên sự phát triển lòng nhân ái. Về điểm ấy bà cùng một ý với những tư tưởng gia vĩ đại nhất, không phải chỉ trong thời nay mà của muôn đời ... Điều này không mà thôi đủ làm cho giảng dạy của bà xứng đáng được xem xét nghiêm chỉnh và thẳng thắn bởi những ai tôn trọng những ảnh hưởng tạo nên tâm thức đúng đắn.
Về mặt khác ... bà đã làm công việc quan trọng. Có thể nói không ai trong thế hệ hiện giờ làm nhiều hơn bà về việc mở trở lại kho tàng tư tưởng, minh triết, và triết lý đông phương bị khóa kín từ lâu. Chắc chắn không ai đã làm nhiều cho bằng về việc soi sáng tôn giáo minh triết sâu xa mà đông phương luôn suy tư, và mang ra ánh sáng những tác phẩm văn học cổ xưa, có nội dung và chiều sâu làm thế giới tây phương vô cùng kinh ngạc, do được dạy dỗ với niềm tin thiếu sót là về mặt tư tưởng suy luận, phương đông chỉ sinh ra điều sơ đẳng, tệ hại.
Sự hiểu biết của bà về triết lý đông phương và huyền học thật bao trùm. Không đầu óc chân thật nào có thể nghi ngờ điều này sau khi đọc hai tác phẩm chính của bà. Thực thế, bước chân của bà thường khi dẫn đến nơi chỉ vài người thông thạo có thể bước tới, nhưng tính cách và khuynh hướng của tất cả những tác phẩm của bà đều tốt lành, thúc đẩy và kích thích. Bài học mà bà không ngừng nhấn mạnh chắc chắn là điều mà thế giới cần nhất, và luôn luôn cần, tức cần có việc chế ngự cái tôi và làm việc cho người khác. Không cần phải nghi ngờ là triết thuyết như vậy khó nuốt cho ai tôn thờ cái tôi, và có lẽ nó không có cơ hội được mọi người chấp thuận, chưa kể đến việc được áp dụng. Nhưng ai nam hay nữ chủ tâm từ bỏ mục tiêu và tham vọng cá nhân để phổ biến niềm tin như thế chắc chắn đáng được quí trọng, ngay cả khi cảm thấy mình có thật ít khả năng làm theo lời kêu gọi sống đời cao đẹp hơn.
Việc làm của bà Blavatsky đã mang lại thành quả, và có vẻ như định mạng sắp đặt cho nó sẽ còn sinh ra thành quả đáng kể hơn, đáng khen hơn trong tương lai. Từ lâu ai thận trọng quan sát đã nhận ra là tính cách của tư tưởng đương thời bị ảnh hưởng của nó về nhiều hướng. Tình nhân loại rộng hơn, suy nghĩ tự do hơn, thái độ chịu xem xét triết lý xưa theo quan điểm cao hơn. Như thế, bà Blavatsky đã cho ra dấu ấn của mình trong thời đại này. Và cũng như vậy, công việc của bà sẽ theo đuổi bà ... và ngày nào đó, nếu không phải lập tức, sự cao cả và thanh khiết của mục tiêu của bà, minh triết và nội dung các giảng dạy của bà, sẽ được nhìn nhận đầy đủ hơn, và ký ức về bà sẽ được cho danh dự mà nó xứng đáng được có.

Nhận Xét về HPB.

Họa sĩ Edmund Russel người Mỹ quen biết HPB tại London vào cuối thập niên 1880. Trên tạp chí Lucifer bà nhắc đến ông như là 'người bạn chung Edmund Russell rất được ưa chuộng'. Thi sĩ nổi tiếng Yeats nói về ông như sau:
- Hôm nọ tôi gặp (ở nhà bà Blavatsky) một người rất lạ lùng đáng nói ... ý kiến của ông đáng để ý lắm ... Ông là người lý thú nhất mà tôi gặp ở nhà bà mới đây.
Dưới đây là phác họa của ông Russel về HPB:
- Tôi có đọc nhiều bài viết về Helena Petrovna-Hahn Blavatsky, đa số bài làm tôi nghĩ người viết chúng hẳn chưa bao giờ thấy mặt bà. Họ viết mà không có mấy ý thức về cá tính của nhân vật, tựa như người thợ săn ở Phi châu đối với con mồi mà họ hạ sát, điên cuồng trong nỗ lực đánh bẫy con vật. Mọi chuyện bị ngăn chặn hết để cố công chứng minh rằng bà là người bịp bợm. Nó chỉ khẳng định mạnh mẽ rằng bà không phải như thế. Bà thực sự là đích lớn cho người ta bàn tán.
Tôi có cơ hội quan sát bà trong mọi cảnh ngộ vào những năm cuối của đời bà tại Lansdowne Road, Holland Park. Tôi không hề là cộng sự viên mà là người trong nhóm thân cận với bà. Là người ngoài, họa sĩ, người trẻ nhất trong nhóm ái mộ bà, tôi nghĩ tôi làm bà được vui, và bà nói chuyện rất thẳng thắn với tôi. Bà đã hoàn toàn sống xa rời xã hội, ai muốn thấy bà phải đến để gặp bà. Có người rụt lại ở thềm nhà và nói 'Tôi ngại đi vào'; 'Tôi run rẩy khi nghĩ đến việc gặp bà' chẳng mấy chốc ngồi dưới chân HPB.

Bà Ràng  Buộc Bằng Tình Thương Mà Không Phải Do Lòng Sợ Hãi.

Dòng khách khứa đến với bà là tụ họp đủ mọi sắc tộc, sĩ quan người Ý và Nga, giai cấp Brahmin người Ấn, Bengali, giáo sĩ Hy Lạp, người thần bí thuộc đủ các nước. Ai cũng cảm nhận sự thâm sâu và uy lực của bà. Mỗi ai cũng cảm biết sự thu hút của bản tính hòa đồng của bà. HPB nâng con người lên tới mức tốt đẹp nhất của họ ngay tức khắc. Điều ấy cho người ta lực mới khiến họ cảm thấy gặp được người có thể nhìn thẳng vào con người thật của họ, không bị chi phối bởi những vụn vặt mà người khác coi nặng. Lẽ tự nhiên, ai quá tin tưởng kinh sách, ai hiểu nghĩa đen kinh sách, sợ hãi việc diễn dịch các biểu tượng , không thấy thoải mái với hiểu biết hợp lý và sâu xa của bà; họ bỏ đi gọi bà là 'phụ nữ đáng ngại'. Đôi khi vợ những nhân vật này thú nhận, 'Chúng tôi không hoan nghênh, nhưng dù vậy vẫn yêu mến bà'.
Tôi còn nhớ kỹ em gái HPB là bà Zhelihowsky, thường đến thăm chị ở chơi lâu. Très grande dame, một phu nhân tóc xám phong cách quí phái và trang trọng, được biết tới nhiều trong tầng lớp cao nhất của xã hội Nga. HPB có thể có phong thái hết sức thanh lịch nếu bà muốn nhưng ít khi chịu bỏ công. Bà có sự giản dị của ai biết mình là hoàng tộc và chỉ làm theo ý mình.
Khi bà muốn lôi cuốn ai vào cuộc tranh luận, bà giả vờ như không biết Anh văn giỏi cho lắm, tuy nhiên mức hiểu biết và khả năng Anh ngữ tăng dần khi bà nhập cuộc tranh cãi. Nhìn ngắm bà tiến thoái với một ký giả tới để cho bà vào bẫy – ngắn gọn, đầy mưu tính, tra gặn – thật là thú vị. Những lúc như thế bà tạo nét mặt khờ khạo thật là hiệu quả, như thể chỉ khôn hơn một chút thì may ra bà được coi là người khờ khạo; dẫn dụ để cho anh dùng hết lý luận của mình, xong bà chiếm lại từng bước từng bước của mình, thả bom cho nổ, để cuối cùng hạ anh đo ván. Rồi bà cười vang và nắm lấy tay anh:
- Anh giỏi lắm, lại chơi thường nhé, cứ lại đây luôn !

Tôi đã thấy bà đang giữa cuộc tranh luận đột nhiên lấy nắm tay đập trán.
- Sao tôi ngu thế nhỉ ! Anh bạn à, xin thứ lỗi cho tôi, anh đúng rồi, và tôi sai.
Có mấy người làm được như thế ?
Có bài điểm sách nói rằng không có gì gọi là Minh Triết Thiêng Liêng đã từng hiện hữu, triết lý bí truyền là chuyện bà tự đặt ra. HPB trả lời:
- Nếu nghĩ vậy hẳn tôi sẽ ngả nón bái phục HPB. Tôi chỉ là người ghi chép mà họ gọi tôi là người tạo ra chuyện. Vậy là còn hơn cả điều tôi đòi hỏi !
Hoàn toàn dửng dưng với lời thị phi, bà không hề bận tâm đến chuyện bác bỏ. Có lần bà nói với tôi:
- Bùn rơi xuống người tôi lâu quá rồi nên tôi không màng ngay cả việc dương dù lên.
Samadhi hay tâm thức cõi trời là lý tưởng của bà. HPB là thanh sắt nung nóng đỏ trở thành lửa, mà quên đi chính bản chất của mình. Đa số người lo lắng về nhu cầu hay niềm vui của mình, còn bà dường như không có nhu cầu hay niềm vui của chính bà. Thường khi bà không ra khỏi nhà cả nửa năm. Luôn cả không đi dạo trong vườn. Gương như thế cho ảnh hưởng là sự bí mật của việc tăng trưởng và bành trướng lạ lùng của hội Theosophia. Bà sống theo chân lý vĩ đại, vậy mà bị gọi là kẻ gian dối; có lòng rộng rãi to tát thế nhưng bị xem là kẻ lường gạt; chán ghét mọi điều giả mạo, lại bị cho là nữ hoàng giả nhân giả nghĩa.
Bà biết rành về kinh thánh, tuy đối với bà nó chỉ là một trong các kinh điển, tất cả đều thiêng liêng đối với bà, vì qua Theosophia của bà hay Minh Triết Thiêng Liêng, HPB dạy chúng ta là không có nhiều tôn giáo mà chỉ có một, và tư tưởng ấy cuối cùng xem ra đang thắng thế. Bà là người học hỏi thâm sâu những tương đồng thấy chung (trong nhiều tôn giáo), vài diễn dịch của bà thật bất ngờ. Lời cuối của đức Chúa,
- 'Eli ! Eli ! Lama Sabachthani – Hỡi Thượng đế, sao ngài bỏ rơi con ?'
 đối với nhiều người nói lên sự đau khổ, và được xem như là lời bác bỏ sứ mạng của ngài, nhưng HPB biến câu nói thành niềm hân hoan:
- 'Hỡi Thượng đế,, Hỡi Thượng đế, Ngài đã làm con vinh hiển biết bao !'
Bà là nhân vật vĩ đại cuối cùng. Chỉ có đền thờ hang động của Ấn Độ mới có thể mô tả được về bà.  Bà là đền thờ Elephanta hay Ajunta nóc có phù diêu đã phai nhạt về vinh quang rực rỡ.
Tôi biết nhiều người cao cả gần như thần thánh – Salvini, Gladstone, Robert Browning, William Morris, Rodin, Sarah Bernhardt – mà không ai có uy lực quét khắp càn khôn như bà, tuy tất cả nhân vật này đều có nét duyên dáng trẻ thơ khi không phải bận rộn chuyện hằng ngày. Vĩ nhân luôn luôn vẫn là trẻ thơ, và thỉnh thoảng để cho mình thoát khỏi sự ràng buộc.
Chắc chắn bà là nhân vật vĩ đại nhất tôi đã gặp. Ngay kẻ thù của bà – và bà có nhiều – cũng nhìn nhận điều này. Ai chỉ sống theo thói đời không sao hiểu được việc bà không mầu mè. Bà không ngừng thay đổi từ trẻ thơ cười hớn hở sang tuổi già đạo mạo. Như thế không được. Họ không hề để rơi mặt nạ của mình.
Trông bà như một người đàn ông, đàn bà, con sư tử, diều hâu, con rùa, cóc, vũ trụ – là đủ hết mọi điều. Nhìn bề ngoài bà gợi ý những hình dạng lạ lùng như họa sĩ Blake vẽ, có y phục, tóc, cử chỉ làm như là một phần của đá và cây bao quanh chúng ... và chuyện trò với thần thánh. Gương mặt Cossack của bà khi an tĩnh đôi lúc cho thấy nét buồn rầu của việc là nhân vật vĩ đại phải sống dưới trần, nhưng thường thường nó phản chiếu niềm vui. Không có gì làm bà thấy cay đắng. Bà không bị bi thảm theo nghĩa kịch Hy Lạp.
Tại Hoa Kỳ, có lần tôi đi thuyết trình và sau đó được mời dự tiệc. Bàn tiện rất là dài, có nhiều giáo sĩ thuộc đủ chi phái. Cuộc chuyện trò chán hết sức. Cách duy nhất làm cho một buổi tiệc lớn được thành công là làm cho việc trò chuyện bắn qua lại bàn tiệc. Tôi để cho buổi tiệc trôi qua đến nửa chừng, và vào lúc lắng xuống:
- Bà Livermore ! Bà có gặp bà Blavatsky lần nào chưa ?
Kết quả thực là kỳ diệu. Ai nấy choàng tỉnh. Từ lúc đó ai cũng sáng chói hoặc công kích hoặc biện hộ, và tôi ngạc nhiên thấy các nhà lãnh đạo tôn giáo đã nghiên cứu tư tưởng của bà sâu xa như thế nào. Tuy nói chung không chấp nhận triết thuyết của bà, ánh sáng của bà đã soi tới bàn thờ thiêng liêng của họ và tư tưởng về Thiên Chúa giáo của bà đã nói trúng suy nghĩ của họ.
Thỉnh thoảng tôi nghe có người bảo 'không thích' bà hoặc ganh tị với bà. Nói vậy cũng giống như không thích Khải Hoàn Môn – Arc de Triomphe hoặc ghen tị với con Nhân Sư – Sphinx. Bà dễ yêu và tinh thần sáng rỡ như thi sĩ William Blake khi là ông cụ thật già lão sau bao thiếu thốn và không được quí chuộng, nói với bé gái nhỏ:
- Cháu à, ông chỉ có thể mong là đời cháu rồi sẽ được tươi vui và đẹp đẽ như ông.

Một Thế Kỷ Sau.

Vào lúc Helena Blavatsky qua đời, cộng sự viên của bà là ông William Q. Judge nhớ lại:
Tại London, có lần tôi hỏi bà cơ may để thu hút được người vào hội Theosophia là bao nhiêu, khi so con số hội viên với hằng triệu người ở Âu châu và Hoa Kỳ, những ai chưa biết hoặc quan tâm đến hội. Dựa người ra sau trên ghế đang ngồi trước bàn viết của bà, HPB đáp:
- Khi ông nghĩ đến và nhớ lại những ngày hồi năm 1875 và sau đó, lúc ông không tìm được ai chịu để ý tới tư tưởng của ông, và nay nhìn vào ảnh hưởng lan rộng của tư tưởng minh triết thiêng liêng – dù gọi là gì đi nữa – thì không tệ cho lắm. Chúng ta làm việc không phải chỉ để người ta có thể gọi mình là người thông thiên học, nhưng là để cho triết thuyết mà ta yêu quí có thể ảnh hưởng và khơi động trọn tâm trí của thế kỷ này.
Trong những phần trước của sách vài ảnh hưởng này đã được thảo luận. Trong những phần sau ta sẽ xem xét khoảng thời gian một trăm năm sau khi HPB qua đời, tìm chứng cớ của điều tương tự trong các lãnh vực khoa học, tôn giáo, nghệ thuật, tâm lý và những mặt khác mà con người quan tâm. Những chương này cũng gồm bằng chứng là HPB như trong bộ The Secret Doctrine đã tiên đoán các khám phá tương lai mà khoa học sẽ có. Tuy nhiên bà không tuyên bố mình là người đầu tiên đưa ra lời tiên tri, vì bà xem mình chỉ là người truyền lại minh triết, đã được người xưa biết tới, học được từ các vị thầy của bà. Bà cũng không tuyên bố là mình luôn luôn đúng trong việc truyền lại – cả bà và các vị thầy của bà không hề cho rằng mình không có sai lầm.
Tự nhiên là người ta có thể giả dụ ảnh hưởng của HPB trong thế kỷ 20 cho ra kết quả lớn nhất trong hội viên thuộc các hội Theosophia khác nhau trong một trăm năm qua. Tuy nhiên đó là đề tài khác không nằm trong phần này. Nhiều việc đáng nói xẩy ra trong giai đoạn này về tôn giáo và khoa học, và có vẻ như chúng liên kết với ảnh hưởng của HPB và những vị thầy của bà.

Hội Nghị Thế Giới của các Tôn Giáo.

Một diễn biến chưa hề có trước đây xẩy ra vào tháng chín 1893, như là một phần của hội chợ Columbia tại Chicago, nhân dịp chào mừng bốn trăm năm Mỹ châu được Christopher Columbus tìm ra. Đó là Hội nghị Thế giới của các tôn giáo. Ông Rick Fields tác giả người Mỹ, là Phật tử, mô tả.
- Để chứa trọn hội chợ, người ta cho xây nguyên một thành phố dọc theo bờ hồ Michigan. Biệt thự chói lọi của 'thành phố trắng' làm gợi nhớ lại những đế quốc vĩ đại của quá khứ, Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Ý thời Phục Sinh ... Con số hồi đáp cho hơn mười ngàn thư mà ban tổ chức gửi đi khắp thế giới (mời tham dự) làm ngay cả ai lạc quan nhất cũng phải choáng ngợp.
Trong lễ khai mạc, chủ tịch hội nghị là tiến sĩ John Henry Barrows nhận xét:
- Tôn giáo, giống như ánh sáng trắng của cõi Trời, đã phân tán thành nhiều mảnh mầu sắc qua lăng kính của người. Một trong những mục tiêu của Hội Nghị của các Tôn Giáo là biến đổi vẻ rực rỡ nhiều mầu trở lại thành ánh sáng trắng của chân lý cõi trời.
Có nhiều chi phái Thiên Chúa giáo từ trước tới nay chưa hề tụ họp chung với nhau, và những tôn giáo lớn của đông phương trước đây chưa bao giờ được mời sang tây phương. HPB, người đã làm việc thật khó nhọc để thực hiện sự hòa giải ấy, hẳn sẽ hân hoan được có mặt.
Chuyện không ngạc nhiên là vài chi phái Thiên Chúa giáo từ chối không tham dự. Vị giáo trưởng Anh giáo tại Anh, tổng giám mục Canterbury, viết:
- Thiên Chúa giáo là tôn giáo duy nhất.
và thêm rằng ông không thấy 'làm sao Anh giáo có thể được xem như là một thành viên của Hội Nghị Thế Giới của các Tôn Giáo mà không phải ngang hàng với những thành viên khác và bình đẳng với họ về vị trí và các lời tuyên bố của họ.
Ngồi trên bàn chủ tọa trong lễ khai mạc để chào mừng buổi họp là các nhà lãnh đạo Tin Lành, một hồng y Công giáo ở New York, giáo sĩ Do Thái giáo, và các giáo sĩ, học giả đông phương. Giáo sư Carl Jackson trong quyển Oriental Religions and American Thought, ghi nhận.
- Một số đại diện Á châu là người TTH, kể luôn cả Kinza Hirai và Dhamapala, hai diễn giả chính về Phật giáo ở hội nghị. Bài nói chuyện của ông Hirai có tựa đề ' Synthetic Religion' trong đó ông đưa ra hình ảnh tất cả các tôn giáo hòa hợp với nhau, gợi ý rõ ràng ảnh hưởng của Theosophia. Dharmapala ... lại có liên hệ chặt chẽ hơn với Theosophia, ông từng là phụ tá và thư ký riêng cho ông Olcott trong công việc tại Sri Lanka.
Cũng nên nhắc lại là ban đầu, Dharmapala được HPB chỉ dạy và bà là người đề nghị ông thành học giả Phật giáo nam Phạn và nhà truyền giáo. Ông Jackson viết tiếp:
- Đại biểu gây nhiều tranh cãi nhất tại hội nghị là ông Alexander Russell Webb – hay 'Mohammed' Webb như bây giờ ông muốn được gọi – cũng là người TTH ... Ông Olcott, người đã phỏng vấn ông Webb năm 1892 một thời gian ngắn sau khi ông từ chức lãnh sự Hoa Kỳ tại Manila, tuyên bố rằng ông Webb là 'người biện hộ cật lực cho Phật giáo' cho tới 'vài tháng trước khi ông theo Hồi giáo'. Được hỏi về việc đổi đạo, ông Webb cho ông Olcott hay là 'tuy nay thành người Hồi giáo ông vẫn không ngừng là người TTH nồng nhiệt', rằng 'Hồi giáo, theo ông hiểu nó' là 'rõ ràng hòa hợp' với Theosophia.  Việc ông Webb chống đỡ không e dè cho Hồi giáo tại hội nghị gây ra tiếng vang lớn. Chót hết có giáo sư G.N. Chakravarti (cũng là người TTH) hợp với Vivekananda trong việc trình bầy Ấn giáo tại hội nghị ...
Dharmapala và Chakravarti cũng là đại biểu cho hội Theosophia. Các đại biểu khác cho hội là ông W.Q.Judge và J.D.Buck của Hoa Kỳ, và bà Annie Besant, Isabel Cooper-Oakley từ Anh quốc.
Có một lúc làm như hội Theosophia bị từ chối không cho có đại diện. Mới đầu hội được giao cho tiểu ban Tâm Linh để xếp chỗ, nhưng ông Eliott Coues là chủ tịch và đương nhiên là sẽ có quyết định bất lợi. Rồi hội được chuyển cho tiểu bạn về Đạo đức và Cải tổ Xã hội do em của ông Coues cầm đầu ! Sáu tháng trôi qua mà không có tin tức chi.
Rồi đến tháng 4-1893, ông George Wright, đại diện cho hội tại Chicago, được gọi đến văn phòng chủ tịch của hội nghị. Ông Wright kể:
- Họ làm tôi sững sờ khi cho hay là tiểu ban Tôn giáo đồng thanh chấp thuận cho hội Theosophia có một cuộc họp riêng của nó trong thời gian có hội nghị tôn giáo, và tôi được chỉ định làm chủ tịch tiểu ban tổ chức.
Ông William Q. Judge, phó hội trưởng hội chánh và là trưởng ban tổ chức buổi họp của hội, cũng được chỉ định làm chủ tịch buổi họp. Hội được cho họp hai ngày 15 và 16-9. Có quá nhiều người đến dự nên ban tổ chức hội nghị cho hội hai buổi họp cuối tuần chưa có chương trình trước khi có hội nghị diễn ra, và vào giờ hàng đầu là tám giờ tối. Tuy phòng họp có chỗ ngồi cho 4.000 người, vẫn còn hàng trăm người đứng ở hành lang và dựa tường. Hai bài nói chuyện của bà Annie Besant trình bầy karma và luật tái sinh so với các vấn đề xã hội, và một số diễn giả khác của TTH cũng đề cập tới các ý tưởng này.
Ông Judge có bài nói chuyện dài trước khi hội nghị chính diễn ra, về 'chỉ dạy bị thất lạc của Thiên Chúa giáo', là cách ông hay gọi sự luân hồi. Qua tối hôm sau, cũng trước khi có hội nghị chính, ông thảo luận việc tái sinh theo quan điểm của luật chu kỳ nói chung. Tuy nhiên bài nói chuyện của ông bị một mục sư Tin Lành đột ngột làm gián đoạn. Mục sư giải thích là vì không có ai tại buổi họp của Tin Lành, người ta tin là nhiều tín hữu đã nhầm lẫn tới phòng họp này do có sai lạc trong việc thông báo, vì vậy xin họ vui lòng rời ngay. Nhưng không ai nhúc nhích trong cử tọa đông kín người ! Tới kết thúc của phiên họp lịch sử, tiến sĩ Barrow tuyên bố:
- Hội nghị đã cho thấy rằng Thiên Chúa giáo vẫn là tác nhân thúc đẩy nhanh nhất cho nhân loại ... rằng không có bậc thầy nào so sánh được với đức Chúa, và không có đấng Cứu Thế nào ngoài đức Chúa ... Tôi tự hỏi có người đông phương nào hiện diện tại đây hiểu lầm việc họ được tiếp đón nhã nhặn như là dân chúng Hoa Kỳ sẵn sàng theo tôn giáo đông phương thay vì tôn giáo của mình.

(còn tiếp)