H.P.B. (Helena Petrovna Blavatsky)
(PST 67)
Nhiều người khác cũng tuyên bố đã xác định được nguồn những câu kinh này. Trong thư trao đổi với thư ký riêng của HPB là ông G.R.S. Mead, nhà đông phương học nổi tiếng Max Muller đồng thời với HPB cho rằng bà ... pha trộn Phật giáo và triết lý Veda với tư tưởng tây phương. Trọn TTH của bà là bản dịch sai những văn bản bắc Phạn (Sanskrit) và nam Phạn (Pali) được hâm lại - rechauffé.
Ông Mead hồi đáp, ghi rằng ông Muller không cho biết sách nào có đoạn nào mà những câu kinh Dzyan trong bộ The Secret Doctrine hay cuốn The Voice of Silence đã dựa trên đó. Dù vậy, ông Mead muốn cho phổ biến thư chỉ trích của học giả Max Muller và sẽ có lời phê bình. Ông Max Muller lẹ làng xin ông Mead đừng làm thế mà cho ông nhận lại thư của mình ngay, vì ông muốn viết lại cho kỹ. Thư được hoàn trả, ông Mead dài cổ chờ đợi mà vẫn không được bằng cớ hứa hẹn chứng tỏ rằng HPB không gì khác hơn là người, từ những bản dịch sai, đã tom góp lại thành sách lạ lùng cho ai khùng điên đọc.
HPB gọi nguồn của kinh Dzyan là bộ kinh Kiu-te, bà qua đời năm 1891; sang thế kỷ 20 năm 1983 có những khám phá cho rằng đó là bộ kinh tên Kanjur, một trong những tạng kinh lớn của Phật giáo Tây Tạng. Bộ kinh có trong thư viện của những tu viện phái mũ vàng thuộc Phật giáo Tây Tạng cũng như trong tu viện của những phái khác như Kargyudpa, Nyingmapa và Sakyapa, và được xem là chứa đựng những chỉ dạy bí truyền của đức Phật.
Trong phần giới thiệu bộ The Secret Doctrine, HPB nói về những ai bác bỏ những điều bà viết vì cho rằng chúng lấy trộm từ những tác giả như Eliphas Levi, Paracelsus, và từ tư tưởng Phật giáo và Ấn giáo. Bà trả lời rằng nói vậy không khác gì ai viết về cuộc đời đức Chúa là lấy trộm từ kinh thánh, và viết về kinh Phật là lấy trộm từ triết lý của đức Phật và Ấn giáo. Bà viết:
... Nhưng cho công chúng nói chung và độc giả của The Secret Doctrine, tôi xin lập lại điều mà tôi đã thưa từ lâu, và nay tôi xin mượn lời của Montaigne:
TÔI KẾT LẠI MỘT BÓ NHỮNG HOA HÁI ĐƯỢC, VÀ KHÔNG GÓP VÀO MÓN GÌ CỦA RIÊNG TÔI, NGOẠI TRỪ SỢI DÂY ĐỂ CỘT BÓ HOA.
Sách Mới và Nơi Chốn Mới.
Vào tháng bẩy 1889, bác sĩ muốn HPB nghỉ ngơi ít nhất hai tuần, bà cần đổi không khí. Theo lời mời của thân hữu, HPB đi Pháp tới Fontainebleau, không xa Paris và ở đó ba tuần. Chuyến đi đáng kể vì tại nơi này HPB viết phần lớn cuốn The Voice of Silence. Bà Besant cũng ghé qua nơi đây vài ngày và tả lại cảnh viết sách:
- Tôi đến Fontainebleau ở chơi một, hai ngày với HPB. Bà đã tới đó trước để nghỉ ngơi vài tuần. Tôi thấy bà dịch những đoạn tuyệt vời từ quyển Kim Huấn Thư – The Book of the Golden Precept mà nay được biết tới rộng rãi bằng tên The Voice of Silence. Bà viết mau lẹ, không có tài liệu nào trước mặt, và tới chiều kêu tôi đọc to để xem 'Anh văn có hợp tai'. Nhiều người khác ngồi quanh HPB khi tôi đọc. Bản dịch tiếng Anh toàn hảo và đẹp đẽ, trôi chẩy du dương; chúng tôi chỉ thấy một hay hai chữ cần sửa, và bà nhìn chúng tôi như trẻ thơ kinh ngạc, lạ lùng với những lời khen ngợi của chúng tôi - lời khen mà ai biết viết văn sẽ bằng lòng ngay nếu họ đọc bài thơ tuyệt vời ấy.
Trong những phần trước ta có nói các học giả đông phương như ông Suzuki đã nhìn nhận sự chân chính của The Voice of Silence, mà các nhân vật tây phương nổi tiếng cũng quý chuộng sách. Đại thi hào Alfred Tennyson của Anh được cho là đã đọc sách vào lúc ông sắp chết. Khi nhận xét về một trong những bài thơ chót của ông, HPB nói:
- Làm như Tennyson có đọc sách TTH, hay được cùng những chân lý vĩ đại gợi hứng như chúng ta.
Ông George Mead, thư ký riêng của HPB nói ở trên, bắt đầu làm việc với HPB vào đầu tháng tám 1889. Một trong những chuyện mà bà giao cho ông là xem lại bản thảo quyển này. Ông viết:
- Tôi thưa với bà sách là tác phẩm ưu việt nhất trong tất cả sách vở TTH, và khác với thói quen của mình, tôi ráng diễn tả thành lời sự hào hứng cảm thấy trong tim ... HPB không hài lòng với tác phẩm của mình, và tỏ ra hết sức lo lắng rằng bà không dịch được hết ý của nguyên tác ... Đây là một trong những đặc tính chính của HPB. Bà không hề có tự tin với tác phẩm của mình, và vui vẻ lắng nghe mọi lời phê bình, ngay cả của ai lẽ ra nên làm thinh. Chuyện lạ là bà luôn luôn thật nhút nhát với những bài viết và sách hay nhất của mình, và lại hết sức tự tin với những bài gây tranh cãi. Bà là người vĩ đại ở giữa người phàm ... muốn đặt nền tảng thì cần có người vĩ đại, mà khi di chuyển tới lui bắt buộc họ lật đổ nhào ngẫu tượng trong miếu thờ của người thấp thỏi hơn.
Trong khi đó tại London, quyển The Key to Theosophy được xuất bản. Trong quyển này sự phân biệt giữa Theosophia và hội Theosophia được giải thích rõ ràng.
Dời về Nhà đường Avenue Road.
Tháng tư năm 1890 công việc làm sách, ra báo của HPB phải ngưng lại một thời gian vì bác sĩ lo ngại cho sức khỏe của bà, và đòi hỏi bà nghỉ ngơi. Mà đây là lúc nhiều chuyện xẩy ra. Trụ sở của hội tại Anh chẳng bao lâu dời từ Lansdowne Road về chỗ rộng rãi hơn tại Avenue Road. Việc đã được chuẩn bị từ nhiều tháng để có thể dời nhà vào tháng bẩy. Một phần của chỗ mới là nhà của bà Annie Besant, được bà cho hội sử dụng. HPB viết cho em gái Vera:
- Chị bị cấm làm việc lúc này, nhưng cũng hết sức bận rộn lo dời nhà từ đầu này của London sang đầu kia. Nhóm đã lấy ba căn riêng biệt nối với nhau bằng khu vườn, trong nhiều năm ... chị đang cho xây phòng giảng có 300 chỗ; phòng sẽ theo kiểu đông phương, lót gỗ mài sáng bóng có lát gạch bên ngoài để cho khỏi lạnh; bên trong không có trần nhà, mái có xà nâng đỡ và cũng làm bằng gỗ mài bóng. Một hội viên là họa sĩ sẽ vẽ những hình ảnh biểu tượng và tranh trên gỗ. Oh, sẽ đẹp lắm.
Ông Olcott ghi:
- Họa sĩ R.Machell vẽ hai mái chúc xuống của trần, với biểu tượng của sáu tôn giáo lớn và 12 hình của đường hoàng đạo.
Ngày nay trong thiệp Giáng sinh ta hay thấy sáu tôn giáo lớn được nối kết như vậy, nhưng vào thời ấy đó là chuyện chưa nghe ai nói tới. Buổi họp đầu tiên là vào ngày 3 tháng 7-1890. HPB viết cho em:
- Ở cuối gian phòng họ để một ghế bành lớn cho chị, và chị ngồi đó như ngồi trên ngai. Ngồi đấy mà không tỉnh trí chi hết vì chị yếu quá, có bác sĩ sẵn đó trong trường hợp chị ngất đi ... Có khoảng 500 người dự tức là gần gấp đôi số người gian phòng có thể chứa ...
Ông Sinnett và nhiều người khác đọc diễn văn, nhưng không cần phải nói, không ai nói hay cho bằng bà Annie Besant. Trời ạ, bà nói hay lạ lùng ! Chị chỉ ước sao em có thể nghe được bà. Nay bà là đồng chủ bút với chị cho tờ Lucifer, và là chi trưởng chi bộ Blavatsky. Ông Sinnett chỉ có một mình tiếp tục là chi trưởng của chi bộ London. Còn chị thì trở thành tương đương với giáo hoàng, chị được đồng thanh chấp thuận làm chủ tịch của tất cả những xứ bộ tại Âu châu. Nhưng hết những chuyện này có ích gì cho chị ? ... Nếu chị được mạnh khỏe hơn một chút - đó mới là chuyện cần. Còn vinh dự và danh vị hoàn toàn không phải là điều chị ưa thích.
Đa số nhân viên tại trụ sở Avenue Road ngụ luôn ở đấy. Bà Besant viết về giai đoạn này như sau:
- Qui luật của nhà rất giản dị, nhưng HPB đòi hỏi sống có điều độ chặt chẽ; chúng tôi ăn sáng lúc 8 giờ, làm việc cho tới ăn trưa là một giờ, rồi làm tiếp đến bữa tối lúc bẩy giờ. Sau bữa tối thì ngưng công chuyện cho Hội, và chúng tôi tụ ở phòng HPB, ngồi nói chuyện về kế hoạch, nhận chỉ dạy và lắng nghe bà giải thích những điểm gút mắc. Tới nửa đêm là tắt hết đèn.
Chính bà thì viết không ngừng; luôn luôn đau ốm mà với ý chí không gì chế ngự được, bà thúc đẩy thân xác mình làm việc ... Trong vai người thầy bà kiên nhẫn thật tuyệt vời, giải thích một chuyện tới lui mãi theo những cách khác nhau, cho tới khi thua cuộc sau một lúc lâu, bà ngả người ra sau trên ghế nói:
- Trời ạ, chắc tôi khùng điên nên bạn không thể hiểu chăng ? Đây, anh/chị X ...
(với ai mà gương mặt ánh lên nét thông hiểu một chút):
- ... chỉ cho những người hết thuốc chữa này là tôi muốn nói gì.
Ai mà kiêu hãnh, tự cao tự đại, cho là mình thông thái thì bà không nương tay, nếu học trò tỏ ra có hứa hẹn, lời sắc bén sẽ chọc thủng vỏ mầu mè. Có người thì bà tỏ ra rất giận dữ, la mắng khiến họ vực mình khỏi sự uể oải; nói cho đúng bà khiến mình như là dụng cụ để tập luyện cho học trò, không màng họ hay bất cứ ai nghĩ gì về mình, miễn là kết quả có lợi cho họ.
Ông George Mead nói về cách HPB huấn luyện học trò của mình đã tác động ra sao cho ông:
- Một điều mà bà luôn luôn làm tôi phải nhớ là có được ý thức về 'fitness of things – làm cho đúng', và bà không nương tay nếu luật về sự hòa hợp này bị vi phạm, không cho người ta tìm được khe hở nào để thoát, và không chấp nhận bất cứ viện dẫn gì, tuy sau đó một phút, bà trở lại là người bạn và vị huynh trưởng đáng mến, người đồng hành không ai có thể dễ thương hơn.
Vera sang chơi với HPB vào tháng tám ở London, nhớ lại:
- Trong thời gian tôi ở đó có nhiều điều làm tôi lo ngại về chị. Tuy tất cả ai làm việc tại đây tỏ ra kính nể, yêu mến và quí chuộng chị, họ đều là người mới, hết sức bận rộn và thêm vào đó, quen với đời sống thật khắc khổ. Không có ai biết cách làm cho chị bớt những chuyện bực bội và bất tiện của đời sống hằng ngày, và có chăm sóc đúng cách, để ý tới chị là điều mà HPB cần ...
Chỉ có nữ bá tước Wachtmeister, theo ý tôi, người đã chăm lo chị thật tuyệt ở Wurzburg và làm chị hồi phục ở Ostend, là có thể cứu được chị. Tôi bảo chị điều ấy nhiều lần. Nhưng từ sáng sớm đến tối bà ra văn phòng ở ngoài phố, cách đây mấy dặm. HPB khăng khăng chống lại đề nghị của tôi, trấn an tôi rằng bà bá tước cần cho công việc và không thể làm ngơ nó. Chị tôi không có tính tư lợi. Do đó vào mùa hè năm ấy chị gửi Bertram Keightley qua Ấn với cùng lý do - anh là người tận tâm với chị như thể chị là mẹ ruột của anh và còn hơn thế nữa. Chị cho rằng nơi ấy cần anh. Và quan trọng hơn nữa, việc anh rời London cần thiết và sẽ có lợi cho anh.
Trong những buổi tối chót mà chúng tôi có với nhau, niềm vui thích lớn nhất của chị là được nghe những bài hát giản dị bằng tiếng Nga. Chị quay sang con gái này rồi con gái kia của tôi, bảo:
- Hát cho bác đi con ! Hát bất cứ bài nào của quê mình ...
Chị lắng nghe thật xúc động và vui sướng như thể biết là sẽ không bao giờ được nghe chúng nữa.
Tới cuối năm 1890, hội Theosophia tại London cho phát hành quyển một của bộ hai cuốn tên Transactions of the Blavatsky Lodge; quyển hai ra vào cuối năm 1891. Trọn bộ liên quan đến bộ The Secret Doctrine, và gồm những câu đáp của HPB cho thắc mắc nêu ra với bà, trong những buổi họp của chi bộ Blavatsky từ tháng giêng đến tháng sáu 1889. Phần trả lời của HPB được ghi lại bằng tốc ký và sau đó được bà coi lại để phát hành.
Một tập sách nhỏ tên 'The Secret Doctrine and Its Study' do ông Robert Bowen ghi lại về những buổi họp tương tự khi chi bộ dời về Avenue Road. Tài liệu ghi ngày 19-4-1891, tức chỉ hai mươi ngày trước khi bà qua đời. Ông viết:
... Tôi cho rằng bộ The Secret Doctrine có chứa đựng tất cả những gì mà HPB biết, và còn hơn thế, vì nhiều điều trong sách là từ những vị có hiểu biết vô cùng rộng rãi hơn bà. Hơn nữa, bà hàm ý không sao lẫn lộn được là người khác có thể bắt được hiểu biết trong sách mà bà không có ... Bà nói cho chúng tôi không chút nghi ngờ gì là đừng xem bà như thẩm quyền sau cùng, và cũng không xem ai như thế, mà chỉ dựa hoàn toàn vào nhận thức riêng mở rộng của chúng tôi.
Nghĩ vậy mà đúng. Tôi trình thẳng với bà ý trên và bà gật đầu, mỉm cười. Được bà mỉm cười chấp thuận đáng giá biết bao.
Bà đã thay đổi nhiều từ khi tôi gặp bà hai năm về trước. Bà đã gắng gượng tuyệt vời ra sao đối với bệnh nặng của mình. Nếu ai không biết gì và không tin gì, HPB sẽ làm họ tin rằng bà là điều chi đó xa vời và vượt ra ngoài thân xác, bộ óc. Tôi cảm thấy, nhất là trong những buổi họp cuối cùng khi bà đau nặng, là chúng tôi nhận được chỉ dạy từ một nơi khác và cao hơn. Làm như chúng tôi cảm biết điều bà nói hơn là nghe với đôi tai xác thịt của mình. Người khác cũng nói y vậy tối qua.
Những Ngày Cuối của HPB
Ông George Mead viết về giai đoạn này như sau:
- Khi chúng tôi dọn về trụ sở mới, có nhiều chuyện thay đổi. Bây giờ nhìn lại thì có vẻ gần như là bà tập cho chúng tôi sẵn với việc bà có thể ra đi bất cứ lúc nào ... Từ khi bà đi Brighton dưỡng bệnh hồi đầu năm ngoái, thân xác bà đã bị đau đớn nhiều và không thể làm việc như trước kia. Nhưng chúng tôi luôn luôn sống với hy vọng lớn lao là bà có lại được sức khỏe bình thường.
Tại Lansdowne Road bà luôn vui thích tiếp khách, và gần như tối nào họ cũng đến gặp bà; còn tại Avenue Road dần dần bà cô lập mình càng lúc càng nhiều, và thường khi buổi tối bà cũng không gặp ngay cả người trong nhà, trừ phi bà đặc biệt cho kêu họ đến.
Lại nữa, lúc gần đây bà lặng thinh lạ lùng, ít khi cho thấy năng lực mạnh mẽ là đặc tính riêng của bà. Cái ý chí không gì khuất phục được vẫn còn đó, tuy thân xác đã mỏi mòn, vì bà ngồi ở bàn làm việc ngay cả khi lẽ ra phải vào giường, hoặc trong áo quan.
Trong thư cho thân hữu ngày 25-5-1891, bà bá tước Wachtmeister cũng bầy tỏ cảm xúc tương tự:
- Chúng tôi quả thật đã có một thời gian đáng sợ, và nay làm như không thể nào có thể cảm nhận được là HPB đã ra đi. Tất cả chúng tôi tin chắc là bà sẽ sống tới cuối thế kỷ, thành ra tuy suốt mùa đông năm nay thấy bà đau yếu luôn và sức lực giảm dần, không ai thực sự hoảng hốt. HPB viết thật ít trong mùa đông này, và như tôi đã viết cho bạn, bà dần dần tách rời mình với chúng tôi. Nay tôi tin bà biết ngày cuối đời sắp tới, và làm vậy để cho chúng tôi quen với sự vắng mặt của bà, cũng như để theo dõi và xem chúng tôi có thể tiếp tục lấy tự mình không cần có bà; giờ thì chúng tôi phải làm việc lấy một mình và theo cách tốt nhất có thể làm.
Trong những tháng cuối đời bà, HPB bận rộn soạn cuốn Theosophical Glossary. Sách được phát hành năm 1892, một năm sau khi bà qua đời. Bà cũng lo viết lại vài chuyện ngắn huyền bí mà sau này được xuất bản cùng năm và có tên Nightmare Tales, tuy sách chứa đựng nhiều hơn cái tên gợi ý.
Thư hằng năm của HPB cho đại hội TTH Hoa Kỳ - năm nay tổ chức tại Boston - viết ngày 15-4, ba tuần trước khi bà qua đời. Đại diện cho bà là bà Annie Besant, dịp đi Mỹ kỳ này là lần thứ nhất bà tới đây. Nhìn lại những biến cố xẩy ra về sau cho Hội, thư có vẻ như là lời tiên tri:
- Từ khi tôi trở lại Âu châu năm 1885, đây là lần thứ ba tôi có thể gửi một phái đoàn từ Anh đến quí huynh đệ và những bạn đồng công dân Hoa Kỳ, để tham dự đại hội TTH thường niên, và nói lên lời chào mừng nồng hậu của tôi. Thân xác tôi đau ốm luôn, nên niềm an ủi duy nhất tôi còn có được là được nghe về tiến triển của công cuộc thiêng liên,g mà tôi đã cống hiến sức khỏe và sức lực mình cho nó. Tuy nhiên, ngày nay vào lúc cả hai điều này suy yếu dần, tôi chỉ có thể cho ra lòng tận tụy thiết tha và lời chúc lành không hề suy yếu, cho sự thành công và phúc lợi của đại hội.
Do đó, tin từ Hoa Kỳ, thư này rồi thư khác, cho hay có thêm chi bộ mới và kế hoạch xem xét kỹ rồi kiên nhẫn thực hiện để quảng bá Thesophia, làm tôi hớn hở và vui sướng không lời nào tả được với bằng chứng tăng trưởng của hội ...
Xin cho tôi nhắc lại một lần nữa với các bạn rằng công việc như thế nay lại cần hơn bao giờ hết. Giai đoạn mà chúng ta đã tới, trong chu kỳ sẽ chấm dứt giữa 1897-1898, là và tiếp tục là một giai đoạn căng thẳng kéo dài và tranh chấp lớn lao. Nếu hội TS qua được khoảng này thì tốt; nếu không, tuy Theosophia không hề hấn chi, Hội sẽ tiêu tán - rất tệ hại và thế giới bị khổ sở ... Không nên mất cơ hội cho việc gây mầm mống bất hòa, lợi dụng cách xử sự sai lầm và giả dối; gieo hoài nghi, tăng khó khăn, tỏ ra ngờ vực tệ hại đến mức sự đoàn kết trong Hội có thể bị tan vỡ, và hàng ngũ hội viên bị rối loạn và thưa dần.
Chưa bao giờ việc hội viên hội Theosophia tâm niệm chuyện ngụ ngôn xưa về bó đũa lại cần thiết hơn hết như hiện nay: phân tán ra thì bó đũa sẽ bị gẫy vụn từng chiếc một không tránh khỏi; bằng đoàn kết lại thì không một lực nào trên đời có thể hủy hoại được nhóm Huynh Đệ của chúng ta.
Nay tôi đau lòng thấy là giữa các bạn, cũng như giữa các hội viên Âu châu và Ấn Độ, có khuynh hướng tranh cãi nhau chuyện không đáng, và để cho lòng tận tụy của bạn với công cuộc của Theosophia chia rẽ các bạn.
Hãy tin rằng ngoài khuynh hướng tự nhiên ấy do sự bất toàn sẵn có của bản tính con người, kẻ thù hằng theo dõi sẽ lợi dụng những đặc tính cao thượng nhất của bạn để phản bội và dẫn dụ bạn sai lầm ... Việc tự tỉnh thức chưa bao giờ cần thiết hơn khi ước muốn riêng lãnh đạo và lòng kiêu hãnh bị tổn thương, trá hình như lòng tận tụy và việc làm xả kỷ; nhưng trong cơn khủng hoảng hiện nay của Hội, việc thiếu lòng tự chủ và tỉnh thức có thể gây tử vong trong mỗi trường hợp ... Nếu mỗi hội viên trong Hội chịu là động lực vô tư để làm lành, không màng đến lời khen hay chê bao lâu họ phụng sự cho tình huynh đệ, tiến bộ có được sẽ làm thế giới kinh ngạc, và đưa con thuyền Theosophy khỏi cơn nguy.
Đời tôi không còn dài, và nếu ai trong các bạn học được gì từ những chỉ dạy của tôi, hoặc nhờ tôi giúp mà thoáng thấy được Chân Ánh Sáng, để đáp lại tôi xin bạn làm cho công cuộc được vững mạnh và nhờ sự đắc thắng ấy, Chân Ánh Sáng - được làm sáng hơn và vinh hiển hơn nhờ nỗ lực chung và riêng của bạn -, sẽ làm sáng tỏ thế giới.
Cầu xin ân lành của các vị đại Huấn Sư xưa và nay đến với bạn. Xin hãy nhận tình hữu ái chân thật không thay đổi của tôi, và lòng biết ơn chân thành tự trong tâm tôi đối với việc làm của tất cả các bạn.
Thư được đọc vào ngày đầu của đại hội, 26-4-1891 trong buổi họp chiều. Sau đó bà Besant đọc một thư khác của HPB:
Chư Huynh Đệ hội viên thân mến,
Tôi chủ ý không có lời nào về thân hữu lâu nhất và cộng tác viên của tôi, ông W. Q. Judge trong bài đọc chung của tôi gửi đến các bạn, vì tôi nghĩ rằng nỗ lực không mệt mỏi và tự hy sinh của ông cho việc xây dựng Theosophia tại Hoa Kỳ xứng đáng được đặc biệt nhắc tới.
Nếu không có ông W. Q. Judge, hẳn Theosophia không có được như ngày nay tại Hoa Kỳ. Ông là người có công chính trong việc xây dựng nên phong trào giữa các bạn, và ông là người đã chứng tỏ qua ngàn cách lòng trung thành trọn vẹn của mình đối với quyền lợi tốt đẹp nhất của Theosophia và Hội.
Trong một đại hội Theosophia không nên có chỗ cho lòng thán phục lẫn nhau, nhưng việc vinh danh cần được nêu ra ở nơi nào xứng đáng nhận nó, và tôi hân hoan nhân cơ hội này xác nhận trước công chúng qua thân hữu và cộng tác viên của tôi là bà Annie Besant, lòng tri ân sâu xa đối với việc làm của vị Tổng Thư Ký của các bạn, và xin gửi đến ông trước mặt mọi người lời cảm tạ chân thành nhất và lòng biết ơn sâu sắc nhất của tôi, nhân danh Theosophia, cho công việc cao cả ông đã và đang làm.
Thân ái,
H.P.Blavatsky.
Trong khi đó tại Anh ngày thứ bẩy 25-4, HPB bị cúm, khi ấy đang có dịch này lan tràn ở London. Trong hai tuần kế tiếp, nhiều lần bà nói với bác sĩ Mennell là mình sắp chết, nhưng bởi bà đã qua mặt tử thần nhiều phen, ông hay ai khác trong nhà không hề tin việc ấy. 'Thông điệp' cuối cùng của HPB cho Hội được nói với bà Cooper-Oakley hai đêm trước khi bà qua đời. Lúc ba giờ sáng, bà đột nhiên ngước lên và nói:
- Isabel, Isabel, xin giữ cho mối dây không bị đứt lìa, đừng để cho kiếp này (last) của tôi bị thất bại.
Bà dùng chữ 'last' nhưng có vẻ không ngụ ý đó là kiếp chót (final), vì như thế sẽ đi ngược với một trong những huấn thị căn bản của quyển The Voice of Silence, qua lời nguyện của đức Quan Thế Âm.
Ngày 7-5-1891, đêm trước khi HPB qua đời, bà bị đau đớn nhiều, Laura Cooper, em gái bà Cooper-Oakley viết:
- Vì càng lúc càng bị thở khó khăn, HPB không thể nghỉ ngơi trong bất cứ tư thế nào; bà thử hết mọi cách mà không được và cuối cùng, bà phải ngồi trong ghế có gối lót chung quanh. Bà ho gần như không ngừng, làm kiệt sức ... Khoảng bốn giờ sáng ngày 8-5 thấy có vẻ HPB đỡ hơn, mạch của bà cũng khá mạnh và từ lúc ấy đến 7 giờ sáng là lúc tôi rời bà, mọi chuyện đều yên và tốt lành. Khi đó chị tôi thế chỗ, để tôi đi nghỉ vài giờ và tôi có nhắn bác sĩ Mennell cho hay về tình trạng của HPB khi ông đến thăm bệnh. Ông làm thế sau chín giờ một chút, cho hay chuyện khả quan, thuốc kích thích cho tác dụng tốt và mạch mạnh hơn, ông không thấy có gì đáng phải lo ngại lúc này và khuyên tôi nghỉ ngơi vài tiếng, kêu chị tôi có thể lo công việc của chị.
Khoảng 11.30 ông Wright gọi tôi dậy, bảo tôi đến ngay lập tức vì HPB hóa nặng hơn và cô điều dưỡng cho là bà chỉ có thể sống được vài giờ.
Đột nhiên có thay đổi thêm, và khi tôi thử làm thấm ướt môi bà, tôi thấy cặp mắt thân yêu đã bắt đầu lịm dần, tuy bà vẫn giữ trọn tri thức tới chót. Lúc còn sống HPB có thói quen động đậy bàn chân khi bà suy nghĩ lung, và bà tiếp tục cử động ấy gần như tới lúc ngưng thở.
Khi không còn hy vọng nào, cô điều dưỡng rời phòng, để ông C.F.Wright, W.R.Old và tôi ở cạnh HPB yêu quí; hai người đàn ông quì ở trước, mỗi người cầm một bàn tay của bà, còn tôi ở một bên với cánh tay choàng qua người đỡ lấy đầu bà; chúng tôi bất động như thế trong nhiều phút, và HPB ra đi thật nhẹ nhàng tới nỗi chúng tôi gần như không nhận ra phút giây bà ngừng thở; một niềm an tĩnh lớn lao tràn ngập gian phòng ...
Trong tuần trước đó, nhiều chuyện lạ xẩy ra tại nhà hai người dì Nadya và Catherine của HPB ở Nga. Nadya kể lại cho em gái của HPB là Vera và sau đó, một bản được gửi cho ông Olcott. Năm 1893, bản này được ông cho đăng trong tờ The Theosophist, số tháng 4.
- Dì có điềm báo trước nhưng mới đầu không hiểu. Cháu biết chiếc nhẫn mà HPB gửi cho dì từ Ấn chứ ? Nhẫn to, trơn có ngọc mã não - agate; viên ngọc phẳng hình thuôn mầu hơi vàng nhạt, trong suốt và ở giữa có một nhánh rêu rất nhỏ nằm trong đó. Dì đeo nhẫn khoảng 12 năm nay, và mầu nhẫn không hề thay đổi - nó luôn luôn trong vắt như gương. Nhưng khoảng một tháng nay (ngày ghi trên thư là 16 tháng năm 1891) dì nhận thấy nhẫn sậm mầu dần, không còn sáng rực rỡ nữa. Cuối cùng nó đen như than làm cho không còn thấy được nhánh rêu. Dì không hiểu làm sao viên ngọc thạch anh như vầy lại có thể hóa đen đậm; dì rửa, kỳ cọ và lau chùi kỹ mà không có hiệu quả gì. Viên ngọc vẫn đen cho tới khi Helena chết, khi ấy ngọc dần dần trong trẻo và vài ngày sau có lại sự trong suốt tự nhiên của nó.
Ngày thứ hai của lễ Phục sinh, gia đình nghe ở ngay chính giữa bàn ăn một tiếng gõ lớn đến mức làm ai nấy giật mình. Lúc đó Helena còn sống, nhưng trọn mấy ngày tiếp theo gia đình nghe những tiếng động lạ, như thủy tinh vỡ, bàn ghế gẫy, dộng mạnh, ngày và đêm. Khi dì nhận được thư của nữ bá tước Wachtmeister cho hay bệnh tình trở nặng, lúc ấy Helena không còn nữa nhưng gia đình chưa hay là Helena đã qua đời.
Dì đọc thư này trong phòng khách cho dì Catherine, nghe xong chị của dì bảo 'Tôi tin chắc là Helena sẽ lành bệnh'. Ngay lúc ấy có một tiếng ầm lớn, hai dì sợ hãi đứng bật dậy chạy ra xem có chuyện gì, vì tiếng động phát ra từ một góc phòng, làm như thể tường sập xuống thành mảnh vụn. Rồi hai dì nghĩ có lẽ bàn ăn với đủ hết ly tách và chén đĩa sứ trên đó bị vỡ tan. Nhưng không có gì xẩy ra hết; tất cả vẫn ở y chỗ không hề hấn gì. Sau khi dì nhận được thư và điện tín của cháu, không còn tiếng ồn nào hết.
(còn tiếp)
Theo:
- Helena Blavatsky, Sylvia Cranston.