ĐIỂM SÁCH

 

 

 

 

Quyển Paranormal: My Life in Pursuit of the Afterlife, tác giả Raymond Moody, 2012, như tên sách mô tả, nói về việc nghiên cứu của ông từ năm 1975 đến nay về chuyện lạ xẩy ra khi con người qua đời. Ông thuật lại những kinh nghiệm và kết quả lạ lùng làm người ta phải thay đổi quan niệm thông thường về cái chết. Mời bạn ngồi thoải mái, vững vàng để theo dõi công việc lý thú hết sức hấp dẫn của ông Moody trong nhiều năm qua, mà ta có thể chia làm bốn giai đoạn.

Giai đoạn 1.

Ông sinh năm 1944, có tiến sĩ về triết học trước rồi sau đó học y khoa và thành bác sĩ tâm thần. Năm 1975 ông cho xuất bản cuốn Life After Life nói về kinh nghiệm cận tử near-death experience (NDE). Đây là chữ do ông đặt ra và nó trở thành từ ngữ thông dụng từ đó trở đi. Sách mở đường cho một loạt nghiên cứu nghiêm chỉnh có tính khoa học về NDE, tái sinh, hiện tượng tâm linh, mang lại hiểu biết nhiều hơn về phần siêu hình bí ẩn. Có thể nói một tay ông làm thay đổi bộ mặt y khoa, đề ra một ngành học hoàn toàn mới. Sau quyển này lần lượt các tác giả khác có những công trình tìm tòi sâu rộng hơn, làm cho đề tài đời sống sau khi chết được coi như một môn khoa học, và giới y khoa mạnh dạn thảo luận về NDE với người bệnh và thân nhân của họ, không còn xem đó là chuyện phải tránh né.

Giai đoạn 2.

Từ kinh nghiệm cận tử, Moody quay sang việc chữa bệnh tâm lý bằng cách thôi miên để nhớ lại kiếp trước (past–life regression). Có hai cách để thực hiện việc này, một là ông thôi miên một nhóm 20 người (group regressions), hoặc thôi miên từng cá nhân riêng rẽ. Mục đích của việc thôi miên nhóm là để xem kết quả có khá hơn việc thôi miên cá nhân, ông nhận thấy những kiếp được gợi lại khi thôi miên nhóm thường  không được trọn vẹn hay phong phú, như khi thôi miên cá nhân. Ông cho rằng ấy là điều tự nhiên, vì người ta  không được thoải mái hoàn toàn khi ở trong nhóm.
Một kết quả với nhóm làm ông thật sự khó hiểu, ấy là trong nhiều trường hợp hai người trong phòng thấy kiếp trước gần như giống hệt nhau, và điều này xẩy ra rất thường. Thí dụ khi một cô ở bên này phòng tả lại kiếp xưa của mình là vũ viên ballet mang vớ xanh, vũ trước một cử tọa đông đảo trên sân khấu sáng choang, cô khác ở phía bên kia của phòng cũng thuật lại gần như cùng kinh nghiệm. Trong một dịp khác, có thanh niên tả một tội phạm mà anh có can dự ở thành phố New York hồi thế kỷ mười chín. Khi nghe vậy, một người khác trong phòng kinh ngạc, vì kết quả mà anh sắp đọc về kiếp trước của mình là cũng là chuyện tội phạm gần y vậy, và cũng tại  thành phố New York xưa. Sự tương tự hay liên kết này làm cho đề tài hóa phức tạp hơn.

Sang việc thôi miên cá nhân, chuyện dễ dàng hơn vì người ta  không bị áp lực nhóm, và cũng  không sợ phải để lộ trước công chúng tình cảm của mình. Thường thường ông thành công và kết quả bộc lộ nhiều điều. Thí dụ cô Anne bị cao huyết áp và hay bị kinh hoảng (panic attacks) trong nhiều năm, cô tình nguyện dự cuộc nghiên cứu để xem bệnh có thể được chữa trị bằng cách này. Cô thấy mình ở Ai Cập, là người nữ trong thành phố nhỏ đang bị vây hãm sắp đến hồi chiến bại. Cô không thể tìm đường trốn chạy và bị địch quân đâm dao vào bụng khiến cô té xuống.
Tới đây thì Anne tỉnh lại, trong lúc mô tả cô thở hổn hển và toát đẫm mồ hôi, làm như chết nghẹn vì hãi hùng. Tuy nhiên, cô thấy hết sức nhẹ nhõm vì kinh nghiệm làm giải tỏa sự lo lắng trong lòng. Trong mấy tuần sau đó, Anne trực diện với những nỗi sợ hãi trong đời này của cô, như mạnh dạn thẳng thắn nói chuyện với cấp trên mà cô hay sợ về việc làm của mình, và cũng nói chuyện với chồng về tình thân giữa hai người mà cô nghĩ là  không được như ý. Khi chịu cởi mở tâm tình như vậy, huyết áp của cô hạ xuống tới mức bình thường hơn, và nỗi kinh hoảng biến mất hẳn.
Kinh nghiệm làm cô dịu xuống, và cho cô can đảm đề cập với người khác về những vấn đề gây căng thẳng cho cô. Với những người khác trong cuộc nghiên cứu, kết quả làm tình trạng sức khỏe và tâm thần họ được cải thiện, và nhiều người đặt ra giả thuyết về tại sao họ có bệnh, hoặc nhìn bệnh của mình theo quan điểm tâm linh. Họ tin rằng kiếp trước có thể làm cho cơ thể kiếp này mắc bệnh, và khi ta trực diện với kiếp trước nhờ trị liệu thì bệnh nhiều phần sẽ thuyên giảm.

Moody  không biết nghĩ sao về việc nhớ lại kiếp trước nhờ thôi miên, có lúc ông tin đó là cách để người ta trốn chạy kiếp chán ngắt hiện thời, khi khác ông cho rằng trí não đặt chuyện để tránh sự đau khổ nội tâm, rồi cũng có thể ấy là một hình thức thổi phồng cái ngã, hay là cách để giải thích hoặc tránh né sự trầm cảm. Vài chuyện làm ông thật sự tin có luân hồi và khả năng hồi nhớ kiếp trước. Ông  không biết đi tới kết luận ra sao nên chỉ có thể nói rằng cho dù chuyện kể lại lý thú, chúng chỉ là chuyện và  không có cách thực dụng nào để nghiên cứu về việc nhớ kiếp xưa. Cho dù có thể kiểm chứng nhiều điều người ta mô tả trong lúc được thôi miên (thí dụ có người thấy được tên mình cùng thời điểm kiếp ấy ở miền nam nước Pháp, sau đó truy tìm sổ sách còn lưu trữ nơi đây thì quả thấy có nhân vật tên như thế, vào đúng thời điểm là thế kỷ mười bẩy), ta  không có cách nào để có thể biết là chi tiết đưa ra trong lúc được thôi miên đã nằm sẵn trong tiềm thức, do xem truyền hình hay sách vở hay nguồn nào khác.

Theo ông, nghiên cứu việc thôi miên để nhớ kiếp trước chỉ là sự thu thập những chuyện lý thú, thật lạ lùng mà không thể chứng minh hay phủ nhận. Moody xem xét hằng trăm trường hợp như vậy và ghi nhận có một số điểm chung trong việc hồi nhớ, ghi ra như sau:
● Hình ảnh có sự quen thuộc rất kỳ lạ.  Các đương sự thường mô tả là họ có cảm tưởng đã làm hay đã thấy chúng rồi, bất kể kiếp này ra sao.
● Con người đồng hóa với một nhân vật trong chuyện. Nhiều yếu tố có thể khác biệt lớn như diện mạo, cuộc sống, nghề nghiệp v.v. với kiếp hiện thời, nhưng họ tin chắc mình đã là nhân vật ấy hằng trăm năm về trước, trong một kiếp xưa, và cảm tưởng này kéo dài lâu sau cuộc thôi miên.
● Cảm xúc rất thật. Đương sự nói rằng họ có cảm xúc của nhân vật trong lúc trở lại quá khứ, Moody có lần thấy mình bị đem ra đấu trường thời cổ La Mã làm mồi cho sư tử, và thực sự thấy kinh hoàng khủng khiếp khi sư tử chồm tới cấu xé ông. Người khác nhăn mặt phẫn nộ, hay oà khóc nức nở, hay có sự biểu lộ đủ mọi tình cảm khác.
● Biến cố được nhìn từ nhiều mặt khác nhau. Người được thôi miên có hai cách nhìn, hoặc cảm thấy mình là chính nhân vật trong kiếp trước, hoặc là người ngoài cuộc thản nhiên quan sát diễn biến. Có người thấy mình là người xà ích hồi đầu thế kỷ 19 ở Âu châu. Tới một đoạn làm như cô ở trong thân xác người này, nhìn con đường trước mặt. Cô thấy ngựa phi tới trước, cảm được luôn cả gió thổi; rồi có tai nạn và xe lật nhào. Đột nhiên cô thấy mình quan sát cảnh tượng từ trên cao, nhìn xuống thân hình gẫy gập của người xà ích nằm trong khối xe vỡ vụn.
Người khác nói họ có thể chuyển tầm nhìn theo ý, gần giống như truyền hình chuyển từ máy thâu hình này sang máy kia để thay đổi góc độ.
● Kinh nghiệm thường phản ảnh vấn đề hiện đang có caàn ñöôïc giaûi quyeát trong đời của đương sự.  Mặt khác, nhiều người  không cần được chỉ cho thấy điều ấy, mà khi tỉnh giấc sau thôi miên, họ hiểu ngay rằng kinh nghiệm vừa có về kiếp xưa rất tương tự với những vấn đề trong đời hiện tại. Đây là một phần cho lý do của phép trị liệu dùng kiếp trước, nó như cửa sổ cho chuyên viên nhìn vào các khó khăn đang gặp, làm họ có thể mau lẹ đi thẳng tới gốc rễ của vấn đề. Thay vì phải mất nhiều tiếng đồng hồ phân tích tâm lý, bệnh nhân có thể trực diện sớm sủa với vấn đề của mình trong lúc trị bệnh, và dành nhiều thì giờ hơn để học hỏi, tìm cách đối phó thay vì đi tìm vấn đề.
● Trở ngược lại kiếp trước có thể dẫn đến sự cải thiện tâm thần. Nó cho sự giải tỏa,  cho tầm nhìn mới về tranh chấp khó giải quyết, hoặc dẫn đến thay đổi cần có trong mối liên hệ căng thẳng hoặc gây suy yếu.
Có người căm tức em trai, nghĩ rằng em được cha mẹ ưu đãi, chiếm hết của cải trong nhà. Khi trở lại kiếp xưa, anh thấy mình ở trong rừng tại nam Mỹ như là ông già của một bộ lạc. Trong kiếp ấy có một bà lão mà anh cảm biết là em trai mình kiếp này, ông lão bị khuyết tật và phải hoàn toàn nhờ cậy vào bà lão chăm lo. Thực trạng là bà hy sinh đời mình cho ông. Tỉnh giấc, anh cảm được một tình thương yêu mới mẻ cho em mình, nay thấy là sự quân bình được tái lập. Lúc xưa em anh đã vui lòng chịu gánh nặng săn sóc cho anh, nay đến phiên anh chăm lo cho em. Anh kể với em tâm tình của mình, và mối liên hệ giữa hai anh em trở thành tốt đẹp hơn.
Tất cả bệnh nhân được thôi miên để nhớ kiếp trước đều nói, 'Từ khi biết chuyện xưa tôi hiểu nhiều hơn về ...', cho dù trong vài trường hợp  không có chuyện gì gay cấn lắm. Nhiều kinh nghiệm này rất giống việc soi kiếp của ông Edgar Cayce, nếu so sánh ta sẽ thấy hết sức thú vị như hai trong các đặc tính của kinh nghiệm ghi dưới đây.
● Nhớ kiếp trước có thể ảnh hưởng bệnh trạng. Cô Lisa  không có bệnh gì như có bướu não mà bị nhức đầu dữ dội và thường xuyên, phải dùng một lượng lớn aspirin mỗi ngày; cô cũng  không hề uống rượu hay chất có cafeine. Khi được cho thấy kiếp xưa, cô kể có giặc tới và cô là thiếu nữ trốn chạy nhưng bị bắt. Lính đập gậy vào đầu cô, làm đau đớn kinh khủng, cô bị đập nhiều lần và té khuỵu, cô cảm thấy não sưng to và chết đi. Gương mặt nhăn nhíu và giọng nói đứt quãng trong lúc thuật lại cho thấy sự đau đớn thật rõ ràng. Tuy nhiên việc thảo luận về cái chết khủng khiếp này là kinh nghiệm giải tỏa cho Lisa, cảm xúc cô tuôn tràn khi mô tả cảm xúc thuộc kiếp trước. Sau đó cô giảm bớt được lượng aspirin.
● Kiếp xưa được thấy theo ý nghĩa mà  không thấy theo thứ tự thời gian.
Nếu một người được cho thấy mười kiếp trước khác nhau trong vòng một năm, nhiều phần ta sẽ thấy chúng là một nhóm những kiếp xoay quanh một tình cảm hay mối liên hệ, mà không phải là một chuỗi nhiều kiếp liên tục nhau theo thời gian. Nói khác đi, con người được cho thấy điều gì có liên kết với đời hiện tại, làm soi sáng bài học trong kiếp này.
Đặc điểm chính được lộ ra trong những kiếp nơi đương sự, có vẻ như  không phải là vai trò của họ trong lịch sử (tức theo thời gian), mà đúng hơn là mức phát triển tâm lý và tinh thần của họ. Đây là một tính chất khác của những kinh nghiệm này có thể làm trị liệu thành công.

Giai đoạn 3.

Ngày kia tình cờ Moody khám phá trở lại thuật linh thị (scrying) của cổ Hy Lạp. Đây là kỹ thuật chung được các nền văn minh cổ sử dụng để làm ta có tâm thức khác, bằng cách nhìn vào quả cầu pha lê, gương, hay một khoảng sâu trong trẻo nào (xin đọc chuyện Vòng Tái Sinh trên trang web PST, chương Ai Cập khi Pharaoh vào Thạch Động, và chuyện Harry Potter !). Riêng cổ Hy Lạp tạo nguyên một hệ thống hang động quanh co gọi là psychomanteums cho mục đích ấy, người ta sẽ tĩnh tâm nhiều tuần trong hệ thống, trước khi được dẫn dụ để gặp lại trong một chốc linh hồn của thân nhân quá vãng.

Moody tự hỏi có thể biến thuật này thành một khoa học, theo nghĩa người ta có thể lập lại thí nghiệm do ai khác đã làm, nếu muốn, và nghiên cứu nó trong môi trường có kiểm soát tức phòng thí nghiệm. Ông hào hứng vì tin là thuật có nhiều tiềm năng, như nó có thể được dùng làm trị liệu cho lòng sầu não nơi ai đau khổ vì thương tiếc thân nhân qua đời. Moody tin rằng cho người ta có thêm một lần thấy lại thân nhân có thể là điểm ngoặc quan trọng, làm họ vơi lòng thương tiếc và vui sống trở lại.
Ông đặt phòng thí nghiệm ở vùng hẻo lánh, đó là một phòng nhỏ có màn che kín, trong phòng có một tấm gương lớn với ngọn đèn 25 watts chỉ sáng như ánh nến. Ứng viên cho cuộc nghiên cứu được chọn theo tiêu chuẩn sau:
– Là người trưởng thành ưa thích tìm hiểu về tâm thức con người.
– Tình cảm vững vàng, có óc hiếu kỳ, nói năng mạch lạc.
– Không có bệnh tâm thần.
– Không có ý niệm về chuyện huyền bí, vì khuynh hướng ấy làm việc phân tích kết quả hóa phức tạp.
Lần đầu có mười ứng viên tham dự, mỗi người một ngày tới chỗ trò chuyện trước với ông thoải mái, và tới chiều được đưa vào phòng thí nghiệm. Họ muốn ở trong đó bao lâu cũng được, việc phải làm là nhìn sâu vào tấm gương, đầu óc chỉ có ý nghĩ về thân nhân và  không nghĩ tới điều gì khác. Khi quyết định là cuộc thí nghiệm đã xong, họ ra khỏi phòng và thảo luận với Moody về kết quả.
Ông ngạc nhiên thấy cuộc thí nghiệm thành công, tính ra trong mười người thì năm người thấy hình bóng rõ ràng của thân nhân đã khuất, và tin rằng họ đã thực sự gặp được thân nhân cùng trò chuyện với người ấy.
a– Một người tên Ruth là điều dưỡng viên 44 tuổi, muốn gặp lại người chồng qua đời hai năm trước vì bệnh tim. Bà ngỡ ngàng thuật là gặp lại cha ruột thay vì chồng, thấy cha bước ra khỏi tấm gương để nói chuyện với mình.
b– Người khác thấy mình bước vào tấm gương, đi tới một chỗ như sân đợi xe lửa và gặp ở đó hai anh em họ đã khuất. Anh thắc mắc là 'Làm như họ đang đợi tôi'. Vài tháng sau thì người này qua đời.
c– Một cô muốn gặp bà ngoại, và chẳng những thấy hình trong gương, mà bà còn bước ra khỏi đó, đứng trong phòng dang tay ôm cháu gái.
d– Một anh muốn gặp bà mẹ đã khuất. Bà hiện ra trong gương, ngồi trên ghế và hai mẹ con trò chuyện  không lời bằng cách trao đổi tư tưởng. Anh hỏi.
– Lúc chết mẹ có đau đớn  không ?
– Không chút nào hết, bà đáp, mẹ ra đi dễ dàng.
Anh tiếp tục.
– Mẹ nghĩ sao về cô gái mà con sắp thành hôn với cô ?
– Con chọn lựa đúng người lắm, bà đáp. Con nên cố gắng làm cho cuộc hôn nhân thành công, đừng trở lại tâm tính cũ. Hãy tập có lòng thông cảm nhiều hơn.
Sau khoảng mười câu như vậy, bà mẹ mờ dần.

Ông sững sờ với kết quả tuyệt vời là người tình nguyện có thể nói chuyện trực tiếp với thân nhân quá vãng. Sau đó bệnh nhân đến nườm nượp khiến ông phải chọn lọc kỹ, và thí nghiệm thêm 100 người nữa. Trong đó, khoảng 1/4 trường hợp bệnh nhân gặp người mà họ  không chủ tâm muốn gặp, đôi khi khác xa dự tính. Nhiều hình bóng  không phải chỉ thấy trong gương mà còn bước ra ngoài tới cạnh họ. Bệnh nhân mô tả là hình bóng 'chạm' vào họ, hoặc có thể cảm được sự hiện diện của bóng.
Có chừng phân nửa người tham dự thuật là đã trò chuyện với người trong gương, chừng 15 % ai thấy hình bóng trong gương cho biết cũng nghe được tiếng nói của người đã khuất,  không phải tư tưởng của họ mà là giọng nói thực sự nghe được.
Rồi lại có những trường hợp 'gặp sau', hình bóng hiện ra sau khi người ta rời phòng thí nghiệm về nhà hay khách sạn, chiếm chừng 25 %.
a– Một người kể họ đến dự để mong gặp lại con trai đã tự tử trước đó, mà không thấy gì trong gương. Cô về khách sạn và thiếp ngủ không biết bao lâu, khi tỉnh dậy thấy có một hình bóng trong phòng, đó là một thanh niên đứng giữa máy truyền hình và bàn phấn.
Cô hoảng sợ quá, tim đập như trống làng, tưởng có ai vào phòng nhưng lát sau cô nhận ra đó là con trai hiện hình, trông anh như mười năm về trước. Cô an tâm là anh được bình an và còn thương yêu mẹ.
b– Bà mẹ khác có con trai qua đời hai năm trước vì bệnh ung thư; bà thương nhớ con quá đỗi, và dự cuộc thí nghiệm để mong được biết là con đã hết đau đớn và hạnh phúc ở cõi bên kia. Khi ra khỏi phòng, bà cho biết là cảm thấy như có con trong đó cùng với mình, và cả hai sống lại những ký ức mơ màng về tuổi thơ của anh.
Vài ngày sau, bà gọi điện thoại cho Moody, kể rằng sau khi trở về, đang ngủ ở nhà thì tỉnh dậy thấy con trai đứng giữa phòng. Bà thấy sự tàn phá của ung thư không còn, mà nay anh trông vui vẻ, mạnh khỏe như trước khi mắc bệnh. Bà đứng trước mặt con trò chuyện mấy phút, hân hoan vô tả; anh trấn an mẹ rằng nay anh  không còn đau đớn và vui lắm. Bà mẹ kể cho con nghe nhiều điều, như việc đang tân trang ngôi nhà sau khi anh qua đời, bà dẫn anh đi quanh nhà cho thấy sửa sang ra sao.
Đột nhiên bà ngừng lại vì ý thức là đang nói chuyện với một hình bóng, tuy trông như anh có da có thịt. Bà mới yêu cầu điều không thể nghĩ được cách đây mấy phút, là muốn con chạm vào bà. Không chút ngập ngừng, hình bóng con trai bước tới và ôm lấy mẹ, nhấc mẹ lên khỏi mặt đất. Bà thuật với ông Moody là chuyện rất thật như thể con trai đứng ngay đó. Nay bà yên lòng, để cái chết của con lại sau lưng và vui sống đời mình.

Moody ghi nhận là gần như ai thấy hình bóng hiện ra cũng mô tả cuộc hội ngộ là 'có thực', muốn nói đó không phải là chuyện tưởng tượng hay giấc mơ. Vì biết đó là chuyện thật, đương sự ra về với cái nhìn khác về cuộc đời, trở nên tốt lành, thông cảm hơn và bớt rất nhiều lòng sợ chết. Tóm tắt thì nó giống như họ có kinh nghiệm cận tử, chỉ có điều là  không phải sắp chết để trải qua kinh nghiệm ấy.
Ông tin mình có được khám phá lớn lao trong việc học hỏi về cái chết. Đây là lãnh vực mới mẻ, và một trong số các tiềm năng của kỹ thuật là nó cho phương tiện để nghiên cứu sự hiện hình về nhiều mặt, xem xét mọi chuyện liên quan đến vong linh. Moody mới xếp đặt các dữ kiện, và sang Âu châu đi một vòng trình bầy kết quả của mình. Điểm quan trọng ông nhấn mạnh trong bài trình bầy là những câu chuyện không phải là điều chính yếu, mà ấy là nhận thức rằng ta có thể kiểm soát những kinh nghiệm này, và nghiên cứu trong môi trường; cho tới nay người ta không thể xem xét các loại tâm thức khác với tâm thức thông thường trong điều kiện của phòng thí nghiệm.
Sau chuyến đi Âu châu, quay về Hoa Kỳ ông tiếp tục làm thí nghiệm và có nhận xét là thí nghiệm với nhân viên trong phân khoa, với sinh viên thì  không ai mong đợi gì, họ biết họ là một phần của cuộc thí nghiệm và sẵn lòng chấp nhận bất cứ kết quả nào. Tuy nhiên khi bệnh nhân tham dự thì khác, họ thường hiểu lầm mục đích sự việc. Họ tưởng ông là người sẽ làm cho họ gặp được thân nhân, dù Moody giải thích là không ai làm được vậy; có người thấy và có người sẽ  không thấy. Nhưng điều họ muốn là ngồi trước gương chờ cho thân nhân đến, muốn được toại nguyện tức thì như đi vô phòng và thấy bà ngoại ở đó.
Tính trung bình thì 80% người tham dự có được kinh nghiệm và 20% còn lại  không thấy gì. Kết quả làm ông xét lại những quan điểm trước đây của mình và chịu thay đổi chúng, như tin rằng tư tưởng quả thật là vật.

Giai đoạn 4.

Nay ta nói đến một kinh nghiệm lạ lùng khác mà Moody đã gặp, và mở ra lãnh vực nghiên cứu mới cho ông. Mẹ ông qua đời vì ung thư, vào những giây phút cuối có đầy đủ các con và dâu rể đứng quanh giường bà, mọi người nắm tay nhau chờ đợi. Khi ấy, gian phòng làm như thay đổi hình dạng, con cái tưởng như họ được nhấc bổng khỏi mặt đất. Moody tả cảm giác giống như tắm biển và bị sóng cuốn ra khơi, chỉ có điều nay họ được kéo lên trên; em gái của ông kêu lên là thấy cha đứng ở chân giường, về để đón vợ.
Khi chuyện đã xong, ai cũng thuật lại là ánh sáng trong phòng trở nên êm nhẹ, mờ ảo, tựa như nhìn vào mặt nước của hồ bơi ban đêm. Thay vì cảm thấy nỗi đau buồn chế ngự gian phòng, tất cả mọi người đều trở thành hân hoan vui vẻ. Moody có cảm tưởng là như màn ngăn cách hai thế giới bị xé tan và trong một phút chốc, họ cảm được năng lực của cõi thiên đàng. Con rể là mục sư nói làm như ông tách rời xác thân và bước vào một cảnh giới khác cùng với mẹ vợ.
Chưa ai trong gia đình kinh nghiệm chuyện như thế bao giờ, nên trong mấy ngày sau đó mọi người dành nhiều giờ tụ lại với nhau trong nhà nói về chuyện đã trải qua, cố gắng sắp xếp hết các chi tiết thành diễn biến có giờ giấc mạch lạc. Ông gọi việc xẩy ra là kinh nghiệm chia sẻ giờ lâm tử (shared-death experience SDE), nó giống như kinh nghiệm cận tử, nhưng xẩy ra  không phải cho ai sắp chết mà cho ai ở cạnh thân nhân đang chờ chết, và có thể xẩy ra cho nhiều người.
Trước đó nhiều năm, Moody có nghe vài người kể về SDE mà nay ông mới tự mình trải qua. Từ thập niên 1980,  khung cảnh hóa ra cởi mở nhờ các nghiên cứu về kinh nghiệm cận tử, nhân viên y tế như y sĩ, điều dưỡng viên không còn e ngại về sự chết, mà có thể tự do nói về hiện tượng có tính chất tâm linh hoặc khác thường xẩy ra ở bệnh viện. Thân nhân kể là khi đứng bên ai sắp ly trần thì thấy gian phòng thay đổi hình dạng, và đột nhiên có ánh sáng lạ lùng tràn ngập. Có khi nhiều người kinh nghiệm điều này cùng một lúc, làm như người sống đang trải qua kinh nghiệm cận tử. Một người kể:
Tôi ở cạnh mẹ lúc bà qua đời, chuyện đầu tiên thấy là ánh sáng thay đổi cường độ, hóa sáng lên thật mau lẹ. Nhiều chuyện xẩy ra cùng một lúc, tôi thấy trọn thân hình lắc lư, nó không giống như chao qua lại say sóng khó chịu trên xe, mà hết sức an lạc, thoải mái hơn bao giờ hết trong đời. Gian phòng cũng đột ngột hóa lạ hẳn, nhưng cùng lúc lại cho cảm tưởng ấy là điều hết sức tự nhiên.
Tôi thấy mẹ tách lìa cơ thể của mình, rồi thấy ba đã mất từ bẩy năm trước, đứng ở đầu giường, đang hướng dẫn mẹ khỏi thân xác. Tới phút này thì cái giường  không còn ý nghĩa gì nữa, và tôi hơi bực cha một tí. Lúc còn sống ba là huấn luyện viên cho đội banh ở trường trung học của tôi, nay thấy ông vẫn còn giữ thái độ của huấn luyện viên, chưa chịu thay đổi cho hay hơn từ khi qua đời.
Tôi nhìn thẳng vào mặt ba và thấy có tình thương yêu truyền đi giữa ba và tôi, nhưng rồi ba quay lại liền chú tâm vào việc giúp đỡ mẹ. Thấy ba như thanh niên trẻ trung tuy ông qua đời lúc 75 tuổi. Quanh ba có quầng sáng rất linh động, ba đầy sức sống. Mẹ đứng thẳng người lên, rồi cùng với ba tiến vào ánh sáng và biến mất.
Gian phòng hay thân hình của tôi lắc lư trở lại, mà lần này theo chiều đối nghịch, và rồi mọi chuyện trở lại bình thường.
SDE đã có từ lâu, nhưng nó chỉ được biết tới từ giữa thập niên 1980. Hồi thập niên 1970, nhân viên y tế đưa thân nhân vào phòng đợi thay vì ở bên giường người hấp hối, vì cho rằng chứng kiến cảnh   người nhà qua đời là chuyện đáng sợ; nay, nhân viên khuyến khích người ta ở cạnh giường của thân nhân sắp ra đi. Sự việc chỉ vì khi trước, nhân viên y tế không được khuyến khích nói về các hiện tượng có thể được xem là có nét tâm linh hơn là khoa học.
Thái độ của y khoa đã bắt đầu cởi mở từ 1975, khi bác sĩ và điều dưỡng viên kể những điều lạ lùng bên giường người sắp lâm chung, họ nói tới đủ thứ chuyện, kể cả NDE và SDE. Người hoài nghi có thể dễ dàng bác bỏ kinh nghiệm cận tử khi trong được chia sẻ với chỉ một người khác; nhưng kinh nghiệm về sự tử mà chia sẻ với nhiều người cạnh giường bệnh thì khó mà có thể phủ nhận, cho nó là tưởng tượng của cá nhân.  Thí dụ như chuyện sau do một cô con gái trong gia đình kể lại, với tất cả những ai khác có đó phụ họa vào:
– Ngày mẹ tôi qua đời, hai anh trai tôi, em gái tôi, chị dâu và tôi đều ở trong phòng. Mẹ tôi không nói tiếng nào trong nhiều tiếng đồng hồ, và thở không đều. Không ai trong chúng tôi thực sự lo lắng, vì mẹ suy yếu đã lâu và chúng tôi biết đã tới phút cuối.
Đột nhiên có một ánh sáng trắng hiện ra trong phòng. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là có xe hơi chạy ngang qua bên ngoài và cho phản chiếu sáng rực qua cửa sổ. Nhưng cho dù nghĩ vậy, trong lòng tôi biết là không đúng, vì đây không phải là thứ ánh sáng nào trên cõi trần này. Tôi huých em gái để xem cô em có thấy như tôi không, và khi tôi nhìn mặt em, mắt của em tôi mở lớn kinh ngạc. Cùng lúc đó tôi thấy anh tôi thật sự há hốc mồm. Ai cũng thấy cùng lúc và trong một lát chúng tôi thấy hoảng hốt.
Rồi mẹ tôi tắt nghỉ và tất cả chúng tôi thở ra một hơi lớn nhẹ nhõm. Vào lúc đó, chúng tôi thấy ánh sáng chói lòa sống động dường như tụ lại và làm thành ... tôi không biết gọi là gì ngoại trừ cho nó là cánh cổng mở ra. Ánh sáng coi giống như mây, nhưng chỉ là so sánh mà thôi. Chúng tôi thấy mẹ nhổm dậy, ra khỏi xác thân và đi vào cánh cổng; còn đứng bên cổng cho cảm giác hoan lạc trọn vẹn. Anh tôi gọi đó là ban hợp ca những cảm xúc hoan lạc, còn em gái tôi nghe tiếng nhạc tuyệt vời tuy không ai khác nghe được nó.
Chúng tôi đồng ý là cánh cổng có hình dạng hơi giống như cầu Natural Bridge trong thung lũng Shenandoah ở tiểu bang Virginia. Ánh sáng vô cùng sống động nên chúng tôi phải kể lại cho cô y tá hay. Cô lắng nghe rồi bảo là đã nghe nhiều chuyện tương tự xẩy ra, và thường thấy là diễn biến sự tử cũng bao trùm luôn những ai gần đó.

Chuyện khác kể:
– Tom là bác sĩ có một bệnh nhân tên Parker bị bệnh phổi do hút thuốc. Ngày đó anh có phiên trực, lúc đi trong hành lang bệnh viện tới góc quẹo, anh thấy ông Parker đứng yên lặng giữa lối đi, nhìn xuống một vật mà Tom không thấy rõ. Ông có vẻ tò mò nhưng thản nhiên. Anh gọi và ông nhìn anh rồi sáng rực lên. Thật như thế vì có một loại ánh sáng tỏa ra từ người ông, trong trẻo, và Tom cảm thấy như anh nhìn vào linh hồn ông.
Tom quẹo góc và có thể thấy là ông Parker đang nhìn xuống một xác người nằm trên băng ca có vải phủ. Tom lật vải ra và thấy đó là xác của ông Parker. Anh nhìn ông và nghe được tiếng của ông trong tư tưởng, hiểu nó phát xuất từ ông. Ông khăng khăng với Tom rằng mình không phải là xác đó, và anh không cần lo lắng gì về ông. Trọn những điều này chỉ là tư tưởng, không là lời nói nhưng anh hiểu rõ ràng.
Anh nhìn thẳng vào ông Parker, ông không còn thở mệt nhọc mà có cảm giác 'hoan lạc mạnh mẽ' tuôn tràn trong khoảng quanh thân ông. Tom cũng cảm thấy có nhiều người khác, đứng thành vòng bán nguyệt bao quanh ông Parker. Anh ngó sững ông Parker cho tới khi chỉ trong chớp mắt ông biến mất  vào vùng ánh sáng vàng rực rỡ, và trong một chốc có lấm tấm mảnh sáng vàng óng rơi xuống như mưa, tựa bọt nước bắn tung tóe khi sóng vỗ vào bờ.
Từ ngày đó, Tom không còn sợ cái chết của anh hay của ai khác, và cũng không chia sẻ kinh nghiệm này với các bạn đồng nghiệp.
Kinh nghiệm sau có nét ngộ nghĩnh, là chuyện của Juan, trong lứa tuổi 30, ở Tây Ban Nha.
– Juan và chị dâu đang ở trong nhà của chị thì anh lớn của Juan bước vào, loạng choạng rồi quỵ xuống sàn. Juan đỡ anh lên ghế sofa còn chị dâu gọi xe cứu thương, và ra đứng chờ ở cổng. Trong khi đó, Juan luống cuống bên anh trai, anh này đột nhiên từ hết sức lo lắng trở thành bình tĩnh khác thường. Anh nở nụ cười thanh thản, an lạc trên gương mặt làm Juan kinh sợ.
Bất chợt Juan thấy mình tách lên trên khỏi thân xác và nhìn xuống cảnh bên dưới, thấy mình đang loay hoay với xác của anh trai. Từ trên cao gần trần nhà, Juan có thể thấy anh lớn rời khỏi xác thân như luồng ánh sáng trong trẻo bốc từ ngực và mau lẹ thoát ra. Juan biết anh lớn chào từ giã mình, nhưng thay vì nghe qua tai, làm như anh chỉ nghe trong đầu.
Anh lớn đi mất rồi và Juan gặp cảnh khó xử, anh không thể nhập vào xác thân trở lại. Mới đầu anh hoảng hốt, rồi anh thư thái và thích chí với cảnh này, tự bảo mình 'Chết là như vầy đây', hân hoan được ở chỗ độc đáo nhìn ngắm sự việc. Cuối cùng, khi xe cấp cứu đến, Juan nhập vào cơ thể trở lại, và phá ra cười khi chuyện xẩy ra như thế.
Nhân viên cứu thương ngạc nhiên thấy Juan cười to bên cạnh xác của anh lớn. Juan không kể cho họ nghe vì họ sẽ đưa anh vào nhà thương thay vì anh lớn.

Ta có chuyện khác tương tự. Cô Dana có chồng là Jim bị ung thư tụy tạng, đêm mà Jim qua đời, Dana ngồi cạnh cầm tay anh, rồi cả hai thấy mình rời bỏ thân xác bay lên không ! Cô bảo thật kỳ diệu, dễ sợ và lạ lùng.
– Hai chúng tôi rời bệnh viện và bắt đầu bay lượn bên trên thành phố. Trong khi đó, tiếng nhạc đẹp đẽ mà tôi chưa nghe bao giờ bắt đầu trổi lên. Âm càng cao thì chúng tôi càng bay lên cao trên thành phố. Phía trên chúng tôi là một ánh sáng trắng và chúng tôi hướng thẳng về nơi ấy. Ánh sáng tuyệt đẹp, sống động và đầy uy lực. Tôi cảm thấy thoải mái, hoan lạc được ở trong đó và Jim cười rộng miệng, nhìn thẳng vào đấy.
Dana nói cô bị kéo vào thân xác trở lại, và thấy điều mà cô đã biết là Jim đã qua đời. Cô đã đi một chặng đường cùng với chồng lên thiên đàng nên không buồn vì mất anh, do biết chỗ mà anh đi tới.
Người nữa kể lại chuyện xẩy ra cho họ và sau đó nhân viên bệnh viện xác nhận là đúng:
– Tôi đau nặng lắm, sắp chết do bệnh tim, nằm nhà thương vào cùng lúc với chị tôi cũng đang thập tử nhất sinh trong cùng bệnh viện ở khu khác. Chị bị hôn mê do bệnh tiểu đường. Tôi rời khỏi xác thân và đứng ở góc phòng, xem nhân viên chăm sóc cho thể xác tôi bên dưới.
Đột nhiên, tôi thấy mình nói chuyện với chị cũng đang ở tuốt trên cao với tôi. Tôi rất thân thiết với chị, và hai chúng tôi trò chuyện vui vẻ về điều gì xẩy ra bên dưới, rồi chị bắt đầu tách dần khỏi tôi ra xa. Tôi ráng đi theo nhưng chị cứ bảo tôi đứng yên một chỗ. 'Ngày giờ của em chưa tới', chị nói thế. 'Em không thể đi với chị được vì chưa tới lúc cho em'. Rồi chị bắt đầu đi dần vào một đường hầm, bỏ lại tôi đứng đó một mình.
Khi tỉnh dậy, tôi cho bác sĩ hay là chị tôi đã qua đời. Họ không tin, nhưng bởi tôi khăng khăng nên họ cho một người y tá đi kiểm lại. Thực vậy, chị đã ra đi như tôi biết.
Chót hết, chuyện sau cho cảm tưởng sự tử là cơ hội để vui mừng thay vì buồn khổ:
– Một em nhỏ năm tuổi được cho vào phòng gặp bà nội sắp qua đời. Em lạ lùng không hiểu tại sao ai trong phòng cũng sụt sùi. Em có thể thấy ông nội đã mất từ lâu với bà nội sắp chết cùng đứng bên giường trông vui vẻ, đang chờ phút ra đi.
Moody cho là những chuyện về SDE như thế này có giá trị vô cùng trong việc nghiên cứu về đời sống sau khi chết. Từ lâu ai hoài nghi nói rằng kinh nghiệm cận tử là do não bộ thiếu dưỡng khí lúc ta qua đời. Họ bảo điều ấy làm ta có ảo giác, và kinh nghiệm cận tử chỉ là giấc mơ, sự dẫy dụa chót của một não bộ bị rối loạn; nói khác đi họ cho đó là hiện tượng sinh lý mà không phải là tâm linh. Nhưng kinh nghiệm chia sẻ về sự tử SDE thì khác hẳn, chúng là biến cố khác thường, xẩy đến cho ai không đau ốm mà nhiều phần là ở quanh giường của người sắp lâm chung. Khi người sau chết, những ai chung quanh có kinh nghiệm lạ lùng giống như kinh nghiệm cận tử. Vài phần của SDE có tính chủ quan (như thấy gian phòng thay đổi hình dạng, có ánh sáng tràn lan), phần khác thì khách quan (như cùng người sắp chết duyệt lại khúc phim đời họ, lộ ra những bí mật trước đây  không biết). Và dĩ nhiên phải kể đến việc đôi khi một nhóm nhiều người cùng trải qua chuyện thần bí.
Thế nên sau khi có kinh nghiệm SDE với cái chết của mẹ, Moody quyết định là tới lúc quay sang nghiên cứu kinh nghiệm chia sẻ về sự tử SDE. Mỗi lần đi thuyết trình, ông kêu gọi cử tọa ai có thì cho hay để ông thu thập chuyện của họ. SDE có nhiều đặc tính quen thuộc của kinh nghiệm cận tử như đi vào đường hầm, thấy ánh sáng khác thường, tách rời khỏi thân xác, nhưng ông thấy có bốn điểm khác biệt lạ lùng và mới mẻ:

a. Tiếng nhạc kỳ bí.
Ai có SDE rất thường khi nghe tiếng nhạc phát ra từ chung quanh. Chuyện hay thấy là nhiều người cùng nghe, ngay cả ai đi ra hay vào phòng, và thường kéo dài nhiều lúc lâu. Họ mô tả nhạc theo nhiều cách, người thì nói ấy là nhạc réo rắt và đẹp đẽ nhất chưa từng nghe, kẻ khác bảo nó như tiếng êm, dồn dập của thụ cầm Aeolian.

b. Thay đổi góc cạnh của môi trường.
Dù gia đình ông kinh nghiệm điều này lúc mẹ qua đời, Moody vẫn thấy khó mà diễn tả nó, và những ai ông tiếp xúc mà có kinh nghiệm SDE cũng  không tìm ra chữ để mô tả rõ hơn. Người thì nói giản dị là căn phòng hình vuông 'chao đảo' đi, người khác đưa ra mô tả rối rắm, bảo nó ' sập xuống và mở bung cùng một lúc, làm như tôi nhìn ngắm một loại kỷ hà học khác'. Người thứ ba nói căn phòng mở ra 'một thực tại khác', nơi mà 'thời gian  không còn là yếu tố nữa'.
Moody không biết thay đổi về kỷ hà thực sự có nghĩa gì, ông cho là ai sắp chết, và đôi khi luôn cả ai chung quanh họ, được dẫn vào một chiều đo mới.

c. Ánh sáng huyền bí chung cho tất cả.
Phần chuyển hóa sâu xa nhất của kinh nghiệm cận tử NDE là việc gặp ánh sáng huyền bí, ai thấy nó thì  không sao quên được, và nhiều người cho là ánh sáng tỏa ra sự an lành, thương yêu, thanh khiết. Người có kinh nghiệm chia sẻ về sự tử SDE cũng nói y vậy. Từng cá nhân và nhiều nhóm kể rằng gian phòng của thân nhân sắp lâm chung có ánh sáng tràn ngập, đó là ánh sáng chói lòa và sống động,  không như ta thấy bằng mắt thường.
Việc nhiều người quanh giường của ai sắp chết chia sẻ chung kinh nghiệm về  ánh sáng, làm đánh tan mạnh mẽ lý luận của phe hoài nghi, cho rằng ánh sáng mà ai có kinh nghiệm cận tử thấy thì chẳng là gì khác hơn việc não bộ sắp chết sinh ra ấn tượng lung tung. Nếu đông người  không đau ốm hay sắp chết cùng chia sẻ kinh nghiệm huyền bí về ánh sáng, thì cái sau không thể sinh ra do não bộ sắp chết của một ai trong bọn.

d. Khối sương mờ ảo.
Một biến cố khác thường nghe kể trong  kinh nghiệm chia sẻ về sự tử, là việc thấy người sắp chết tỏa ra một khối sương, được mô tả như là làn khói trắng, hơi nước, sương mù v.v. Thường thì nó có hình dạng con người. Moody ghi là đã nói chuyện với nhiều y sĩ, điều dưỡng viên và nhân viên nhà dưỡng bệnh (hospices) đã thấy hiện tượng. Họ nói một khối sương thành hình ở vùng ngực và bay qua lại nơi đó. Nhiều người thấy nên ta không thể nói là nhân chứng quáng mắt, có ảo giác; lại nữa chi tiết này là điểm thông thường nhất mà ai có kinh nghiệm chia sẻ về sự tử kể lại.
Ông  không biết phải giải thích ra sao, mà tin rằng nó cần được chú ý kỹ. Cấu tạo của khối sương là sao ? Nó trông thực sự giống như cái gì ?
Moody tỏ ra hào hứng với việc nghiên cứu trong lãnh vực mới là SDE. Tại sao ? Vì sự kiện là người mạnh khỏe ngồi quanh giường của thân nhân sắp ly trần có kinh nghiệm SDE, cho chúng ta khung cảnh hoàn toàn mới  để thảo luận câu hỏi gây thắc mắc cho con người, là việc gì xẩy ra khi chúng ta chết ?

Phew !  Phần trên là quan điểm của một khoa học gia về cái chết, nay ta hãy thử nhìn sự việc theo chỉ dạy tinh thần và tìm hiểu ý nghĩa của nó.

1. Khoa học nhìn đề tài từ dưới lên trên, giống như ta ngửng đầu nhìn trời ngắm sao, dùng trí tuệ tìm hiểu. Nó phải được bổ túc bằng cái nhìn từ trên cao đi xuống, theo quan điểm tinh thần, nếu muốn có hiểu biết đúng đắn. Lý do là từ dưới nhìn lên về mặt vật chất hay cho ra thiếu sót. Chuyện nơi cõi hữu hình giống như là hình tam giác hay kim tự tháp ngược, đáy ở trên mà đỉnh ở dưới. Nó có nghĩa nhiều tính chất nơi cõi cao không thể biểu lộ nơi cõi thấp do không có phương tiện thích ứng. Như vậy, hiểu biết có được dựa vào tài liệu thiếu sót (từ dưới lên trên) sẽ  không cho ra hình ảnh trọn vẹn, đúng thực. Nói chung trí năng  không cho ra câu trả lời thỏa đáng cho nhiều việc, mà muốn được vậy ta phải dùng quan năng cao hơn cái trí là phần trực giác tinh thần. Cách nhìn này còn muốn nói phương pháp làm việc đúng cách là đi từ tổng quát vào chi tiết, thay vì ngược lại.
Kế tiếp, hiện thời do mức tiến hóa nơi đa số người, điều quan sát thường là thuộc về cõi tình cảm, cõi nhiều huyễn hoặc. Cách làm việc của khoa tâm lý hiện thời là phân tích kinh nghiệm nơi cõi này tức làm việc với ảo tưởng mà  không biết, kết luận vì thế nhiều phần nằm trong cõi mộng mị. Bổ túc cho cách này là hiểu biết mà MTTL đưa ra về các thành phần của con người và cơ tiến hóa.
Trong sách có một nhận xét đáng nói, bảo rằng não là phương tiện để tiếp nhận mà không phải sinh ra tư tưởng. Như vậy là khoa học đang đi gần tới sự thực theo như MTTL chỉ dạy, cho ta biết con người thiêng liêng dùng thể trí để suy gẫm, sinh ra tư tưởng, rồi não tiếp nhận tư tưởng, ra lệnh cho cơ thể thi hành. Hiểu theo cách đó thì chủ trương đông lạnh não hay cơ thể (cryogenics), chờ sống lại trong vài thế kỷ sau, quả là ma thuật đáng kinh sợ.

2. Việc nghiên cứu về kinh nghiệm chia sẻ về sự tử SDE và kinh nghiệm cận tử NDE sẽ rất lý thú. Về một mặt nó vén màn bí ẩn về sự tử,  con người mất đi lòng sợ chết khi biết rằng sự sống còn tiếp tục sau khi rời bỏ thân xác. Dầu vậy, ta không thể có hiểu biết đúng đắn nếu chỉ dùng trí năng để tìm hiểu, và giới hạn trong cõi tình cảm đầy huyễn mộng. Như câu 1 ở trên, câu đáp thỏa đáng chỉ có khi nhìn từ trên cao, dùng quan năng cao hơn cái trí để giải quyết chuyện ở cõi thấp là cõi trí và cõi tình cảm.
Nói khác đi, ta đừng để bị lôi cuốn vào chi tiết thú vị ở các cõi này, bị sa lầy do lý luận trí óc,  mà cần nhìn sự việc theo quan điểm tinh thần, tìm hiểu ý nghĩa sự việc, thấy mỗi kiếp là bài học để tiến bộ, không lạc bước trong cõi hiện tượng và quên đi mau tới đích.

3. Moody đề cập tới việc thôi miên để quay trở lại kiếp trước. Điều này thực ra không được khuyến khích ở mức phát triển hiện giờ của đa số người, vì ta chưa có đủ hiểu biết để diễn giải đúng đắn việc xưa, và rút ra bài học đúng nghĩa từ chuyện. Thay vào đó, hình ảnh cảm nhận có thể cho phản tác dụng, gây chấn động tâm não bất lợi cho ai chưa sẵn sàng.
Có tiên đoán là trong thế kỷ 21, sự tử chót hết sẽ được xem là không có theo nghĩa ta hiểu lúc này. Trạng thái có tâm thức liên tục ở cõi trần sang cõi trung giới sẽ phát triển rộng rãi, nhiều người tiến xa sẽ sinh hoạt cùng lúc ở cả hai cõi, nên lòng kinh sợ từ lâu về sự tử sẽ mất đi. Sự tương tác giữa hai cõi sẽ được thiết lập chặt chẽ và kiểm soát một cách khoa học, nên hiện tượng đồng cốt mê man sẽ may thay được chấm dứt.
Ngày nay có sự khác biệt lớn lao giữa phương pháp khoa học của việc chào đời, và cách hoàn toàn mù quáng, thường khi đáng sợ và chắc chắn là thiếu hiểu biết của việc ta đưa tiễn ai ra đi. Những chỉ dạy mới của MTTL được đưa ra nhằm mở cánh cửa ở phương tây cho phương pháp mới hơn, và khoa học hơn về việc bỏ xác. Khoa học hiện giờ biết chăm sóc khéo léo ai có bệnh nan y và chờ chết, điều ta có thể làm là khuyến khích việc có thái độ lành mạnh về sự tử, đề nghị rằng khi tới ngày giờ và cơ thể suy yếu, người sắp chết nên được cho phép tự chuẩn bị cho việc chuyển tiếp, dù có vẻ như đã mất tri thức.
Sẽ tới lúc việc ra đi là chung cuộc đắc thắng của sự sống nơi cõi trần.  Sẽ tới lúc thời giờ nằm trên giường bệnh là sự mở màn vinh diệu cho việc rút lui có ý thức. Khi đó, việc con người trút bỏ xác thân vật chất bó buộc có thể là kết cục vui vẻ mong đợi từ lâu, cho họ và những ai chung quanh. Khi đó, thay vì những giọt lệ và lòng kinh sợ, từ chối không chấp nhận điều không tránh được, người hấp hối và thân hữu sẽ cùng đồng ý về ngày giờ, và việc ra đi không có gì ngoài sự vui vẻ. Người ở lại không đau khổ trong lòng, và giờ lâm tử bên giường bệnh được xem là cơ hội vui vẻ hơn việc chào đời và hôn nhân.
Ngày ấy có lẽ không xa, nhiều nơi hiện đang có vận động cho ai mắc bệnh nan y được chết theo ý muốn, vào lúc do họ tự quyết định (euthanesia), thay vì phải chịu đau đớn lâu dài vì bệnh tàn phá và vì phản ứng phụ của thuốc, hay vì trị liệu.
Điều quan hệ là thâu thập bằng chứng, và Moody cùng nhiều người nghiên cứu đang làm chuyện ấy. Bằng chứng sẽ mang lại niềm tin và hiểu biết, trong lúc này ta hãy vun trồng một thái độ mới về cái chết, bắt đầu khoa học về sự tử. Ta hãy khởi sự học kiểm soát việc chuyển tiếp sang cõi bên kia, và hiểu đôi chút về kỹ thuật chuyển tiếp.