ẢNH HƯỞNG CỦA NHẠC CỤ

 

1. Nghe Nhạc.

Mai sau, người ta sẽ tìm ra cách mà nhạc có thể sinh ra bệnh cho các phần trong cơ thể. Họ sẽ có thể truy ra nguồn của bệnh tật trong nhạc mà ai đó lắng nghe trong nhiều năm hay là trong suốt đời họ.
Cơ thể của chúng ta được tạo ra trên nguyên tắc âm thanh biểu lộ như là nốt, là sự rung động, là tần số. Hoa, cây cỏ được tạo theo cùng nguyên tắc. Sóng âm thanh sinh ra hòa điệu hoặc rối loạn trong các thể này; thí dụ vì bạn nghe một loại nhạc nào đó, bạn có bệnh về gan, thận, tim hay da. Hoặc do loại nhạc bạn nghe, bạn có thể có sức khỏe tuyệt hảo.
Người ta chỉ lo lắng về phóng xạ nguyên tử mà không hề nghĩ rằng âm nhạc cũng là một hình thức phóng xạ. Âm thanh oanh kích cơ thể, não bộ và các tuyến và tạo nên một số ảnh hưởng. Các nốt trong nhạc là các nguyên tố hóa học của âm thanh. Một nhạc sĩ giỏi là hóa học gia khéo léo biết khi nào dùng hóa chất nào và với tỷ lệ nào. Các hợp chất hóa học này có thể làm thay đổi các nguyên tố trong cơ thể của bạn bằng cách tăng, giảm hoặc loại bỏ chúng hoàn toàn. Những thay đổi hóa học ấy trong thân xác sinh ra thay đổi tâm lý, hành vi, cách suy nghĩ, cảm xúc v.v.
Khi lắng nghe nhạc bạn cần biết là mình đang hấp thu nguyên tố hóa học vào các thể của bạn. Ta chưa có dụng cụ để khuyến dụ ai không tin điều tinh thần chấp nhận các sự việc này, nhưng dần dần việc quan sát và kinh nghiệm với nhạc sẽ làm người ta không còn nghi ngờ gì về hóa chất thay đổi.
Âm thanh kiểm soát phận sự của tế bào và tế bào thần kinh, phản ứng hóa học và việc tiết ra của tuyến. Về sau khoa học gia sẽ chứng minh là người có bệnh tâm thần và người có thiên tài, đều là sản phẩm của một loại nhạc tác động trong một thời gian lâu.
Người ta có thể hỏi nếu phải lắng nghe nhạc để có tình trạng lý tưởng cho cơ thể, tình cảm và trí não, vậy làm sao ta có thể giúp ai sống trong khung cảnh có tâm lý hung bạo như trong nhà tù ? Câu đáp là ai trong cảnh ấy phải đừng nghe nhạc, mà cần lắng nghe tiếng nhạc của thác nước rơi, sông, rừng núi và sấm sét. Tương tự vậy, nhịp của trống có thể cho ảnh hưởng chữa lành to tát cho họ, nếu có nhà soạn nhạc nhậy cảm tạo ra âm điệu nhịp nhàng.
Có đề nghị là bạn không nên nghe nhạc trong lúc ngủ, vì nó có thể kích thích não bộ của bạn và sinh ra xáo trộn, nó cũng có thể giữ bạn ở những cõi thấp và không cho bạn làm những công việc ở cõi cao hơn. Trong tương lai, một loại nhạc được soạn có thể giúp bạn xuất ra khỏi thân xác và nâng bạn lên cõi cao. Nhạc như thế sẽ được viết ra bởi những ai có hiểu biết về nhạc cõi tình cảm, trí và không gian.
Nhạc là sự thể hiện của tâm thần con người. Nếu quả tim và trí óc không có ước vọng và nỗ lực tới điều gì đó vượt ngoài xa, nhạc nằm ở mức ngang và không có đột phá nào ra không gian. Nhạc tương lai dần dần tách mình với các nhịp điệu xưa cũ mà ta quen thuộc trong ba cõi trần, tình cảm và trí. Âm nhạc mới không dựa trên nhịp điệu xưa, tiết tấu hay phân đoạn ngày trước. Nó có nhịp điệu và phân đoạn riêng của nó, khêu gợi đến tương lai hay không gian.

2. Ảnh Hưởng của Nhạc Cụ.

Nhạc đa điệu (polyphony) là loại nhạc có nhiều âm điệu diễn ra cùng lúc và độc lập với nhau, giản dị như hát đuổi, hát bè còn phức tạp hơn thì trong một bài trình tấu, ta có thể có 'giọng' vĩ cầm và 'giọng' dương cầm hỏi đáp nhau; trong ban tứ tấu (quartet) hai 'giọng' nói chuyện với nhau và hai 'giọng' còn lại tự do. Ấy là hình thức cho và nhận trong sự tương giao của người, loại nhạc ấy có tính toán học nên làm phát triển trí năng. Kết quả là nhạc càng trở nên đa điệu chừng nào, trí năng khai mở nhiều chừng ấy đưa tới thời đại lý trí (Age of Reason) hồi thế kỷ 17 và 18.
Nhạc của nhạc sư Johannes Bach có tính này rõ nhất, và nhạc của ông được xem là cực điểm của kiểu nhạc đa điệu, đặc biệt là nhạc viết theo điệu fugue. Đề tài của nhạc khúc được một phần của ban nhạc xướng lên thí dụ đàn dây, và ban khác đào sâu thí dụ đàn gió. Chúng tạo ra ảnh hưởng rõ rệt cho trí tuệ đến mức dần dần càng lúc càng có nhiều người bắt đầu dùng khả năng suy luận theo mọi chiều hướng từ thế kỷ 16. Họ không còn bằng lòng chấp nhận giáo điều mà không thắc mắc như đã truyền lại từ bao năm, hoặc hành vi trái lẽ của người có thẩm quyền. Người ta thấy có sai sót ở biện luận này hay kia; họ phản đối thuyết lý này hay nọ, đưa tới việc cải tổ giáo hội Công giáo và phái Tin Lành ra đời cùng nhiều phong trào tôn giáo khác.
Ba nhạc sư Orlando de Lasso, Palestrina và Monteverde trong thế kỷ 16 được xem là mở đường cho các nhà huyền học, thi sĩ và triết gia xuất hiện về sau. Nhạc của họ ngoài tính chất tinh thần còn thúc giục người ta suy nghĩ  do nét đa điệu của chúng.
Nay nói về ảnh hưởng của nhạc trong thế kỷ sau, ta cần biết qua tính chất của vài nhạc cụ, vì ảnh hưởng thay đổi theo loại nhạc cụ nào được chơi.
Thuở ấy chưa có dương cầm (piano), nhạc được viết cho đàn harpsichord là tiền thân của dương cầm. Tên đàn diễn tả đúng cấu trúc của nó, ấy là cây đàn harp (thụ cầm) nằm ngang, chơi bằng cách khẩy dây đàn trong khi dương cầm phát ra tiếng do miếng búa nhỏ có bọc nỉ gõ lên dây. Khác biệt nhỏ bé trong cách chơi sinh ra khác biệt lớn lao về  ảnh hưởng. Hành động khẩy đàn gợi nên ý châm chọc, gây bực tức, thế nên ngày nay khi nghe cùng bản nhạc trên dương cầm, những tính chất khác vẫn còn đó duy tính châm chích biến mất, và phần lớn ảnh hưởng ban đầu mất đi.
Để hiểu rõ ảnh hưởng của đàn harpsichord, ta chỉ cần so sánh nó với phong cầm trong nhà thờ. Loại đàn sau có âm ngân dài, trang nghiêm, lập tức có khuynh hướng gợi nên lòng tôn kính và hiến dâng; còn với đàn harpsichord dây đàn kim loại được gẩy tưng cho ra cảm xúc ngược hẳn, thay vì lòng sùng kính ta có óc hài hước, hân hoan thư thái, thay vì lòng hiến dâng tôn thờ là óc châm biếm chua cay và nhạo báng. Thế nên đàn harpsichord, clavecin và spinet, những đàn tiền thân của dương cầm và nói chung bất cứ nhạc cụ nào có dây kim loại và được gẩy, có khuynh hướng làm tăng óc dí dỏm châm chọc,  hào hứng chua cay, nhất là khi đàn được dùng để chơi loại nhạc tươi sáng bóng bẩy. Xin bạn đọc lại bài về thể trí trong một số PST trước, hào quang của ai ưa chỉ trích gây bực bội người khác được thấy có nhiều hình móc câu.
Người ta cho rằng do các nhạc cụ trên hay đúng ra do ảnh hưởng của chúng đối với trí tuệ, mà ta có di sản là óc hài hước sâu sắc của thế kỷ 16, rất phong phú trong tác phẩm của Voltaire và nhiều người đồng thời với ông tuy không bằng. Như đã nói ở trên, nhạc đa điệu kích thích trí thông minh, nay thêm vào đó tác động của dây đàn gẩy tưng, nhạc khúc tươi vui hăm hở, và kết quả là óc thông minh được sử dụng để nói lời châm biếm hóm hỉnh. Thực vậy, sau khi đàn harpsichord mất dạng, tính dí dỏm chế nhạo đặc biệt ấy bắt đầu giảm đi. Khi đàn dương cầm ra đời với thanh âm êm dịu hơn, một óc hài hước bớt chua cay hơn xuất hiện, nó giữ được các tính chất nào khác và mất đi nét 'châm chích' đặc biệt của nó.
Nhạc sư nổi tiếng của thời đại này là Scarlatti người Ý, nhạc của ông không ảnh hưởng khắp nước như là một khối, nhưng dù có ảnh hưởng giới hạn, có lẽ chúng cho tác động ngay lập tức hơn các nhạc sĩ ta đã đề cập khi trước. Sự việc tuân theo luật chung là loại nhạc càng tươi vui hớn hở, dễ nghe chừng nào, ảnh hưởng nó càng lập tức và thoảng qua chừng ấy.
Vì lý do đó nhiều bản nhạc dễ hiểu, âm điệu dễ thuộc cho ảnh hưởng lên khối đông người, và gần như tức thì trong thời đại nó sinh ra; trong khi ấy nhạc Beethoven phải mất cả trăm năm mới có ảnh hưởng lên tới tột đỉnh. Nhạc thế kỷ 16 có tính hời hợt phù phiếm, cho ra giải thích phần nào cách sống của xã hội thời ấy, cung cách bấy giờ là mầu mè, tô điểm, nghĩa là bề ngoài, sự khoe khoang mà không phải là thực chất. Nhạc cụ dùng cần để kéo dây đàn phát ra tiếng như vĩ cầm sinh ra âm êm ái gợi cảm, làm con tim có cảm xúc trữ tình, thơ mộng hơn. Nay sang phong cầm (organ), nó tạo ra ảnh hưởng tinh thần là mang thế giới tâm linh đến gần tâm con người hơn, là cầu nối giữa thế giới vật chất và tâm linh. Ảnh hưởng dễ thấy hơn là dàn phong cầm vĩ đại tinh vi có thể sinh ra âm lượng khổng lồ, gợi nên bầu không khí trang nghiêm khắc khổ, huy hoàng cao tột. Với dàn phong cầm nhỏ hơn nó gợi lòng mộ đạo giản dị, loại tình cảm dẫn đến Thanh giáo (Puritanism).
Với ai chỉ thích lắng nghe phong cầm và không màng đến nhạc nào khác, hệ quả là ta có mẫu người với cá tính hết sức phiến diện. Họ có  thể tỏ ra trầm tĩnh và an nhiên tự tại, và tránh né bất cứ chuyện gì có nét hào hứng, hoặc trò vui chơi vô hại trong đời. Nếu họ yêu thích mỹ lệ thì đó là mỹ lệ với hình thức nghiêm nghị, vẻ uy nghi với mầu sậm nghiêm chỉnh, loại gợi nên lòng tôn thờ, sùng mộ mà không phải là lòng yêu quí hớn hở, vui vẻ ân cần.
Nhận xét thấy là cùng một nguyên nhân không phải lúc nào cũng cho ra cùng ảnh hưởng, thí dụ như loại nhạc sinh ra óc suy nghĩ triết lý sâu xa nơi một loại tính khí nào, có  thể chỉ gợi nên lòng sùng mộ và tính khắc khổ của Thanh giáo nơi người khác. Nay ta phải kể đến một nhạc sư thời Elizabeth viết nhạc có cả hai đặc tính này, là Henry Purcell. Loại nhạc của ông phối hợp sự du dương của âm điệu nhạc Ý với nét mỹ lệ khắc khổ; nó gợi nên tình cảm dịu dàng mà cùng lúc tác động lên trí não, làm cho tôn giáo hấp dẫn hơn.
Nhạc của ông có nét làm người ta thích nghe và cũng gợi nên trong lòng họ niềm tôn kính nào đó. Mỗi khi bản 'Te Deum' (thánh nhạc) của ông được chơi ở nhà thờ thì không còn chỗ đứng, chật nghẹt người. Khi lắng nghe bài gồm phối hợp giữa ban đồng ca, dàn nhạc và phong cầm, người ta cảm thấy như bị mê mẩn vì nét huy hoàng của tôn giáo.

Theo:
- The Creative Sound: Sacred, Music and Song - Torkom Saraydarian.
- The Secret Influence of Music throughout the Ages, Cyril Scott.