HIỆN TƯỢNG CÁC VỎ

 

 

Khi nghiên cứu tài liệu Theosophia, ta sẽ gặp hai chữ tương tự mà có ý nghĩa khác xa cần phân biệt, là 'Elemental – Tinh linh' và 'Elementary hay Shell – Vỏ'. Trong bài này ta nói về sự khác biệt ấy và tính chất của vỏ. Như đã ghi trong một bài trước, vào những năm đầu của Hội khi MTTL mới được trình bầy cho người phương tây, từ ngữ về Theosophia chưa có và nhiều triết lý, ý niệm tinh thần quá xa lạ với văn hóa Anh, Mỹ nên chữ dùng không thống nhất, cùng một chữ mà bà Blavatsky dùng theo nghĩa này và sau bà, tác giả khác dùng theo nghĩa khác. Ngày nay khi nghiên cứu tài liệu ta có thể bị rối trí nên để giúp bạn đọc, các chữ khác nhau mà có cùng nghĩa được đặt trong ngoặc đơn.

I. Tinh linh và Vỏ
1. Tinh linh

Sinh vật thuộc đường tiến hóa khác với của người, và thường thuộc về các hành khác nhau, như hành thổ (chú lùn), hành hỏa v.v. Mỗi loài giỏi dang về chuyện của riêng loài ấy, và có tinh linh tốt cũng như xấu; chẳng hạn thuật sĩ hay phù thủy điều khiển tinh linh lửa để làm các huyền thuật về lửa. Nhân gian tin rằng chúng làm 'mà' mắt người, khiến ta thấy điều không có thật. Tinh linh hành thổ thì được triệu thỉnh khi thuật sĩ muốn chúng giúp làm hột giống mọc thành cây và có trái chỉ trong một khắc đồng hồ; tinh linh hành thủy giúp tạo ra mưa v.v. Nói tóm tắt thì mỗi hiện tượng vật chất, mà ai biết huyền thuật và tạo ra, có loài tinh linh riêng chuyên biệt cho việc ấy. Ta chỉ nói vắn tắt về tinh linh vì PST có đăng nhiều loạt bài về đề tài này, xin mời bạn xem lại hoặc trong các số báo trước, hoặc trên trang web PST phần Thế Giới Ngoạn Mục của Tinh Linh.
Một trong những khác biệt giữa người và tinh linh là bởi con người tiến hóa cao hơn tinh linh nên thân xác ta có chứa bốn chất mà Phật giáo gọi là tứ đại: phong, thủy, hỏa và thổ, còn tinh linh chỉ chứa một chất mà thôi. Ta sẽ không gặp tinh linh nước trong lửa hay tinh linh khí trong đất.
Tinh linh là tác nhân cho các lực trong thiên nhiên, chúng không tốt cũng không xấu, và có thể chịu sự điều khiển của thuật sĩ chánh đạo lẫn tà đạo. Chuyện thần thoại và truyền thuyết dân gian ở khắp nơi, bất cứ vùng đất nào, cũng nhắc tới chúng ít nhiều. Chúng là tác nhân chính tạo nên mọi hiện tượng trong buổi cầu hồn, làm vỏ linh hoạt mà khách dự cầu hồn tin đó là linh hồn người chết tiếp xúc với họ. Tinh linh được mô tả như là tâm của các lực, có ham muốn rõ rệt mà không có tâm thức theo như ta hiểu. Vì vậy chúng có thể xử sự tốt hay xấu không phân biệt, và không có trách nhiệm.
Tinh linh mà ta bàn trong bài không có thân xác vật chất sờ chạm được, mà chỉ có thể sinh lực thuộc về tứ đại như đã nói và chất ether. Chúng là kết hợp giữa vật chất thanh nhẹ và cái trí sơ khai. Một số chưa có cá tính riêng biệt mà hoạt động tập thể. Loại có cơ thể đậm đặc nhất vẫn thanh bai đủ để làm mắt phàm không thấy được, nhưng ai có thông nhãn sẽ nhìn thấy chúng rõ ràng. Chúng sống trong cõi ether mà còn có thể điều khiển chất này để sinh ra kết quả vật chất, như ta có máy móc dùng sức nước, sức hơi. Hơn thế nữa, tinh linh có thể làm đậm đặc khí để hiện ra hình theo ý, dựa theo hình ảnh nằm trong ký ức của khách dự buổi cầu hồn.
Khách không nhất thiết phải nghĩ đến ai vào lúc đó cho tinh linh thấy hình và tạo ra người giống thật 'hiện hồn' về. Hình ảnh thân nhân có thể đã mờ nhạt theo năm tháng, nhưng trí não giữ lại ấn tượng không thể xóa nhòa của người quen hay ai chỉ gặp một lần. Giống như việc chụp hình chỉ cần vài giây là đủ để giữ lại lâu vô hạn hình ảnh của ai được chụp, thì trí não cũng làm việc giống vậy.

2. Vỏ (Elementary, shell, astral soul, astral body).

Vỏ là các thể mà mà ai qua đời để lại nơi cõi tình cảm. Con người chết lần thứ nhất nơi cõi trần, để lại thân xác vật chất nơi ấy và sang cõi tình cảm với các thể thanh của mình. Sau một thời gian dài ngắn nơi đây, ta 'chết' lần thứ hai và phần tinh thần vào Devachan thuộc cõi trí, để lại thể tình cảm ở cõi tình cảm (trung giới) là vỏ. Vỏ do vậy vô chủ trôi vật vờ như mô tả trong chuyện Hành Trình một Linh Hồn (chương 10  PST 54 trang 52), khi Henry gặp hai vỏ ở hồ, mời bạn xem lại.
Trước khi nói về vỏ, ta hãy nói đến những linh hồn đã bỏ xác và đang ở trong thể tình cảm. Có nhiều linh hồn khác biệt và có thể chia làm ba loại, với linh hồn cao nhất có óc thông minh khôn khéo hoặc tốt hoặc xấu.

1. Loại thứ nhất thuộc về người nào hoàn toàn bác bỏ ánh sáng tinh thần, chìm sâu vào phần vật chất lúc qua đời và tinh thần bất tử đã từ từ tách rời khỏi thể. Với người thuần vật chất như vậy, thể tình cảm bị thu hút về cõi trần không cưỡng được, sống tạm ở đó giữa những chất hợp với bản tính trọng trược của nó. Sau một thời gian thể này bắt đầu tan rã và cuối cùng, như  màn sương, tan biến từng hạt nguyên tử một vào chất liệu chung quanh.
Đây là những vỏ tồn tại lâu nhất ở cõi tình cảm, chứa đầy ham muốn dục lạc cõi trần, và không cảm nhận được ảnh hưởng tinh thần từ những thành phần cao hơn của con người. Chúng sống lâu hơn và khó tàn lụi, ta được biết là đôi khi chúng tồn tại cả mấy trăm năm mới tan rã.

2. Loại thứ hai gồm người đã phát triển một chút phần tinh thần, dù vẫn còn bám víu ít nhiều vào vật dưới thế gian và cuộc sống nơi ấy, có ước vọng cùng tình cảm trụ vào cõi phàm hơn là cõi trời. Đó là người trung bình trên đời và họ ở cõi tình cảm khoảng thời gian ngắn hơn, tuy tự nó được xem là dài và tương ứng với cường độ của lòng ham sống.

3. Loại thứ ba là những ai chết một cách dữ dằn, hay tự tử. Người sau vì chưa dứt kiếp sống theo luật định nên phải ở lại trong cõi tình cảm cho đến hết hạn kỳ dưới trần.

Tinh linh và vỏ không thể được xem là linh hồn người đã khuất, bởi lẽ bản chất trọng trược nhất của cả hai loại này sẽ chìm xuống phần thấp nhất nơi cõi tinh thần, nói khác đi ta sẽ gặp chúng ở nơi gần mặt đất nhất. Ngược lại thì phần thanh bai nhất sẽ ở nơi cao, xa cõi trần nhất
Mặt khác, tinh linh có thể chiếm lấy một vỏ vô chủ như thế và làm nó linh hoạt. Luật chung là tinh linh tự chúng có thể tạo ra hiện tượng nơi cõi trần hoặc sử dụng các vỏ; và trong trường hợp ngoại lệ như lòng mong ước của con tim trong sạch, thương yêu, hay do tư tưởng cuồng nhiệt, ý nguyện nung nấu chưa tròn, vào lúc lâm tử, linh hồn người chết có thể hiện ra trong giấc mơ, linh ảnh, hoặc hiện ở cõi trần ngay sau khi bỏ xác. Tuy nhiên điều ta khẳng định là không linh hồn thật sự nào của người chết có thể hiện hình; lôi kéo linh hồn đang ở trong cõi Devachan, cõi của nó, vào bầu không khí dơ bẩn của cõi trần là nơi nó đã thoát khỏi sau khi bỏ xác, là chuyện vô vàn khó khăn.
Hình hiện ra, hình người cũng như hình thú, chỉ là trò do tinh linh tạo ra.

 

II. Một Chuyện Thật.

 Những chuyện hiện hình, tin gửi về của người đã khuất qua trung gian đồng cốt, làm nhiều người tin tưởng mạnh mẽ rằng ấy quả thật là hồn của thân nhân quá vãng. Thỉnh thoảng một số trường hợp có chi tiết làm khó có lời giải thích nào khác, thí dụ người đồng nói vanh vách đúng nhiều điều về gia cảnh của khách đến nhờ tiếp xúc với ai đã qua đời. Bà Blavatsky thuật câu chuyện sau ở Nga khoảng giữa thế kỷ 19, đăng trên The Theosophist Dec - Jan 1888:
Có một thiếu phụ hồi còn là cô gái nhỏ 15 tuổi, đi học xa và bãi trường về nhà nghỉ hè. Đối diện với căn nhà của gia đình cô là nhà của thân nhân, có hai anh em độc thân ở, là anh em họ với cô. Người anh đã hơn 40 tuổi, còn chú em nhỏ hơn ở trong lứa tuổi 20. Lúc gần đây người anh để ý thấy tủ mất một số tiền lớn. Vài người giúp việc trong nhà bị cho nghỉ vì nghi ngờ có liên hệ đến việc mất mát, nhưng tình trạng không được cải thiện. Người em sống phóng túng, anh được người anh cấp tiền mỗi khi tỏ ý cần nên không có lý do gì để nghi ngờ anh. Trong nhà ngoài hai anh em không có ai khác biết việc không may này.
Lúc cô gái ở nhà bố mẹ, người em đấu kiếm và bị thiệt mạng, thi hài được đặt nằm ở phòng khách trong nhà anh. Gia đình cô đến viếng và thăm hỏi, rồi mẹ cô có việc phải ra khỏi phòng và chỉ có mình cô đứng đó, phía đầu người chết. Cô đột  nhiên thấy màn cửa che phòng riêng của người chết được vén qua bên, và một ông lão mà cô không quen biết đi ra, tay cầm quyển sổ.
Ông đi thẳng tới chỗ để hòm và đứng ở đằng chân của hòm, nhìn chăm chú vào người chết một lúc và rồi nói với một giọng điềm tĩnh và lớn tiếng.
- Mong sao vì mẹ con mà tội lỗi của con được tha thứ.
Đoạn ông cúi người hôn trán của anh. Không màng chút nào đến cô gái, ông đi sát qua một bên cô, băng sang tường đối diện, bấm vào nút ẩn trong tường gỗ, làm mở ra một hộc đầy sách vở, giấy tờ. Lấy ra cây viết chì, ông đứng viết một chốc lên trang giấy xé ra từ quyển sổ cầm trên tay. Rồi ông đặt cuốn sổ lẫn tờ giấy vào hộc, bấm nút cho nó đóng lại như cũ. Ông lão mạnh mẽ đi ra như khi đi vào, vén màn rồi buông nó xuống che kín cửa.
Theo lời mô tả của cô gái, cha mẹ cô nhận ra đó là ông cụ thân sinh của hai anh em. Người ta cũng tìm được cái nút trong tường, và lấy ra mảnh giấy có viết bút chì. Nó ghi rằng người em trai đã lấy trộm số tiền mất trong tủ, và viết giấy nợ với một người ở tỉnh khác. Tờ giấy có ghi tên tuổi, địa chỉ họ, số tiền mượn và ngày nợ đáo hạn. Tờ giấy chấm dứt với lời yêu cầu người anh phải trả món nợ để cứu vãn danh dự của gia đình.
Cuốn sổ mà ông lão kẹp trong tay hóa ra là sổ ghi chi tiêu của người em bị giết, có chứa đựng chứng cớ cho điều ông ghi trên tờ giấy. Những chi tiết này được kiểm chứng ... và thời gian sau người anh lớn lập gia đình. Tờ thư có chữ viết của ông cụ được con gái của anh giữ, cô này thành hôn và nhiều năm sau chồng cô có địa vị trong xã hội tại Odessa, được thân nhân của bà Blavatsky tại Nga quen biết và quí chuộng. Tên tuổi các nhân vật trong chuyện được tiết lộ cho bà hay, và bà trao đổi thư từ với cô con gái ấy.
Bà Blavatsky nhận xét trong bài báo là sự kiện có vẻ như phản bác lại triết lý mà Theosophy đưa ra, khiến nó phải lúng túng. Tuy nhiên ai nhìn được bề trong sẽ không thấy có gì phải bối rối, dù rằng chi tiết đưa ra trong chuyện kể ở trên không đủ cho ta có kết luận rõ ràng. Xem xét kỹ thì ta không được biết tuổi của người em lúc cha anh qua đời, cũng như  không có gì nói về cảm xúc và sự lo lắng của anh như là thiếu niên mồ côi mẹ lúc ấy.
Do đó ta bắt buộc phải đưa ra vài giả dụ, nương theo tình trạng bấy giờ và nêu lên luận cứ nào hợp lý nhất. Lẽ tự nhiên là người cha cảm thấy rất lo ngại về tương lai của con nhỏ, bị mồ côi cha mẹ quá sớm, và hẳn ông còn rầu lòng hơn nữa về việc bảo toàn danh dự của gia đình - mà như tất cả những nhà quí tộc Đức khác, ông hết sức tha thiết với nó - nếu nhận ra các dấu hiệu lúc nhỏ về tật xấu đáng lo của con sau này phát triển mạnh mẽ nơi anh.
Tới đây việc giải thích trở nên dễ dàng. Tình trạng này vào lúc lâm chung của ông khiến tư tưởng người cha bị căng thẳng cực độ, tạo nên đường từ lực nối liền giữa người con và cái vỏ (shell) tình cảm mà ông bỏ lại ở cõi trung giới. Người ta thấy rằng lòng sợ hãi hay nỗi lo lắng to tát về chuyện gì còn lại dưới thế, có thể giữ cho cái vỏ - lẽ ra phải tan rã - tồn tại lâu hơn trong bầu không khí của trái đất, so với một cái chết yên lành. Tuy cái vỏ để tự nó thì không thể thụ đắc ấn tượng mới nào, nhưng khi được kích thích do tiếp xúc với đồng cốt, nó có thể sống đời sống tạm thêm nhiều năm, và nhận được tất cả các ấn tượng của người đồng.
Điều khác cần nhớ luôn khi muốn giải thích hiện tượng đồng cốt trung gian, là thời gian trung bình của cái vỏ ở cõi trung giới trước khi tan rã hoàn toàn, có thể dài đến 25 - 30 năm, nếu có người đồng duy trì sinh lực cho nó. Dựa vào các điểm này, ta có thể nói thanh niên bị giết không chừng là người đồng cho vỏ của cha anh, và như vậy cho nó hiểu biết về mọi chuyện trong đời sống hoang đàng và việc làm sai lầm của anh. Cô gái đứng trong phòng lặng thinh chứng kiến cảnh cái vỏ hiện hình cũng phải chính cô là người đồng khác, giúp cho hiện tượng xẩy ra.
Lòng hối hận của thanh niên sắp chết về cuộc đời lầm lỡ của mình, và nỗi lo lắng muốn cứu vãn danh dự gia đình tuôn vào vỏ của người cha, với hết tất cả sự mạnh mẽ của năng lực sắp tàn, đã sinh ra mọi chuyện sau đó.
...

III. Hiểu Lầm về Vỏ

Sai lầm mà ai có thông nhãn dễ mắc phải khi quan sát nơi cõi tình cảm và tiếp xúc với các vỏ như vậy được giải thích trong phần I và II. Nay ta sang một chuyện vào buổi ban đầu của Hội cho thêm hiểu biết về các vỏ, nhưng trước khi vào chuyện phải ra ngoài đề một chút; phần ngoài đề này tự nó lại có tính cách lịch sử vì rất giầu chi tiết thú vị liên quan đến các nhân vật trong Hội thời bấy giờ, làm rõ thêm nhiều chuyện khác mà không phải chỉ riêng về phần vỏ.

Laura Carter Holloway (L.C.H., 1848-1930) là tác giả người Mỹ, viết sách TTH, có thông nhãn. Vào năm 1884 bà sang Anh rồi sau đó sang Pháp và gặp bà Blavatsky (HPB) tại Paris. Sau đó bà trở lại Anh, thoạt đầu ngụ nhà bà Francesca Arundale là bác của ông George Arundale sau này là hội trưởng Hội Theosophy tại Adyar. HPB cũng ngụ tại đây.
Sang tháng 5 bà đến ngụ nhà ông bà Sinnett, trong thời gian ở đó do khả năng siêu hình liên lạc được với cõi thanh của bà, ông Sinnett cho rằng nay bà Holloway có thể giúp ông liên lạc với chân sư K.H. Nhắc lại một chút thì sau khi rời Ấn Độ về Anh năm 1883 ông không còn cách nào để trao đổi thư từ với các ngài (xin đọc thêm mục Thư Gửi Ông Sinnett trên PST). Ông luôn tìm cách để có tiếp xúc trở lại với Chân sư, nên điều dễ hiểu là ông rất mừng và sinh nhiều  hy vọng khi gặp bà.
Ông kể rằng vào đầu tháng 6 được hầu chuyện với đức K.H. qua bà Holloway, rằng ngài thực sự nói chuyện với ông qua bà (xưng Ta) so với trước đây bà chỉ lập lại những gì ngài nói. Vẫn theo ông, sau đó HPB tỏ ý không vui, hiển nhiên vì nay bà Holloway thành đường dây cho ông Sinnett tiếp xúc với Chân sư độc lập, không còn qua HPB. Diễn tiến kế là HPB khăng khăng muốn bà Holloway rời nhà ông bà Sinnett, quay trở lại nhà bà Arundale. Ông ghi tiếp rằng có nhiều thư từ trao đổi giữa hai nhà, HPB nói nhận thư từ đức K.H. ra lệnh cho bà Holloway về ở nhà bà Arundale, thư còn nói ông Sinnett đã bị gạt và thông nhãn của bà Holloway đã thấy sai; ông tin đây là thư giả mạo.
Đó là sự việc theo lời mô tả của một bên, nay ta hãy xem bên kia ghi về chúng ra sao. Trích từ nhiều nguồn khác nhau, ta có thư Chân sư  viết:

- Thư A - cho HPB, nhận đầu tháng 7, 1884. London.
... Nay do ảnh hưởng trực tiếp của ta, bà thấy được điều mà bà không hề thấy khi truyền lại các lời nhắn giả mạo, hoang đường cho ông Sinnett, và nói đó là của ta gửi cho ông ... hãy cho bà biết quả đó là chúng ta muốn và khiến bà sang Âu châu ... để viết sách (bà Holloway viết quyển Man: Fragments of a Forgotten History cùng một đệ tử khác là Mohini Chatterji). Chuyện hết sức quan trọng là bà phải viết nó, và cho sách xuất bản trước cuối năm nay (1884).
... Ta rất tiếc cho ông Sinnett, hết sức tiếc nhưng bởi ông bác bỏ những người ta gửi đến ông, phật ý về những lời Mohini nói với ông theo lệnh của ta, và từ chối không chịu làm người đưa thư cho con (HPB) khi thư đến từ đức M., như vậy trực giác của ông hoàn toàn sai lạc.
Đừng để bà Holloway ngồi đồng cho bất cứ ai nữa, vì thông nhãn của bà hoàn toàn không đáng tin bởi chịu nhiều ảnh hưởng  xấu khác nhau; chẳng bao lâu bà sẽ có thông nhãn trở lại.
K.H.

- Thư  B - cho HPB, tháng 7, 1884. London.

... Bà Holloway thấy giỏi hơn là nghe ... Bà không phân biệt rõ ràng giữa những điều mà các đệ tử được gửi đến cho bà thấy, và việc truyền ý tưởng từ trí não của người mà bà giúp  liên lạc với cõi vô hình, đương nhiên là các ý tưởng đó phản ảnh thành kiến riêng tư của họ, tiên kiến và tư lợi, điều thích và không thích ... Ấy là vì bà rất nhậy cảm, dễ cảm thụ, cũng như là vì bà có thông nhãn bẩm sinh.
K.H.

- Thư  C - cho HPB, giữa tháng 7, 1884. London.

Để ngài K.H. bị quấy nhiễu mỗi phút vì chuyện hết sức không quan trọng là điều không thể được. Nó phải chấm dứt. Tại sao bà Holloway không tin vào điều gì con (HPB) nói, mà đòi phải có chữ viết của các Chân sư ? Bà được dạy phải xuất bản sách (Man ...) cùng lúc ở bên này (Anh quốc) và bên kia bờ đại dương (Hoa Kỳ) mà vẫn không tin vào chính mình. Nếu thuận theo lời khuyên gửi đến, hẳn bà đã tránh không rơi vào ảnh hưởng từ lực hằng ngày mà sau thí nghiệm đầu tiên (tại nhà ông Sinnett), đã lôi kéo bà từ  mức cao là thấy được cõi thanh (do có thông nhãn) xuống mức  thấp là ngồi đồng; hẳn tới lúc này bà đã có đủ lòng tự tin về các linh ảnh (vision) của mình.
Chẳng mấy chốc bà sẽ nhận ra được nguy hiểm của việc có từ lực lẫn lộn. Hãy khuyến cáo bà một lần nữa và nếu bà không nghe theo - đừng nói gì thêm. Con có thể cho hay là nếu bà ở cạnh con một thời gian  thì ta có thể trợ lực bà thay cho ngài K.H. Hiện nay ngài không có giờ. Bà có để ý thấy rằng sau khi ngồi cạnh ... chừng nửa giờ, linh ảnh của bà bắt đầu có tính chất thay đổi ? Điều này không phải là một lời khuyến cáo cho bà sao?
M.

Ghi chú.
Thư  nói đến từ điển phát ra quanh mỗi người có nhuộm tính chất của họ. Nếu đó là từ điển loại cao nơi người tiến hóa xa, ai ở trong bầu từ lực ấy nghiễm nhiên được ảnh hưởng tốt, và ngược lại bầu từ lực xấu cho ảnh hưởng có hại. Từ điển hay làn rung động cũng có với vật dụng mỗi người, thí dụ HPB trừ tà bằng cách cho người bị vong linh theo quấy rối đeo nhẫn của bà, nhẫn thấm làn rung động cao của HPB làm ngăn chặn ảnh hưởng của tà ma (xin đọc chuyện Chi bộ El Salvador, PST 40). Tương tự vậy, khi có người cầu cứu Krishnamurti vì bị vong linh phá phách, ông cũng tháo nhẫn của mình đưa cho họ đeo.
Ở đây bà Holloway được dặn ở trong bầu từ lực của HPB để được bảo vệ.

- Thư  D - cho HPB, giữa tháng 7, 1884. London.

Bà Holloway gần đây đã chơi với lửa, làm đồng cốt cho một vong linh trong nhà này (nhà ông Sinnett). Hãy khuyến cáo về hiểm họa cho bà cũng không kém gì cho người khác, và khuyến cáo luôn ông Sinnett ...
K.H.

- Thư  E - cho bà Francesca Arundale, cuối tháng 7, 1884. London.

... Bà Holloway đã làm tròn một mục tiêu và những chuyện không vui, đau khổ xẩy ra trong mấy ngày qua có tác động như là chữa lành cho thân xác bệnh hoạn; có vài người như thế trong các con, với mầm bệnh trong người đe doạ gây vết lở xấu xí cho tâm não, mà nếu để cho lớn trọn có thể gây tử thương cho Hội nói chung.
Nếu đúng như bà Holloway nói là bà đã 'gây rắc rối' cho những ai thật tình quí mến bà, thì ấy là do hai người trong số các bệnh nhân nói ở trên. Họ đã bước vào luồng từ lực nhiễm bệnh, đầy mầm mống cho bệnh tâm trí mà sẽ khiến cả hai gặp cái chết tinh thần, nếu  không nhờ có bàn tay mạnh mẽ kéo họ lại. Sự việc không thể làm mà không bị đau đớn, khổ não; nhưng  tác nhân được chọn để cứu họ không phải là tác nhân gây ra đau khổ, cũng không phải là phương tiện bị trách hay phải chịu trách nhiệm.
Không phải bà Holloway khiến đức K.H. cho ông Sinnett hay là những điều mà ông nhận được qua bà (khi nhờ bà ngồi đồng) có nguồn giả tạo, vì do trực giác bà đã cảm nhận như thế và đã chính mình khuyến cáo ông nhiều lần. Nguồn gốc của mọi rắc rối là bởi vài điều đúng nhận được từ cõi thanh, và lỗi lầm của ông Sinnett  theo sau, khi tin chắc là mình được tiếp xúc trực tiếp với đức K.H. và đệ tử của ngài xuyên qua bà Holloway. Chuyện này cộng với ảnh hưởng chết người đang tác động, cái vẫn còn chi phối trong vài giờ qua và từ khi có cuộc giải hòa đã một lần nữa xẩy ra cho ông Sinnett, là nguồn đích thực cho việc độc tố lan tràn.
Tuy ông vẫn trung thành và hết lòng như từ xưa đến nay, ảnh hưởng đó vẫn còn đe dọa ông, bao quanh ông như đám mây đen, và từ từ tiến đến bà Holloway cùng những hội viên khác của chi bộ London. Hãy báo cho mọi người biết. Bà Holloway phải biết bổn phận của mình với ông Sinnett  mà không cần hỏi xin Chân sư cho lời khuyên. Cả hai ông bà Sinnett đã đối xử với bà hết sức tốt lành, bà có bổn phận hỗ trợ và khuyến khích với sự hiện diện của mình, an ủi họ trong lúc tâm thần hai người đau khổ, tăng cường niềm tin thường khi lung lay của họ bằng ấn tượng tinh thần của bà. Các ấn tượng ấy có được với mắt mở to và bà hoàn toàn tỉnh thức. Bà chớ nên để mình mất tri thức một giây phút nào, vì chỉ khi tỉnh thức thì các ấn tượng mới trọn vẹn và đáng tin; ấn tượng đến theo cách hiện nay là do ảnh hưởng xấu tác động.
Bà sẽ quay trở lại nhà ông bà Sinnett hay không là phải tự mình quyết định ... Điểm yếu của bà đã gây nên sự thể này. Cũng như là bà không biết trong lúc ngồi đồng mê man đã thốt ra những điều chi ... Bà không có lòng dối gạt hay giả dối, cũng không có chút ích kỷ ... chỉ do có lòng tôn kính quá đáng ai thấp hơn bà nhiều về mặt trí tuệ và óc phán xét, càng thấp hơn nữa về mặt tinh thần và có động cơ trong sạch. Những giây phút xuất thần khi nét trí tuệ cao có thể biểu lộ chính nó, không hề xẩy ra trong lúc mê man đồng thiếp. Hãy khuyên bà kiên tâm.
K.H.

- Thư  F - cho bà Holloway, cuối tháng 7 hay đầu tháng 8, 1884. London.

Ta đã viết thư  cho ông Sinnett và giải thích tình trạng, thái độ của ta với con và ông, và hy vọng không phải quay trở lại đề tài này nữa. Dầu vậy, tư tưởng của con bám cứng vào một câu hỏi buộc ta phải có đường lối hành động nhất quyết hơn. Ta bảo thật, nếu quan tâm đến sự phát triển của mình, con phải thẳng thắn và cứng rắn cho ông Sinnett hay điều sau. Chuyện ông khăng khăng muốn làm việc với con sau khi ta đã bảo ông rằng từ lực của con không hợp với chuyện đó, những việc làm như vậy gây cản trở cho sự phát triển của con, và làm tổn hại lớn lao cho tiến triển của nó, cho thấy rõ ràng là ông không để ý mấy tới lời khuyên của ta.
... Ta chỉ rút lui khỏi cuộc tranh chấp này ... với sự chống báng cứng đầu và không nói gì thêm. Về phần con, đây là Lần Chót con được khuyến cáo.
Chúng Ta không để mất thì giờ cho việc tranh cãi nhỏ bé, hoặc con muốn có phát triển thêm dưới sự hướng dẫn của Chúng Ta, hoặc không muốn. Nếu là điều trước con không thể gặp ông Sinnett trong một khoảng thời gian -  có thể cho đến sang năm ... Hành động của con sẽ xác định đây sẽ là huấn dụ chót của ta mà con nhận được hay không.
K.H.

- Thư  G - cho HPB, cuối tháng 7 hay đầu tháng 8, 1884. London.
... Con có thể cho bà Holloway hay nếu chọn đi với ông bà Sinnett trước khi hai người trừ sạch hoàn toàn ảnh hưởng xấu đeo đuổi họ ở khắp nơi, đi cùng với họ ra khỏi Anh quốc hay dừng chân với họ, thì kể như bà lầm đường, cả hai ông bà Sinnett cũng thế và ta không còn can dự với họ chuyện chi ...
K.H.

- Thư  H - cho bà Holloway

... Hãy thử cho ông bà Sinnett thấy sự thật một lần chót. Ta muốn con đi Elberfeld (với HPB), Ta muốn con thay đổi bầu từ lực một chút theo khả năng của con.
K.H.

- Thư  I - cho bà Holloway, 4 - 8, 1884.

Hãy viết lời mở đầu giải thích nguồn gốc quyển sách (Man: Fragments of a Forgotten History) đủ để lôi cuốn độc giả ... Đừng cho ông Sinnett xem thư này mà hãy giữ riêng cho con. Tốt hơn nên đi Elberfeld (với HPB). Một tháng ở đó ngoài tầm các ảnh hưởng đối nghịch sẽ làm lợi nhiều hơn là sáu tháng con ở một mình tại Brooklyn.
K.H.

- Thư J - cho bà Holloway, Cambridge, 10 - 8, 1884.
Các con đến đây chung với nhau, nay tại sao lại tách ra ? Tất cả các con được muốn có mặt ở đây cho một chuyện.
K.H.

Ghi chú.
Một nhóm người trong đó có bà Holloway đi Cambridge. Ngày chủ nhật 10 - 8 có sáu người hiện diện trong phòng lúc 6.30 chiều, ngồi quanh bàn uống trà. Vừa xong tuần trà họ thấy có gì đó rơi và khi tìm kiếm, thấy lá thư trên sàn dưới ghế bà Holloway. Quả thật bà Holloway và một người nữa dự tính rời Cambridge ngày mai thứ hai, nhưng sau khi được thư họ bỏ ý định ấy.

- Thư  K - cho HPB, đầu tháng 8, 1884. London.

Hãy để yên bà Holloway, con không có quyền chi phối bà theo cách này hay kia. Bà ở, hay đi, vận mạng theo sau đó nằm trong chính tay của bà ... Điều gây bực bội cho bà là từ lực của ông Sinnett - nằm trong thư đến và thư nhận được. Ta không muốn tỏ ra quá khó khăn, ngăn cấm tất cả sự liên lạc vào lúc này, và kết quả là như vậy.
Bà cần được cho hay nếu chưa biết nguyên lý căn bản của Huyền bí học, là mỗi lời vô ích được ghi lại y như những lời có ý nghĩa nhất, trước khi được phép tiến thêm bước nữa. Ta sẽ không cho con hay tương lai bà ra sao, mà con cũng không nên tìm cách để thấy. Con biết làm vậy là trái luật.
Con cũng không nên hối tiếc ba tháng bị mất, nỗ lực của con và của chúng ta, và thì giờ của Mohini bị uổng phí trong trường hợp này, nếu cuối cùng mọi chuyện thất bại. Con đã giúp và kẻ duy nhất đau khổ sẽ là bà. Ta tiếc hết sức chuyện ấy. Nếu được hẳn ta sẽ giúp phát triển cái tư chất nhiều tài năng này, và an ủi trong lòng Chân lý vĩnh cửu cái tâm hồn nhậy cảm, hay đau khổ vì những thương tích tự mình gây ra. Ta không thể làm được chuyện chi nếu bà không giúp ta bằng cách tự giúp mình. Hãy tìm cách làm bà ý thức rằng trong huyền bí học, người ta không thể đi lui hay dừng bước mà một vực thẳm mở ra sau mỗi bước chân tiến tới.
Hãy tốt lành và gượng nhẹ với bà dù bất cứ gì xẩy ra. Bà bị đau khổ và không có tánh nhẫn nại.
'Ồ, phải chi tôi được trấn an là cuốn sách sẽ hoàn tất !' Vậy ư ? Mà trong khi lo lắng về thời gian ngắn trước mặt trong tương lai, bà để mất đi giờ này sang giờ kia, ngày này rồi ngày nọ, thay vì làm việc vào lúc này và như vậy viết xong sách.
Tội cho con người yếu đuối ! Có lòng thân ái, tốt lành, đáng tin và chân thật với hết mọi ai khác, trừ chính mình ...

- Thư  L - cho ông Olcott, cuối tháng 8, 1884.

L.C.H. nên dùng trực giác mình để thấy mọi chứng cớ cần có là chúng ta hài lòng với sách của bà, nỗ lực đầu tiên của việc trình bầy triết lý huyền môn. Hãy luôn tốt lành và thân ái với bà. Bà thẳng thắn, chân thật, tánh tình cao thượng và đầy nhiệt huyết. Đừng chỉ trích bà, lỗi lầm của bà là của đất nước bà cũng như là đất nước của con (cả hai ông Olcott và bà Holloway là người Mỹ).

- Thư  M - cho bà Holloway, cuối tháng 8, 1884, tại Elberfeld, Đức.

Khi làm đệ tử lâu hơn con sẽ không ngạc nhiên nếu mong muốn của mình không được đoái hoài, ngay cả ngày sinh nhật và những lễ lạc khác. Vì khi đó con sẽ học được việc đặt giá trị đúng đắn cho vỏ vật chất (thể xác) của linh hồn và tất cả những mối liên hệ của nó. Với người thường, ngày sinh nhật chỉ là một sải bước dài 12 tháng tiến về nấm mộ. Khi mỗi năm mới đánh dấu một bước tiến hóa cho con, mọi người sẽ sẵn sàng với lời chúc tụng, sẽ có điều thật sự để chúc mừng con. Nhưng cho tới nay, con đường đệ tử của con chưa đầy một năm, mà con muốn được đối xử như là người lớn !
Hãy tập đứng vững trên đôi chân của mình, hỡi con, trước khi muốn tập đi. Bởi còn quá nhỏ (ttuổi đạo) và chưa biết nhiều về cách thức của đời sống huyền bí mà con dễ dàng được tha thứ. Nhưng con phải theo cách của Chúng ta ... Hôm nay con tiến tới được một bước, ngày mai con thụt lui hai bước. Việc làm đệ tử không chấp nhận thay đổi nào như thế, điều kiện trước tiên và luôn luôn của nó là có tâm trí bình lặng, như quán tưởng (không phải tính thụ động của đồng cốt) thích hợp cho việc nhận ấn tượng tâm linh từ bên ngoài và truyền ấn tượng của mình từ bên trong.
Trong khích động cao độ, cái trí có thể xuất hiện nhanh như điện, nhưng Buddhi thì không bao giờ. Sự an tịnh luôn luôn ngự trị nơi cảnh giới của Buddhi ... Con muốn được xác nhận điều đã cho con hay, về nguyên nhân và ảnh hưởng của việc dời chỗ từ London sang Elberfeld. Hãy xem đây, sự việc được giải thích như sau. Con không thể thụ đắc quyền năng tâm linh cho tới khi nào loại bỏ được những nguyên nhân sinh ra khuyết điểm tâm linh. Vấn đề của con là chưa thấu đáo triết lý về các vỏ (shells). Con học được thật ít oi các điều về sự tự chủ trong chuyện tâm linh; óc tưởng tượng linh hoạt đầy sáng tạo gợi nên sinh vật huyễn hoặc, sinh ra ngay lập tức từ lò tạo hình trong trí não mà con không biết.
Dù vậy, vì chưa thông suốt nghĩa lý của những lớp vỏ, nên con chưa đạt được phương pháp chính xác để khám phá 'giả' với 'chân'. Tuy thế, cảm tình không hợp lý không thể miễn trừ sự kiện trong thiên nhiên. Người bạn xưa của con là một cái vỏ, và nguy hiểm cho con nhiều hơn mười vỏ khác, vì cảm xúc của anh đối với con rất mạnh mẽ và phàm tục. Phần tinh thần thiêng liêng nhỏ bé trong đó nay ở cõi Devachan, và phần cặn bã mà anh luống công đè nén giờ ở trong cõi Kama-Loka (trung giới, cõi tình cảm).
Nay hãy nghe và ghi nhớ. Khi con ngồi đồng cho bạn hữu tại Hoa Kỳ hay nơi khác - tuy con ghét chữ ấy - hoặc dùng thông nhãn xem xét, có linh ảnh, con sẽ bị đau khổ vì hệ quả xấu do tự chủ quá ít nói ở trên. Con kéo vào người những ảnh hưởng gần nhất và mạnh nhất - thường khi xấu xa - và hấp thu chúng, và bị chúng bóp nghẹt tâm linh hay bị làm mê hoặc. Không gian thành chứa đầy bóng ma được hồi sinh. Cái giả hiện ra như là cái thật, và con không có cách để khám phá, vì con có khuynh hướng diễn giải điều ghi nhận được giống theo tiên kiến của mình.
Ông Sinnett thu hút về mình, dù không muốn và không biết, một đám mây các vỏ, chúng ảnh hưởng ông tới mức làm ông sầu não rầu rĩ lúc này, tâm hồn bị xáo động. Ông thực sự bị nguy cơ mất hết những gì đã có, và tách lìa khỏi ta mãi mãi. Chuyện tệ hơn hết là ông đã bước ra ngoài tấm khiên che chở, là con trai nhỏ đáng yêu của ông mà qua trẻ thơ này ta có thể tác động (và đã làm vậy trong một thời gian lâu), để bảo vệ ông đối với ảnh hưởng xấu chung quanh. Bé trai thơ ngây đang ở xa nơi đây và ảnh hưởng trực tiếp của ta không đến được với ông. Ta không thể giúp ông; ông phải tự giúp mình. Ta sẽ hân hoan nếu ông chế ngự được chúng, vì nhờ kinh nghiệm thực tiễn này trực giác của ông sẽ bén nhạy hơn và giúp ông phân biệt điều chân với điều giả. Vào lúc này ông bị bao phủ trong màn sương ảo ảnh, và bất cứ khi nào ông đến gần con, con cũng bị lạc trong đó. Ta đã phủ nhận mạnh mẽ là không có liên lạc với ông xuyên qua con. Chưa bao giờ ta làm thế và ta nhắc lại như vậy, nhưng ông bám vào huyễn tưởng bất lợi này khiến nó hàm ý ta là kẻ ngụy tạo.
Làm thế nào con có thể phân biệt điều thật với điều không thật, điều 'chân' với 'giả' ? Chỉ bằng cách tự phát triển. Làm thế nào để tự phát triển ? Bằng cách trước tiên ngăn ngừa các nguyên nhân của việc tự dối lòng, và hơn hết thẩy, tránh có tiếp xúc với các vỏ như trước kia, dù để làm vui lòng thân hữu hay để thỏa mãn óc hiếu kỳ của mình.
Sau đó vào lúc cố định trong ngày, hãy dành riêng một số giờ nhất định để tự xét mình trong sự viết, đọc, thanh lọc mục tiêu, học hỏi và sửa lỗi, hoạch định việc làm của mình cho cuộc sống bên ngoài. Những giờ phút ấy phải được kính cẩn dành riêng cho mục đích này, và không ai, ngay cả bạn thân nhất của con, nên ở cạnh con vào lúc đó. Dần dần con sẽ nhận thức rõ rệt hơn, và sương mù tan đi; những năng khiếu nội tâm sẽ gia tăng, sự thu hút về Chúng ta được mạnh hơn, và niềm tin vững chắc thay thế cho lòng nghi ngờ.
Nhưng hãy để ý tới việc tìm kiếm hay dựa quá nhiều vào thẩm quyền trực tiếp. Cung cách của Chúng ta  không phải là cách của con. Rất ít khi Chúng ta tỏ dấu hiệu để được nhìn nhận hay để được biết đến. Con cho rằng ông Olcott và Mohini khuyên bảo con là hoàn toàn không do Chúng ta thúc đẩy họ hay sao ? Còn về HPB, con yêu quí bà nhiều hơn là tôn trọng lời khuyên của bà. Con không ý thức là khi nói về Chúng ta, hay khi nói theo lệnh của Chúng ta, bà không dám đem ý kiến riêng của mình vào cùng với những gì bà cho con hay là của Chúng ta. Không ai trong Chúng ta dám làm vậy, vì Chúng ta có qui luật không được vi phạm. Này con, hãy học việc bắt lấy ngụ ý xuyên qua bất cứ tác nhân nào. 'Kim thạch cũng có thể nói pháp' ... Con đừng quá nồng nhiệt trong việc muốn nhận được 'huấn thị'. Luôn luôn con nhận được đúng theo sự xứng đáng của mình, và không thể nhận được nhiều hơn sự xứng đáng và khả năng lãnh hội của con.

- Thư  N - cho bà Holloway, cuối tháng 8, 1884, tại Elberfeld, Đức.
HPB đang ốm vậy con phải làm như ta dặn. Đọc chúng (các chương của sách Man: Fragments of a Forgotten History) lớn tiếng cho bà và ông Olcott nghe, hoặc kêu Mohini (đồng tác giả quyển này) thay phiên với con. Đức M. sẽ lắng nghe cùng D.K. (Chân sư D.K., đệ tử ngài K.H.), và sẽ nói qua bà kêu con ngưng lại khi cần có sửa chữa. Này con,  ta hài lòng con đã làm được việc tốt đẹp. Hãy mạnh mẽ, đừng nghĩ đến chuyện nhà, mọi chuyện rồi sẽ êm xuôi. Hãy tin tưởng vào tương lai và hy vọng.

- Thư  O - cho HPB, trước tháng 10-1884, London.
... Không, Ta không muốn bà Holloway ngủ một đêm nào tại nhà ông bà Sinnett, cũng không được ghé lại đó hơn một tiếng. Ảnh hưởng ở đó quá mạnh chỉ quét một cái là hư hết công lao trong một tuần ...

Xin đọc lại nhận xét của ngài K.H. về bầu không khí tại nhà ông Sinnett do thói quen uống rượu của người Anh nơi đó.
- Bầu không khí trong nhà kinh khiếp quá. (PST 65, t.16).
Nói thêm về từ điển thì bà Blavatsky giải thích.
- Có sự khác biệt to tát giữa ảnh hưởng tâm linh của thực phẩm chứa nitrogen được tạo như thịt, và thực phẩm có nitrogen do vi sinh vật tổng hợp như trái cây, rau xanh. Luôn luôn có việc cấm ai theo huyền bí học dùng thịt như thịt bò và vài loại đậu, không phải vì các món này tốt lành ít hay nhiều hơn những món khác, mà có lẽ vì chứa nhiều dinh dưỡng làm thân xác no đầy, từ điển của cơ thể hóa ra nặng nề không còn nhậy cảm, ngăn trở 'con người tâm linh'.

Về các bức thư, bạn có thể vào trang web blavatskyarchives.com để đọc trọn, vì phần III ở trên chỉ là trích những đoạn có liên hệ đến bài mà thôi.

 

Tham khảo:
- The Great Beyond, Geoffrey Farthing.
- Letters to L. Holloway, blavatskyarchives.com.

Geese