H.P.B. (Helena Petrovna Blavatsky)

(PST 66)

(Xem Mục CHUYỆN H.P.B..)

Người khác nhận xét về ES:
– Khi ES được thành lập, người ta bắt đầu cảm thấy có một ảnh hưởng mới trong lịch sử Theosophy. Tuy các tạp chí về Theosophia không viết gì nhiều về phân bộ - tất cả hoạt động của nó diễn ra bí mật do lời thệ nguyện - ảnh hưởng của tổ chức mới này là làm củng cố năng lực và lòng tận tụy của những hội viên có nhiệt tâm nhất của Hội, mà lợi ích hiển nhiên nhất là cho công việc của phong trào. Với tư cách là trưởng ES, HPB được tự do không bị ràng buộc vào thủ tục điều hành trong mối liên hệ của bà với học viên, những người mà bà xem như là học trò của mình, và bà cho ra những chỉ dạy riêng cho họ, giúp cho giai đoạn phát triển nội tâm họ đang có.
Bởi các tài liệu chỉ phát hành cho học viên trong vòng ES, người ta không thể dùng cơ sở ấn loát thương mại. HPB kể lại trong thư cho em gái Vera về cách thật sơ đẳng được dùng trong việc in văn bản; Vera than phiền rằng lâu quá không có thư của chị, HPB trả lời:
– Nghĩ coi chị phải bận rộn như thế nào, cô em gái vô tâm. Mỗi tháng chị viết bài chỉ dẫn 'Esoteric Instruction' từ bốn mươi đến năm mươi trang, tài liệu về khoa học huyền bí không thể đem in. Có năm hay sáu trong số học viên tình nguyện cực nhọc làm việc vẽ, viết và in thạch bản buổi tối khoảng 320 bản; rồi chị phải coi lại, hiệu đính, so sánh và chữa lại để không có lỗi và để chi tiết bí truyền không bị sai lạc.
Kế đó bà kê ra một loạt dài những chuyện khác bà phải làm. Nói thêm về việc in tài liệu cho ES, xin bạn đọc thêm bài về ES trong PST 61 và James Pryse trong PST 49. Vắn tắt thì James Pryse và anh của ông chuyên nghiệp về nghề in và đã xuất bản nhiều báo tỉnh nhỏ ở Hoa Kỳ, hai người giúp ông Judge tại New York lập cơ sở ấn loát để in tài liệu HPB gửi qua cho học viên ES tại đây. Xong việc, HPB cho mời James sang London làm điều tương tự. Nhà in HPB Press được thành lập, cho in không những tài liệu ES mà luôn cả sách của Hội và những ấn phẩm khác.

HPB có ý niệm thật rõ ràng giữa tiền bạc và việc làm của ES. Trong thí dụ thứ nhất, có vẻ như học viên ES muốn có hình của Chân sư. Họ được yêu cầu trả phí tổn và có ý kiến cho rằng làm vậy thì giống như 'bán' hình. HPB đáp:
– Tại sao lại nói đến việc 'bán' hình ? Trả chi phí chỉ cho việc làm ra hình thì gọi là 'bán' hay sao ? Nói khác đi đặc ân của hội viên chỉ là được trả phí tổn để có hình ... Tôi không hiểu làm sao hình các Chân sư lại hóa ra bớt 'thiêng liêng' vì ta phải trả công cho nhiếp ảnh gia làm ra hình. Bạn vui lòng giải thích được không ?
Thái độ này cho thấy HPB không có đức tin mù quáng với bất cứ điều gì liên hệ đến các vị Chân sư, mà có suy nghĩ mạch lạc sáng suốt. Có lẽ tính thực tế với tiền bạc phần nào do bà từng có thương nghiệp và hiểu rõ cách sử dụng nó đúng đắn. Chuyện thứ hai là thư ngắn sau đây gửi cho học viên ES, thư này chưa hề được xuất bản trước đây từ khi nó được phát hành riêng ngày 1-11 năm 1889.
– Tôi vừa được cho biết là một lá thư của tôi, kêu gọi hội viên nói chung mua báo năm tạp chí Lucifer và hiến tặng cho Lucifer, được đính kèm theo bài Preliminary Explanations số III cho học viên của ES. Nhân cơ hội này tôi xin nói rõ như sau:
Sự việc được làm mà tôi không biết, và nó đi ngược với lệnh rõ ràng của tôi là không bao giờ liên kết việc làm bên ngoài với việc làm bí truyền, và nhất là bất cứ chuyện gì liên quan đến tài chính.
Vì vậy, tôi yêu cầu tất cả học viên ES nào đã nhận được hai phần này, phân chúng ra tách bạch với nhau, đặc biệt nhớ rằng lời kêu gọi gây quỹ không có liên hệ - cũng như không thể có bất cứ liên hệ nào trực tiếp hay gián tiếp - với lời thệ nguyện đã hứa.
Tôi lấy làm tiếc vô cùng và bực bội là chuyện như vậy đã xẩy ra, vì có thể có học viên ES sẽ cho rằng tôi kêu gọi gây quỹ cho báo Lucifer nhắm vào ai có lời thệ nguyện. Xin nói một lần cho rõ cho ai nghĩ như thế là KHÔNG  BAO  GIỜ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi sẽ làm cho khoa học thiêng liêng mất đi sự thiêng liêng do liên kết nó với chuyện tiền bạc.

 

Có Tranh Chấp.

Vào tháng 6-1889, HPB viết:
– Năm 1879 một nhà thần bí ở Ấn Độ nói với tôi là mỗi mẫu tự có ảnh hưởng tốt hay xấu cho đời sống và công việc của mỗi người. Ai mà tên bắt đầu với chữ có âm nghịch với ai khác thì phải tránh người sau này. Tôi hỏi:
– Mẫu tự nào nghịch nhất đối với tôi ?
Ông đáp:
– Hãy coi chừng chữ C. Tôi thấy có ba chữ C chiếu đáng sợ trên đầu của bà. Bà phải coi chừng chúng đặc biệt trong mười năm tới, và che chở cho Hội của bà không bị ảnh hưởng của chúng. Đó là mẫu tự của ba người trong Hội mà về sau thành ba thù địch lớn nhất.
Tôi quên lời tiên đoán lạ lùng ấy cho tới năm 1884 khi ông bà Coulombs sinh chuyện. Tôi tự hỏi tiến sĩ Coues và bà Mabel Collins có thuộc trong danh sách này ?
Chuyện đáng chú ý thêm về ba nhân vật trên, và một nhân vật nữa về sau là ông Coleman, là họ của cả ba chẳng những bắt đầu với cùng mẫu tự C mà còn là 'Co'. Nay nhìn lại tựa cho chương này tình cờ hai chữ ấy cũng là chữ đầu của chương !
Lai lịch chuyện bắt đầu khi ông Eliott Coues gặp HPB và ông Olcott năm 1884 ở Âu châu. Ông gia nhập hội khi ấy và lúc trở về Hoa Kỳ, lập chi bộ ở Washington, D.C.; về sau làm chủ tịch ủy ban kiểm soát của xứ bộ Hoa Kỳ. Ông là nhà cơ thể học, sử gia, điểu loại học, thiên nhiên học. Ông được trọng vọng, gần như là kính nể nhất trong số những chuyên gia lập nên khoa điểu loại học.
Cuộc tranh chấp ghi trong chương này khởi sự khi ông Coues ở Hoa Kỳ và bà Mabel Collins ở London hợp lực với nhau, và cho đăng hai thư của ông Coues trong tạp chí Religio-Philosophical Journal ngày 11-5 và 1-6-1889. Trong thư đầu, ông Coues viết là khoảng bốn năm về trước (tức 1885), do lòng ưa thích quyển The Light on the Path ông viết thư cho bà Collins, khen ngợi sách và hỏi nguồn gốc đích thực của sách. Có thắc mắc này vì có ý là quyển The Light on the Path, do Chân sư K.H. hoặc một vị đạo sư người Ấn nào khác thuộc Hội Theosophia đọc cho bà viết. Mabel Collins mau lẹ hồi đáp bằng thư viết tay, nói rằng The Light on the Path được gợi hứng hay đọc cho viết từ nguồn nói trên. Ông Coues nói tiếp rằng từ khi ấy cho đến nay 2-5-1889 hai người không có trao đổi thư từ thêm, khi ông bất chợt nhận được thư sau của bà, viết ngày 18-4-1889:
... Tôi thấy phải có bổn phận viết cho ông về một chuyện khó khăn và đau lòng đối với tôi mà không thể trì hoãn lâu hơn. Ông có nhớ là đã viết thử hỏi tôi ai là người gợi hứng cho quyển The Light on the Path ... Vào lúc đó tôi đang học với bà Blavatsky và cũng đang tìm hiểu về bà. Hồi ấy tôi không biết gì về các bí ẩn của hội Theosophia, và tôi thắc mắc tại sao ông lại viết thư hỏi tôi chuyện này. Tôi đưa thư ông cho bà xem, kết quả là tôi viết thư trả lời theo lời đọc của HPB ... Nay tôi muốn lương tâm được thanh thản và xin nói rằng tôi đã không tự mình viết thư đó, mà viết chỉ để làm vui lòng bà; và giờ nhận ra mình đã sai lầm khi làm vậy.
Tôi phải nói thêm rằng theo sự hiểu biết của tôi quyển The Light on the Path  không do ai gợi hứng, mà thấy nó được viết trên tường ở nơi tôi viếng trong tâm tưởng ... đọc được rồi viết xuống. Tôi không có bằng chứng gì về sự hiện hữu của một Chân sư nào, tuy tôi luôn tin tưởng là phải có lực của Chân sư.
Trong thư thứ hai cho tạp chí nói trên, ông Coues ghi là trong thư đầu ông không trưng ra bản chính bức thư của bà Collins, nay ông viết lại nguyên văn của thư, thêm rằng ấy là thủ bút của bà Collins, không ghi ngày tháng và không ký tên. Thư ông viết:
– ... Tác giả quyển The Gate of Gold là bà Collins, quyển này cùng với hai quyển The Light on the PathThe Idyll of the White Lotus được một đạo sư đọc cho bà viết, đây là vị thuộc nhóm các đạo sư mà xuyên qua bà Blavatsky đã có tiếp xúc đầu tiên với thế giới tây phương. Tên của vị gợi hứng không thề cho biết vì tên riêng của các Chân sư đã bị làm hoen ố đủ rồi ...
Đây là chính xác từng chữ một, điều bà Collins nay cho biết đã viết sai lạc cho tôi, vì bà Blavatsky 'năn nỉ và van nài' bà Collins làm vậy, và bà Collins cũng viết theo lời đọc của HPB. Nghe quả đúng là có cung cách của HPB.
Thư 1885 này của bà Collins viết cho ông Coues là do ông bịa đặt ra. Truy kỹ thì quyển The Gate of Gold mãi tới năm 1887 mới xuất bản ! Thêm vào đó, năm 1885 khi thư viết bà Collins học với HPB và bà đọc cho bà Collins trả lời, HPB lúc ấy đang ở tại Ấn Độ, cách xa London hằng ngàn dặm đường. Lần đầu tiên HPB đọc sách The Light on the Path là năm 1886, khi ông Arthur Gebhard tặng bà một quyển tại Đức.
Bà Collins thường không nhận mình là tác giả ba quyển sách nói trên, mà ghi rằng chúng do một trong các vị đạo sư đọc cho bà viết. HPB xác nhận ngài là đức Hilarion, vị Chân sư người Hy Lạp, và là vị hợp tác với bà trong loạt chuyện riêng do bà viết. HPB nói về quyển The Light on the Path như sau:
... Quyển The Light on the Path đã được dịch sang Phạn ngữ và được các học giả người Ấn xem như là một kiệt tác Phạn ngữ. Cả trăm năm nay không có việc dịch sang Phạn ngữ nhưng sách có tính chất Phật giáo và bí truyền làm hài lòng người Ấn thông thái. 
Quyển sách nhỏ này là thực là châu ngọc, thuộc về và sinh ra từ cùng trường phái tư tưởng Ấn–Âu và Phật học, và thông thái như bộ The Secret Doctrine.
Điều mà ông Coues không ghi trong hai thư của ông cho tạp chí là bà Collins vừa bị trục xuất khỏi ES. Bà kiện HPB nhưng tại phiên tòa tháng bảy 1890, luật sư của HPB đưa cho luật sư của bà Collins một thư do bà Collins viết, và người này lập tức xin tòa chấm dứt vụ kiện. Nội dung của thư sau đó không hề được tiết lộ.
Sự bất mãn của ông Coues bắt đầu khi hội đồng kiểm soát mà ông nắm quyền chuyên chế trong hai năm, được bãi bỏ. Vào tháng 10-1886, mười hai chi bộ Hoa Kỳ lập thành xứ bộ Hoa Kỳ và bầu ông William Q. Judge làm tổng thư ký. Trong một thư cho thân hữu, HPB viết chuyện diễn biến sau đó:
... Trong thời gian qua ông Coues viết cho tôi nhiều điều, trong đó có việc yêu cầu là phải để cho ông kiểm soát xứ bộ Hoa Kỳ. Ông nỗ lực gợi cho tôi chống lại hai ông Judge và Olcott, và đã thực sự đi xa tới mức gợi ý rằng tôi nên hợp vào âm mưu dối gạt họ ! Trước khi có đại hội mới rồi tại Chicago, ông viết cho tôi đề nghị là vẫn còn thời gian cho ông được bầu làm hội trưởng xứ bộ, và yêu cầu tôi nên gửi điện tín cho đại hội ra lệnh như thế.
Điểm chính trong yêu cầu của ông là tôi cố tình dối gạt trọn xứ bộ Hoa Kỳ bằng cách nói ý muốn của Chân sư là ông nên được bầu làm hội trưởng. Không cần phải nói, mưu của ông không thành ! Và nay, như là kết quả của việc ấy, ông quay trở lại hăm dọa Hội và tôi đủ điều.
Tham vọng của ông Coues muốn khống chế hội được lộ ra trong hai tài liệu trích các thư của ông cho HPB. Thư trả lời của HPB được tìm ra lúc gần đây trong bộ tài liệu của ông Coues thuộc tổ chức State Historical Society of Wisconsin, và đăng trong bài sáu kỳ trên tạp chí The Canadian Theosophist (từ số tháng 9-10-1984 đến số tháng 9-10-1985).
Kết quả của mưu mô này làm bản cho phép thành lập chi bộ Gnostic của hội bị rút lại ngày 22-6-1889 và ông bị trục xuất khỏi hội. Sau khi ra khỏi hội, ông tiếp tục công kích HPB và lại mạnh mẽ hơn trên báo chí. Đáp lại thì HPB giữ yên lặng.
Sang năm 1890 ông thay đổi chiến thuật, mở rộng cuộc tấn công và chọn tờ báo Sun là một trong những tờ báo hàng đầu của New York, có bài vở được trích lại khắp nơi trong nước và chủ bút là ký giả có tiếng Charles Dana. Cuộc tấn công bắt đầu với bài xã luận đăng trên tờ Sun ngày 1-6-1890, Theosophia bị gọi là đạo bá láp (humbug religion), và công chúng được giáo sư Coues cho thấy những mánh khóe dối gạt của bà sau khi ông đã bị gạt nhiều năm.
Số báo ngày 20-7 có một bài 'phỏng vấn' dài với ông xuất hiện trên phụ trang của báo có chứa đựng mọi điều tệ hại nhất có thể tưởng tượng về bà. Từ đó về sau, những ai viết tiểu sử có khuynh hướng thù nghịch với HPB thường trích dẫn từ bài được gọi là 'phỏng vấn' này.  Cả tờ Sun và ông Coues đã dối gạt công chúng khi gọi bài báo là cuộc 'phỏng vấn', vì ông viết cả hai bài trên. Nó có nghĩa một ký giả tưởng tượng đặt những câu hỏi cò mồi mà ông Coues đã viết sẵn câu trả lời. Tài liệu của ông Coues nói trên đang lưu trữ tại Wisconsin có nguyên bản bài viết ông soạn cho tờ Sun.
Trong bài, hai thân hữu Hoa Kỳ có tiếng nhất của HPB là ông Olcott và ông Judge được cho là người khờ khạo và là đồng lõa sẵn lòng của bà. Như là bằng chứng cho tính vô đạo đức của HPB, ông Coues trích dẫn nhiều thư nói rằng vào năm 1857 hay 1858, bà thuộc giới 'demi monde – nhà thổ', có liên hệ với hoàng thân Emile de Wittgenstein và sinh ra một con trai có khuyết tật, sau đó trẻ qua đời tại Kieff năm 1868. Cáo buộc này khiến chót hết HPB phải lên tiếng và nói:
... Cáo buộc phản ảnh mạnh mẽ về đạo đức của tôi và bôi nhọ danh tánh của người đã khuất, một người bạn thân lâu năm của gia đình nên tôi không thể làm thinh, do đó tôi đã cho luật sư của tôi tại New York khởi tố tờ Sun về tội phỉ báng ...
Hai đơn thưa được nộp cho tòa, một về ông Coues và một về tờ Sun. Cả hai nhắm vào cáo buộc nói bà vô đạo đức và đòi bồi thường thiệt hại 50.000 mỹ kim. Vì có nhiều vụ phải xử, phiên tòa kéo dài sang năm 1891. Tháng ba 1891, trong cuộc trình bầy tại tòa trước khi có phiên xử, luật sư cho tờ Sun nhìn nhận là thân chủ của mình không thể chứng tỏ được về cáo buộc vô đạo đức. Ý kiến đưa ra nói rằng nay câu hỏi chỉ còn là số tiền bồi thường là bao nhiêu.
Việc nhìn nhận không có bằng chứng là thắng lợi đáng kể. Sau đó, luật sư của HPB vào ngày 27-4-1891 đưa ra chứng thư của chuyên gia y khoa, cho thấy những lời phỉ báng mà ông Coues đặt ra là hoàn toàn vô căn cứ. Tài liệu cũng cho thấy là luật sư bên nguyên cáo cho tòa hay là hai y sĩ về sản phụ khoa sẵn sàng làm chứng rằng khác với cáo buộc của tờ Sun, bà Blavatsky không có sinh con.
Chủ bút Charles Dana của tờ Sun không phải là người dễ dàng chấp nhận thua cuộc, và có tiếng là theo đuổi tới cùng đối tượng làm ông giận dữ. Tuy nhiên ta phải nói rõ tư cách của ông là tờ Sun ngày 26-9-1892, đăng bài xã luận nhìn nhận có sai lầm trong việc cho in bài viết của ông Coues; hành động này đáng nói ở điểm tờ báo không bị bắt buộc phải làm vậy về mặt luật pháp.
Chuyện quan trọng là bài đính chính không chỉ giới hạn vào cáo buộc về tính vô đạo đức, mà gồm luôn cả những cáo buộc khác ông Coues đã đưa ra. Bài viết:
– Chúng tôi cho đăng ở một trang khác bài viết của ông William Q. Judge nói về cuộc đời lãng mạn và khác thường của bà Helena P. Blavatsky đã quá cố. Nhân cơ hội này chúng tôi nhìn nhận rằng vào ngày 20-7-1890 chúng tôi đã nhầm lẫn khi cho đăng trên báo Sun bài của tiến sĩ Coues tại Washington, trong đó có cáo buộc về tư cách của bà Blavatsky, và luôn cả những ai theo bà, xem ra không có căn bản vững chắc. Bài của ông Judge giải tỏa hết những thắc mắc liên quan đến bà Blavatsky mà ông Coues đưa ra, và chúng tôi muốn nói rằng không có chứng cớ nào cho những cáo buộc của ông Coues về hội Theosophia và cá nhân ông Judge, và lẽ ra không nên đăng.

Bà có Đạo Văn ?

Năm 1890, khi tờ Sun đăng bài viết của ông Coues gọi là phơi bầy HPB, có một cuộc tấn công khác vào tư cách của bà được một người tên William Emmette Coleman lặng lẽ soạn. Chẳng lâu sau đó, ông tung ra cáo buộc là trong tất cả những bài viết của bà HPB đạo văn người khác ở mức thật lớn lao. Nay ta có thêm một chữ 'Co' khác !
Để hiểu về cáo buộc đạo văn ta ghi định nghĩa trong tự điển là 'Lấy cắp và trưng ra ý kiến hay chữ của người khác như là của mình'. HPB không làm vậy. Bà cho ông Ralston Skinner hiểu biết và sau này ông dùng nó viết thành sách, ông tặng cho HPB, nói thêm rằng bà có thể dùng nó như là sách của chính bà. HPB đáp:
- Làm sao tôi có thể trích mà không có dấu trích ? ... Làm sao tôi có thể trích dẫn mà không ghi tên ông ?
Việc mà ông Coleman cho là đạo văn là cách viết mà bất cứ ai xuất bản kết quả nghiên cứu của mình đều làm, kể luôn cả ông. Giải thích cho rõ thì cần có sự phân biệt giữa nguồn sơ cấp và nguồn thứ cấp. Thí dụ nếu ta trích thơ của Nguyễn Du thì thơ ấy là nguồn sơ cấp, còn khi ta trích bài của Tản Đà trích lời Nguyễn Du, văn Tản Đà khi ấy là nguồn thứ cấp. Theo ý ông Coleman, trong thí dụ sau ta phải ghi chú ngay tại chỗ không những Nguyễn Du mà luôn cả Tản Đà. Dầu vậy, cách viết hợp lệ mà đa số tác giả nghiên cứu hằng theo là chỉ ghi ra nguồn sơ cấp. Trong bộ Isis Unveiled, HPB thường ghi nguồn là tác giả nguyên tác và không ghi nguồn thứ cấp.
Ngày nay văn sĩ nhìn nhận nguồn thứ cấp một cách gián tiếp qua việc gộp trong danh mục tên những sách mà họ dùng trong việc nghiên cứu. Ghi hết tất cả thì không nên vì trong vô số tài liệu tham khảo, chỉ một số ít được xem là đáng nêu. Nếu ông Coleman cho rằng HPB phạm qui tắc khi viết văn thì hằng trăm ngàn tác giả khác cũng sẽ có lỗi và bị ông cho là đạo văn.
Theo cách viết sách thời của bà, tác phẩm của HPB không ghi thư mục. Tuy nhiên, nguồn thứ cấp của bà thường được nhắc tới trong sách khi trích tài liệu sơ cấp; vì vậy người đọc biết quyển sách là nguồn thông tin giá trị. Lấy thí dụ ông Coleman cáo buộc rằng HPB dùng bốn mươi bốn đoạn trong quyển The Gnostics and Their Remains của tác giả C.W.King cho bộ Isis, mà không ghi chú nguồn gốc. Tuy nhiên, khi dùng cuốn Gnostics như là nguồn sơ cấp, bà ghi chú tên sách và tác giả ba mươi hai lần.
Chuyện lý thú là văn hào Goethe của Đức nhìn nhận là đã có được tài liệu theo cùng cách thức như các văn sĩ khác đã làm, nhưng bạn sẽ không biết được điều ấy trừ phi bạn đọc được câu khó tìm đề cập tới điều này  do người viết tiểu sử của ông tìm ra:
... Tôi có được thành đạt của mình ... là do hàng ngàn chuyện và người khác ngoài tôi ra, tạo nên tài liệu cho tôi ... và tất cả chuyện mà tôi đã làm chỉ là nắm giữ lấy chúng, và gặt hái được những gì người khác đã gieo thay cho tôi ... Chuyện chính là có ham muốn mạnh mẽ, và kỹ năng cùng sự kiên trì để thực hiện nó. Tác phẩm của tôi là một tổng hợp ký tên Goethe.
Chính ông Coleman không phải lúc nào cũng làm như lời ông dạy là ghi ra nguồn thứ cấp. Trong tiểu luận 'Sunday Not Being the Real Sabbath', ông mượn mà không ghi nguồn gốc nhiều trích dẫn trong tài liệu về cùng đề tài của tác giả William Henry Burr. Trong tập sách 16 trang ông Burr than phiền về ông Coleman và viết:
- Sự kiện là như sau, ông Coleman mượn trong tác phẩm nhỏ của tôi tất cả những gì ông trích ra hay tóm tắt từ ít nhất mười lăm tác giả. Mỗi một trích dẫn mà ông đưa ra từ các tác giả này là mượn từ tôi, và ông không thêm chút gì từ tác phẩm của họ mà không có trong tác phẩm của tôi.
Ông Coleman cũng không ghi chú tên sách của ông Burr, và ông Burr cũng dẫn cho thấy những đoạn nào ông Coleman đã đạo văn.
Ông Coleman tuyên bố mục đích của HPB trong việc trích nhiều tác giả trong quá khứ và hiện tại là để cho thấy bà đọc nhiều, là người thông thái trong khi thực ra 'sự dốt nát của bà về tất cả các ngành hiểu biết thực là to lớn'. Vậy người ta tự hỏi làm sao bà có thể hiểu được những cuốn sách dầy cộm mà bà nghiên cứu, và chọn chỉ phần tài liệu hợp cho mục đích của mình. Tác giả Beatrice Hastings nhận xét:
- (Ông Coleman) không màng đến sự kiện HPB trích dẫn tác phẩm chính yếu là để hỗ trợ cho bà trong việc liên kết khoa học huyền bí trải từ thời rất xa xưa đến ngày nay. Bà sẽ trích từ cuốn sách xưa hay từ tờ báo New York một cách tự nhiên như nhau, bao lâu mà sự kiện hợp cho mục đích của bà.
Ông Coleman thấy làm ngơ việc bà không ngừng trích dẫn tên và người có thẩm quyền là chuyện rất tiện lợi cho ông. Sự thật là ít khi không có trang nào trong sách mà không có một tên, ta được lôi cuốn đi mau lẹ từ người có thẩm quyền này sang người khác, và không chút nghi ngờ điều mà bà thu thập và muốn cho thấy bà không tự tạo ra đề tài của bà. Bà khó mà trích ra tên thường hơn nữa mà không làm độc giả chán. Biết tới đâu nên ngừng như bà đã làm, đòi hỏi sự khéo léo trong việc viết văn ... Còn có gì khéo hơn việc từ một thư viện rộng lớn có chi tiết rải rác đó đây mà hợp những điều căn bản  lại trong một cuốn sách ?

Dầu vậy, nếu nghĩ nghĩ rằng tác phẩm của bà Blavatsky phần lớn chỉ là bàn về những sách khác là sai lầm. Ông Coleman muốn ta tin rằng bộ Isis nói riêng chẳng khác gì hơn là vay mượn từ sách của những người khác nhưng ta dễ dàng chứng minh ngược lại. Khi đếm từng hàng ta thấy là chỉ có 22 % là phần trích dẫn, còn 78% là tư tưởng của bà Blavatsky. Hơn nữa, phần trích dẫn không có giá trị chính mà chỉ là hỗ trợ cho đề mục chính của bà. Ngày nay khi sách được trích dẫn thì không phải những gì HPB chọn lọc từ sách người khác được trích lại, mà là của chính bà, hay nói theo cách của HPB là từ các vị thầy của bà.
Phần trên là ý kiến trong bài của ông Coleman về việc đạo văn chính yếu nhắm vào bộ Isis. Nay ông quay sang bộ The Secret Doctrine và những tác phẩm khác của bà, phần này cho thấy ông đi quá xa tới mức không còn có thể gọi mình là người nghiên cứu thành thật nữa. Khi bàn về bộ Isis, ông ghi số trang, tên sách trích dẫn và đôi khi luôn cả những đoạn song song với nhau; nhưng nay khi qua bộ The Secret Doctrine ông không cung cấp chi tiết như vậy nữa mà nói rằng:
- ... bằng chứng chi tiết và chứng cớ của mỗi đoạn trích dẫn cho vào sách sẽ được cho ra đầy đủ trong sách mà tôi đang soạn để xuất bản – tác phẩm phơi bầy trọn TTH.
Lời hứa này được nhắc lại nhiều lần trong bài viết của ông, như muốn trấn an người đọc là chẳng bao lâu sẽ có tất cả những bằng chứng. Tuy nhiên từ ngày có bài viết này, tháng tám 1893 cho tới khi ông qua đời năm 1909, mười sáu năm trôi qua mà không hề có bóng dáng cuốn sách xuất hiện. Ông không đưa tin gì thêm về việc xuất bản sách lẫn xin lỗi về sự chậm trễ này.
Bộ The Secret Doctrine dài 1.570 trang, nếu không ghi những số trang có trích dẫn trong đó lẫn số trang của sách là nguồn thứ cấp thì làm sao tìm ra các đoạn song song ? Vậy chẳng lạ gì là ông Coleman không hề viết sách của mình. Ông đã tính toán kỹ, người ta tin việc nghiên cứu mà ông nói đã làm mà không cần bằng chứng đã hứa.
Một khám phá mà ông Coleman hãnh diện công bố là ông đã tìm ra nguồn của kinh Dzyan, những câu kinh mà HPB nói rằng bộ The Secret Doctrine và cuốn The Voice of Silence viết dựa trên đó. Theo ông Coleman, những câu kinh Dzyan là 'của HPB đặt ra – là tổng hợp viết theo văn của bà từ nhiều nguồn khác nhau'. Chứng cớ của ông sẽ được trưng ra trong cuốn sách mà ông hứa hẹn, là cuốn không hề xuất hiện.
(còn tiếp).

 

H.P.B. , Sylvia Cranston.