KINH THÁNH THỨ BA

 

 

Bài điểm sách kỳ này đặc biệt vì vài lẽ, trước tiên là PST đã giới thiệu sách trong số 29 năm 1988, nay là bài thứ hai, kế đó nguyên do có sách và nhất là nội dung của sách thật lạ lùng, đáng chú ý. Bài điểm sách kỳ hai được tiếp tục 25 năm sau bài đầu tiên nhằm nói về các lẽ trên, và diễn biến việc đưa các huấn dụ ra thế giới đến với mọi người từ đó tới nay. Tuy nhiên ta không đi thẳng vào bài mà mở đầu bằng một lời giải thích.
Mọi tôn giáo, triết thuyết theo với thời gian thường có thay đổi khác với chủ trương ban đầu sau khi vị sáng lập ra đi. Nếu thay đổi tỏ ra bất lợi, chuyện hay thấy là có những nhân vật giỏi dang xuất hiện để cải tổ, chỉnh đốn, làm cho phần tinh hoa của tôn giáo được sáng tỏ trở lại. Trong trường hợp hiếm hoi, chính vị giáo chủ tái xuất hiện để chấn hưng công việc ngài đã khởi đầu. Đôi khi ngài trở lại còn là để sửa chữa sai lầm ban sơ khi giảng đạo như trường hợp của đức Phật. Kinh sách ghi rằng trong kiếp là đức Thích Ca, do lòng thương xót vô biên chúng sinh còn mê muội cùng những khổ nạn của loài người vốn là kết quả của vô minh, đức Phật đã giảng dạy nhiều hơn phần được phép cho ra. Khi thuyết về Nhãn Pháp, ngài để lộ vài điểm vượt quá giới hạn cho phép và khiến chúng bị hiểu lầm. Trong cố gắng loại trừ thần thánh giả hiệu, ngài đề cập tới một số điều bí truyền của thế giới vô sắc tướng khi nói về bẩy con đường dẫn tới Niết Bàn.
Tuy lòng từ ái vô cùng và tình thương bao la với muôn loài vạn vật là căn nguyên cho lỗi lầm không cố ý của ngài, nhưng luật nhân quả không kể tới điều ấy. Bởi vậy, khoảng 50 năm sau khi tịch diệt, vì lòng từ và cũng để cho tròn nhân quả, đức Phật từ chối nhập Niết Bàn và tái sinh lần nữa sử dụng thân xác vị Samkara, bậc tôn sư cao cả nhất của phái Veda tại Ấn và là một vị Phật khác. Triết thuyết của Samkara - dựa trên chân lý vĩnh cửu giống như đức Phật đã làm - là gạch nối giữa phần siêu hình học ẩn mật của Bà La Môn chính thống với phần giảng dạy của Phật giáo, về vỏ ngoài của triết lý bí truyền. Vài thế kỷ sau đó ngài trở lại lần nữa thành vua Suddhodana.  Không một chi tiết hay lời giải thích nào được tiết lộ, mà sách vở chỉ nói rằng hai lần tái sinh này là để che dấu trở lại phần bí truyền đã được tỏ lộ nửa chừng khi trước và do vậy sinh ra hiểu lầm. Vị Phật cuối cùng do đó đã phải trang trải cho xong phần nhân quả của ngài, một điều mà tiên thánh cũng như loài người không ai tránh được.
Ấy là cho đạo Phật, nay sang đạo Thiên Chúa dường như việc vị giáo chủ trở lại để chấn chỉnh đã xẩy ra hồi hai thế kỷ trước, và kéo dài sang giữa thế kỷ 20. Thiên Chúa giáo là một tôn giáo lớn, tuy nhiên có nhận xét chung là hai luật tái sinh và nhân quả không được nói tới rõ ràng như trong Ấn giáo và Phật giáo; luật tiến hóa lại càng ít được đề cập hơn nữa. Việc thiếu chi tiết đó dẫn tới tình trạng là trong bao thế kỷ qua, các giáo hội Thiên Chúa giáo có giảng dạy không đúng về sự sống, như tạo nên hình ảnh một chúa trời giận dữ trừng phạt con người, hoặc nói rằng người ta chỉ có một kiếp trên đời rồi sau đó là thiên đàng hay hỏa ngục mãi mãi, và khuyến khích tín đồ có niềm tin sai lạc rằng Thiên Chúa giáo là tôn giáo duy nhất có chân lý, cũng như đòi hỏi tín đồ tin những điều mà ai có lý trí biết suy xét thấy khó lòng chấp nhận.
Việc chấn chỉnh vì vậy diễn ra theo cách sau. Từ 1866 đến 1950, trong khoảng 50 nhóm ở Mexico có hiện tượng kinh thánh được giảng giải theo lối mới. Hình thức hay thấy là tín đồ tụ họp rồi một người trong nhóm ứng khẩu giảng khi được gợi hứng, nhân vật nói xuyên qua người trong nhóm xưng là đức Chúa, và bài giảng được ghi lại bằng tốc ký. Dần dần chúng được thu thập, sắp xếp thành 12 quyển tiếng Tây ban nha. 
Toàn bộ tên 'The Book of True Life BTL - Sách về Đời Sống Thực' được dịch sang nhiều thứ tiếng, nhưng cho tới nay chưa có thứ tiếng nào dịch hết trọn vẹn, thường thường chỉ vài cuốn trong số 12 cuốn được dịch. Sách có xếp đặt giống như kinh Tân ước và Cựu ước, tức mỗi cuốn gồm các huấn dụ - teachings, mỗi huấn dụ có nhiều câu. Thí dụ T12: 61 có nghĩa huấn dụ - teaching 1, câu 61.
Bởi có nhiều cuốn chưa được dịch, một quyển tóm tắt trọn bộ bằng Anh ngữ được soạn ra gồm các huấn dụ nổi bật nhất.  Sách tên The Album of Wisdom, và dù chỉ tóm tắt cũng lên tới 442 trang.
Nội dung 12 cuốn còn được sắp xếp theo đề mục, làm việc đọc sách được dễ hơn. Cuốn tổng hợp như vậy tên The Compendium và còn được gọi là kinh thánh thứ ba (The Third Testament), dài 592 trang, với hai kinh thánh đầu là Cựu Ước và Tân Ước đã biết.
Ta có thể cảm nhận tính chất một tác phẩm bằng làn rung động (là cách chính xác nhất), và bằng ý tưởng, ngôn từ trong sách. Khi thẩm định bộ BTL theo hai tiêu chuẩn này, bạn nhận biết ngay tác phẩm đáng cho ta chú ý. Trước hết là lời lẽ dịu dàng, từ ái làm người ta nghĩ tới Chân sư K.H., kế tiếp là tư tưởng đầy minh triết mà cũng thật đơn sơ khiến lôi cuốn, gây ngạc nhiên. Ta không biết vị ứng tiếng giảng đạo qua người phàm đúng là đức Chúa hay không, điều ấy xin để bạn đọc có kết luận riêng cho mình; trong bài dưới đây ta chỉ xét ý nghĩa lời giảng.
Kế tiếp, điểm thật quan trọng là ba luật luân hồi, nhân quả, tiến hóa được giảng rõ ràng, chi tiết, làm người ta không còn chút nghi ngờ. Các lời dạy sai lầm từ bao thế kỷ qua nay được vạch cho thấy một cách nhẹ nhàng, đầy yêu thương có sức cảm hóa mạnh mẽ. Ý chê trách nếu có được trình bầy thật khoan hòa, làm tương phản rõ rệt với sự cuồng tín nơi tín đồ hay giáo sĩ thiếu hiểu biết, và như thế tăng cường nhận xét rằng đây là nguồn cảm hứng chân chính, giá trị.
(Ta là người gửi linh hồn đầu thai theo luật tiến hóa ...Và nếu Ta gửi linh hồn không tội lỗi xuống thì các giáo sĩ lấy cớ tội lỗi gì để làm phép rửa tội rửa sạch tội ấy ? Trang 142, câu 45-46).
Nói thêm về tính chất của huấn dụ:
- Bởi lẽ đây là bài giảng cho tín đồ Thiên Chúa giáo, lời nói dùng chữ, hình ảnh, ý niệm mà tín đồ quen thuộc trong Cựu ước và Tân ước cho dễ hiểu. Tuy nhiên khi lọc ra phần hình thức này và nhìn sâu vào ý nghĩa của huấn dụ, ta dễ dàng nhận ra đó không gì khác hơn là Minh Triết Thiêng Liêng. Thế nên đã có sẵn hiểu biết về TTH và dùng đó làm căn bản, bạn sẽ hòa nhịp với các huấn dụ mau chóng, dễ dàng, trọn vẹn.
- Thiên Chúa giáo có đặc tính là lòng sùng tín cao độ, dễ biến thành tin tưởng mù quáng khi thiếu hiểu biết. Lòng sùng tín cũng thấy rõ ràng trong các huấn dụ của BTL, tuy nhiên có minh triết và tình thương đi theo tạo quân bình mà còn làm cho đẹp đẽ.
- Bài giảng dành cho mọi người, tức có tính phổ quát hơn là chuyên môn, để ai cũng có thể hiểu mà không cần phải thuộc tầng lớp nào riêng biệt trong xã hội mới thấu đáo. Các huấn dụ không nhằm đưa ra kiến thức mới mà thiên về sự cảm nhận, ý thức, hiểu bằng trực giác hơn là trí tuệ.
- Chót hết, huấn dụ rất thực tế, rất là 'người' khiến ta đọc với nụ cười khi thì hân hoan vì tâm hồn được nâng cao, khi thì bẽn lẽn vì nói đúng tâm trạng. Mỗi người do trường hợp riêng sẽ có thể tìm trong bộ sách các huấn dụ thích hợp cho mình.
(Đừng đi tìm khuyết điểm nơi huynh đệ của con, những khuyết điểm con có là đủ rồi. Trang 545, câu 151)
Một hội viên có nhận xét ngộ nghĩnh là khi đến thăm chi bộ TTH ở những nước khác nhau, họ nhận thấy các nơi này có biểu tượng của nhiều tôn giáo, duy chỉ có biểu tượng của Thiên Chúa giáo làm như không được thoải mái trong chi bộ TTH. Điều ấy có lẽ vì diễn giải kinh thánh theo lối xưa làm giáo điều Thiên Chúa giáo và hiểu biết về MTTL không được hòa hợp, xuôi thuận cho lắm. Nay huấn dụ mới trong sách The Book of True Life cho thấy triết lý chân chính của Thiên Chúa giáo và MTTL có tương đồng lớn lao hơn nhiều, nếu không muốn nói cả hai là một. Nội dung sách xác nhận rằng MTTL là phần căn bản nằm trong các tôn giáo lớn.
Trong phần dưới ta trích những huấn dụ trong quyển The Compendium nhằm sửa chữa, bổ túc cho các điều nói tới trong kinh Tân ước, và xin bạn đọc lại những câu trích khác trong PST số 29. Riêng bài này trên trang web PST gồm các huấn dụ bên dưới lẫn trong PST 29. Bộ sách rất thích hợp cho mục đích thứ ba của Hội là nghiên cứu và đối chiếu các tôn giáo, cũng như các huấn dụ sẽ là kho tàng minh triết khi được khi diễn giải theo Theosophy. Sách hữu ích cho việc phát triển tinh thần, đặc biệt với ai là tín đồ Thiên Chúa giáo. Nếu có thể xin khuyến khích bạn hoặc tìm mua sách, hoặc vào trang web ghi bên dưới để đọc. Sau đây là chi tiết.

1. Mua sách.
- Tiếng Anh.
a. Chỉ mới có năm cuốn trong bộ 12 cuốn là đã dịch sang Anh văn: cuốn 1, 2, 3, 7 và 10; ngoài ra là hai cuốn:
b. 'The Third Testament' hay 'The Compendium'.
c. The  Album of Wisdom
Nơi gửi mua:
The True Life Foundation,
P.O. Box 1488,
Hawthorne, CA. 90250, USA.

- Tiếng Tây ban nha.
Nơi gửi mua:
Asociación de Estudios Espirituales Vida Verdadera A.C.
Apartado Postal 888,
México D.F. - C.P. 06000.

- Tiếng Pháp, Đức v.v.
Nơi gửi mua: xin vào trang web en.144000.net

2. Trang web.
- en.144000.net: đọc cuốn 'The Album of Wisdom' gồm trích đoạn các huấn dụ trong 12 quyển BTL.
- das-dritte-testament.com: đọc cuốn tổng hợp 'The Compendium', gồm huấn dụ sắp xếp theo đề mục.

 Mong rằng những câu trích sau cho bạn nhiều hứng khởi.

● Về Luật Nhân Quả.

- Đừng nguyền rủa những khó khăn cam go đè nặng con và hết thẩy loài người; đừng nói rằng chúng là sự trừng phạt, giận dữ, hay trả thù của Thượng đế. Ta nói cùng con, những thử thách ấy chính là để mang con người đến cổng cứu chuộc.
Hãy gọi chúng là sự công bằng, hối cải hay bài học và con sẽ nói đúng và chính xác. Lòng tức giận và ý muốn trả thù là cảm xúc nơi con người, là đặc tính của ai vẫn còn xa sự an bình, hòa hợp, và toàn thiện. Gán chữ thô lậu như trừng phạt, hay chữ không xứng đáng là trả thù, cho tình thương của Ta cho con, điều chi phối mọi việc làm của Ta, là không đúng. 
... Hãy xem con người, giữa lúc bị thử thách, rơi xuống hố thẳm sâu, họ tuyệt vọng và thay vì cầu nguyện và ăn năn sám hối, lại chống báng Ta và hỏi: Làm sao Thượng đế trừng phạt tôi như thế này ? Mà trọn những lúc ấy, thật vậy, tinh thần Thiêng liêng nhỏ lệ cho sự đau khổ của con cái mình, và giọt lệ của nó là máu của tình thương, lòng hỉ xả và sự sống. Trang 210, câu 33-37.
-  Ta cho con cơ hội này rồi cơ hội kia để sửa chữa lỗi lầm, và tinh lọc, làm cho tâm hồn toàn thiện thay vì kết tội vĩnh viễn như con đã tin tưởng trước đây.
Nói về sự trừng phạt thì bổn phận con người là chữa lại, làm phục hồi, và trả cho hết món nợ của mình. Không ai, không Cha trên trời, không huynh đệ nào của con dưới thế và trong cõi bên kia sẽ làm điều mà chỉ mình con có thể làm. Tuy vậy, hãy biết rằng Ta luôn luôn đến khi có lời kêu gọi của con, khi thấy mình trơ trọi hoặc bị bỏ rơi con sẽ cảm biết sự hiện diện của Ta ...
Trang 372, câu 12, 15.
-  Hãy hiểu rằng Ta không hề trừng phạt con, mà chính con tự trừng phạt mình.
Trang 152, câu 53.

● Về Hỏa Ngục.

- Con tin rằng Ta, đấng Cha lành, đã tạo ra các nơi chốn đặc biệt nhằm mục đích là trừng phạt con và trả thù muôn kiếp những lỗi lầm của con ư ? Khờ dại thay cho ai tiếp tục giảng những triết thuyết ấy !
Làm sao con có thể tin rằng bóng tối và sự đau khổ mãi mãi là số mạng dành cho linh hồn nào, tuy phạm lỗi, nhưng vẫn luôn là con cái Thượng đế ? Nếu họ cần được chỉ dạy thì đây là vị Huấn sư. Nếu họ cần được thương yêu thì đây là đấng Cha lành. Nếu họ cần được tha thứ thì đây là quan tòa tuyệt hảo.  Trang  246, câu 14-19.
- Khi linh hồn của kẻ tội lỗi nặng nề rời cõi trần và đi vào thung lũng của linh hồn, nó ngạc nhiên khám phá là địa ngục mà nó tưởng tượng thì không có thực; và ngọn lửa mà trước đó nghe nói, thì không gì khác hơn là cốt tủy của chuyện nó làm mà bị lương tâm khe khắt phán xét.
Sự phán xét và soi sáng giữa vùng tối tăm bao quanh kẻ có tội, sẽ gây đau khổ nhiều hơn là ngọn lửa mạnh nhất con có thể tưởng tượng. Nhưng nó không phải là hình phạt chuẩn bị sẵn như là sự trừng trị ai phạm lỗi với Ta. Không, sự trừng phạt này bắt nguồn từ khi người ta hiểu ra lỗi lầm của họ, khi linh hồn bắt đầu cảm thấy sầu não lớn lao vì đã phạm lỗi với Đấng sinh ra mình, và vì không sử dụng tốt đẹp hơn thời gian và tặng vật nhận được từ Thượng đế. Trang 255, câu 41.
- Con tin rằng ta sẽ trừng phạt ai làm phật lòng Ta vì lỗi của họ ư, khi Ta biết rằng tội lỗi ấy làm buồn lòng ai đã phạm nó hơn là Ta ? Và tin rằng do việc trừng phạt họ Ta sẽ không làm tăng sự đau khổ của ai đã phạm lỗi ? Trang 246, câu 14.
- Con nghe nói rằng ai khi hiện diện trước Cha lành mà linh hồn còn mang lỗi nặng sẽ không được tha thứ, và sẽ chịu đọa đầy vĩnh viễn. Nhưng làm sao con có thể nghĩ về công lý thiêng liêng quái dị tới mức đó ? Há con không biết là qua đức Jesus Ta đã nói bao lời dịu ngọt nhất, và ánh mắt nhân từ hơn hết của Ta là dành cho ai phạm tội nhiều nhất ư ? Làm sao Ta có thể dạy cho thế gian một bài học rồi làm ngược hẳn lại trong cõi vô biên ? Trang 515, câu 26-7.

● Về Thiên Đàng.

- Nhưng Ta nói cùng con, thiên đàng không phải là một nơi chốn, một vùng, cũng không phải ngay cả một tòa nhà. Thiên đàng là việc con nâng cao mình và làm cho mình được toàn thiện; nó là trạng thái thanh khiết nơi con. Trang  248, câu 33.
Hãy ngưng giới hạn điều vô hạn, tính Thiêng liêng. Há con không hiểu rằng nếu thiên đàng là như con tưởng tượng, là dinh thự, một nơi chốn đặc biệt, thì nó sẽ không còn vô hạn nữa hay sao ? Đã tới lúc con nên hiểu chuyện tinh thần theo cách cao hơn, để tuy ý tưởng của con vẫn chưa bao trùm hết thực tại, ít nhất nó cũng đến gần hơn.

● Về Diễn Giải Kinh Thánh Sai lạc.

- Ta không thuận với  ai giảng dạy niềm tin mù quáng, đức tin thiếu hiểu biết, có được do lòng sợ hãi và mê tín. Đừng nghe lời ai gán mọi tai ương, khổ nàn mà nhân loại gặp phải là do Thượng đế mà ra, như bệnh tật, đói kém, nạn dịch xẩy ra trên trái đất, bảo đó là sự thịnh nộ và trừng phạt của Ngài. Họ là các nhà tiên tri giả hiệu. Con hãy rời xa những người ấy vì họ không thật sự biết về Ta mà muốn giảng dạy nhân loại về Thượng đế... Nhiều người nói về sự tận thế, ngày phán xét, sự tử và địa ngục mà không biết chút gì về điều thật.
Trang  139, câu 21.
- Thánh John Baptist kêu dân chúng tới, ai đã trưởng thành, và chế nước lên người họ tượng trưng cho việc thanh tẩy. Họ đến với ông lúc đã phát triển trí tuệ, ý thức hành động của mình, và đã có ý chí vững vàng để kiên trì trên con đường làm lành, ngay thẳng và công chính. Hãy xem nhân loại thích làm hành động tượng trưng là thanh tẩy bằng nước hơn, thay vì có sửa mình đích thực qua việc hối lỗi, và có mục tiêu rõ ràng để cải thiện, sinh ra do tình thương Thượng đế. (So sánh huấn dụ này với thói quen rửa tội trẻ sơ sinh từ bao lâu nay). Và nếu ta gửi xuống trần linh hồn không chút tội lỗi thì giáo sĩ vin vào tội lỗi gì để rửa tội ?
Nghi lễ hàm ý không cần cố gắng chi hết, còn ngược lại việc thanh tẩy con tim và phấn đấu cho mình được trong sạch muốn nói con người có nỗ lực, cảnh giác và luôn cả hy sinh. Ấy là tại sao người ta thích che đậy tội lỗi của mình với vẻ ngoài, chọn việc thực hiện nghi lễ, nghi thức, phép bí tích không làm được gì để cải thiện đạo đức hay tình trạng tâm linh của họ, nếu không có lương tâm dự vào.
Hỡi các đệ tử, ấy là tại sao ta không muốn có nghi thức giữa các con, để con không làm theo mà quên đi chuyện gì thực sự có nghĩa lý về mặt tinh thần. Trang 142, câu 43-44.
- Con người quyến luyến nơi mà họ chôn cất thân nhân. Tuy nhiên nếu suy xét ý nghĩa thật của đời sống vật chất, họ sẽ thấy rằng khi thân xác tan rã, nó hoàn nguyên từng hạt nguyên tử vào những cảnh giới khác nhau mà từ đó nó đã lấy để tạo hình hài, và sự sống tiếp tục mở rộng.
Nay con biết rằng mang lễ vật đến nơi có mộ phần thì không ích lợi chi, và bia mộ ghi 'Quá Vãng' thì nên ghi 'Tan Rã và Sự Sống', vì ở đó có thiên nhiên như đóa hoa hé nở, có đất phì nhiêu và biết bao sinh vật đủ loại. Khi hiểu được bài học này, nhân loại sẽ biết cho phần vật chất chỗ đứng của nó, và phần tinh thần có chỗ riêng. Lúc đó việc thờ phượng, cúng bái tổ tiên sẽ biến mất ... Những bàn thờ chăng vải đen  và mộ phần là bằng chứng của sự vô minh, tôn thờ ngẫu tượng. Ta tha thứ lỗi lầm của con nhưng quả thật ta phải làm con tỉnh ngộ ... sẽ tới lúc con người thay của lễ vật chất bằng tư tưởng thanh cao. Trang 143, câu 54-56.
- Lời cầu nguyện chân thật đã mất dạng trên địa cầu. Con người không còn cầu nguyện, mà khi cố gắng làm vậy, thay vì cầu Trời bằng tâm hồn, lại cầu bằng môi miệng, dùng chữ, nghi thức và hình tượng vật chất vô ích. Làm sao họ mong có được phép lạ nếu dùng hình thức và cách thực hành mà đức Jesus không dạy ?
Hãy chỉ cho huynh đệ của con cách cầu nguyện ... Hãy khiến huynh đệ của con hiểu rằng họ không cần phải hãm mình, hay làm da thịt bầm dập tả tơi hầu lay chuyển lòng Ta, và gợi nên ý thương xót hay tội nghiệp nơi Ta. Ai ăn năn chuộc tội bằng cách làm thân thể đau đớn, chỉ hành động vậy do không có ý niệm gì về lễ vật dâng cúng nào làm ta toại nguyện, và cũng không biết chút gì về tình thương và lòng từ của Cha lành.(So sánh với việc ép xác, tu khổ hạnh thực hành trong vài dòng tu Thiên Chúa giáo, và tín đồ hành xác khi đi diễn hành trong dịp lễ Hồi giáo ngày nay).
Con nghĩ là Ta cần thấy giọt lệ trong mắt hay nỗi đau trong tim con mới sinh lòng thương xót con ư ? Tin như thế là gán cho Ta sự cứng lòng, vô cảm, lạnh lùng dửng dưng, và ích kỷ. Con có thể tưởng tượng những khuyết điểm ấy nơi Đấng mà con yêu mến hay sao ? Trang 164, câu 14-19.

- Ta ban phước cho ai cầu nguyện, và lời cầu nguyện càng có nét tinh thần chừng nào, ta càng làm cho họ cảm thấy có nhiều bình an hơn chừng ấy. Điều này con có thể hiểu dễ dàng, vì ai sấp mình trước hình tượng mong cảm biết sự hiện diện của Thiêng liêng, không thể  ghi nhận được cảm xúc tinh thần do sự hiện diện của Cha lành trong tâm.
Mỗi giờ và mỗi chỗ đều có thể thích hợp cho việc cầu nguyện và tham thiền. Trong các huấn dụ ta không hề dạy rằng có nơi chốn hay giờ khắc ấn định cho sự nguyện cầu. Tinh thần con lớn hơn thế giới mà nó cư ngụ, vậy tại sao giới hạn Ta vào hình tượng và nơi chốn hữu hạn trong khi Ta vô hạn ?
Trang 165, câu 26, 31. 

- Hãy dọn mình chuẩn bị, hỡi các con ! Hãy cầu nguyện cho anh chị em của mình, nhưng   trong lúc khẩn nài, con phải biết cách hỏi xin vì linh hồn là điều quan trọng. Nếu anh chị em của con, cha mẹ hay con cái đau ốm, hãy cầu nguyện cho họ, nhưng chớ khăng khăng xin cho họ được sống còn trên đời nếu đó không phải là điều mà linh hồn cần. Tốt hơn hãy cầu xin cho linh hồn của họ được tự do, cho nó được thanh tẩy hết các nỗi đau khổ, và sự đau đớn làm nâng cao tinh thần. Ấy là lý do đức Jesus dạy các con khi trước: Lạy Cha, xin cho ý Cha được trọn. Trang 167, câu 49.

- Chẳng phải máu ta cứu rỗi con mà sự sáng của ta bên trong linh hồn con (Bồ Đề tâm, hay nguyên lý Christ) sẽ cứu chuộc con. Trang 279, câu 3.

- Làm sao con có thể tạo được hòa bình, khi mỗi người lớn tiếng tuyên bố rằng giáo huấn của họ là chân lý duy nhất còn tất cả những ai khác là sai ? Lòng cuồng tín là sự tối tăm, mù quáng, và vô minh, và không hề cho kết quả như của sự sáng. (So sánh với lời tuyên bố của các chi phái Thiên chúa giáo khác nhau, nói rằng chỉ riêng chi phái của họ mới có chân lý). Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu con người khám phá rằng ở mỗi nơi có hình thức thờ phượng khác nhau, theo một cách dị biệt để thực hiện triết lý của Ta ?
Tất cả các con, ở những nơi chốn và vùng đất khác nhau, đều được chỉ dạy bởi một vị Thầy duy nhất là Thượng đế. Trang 85, câu 42-46.

● Về Sự Tử.

- Sự Tử chỉ là một biểu tượng. Sự Tử chỉ có cho ai không có hiểu biết chân lý; đối với họ cái chết tiếp tục là bóng ma nằm sau điều huyền bí, hay chẳng có gì.  Ta nói cùng con, ' Hãy mở mắt và hiểu rằng con cũng sẽ không chết, con sẽ tách lìa khỏi phần vật chất, nhưng điều ấy không có nghĩa là con sẽ chết; mà giống như Thầy của con (đức Jesus), có sự sống vĩnh cửu'.
Đừng tìm cách gạt bỏ cái chết khi nó đến gần con do ý của Ta. Cũng vậy, con chớ nên nhờ khoa học gia tìm cách kéo dài sự sống của con như có phép lạ, và do vậy chỏi với ý muốn của Ta. Bởi cả hai sẽ  khóc than cay đắng vì sai lầm ấy. Hãy dọn mình trong kiếp này, và con không có lý do nào để sợ hãi việc bước sang cõi bên kia. Trang 251, câu 7, 15.

- Nếu con đi tìm sự bất tử của linh hồn thì đừng sợ khi cái chết đến chấm dứt cuộc sống con người, mà hãy chuẩn bị chờ nó tới. Chuyện xẩy ra do Ta ấn định, và bởi vậy luôn luôn công minh, hợp lúc, dù rằng con người thường tin ngược lại. Sự Tử là chìa khóa mở cổng nhà tù mà con thấy mình trong đó do bám víu vào vật chất, và cùng lúc là chìa khóa mở cổng vào vô biên. Trang 253, câu 21-26.

● Về Luật Luân Hồi.

- Ta nói cùng con, một kiếp người thì không đủ để hiểu dù chỉ một bài học của Ta, và để con hiểu cuốn sách mà cuộc đời chứa đựng, cần phải có nhiều kiếp sống. Do đó xác thân chỉ được dùng như là cái nạng cho linh hồn trên đường của nó dưới trần. Trang 113, câu 74.
- Hãy hiểu rằng không ai sinh ra do tình cờ, không ai ngẫu nhiên được tạo nên, và hãy nhận thức là không ai được tự do trên đường đời. Có một luật quản trị, dẫn dắt mọi số mạng. Trang 390, câu 21.
- Đây là lúc Ta đến để nói với con rõ ràng là việc tái sinh của linh hồn có thật, rằng chuyện là vậy từ lúc khởi thủy của con người, như ánh sáng của chân lý và tình thương thiêng liêng mà nếu không có, con sẽ không thể tiến bước trên con đường dài của sự toàn thiện tinh thần. Trang 151, câu 22.
- Thực vậy, Ta nói cùng con, đời sống trên trần là một nấc nữa trên chiếc thang của sự sống. Tại sao con không hiểu theo cách ấy để sử dụng trọn hết những bài học của mình ? Ấy là lý do vì sao nhiều người phải quay lại trần lần này rồi lần nữa, vì họ không hiểu hay không biết dùng kiếp vừa qua. Trang 254, câu 28.
- Ta nói cùng con, nhân loại cần biết là linh hồn của họ đã xuống thế gian nhiều lần, mà họ vẫn chưa thể tiến lên theo con đường có luật Trời để tới đỉnh núi. Trang 267, câu 1.
- Tái sinh là việc trở lại thế giới vật chất để sinh làm người lần nữa, là sự chỗi dậy của tinh thần trong xác thân con người để tiếp tục một công việc. Đó là sự thật về việc phục sinh của xác thân mà tín đồ khi xưa nói đến, diễn giải nó sai lạc tới độ vô lý kỳ quặc.
Tái sinh là món quà mà Thượng đế  ban cho linh hồn con, hầu cho nó không hề bị giới hạn bởi sự nhỏ nhoi của hình hài vật chất, hay bởi kiếp sống phù du trên trần, hay bởi sự yếu đuối tự nhiên của nó; mà đúng ra là bởi linh hồn vốn có bản chất cao hơn, nó có thể dùng bao nhiêu hình hài vật chất mà nó cần để thực hiện phần việc lớn lao của mình dưới thế ... tiếp tục sống còn từ thân xác này sang xác thân kế, qua vô số hình hài được giao cho nó, chiến thắng thời gian, trở ngại và bao cám dỗ.
Làm sao con lại có thể tin rằng vào ngày phán xét cuối cùng, thân xác của kẻ chết sẽ chỗi dậy và đoàn tụ với linh hồn của chúng để bước vào cõi Trời ? Làm sao con lại có thể diễn giải theo cách ấy những điều đã được dạy khi trước ?
Xác thân thuộc về thế giới này và nó nằm ở đây, còn tinh thần chỗi dậy tự do và trở về cõi hiện hữu mà từ đó nó được sinh ra. Điều gì sinh ra bởi xác thịt thì là xác thịt, còn điều gì sinh ra bởi tinh thần của Ta thì là tinh thần. Sự chỗi dậy của xác thân là sự tái sinh của linh hồn.
Hãy gạt bỏ niềm tin con có về ngày phán xét, đó không phải là một ngày như ngày tháng của con, vì nó là một giai đoạn, và chung cuộc của thế giới thì không phải là chung cuộc của địa cầu này, mà là của cuộc sống ích kỷ con đã tạo trên đó.
Vào mọi lúc, ngay cả hồi xa xưa nhất trong lịch sử nhân loại, đã có gương về những vị có tinh thần cao cả. Làm sao con giải thích cho mình sự kiện ấy, là đã có người với tinh thần tiến hóa từ thuở khai thiên lập địa, nếu không phải là trước đó họ đã trải qua nhiều lần tái sinh liên tiếp, giúp cho họ mở mang ?
Ta nói cùng con, ai không sử dụng bài học chứa đựng trong kiếp hiện sinh thuộc thế giới này, cõi trần đầy thử thách, sẽ phải trở lại để hoàn tất việc làm của mình, và trên hết thẩy, để học hỏi.
Trang 268, câu 10-26.
Trang 271, câu 36.

- Tái sinh là cơ hội mà Thượng đế, theo công lý đầy tình thương, cho linh hồn ... để theo đó có thể sử dụng kinh nghiệm học được trong hành trình của nó.
Vậy con sẽ hiểu rằng chỉ một kiếp trên trần, vì quá ngắn so với đời sống tinh thần, không thể là yếu tố quyết định cho sự vô tận của linh hồn. Nói khác đi, nó càng không đủ cho bất cứ ai trong các con có được sự toàn thiện để tới cõi trời mà con gọi là cảnh thiên đàng; cũng y vậy, lỗi lầm trong một kiếp dưới thế thì không đủ để xác định là linh hồn phải đọa chốn tối tăm, hay phải chịu hành hạ đớn đau mãi mãi ... Luật tái sinh của linh hồn là một trong những luật của lòng từ và công lý, cho con người khoảng rộng lớn hơn, có mọi cơ hội cần thiết để đạt tới sự toàn thiện.
Chỉ những ai đã tinh luyện mình nhờ tình thương, tuân theo luật Trời, mới ngưng không tái sinh trên địa cầu. Nhưng ai trong kiếp vừa qua còn để lại một vết máu hay chuyện không lành, sẽ phải quay về trần gian để sửa lỗi, tu bổ lại điều đã hủy hoại, mang sự sống cho vật mất sức sống mà họ bỏ lại trong đời trước, và tha thứ. Nói ngắn gọn là bồi hoàn, tu chỉnh (restitution). (Humanity, trang 22)

- Con e sợ khi nói về luật tái sinh của linh hồn với huynh đệ của mình ư ? Con không tin vào sự công bằng đầy tình thương nằm trong luật à ? Hãy so sánh sự tu bồi (restitution) này với hình thức con người dùng để làm tinh thần ai khác kinh sợ, là trừng phạt trong hỏa ngục lửa cháy muôn kiếp. Thử nói Ta nghe giữa hai điều, hình thức nào cho con ý tưởng về công bằng có tính Thiêng liêng, toàn hảo và thương xót ?
Một điều lộ sự tàn ác, thù hận vô bờ và trả oán; điều kia không có gì ngoài lòng tha thứ, từ bi, niềm hy vọng đạt tới sự sống mãi mãi. Ôi, huấn dụ của Ta đã bị làm cong quẹo biết bao vì diễn giải sai lầm. Nếu huynh đệ con qua đời, ai chống báng chỉ dạy này và chết trong tội lỗi, và Ta hỏi rằng họ muốn điều nào, hỏa ngục đời đời mà họ tin tưởng hay cơ hội được tinh luyện mình dưới trần lần nữa; Ta bảo cùng  con quả thật họ sẽ chọn điều sau, cho dù đã phủ nhận nó trong đời bởi mù quáng vì cuồng tín.
Con chỉ cần biết rằng sự tái sinh của linh hồn là điều thật, để cho ánh sáng được khơi tỏ trong tâm, và cho con cảm nhận nhiều hơn sự công bằng từ ái. Hãy so sánh các lý thuyết và lời diễn giải khác nhau mà những tôn giáo đưa ra về chỉ dạy này, và đi theo lời nào chứa đựng sự công bằng lớn hơn và có lý lẽ vững mạnh hơn.
Ta nói thật cùng con, đây là một trong những khải thị sẽ ảnh hưởng tinh thần con người ở thời đại này, do có trực giác khơi dậy về chân lý lớn lao ấy. Con sẽ xác nhận rằng luật tái sinh của linh hồn là một trong những chân lý vĩ đại mà nhân loại phải biết và tin vào.
... Chuyện cần thiết cho Ta đến vào thời đại này để giảng dạy con rằng sự phục sinh của xác thân chỉ có thể nói tới việc tái sinh của linh hồn, vì ấy là lý do và nguyên lý của sự sống và là điều thực sự vĩnh cửu. Mục tiêu của việc phục sinh thân xác đã chết, vật chỉ là y phục tạm thời của linh hồn, là chi ?
Xác thịt đi vào lòng đất để hòa với nó, được thanh tẩy trong đất và chuyển hóa rồi không ngừng bung ra trở lại thành sự sống khác, còn tinh thần tiếp tục tiến lên cao, đi tới sự toàn thiện. Khi nó trở lại địa cầu, đó là việc chỗi dậy của sự sống con người, và cái vỏ khi tiếp xúc với linh hồn cũng kinh nghiệm sự chỗi dậy.
Trang 554, câu 245-256.

● Về Luật Tiến Hóa.

- ...Luật tiến hóa liên tục cho con người bao môi trường lớn rộng để tìm hiểu, cho phép họ tiếp tục đi sâu vào các bí ẩn của thiên nhiên. Trang 235, câu 2, 3.
- ... Không phải ai cũng đi theo một cách trên con đường tinh thần. Mọi vận mạng đều khác nhau tuy chúng đưa con tới cùng một mục đích. Có người gặp thử thách này, người kia gặp trở ngại khác. Người đi theo đường này, và người khác sẽ theo đường nọ. Cũng như không phải tất cả các con sinh ra vào cùng lúc hay sẽ trở về cùng một ngày giờ.  Có người đi đầu và kẻ khác ở sau, nhưng mục tiêu chờ đón tất cả mọi người. Trang 269, câu 20-21.
- Hãy nhớ kỹ trong tâm là chỉ những gì toàn thiện mới đến được Ta, vì vậy linh hồn con chỉ vào  cõi trời khi nó được toàn thiện. Con sinh ra từ Ta không có kinh nghiệm, nhưng con sẽ trở về với Ta rực rỡ với bao công lao và thánh đức. Trang 283, câu 42.
- Nếu trên địa cầu muốn đi từ lục địa này sang lục địa kia, con sẽ phải trèo đèo lội suối, băng núi cao núi thấp, làng xóm, đô thị, các nước, mới tới nơi, vậy hãy nghĩ muốn tới đất hứa con phải đi xa, và trong chặng đường dài con thu  thập kinh nghiệm, hiểu biết, phát triển, và sự tiến hóa của linh hồn. Nó sẽ là trái của cây sự sống mà chót hết con nếm được, sau khi đã chật vật tranh đấu, và đổ lệ biết bao mới đạt tới. Trang 284, câu 50.
- Ai cũng đang đi trên thang dẫn tới sự toàn thiện tinh thần, có người đạt mức tiến hóa mà vào lúc này con không thể có ý niệm gì về nó, và rồi có những người khác đi sau con. Trang 361, câu 1.

● Về Tôn Giáo.

- Có nhiều tôn giáo được cho phép hiện hữu trên trần, chúng là những con đường tâm linh dẫn tới Thượng đế. Mỗi tôn giáo nào dạy sự công chính, thương yêu và ca ngợi lòng từ thiện đều tốt lành, vì nó chứa đựng ánh sáng chân lý.
Mỗi tôn giáo là một con đường, đường này có thể đúng hơn đường kia nhưng tất cả đều hướng con tới sự tốt lành và cố gắng đưa con tới Thượng đế.
Sự phân chia tâm linh của con người có là vì người này nắm bắt một nhánh cây và người kia nắm bắt nhánh khác. Có nhiều nhánh tuy nhiên chỉ có một cây; dầu vậy con người không hiểu chỉ dạy của Ta theo cách ấy, và sự tranh cãi làm nét dị biệt hóa sâu hơn, rộng hơn. Ai cũng tin rằng mình sở hữu chân lý, ai cũng tin rằng họ đúng. Ta nói cùng con, trong khi nếm trái của chỉ một cành mà không biết gì về trái của cành khác, con sẽ không nhận biết rằng hết tất cả trái đều từ một cây thiêng liêng mà ra, và sự kết hợp của chúng tạo thành chân lý tuyệt đối.
Đừng tin rằng vị Thầy đề cập tới hình thức thờ phượng bên ngoài của những tôn giáo khác nhau khi nói cùng con như thế, mà là đề cập về các nguyên lý căn bản dựa trên đó mỗi tôn giáo thành hình.
Làn gió mạnh ập vào cây làm vài trái rơi rụng, và có người chưa ăn nó bao giờ nay nếm thử rồi họ nói, 'Ta sai lầm quá, và mù quáng biết bao khi lòng cuồng tín làm ta bác bỏ bất cứ trái nào mà người huynh đệ mời thử dùng, chỉ vì có vẻ như ta chưa biết chúng !' ... Vì vậy đừng ai khoe khoang rằng mình nắm giữ mọi chân lý.
'Hãy thương yêu nhau'. Đó là huấn dụ, là điều răn tối thượng của Ta cho con người, không phân biệt niềm tin hay tôn giáo. Hãy đối đãi nhau theo chỉ dạy ấy, và rồi con sẽ thấy Ta hiện diện trong mỗi con.
Sự hợp nhất tôn giáo sẽ xẩy ra khi tinh thần nhân loại vượt lên trên thuyết duy vật, tập tục, thành kiến và lòng cuồng tín. Vì khi đó con người sẽ hòa hợp về phần tâm linh theo chung một cách thờ phượng, làm lành vì tình thương đối với đồng loại và Thượng đế. Lúc ấy con người sẽ bước vào thời hoàn thiện.
Trang 415, câu 4-11.
Trang 416, câu 12-15

- Ta cũng nói cùng con, không cần thiết phải đi vào đám đông rao giảng cho mọi người về triết thuyết của Ta, mà lòng từ của Ta sẽ hướng dẫn người tới gặp con trên đường, ai cần được trợ giúp. Trang 495, câu 66.
- Ta đến để dạy con rằng lời cầu nguyện làm vui lòng Ta nhất và đến với Ta, là lời cầu nguyện trong sự tĩnh lặng và dâng lên tự tâm hồn. Lời cầu nguyện ấy là cái thu hút tia sáng của Ta, qua đó con lắng nghe Ta, mà không phải là bài thánh ca hay lời lẽ làm vui lòng Thiêng Liêng. Trang 534, câu 39.

- Hãy nghe, hỡi các con, Ta cho con sự sáng, giải thoát con khỏi xích xiềng, trói buộc và sự tối tăm. Nhưng Ta không cho phép con biến các huấn dụ này thành một tôn giáo khác, và cũng không phải để làm đầy nó với hình thức và nghi lễ thuận tiện cho mình. Không ! Trang 506, câu 61.
- Con tin rằng ta có thể rao giảng lòng thù nghịch hay ý xấu trong tim con đối với huynh đệ của con mà khác đạo ư ? Không bao giờ, hỡi đệ tử. Con phải làm gương về tình huynh đệ và sự hòa hợp, hãy nhìn ngắm và thương yêu mọi người với cùng tình thương như khi nhìn ai hiểu được cách suy nghĩ của con. Trang 544, câu 133.
- Đừng phán xét bừa bãi, đừng để con bị ấn tượng ban đầu lôi cuốn. Ta cho con khuyến cáo ấy khi phải xét đoán những triết thuyết khác, tôn giáo, triết lý, giáo phái và khải thị tinh thần hay khám phá khoa học. Hãy nhận thức là điều con biết thì không phải chỉ có chúng hiện hữu trên đời, và chân lý mà con biết thì chỉ là một phần nhỏ của Chân lý tuyệt đối, cái biểu lộ qua nhiều hình thức, và có nhiều điều con không biết.
Hãy tôn trọng tín ngưỡng của huynh đệ con, và khi vào thánh đường của họ, hãy làm vậy với lòng khiêm tốn và kính trọng chân thành, biết rằng Ta hiện diện trong mọi cách thờ phượng.
Trang 545, câu 144-146.

Nói thêm thì việc chữa lại lời diễn giải sai lầm trong Thiên Chúa giáo còn được thấy qua nỗ lực của Cyril Scott với hai tác phẩm:
- The Adept of Galilee
- The Vision of the Nazarene
đã được trình bầy trên các số PST trước.

Dưới đây là những câu khác đã đăng trong PST 2của, trích từ  BTL quyển 1 và 2.

- Huấn dụ 12, câu 51 (H:12-51):
Trong những tôn giáo khác nhau các con đã nghe về một Luật tinh thần duy nhất, một Triết lý duy nhất, đúng thật, điều sẽ cai trị mọi người: ' Hãy thương yêu nhau', nhưng Triết lý ấy sẽ được rao giảng bởi người được giác ngộ nhờ các huấn dụ này, không bởi kẻ nói lời dối trá hay bởi giáo sĩ không chính đáng, giảng chuyện hỏa ngục đời đời.

- H:14-7.
Ta có nhiều đệ tử và kẻ mới theo, không phải chỉ ở giữa các con mà trong khắp nhân loại, trong các phái và tôn giáo, vì mỗi người theo mức tiến hóa của mình chiếm những nấc thang khác nhau hợp nên cái thang của tinh thần.

- H:22- 33.
Hãy lắng nghe, hỡi các đệ tử, hầu cho con gột khỏi trí những niềm tin cổ xưa. Thiên Chúa giáo đã bị chia thành nhiều tông phái không tỏ tình thân ái với nhau, hạ nhục, khai trừ và hăm dọa nhau bằng phán xét sai lầm. Ta nói cùng con, họ là người Thiên Chúa giáo không có tình thương, bởi thế họ không phải là tín đồ của Chúa, vì Chúa là sự thương yêu.

- H:22-43.
Ta bảo thật cùng con, khi tư tưởng càng được trong sạch và hành vi càng giản dị và thuần khiết, con sẽ thấy sự hiện diện và ảnh hưởng của thế giới tinh thần trong đời rõ ràng hơn, và nhận được nhiều phép lạ hơn từ đó.

- H: 31-57.
Các con đã tới  một trình độ tiến hóa để có thể hiểu được Ta bằng bản chất thiêng liêng của Ta và cảm được Ta như là
Tinh Thần. Sự tiến hóa và tái sinh của linh hồn đã chuẩn bị cho các con tiếp nhận bài học  mới của Ta.

- H: 31-21.
Ta nghe các con hỏi từ sâu kín trong tâm, Lạy Thầy, làm sao chúng con tiếp nhận được Thầy nếu chúng con có nhiều tội lỗi và Thầy là hiện thân của sự toàn thiện ?

- H: 31-22.
Hỡi nhân loại, Ta trả lời cùng con, con tưởng rằng Ta không biết các con còn bất toàn khi Ta đến tìm con ư ? Ta hiểu mọi việc, không gì che dấu được Ta. Ấy là tại sao Ta đến cùng con để giảng bài học thương yêu, điều đưa con thoát mọi bẫy ngầm và giúp con gột sạch mọi tội lỗi.

- H: 32-64.
Ca hát, kinh cầu, nghi lễ có ích gì cho con nếu lòng con đầy dục vọng thấp hèn ? Ta khát khao tình yêu của con mà không phải trầm hương. Ta ước ao đời con bớt nước mắt và nhiều ánh sáng hơn.

- H: 33-28.
Đừng ai lấy làm lạ rằng lần này ta không xuất hiện trong giữa nhà thờ.

- H: 33-29. Nơi nào có ngạo mạn, tôn thờ vật chất và sùng bái hình tượng, nơi đó không có Ta. Ta muốn biểu lộ mình giữa nơi giản dị và khiêm tốn nhất, nơi không có nghi lễ nào làm con quên đi phần chính yếu trong luật của Ta.

- H: 36-24.
... Hơn thế nữa, nhìn cảnh nghèo khó của nhóm người lúc này đang lắng nghe Ta, và vẻ sơ sài của căn phòng tụ họp, Ta nghe hỏi thầm, Lậy Thầy, sao Thầy không chọn nơi xuất hiện giữa đền thờ, thánh đường to lớn có bàn thờ lộng lẫy và nghi lễ long trọng xứng với Thầy ?

- H: 36-25.
Với ai nghĩ như vậy về  Thầy, Ta đáp, không phải con người mang Ta đến chỗ nghèo khó này, mà bởi chính Ta chọn sự biểu lộ ở nơi khiêm hạ trong vùng ngoại ô nghèo của đô thị, để con hiểu rằng Ta đến với con không phải để tìm vật dâng cúng hay của lễ bề ngoài.
Trái hẳn, nếu Ta trở lại là để giảng thêm lần nữa lòng khiêm nhượng cho con thấy được phần tinh thần trong đó.

- H:40-55.
Hãy chuẩn bị, và trong giờ phút thử thách sự hiện diện của con là đủ cho ánh sáng chiếu rọi thành sự cảm thông và bão tố trở nên bình lặng. Và lời cầu nguyện sâu kín sẽ hóa phép lạ vì một màn nhân ái và dịu hòa sẽ thành hình, bao quanh người mà các con gửi lời cầu nguyện
Bình An của Ta đến với Con .

Sách đọc thêm:
- Collected Writings H.P.B., vol. XIV, 'Mystery of the Buddha', p. 388.