VỊ CHÂN SƯ 64

V Chân Sư (tt)

(Xem Vị Chân Sư từ số đầu tiên trong mục Sách Dịch)

 

Cyril  Scott
The Initiate in the Dark Age


'Sẽ phải có một loại chỉ dạy mới. Nếu những khuynh hướng đồng tính luyến ái được cho phép tự do lan tràn, nước Anh sẽ suy sụp theo cách của Hy Lạp xưa; nhưng nếu chúng được thăng hoa nhờ yếu tố tâm linh, Anh quốc sẽ tiến tới đỉnh cao của vinh quang tinh thần và nghệ thuật, và trở thành giống dân tiền phong về các mặt ấy. Phải có lựa chọn từ bây giờ, ngài gõ nhịp mấy ngón tay lên bàn để nhấn mạnh lời mình.
Có một lúc ngưng, rồi thầy J.M.H. nói.
– Tình trạng đồng tính luyến ái của Hy Lạp một phần là kết quả của việc suy diễn sai những chỉ dạy mà các Chân sư thuộc trường phái Platon đưa ra. Phụ nữ trung bình ở Hy Lạp không được xem là trí thức, cho nên người nam phải dựa vào chính phái của anh để trao đổi tư tưởng siêu hình. Nhằm thúc đẩy có thêm loại trao đổi trí tuệ này, các Chân sư ấy nỗ lực gợi hứng tình bạn lý tưởng và lòng hy sinh giữa nam giới, điều thường được mô tả trong văn chương Hy Lạp. Việc nó phải suy đồi thành hình thức thô bỉ nhất của tính đồng tính luyến ái là một vết nhơ cho danh dự của dân tộc này, điều mà các Ngài không hề chủ tâm hoặc tiên liệu được.

– Thầy có đề cập tới phụ nữ Hy lạp, còn về phụ nữ thời nay và tương lai thì sao, tôi đánh bạo hỏi.
– Vì nam giới hóa ra hướng nội, thầy J.M.H. trả lời, phụ nữ sẽ thành ra hướng ngoại.
– Phải có điều chỉnh theo cách này hay kia để tạo quân bình, Sir Thomas chêm vào.
– Đúng vậy, thầy J.M.H. đồng ý. Loại nam giới mới trở thành hướng nội và trầm lặng hơn như Ngài Thomas hàm ý, ngược lại phụ nữ sẽ trở thành người tổ chức tài giỏi hơn, khéo léo hơn về thương nghiệp và chuyện tương tự như thế.
–Trí não giỏi dang, nhưng rất có thể là mất đi trực giác của họ, chủ nhân của chúng tôi lên tiếng. Mẫu người phụ nữ mới loại thấp kém có nguy cơ là sinh ra mặc cảm về quyền hành, mẫu người nam mới loại thấp kém có nguy cơ là trở thành biếng nhác, do bản chất mộng mơ và do vậy không hữu hiệu với chuyện thực tế. May mà cháu gái ta không có mặt ở đây, ngài kết luận, con người yểu điệu đầy nữ tính - viễn ảnh không hấp dẫn - đàn ông thành đàn bà, đàn bà thành đàn ông - chà, chà, chà ...
Ngài đứng dậy khỏi bàn giữa tiếng cười sinh ra do nhận xét của ngài và cách ngài nói.
Sau bữa tối Lyall Herbert chơi đàn cho chúng tôi nghe, và thấy rõ là Ngài Thomas có khả năng thưởng ngoạn âm nhạc thật đáng kể. Ngài lắng nghe chăm chú, mắt nhắm lại, thỉnh thoảng vẫy tay theo nhịp  khi có đoạn nào hay giai điệu nào đặc biệt làm ngài ưa thích.
Khi Lyall chơi xong, ngài gật đầu với anh lộ nét vui sướng thấy rõ. 
– Con có thể gặp nhiều khó khăn trong đời âm nhạc của con, ngài nhận xét mà không phải là hỏi anh. Ai làm việc cho các Chân sư sẽ gặp phải trở ngại giăng đầy trên đường sự nghiệp.
Gương mặt Herbert sáng rỡ lên; hiển nhiên anh cũng bị vị chủ nhân thu hút.
– Con gặp nhiều gian nan lắm, anh đồng ý.
– Hm - nếu có nhân vật tai to mặt lớn nào trong môi trường Theosophia trước thời kỳ của Krishnamurti gọi con là bậc đạo đồ, Ngài Thomas nhận xét một cách khô khan, hẳn một nhóm người nhiệt thành sẽ bao quanh con và biến con thành nhân vật nổi tiếng, hở ?
– Nhưng con e ngại mình không phải là bậc đạo đồ, Lyall mỉm cười.
– Chắc là chưa. Ngài lắc đầu ngẫm nghĩ. Sao đi nữa ta không hề đồng ý trọn chuyện gọi người khác như thế. Đạo đồ chỗ này, chỗ kia. Huân chương rồi phục sức, phần thưởng cõi Trời, chậc, chậc ... Chứng đạo là chuyện riêng tư và thiêng liêng giữa Chân sư và đệ tử - trưng ra trước công chúng không tiện chút nào - dĩ nhiên là trừ phi ... Ngài mỉm cười và bỏ đi.
– Con không biết mình được vinh hạnh ra sao, thầy J.M.H. bảo Herbert.
– Thầy chắc là con không biết ư ? Herbert đáp lại.
Thầy J.M.H. cười và không nói gì.
Có xếp đặt là Herbert và tôi sẽ cùng về London chiều hôm sau. Nhưng chúng tôi hầu chuyện nửa tiếng với thầy J.M.H. trước khi ra về. Cả hai chúng tôi đều mù tịt không biết ý và dự tính đi lại của thầy. Chúng tôi có được phép viết và cho Arkwright hay là ngài đã trở lại chăng, thí dụ vậy. Óc tôi nẩy ra ý này khi cả ba chúng tôi đi dạo tới lui ngoài bồn cỏ trước giờ ăn trưa. Hiển nhiên ngài đọc được tư tưởng của tôi, vì ngài nói.
– Con đã gặp Arkwright chưa ?
– Anh có tới thăm chúng con ở London. Tôi đáp.
– Con có thể viết và cho anh hay là vị Guru mất tích đã được tìm thấy. Ngài tiếp lời, ấy là, nếu con muốn !
– Và để anh báo cho những người khác ở Mỹ không ?
– Ta đã viết cho Heddon, hắn sẽ cho họ hay điều gì cần biết.
Tôi cảm thấy nhẹ lòng. Tôi thật sự tiếc cho hết thẩy những đệ tử ở Boston; nay, bất kể thầy ra lệnh cho Heddon báo họ hay ra sao, ít nhất họ biết được là ngài vẫn còn sống. Thầy J.M.H. cũng nhờ tôi trao một lời nhắn cho Toni Bland, nhưng tôi phải chọn lúc thuận tiện để cho anh hay. Ngoài căn dặn có tính bí ẩn này ngài không nói gì thêm về vấn đề nữa. Sau đó ngài khuyến cáo chúng tôi giữ kín hết sức về việc đến chơi nhà Ngài Thomas, tuy ngài cho phép có ngoại lệ đối với nhà tôi.
– Bảo cô rằng giai đoạn đen tối cho cô sắp chấm dứt, và chẳng bao lâu cô sẽ có thông nhãn trở lại, mà với khả năng cao hơn để bù cho trọn những đau khổ mà Karma đã áp đặt cho cô. Có người đạt được sự thăng bằng nhờ đau khổ trí tuệ, người khác nhờ đau khổ thể chất; cô đạt được nhờ cả hai và bởi thế, khả năng của cô càng đáng tin thêm khi nó trở lại.
Tôi sinh lòng biết ơn thật sâu xa với những lời này, vì tôi biết rằng nó có nghĩa ra sao đối với Viola, và về một phần nào đó nó sẽ an ủi việc nàng không có mặt ở đây với chúng tôi. Nhưng thầy J.M.H. còn nói thêm một điều nữa, trong một khoảng thời gian chưa định rõ ngài sẽ cho gọi chúng tôi trở lại, và sẽ tiết lộ mục đích sau. Ngài hé mở chút ít rằng lần viếng thăm kỳ hai sẽ đánh dấu một bước rất quan trọng trong cuộc tiến hóa của chúng tôi.

Chúng tôi về London ngay sau bữa trưa.
Chiếc xe lớn mầu xanh đã đậu sẵn ở cửa. Tôi chào từ biệt thầy J.M.H. với sự nuối tiếc, rồi quay sang Ngài Thomas ngỏ lời cảm tạ cho tất cả những gì tôi nhận được từ ngài.
– Đừng mất công nói ơn nghĩa. Ngài phác cử chỉ tỏ sự chán ghét giả vờ. Ta không đọc được tâm người hay sao ? Ngài giữ tay tôi trong chốc lát, và thêm vào:
– Ta cho con lời chúc lành của một ông lão.
– Và con xin nhận nó như là của một Chân sư ... Tôi kính cẩn đáp lại, mà nói thật nhỏ để người khác không nghe được.
– Chậc, chậc, ngài trách. Nhưng tôi có thể thấy vị Chân sư 'người' tới mức không bực bội gì, điều ấy làm ngài càng đáng quí hơn.
Ngài chào từ biệt Herbert, và cũng chúc lành cho anh, rồi chúng tôi vào xe. Tôi vẫn còn thấy hình ảnh ngài và thầy J.M.H., đứng ở bậc thềm trên cùng của bậc tam cấp bằng đá to lớn dẫn vào cửa trước, với con chó lớn ngồi thong dong người giữa hai vị, khi hai ngài nhìn theo xe đưa chúng tôi đi.
Tài xế của Sir Thomas lái nhanh thật kinh ngạc, và dù có muốn đọc những bảng tên dọc hai bên đường, tôi cũng khó mà làm được, vì xe chạy vụt qua chúng hết sức nhanh.
Trong phần lớn của chặng đường về London, nguyên toa xe lửa chỉ có Herbert và tôi trong đó. Anh có nhận ra được Ngài Thomas là một Chân sư không, tôi tự hỏi.
– Vị lão ông thật đáng chú ý, tôi ngỏ lời nhận xét một cách dè dặt, với chủ tâm muốn biết anh nghĩ gì.
Vẻ mặt của anh cho tôi biết điều muốn dọ hỏi.
Tự nhiên là chúng tôi hăm hở muốn biết lần sau sẽ có chuyện chi, khi chúng tôi lại được phép tới viếng Ngài Thomas, và suy đoán nhiều về chuyện ấy.
– Huyền bí học có đầy những ngạc nhiên và lãng mạn thật tuyệt vời, Lyall nhận xét, so ra thì đời thường tẻ nhạt làm sao nếu không có nó.
– Sao, ngay cả cho nhà soạn nhạc à ? tôi hỏi.
– Soạn nhạc mà không có lý tưởng nào trong đó thì nó là gì ? Anh nhún vai. Nghệ Thuật vị Nghệ Thuật nghe hay lắm, nhưng Nghệ Thuật vì Chân Sư và vì Nhân Loại nghe lãng mạn hơn nhiều.
Tôi nhiệt tình đồng ý với anh.

 

CHƯƠNG  XIV
Một Linh Hồn trong Đêm Tối

Tôi có nhiều chuyện để thuật lại với Viola, và tự nhiên là nàng lên tinh thần mạnh mẽ với lời của thầy J.M.H., tuy cùng lúc nàng thất vọng là không được gặp thầy.  Tôi cho nàng hay lý do lạ lùng mà ngài đưa ra - có nghĩa để cho nàng gặp ngài bây giờ sẽ làm hại hơn là làm lợi - nhưng nó chỉ làm gợi nên lòng tò mò của nàng.
– Thôi, em phải hỏi David về chuyện ấy, cuối cùng tôi nói, Thầy J.M.H. bảo là anh ta biết tại sao.
– Làm vậy không được, nàng đáp, anh chàng đã bỏ đi xa mất rồi, thiệt là cà chớn ...
– Thế thì em phải chịu khó kiên nhẫn, tôi cười lớn.
– Ô, mà này, nàng nói, đổi đề tài, cô Hart gọi.
– Ô ?
– Bà Saxton đau nặng lắm trong nhà dưỡng lão. Người ta kêu bà có giải phẫu này hay kia, rồi bây giờ thì không có hy vọng sống sót.
– Tội chưa !
– Cô Hart gọi điện thoại hỏi thăm xem bà ra sao, người ta bảo là giải phẫu thành công tốt đẹp...
– Nhưng bà đang chết dần, hở ? Tôi nối cho trọn lời nàng. Chuyện thông thường, bác sĩ giải phẫu hài lòng, nhưng...
– Đáng buồn lắm, Viola nói tiếp, cả hai con gái của bà đang ở Ấn Độ và bà không còn ai trong đời – giờ lại chờ chết trong nhà dưỡng lão ... Anh tưởng tượng còn cảnh nào đáng sợ hơn ?
Vài ngày sau tôi nhận được điện thoại của bà y tá trưởng tại nhà dưỡng lão, cám ơn về bó hoa mà chúng tôi đã gửi, và nói rằng bà Saxton đặc biệt nóng lòng muốn tôi vào gặp bà. Đương nhiên là tôi đồng ý, nhất là theo những gì mà thầy J.M.H. đã nói với tôi. Nay không chừng tôi hiểu được thầy muốn nói gì khi ám chỉ đến con chó mù và hố thẳm.
Khi tôi đến nơi, một nhân viên bặm trợn mặc đồng phục dặn tôi những điều kiện thông thường như nên thăm viếng càng ngắn càng tốt, để không làm mệt bệnh nhân. Cô còn hàm ý rằng bà Saxton nằng nặc đòi gặp tôi cho bằng được. Những lời hoạnh họe cộc cằn này làm tôi chán, tuy nhiên để làm cô chằng dịu xuống, tôi nở nụ cười được tập kỹ nhất và hứa hết mọi chuyện mà qui luật đòi.
Tôi thấy bà Saxton ở trong tình trạng đáng thương, thay đổi tới mức khó mà nhận ra được. Cô y tá nấn ná trong phòng cho tới khi phải mời mới chịu rút lui, và ngay cả khi ấy còn dọa sẽ vào phòng đuổi tôi ra nếu thăm quá giờ.
– Tôi chết cũng không được yên, bà Saxton lẩm bẩm sợ hãi, cứ bị những cô y tá này tìm cách xen vô chuyện của tôi.
Tôi bầy tỏ sự thông cảm. Có một lúc yên lặng như thể bà đang tìm chữ để nói.
– Tôi chỉ có một mình, cuối cùng bà lên tiếng.
– Nhưng có bạn nào bà muốn gặp không ? Tôi hỏi.
– Chỉ có một người thôi - Christabel - mà bà ấy chết rồi...
Tay bà xoa tới lui nóng nẩy trên khăn trải giường. Rồi gắng sức nói.
– Anh tin ... là có gì đó ... sau khi chết, phải không ?
– Chắc chắn là tôi tin như vậy.
Ông ta nói bây giờ nó ... mọi chuyện chỉ là ảo ảnh ...
Tôi chỉ có thể đoán rằng bà ám chỉ Krishnamurti và lời dạy của ông.
– Và khi tôi muốn ông giải thích ... ông không chịu tiếp tôi.
– Ồ, không phải là ảo ảnh theo kiểu bà nghĩ đâu, tôi phản đối, bà hiểu lầm ông rồi. Và tôi tin chắc ông sẽ chịu gặp bà nếu ông có thể làm được.
– Ông ta lấy đi hết mọi điều tôi có, bà nói tiếp với sự khó khăn, làm ngơ lời trấn an của tôi, tất cả mọi điều tôi đã tin khi trước ... và nay ... Lệ dâng lên trong đôi mắt sợ hãi của bà.
Một lần nữa tôi cố gắng trấn an là bà đã hiểu lầm rồi, nhưng có vẻ như bà không nghe ra lời tôi. Bà chỉ có thể theo dòng tư tưởng của mình và nhắc lại đứt quãng.
– Tôi muốn ông ấy giải thích, hết sức muốn ông cắt nghĩa - vậy mà ông không cho tôi gặp ...
Có một lúc ngưng dài và tôi không nghĩ ra được cách chi để an ủi bà.
– Cuốn sách mà anh viết về một vị Chân sư – bà bắt đầu lần nữa, sau khi cố gắng chế ngự cơn đau đang hành. 
– Vâng, tôi hăm hở đáp.
– Ngài không giống như vậy ... Ngài luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ.
– Các Chân sư luôn luôn sẵn lòng trợ giúp, tôi thì thào, cúi xuống bà vì tôi có thể thấy là sức lực bà đang kiệt dần.
– Nhưng - nhưng anh có chắc chắn là ... Các Ngài ...
– Tôi có chắc chắn là các Ngài hiện hữu hay không ư ?  Tôi nói cho trọn câu bị ngắt quãng thật tội. Tôi tin chắc như là tôi đang hiện hữu vậy.
– Thế thì tại sao  ...  ông nói... Các Ngài không hiện hữu ? Đôi mày của bà nhíu lại trên trán nhăn khổ não.
– Ông không có - ông không nói đâu ...
Nhưng làm sao tôi tranh luận với một phụ nữ đang hấp hối, người mà khả năng lý luận - những khả năng ít oi bà còn giữ được - đang suy sụp mau lẹ ? Bà ao ước được tin một lần nữa vào các Chân sư, nhưng tôi có cách nào để thuyết phục bà ? Bà đang sợ chết, và có lẽ, với lòng tự kiêu còn sót lại, ngần ngại không dám thú nhận việc ấy. Nếu có ai cần sự an ủi của Chân sư thì hẳn người đó phải là bà.
Đột nhiên tôi quyết định gửi một tư tưởng mạnh mẽ đến thầy J.M.H. xin trợ giúp.
Bà Saxton thở một cách khó nhọc, nhưng bây giờ bà yên hơn.
– Nói tôi nghe chuyện gì làm bà lo hơn hết ? Tôi nhẹ nhàng hỏi. 
– Chỉ có một mình, bà nhắc lại. Cô đơn quá... đen tối quá... Phải chi - Thầy của anh...
Chữ cuối chỉ là tiếng thều thào, và tôi tính gọi y tá thì để ý thấy nét mặt bà thay đổi, và có vẻ bà thấy điều gì đó mà chính tôi không thấy.
– Ánh sáng vàng rực rỡ đầy hết... bà thì thào, dễ yêu quá...
Nhưng bà không thấy ánh sáng trần thế trong ngày trời xám ảm đạm của London, với mưa rơi đập vào cửa sổ của căn phòng không có sự an ủi. Hiển nhiên bà có thông nhãn như nhiều người hấp hối chợt có. Những câu rời rạc mà bà lẩm bẩn làm tôi hiểu ra với lòng biết ơn, là hẳn phải có một vị Chân sư hiện ra với bà, và bà thấy hào quang rực rỡ đầy tình thương của ngài.
Nhưng tôi nghĩ đó không phải là Guru của tôi, mà là Chân sư K.H. đã đến với bà do tình thương sâu đậm của ngài cho những ai đau khổ ...
Tôi tin rằng Chris cũng phải có đó với Ngài, vì người hấp hối thì thào tên của bà như thể Chris hiện diện ở đó. Nét sợ hãi, nhìn thật đáng tội, đã biến mất và trên mặt bà là vẻ thư thái, an tịnh. Ngay cả cơn đau thân xác cũng ngưng, vì đôi bàn tay quờ quạng chót hết nằm yên.
Cô y tá vào phòng trở lại, trách tôi là thăm lâu quá, nhưng bệnh nhân đã thiếp ngủ.
Trong lúc đi bộ về nhà giữa cơn mưa, tôi hiểu ra. Thầy J.M.H. đã nhìn thấy trước mọi chuyện. Ngài biết rằng cái triết lý mà bà Saxton chấp nhận, và thật đáng thương là không hiểu được hoặc sống theo nó được, tới phút cuối không cho bà an ủi gì, tựa như hòn đá với ai đang đói rã. Khi gây ấn tượng cho Toni theo cách mà thầy cho hay đã làm vào ngày hôm đó tại nhà chúng tôi, ít nhất ngài đã cố gắng đưa ra lời khuyến cáo và cho bà ý tưởng để suy gẫm. Nhưng bà gạt bỏ lời khuyến cáo ấy, cho kết quả là tình trạng tuyệt vọng mà tôi chứng kiến khi gặp bà.
Sao đi nữa, tới phút cuối bà Saxton ra đi yên lành trong giấc ngủ, không lâu sau khi tôi ra về. 
...
Thử thách của Toni chót hết rồi cũng qua. Phiên tòa dài đi tới kết thúc và tuy anh được trắng án không có lỗi lầm gì, tài chính của anh sụt giảm đáng kể, và chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong tương lai. Vì những điều ấy, tôi nóng nẩy muốn gặp anh để bầy tỏ thiện cảm trong lòng.
Anh đến dùng bữa khi tôi gọi điện thoại mời, và hình dạng thay đổi của anh cho thấy thật rõ ràng anh đã trải qua lắm việc ra sao. Anh nói rầu rĩ là có người không còn muốn quen biết anh nữa, chỉ vì anh có can dự vào chuyện tai tiếng tệ hại này, và đã phải ra tòa.
– Ngay cả khi tôi được chứng tỏ là vô tội đối với mọi hành vi phi pháp trong chuyện bất hạnh này, anh nói, người ở hội quán (Club) thay đổi hết thái độ với tôi.
– Ngu ngốc chưa ! tôi kêu lên.
Anh thở dài,
– Tôi chịu trả bất cứ giá nào để được gặp thầy J.M.H.
Tôi cảm thấy không thoải mái. Tôi không bị thử thách như anh, vậy mà được cho gặp thầy J.M.H., còn Toni đây, chán nản, tài chánh suy sụp và rất cần lời khuyên của một Guru. Bây giờ mà cho anh hay rằng cả Lyall và tôi đã thăm thầy J.M.H. thì thật là tàn nhẫn. Hiển nhiên đây không phải là lúc để chuyển tin cho anh. Toni nhìn tôi theo cách lạ lùng, và tôi phải làm thinh. Rồi anh nói chẫm rãi.
– Tôi tin là anh đã gặp thầy J.M.H.
Nhận xét của anh làm tôi ngạc nhiên hết sức. Có phải vì tôi đóng kịch tồi quá và nét mặt đã khiến tôi bị lộ tẩy, hay Toni có trực giác mạnh hơn tôi tưởng ?
– Có đúng không ? Anh gặng hỏi sau khi ngưng một chốc.
– Đúng rồi, tôi nhìn nhận mà cố gắng bầy tỏ cảm xúc tôi có đối với anh trên nét mặt.
Anh không nói gì, quá trung thành với Guru của chúng tôi để phiền trách ngài, hoặc ngay cả thảo luận với tôi việc tại sao tôi được ưu đãi còn anh thì không. Nhưng tôi ý thức là anh vừa đau khổ vừa hoang mang. Tôi tự hỏi mình có thể nói gì thì Lyall Herber đến. Tôi đặc biệt mời anh tới vì tôi nghĩ đây là lúc những người bạn chân tình của Toni nên tụ lại với anh. Lyall tỏ ra đầy thiện cảm, nhưng mặc dầu Toni lộ sự biết ơn, tôi có thể thấy là anh đang bận tâm với tư tưởng riêng của mình. Rồi anh nhìn kỹ Lyall như đã nhìn tôi trước đó.
– Tôi nghĩ anh cũng đã gặp thầy J.M.H., một hồi lâu sau anh nói.
Lyall sững sờ. Anh ngó tôi, muốn xem gương mặt tôi nói gì.
– Tôi thú nhận hết rồi, tôi nói, tốt hơn làm theo đi.
– Tôi nghĩ vậy, Toni bảo.
Lại thêm một lúc lặng thinh gượng ép.
Tôi có nên đưa tin nhắn cho anh hay không ? Tôi thử gửi tư tưởng đến thầy J.M.H. hy vọng sẽ nhận được cảm tưởng gì, nhưng không nhận được gì cả. Rồi đột nhiên tôi không có cách nào khác vì Toni hỏi thẳng thừng:
– Anh có lời nhắn cho tôi không ?
Tôi nhìn nhận là có.
– Và nó nói ...
– Tôi sợ là nó không có gì sáng tỏ cho lắm, tôi mào đầu.
– Nói đi... anh thúc giục.
– Anh cứ tiếp tục theo cách cũ, thầy muốn nói về việc tham thiền của anh.
– Chỉ có vậy thôi ư ?
– Tôi rất tiếc ...
Toni lộ vẻ thất vọng và trong một lúc không trả lời.
– Anh có thuốc lá không ?
Cuối cùng anh nói làm như hững hờ. Tôi đưa cho anh một điếu mà ngạc nhiên, vì không hề biết là trước đây anh có hút thuốc. Anh phì phà yên lặng một lúc rồi bằng giọng than vãn anh phân trần:
–Lúc nào cũng chỉ có một chuyện, tôi phải tự làm lấy cho tôi mọi điều và tin vào trực giác của mình, còn mấy anh...
– Nhưng đó là do anh tiến xa hơn tụi tôi ! Lyall ngắt lời, thật tâm muốn an ủi bạn. Nói cho cùng thì trực giác của anh phải khá lắm khi anh có thể cảm ngay lập tức tụi này đã gặp ai.
– Lâu nay tôi cảm thấy là thầy J.M.H. có mặt trong nước, nhưng khi gặp hai anh, tôi biết ngay đó là sự thực, Toni đáp. Sau khi ngưng một lát anh nói tiếp, cố gắng tỏ ra vui vẻ.
– A, thôi, tôi đoán ấy là một phần của việc huấn luyện ... Sao đi nữa tôi mừng là cảm nhận của mình đúng ...
Tôi không tránh được ý nghĩ rằng anh chàng nhỏ con nay 'chì' như thế nào, bên ngoài trông ẻo lả và nhậy cảm, nhưng bên trong thì can đảm như mãnh sư.
Tối ấy khi sắp ra về, anh cho chúng tôi hay là quyết định ra ngoại quốc một khoảng thời gian.
– Đó là chuyện tốt nhất tôi làm được trong hoàn cảnh này, anh bảo.
Chương XV
Người Đưa Tin của Chân Sư Koot Hoomi

 

– Mình phải tìm căn nhà cho thuê để nghỉ hè, hoặc một chỗ nào đó, Viola bảo, nếu không tìm sớm bây giờ thì sẽ không còn chỗ đâu. Bác sĩ bảo chỗ cao nguyên tốt cho em.
Nàng vừa xuống ăn sáng và lật lật chồng thư để xem.
– Úi chao, có tấm hình bưu thiếp của David đây, dữ không, bây giờ mới có tin, viết tùm lum quanh tháp chuông của nhà thờ trong làng ... 'Tôi ở đây, nàng đọc to, trên đồi có Thiên thần tuyệt đẹp. Bà chủ quán trọ cầm tinh tuổi Kim Ngưu Taurus, vui tánh, có nhiều sao đóng ở các cung hành Thổ. Thức ăn ăn được ở đây. Hạn tuổi của tôi đang khá dần. Thân, David ...'
– Đúng điệu anh ta rồi ! Tôi phá ra cười. Sao mình không đi tới đó vài ngày ở chơi cho biết nơi ấy ? Không chừng lại tìm được chỗ cho thuê quanh đó nếu mình hỏi thăm.
Ý tưởng có vẻ lôi cuốn đối với nàng.
– Nhưng lỡ anh chàng không muốn có mình tới thì sao ?
– Gửi anh ta một bức điện tín trả sẵn tiền hồi đáp mà hỏi. Anh chàng luôn luôn có thể tìm ra cớ từ chối nếu không muốn cho hai đứa mình làm bạn cho vui ...
Nhưng chuyện xẩy ra là anh không từ chối, mà đáp lại là sẽ giữ phòng cho chúng tôi vào cuối tuần. Quán trọ nhìn ra một vùng rừng với đồi trọc ở ngoài xa, và xa nữa là cảnh biển. Đàng sau nhà trọ là một ngọn đồi dương xỉ mọc đầy, trên đỉnh đồi có một hàng thông cao mọc quanh hồ giống như lính đứng gác hồ thiêng.
Chúng tôi thấy David ngồi ở cái bàn sắt nhỏ, trong khu vườn trồng thành tầng thơ mộng.
– Mạnh giỏi, quí Chân nhân ! anh chào chúng tôi một cách vui vẻ, tới đây vui lắm.
– Trông anh khá lên hẳn sau một thời gian ở miền quê.
– Nơi đây có vẻ hợp với anh, tôi nhận xét; và Viola thêm vào. Đúng rồi, coi anh rám nắng sậm da lắm.
– Prana tràn lan ở đây, và có nhiều thiên tiên chung quanh, lý do là vậy, anh đáp, đúng theo thói quen thông thường của anh là đưa lời giải thích về mặt huyền bí cho mọi chuyện.
Chúng tôi phá ra cười. Tuy chúng tôi không thể thấy có thiên tiên nào, nơi đây quả là chỗ vui thú, và không khí đầy sức sống xác nhận lời nói của anh về 'Prana'.
Chúng tôi ngồi xuống cái bàn nhỏ tròn, trên đó có giấy bút và cái cặp đựng giấy tờ.
– Cái gì đây, lá số hay thư từ ? Viola hăm hở hỏi.
– Chẳng phải cái nào cả, sách thôi, anh đáp lại cụt ngủn.
– Ái chà chà, chót hết cũng phải lộ ra ! Tôi kêu to. Ra đó là lý do anh đột nhiên chui về chỗ thôn dã làm ẩn sĩ ...
– Biết anh mà, chuyên thầm kín làm và không hé môi cho tụi này hay ... Viola trêu anh. Cuốn sách đặc biệt viết về chuyện chi ? Phải hỏi vì anh rành nhiều chuyện lắm.
Nhưng anh gạt hết giấy tờ vào cặp, thấy ngay không có hứng bàn chuyện văn chương viết lách lúc này.
– Để mai mốt nói cho biết, anh bảo. Tôi loay hoay với của đáng tội này suốt sáng nay - Thổ tinh xếp 90 độ với Thiên vương tinh và vị trí mặt trăng không thuận chi hết - chỉ toàn chuyện bực mình. Tôi chán hết sức. Mình đi chơi một vòng đi.
–Nhưng tôi muốn ngồi nghỉ một chút trước đã, nhà tôi phản đối, thử anh có cái thể như của tôi coi.
– Xin lỗi nghe, anh xin lỗi, tôi quên.
– Nhân tiện, tôi có tin đây, tôi bảo anh, thầy J.M.H. đã có mặt rồi.
– Tôi biết mà, tôi biết chứ ! anh reo lên đắc thắng, lần cuối mình gặp nhau tôi đã cảm thấy là chẳng bao lâu ngài sẽ có mặt !
– Anh có thể cảm nhận như thế, nhưng tôi mạn phép nói là anh không hé môi chi hết. 
– Tôi có cảm tưởng là thầy không muốn tôi nói.
– Nhưng anh thấy ngài mà, ở cõi trung giới đó ?
– Ai bảo anh thế ?
– Chính ngài cho tôi hay.
David nở nụ cười bí ẩn. Ngoài chuyện đó ra ngài còn nói gì về tôi không ?
– Ngài cho hay vài chuyện đáng khen lắm, như sự cảm nhận của anh rất đáng tin.
David rộng miệng cười sung sướng.
– Điều tôi muốn biết là, Viola chen vào, tại sao ngài không cho tôi gặp ? Ngài nói anh có thể giải thích cho tụi tôi hay.
David nhìn vào khoảng không một hai phút.
– Chị xem này, làn rung động của thầy hết sức hùng mạnh, trong khi sức khỏe của chị bị suy sụp thì nó chỉ làm xáo trộn hết các thể và khiến chị đau nặng hơn thôi.
Nhà tôi có vẻ nguôi lòng.
– Nào, dễ thương quá nhỉ, dễ yêu chưa ...
Câu nói bí ẩn có vẻ thương yêu này David dành cho chú mèo của nhà trọ, lò dò đi tới và gụi gụi thân mình vào chân của anh.
– Con mèo của tụi này lên thiên đàng rồi. Tôi nói. David rất thích nó, mỗi lần đến chơi nhà chúng tôi anh thường vuốt ve con mèo.
– Phải rồi, tôi có biết, anh nói lộ sự thông cảm. Đêm hôm nọ tôi có thấy thể tình cảm của nó.
– Thế, nói rằng chó mèo sau khi chết sẽ nhập trở lại vào hồn khóm của chúng, là không đúng ư ? Viola hỏi.
– Không, nếu mình thật sự thương mến chúng. Khi đó chúng ta khiến con thú được cá nhân hóa nhờ tình thương, và thúc đẩy chúng rất nhiều trong cuộc tiến hóa của chúng. Có nhiều thú vật hơn mình tưởng đã được cá nhân hóa. Sự thật là tôi gặp con mèo của anh chị trong vườn của Chân sư sau khi nó chầu trời.
– Hay cho con mèo quá, và Chân sư thật đáng quí biết bao ! Tôi vừa cười vừa kêu lên, lòng thật cảm động.
– Chú mèo có một quầng ánh sáng trắng bao quanh đầu, cho thấy nó đã được cá nhân hóa, và trông nó nhạt mầu hơn khi còn sống. David tiếp tục. Còn nói về chó, có lần tôi thấy một con chó Airedale to lớn chết đã mấy năm rồi, nhẩy xổ vào một phù thủy tà đạo muốn tấn công bà chủ mà con chó thương yêu, làm phù thủy hoảng vía.
– Hay, tôi thích nghĩ là thú vật mà mình thương yêu vẫn là cá nhân riêng rẽ ! Viola tuyên bố, tôi không thích nghĩ là chúng hòa vào hồn khóm mờ mịt ... Còn bây giờ, anh có thích thì mình đi dạo, tôi sẵn sàng rồi.
Hồi sáng trời có mây che nhưng nay tới giữa trưa thì mặt trời lộ ra khỏi đám mây cho nắng ấm, và hương hoa lẫn với hương nhựa thông, cỏ, tràn ngập không khí. Chúng tôi đi tản bộ một lúc theo đường mòn quanh co trong rừng, thỉnh thoảng dừng lại nghỉ chân ngồi ở thân cây được hạ nằm xuống, và lắng nghe tiếng nhạc của lá xào xạc, cho ra âm điệu nhẹ nhàng, thanh thoát phụ vào nhiều tiếng chim hót ríu rít. Được về miền quê trở lại thật là hay, và tâm trí tôi lan man đi ngược về Ngài Thomas và khu vườn kiểu cổ của Ngài. Tôi rất muốn tả cho David biết nhưng cố nhiên không thể bội tín được.
Lát sau chúng tôi thong thả quay về nhà trọ. Trời ấm cho phép ngồi ăn trưa ngoài sân được, và viễn ảnh thật là thích thú, nhất là ở nước mà khí hậu ít khi cho cơ hội như thế.
Trong bữa ăn, có một nhóm đông người dạo rừng (hikers), cười nói và mặt mày ửng đỏ, ùa vào vườn, ngồi xuống bàn cách xa chúng tôi một chút.
– Anh có bị khó chịu về cảnh này không, nhất là vào dịp cuối tuần ? Viola hỏi David, nó có gây xáo trộn cho công việc của anh không ?
– Về mặt đó thì họ không làm phiền gì, anh đáp lại, và sự thật là ... Anh bỏ ngang, và trong một lúc lâu trầm ngâm lặng lẽ nhìn ngắm nhóm người ồn ào chuyện vãn.
– Thật ra thì sao ? Một chốc sau Viola nhắc anh.
– Đừng phá ngang, tôi trách nàng, em không thấy anh ta đang thăm dò họ sao ?
– Anh nói đúng đó, tôi đang tìm hiểu về họ. Mấy lúc sau này tôi cảm nhận là những người đi chơi rừng này, tuôn ra khỏi đô thị để tìm cảnh đẹp thiên nhiên, là một trong những dấu hiệu khích lệ ít oi của thời đại.
Chúng tôi nhìn anh dò hỏi, và anh nhỏ giọng nói tiếp.
– Họ là thanh niên được Thiên thần Quốc gia dẫn dụ để tiếp xúc thân cận hơn với thiên nhiên và làn rung động trong lành hơn của nó. Cố nhiên là họ không biết, mà đó không phải là vấn đề. Vài người tiến xa hơn được dẫn dụ tới những trung tâm đích thực, được các vị Đạo đồ làm nhiễm từ lực cả mấy thế kỷ trước và nay được các thiên thần giữ gìn, có nơi mạnh có nơi yếu. Về sau, họ sẽ học để tới thăm những trung tâm này một cách hữu ý.
– Hay, nhưng mục đích của những trung tâm này là gì ? Tôi hỏi.
– Sao ? Là để huấn luyện cho những người đã tiến cao trong nhân loại. Anh chị xem này, bầu không khí tâm lý và tinh thần ở những nơi được từ hóa mạnh đến độ nó như là sự khích động lớn lao cho các quan năng cao. Khi những quan năng này phát triển đủ thì một phần của nhân loại sẽ được chuẩn bị cho việc đức Di Lặc (đức Chúa) tái hiện vào cuối thế kỷ 20.
– Vậy theo tôi hiểu thì những người đi chơi rừng này là người tiền phong cho lý tưởng cao cả của loại người mới, phải không ?
– Đúng rồi, chờ vài năm rồi anh sẽ thấy chuyện diễn tiến ra sao. Đã có phản ứng với tâm tình ảm đạm sau khi cuộc chiến chấm dứt, và nay ta bắt đầu thấy dấu hiệu của việc sinh sống lành mạnh hơn và có sự tự chủ hơn ... Ngay lúc này đây có một nhóm hiện hữu, do các thanh niên lập ra, cam kết sẽ trung thành với vợ nhà ... Giới thượng lưu sẽ không coi việc chơi bời trai gái là mốt nữa, thay vào đó mình sẽ có việc thành hôn sớm, chung thủy và con đàn cháu đống ! Đó là nỗ lực lớn lao của các Thiên thần giống dân để giúp có những linh hồn tiến hóa cao tái sinh.
Về sau, các Thiên thần này sẽ có thể ảnh hưởng nhân loại nhiều hơn nữa, vì sự đáp ứng với làn rung động của các ngài trở nên càng lúc càng nhiều hơn. Một mặt là người ta bớt có hoạt động tình dục bừa bãi, mặt khác là có một phần của nhân loại sẽ nhậy cảm đến mức có thể thấy được Thiên thần và tiếp xúc với các ngài. Nhưng lẽ tự nhiên là chuyện không xẩy ra nay mai, vì ít nhất người ta phải có khả năng nhìn ở cõi ether...
– Ước sao tôi có thể thấy được Thiên thần, Viola nói, lúc David ngưng lại để lo ăn bữa trưa, mà ngay cả lúc còn thông nhãn chưa bị mất, tôi chưa hề thực sự thấy được các vị ấy, tuy tôi có thể cảm nhận được các ngài.
– Đó chỉ là vấn đề có loại thông nhãn thích hợp, hay đúng ra là có khả năng tâm linh. David trả lời, nó thay đổi hết sức đa dạng. Có người nhớ lại được những kiếp trước mà không thấy được cõi vô hình; người khác không nhớ gì mà lại có thể thấy hào quang và hình tư tưởng; kẻ khác nữa thì chỉ có thể nhớ lại những kinh nghiệm tâm linh trong lúc ngủ. Ta có thể nói là rất ít người có đủ hết khả năng ở mọi cảnh giới. Muốn vậy họ phải là người có thông nhãn được huấn luyện hết sức cao.
– Tuy nhiên thị giác ở cõi ether thật ra là loại ít tinh tế nhất, tôi bàn, ít nhất thì tôi nghe như vậy.
– Đúng rồi, mà cho dù thế cũng không có nghĩa là anh sẽ có nó trước, anh nối lời, chuyện phần lớn tùy thuộc vào loại thân xác mà anh có, và loại quan năng nào anh đã sở đắc được trong những kiếp qua. Trọn câu chuyện về các cảnh ether ở cõi trần rất là phức tạp, anh nói thêm. Tôi dành nhiều thời gian ở Ấn Độ để tìm hiểu về nó, ban đầu là học với Chân sư của tôi, và sau đó là tự học. Tính ra tôi đã ghi được nhiều nhận xét sau này sẽ đem vào sách của tôi.
– Nói nghe đi ! Viola hăng hái kêu lên, coi ra sao.
Anh cười lớn và đi vào trong để lấy bản thảo. Những người dạo rừng đã bỏ đi, và khu vườn được yên tĩnh trở lại làm chúng tôi tạ ơn Trời.

(còn tiếp)

Cyril  Scott
(The Initiate in the Dark Age)