GIẤC MƠ
Nói rằng con người có hai bản thể và trong con người có một thể vật chất cùng với một thể tinh thần và do vậy, bắt buộc anh phải có hai loại giác quan, thì với người có học thức mà hoài nghi nó tựa như thốt ra điều sai lầm không thể tha thứ được và thật là thiếu khoa học. Nhưng ta phải thốt lên lời ấy, dù có khoa học hay không.
Chuyện không thể chối cãi được là con người được phú cho hai loại giác quan, một loại thể chất mà ta có thể an tâm dành cho sinh lý học nghiên cứu, và một loại giác quan tinh thần hoàn toàn thuộc về tâm lý. Tựa như âm thanh tổng hợp của thiên nhiên được chứng tỏ là một âm đơn và xác định, một nốt chủ (key note) rung động vô tận (nốt Fa, F), ai quan sát sẽ thấy sự hòa điệu hay lạc điệu của bản chất bên ngoài của con người hoàn toàn tùy thuộc vào đặc tính của nốt chủ, mà con người bên trong xướng lên cho con người bên ngoài. Chân nhân xử sự như là nền căn bản, ấn định nốt của trọn cuộc sống con người phàm, với con người sau là vật quá quắt, bất định và hay thay đổi nhất trong tất cả nhạc cụ, và cần được lên dây thường xuyên hơn bất cứ nhạc cụ nào khác. Chỉ có tiếng nói bên trong này, giống như phần trầm (sub-bass) của đàn phong cầm, nâng đỡ âm điệu của trọn đời người, cho dù các nốt phát ra du dương hay chát chúa, êm ái hay cuồng loạn, ngân nga hay cà giựt.
Vì thế, chúng tôi nói rằng, cộng thêm với não bộ xác thịt con người còn có một não bộ tinh thần. Nếu vật trước có mức tiếp thu hoàn toàn tùy thuộc vào cơ cấu và sự phát triển thể chất của nó thì về mặt khác, nó hoàn toàn là thuộc cấp cho vật sau, cũng như chỉ riêng mình Chân nhân CN là có thể gây ấn tượng sống động hoặc ít hoặc nhiều lên não bộ bên ngoài, với cảm nhận về điều thuần tinh thần, phi vật chất. Như vậy chuyện tùy thuộc vào sự nhậy bén của cảm xúc trí tuệ nơi Chân nhân, các khả năng của nó có nét tinh thần tới đâu để truyền ấn tượng về những khung cảnh mà não bộ có phần nào tinh thần của nó ghi nhận, các chữ CN nghe, điều nó cảm thấy, đến cho não bộ vật chất đang say ngủ của con người bên ngoài. Những quan năng của vật sau càng có nét tinh thần chừng nào thì càng dễ cho Chân nhân làm thức tỉnh hai bán cầu não say ngủ, khơi dậy các nhân cảm giác (sensory ganglia) trong não và tiểu não để có sinh hoạt, và tạo ấn tượng cho não (luôn luôn không linh hoạt và nghỉ ngơi trong giấc ngủ say của người) với hình ảnh sống động của chuyện được truyền vào não.
Nơi người nhiều cảm dục, chưa phát triển tinh thần, ai mà do cách sống và ham muốn của thú tính, đam mê làm tách rời hoàn toàn hạ trí với phần hồn tinh thần cao hơn, cũng như nơi ai mà công việc lao động nặng nhọc khiến cơ thể rã rời, và làm họ tạm thời không cảm ứng với tiếng nói và sự thúc giục của hạ trí, trong cả hai trường hợp khi ngủ não bộ ở trong trạng thái hoàn toàn không linh động. Người như thế ít khi nằm mơ, và càng có rất ít hơn hết thấy những 'giấc mơ là điềm báo trước việc sẽ tới'.
Với người trước, khi sắp tới lúc tỉnh dậy và giấc ngủ hóa nhẹ hơn bớt li bì mê man, sự thay đổi trí não ấy sinh ra giấc mơ mà óc thông minh không đóng vai trò nào; não bộ nửa mơ nửa tỉnh gợi ý hình ảnh điều chỉ là sự tái tạo kỳ quái mờ ảo của thói quen hoang đàng trong đời. Về phần người sau (trừ phi bận tâm nhiều với tư tưởng ngoại lệ nào đó), bản năng luôn có của thói quen tích cực làm họ không ở trong trạng thái mơ mơ màng màng, đó là trạng thái lúc tâm thức bắt đầu có trở lại và ta thấy đủ loại giấc mơ, mà sẽ thúc anh dậy ngay lập tức và không có giai đoạn chuyển tiếp nào dẫn tới đến việc tỉnh giấc hoàn toàn.
Ngược lại, ai có phần tinh thần phát triển nhiều hơn sẽ có mơ tưởng tích cực hơn, và nhiều phần là nhận được đúng đắn ấn tượng từ Chân nhân hằng tỉnh thức, quán thông mọi việc truyền lại cho họ. Quan năng tinh thần của người này do không bị ngũ quan vật chất quấy rầy, tiếp xúc trực tiếp với nguyên lý tinh thần cao nhất nơi họ. Nguyên lý ấy chứa đựng khả năng nội tại là toàn thông, toàn trí và toàn năng; khi tiếp xúc với vật chất được thăng hoa, nó truyền qua đó phần nào những tính chất này tùy theo mức thanh khiết của phàm nhân.
Do đó người có nét tinh thần cao độ sẽ có được linh ảnh (vision) và giấc mơ trong lúc ngủ, và ngay cả lúc thức. Đây là những ai có tài tiên tri bẩm sinh, nhậy cảm. Người ta thường không phân biệt giữa người như vậy và người tiến xa có sự độc lập, không bị thân xác vật chất chi phối, với con người bên trong làm chủ con người bên ngoài. Ai chưa phát triển nhiều về tinh thần sẽ hiếm khi có giấc mơ như thế, và mức chính xác của giấc mơ tùy thuộc vào mức cảm nhận sâu đậm ra sao của người nằm mơ đối với điều mơ tưởng.
Thế thì với câu hỏi về xác định giấc mơ, giống như nhiều điều khác, khoa học có trước mặt mình một vấn đề chưa giải đáp được, việc không thể có giải đáp là do óc khăng khăng duy vật của nó, và chủ trương từ lâu. Bởi, hoặc con người là sinh vật có hai bản thể, với con người bên trong là con người thật, tách biệt và độc lập với con người bên ngoài theo mức xác thân vật chất chế ngự nhiều hay ít; cái tôi này có cảm quan vượt xa mức giới hạn của giác quan vật chất, và còn tồn tại sau khi thể xác bên ngoài tan rã, ... (phần phàm ngã từ từ tàn lụi dần sau khi chết trong mỗi trường hợp), hoặc lời chứng của hằng triệu người qua bao ngàn năm - với chứng cớ trong thế kỷ này (thế kỷ 19) của chúng ta do hằng trăm người có học thức nhất cung cấp, thường khi là khoa học gia lỗi lạc - không có nghĩa lý gì. Khoa học chưa mang lại ánh sáng cho điều bí ẩn khôn lường, và sẽ không bao giờ làm được vậy trừ phi khoa học gia chấp nhận giả thuyết là con người có hai bản thể.
...
Hỏi (H): Các nguyên lý nào linh hoạt trong giấc mơ ?
Đáp (Đ): Trong giấc mơ thông thường, cần phân biệt với giấc mơ đích thực gọi là linh ảnh mơ màng, đó là nguyên lý Kama, căn bản của phàm nhân và của dục vọng biểu lộ thành tình cảm, được ký ức mê ngủ của hạ trí khơi dậy thành sinh hoạt rối loạn.
H: Hạ trí là sao ?
Đ: Nó là một tia phát sinh từ thượng trí hay Chân nhân thường hằng, và là nguyên lý cho ra trí năng nơi con người và bản năng nơi con vật, vì thú vật cũng nằm mơ. Dầu vậy, Kama và hạ trí hợp lại cho hành động có tính thuần cơ học, là bản năng mà không phải là lý luận. Trong lúc ngủ, cơ thể nhận và gửi đi các sóng điện một cách máy móc tới các hệ thần kinh. Não không cảm biết mấy và ký ức lưu trữ chúng mà không có thứ tự hay sự liên tục nào. Khi tỉnh dậy, các ấn tượng ấy dần dần phai nhạt đi, giống như mỗi hình bóng thoáng qua không có thực chất rõ ràng nào đằng sau nó. Tuy nhiên khả năng lưu trữ của não có thể ghi nhận và giữ lại nếu ấn tượng đủ mạnh, nhưng thường là ký ức của chúng ta chỉ ghi lại ấn tượng mơ hồ và bị biến đổi mà não nhận trong lúc thức. Khoa sinh lý và sinh học đã nghiên cứu kỹ về loại giấc mơ này, điều mà khoa học chưa biết là những giấc mơ thực và kinh nghiệm của Chân nhân; chúng cũng được gọi là giấc mơ nhưng lẽ ra không nên gọi như thế.
H: Chúng khác nhau ra sao ?
Đ: Ta không thể hiểu được bản chất và phần việc của giấc mơ thật sự trừ phi nhìn nhận có Chân nhân bất tử bên trong con người phàm, độc lập với thân xác vật chất, vì đề tài sẽ thành không hiểu được nếu tin rằng trong lúc ngủ chỉ còn lại cơ thể da thịt, với khả năng suy nghĩ độc lập bị tê liệt hoàn toàn ít nhiều
Ta có thể ví Chân nhân như người tù, và phàm ngã như cai tù. Nếu người sau ngủ quên, tù nhân sẽ thoát ra hay ít nhất thoát ra khỏi bốn bức tường của phòng giam. Người cai tù đang nửa mê nửa tỉnh và đầu gục lên xuống, trong suốt lúc ấy họ nhìn qua cửa sổ và chỉ có thể thấy đôi chốc hình ảnh thoáng qua của tù nhân, người sau giống cái bóng di chuyển trước cửa sổ. Nhưng người gác tù có thể cảm nhận được gì, và có thể biết gì về hành động thật và nhất là tư tưởng của tù nhân ?
H: Không phải tư tưởng của cái tôi này ghi ấn tượng lên cái tôi kia sao ?
Đ: Không có trong lúc ngủ cho bất cứ việc gì, vì Chân nhân không suy nghĩ như phàm ngã tạm thời và thoảng qua. Trong lúc thức tỉnh, tư tưởng và tiếng nói của Chân nhân hoặc đến hoặc không đến người gác tù là con người phàm, vì đó là 'Tiếng nói của Lương tâm', còn trong lúc ngủ chúng tuyệt đối là 'tiếng nói trong sa mạc'. Trong tư tưởng của con người thật hay 'Cá nhân' bất tử, hình ảnh và viễn kiến của quá khứ và tương lai là Hiện tại, cũng như tư tưởng của nó không giống như của ta là hình ảnh trong não bộ, mà là hành động và việc làm sống thực, là thực trạng hiện giờ. Chúng là thực trạng, ngay cả là vậy khi không có lời nói phát ra âm thanh vì tư tưởng là vật, và con người không cần biểu lộ chúng bằng lời, bởi chúng lập tức thể hiện ra do khả năng bí ẩn gọi là Kriya-Sakti, biến ngay tức khắc ý tưởng thành hình thấy được (bằng thông nhãn) và những hình ấy là vật đối với 'người' hồi đầu giống dân chánh thứ ba, họ thấy nó như ta thấy vật ngày nay.
H: Vậy triết lý bí truyền giải thích ra sao việc truyền vào ký ức của xác thân dù chỉ vài tư tưởng của Chân nhân mà thỉnh thoảng não lưu giữ lại ?
Đ: Tất cả chuyện như thế được phản ảnh lên não của người đang ngủ, như hình bóng bên ngoài phản ảnh lên tường vải của lều mà ai ở trong đó thấy khi họ tỉnh giấc. Họ cho là đã nằm mơ thấy vậy, và có cảm tưởng như mình đã sống qua chuyện gì đó, trong khi thực tại thì ấy là hành động - tư tưởng của Chân nhân mà họ mù mờ cảm biết. Khi tỉnh giấc hoàn toàn, việc hồi nhớ mỗi phút mỗi bị biến dạng, và trộn lộn với hình ảnh phóng chiếu vào não bộ hồng trần từ việc kích thích làm ai đang ngủ tỉnh dậy. Những hồi ức này, do tính liên kết, tạo ra các chuỗi ý tưởng khác nhau.
H: Những cảm quan nào tác động trong giấc mơ ?
Đ: Cảm quan của người ngủ thỉnh thoảng nhận được kích thích và được gợi dậy một cách máy móc; điều họ nghe và thấy như đã nói là phản ảnh bị biến dạng của tư tưởng Chân nhân. Cái sau có nét tinh thần cao độ và nối kết rất chặt chẽ với hai nguyên lý cao là Atma và Buddhi. Hai nguyên lý cao hoàn toàn không tác động ở cõi của ta, và Chân nhân (Manas) tự nó thì mơ ngủ ít nhiều trong lúc con người trần tỉnh thức. Đặc biệt đây là trường hợp của ai mà trí não hết sức duy vật. Các quan năng tiềm ẩn quá sâu vì Chân nhân bị vật chất bao kín khiến Nó gần như không thể chú ý đến hành động của người trần, cho dù người sau có thể phạm lỗi lầm, mà khi Chân nhân tái hợp với hạ trí sẽ phải chịu đau khổ chung trong tương lai. Như đã nói, ấn tượng mà Chân nhân gieo vào con người vật chất là điều ta gọi là 'lương tâm', và tùy theo phàm ngã hay hạ trí kết hợp với tâm thức cao là Chân nhân tới mức nào mà hành động của cái sau có ảnh hưởng nhiều hay ít trong cuộc đời của người trần.
H: Vậy Chân nhân là cái Tôi trên cao ?
Đ: Phải, nó là thượng trí được Buddhi (Bồ đề tâm) soi sáng; là nguyên lý của ngã thức, nói tóm tắt là 'Tôi là Tôi'. Tiếng Phạn gọi là Karana-Sarira, con người bất tử tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác.
H: Ký ức của trạng thái mơ thực sự thì có khác với ký ức trong lúc tỉnh thức ?
Đ: Bởi giấc mơ trong thực tế là hành động của Chân nhân trong lúc có giấc ngủ ở cõi trần, tự nhiên là chúng được ghi lại ở cõi của chúng và sinh ra ảnh hưởng tương ứng ở cõi đó. Tuy vậy ta cần luôn nhớ là giấc mơ nói chung, theo ta biết, chỉ là việc hồi nhớ mù mờ của ta trong lúc tỉnh về các sự kiện này.
Thật vậy, chuyện đôi khi xẩy ra là ta không nhớ đã mơ chút gì, mà về sau trong ngày bất thình lình ta nhớ lại giấc mơ như tia chớp. Có nhiều lý do cho việc ấy, nó tương tự như điều thỉnh thoảng xẩy tới cho mỗi chúng ta. Thảng hoặc một cảm giác, mùi, ngay cả tiếng động tự nhiên, hay một âm thanh, lập tức sinh ra trong trí ta chuyện, khung cảnh và nhân vật đã quên từ lâu. Việc mà Chân nhân đã thấy, làm hay suy nghĩ được ghi vào não của thân xác lúc ấy nhưng không được đưa vào tâm thức, phần ký ức lúc ta tỉnh thức vì trở ngại hay điều kiện vật chất nào đó, cho tới khi có một điều gì cho nó thúc đẩy cần có và não bộ lập tức gợi nhớ lại ký ức trong lúc tỉnh thức. Bởi ngay vừa khi các điều kiện cần thiết hội đủ, phần trung khu đặc biệt khởi sự hoạt động và làm phần việc nó phải làm mà đã bị ngăn trở chưa làm được.
H: Sự việc diễn tiến ra sao ?
Đ: Giữa con người bên trong và não của thân xác có trao đổi tín hiệu một cách ý thức, diễn ra không ngừng nghỉ cả ngày và đêm. Não là bộ phận rất phức tạp, cả về mặt thể chất và siêu hình. Nó như cái cây mà bạn có thể bóc từng lớp vỏ, lớp này khác với những lớp kia, và mỗi lớp có công việc, vai trò, tính chất riêng của nó.
H: Ký ức và óc tưởng tượng lúc mơ khác với ký ức và óc tưởng tượng lúc tỉnh thức ra sao ?
Đ: Trong lúc ngủ ký ức và óc tưởng tượng của não bộ tự nhiên là thụ động, vì người mơ đang ngủ, não của họ thiếp ngủ, ký ức của họ thiếp ngủ, mọi sinh hoạt chìm xuống lặng lẽ và nghỉ ngơi. Chỉ khi họ được khích động thì mới choàng dậy, như vậy tâm thức của người đang ngủ không linh hoạt mà thụ động. Tuy nhiên con người bên trong, tức Chân nhân sinh hoạt độc lập trong lúc thân xác ngủ, nhưng không chắc có ai trong chúng ta có thể hiểu được tính chất các hành động của nó, trừ phi ta rành rẽ huyền bí học.
H: Giấc mơ có tính tiên tri có phải là dấu hiệu nói rằng người nằm mơ có khả năng thông nhãn mạnh ?
Đ: Ttrong trường hợp ai có giấc mơ quả thật có tính tiên tri, ta có thể nói não và ký ức của thân xác có liên hệ chặt chẽ hơn và tương hợp với Chân nhân họ, so với người khác nói chung. Với người như vậy, Chân nhân có nhiều cách để gây ấn tượng lên xác phàm điều gì quan trọng cho họ, hơn là trong trường hợp của ai kém nhậy hơn. Cần nhớ rằng Thượng đế duy nhất mà con người tiếp xúc được là Thượng đế của riêng họ, là Tinh thần, Linh hồn và Trí tuệ hay Tâm thức, và ba điều này là một.
Nhưng có cỏ dại cần được dọn sạch để cây có thể tăng trưởng, hay như có lời nói rằng ta phải chết để có thể sống trở lại. Nhờ có hủy diệt mà ta có thể cải thiện, và ba mặt bảo tồn, sáng tạo và hủy diệt là ba tính chất của điểm linh quang trong con người.
H: Các bậc đạo sư có nằm mơ ?
Đ: Không đạo sư cao cấp nào nằm mơ. Bậc đạo sư là người đã làm chủ tứ thể hạ gồm luôn thân xác và do vậy không để cho xác thịt chi phối. Ngài chỉ làm tê liệt phàm ngã trong lúc ngủ và có tự do hoàn toàn. Giấc mơ, như ta hiểu, là ảo ảnh. Vậy bậc đạo sư có mơ chăng khi ngài đã loại bỏ tất cả những ảo ảnh khác trong người mình ? Trong khi ngủ chuyện giản dị là ngài sống ở cõi khác thực hơn.
H: Có ai không hề nằm mơ ?
Đ: Theo tôi biết không có ai như vậy trên đời. Ai cũng mơ nhiều hay ít, chỉ có điều là với đa số, giấc mơ đột ngột tan biến khi tỉnh dậy. Chuyện tùy thuộc vào tình trạng cảm thụ ít hay nhiều của các nhân trong não. Người ít phát triển về tinh thần và ai không sử dụng mấy óc tưởng tượng, hay ai lao động kiệt sức, ít khi nằm mơ thấy chuyện mạch lạc, vì các nhân không hoạt động dù là máy móc trong lúc ngủ.
H: Giấc mơ của người và thú khác nhau ra sao ?
Đ: Ai cũng nằm mơ và tất cả thú vật cũng vậy, từ loài hữu nhũ tới con chim nhỏ bé nhất, và ngay cả côn trùng. Mỗi sinh vật có não trong thân xác hay cơ quan tương tự đều phải nằm mơ. Mỗi thú vật, lớn hay nhỏ đều có giác quan vật chất ít hay nhiều và tuy những giác quan này hóa lặng lẽ khi ngủ, ký ức vẫn làm việc một cách máy móc, khiến cảm nhận chuyện đã qua. Ta đều biết là chó, ngựa, trâu bò nằm mơ, chim oanh cũng thế, nhưng tôi nghĩ các giấc mơ ấy chỉ có tính sinh lý. Như than hồng của ngọn lửa sắp tàn với hoa lửa thỉnh thoảng nổ tung và tia lửa lóe sáng, não cũng hành động giống vậy khi sắp rơi vào giấc ngủ. Giấc mơ không phải như Dryden nói là 'khoảng giao thời của chuyện viễn vông', vì điều ấy chỉ có thể muốn nói giấc mơ sinh ra do bụng khó tiêu, hay tư tưởng, sự kiện nào ghi trong não lúc tỉnh thức.
H: Vậy diễn trình lúc chìm vào giấc ngủ là sao ?
Đ: Điều này có thể giải thích phần nào bằng sinh lý học. Huyền bí học nói rằng ngủ là sự kiệt sức của thần kinh, nhất là các hạch cảm giác (sensory ganglia) của não, không chịu sinh hoạt lâu hơn ở cõi trần, và nếu chúng không đủ sức làm việc thì bắt buộc phải hồi phục sức lực ở cõi khác. Ta nên nhớ rằng những cảm quan của ta đều là từng cặp một, và làm việc nơi cõi nào mà tâm thức đang linh hoạt.
Giấc ngủ của cơ thể cho cách tốt nhất để con người sinh hoạt ở nhiều cõi khác, và cùng lúc ấy là điều cần thiết để những giác quan có thể hồi phục và linh hoạt trở lại khi tỉnh thức. Tựa như một ai kiệt sức ở trạng thái này sẽ tìm trạng thái khác, thí dụ trời nóng thì họ tìm nước mát để giải nhiệt, theo cách đó giấc ngủ là góc râm mát trong thung lũng nắng chói của cuộc đời. Giấc ngủ là dấu hiệu nói rằng cuộc sống khi tỉnh thức trở thành quá mạnh cho thân xác, và lực của dòng sống phải ngưng lại bằng cách chuyển từ sự tỉnh thức sang trạng thái ngủ.
Hãy nhờ ai có thông nhãn mô tả hào quang của người vừa tươi tỉnh thức dậy, và hào quang của ai sắp thiếp ngủ. Người trước sẽ được thấy là có những làn sinh lực rung động nhịp nhàng thấm đẫm hào quang, có mầu vàng óng, xanh dương và hồng, ấy là những lượn sóng điện của Sự Sống. Người sau ở giữa khối sương mầu vàng cam đậm, gồm những hạt nguyên tử quay tít với sự cuồng loạn mau lẹ gần như không tin được, cho ấy họ tràn ngập quá độ Sức Sống, sinh lực quá mạnh cho cơ quan trong thân xác và họ phải giảm bớt nó bằng cách cho thân xác ngủ, là một trạng thái khác của tâm thức.
H: Nguyên do chính của giấc mơ là gì ?
Đ: Ta biết là giấc mơ có nhiều loại, không kể đến mơ vì ăn không tiêu thì có mơ của não, mơ của ký ức, hình ảnh sinh ra một cách máy móc hay có ý thức. Loại mơ có tính báo trước và điềm tiên tri cần có sự hợp tác tích cực của Chân nhân, chúng cũng thường khi sinh ra do sự hợp tác có ý thức hay không ý thức giữa não bộ của hai người sống hay hai Chân nhân của họ.
H: Vậy giấc mơ là gì ?
Đ: Nói tổng quát thì não trong thân xác, nơi chứa đựng ký ức, tung ra các lóe sáng như than hồng của ngọn lửa. Ký ức của người ngủ thì giống như như cây thụ cầm bẩy dây, và trí óc họ có thể ví như làn gió thổi qua dây phát ra hợp âm. Sợi dây đàn nào vang lên âm là dây đáp ứng với một trong bẩy trạng thái sinh hoạt của trí tuệ nơi người, trước khi họ rơi vào giấc ngủ.
Nếu đó là làn gió êm thì cây đàn chỉ bị ảnh hưởng nhẹ; nếu là gió bão thì sự rung động sẽ mạnh mẽ tương ứng. Nếu phàm ngã tiếp xúc với các nguyên lý cao nơi con người và bức màn che khuất cõi giới cao được kéo sang bên thì mọi chuyện tốt đẹp, bằng ngược lại ai có tính duy vật thì có lẽ không có giấc mơ; hay nếu tình cờ ký ức bắt được 'làn gió' từ cõi cao, nó sẽ nhận được hình ảnh và âm thanh bị biến dạng và rối tung, bởi không phải do tác động trực tiếp của Chân nhân, tới mức hình ảnh nơi cõi Devachan thành như là ác mộng hay hình biếm họa quái dị.
Thành ra không có câu trả lời giản dị cho thắc mắc này, vì nó hoàn toàn tùy thuộc vào nguyên lý nào là động cơ chính trong giấc mơ, và ta nhớ hay quên giấc mơ ... Người duy vật có thể cười nhạo và nói rằng ta đặt chuyện phức tạp khi tin là con người có nhiều thể, nhưng không phải vậy. Huyền bí học dạy là con người vật chất là một, rồi con người có tri thức sẽ suy nghĩ, hành động, cảm xúc và sống trong bẩy cõi tâm thức hay ở bẩy trạng thái khác nhau; và Chân nhân có loạt cảm quan riêng rẽ cho mỗi trạng thái hay cõi ấy.
H: Những cảm quan riêng rẽ này phân biệt được không ?
Đ: Không được trừ phi bạn là bậc Đạo sư hay đệ tử được huấn luyện kỹ, rành rẽ những trạng thái khác nhau. Khoa học, như sinh học, sinh lý học và ngay cả tâm lý học không đụng tới đề tài này ... Chuyện hay xẩy ra là chúng ta có ý thức và biết đang nằm mơ, đó là bằng chứng rất tốt nói rằng con người có nhiều thực thể nơi cõi tư tưởng, có thể tách mình nơi cõi nằm mơ thành hai thực thể hay hơn ... Con người là tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ, là thượng đế trên trần được tạo theo khuôn mẫu của thượng đế trong thiên nhiên. Nhưng tâm thức vô cùng của Chân nhân vượt xa triệu lần ngã thức của phàm nhân.
H: Có khi người ta nằm mơ thấy như mình luôn theo đuổi một chuyện gì đó mà không hề đạt được. Lý do nào sinh ra chuyện ấy ?
Đ: Ấy là do phàm ngã và ký ức của nó không biết Chân nhân làm gì. Người nằm mơ chỉ thấy thoáng qua hành động của Chân nhân như hình ảnh mờ nhạt, cái sinh ra điều ta gọi là giấc mơ nơi người phàm, mà không thể theo dõi nó có đầu có đuôi. Như bệnh nhân hôn mê khi tỉnh dậy sẽ có cảm nghĩ mơ hồ về người y tá chăm sóc họ trong lúc bệnh, thì người phàm cũng có cảm nghĩ giống vậy về Chân nhân của mình. Chân nhân xử sự có ý thức bên trong và bên ngoài phàm ngã, tựa như người y tá xử sự trong việc chăm lo và theo dõi bệnh nhân. Nhưng cả bệnh nhân sau khi rời giường bệnh lẫn người nằm mơ khi tỉnh giấc không thể nhớ điều gì, ngoài hình ảnh đứt nối thoảng qua.
H: Giấc ngủ khác với sự chết ra sao ?
Đ: Giữa hai điều có sự tương tự tuy nhiên có một khác biệt lớn lao. Trong lúc ngủ có sự liên kết dù là yếu giữa hạ trí và thượng trí, và cái sau phản ảnh ít nhiều lên cái trước cho dù phần lớn ánh sáng của nó bị biến dạng. Còn một khi thân xác chết đi, phần huyễn thể Mayavi Rupa trở thành Kama Rupa, là thể tình cảm cộng với hạ trí, và bị bỏ lại gọi là vỏ-shell. Tức có khác biệt lớn lao giữa vỏ và con người, như giữa ai say khướt tới mức lú lẫn không thể phân biệt cảnh nổi bật nhất chung quanh và ai hết sức duy vật mà tỉnh thức, giữa ai bị nhốt kín trong phòng tối đen và ai trong phòng có ánh sáng dù rất mờ.
Các nguyên lý thấp giống như thú hoang, còn thượng trí như người biết suy xét làm thuần chúng hay làm chúng chịu nghe lời tới một mức nào đó. Nhưng một khi con thú sổng ra khỏi sự kềm chế của chủ, nó không còn nghe lời họ hay ở cạnh nữa mà lập tức trở về rừng và hang ổ ngày xưa. Tuy nhiên trong lúc con thú cần thời gian để trở về trạng thái hoang dã ban đầu của nó, các nguyên lý thấp (tình cảm và hạ trí) thường gọi là hồn ma lập tức quay về tình trạng cũ; và ngay khi tam thể thượng vào cõi Devachan thì hai nguyên lý thấp trở lại tình trạng ban đầu của chúng, là nguyên lý có thuần bản năng thú tính, vui thích hơn với thay đổi lớn lao này.
H: Trong lúc ta nằm mơ thì thể sinh lực (thể phách) Linga Sarira làm gì ?
Đ: Nó nằm ngủ với thể xác, trừ phi được phóng chiếu ra ngoài do ham muốn mạnh mẽ phát ra từ thượng trí. Trong giấc mơ nó không đóng vai trò chủ động mà ngược lại hoàn toàn thụ động, là chứng nhân mơ mơ màng màng không tự ý cho các kinh nghiệm mà những nguyên lý cao trải qua.
H: Trong điều kiện nào thì ta thấy được thể này, gọi là hồn ma bóng quế ?
Đ: Thỉnh thoảng trong trường hợp người A đau ốm hay có ước ao rất mạnh muốn người B thấy mình, đây là tiến trình hai chiều. Ai đau ốm nhất là ngay trước khi qua đời, dễ dàng thấy trong giấc mơ hay linh ảnh những người họ thương yêu và hằng nghĩ tới; cũng y vậy cho ai tỉnh táo mà nghĩ miệt mài về người khác lúc ấy đang ngủ.
H: Thuật sĩ (phù thủy) có thể triệu người nằm mơ và giao tiếp với họ ?
Đ: Chuyện triệu 'phần hồn' của ai đang ngủ không hiếm trong tà đạo; thầy phù thủy khi ấy có thể biết được bất cứ bí mật gì muốn biết từ phần hồn, và người đang ngủ không biết chút gì việc đang xẩy ra. Trong trường hợp như vậy vật xuất hiện là huyễn thể Mayavi rupa; nhưng luôn luôn có nguy hiểm là ký ức của người sống sẽ ghi giữ lại việc triệu thỉnh này và nhớ nó như là giấc mơ sống động. Nếu là khoảng cách không xa thì thể sinh lực Linga Sarira có thể là vật bị triệu, nhưng nó không thể nói hay cho thông tin gì, và luôn luôn có khả hữu là người nằm ngủ bị giết do việc bức bách tách rời thể sinh lực khỏi thể xác. Nhiều cái chết bất ngờ trong lúc ngủ đã xẩy ra như vậy mà không ai hay biết.
H: Có thể có liên kết nào giữa người nằm mơ và một thực thể ở cõi trung giới Kama Loka ?
Đ: Người nằm mơ về một thực thể nơi cõi trung giới Kama Loka có thể làm cho mình gặp ác mộng, hay có rủi ro là bị 'hồn ma' nhập vào khi thu hút nó như vậy, nếu họ là người đồng hay ai làm cho mình thụ động trong lúc tỉnh thức tới độ ngay cả Chân nhân giờ không thể bảo vệ họ. Ấy là lý do tại sao trạng thái thụ động của đồng bóng hết sức nguy hiểm, và theo với thời gian làm cho Chân nhân hoàn toàn bất lực không thể cứu giúp, hay luôn cả việc khuyến cáo người đang ngủ hoặc bị mê man xuất thần. Tính thụ động làm tê liệt sự liên kết giữa các nguyên lý thấp và cao. Rất hiếm khi ta thấy có người đồng nào trong lúc chủ ý thụ động nhằm mục đích tiếp xúc với linh hồn khác cao hơn bên ngoài (không phải ai đã khuất), mà vẫn duy trì đủ ý chí của mình để không cắt đứt mọi liên kết với Chân nhân.
H: Người nằm mơ có thể 'tiếp xúc' với thực thể nào trong cõi Devachan ?
Đ: Cách duy nhất có thể có để tiếp xúc với ai trong cõi Devachan là qua giấc ngủ, hay có linh ảnh, hay trong trạng thái xuất thần. Không ai ở cõi Devachan có thể đi xuống vào cõi của chúng ta, mà phải là chúng ta - hay đúng hơn là Chân nhân của ta - đi lên tới cõi của họ.
H: Trạng thái của người say rượu trong lúc ngủ là sao ?
Đ: Nó không phải là giấc ngủ thực mà là việc mê man li bì, không có nghỉ ngơi về mặt thể chất và còn tệ hơn việc không ngủ, và làm ai say rượu mau chết. Trong lúc mê man như thế, cũng như trong lúc tỉnh mà say mèm, mọi việc quay cuồng đảo lộn trong não sinh ra tưởng tượng và mê sảng kinh khiếp, hình ảnh quái dị rối rắm chuyển động không ngừng.
H: Điều gì sinh ra ác mộng và làm sao mà giấc mơ của ai bị lao nặng thường có nét dễ chịu ?
Đ: Nguyên do chuyện đầu chỉ giản dị là có tính sinh lý. Ác mộng xẩy ra do bị đè ép và khó thở, khó thở luôn luôn tạo cảm giác bị đè nén và cho cảm tưởng có thảm họa sắp xẩy ra. Với trường hợp thứ hai, giấc mơ hóa ra dễ chịu vì người bị lao thời kỳ chót đang dần tách ra khỏi xác thân vật chất, và có thông nhãn theo mức tương ứng. Khi cái chết đến gần, xác thân buông lơi và không còn ngăn trở hay là chướng ngại giữa não trong thể xác với Chân nhân.
H: Muốn nằm mơ có phải là điều tốt ?
Đ: Thông nhãn phát triển nhờ tạo khả năng gọi là 'mơ mộng'
H: Có cách để diễn giải giấc mơ không, thí dụ như các lời đoán điềm giải mộng trong sách vở ?
Đ: Không có cách nào ngoại trừ việc dùng thông nhãn và trực giác tinh thần của người ' giải mộng'. Mỗi Chân nhân mơ mộng khác nhau, tựa như thể xác của ta khác nhau. Nếu mọi việc trong vũ trụ có bẩy chìa khóa để giải biểu tượng của nó nơi cõi trần thì ta cần bao nhiêu chìa khóa ở cõi cao hơn ?
H: Có cách nào để phân loại giấc mơ ?
Đ: Ta có thể phân chia tổng quát giấc mơ làm bẩy loại, và rồi phân thêm nữa. Như vậy chúng có thể được chia như sau.
- Giấc mơ tiên tri. Đây là do Chân nhân ghi ấn tượng vào ký ức của ta và thường là tách bạch và rõ ràng, hoặc nghe giọng nói hoặc thấy trước chuyện sẽ xẩy ra.
- Mơ có tính ẩn dụ hay những thoáng thấy mơ hồ của thực tại mà não bắt được và bị óc tưởng tượng bóp méo. Thông thường chúng chỉ đúng một nửa.
- Giấc mơ do đạo sư gửi tới, xấu hay tốt, do ai thôi miên gửi hay do tư tưởng của cái trí rất mạnh muốn ta làm theo ý của họ.
- Hồi tưởng, mơ về chuyện kiếp trước.
- Giấc mơ báo mộng cho ai không thể tự mình ghi ấn tượng.
- Mơ lộn xộn, với nguyên do giải thích ở trên.
- Những giấc mơ chỉ là hình ảnh và tưởng tượng hỗn loạn do ăn không tiêu, có lo nghĩ hay nguyên do nào bên ngoài.
Theo:
- Collected Writing vol. III p. 433
- Transactions of the Blavatsky Lodge.