TUYÊN NGÔN CAMBRIGE VỀ TÂM THỨC

Tuyên Ngôn Cambridge về Tâm Thức

 

 Vào ngày 7-7-2012, một nhóm khoa học gia tiếng tăm về khoa thần kinh, thần kinh sinh lý, thần kinh dược liệu v.v. dự hội nghị Tâm Thức nơi Người và Động Vật không phải là Người tại đại học Cambridge, để 'tái thẩm định căn bản của thần kinh sinh học trong việc có kinh nghiệm hữu thức và hành vi liên hệ nơi người cùng động vật không phải là người'. Vài nhận xét tại cuộc họp là:
– Nghiên cứu về Tâm Thức đang phát triển mau lẹ, nên cần có tái lượng xét định kỳ những tiên kiến đã có trong ngành.
– Căn bản  thần kinh của tình cảm có vẻ như  không bị giới hạn vào cấu tạo vỏ não, vì hệ thống thần kinh dưới vỏ não  được khêu gợi trong tình cảm nơi người cũng hết sức quan trọng trong việc sinh ra tình cảm nơi động vật.
– Xét về hành vi, cầm điểu có vẻ như là trường hợp nổi bật có tiến hóa song song về tâm thức. Bằng chứng về mức tâm thức giống như người được quan sát hết sức rõ ràng nơi két xám Phi châu. Đặc biệt chim magpie cho thấy có tương tự kỳ lạ với người, khỉ, cá heo, và voi trong nghiên cứu về việc tự nhận ra mình trong gương.
Nhóm khoa học gia kế đó tuyên bố điều sau:
'Việc không có lớp tân vỏ não (neocortex) có vẻ như không ngăn một sinh vật có tình cảm. Nhiều chứng cớ cùng nói rằng động vật không phải là người có căn bản thần kinh cho ra những tâm thức này, cùng với khả năng biểu lộ hành vi có chủ ý. Vì vậy, chứng cớ muốn nói không phải chỉ loài người mới có căn bản thần kinh cho ra tâm thức. Những động vật không phải là người, gồm tất cả loài hữu nhũ và cầm điểu, và nhiều sinh vật khác, trong đó có loài mực, cũng có căn bản thần kinh này.'
Bản tuyên ngôn được các tham dự viên của buổi họp ký vào tối cùng ngày tại Cambridge, và nghi lễ được chương trình truyền hình 60 Minutes của CBS thu lại.
Sự kiện đáng chú ý vì hai lẽ. Thứ nhất là vào năm 1891, bà Blavatsky có nói:
Không có vật chất chết. Mỗi một hạt nguyên tử đều sống động. Chuyện không thể khác hơn vì mỗi hạt nguyên tử tự nó có căn bản là Thực thể Tuyệt Đối. Bởi thế không có không gian hay Ether, hay akasha, hay gọi theo bất cứ tên gì tùy thích, mà không có thiên thần và tinh linh bay lượn trong đó như cá trong nước. Đó là ý tưởng chung. Ý tưởng chân thực cho thấy là mỗi  hạt nguyên tử của vật chất, ở bất cứ cảnh giới nào, tự nó là một Sự Sống.
Tuyên ngôn Cambridge cho thấy là khoa học đi một bước tới gần ý trên, và do đó ta sang điểm thứ hai là trong thư gửi ông Sinnett, Chân sư viết đại ý:
- Khoa học là đồng minh tốt nhất của chúng ta. (Thư 65. t. 168)
Ý muốn nói khoa học chứng minh và xác nhận điều mà Minh Triết Thiêng Liêng khẳng định. Ở đây là chỉ dạy nói rằng sự sống hay tâm thức có trong mọi loài, và việc khai mở những tính chất tiềm ẩn của nó diễn ra trong cuộc tiến hóa dài diệu vợi.

Xin đọc thêm trang web: fcmconference.org/img/CambridgeDeclarationOnConsciousness.pdf