VỊ CHÂN SƯ pst66
Vị Chân Sư (tt)
Cyril Scott The Initiate
(Xem Vị Chân Sư từ số đầu tiên trong mục Sách Dịch)
Ta vừa chấm dứt bộ ba quyển The Initiate trong số trước, tiếp theo đây là phần hai của quyển I.
Cách phần này, tên The Circuitous Journey, được viết đã ghi trong chương cuối của phần một, nhưng cần có thêm vài lời giải thích. Nó được gọi là viết qua trung gian một người cảm thụ, và là cách thức mà ai có hiểu biết về huyền bí học hay các phương pháp huyền bí nhận biết, nhưng công chúng chưa có hiểu biết về điều này và có lẽ đa số có lòng nghi ngờ, và cho dù tôi có thuật chuyện thì nhiều phần là họ vẫn hoài nghi. Dầu vậy, lòng hoài nghi không làm thay đổi sự kiện, hay lời biện luận của ai không thấy có thể làm tiêu tan niềm tin của ai đã thấy, vì như bà Besant nói thật mạnh mẽ, 'Sự vô minh không hề thuyết phục được sự hiểu biết'. Nhưng cho dù tình trạng như vậy, ít nhất với ai chịu lắng nghe, tôi bắt buộc phải bầy tỏ niềm tin là những tư tưởng đạo đức, triết lý và huyền bí nằm trong những trang sau, đã được gieo vào tâm trí tôi bởi vị Đạo sư mà nay tôi có thể gọi đúng đắn là Thầy của tôi.
Quả thực là trong vài trường hợp tôi có thể vô tình làm bẻ cong vài ý tưởng như thế, và đưa ra chúng sai lạc, nhưng nếu vậy thì phần lỗi hoàn toàn là do tôi, mà không phải nơi Vị dùng tôi làm phương tiện.
Nói về cách thức dùng để viết chuyện, thầy Justin Moreward Haig cho tôi vài chỉ dẫn trước khi ngài rời London.
- Dùng Anh văn kiểu xưa, trôi chẩy, và càng thi vị càng tốt, ngài nói, vì chân lý huyền bí tạo ấn tượng cho người đọc dễ dàng hơn nếu được viết bằng ngôn ngữ du dương. Và cũng tìm cách điểm trang câu chuyện lớn bằng nhiều câu chuyện nhỏ hơn, và đừng quên dùng rộng rãi các dụ ngôn và so sánh.
Thế thì tôi cố công thực hiện những chỉ dẫn này tới hết sức mình, và chỉ cần thêm một việc nhỏ đáng nói. Khi thầy Haig kể một loại chuyện nào đó hay bàn về đạo đức, tôi để ý thấy ngôn ngữ của ngài có âm điệu và trôi chẩy rất lôi cuốn, gây chú ý mạnh mẽ. Nào, điều lạ là khi bắt đầu viết chuyện, tôi thấy mình bắt chước chính ngôn ngữ đầy nhạc điệu ấy mà không biết. Ngày kia khi đặc biệt cảm nhận sự hiện diện của Thầy, tôi nêu lên câu hỏi trong trí.
– Thầy có gây ấn tượng cho con cách viết cũng như là ý tưởng ?
Câu trả lời đưa ra là.
– Ta không thật sự gây ấn tượng cho con, nhưng con có nét viết theo cách mà ta có thể viết, chỉ vì hai chúng ta thân cận nhau biết là dường nào.
...
I
Lâu lắm rồi, vào thời trước và ở vùng núi non xa xôi, có một người giầu có sinh sống ở đấy, tên Antonius; anh đã hưởng thụ hết mọi thú vui mà sự giầu có của anh có thể mang lại, và đâm ra chán chường vì quá no đủ, tựa như đứa trẻ chán ngán một món đồ chơi đã mất hết sức thu hút. Khi thấy cuộc đời buồn tẻ quá không sao chịu được nữa trong tâm trí đã bị sự hoan lạc làm chai lì, anh quay sang học hỏi những cổ thư và tích xưa, cố công làm trôi qua ngày giờ dài dằng dặc bằng việc thâu thập hiểu biết, sống đơn độc và không tiếp một ai; vì sự viếng thăm của bạn bè thuở trước chỉ gây xáo trộn cho anh trong khi theo đuổi việc học.
Ngày kia, khi đang ngồi đọc sách theo thói quen trong bóng mát ngoài vườn, tình cờ có một người hành khất già qua cổng đi vào, lại đứng trước mặt anh xin bố thí. Do tánh tình tốt lành và không keo kiệt, anh mở túi đưa cho một nắm đồng xu, chào vui vẻ và cầu chúc ông được may mắn. Nhưng người hành khất già, sau khi cảm ơn lòng rộng rãi khác thường của anh, nói.
– Hỡi Ân nhân Hào phóng, xin đừng vội kêu tôi lui ra, kẻo tôi rời mà không đền đáp lại cho anh điều anh vừa làm; vì như thế thật là không phải phép, vì anh cho tôi nhiều hơn tôi có thể mong ước.
Antonius nghĩ thầm.
– Người này có thể có gì mà nói chuyện đền đáp ?
Anh cười dễ dãi, rồi cho ông đứng lại, nhìn nghiêng ngờ vực, chờ xem ông có thể nói gì. Nhưng người hành khất già mỉm cười vui vẻ đáp lại và nói.
– Ồ, hỡi người muốn làm triết gia, hãy biết rằng bề ngoài có tính gạt gẫm, và minh triết đôi khi khoác lấy y phục rất khiêm tốn, bởi kẻ nghèo cũng như người giầu đều có thể có nó, và cũng hãy biết rằng sự may rủi là chữ huyễn hoặc không có chỗ trong Chân Lý, và điều mang tôi tới đây hôm nay không phải là chuyện tình cờ như anh tưởng, mà là kết quả của lòng mong ước, làm việc vô hình qua những lực của Thiên nhiên. Vì thực sự là việc tôi đến đây chỉ là kết quả của lòng khát khao hiểu biết của anh, và lòng rộng rãi của anh là dấu hiệu cho phép tôi để anh bước qua cánh cửa thứ nhất dẫn tới con đường bí mật đi tới Chân Lý, vì Chân Lý mà tôi muốn dành cho anh chỉ có thể đạt được bởi ai có tâm trí rộng rãi mà không bởi điều gì khác, thật vậy, không bởi điều gì khác.
Antonius vểnh tai chăm chú nghe, bụng nghĩ thầm.
– Ta thật đã nhìn lầm người hành khất già này, vì dù sao đi nữa, trông ông có vẻ như nhà hiền triết, và nói chuyện với giọng học thức hơn là dốt nát, vậy lắng nghe và để ý tới điều ông nói sẽ có lợi cho ta.
Nhưng anh nói lớn.
– Hỡi Khách lạ, thật giầu minh triết mà thật nghèo của cải, xin đừng nghĩ rằng tôi muốn cho ông ra mà không lắng nghe ông; ngược hẳn vậy, xin ông ngồi xuống, kẻ hầu của tôi sẽ mang thức giải khát trước khi ông lên đường, vì ông có vẻ của người đi xa, và phải chăng ông đã rất cao tuổi ?
Và rồi người hành khất già ngồi xuống, xếp hai tay lên chiếc gậy sần sùi, trong lúc Antonius vào nhà ra lệnh mang trái cây, bánh mì và rượu ra vườn cho anh, rồi trở ra chờ xem ông cụ muốn nói gì. Sau khi nhã nhặn cám ơn, ông cụ nhìn dò hỏi và đăm đăm vào mắt anh, nói.
– Hỡi Người Tầm Đạo ! Chỉ có phần hết sức sơ đẳng là có thể lọc ra từ những trang sách, và tuy anh chăm chỉ đọc sách đã lâu, việc học của anh chỉ vô ích trừ phi anh biết như thế. Vì hãy biết rằng chân hiểu biết chỉ có thể được tìm thấy trong lòng, và cách đi vào lòng là qua con tim, bởi mọi tối tăm phải được quét sạch bởi ánh sáng của lòng xả kỷ. Và như thế, anh có nhiệm vụ để sách vở qua bên, đi tìm hiểu biết ở nơi khác, rời nhà cửa và để tài sản lại cho gia nhân coi sóc cho đến khi anh trở lại. Vì điều mà anh đi tìm không thể thấy được ở đây, mà ở trên đỉnh của ngọn núi tuyết phủ xa vời vợi, nơi các Chân Sư Minh Triết ẩn cư, hằng trông mong truyền giao kho tàng Giác ngộ cho ai đủ can đảm và kiên tâm theo đường dài lên núi.
'Nhưng, chỉ những ai có lòng vô ngã mới có quyền nhận lãnh hiểu biết ấy, một trong các điều kiện của các ngài là nếu anh không hành trình một mình mà còn đưa người khác tới đền Minh Triết của các ngài; và ngay cả khi những người này hóa chán ngán với việc lên dốc mà thối lui quay xuống, để lại anh theo đuổi chặng đường còn lại một mình, các Chân Sư vẫn tiếp nhận và cho anh phần thưởng. Nhưng hãy biết rằng con đường dài đăng đẳng, như anh có thể thấy bằng cách đo khoảng cách tới rặng núi xa tít kia, và công việc gian nan, khó nhọc, tuy nhiên có nhiều trạm nghỉ chân trên đường như phố xá, làng mạc, nơi anh có thể dừng bước nghỉ ngơi. Ở mỗi nơi dừng chân như thế, anh sẽ được biết không những về chặng đường sắp tới, mà luôn cả một phần hiểu biết, để chuẩn bị cho anh như là lần chứng đạo sơ khởi với mục đích cuối cùng là sự giác ngộ. Và mục đích ấy không gì khác hơn là việc khai trừ được sự tử và có được sự An Lạc vô biên.
Rồi Antonius nói.
– Hỡi lão trượng đáng kính, tuy thân xác ông hao gầy vì bao năm tháng, lời nói của ông vẫn giữ được năng lực của thanh niên, và ngôn từ thoát ra nơi ông như giòng sông nhỏ tuôn lẹ làng ra biển Minh Triết, nên nghe chân thực trong tai tôi. Nhưng dù sao ông đòi hỏi điều bất khả, muốn rằng tôi tìm những người khác làm bạn đồng hành trên chặng đường dài và gian khổ như vậy, vì làm sao tôi tìm kiếm những ai ao ước sự hiểu biết, chẳng những nó lạ mà còn phải mua với giá lạ lùng và khó khăn như thế ? Hơn nữa, ai sẽ tin nếu tôi bảo rằng bên kia núi có những ẩn sĩ sở hữu điều bí mật mà họ chưa hề nghe bao giờ, và rất có thể là họ cũng không màng tới ? Ông có nghĩ là những bạn rượu chè ngày trước của tôi sẽ chẳng làm gì ngoài việc cười vào mặt tôi, nếu tôi đề nghị với họ chuyện kỳ dị không thể kiểm chứng như thế ư ? Thật sự là, tư cách ông có thể không có chút nào đáng nghi, nhưng những điều kiện của ông quả khó mà thực hiện.
Người hành khất già khi nghe lời nghi ngại này nở một nụ cười trên gương mặt nhăn nheo và đáp.
– Hỡi Kẻ Vô Minh, nếu những điều kiện của các Đấng Cao Cả đặt ra không thể thực hiện được trong trường hợp của anh hay của ai khác, thật tình ta sẽ không tới đây phí năng lực bàn chuyện vô bổ, và nói điều không thật. Bởi chẳng phải ta có nói rằng ta đến do lệnh không thể cãi được của số mạng ư, nhằm trả lời cho ước nguyện của anh, mà không phải là ảo ảnh của sự Tình Cờ, hay điều may mắn ? Vì vậy trước khi anh nói ta hay rằng đó là chuyện bất khả, hãy tin và lắng nghe điều ta sẽ nói thêm, bởi tuy không hay nhưng anh đã đi một chặng trên đường dẫn tới Minh Triết, và đã làm tròn một số điều kiện của những Đấng Cao Cả mà anh không biết và ta chưa nói ra.
Và trong khi ông nói vậy, gia nhân trong nhà đi ra băng qua bồn cỏ xanh, mang theo một khay đầy bánh trái và rượu, nên ông ngưng lại, chờ tới khi họ quay trở vào nhà rồi nói tiếp, nhã nhặn làm ngơ cử chỉ của chủ nhân mời ông giải khát. Ông nói.
– Nay ta xin cho hay anh đã đi một chặng trên đường dẫn tới sự hiểu biết ra sao, vì không phải anh đã chán ngán việc rượu chè no say, ham muốn phụ nữ, cùng tất cả những lạc thú mà sự giàu sang của anh có thể mang lại ư; và chẳng phải anh đã quay lưng với chúng vì chúng làm anh phát ốm, làm ngũ quan anh cùn nhụt, như nhiều mật làm khẩu cái chán ngấy ? Không phải anh đã bỏ rơi hết tất cả không chút cực nhọc, vì chúng chẳng còn cho anh vui thích nào ?
Antonius nhìn ông lão và đáp.
– Quả thật tôi đã làm như ông nói, nhưng có con đường nào khác cho tôi theo đuổi, khi thấy rằng bấu víu vào lạc thú không còn mang lại niềm vui là khùng điên cực điểm, tựa như ôm lấy hình bóng phất phơ không cứng chắc gì hơn không khí sao ? Cũng như tôi không thấy có công trạng gì trong việc sẵn lòng vứt bỏ điều làm tôi chán ngán, vì chỉ khi hành động của tôi đi ngược với lòng ao ước thì mới có công, thay vì thuận theo nó.
Người hành khất già mỉm cười đầy vẻ hiểu biết và nói.
– Hỡi Kẻ Ngây Thơ mà có nhuộm một giọt minh triết ! Chỉ ai từ bỏ mà không cần cố gắng chút nào mới thực là từ bỏ; vì kềm lòng với điều mà tâm trí vẫn còn ham muốn là bước trên bờ vực sâu, vẫn còn bị nguy cơ rơi xuống hố thẳm; và xác chết tan nát thì còn có lợi gì cho ai muốn truyền đạt hiểu biết. Bởi tựa như xác chết không thể nghe, hóa điếc với mọi âm thanh, ai bị gậm nhấm bởi con sâu dục vọng cũng không thể nghe, vì họ hóa điếc với mọi Minh Triết. Vậy nay hãy suy gẫm và đi sâu vào ngõ ngách của ký ức anh, xem trong số bạn bè không chừng có vài người anh có thể đem theo cùng với anh tới Chân Lý; và nếu không có ai mà anh yêu quí, không chừng có những người vẫn còn yêu quí anh, và vì tình thương đó nếu không vì điều gì khác, sẽ theo anh trên con đường lớn.
Và rồi, sau khi giải khát chút ít, người hành khất già chậm rãi đứng lên khỏi ghế, chào chủ nhân còn hoang mang, lên đường ra đi.
II
Antonius có một người bạn, khác với những bạn khác của anh, và anh quí mến, tận tình thiết tha, bền chặt, thấy người bạn là gương học tập, nhân từ và thương yêu. Người này sống không xa anh, trong villa sát biển có cây trắc bách diệp bao quanh, một người giàu có lớn mà không như người giầu, chọn cách sống giản dị và vừa phải hơn là quá độ, ăn chơi. Antonius nghĩ thầm.
– Ta hãy đi thăm Pallomides, xin anh lời khuyên về đề nghị của người hành khất già bí ẩn này, vì chẳng phải anh là người đã cho ta mượn những sách đã học bao lâu nay sao; bởi vậy nhiều phần là anh có thể cho ta hay phải theo đường nào, nếu quả thật phải chọn đường mà theo.
Thế nên, tư tưởng vừa nẩy sinh thì anh lập tức đi ngay, theo con đường trắng râm mát, có cành lá giao nhau che phủ, đứng tựa như lính canh hai bên đường, để cho mầu xanh đậm của bầu trời không một gợn mây thấp thoáng xuyên qua kẽ lá. Khi đi tới gần villa mà bạn anh cư ngụ, anh có thể thấy hình dáng cao lớn, đẹp đẽ đang dạo bước tới lui trên sân nhìn ra biển lặng, yên tĩnh; đầu Pallomides cúi xuống quyển sách, chốc chốc lại ngẩng lên, như thể hít lấy hương thơm của biết bao hoa hồng hướng về mặt trời ban mai. Rồi thấy Antonius đang lại gần, nụ cười vui vẻ chào đón nở rộng trên gương mặt trầm tĩnh có nét cổ điển của Pallomides, anh tiến lên gặp bạn, ôm chào theo tục lệ hồi xa xưa đó.
Antonius cho bạn hay mục đích cuộc viếng thăm và về người hành khất già đã khuyến dụ anh có cuộc hành trình lạ lùng không sao lường được, xin bạn giải thích cho trí não hoang mang điều nó nghi ngờ và muốn chìu theo. Pallomides nhìn anh với đôi mắt tươi cười không sao dò được và nói.
– Anh có dễ tin quá không, hỡi anh bạn, có người hành khất già chẳng đáng trọng đến xin bố thí lại có thể khéo léo gây ấn tượng cho tâm trí anh với một đề nghị mà có thể không gì hơn là sự điên rồ rất mực, và nếu anh quyết định có cuộc hành trình, không chừng chỉ mang lại sự thất bại và hối tiếc ? Dầu vậy, tôi cũng có nghe là trên đỉnh rặng núi xa có một tu viện với những tu sĩ bí ẩn có kho hiểu biết không lường được, và người ta có được phần thưởng đáng giá hơn tất cả của cải trên đời khi qua chặng đường leo núi dài, khó nhọc đến tới chỗ họ ở.
'Tuy nhiên tôi không muốn khuyến dụ anh làm việc ấy vì đó là một trách nhiệm, mà khuyên anh đừng đi thì cũng là một trách nhiệm khác y vậy, bởi biết đâu đó, nếu ông hành khất già có thể không thật tâm tỏ lòng biết ơn và muốn đền đáp anh, cho anh biết điều mà ông vì đã già nên nó không làm lợi cho ông. Hơn thế nữa, không có gì mấy cầm giữ anh trong cảnh đời dưới này, thành ra cũng không hại gì về mặt này hay kia, bởi anh đang ở lứa tuổi sung mãn và còn sống nhiều năm trong đời, rồi khi trở về anh vẫn có thể theo đuổi việc học của mình, không chừng lại tốt hơn nhờ cuộc du hành và mạo hiểm.
Antonius nói.
– Anh nói nghe hay lắm, nhưng khó mà thực hiện những điều kiện đặt ra, và tôi kiếm đâu ra bạn để đi cùng với tôi trong việc tìm kiếm lạ lùng xem ra huyễn hoặc như vầy; vì trừ anh ra, do tâm hồn rộng rãi và có hiểu biết, còn có ai khác tôi có thể thuyết phục để tin vào tư cách của tôi, thay vì nhìn tôi như người điên hay thằng khùng ?
Pallomides đáp.
– Chắc chắn anh khen người không xứng với lời khen; vì tâm hồn rộng rãi của tôi chẳng là gì hơn một chút khôn ngoan ở đời, hiểu rằng không nên gạt bỏ hoàn toàn một cơ hội nào gặp trên đường đời và để nó vuột mất. Và chuyện tìm người bạn đường cho cuộc hành trình của anh cũng không khó lắm đâu, vì nếu không có ai thì không chừng một phụ nữ thế vào cũng được.
Antonius bảo.
– Nhưng tôi không biết phụ nữ nào ngoài những ai tôi đã vui chơi khi trước, họ không hợp cho cuộc tìm kiếm của tôi; vì ngay cả khi tôi có thể kêu gọi được họ chịu theo tôi, không phải khó lòng mà những Vị Hiền Triết sẽ chịu nhận họ làm đệ tử cho hiểu biết cao siêu như thế sao ? Hơn nữa tôi đã bỏ rơi họ, và quên họ như giấc mơ tan biến trong đời, gần như không còn nhớ tên họ; thế nên có muốn tìm cũng không được.
Pallomides nhìn bạn mình với ánh mắt của một người cha và nói.
– Ai đi tìm minh triết không làm ngơ ngay cả giấc mơ của mình, để biết đâu sự mỏng manh của nó có ý nghĩa quan trọng và đáng kể; và cho dù nó không có gì, nhớ lại giấc mơ cũng là bài tập cho ký ức không nên chê bai, vì nếu anh không thể nhớ lại ít nhất tên của một trong những người tình của anh thì ký ức anh hẳn phải thuộc loại ngắn nhất; hay có lẽ anh nói không suy nghĩ, hay đang tìm cớ che dấu với tôi việc anh không muốn có phụ nữ làm bạn đường.
Antonius cười một cách ngượng ngập, và nói.
– Ồ, Kẻ đọc được tánh tình người khác ! anh đoán trúng phần nào sự thật, vì tôi ngại phụ nữ sẽ tạo gánh nặng cho mình, bởi họ có thể hay muốn nghỉ chân, nấn ná hay quay về, tánh tình dễ thay đổi như làn gió, nước mắt dễ rơi như mây đầy nước tuôn mưa ào ạt khi qua tuần trăng.
Nhưng Pallomides nghiêm nghị trả lời anh, nói.
– Thế nhưng anh lại quên điều kiện đã đặt ra, và lo đi tìm sự dễ dàng cho riêng mình, tránh né việc đầu tiên phải làm để đạt tới phần thưởng; bởi không phải người hành khất già cho anh hay là chỉ có lòng quên mình mới có thể cho anh tiến vào Thánh Điện, và vì thế anh phải đi cùng với nhiều người khác, không phải để anh được thoải mái hay để chuyến đi bớt cực nhọc trên chặng đường dài sao ? Sao đi nữa, hãy vững lòng đi, tôi sẽ không thúc đẩy anh đi, vì tôi cũng không muốn ngăn cản anh đi, nhưng nếu anh muốn thử vận may theo lời của ông lão khôn ngoan ấy, thì thử làm chuyện nửa vời quả là khờ dại, bỏ qua một phần chỉ dẫn thật rõ ràng của ông, và thay vào đó chỉ làm theo phần kia. Vì thật ra có vẻ như phần mà anh loại bỏ thì có giá trị không kém gì phần mà anh tuân theo.
Antonius cười có chút nhuốm buồn và nói.
– Anh nói đúng lắm ở đây, vì anh biết rõ tôi hơn nhiều người khác, quả thật là chuyện gì đáng làm một phần thì cũng đáng làm cho trọn, và tuy tôi trước tiên muốn tìm người nam làm bạn đường với mình, nhưng nếu không được vậy tôi sẽ làm như anh nói là tìm người nữ thay vào đó.
Anh ngần ngừ một chốc, nhìn bạn mình có vẻ van nài rồi thêm.
– Tôi biết là vô ích nhưng mời anh đi với tôi có được không ?
Pallomides phá ra cười với vẻ vui thú tốt bụng, và trả lời.
– Phải, tôi sợ là nó vô ích.
Thế nên Antonius quay ra, trở về nhà mình, suy tính miên man, nghĩ cách tìm một bạn đường và lời lẽ để thuyết phục họ về giá trị của chuyến đi, nếu tìm ra người. Anh suy nghĩ nhiều giờ cho tới khi chiều xuống ngoài vườn, và đi ra phố, dự tính thăm các thân hữu ngày trước nhưng không mong sẽ có thành tựu cho việc anh muốn làm.
Thế thì, sau khi gặp hết người này rồi người kia, không nhận được gì ngoài tiếng cười và lời chế nhạo vui vẻ cho công khó của anh, anh buộc lòng phải bỏ cuộc tìm kiếm mà anh đã đoán đúng là chẳng đi tới đâu. Anh tự nhủ thầm: – Ta thất bại hoàn toàn với bọn đàn ông, vì như ta đã ngờ, tính ra bọn chúng chỉ thích ta vì thức ăn ngon và rượu ngọt ta đãi chúng ngày xưa, mà không phải vì quí mến ta, vì khi ta hỏi xin có hồi đáp một chút, cả bọn ai cũng như ai đều chối từ, cười vào mũi ta, xem ta như thằng khùng. Vậy nay ta hãy thử với cánh đàn bà, vì có người ít nhất đã nói thương yêu ta, thề thốt sẽ luôn luôn yêu quí ta tuy ta đối xử tệ bạc với cô, và xa lánh cô không còn liên hệ gì. Nay không chừng cô vẫn còn thương ta, và lại còn tin vào chuyện ta muốn làm, cô có thể đi cùng với ta vì tình thương ấy, nếu không vì điều gì khác hơn; bởi có gì cột cô gái làng chơi vào chỗ này hay kia, và ta lại có tiền chi dụng cho cả hai và hơn thế nữa, hẳn là không có gì khó khăn cho chuyện ?
Nên Antonius cuối cùng đi tới nhà cô Cynara, tình nhân ngày xưa của anh; anh kể cho cô nghe hết dự tính của mình trong lòng, còn về phần cô thì mở to mắt lắng tai, rất lấy làm lạ lùng mà cũng đầy tình yêu không hề phai nhạt. Nhưng trong lúc kể chuyện, anh để ý là cô đã già đi, và nhiều nét đẹp khi xưa của cô đã phai tàn theo năm tháng, thân hình cô ốm hơn, mắt cô trũng sâu hơn với vẻ mệt mỏi của tâm hồn làm anh thấy tội nghiệp, mà cùng lúc khiến anh tránh xa cô một chút. Anh nghĩ thầm khi nhìn cô và nói chuyện trong ánh sáng mờ lúc chiều hôm.
– Ta thật tình ước là cô thương yêu ta ít hơn, vì chắc chắn cô sẽ làm ta ngượng nghịu với lòng tận tụy của cô, và không chừng ta phải giả vờ tỏ tình yêu mà lòng nguội lạnh từ lâu. Mà nếu cô không còn thương yêu ta nữa, chắc chắn cô sẽ không thuận làm điều ta hỏi xin, và chịu theo ta làm cuộc hành trình, thế thì ta phải chấp nhận sự phiền nhiễu do tình thương của cô mang lại như cái giá cho việc cô làm bạn với ta, và gắng chịu đựng nó.
Khi anh thuật xong rồi, đi tới cuối câu chuyện, cô nhìn vào mắt anh, trả lời đùa bỡn.
– Hỡi Kẻ không có niềm tin, mà lại đáng yêu ! Tuy anh đã rời bỏ tôi bao năm qua, không hề có thư từ hay lời thăm hỏi xem tôi mạnh khỏe thể nào, và chỉ bây giờ khi cần tôi làm việc gì cho anh, mới tìm đến tôi như là kế cuối cùng; tuy vậy bởi tôi vẫn còn thương anh, tôi sẽ đi cùng với anh trong chuyến đi lạ lùng này, mừng là có được anh trở lại khi tôi tin là đã mất anh luôn. Vì cũng giống như anh chán ngán sự giàu sang của mình, tôi cũng chán chường với những cuộc tình của tôi, và vui lòng chấm dứt hết tất cả chúng, đi tìm điều gì khác hay hơn trên đường đời. Chuyện càng nên làm vì những cuộc tình của tôi chỉ có danh mà không có thực, vì thấp thoáng trong mỗi cuộc tình đều có hình ảnh của anh không tan biến, và kỷ niệm còn sống mãi về anh và tình yêu của anh, và tuy tôi biết rõ là anh không còn thương yêu tôi nữa, dầu vậy tôi sẽ một lòng trung thành đi với anh mà không đòi hỏi gì đáp lại.
Antonius hân hoan trong dạ, tự bảo thầm.
– Cuối cùng ta cũng tìm được người đi cùng với ta, nay không còn nghi ngại chi, ta có thể chuẩn bị cho cuộc hành trình không chần chờ gì nữa.
Nhưng anh nói với Cynara.
– Cô luôn luôn cao thượng và đối đãi với người khác khá hơn là họ đã đối đãi với cô, coi việc hờ hững của tôi không có gì đáng nói so với sự tốt bụng của cô. Nhưng cô sẽ được đền bù ngàn lần bằng phần thưởng mà cô không thể mơ tưởng được cho tới khi cô biết đôi điều về chuyện. Nay tôi phải rời cô, và sẽ cho gọi cô khi tới ngày hẹn, tới lúc tôi chuẩn bị xong mọi điều thiết yếu cho cuộc hành trình của chúng ta. Từ đây tới đó, xin chào cô. (còn tiếp).