THUẬT TIÊN TRI

 

 

 

Có hai loại tiên tri, một thuộc tâm linh và một thuộc tinh thần. Loại tiên tri thốt ra lúc con người mê man có thay đổi tùy trường hợp, nhưng nói chung đó là cách nhân tạo để có thông nhãn. Bởi linh ảnh thấy được theo cách này tùy thuộc vào sự nhậy bén của thể tình cảm, chúng khác biệt rất nhiều so với cách của tinh thần toàn tri, toàn hảo. Trạng thái trước dù ở mức tốt đẹp nhất cũng chỉ làm con người thấy thoáng qua sự thật mà thôi, xuyên qua tấm màn vì là vật chất nên ngăn chặn sự thông thương giữa hai cõi.
Cái trí cảm nhận và không thể tách rời khỏi não bộ phàm trần mà qua đó nó biểu lộ, và cùng lúc bị ràng buộc vào đó. Nó là cái tôi, ngã thức của con người. Khi nằm trong xác thân vật chất, sự trong sáng và chính xác của nhãn quan cái trí, tùy thuộc vào mức liên hệ mật thiết ra sao của nó với phần tinh thần cao hơn. Khi sự liên hệ này mạnh đến mức cho phép phần thanh nhẹ nhất của linh hồn xử sự độc lập với não bộ có cấu tạo vật chất trọng trược hơn, nó có thể hiểu không sai chạy điều gì thấy được; khi ấy nó là linh hồn thanh khiết, thuần lý, vượt lên trên cảm xúc. Tiếng Ấn gọi trạng thái này là Samaddi (đại định), là trạng thái tinh thần cao nhất của con người trên địa cầu. Những chữ khác là Pranayama, Pratyahara và Dharana đều nói về các trạng thái sinh lý khác nhau, cho thấy Phạn ngữ giải thích rõ ràng hơn nhiều về hiện tượng mà ai nghiên cứu ngành khoa học này thường gặp, so với người đương thời chưa thấy cần phải nghĩ ra những chữ mô tả kỹ như vậy.
Khi cơ thể ở trong trạng thái Dharana – thiền, thân xác mê man hoàn toàn, linh hồn có thể thoát ra khỏi xác và cảm nhận sự vật bằng tâm thức cõi cao không bị vật chất chi phối. Bởi não bộ còn sống động và linh hoạt, hình ảnh quá khứ, hiện tại, tương lai sẽ bị nhuộm mầu bởi cảm nhận nơi cõi trần về thế giới sự vật; ký ức và tưởng tượng của não bộ làm ngăn trở nhãn quan trong sáng. Dầu vậy, vị đạo sư  hay nhà tiên tri biết cách làm ngưng hành động máy móc của của não bộ. Linh ảnh của ngài sẽ trong sáng như chính chân lý, không nhuộm mầu sắc và không bị biến dạng; còn ai có thông nhãn mà không thể làm chủ làn rung động của tình cảm, sẽ chỉ cảm nhận hình ảnh đứt nối ít nhiều qua não bộ.
Nhà tiên tri không hề xem hình ảnh chập chờn là thực tại, vì ý chí của họ làm chủ hoàn toàn ký ức cũng như là những phần khác của thân thể. Họ nhận ấn tượng trực tiếp từ tinh thần mình; giữa phàm ngã và chân ngã không có gì đứng giữa cản ngăn. Đây là thuật tiên tri tinh thần chân thực, theo đó linh hồn được nâng lên trên tới mức cao tột, đơn giản, thanh khiết, bất biến, không có tính chất của người phàm, nói khác đi là phần thiêng liêng của ta.
Nó là trạng thái người xưa gọi là sự hòa hợp với thần linh, các yogi thời cổ gọi là Thượng đế mà ngày nay gọi là Samaddi – đại định. Trạng thái này cao hơn so với khả năng thông nhãn, tựa như ngôi sao so với đom đóm. Các linh ảnh này không phải là sự hoang tưởng (hallucination), tựa như cái nhìn có được khi dùng kính hiển vi xem xét thế giới vật cực tiểu cũng không phải là hoang tưởng. Ta không thể cảm nhận, sờ mó và trò chuyện với linh hồn thuần khiết bằng các giác quan của xác thân. Chỉ linh hồn mới có thể trò chuyện và thấy được linh hồn, và ngay cả thể tình cảm cũng quá đỗi trọng trược, bị vướng mắc nhiều chất liệu phàm trần khiến ta không thể tin tưởng hoàn toàn sự cảm nhận và diễn dịch của nó.
Việc thuật đồng bóng mà không được luyện tập sẽ nguy hiểm ra sao, và nó được các bậc khôn ngoan thời xưa hiểu rõ và ngăn ngừa kỹ càng thế nào, có thể thấy qua thí dụ tuyệt hảo là trường hợp của triết gia Socrates. Ông được xem là một 'đồng tử' vì vậy ông không hề được nhận vào huyền môn, điều này cho ta biết luật lệ nghiêm nhặt tới bực nào. Ông có một 'vong linh thân thuộc' (familiar spirit) và kẻ vô hình này là nguyên nhân cho cái chết của ông. Quan niệm chung cho rằng nếu Socrates không được nhận vào huyền môn thì là do ông không muốn, nhưng tài liệu bí truyền nói ông không thể được cho tham dự vào các nghi lễ, chính xác vì khả năng đồng thiếp của mình.
Có một luật ngăn cản việc thu nhận không những ai bị xem là chủ ý dùng ma thuật, mà luôn cả những ai được xem là có 'vong linh thân thuộc'. Ấy là luật hợp lý và công bằng, vì người đồng đúng nghĩa thường vô trách nhiệm phần nào; và tính tình lập dị của Socrates có thể ít nhiều từ đó mà ra. Người đồng bắt buộc phải thụ động, và nếu tin tưởng mạnh mẽ vào ''vong linh hướng dẫn' họ  sẽ để cho mình bị kẻ ấy khuất phục, mà không phải là tùng phục theo luật  của đền thờ. Người đồng xưa cũng như nay hóa mê man theo ý của ai điều khiển họ, vì vậy họ không thể được cho biết các bí ẩn lớn lao của việc chứng đạo, những điều không thể được tiết lộ mà nếu vi phạm thì chịu án tử. Trong một phút được hứng khởi tâm linh và không gìn giữ ý tứ, Socrates đã tiết lộ điều ông không hề được học và do đó bị tử hình.
Pythagoras, Plato, Apollonius của Tyana hay các triết gia thuộc phái Tân Plato đều không hề là người đồng, bằng không họ đã không được nhận vào huyền môn. Ngoại trừ trường hợp là đồng tử tự nhiên, từ thuở ban đầu xa xưa có một khoa học huyền bí được nhiều người bàn cãi mà có rất ít kẻ thông thạo. Dùng đúng cách thì đó là sự ước ao hướng về nơi chốn thật và duy nhất của ta, tức đời sau, và mong muốn được kết nối gần kề hơn với tinh thần sinh ra ta; còn lạm dụng nó thì đó là tà thuật, tà đạo, ma thuật. Giữa hai điều này là thuật đồng cốt tự nhiên khi một linh hồn khoác lấy vật chất bất toàn, thành công cụ sẵn sàng cho việc dùng đúng đắn hay lạm dụng, và hoàn toàn tùy thuộc vào khung cảnh bên ngoài, tính di truyền về thể chất cũng như tinh thần và bản chất của 'vong linh' chung quanh mà nó thu hút vào mình. Khả năng này có thể là phúc hay họa trừ phi người đồng tinh lọc phần vật chất thô trược.
Lý do tại sao mỗi thời đại có ít hiểu biết về bí ẩn của chứng đạo (initiation) có hai phần. Đầu tiên là nhiều tác giả đã ghi rằng có trừng phạt ghê gớm cho ai tiết lộ dù chỉ phần nhỏ bé nhất. Thứ hai là sự khó khăn vô kể và luôn cả nguy hiểm mà ứng viên gan dạ thời xưa phải trực diện, để hoặc là khắc phục hoặc là thiệt mạng khi muốn được chứng đạo, nếu họ không gặp chuyện tệ hơn là bị mất trí. Ai mà tâm trí đã trọn vẹn thấm nhuần nét tinh thần, và vì thế được chuẩn bị với cảnh tượng tuyệt vời thì không có nguy hiểm thật sự nào. Họ đã nhận biết rõ ràng quyền năng của tinh thần bất tử trong người họ, và không phút nào nghi ngờ sự che chở mọi mặt của nó, nên không có gì để sợ. Nhưng nguy hiểm thay cho ứng viên nào mà mối lo sợ dù là nhỏ nhất về thể chất làm họ mất tin tưởng vào sự bất hoại của mình. Ai không hoàn toàn tin vào đạo đức mạnh mẽ của họ để chấp nhận trách nhiệm của những điều bí ẩn ấy, sẽ bị nguy khốn.
Triết gia, và đặc biệt là ai đã bước vào huyền môn, nói rằng thể tình cảm là phần ta không sờ mó được và là bản sao của thể xác nặng nề. Bên trên thể này là phần tinh thần thiêng liêng soi sáng nó, như tia sáng ấm áp của mặt trời chiếu sáng địa cầu, làm linh hoạt các đặc tính tiềm ẩn trong thể. Thể tình cảm thấm sâu vào thể xác và bị giữ lại trong đó như khí ether trong lọ, hay từ lực chứa đựng trong thỏi nam châm. Nó là trung tâm và động cơ của lực, được nuôi dưỡng từ nguồn lực trong thiên nhiên, và được quản trị bằng cùng những luật có trong khắp thiên nhiên làm sinh ra hiện tượng trong vũ trụ. 
Sinh hoạt của thể tình cảm gây ra hoạt động không ngừng cho thể xác, và cuối cùng cho kết quả là thể xác bị hủy hoại vì dùng quá độ, và thể tình cảm thoát ra. Nó là tù nhân, không phải là kẻ tự ý cư ngụ trong thể xác. Nó chịu sự thu hút của từ lực thiên nhiên bên ngoài mạnh đến nỗi khi thân xác tan rã, thể tình cảm quay về môi trường bên ngoài ấy. Thể xác càng mạnh mẽ, trọng trược, vật chất nhiều chừng nào thì thể tình cảm càng bị cầm tù lâu chừng nấy. Có người sinh ra với thể chất đặc biệt là cánh cửa, thường đóng kín không cho thông thương với cõi trung giới nơi đa số người khác, lại dễ dàng được mở ra và linh hồn họ có thể nhìn vào cõi đó, hay còn có thể bước vào cõi ấy rồi về lại cõi trần. Ai có khả năng làm vậy một cách hữu thức và tự ý được xem là người có thông nhãn, đạo sư, nhà tiên tri; còn ai được làm cho có khả năng ấy, hoặc do thuật thôi miên hoặc do 'vong linh', là người đồng.
Như thế thuật tiên tri có hai loại, hoặc là hữu thức thấy nơi thuật sĩ có thể nhìn vào cõi trung giới; và hoặc là vô thức nơi ai được gợi hứng như các nhà tiên tri trong kinh thánh và người đồng mê man ngày nay.
Có hai loại thôi miên; loại thứ nhất chỉ thuần sinh lực còn loại thứ hai vượt cao hơn, và tùy thuộc vào ý chí và mức hiểu biết của người truyền cũng như là trình độ tâm linh của người nhận, cùng khả năng tiếp nhận ấn tượng nơi cõi trung giới của họ. Điều chắc chắn là thông nhãn tùy thuộc phần lớn vào người trước hơn là người sau. Ai có tâm tánh cứng cỏi thường không dễ bị thôi miên, nhưng khả năng của vị đạo sư làm cho ai cứng cỏi nhất sẽ phải tuân phục. Nếu họ được khôn khéo hướng dẫn bởi người thôi miên, thuật sĩ thì cõi trung giới sẽ cho ra hình ảnh vốn được giữ kín nhất để ta xem xét; vì nếu nó là cuốn sách đóng chặt cho ai thấy mà không hiểu, thì mặt khác nó luôn mở to cho ai muốn thấy nó mở. Nó lưu giữ hình ảnh nguyên vẹn của mọi chuyện đã qua, hiện tại, và sẽ tới. Những hành vi nhỏ bé nhất trong đời ta được in vào đó, và luôn cả tư tưởng của ta cũng được chụp lại nằm mãi mãi trong cõi thiên thu. Nó là cuốn sách của sự sống mà dựa theo đó người chết được xét xử theo công tội của họ, nói tóm tắt ấy là Ký Ức của Thượng đế.
Mỗi tư tưởng mà ta suy nghĩ và mỗi hành động được lưu giữ nơi cõi ether không hư hoại; và biến cố tương lai - là kết quả của nguyên nhân từ lâu nay đã quên - đã thành hình sống động cho nhà tiên tri và ai có thông nhãn thấy. Ký ức mà người duy vật, tâm lý gia thấy khó hiểu và là điều bí ẩn cho khoa học, thì với ai nghiên cứu triết thuyết xưa chỉ là tên chỉ quyền năng mà con người sử dụng một cách vô thức. Ta có chung quyền năng với nhiều thú vật thấp kém là nhìn vào được nơi cõi trung giới, thấy ở đó những chuyện đã qua, xem xét hình ảnh của quá khứ. Con người vào nơi dự trữ mênh mông có lưu lại hình ảnh của đời mỗi người, cũng như là mỗi rung động của vũ trụ hữu hình được tàng trữ mãi mãi vô tận.
Đó là ký ức chớp nhoáng mà sách vở nói là ai sắp chết sẽ thấy lại mọi chuyện trong đời mình đã quên từ lâu, như phong cảnh lộ ra cho người lữ hành mỗi lần có tia chớp; hình ảnh đó chỉ giản dị là linh hồn - đang xoay sở để thoát ra - thấy lại quá khứ của mình đầy mầu sắc không thể xóa nhòa.
Giấc mơ, điềm báo trước, nỗi lo lắng là những ấn tượng mà linh hồn để lại trong não bộ của người, và não ghi nhận chúng rõ ràng ít hay nhiều tùy theo lượng máu đi tới não trong lúc ngủ. Cơ thể càng mỏi mệt chừng nào, phần tâm linh càng được tự do chừng ấy và ấn tượng càng sống động trong ký ức của ta. Không ai, dù thô trược và duy vật thế mấy, có thể tránh được việc có hai đời sống, một trong thế giới hữu hình và cái kia trong cõi vô hình. Sức sống làm linh hoạt xác thân vật chất chính yếu nằm trong thể sinh lực (thể phách), và khi thân xác ngơi nghỉ, các thể khác có nét tinh thần nhiều hơn của ta không hề bị giới hạn hay gặp ngăn trở nào. Nếu đọc lại các triết gia thời xưa, ta sẽ nghiệm ra là thể sinh lực của người nhiều lắm sẽ kéo dài được sự hiện hữu của nó chỉ một thời gian sau khi ta qua đời, còn phần tinh thần thiêng liêng thì bất tử.
Nếu sức sống là điều nằm riêng rẽ với linh hồn và không liên hệ chút gì với nó, thì tại sao khả năng thông nhãn mạnh hay yếu lại tùy thuộc quá nhiều vào việc cơ thể người đồng mê man ? Quan sát thấy là con người mê man càng nhiều, cơ thể càng có ít dấu hiệu của sức sống thì cảm nhận tâm linh càng rõ ràng, và hình ảnh càng mạnh mẽ. Khi ấy, do không bị vướng mắc những giác quan của cơ thể, linh hồn có khả năng lớn lao nhiều lần hơn khi nó ở trong cơ thể cường tráng,  mạnh khỏe. 
Trong kiếp sống ngắn ngủi dưới trần, linh hồn ta thu hút về mình ảnh hưởng của những linh hồn tương tự khác, và khi trí óc nẩy sinh tư tưởng xấu hay tốt, nó lôi kéo vào người những gì cùng bản chất không cưỡng lại được, tựa như thỏi nam châm thu hút vụn sắt. Sức thu hút này tỉ lệ với cường độ mà tư tưởng phát ra trong cõi ether. Như vậy ta có thể hiểu tại sao một người có thể ảnh hưởng mạnh mẽ lên thời đại của mình, và ảnh hưởng ấy có thể được  truyền từ thời này qua thời sau, nhờ luồng năng lực không ngừng trao đổi với nhau giữa hai cõi vô hình và hữu hình, cho tới khi nó tác động lên một phần lớn của nhân loại.
Người đồng chỉ là người bình thường mà có nhiễm lực từ cõi trung giới. Cường độ và khả năng đồng cốt kéo dài bao lâu thì tỉ lệ với mức từ lực cõi này thấu nhập con người họ. Sự thấu nhập ấy có thể là do bẩm sinh hay những cách khác như bị thôi miên, vong linh sử dụng họ hay do ý chí của người ấy. Khi do ý chí của mình thì họ thu hút vào người, như là một xoáy lực, năng lực có sẵn trong cõi trung giới để thêm vào năng lực tự nhiên của họ.
Bởi không nhìn nhận cái nguồn năng lực vô biên, vô cùng tận mà do không có chữ nào khác hay hơn nên ta gọi là Thượng đế, khoa học vật chất bất lực không giải thích được các hiện tượng huyền bí. Chỉ vì bác bỏ hết những gì có thể bắt buộc họ phải vượt qua hàng rào ngăn cách khoa học xác thực và bước vào huyền bí học, mà ta thấy nguyên do bí ẩn của việc khoa học lúng túng với chuyện siêu hình, và các lý thuyết kỳ quặc của họ nhằm giải thích chúng. Đứng xa mà ngó và phủ nhận thực tại của việc siêu hình, thì dễ hơn là cho sự việc một chỗ đứng trong các loại hiện tượng tự nhiên mà khoa học chấp nhận. Nhưng sao họ có thể làm vậy được, vì tất cả những hiện tượng tâm linh với quyền năng bí ẩn lạ lùng là vùng chưa được khoa học ngày nay nhìn nhận.

Theo:
- Isis Unveiled, vol 2, HP Blavatsky.