XỨ BỘ PHI

 

 

 

Ngoài Việt Nam (trước 1975), có lẽ Phi Luật Tân là nước khác trong vùng Đông nam Á châu mà xứ bộ TTH có sinh hoạt mạnh mẽ. Ta không biết là nếu còn hoạt động thì xứ bộ VN sẽ phát triển ra sao, riêng xứ bộ Phi có thành đạt đáng nói. Ông Vicente Hao Chin, Jr. là cựu hội trưởng của xứ bộ Phi, trong lần sang thăm Hoa Kỳ năm 2012 tạp chí Quest của xứ bộ Hoa Kỳ có đăng bài phỏng vấn ông, nay PST trích dịch dưới đây để ta biết thêm về hoạt động TTH tại Phi. Sự phát triển của xứ bộ Phi không khỏi gợi nên nỗi buồn nhẹ nhàng khi ta nghĩ đến VN, và tự hỏi nếu không có biến cố 1975 ...

Hỏi (H): Ông có thể mở đầu bằng cách cho biết vài việc mà ông và xứ bộ đã làm tại Phi ? Theo ông nỗ lực thành công nhất là những chuyện gì ?
Đáp (Đ):  Sự việc đã diễn ra trong nhiều năm, khoảng từ 20-30 năm. Chúng tôi đã làm nhiều việc khác nhau như ra ấn phẩm, giáo dục, công tác xã hội và nhiều điều khác. Một trong vài công tác lớn mà chúng tôi ra sức trong mấy năm qua là lập trường học. Hiện nay chúng tôi có bốn trường, từ mẫu giáo đến cấp cử nhân. Chúng tôi có năm ngành học, hai về giáo dục, một về tâm lý, một về tin học và một về quản trị kinh doanh. Tuy nhiên chuyện độc đáo trong các ngành này, kể luôn cả bậc trung học là tính chất TTH trong đó.
Thí dụ tất cả sinh viên đại học phải theo một học kỳ gồm các môn về Theosophy, về đối chiếu các tôn giáo, về tự biến cải mình self-transformation, rồi hôn nhân và thuật làm cha mẹ. Sau đó họ dự trại hè thanh niên hằng năm. Tất cả nhắm vào việc tạo phẩm cách. Như thế họ sống trong một 'bầu không khí', trong mấy năm họ thực sự tiếp xúc với một cách sống thay vì chỉ học những môn giáo khoa.
Sang năm (2013) chúng tôi sẽ mở trường thứ năm ở một nơi khác vì nhiều hội viên tỏ ra quan tâm rất mực về việc làm này. Chúng tôi nghĩ đó là một đường hướng chính của hoạt động TTH, vì có nhận xét chung là ta không để ý mấy tới thanh niên, nhưng họ sẽ là người trưởng thành trong tương lai. Nếu ta không chú ý tới họ, cách họ bị ảnh hưởng, cách họ được dạy dỗ là truyền thống xưa nay, thì nó chỉ sinh ra cho ta cùng loại xã hội mà ta than phiền. Vì thế chúng tôi phải bắt đầu từ lúc nhỏ. Chúng tôi muốn mở rộng phần việc này để thành chuyện phát triển thanh niên. Không phải chỉ là giáo dục, mà còn là mở rộng ra xã hội và lập trung tâm thanh niên hay trại thanh niên, hay chương trình bảo trợ giáo dục là tụ họp thanh niên vào cộng đồng nào đó để họ nhận được ảnh hưởng tốt đẹp, dù không phải là học sinh của chúng tôi.
Muốn thực hiện thì cần có nhân viên chuyên nghiệp, mà chuyện ấy không dễ. Cần phải có nhiều năm để gầy dựng và phát triển nhân sự để có thể làm những việc ấy.

(H): Bầu không khí tinh thần ở Phi lúc này ra sao ?
(Đ): Có quan tâm ngày càng nhiều về tinh thần, dầu vậy, như đa số các nước, các tôn giáo lớn là thành phần chiếm ưu thế. Chúng tôi có 85% dân theo Công giáo La mã, 10% theo Tin lành, và 5% theo Hồi giáo và các giáo phái khác. Như vậy ảnh hưởng của Công giáo La mã chiếm ưu thế, nhưng may mắn là nhờ việc quảng bá TTH của xứ bộ Phi, chính yếu là qua tạp chí Theosophical Digest, quan niệm của công chúng nhất là giáo hội Công giáo đã thay đổi đối với TTH.
20 hay 30 năm về trước hẳn họ sẽ cho chúng tôi là một giáo phái, còn nay nói chung thì họ không nghĩ vậy nữa. Chúng tôi nhận được nhiều lời mời của các dòng tu, trường học và đại học Công giáo để mở khóa dạy cho nhân viên giảng huấn và học sinh, sinh viên; mở chương trình huấn luyện cho giáo sư của họ, và họ ghi tên mua hằng năm tập san Theosophical Digest. Có một trường đại học dòng Tên (Jesuit) rất lớn tại Phi là đại học Xavier. Từ tám năm qua, họ mời chúng tôi thực hiện phần đầu chương trình sáu tháng của họ dành cho nhân viên quốc tế, nhân viên xã hội, tu sĩ v.v. Và chúng tôi luôn luôn có một phần trong chương trình về tự biến cải mình.

(H): Xin ông nói qua một chút về dự án tự biến cải  mình.
(Đ): Việc này được soạn hơn 20 năm về trước. Mới đầu nó nhằm nối liền khoảng cách giữa các nguyên lý MTTL và đời sống hằng ngày. Tôi nhớ có lần chi bộ của tôi, là chi bộ rất lớn, thảo luận về tình huynh đệ đại đồng. Cách thảo luận thật không huynh đệ chút nào, và tôi nhận ra là nếu ý niệm này có thật thì nó phải có thể áp dụng được trong cuộc sống hằng ngày, không phải chỉ khi ta thành người đệ tử mà ngay bây giờ, trong gia đình, với chồng / vợ, v.v.
Trọn chương trình tự biến cải mình được soạn để ứng dụng cho tất cả mọi mặt của cuộc sống thường nhật, dùng như là nền tảng cho đời sống tinh thần. Bởi ta không thể  theo đuổi đời sống tinh thần khi bị choáng ngợp hằng ngày với lòng giận dữ, tức tối, đau khổ hay sầu não. Chúng ta phải giải tỏa các hàng rào tâm lý này, vì nếu tâm tôi quay cuồng vì đau khổ hay bực tức, tôi không còn năng lực để tham thiền hay dành cho chuyện tâm linh.
Các buổi hội thảo ấy đã giúp được nhiều người những ai trầm cảm, có mối lo sợ, có vấn đề với tình thân với người khác, sợ thất bại, sợ tương lai, sợ chết, v.v. Nhiều người mời chúng tôi mở khóa hội thảo cho họ, và chúng tôi làm miễn phí, không có thù lao. Họ chỉ lo phòng họp, thực phẩm, nơi cư ngụ trong thời gian ấy. Chúng tôi làm vậy cho bất cứ ai. Chúng tôi thực hiện chương trình bên trong hội và chia sẻ nó với trường học, các viện, sở, nhóm, thương nghiệp, ngay cả quân đội, và đương nhiên là các đại học, luôn cả các dòng tu. Chúng tôi đã mở chương trình này cho cuộc họp toàn quốc của dòng nữ tu Carmel, và các dì cảm thấy nó giúp ích cho họ về mặt tinh thần. Được dòng tu Carmel khen là chuyện rất đáng kể.
Cho thanh niên thì chúng tôi đổi chương trình thành trại thanh niên. Khóa hội thảo dài ba ngày, nhưng trại thì dài bốn ngày vì có nhiều sinh hoạt cho giới trẻ. Chúng tôi gọi đó là trại Golden Link, và đã thực hiện hơn 10 năm qua. Trại rất thành công là trong bốn ngày chúng tôi tạo được ảnh hưởng cho giới trẻ. Trước đó  các em là con chiên ghẻ hoặc gây phiền não cho gia đình, sau bốn ngày cha mẹ cho chúng tôi hay là con đã thay đổi, và giờ họ rất hãnh diện về em.
Sau nhiều năm nhận ý kiến của cha mẹ, chúng tôi quyết định là nếu ảnh hưởng được thanh niên chỉ trong bốn ngày, vậy chuyện gì sẽ xẩy ra thêm nếu họ đến với chúng tôi nguyên một học kỳ hay trọn một niên học ? Thành ra chúng tôi bắt đầu tính đến chuyện mở trường phổ thông, và nó dẫn tới trường Golden Link. Có tên như vậy vì chuyện bắt đầu từ trại thanh niên Golden Link. Khoảng sau bẩy năm, chúng tôi có thể khởi sự một phân khoa đại học, ban dầu là bằng cử nhân giáo dục. Chúng tôi muốn chú tâm vào giáo dục, vì nghĩ chuyện rất quan trọng là đưa ra một cách dạy khác với lối giáo dục thông thường, một cách mà trong đó ta không làm điều gì có hại cho thanh niên.
Khi người ta dọa nạt, trừng phạt, làm nhục, họ nghĩ làm vậy là thúc đẩy học sinh mà thực ra là làm hại người trẻ, làm các em mất lòng tự tin và lòng tự quí chuộng mình. Chúng tôi không làm những điều ấy trong trường chúng tôi, lại không có cả những cuộc tranh đua hay thi hơn kém. Chúng tôi không dùng lòng sợ hãi, không trừng phạt học sinh, thế mà tôi nghĩ mức kỷ luật bản thân trong trường của chúng tôi tốt hơn trường trung bình.
Thực tế là chúng tôi có tiếng đến mức ai có con trai hay gái mà quậy quá, họ sẽ gửi con tới trường Golden Link, cha mẹ cảm thấy chúng tôi có thể đối phó và sửa đổi lại. Ấy là tiếng tăm rất tốt.

(H): Cảm tưởng của ông ra sao về xứ bộ Hoa Kỳ ?
(Đ): Tôi học được nhiều điều, thí dụ tôi nhận ra là việc quảng bá TTH phải kể đến khác biệt về văn hóa. Một số ý niệm, cách làm việc áp dụng được cho Á châu mà có lẽ không hợp ở đây. Tôi ý thức là trong khi ta có chung các nguyên lý, ta phải để ý tới sự khác biệt về văn hóa.
Điều kế là tôi nghĩ thực sự thì xứ bộ Hoa Kỳ dẫn đầu mọi mặt trong việc quảng bá TTH. Các bạn làm những chuyện mà chúng tôi không làm chi cả như Webcasting, Webinars. Đây là đường hướng cho tương lai, bởi tại Phi chúng tôi có 85 triệu dân. Cách duy nhất để đến với tất cả mọi người bây giờ là không phải mang hết mọi ai tới cùng một chỗ, mà là đến với họ qua máy điện toán. Tôi nghĩ các bạn đang làm gương về cách làm hữu hiệu chuyện này. Tôi đang học về những chuyện đó vì chúng tôi muốn thử nghiệm chúng tại Phi. Chúng tôi không có phương tiện như các bạn, nhưng chúng tôi có thể làm vậy ở mức độ nhỏ hơn.

(H): Xin ông nói đôi chút về việc tìm đạo của mình. Làm sao ông đến với Theosophy, và nó có nghĩa gì trong đời ông ?
(Đ): Tôi cho là ước muốn thôi thúc với chuyện này đã có từ những kiếp trước, vì tôi đã cảm thấy muốn tìm đạo ngay từ lúc nhỏ. Tôi ở thành phố xa thủ đô Manila, nơi ấy không ai nói về các chuyện như vầy, cũng không có sách vở chi hết. Tôi phải gửi mua sách, chúng thật có giá trị đối với tôi mà cũng thật mắc tiền, vì thỉnh thoảng tôi phải đặt mua từ Mỹ. Tôi tìm hiểu về yoga, tham thiền rồi có bạn nói 'Ô, thư viện đằng kia có nhiều sách loại này.' Khi đó tôi ở Manila, đến thì thư viện đóng cửa và phải trở lại hôm sau. Hóa ra nó là thư viện hội TTH. Tôi gặp nhiều người ở đó, thấy hình treo trên tường, tôi không biết các vị là ai nhưng vì lẽ nào đó, tôi cảm tưởng như đây là nhà mình.
Tôi nói thầm trong lòng  'Sao lạ quá' vì tôi chỉ mới đến tòa nhà và hội, tuy nhiên vài năm sau sự việc chứng tỏ đúng như thế. Khi đó tôi cũng sinh hoạt với nhiều tổ chức khác như nhóm Phật giáo, Lão giáo, thông linh học, chữa bệnh tâm linh v.v., nhưng hội thực sự thu hút tôi. Tôi cảm thấy có sự lôi cuốn về loại này, và nó cho ra khác biệt rất đỗi lớn lao trong cách sống của tôi.
Tôi may mắn gặp được hội lúc khoảng 21 tuổi vì tâm tánh còn dễ uốn nắn, làm thay đổi tư cách, tính chất, quan niệm riêng của tôi. Tôi cảm thấy rất may mắn đã biết Theosophy vì nó không có tín điều. Tôi cảm thấy được tự do tìm hiểu rộng rãi nhiều sách báo khác nhau, và đi tới xác quyết cho riêng mình. Tôi ý thức là mình không thể sống trong tổ chức nào áp đặt tín điều, không sao sống được. Tôi sinh ra trong gia đình theo Công giáo, mà không có cách chi tôi có thể sống được trong bầu không khí như thế. Tôi không thể tin là có địa ngục, có Thượng đế muốn trả oán, tôi không thể tin vào một vì Thượng đế ăn năn, hay tàn sát nhân loại, diệt trọn các đô thị. Vậy tôi là gì, tôi có vẫn còn là người Công giáo không ?
Khi gia nhập nhóm yoga, họ cũng yêu cầu tôi tin vào một số điều, những điều này nghe hợp lý nhưng lúc đó tôi vẫn chưa chắc nên còn ngần ngừ. Tôi không thể tự dối gạt mình, nói rằng tôi tin trong khi lòng còn nghi ngại. Hội Theosophy là nơi đầu tiên tôi có tự do là chính mình như tôi là bây giờ. Có thể tôi vẫn còn vô minh, nhưng tôi không bị đòi hỏi phải tin. Ấy là điểm tôi thích về hội. Hội có Minh Triết Thiêng Liêng, dù vậy nó có sự sáng suốt là để cho người ta được tự do, và nó ảnh hưởng cách tôi làm chồng, làm cha, làm người trong xã hội, cách tôi đối phó với tranh chấp trong lòng, với tình cảm, các nỗi sợ hãi của chính tôi. Tất cả những điều này thay đổi vì tôi được tiếp xúc với TTH.
Vì lý do ấy tôi tin Theosophy quả thực có một thông điệp lớn lao cho thế giới. Tôi đã học hỏi về Thiên Chúa giáo, Phật giáo và những chuyện khác, và trong tất cả các truyền thống này có chỉ dạy cốt lõi nên được trưng ra cho công chúng, cho thế giới bên ngoài. Gọi nó là TTH hay tinh thần Công giáo cũng chẳng sao cả, nhưng có một minh triết như thế và nó phải được dạy nơi trường học. Ấy là lý do chúng tôi cảm thấy cần có trường mà nơi đó có kết hợp các môn học giáo khoa với kỹ năng sinh sống và minh triết, và đưa chúng vào các trường khác bằng cách này hay cách kia.

(H): Có còn điều gì ông muốn nói thêm ?
(Đ): Nói về Theosophy và hội, một điều tôi suy nghĩ hoài trong tâm tư là việc làm trong tương lai của chúng ta. Đa số chúng ta đã làm việc 20, 30, 40 năm cho hội và tới ngày kia ta sẽ qua đời, để lại mọi công cuộc sau lưng. Và ta cần chuẩn bị cho thế hệ sau trong xứ bộ mình về công việc tương lai của hội. Nhìn lại không những xứ bộ Phi mà luôn cả mấy xứ bộ vững mạnh khác, tôi tin là nay chúng ta có phương tiện, sách vở và sự khôn ngoan để có thể khởi sự đưa Theosophy vào xã hội (mainstream). Điều tôi muốn nói là làm cho minh triết ứng dụng thành một phần trong tâm thức quần chúng, mà không phải chỉ được biết trong vòng hội viên mà thôi. Đây là một cách mà chúng ta nên đưa hiểu biết về Theosophy ra thế giới và phổ thông hóa nó, đem vào giáo dục, vào sách báo, trang web, ngay cả truyền hình. Và làm sao làm vậy ?
Việc đầu tiên là chữa lại ấn tượng sai lầm nào về chữ 'Theosophy' hay là 'Hội TTH'. Nhiều người  có ý niệm sai lầm và do vậy họ không muốn dính dáng chi hết với Theosophy. Ta có bổn phận chỉnh lại ngộ nhận đó, thế nên chúng ta phải có nỗ lực tập thể để mô tả MTTL là gì chỉ trong một hay hai câu, làm cho ai không muốn đi sâu vào Theosophy ít nhất sẽ có ý tưởng đúng đắn chúng ta là gì.
Rồi, bởi ảnh hưởng phải đến từ việc thực hành, từ cách sống, ta phải đi sang giai đoạn hai. Ta có những điều gì để cống hiến cho thế giới, cho đời sống gia đình, cuộc sống lứa đôi, tranh chấp trong xã hội, cho sự trầm cảm, cho các vấn đề của con người ? Chúng ta có nhiều điều lắm. Tại sao ta không trưng chúng ra và làm chúng thành một phần của xã hội như là các cách thực hành, là một phần của những cơ sở, của trường học, của hệ thống giá trị trong xã hội ? Người ta có thể không theo chúng, tuy nhiên ít nhất họ sẽ biết là có những điều như thế.
Muốn làm vậy tự chúng ta phải biến các nguyên tắc TTH sang phần thực hành, và tôi nghĩ ta sẽ phải làm vậy trong nhiều thập niên. Thí dụ, mở trường là chuyện rất khó, nó đòi hỏi bỏ công sức mấy chục năm. Nhưng bao lâu chưa làm việc ấy thì ta không thể chứng tỏ cho thấy là nền giáo dục theo TTH cho kết quả tốt hơn giáo dục theo tiêu chuẩn thông thường. Thế thì việc đưa các cách thực hành vào xã hội, tôi nghĩ, là việc mà hết tất cả xứ bộ phải làm. Chúng tôi thực hiện nó theo cách nhỏ bé của mình tại Phi, và mới gần đây chúng tôi đã mở một nhà hàng cơm chay.
Phần thứ ba là chúng ta phải chuẩn bị chính mình. Không điều nào nói ở trên sẽ được làm có hiệu quả trừ phi ta có người để làm. Chúng ta phải sống làm gương cho người khác. Ta không toàn hảo dầu vậy ít nhất  ta có thể trên mức trung bình một chút, vì chúng ta quí chuộng quan điểm, lối sống này, và ta cố gắng sống theo nó. Nếu ta không thể làm được vậy thì Theosophy không có giá trị chút nào. Nếu trong nội bộ chúng ta luôn tranh dành, cãi cọ và làm hại lẫn nhau thì ta không phải là gương sáng về minh triết.
Thêm vào đó còn là việc đào tạo nhóm hội viên nồng cốt, diễn giả, đại diện cho hội. Ta thiếu rất nhiều người như vậy trên khắp thế giới. Tại Phi, chúng tôi nhận được lắm yêu cầu mở khóa hội thảo, trại thanh niên mà chúng tôi chỉ là nhóm rất nhỏ. Mười năm trước chúng tôi nói 'Mình sẽ huấn luyện một trăm nhân viên !' Chúng tôi nhận ra là không làm được, nên tôi ý thức là ta phải nhìn sự việc theo nhiều thập niên và nhiều thế hệ. Bất cứ ta làm điều gì, điều ấy phải không ngưng lại khi ta qua đời. Nó phải được tiếp tục.
Cách làm việc ấy phải nằm trong cơ cấu, theo nghĩa nó là một phần của hệ thống mà không tùy thuộc vào người lãnh đạo rất nhiệt thành. Nó nên là điều vẫn diễn ra khi  ta có người lãnh đạo giỏi dang, khôn khéo hay chỉ là người lãnh đạo thường thường bậc trung. Tôi tin đó là chuyện tất cả chúng ta phải xem xét trong tương lai. Ta càng hợp lực nhiều chừng nào thì việc càng hiệu quả chừng ấy.
Xu Bo PhiVà ấy là lý do tôi quí chuộng chuyến viếng thăm xứ bộ Hoa Kỳ. Phân biệt xứ bộ Phi với xứ bộ Hoa Kỳ thì không có ích gì bởi đó là công việc toàn cầu, và không phải là việc cho riêng hội viên nhưng là cho tất cả những ai có chung mơ ước cho nhân loại, về tương lai thế giới. Tên 'Theosophical Society' chỉ là tên cho thế kỷ này. Có thể sang thế kỷ khác nó sẽ có tên gì khác. Ta không có hội TTH cách đây 140 năm nhưng minh triết luôn có đó. Vậy ấy là cách sống và minh triết mà ta phải nỗ lực đan kết vào cơ cấu xã hội. Tôi nghĩ đó là việc làm của chúng ta cho tương lai
...

Ông Vicente Hao Chin, Jr. là chủ biên quyển The Mahatma Letters to A.P. Sinnett in Chronology,Theosophical Encyclopedia. Khi trước quyển đầu xếp thư theo thứ tự khác, nay thư được xếp theo thứ tự thời gian làm việc học hỏi, tra cứu các thư được dễ dàng hơn rất nhiều, có ích lớn lao cho thế hệ sau, quả là công khó đáng khen ngợi.

Trích: Quest, Fall 2012.