SUFI

Sufism (triết lý Sufi) là một chữ mới có lúc gần đây, chẳng những vậy nó lại còn là một chữ không đúng, và bởi nó có chữ 'ism – triết lý, thuyết' trong đó, chữ 'ism' làm đảo ngược ý nghĩa cốt yếu của tên Sufi. Bởi chữ 'ism' luôn luôn gợi ý một cộng đồng khép kín, một chủ nghĩa, một đạo giáo mà triết lý Sufi nói cho cùng thì không phải như vậy. Thế nên, nếu ta thật sự muốn biết triết lý Sufi là gì thì phải cần trở ngược về chữ nguyên thủy bằng tiếng Ả Rập là tasawwuf. Chữ tasawwuf không dễ đọc nhưng nó chứa ý nghĩa chính xác hơn, vì nó vừa là động từ vừa là danh từ nên nói tới diễn biến để trở thành. Nó không tĩnh, mà năng động. Tasawwuf có nghĩa đen là trở thành người Sufi. Vậy ngay từ đầu, ta hiểu rằng nó không phải là một hội quán mà bạn thuộc về hay không thuộc về, mà nó là kinh nghiệm chuyển hóa.  
Thế nhưng nó dẫn tới câu hỏi, 'Người Sufi là sao ? Diễn biến đưa tới kết quả sau cùng nào ?' Ngay từ những ngày đầu có chữ Sufi và tasawwuf,  người Sufi đã có câu trả lời cho thắc mắc 'Người Sufi là sao ?', và mỗi câu đáp đều khác nhau. Mỗi lời đáp ấy là một mặt của thực tại duy nhất là ý nghĩa của việc là người Sufi. Ở đây tôi muốn chia sẻ với các bạn vài định nghĩa ấy. Đầu tiên là ý sau:
– Triết lý Sufi ngày nay chỉ có danh mà không có thực tại, là điều mà khi xưa nó có thực tại nhưng không có danh.
Người khác cho định nghĩa kế.
– Triết lý Sufi là sự tinh túy, là chân lý. Không có hình thức, nghi lễ, thủ tục trong đó. Nó là tinh túy thuần khiết.
Hai định nghĩa đi chung với nhau. Triết lý Sufi lúc trước là thực tại mà nay trở thành hình thức, thành tên gọi mà không còn là thực tại. Triết lý Sufi chân thật luôn luôn là một thực tại lẩn tránh hình thức. Nó không bao giờ có thể được thể hiện qua hình thức, mà khoác lấy mọi loại hình thức, vô số dạng thức trong sự biểu lộ và thể hiện của nó (xin so với câu trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử: Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh. Tạm dịch: Đạo có thể gọi là đạo thì không phải là đạo...). Tuy nhiên trọn phần tinh túy của nó vẫn là chuyện bí ẩn. Người Sufi luôn luôn biết tiến trình theo đó một bí mật được che dấu hóa thành định chế (institutionalised), thành món hàng và được biết tới trong thế giới như là một hình thức nào đó; trong khi ấy người Sufi, lặng lẽ kín đáo, che dấu tinh túy của nó và tiếp tục truyền thống của mình. Điều này đã diễn ra qua bao thế hệ. Lần này rồi lần kia có việc truyền từ người này sang người kế, từ tâm sang tâm không qua trung gian, luôn luôn từ tâm sang tâm.
Lẽ tự nhiên chuyện không muốn nói là người Sufi không viết sách. Chính những người Sufi, ai nói rằng triết lý này không bao giờ có thể viết thành lời, đã sáng tác bộ toàn thư nhiều quyển. Nhưng nói cho sát thì họ biết là văn tự không chuyên chở được hết ý. Ba Tư có đại thi sĩ Rumi. Ông dạy ở Konya và khi dạy học thì có nhiều chồng sách chất cao trước mặt. Một hôm có kẻ như người điên từ sa mạc bước vào, thô lỗ phá rối lớp. Họ tới trước mặt ông chỉ tay vào chồng sách, nói.
– Mấy cái này là cái gì ?
Rumi làm ngơ câu hỏi ngu ngốc ấy và đáp.
– Anh không biết đâu.
Ông khoát tay ra hiệu cho người này về cuối lớp mà ngồi và họ ngồi đó. Đột nhiên trang sách phát cháy. Lửa bốc lên từ bàn viết. Rumi nhẩy dựng lên và nói, nhìn vào người mới đến.
– Chuyện gì vậy ?
Họ đáp.
– Ông không biết đâu.
Đi tới cùng thì hiểu biết siêu việt không bao giờ có thể được gói trọn trong lời nói, và luôn luôn được truyền từ tâm sang tâm.
Nay ta sang một định nghĩa kế.
Triết lý Sufi không phải là nghi thức, hình thức và không là khối hiểu biết, triết lý, tư tưởng, lý thuyết. Mà nó là phong cách tuyệt vời, phong cách của người tình đứng trước mặt Đấng Quí Yêu (The Beloved - Thượng Đế).
Ấy chính là cốt tủy của luật. Luật trong tôn giáo có là để kềm giữ chúng ta khi chúng ta không ý thức sự hiện diện của Đấng Quí Yêu. Khi ta có sự thân thiết trân trọng bên Đấng Quí Yêu, cách xử sự của ta được nâng lên mức toàn thiện mà bình thường không đạt được. Có lẽ tất cả các bạn để ý thấy trong đời mình là bạn hành xử theo tiêu chuẩn khác nhau, tùy theo lúc đó bạn tiếp xúc với ai. Và với người mà bạn lý tưởng hóa nhất, người được yêu quý nhất, bạn có hành vi tốt đẹp nhất khi cư xử với họ. Vậy thì triết lý Sufi là sống cuộc đời trong sự hiện diện thường xuyên ấy.
Khi xưa có một vị thầy Sufi tại Ấn Độ bảo học trò.
– Không may là tới lúc chúng ta phải thay đổi cách làm việc. Từ trước tới nay chúng ta chỉ nhận tiền bố thí của ai muốn tới cúng dường, nhưng giờ khó sống hơn và thầy phải kêu các con làm việc lén lút. Hãy ra phố lấy trộm vật. Điều kiện là con không thể làm vậy khi có người nhìn.
Học trò mang về đủ các món, người có con gà và người khác nữa đưa ra một ví tiền, rồi chỉ có một học trò trở về tay không. Vị thầy hỏi.
– Ta ra lệnh rõ ràng là phải lấy trộm vật mà con không có gì để mang về !
Học trò thưa.
– Con làm theo điều kiện của thầy là không trộm khi có ai nhìn, mà Thượng đế thì nhìn khắp nơi.
Chuyện vì vậy liên quan tới định nghĩa kế của một nhân vật Sufi rất nổi danh thời xưa, Abu'l-Hasan al-Nuri.
– Người Sufi là người không sở hữu điều chi và không bị điều chi sở hữu.
Ở Đông phương bạn thấy có những đạo sĩ diễn giải ý này theo sát nghĩa đen. Họ không sở hữu chi hết. Họ là khất sĩ đi vân du không có vật sở hữu chi. Rồi lại có người khác sống trong lầu vàng điện ngọc mà hoàn toàn buông bỏ sự giầu sang, sẵn sàng tách rời nó bất cứ lúc nào. Cả hai đều đóng vai trò của mình trong thế giới. Đó là tinh túy của ý về sở hữu và không bị sở hữu. Sở hữu có nghĩa nắm giữ, bị nghiền, không thể tách rời khỏi điều chi. Người Sufi bị mê say đắm đuối, không thể tách rời với một điều duy nhất và ấy là Đấng Duy Nhất hằng hữu, không hề bị đánh mất hay mất trộm. Thành ra ta thấy là sở hữu ít chừng nào thì bị sở hữu ít chừng ấy, bởi tất cả những gì trong đời, ta thu thập chúng chỉ làm trì trệ cho ta mà thôi. Đương nhiên là tới một lúc, trong đời này hay đời sau, khi mọi việc từng món từng món một sẽ phải được buông bỏ. Hoặc tự ý hoặc không tự ý.
Một người Sufi rất tài giỏi hồi thuở ban đầu của phong trào đã học được bài học trên. Ông là vua xứ Balkh, một vùng thuộc Afghanistan. Khi ấy nước này có một nền văn hóa phong phú, nhiều sắc thái trong đó có những tính chất mạnh mẽ của Phật giáo. Hai tượng Phật vĩ đại mà phe Taliban hủy hoại là di sản của giai đoạn ấy, và vua Ibrahim Adham là một vị thánh theo gót đức Phật. Nếu có học hỏi truyền thống Sufi bạn sẽ tìm thấy dấu vết của Phật giáo trong đó. Người Sufi trong thi ca Ba Tư nhắc đến 'but - hình tượng' như là biểu hiện cho người tình thiêng liêng. Chữ 'but' này bắt nguồn từ chữ 'Buddha, đức Phật'.
Giống như đức Phật, Ibrahim Adham là ông vua tài năng sống trong xa hoa. Lẽ tự nhiên nếu so sánh với người thời trước,  mỗi chúng ta trong thời đại hiện giờ sống tiện nghi như vua. Thành ra về một mặt nào đó, Ibrahim Adham chỉ là người như bất cứ ai trong chúng ta. Nhưng ông là vua ở triều đình một vương quốc vĩ đại. Có một đạo sĩ kỳ bí từ sa mạc đến thăm nhà vua. Đó là Khizr, đạo sĩ của sa mạc. Ông tới nơi, qua mặt được quân gác và tìm đường vào nội điện. Thay vì cúi rạp người cung kính theo như  thủ tục, ông không e dè đi thẳng tới ngai vua. Vua tức giận và nói.
– Ông tới triều đình của đại vương để chi ?
Khirz đáp.
– Ồ, tôi chỉ đi ngang qua lữ quán này.
Bạn có thể tưởng tượng ông vua phật lòng ra sao khi nghe cung điện của mình bị gọi là lữ quán. Ông hỏi.
– Sao ông dám thốt lời như thế ?
Và Khirz nói.
– Xem nào, trước ông thì ai ngồi trên chiếc ngai đó ?
– Phụ vương ta, vua đáp.
Khirz hỏi tiếp.
– Rồi trước thân phụ ông nữa ?
– Tiên đế của ta.
Nay Khirz trả lời.
– Vậy mà ông muốn bảo rằng đây không phải là lữ quán với lúc nào cũng có người liên tục đến rồi đi ?
Đột nhiên nhà vua tỉnh ngộ. Ông ý thức là tất cả những gì ông tạo cho mình, bề ngoài oai phong với sự giàu sang và quyền uy đều là chuyện phù du; nó là chuyện nhỏ nhoi không đáng trong cơ đồ vĩ đại của vạn vật. Lời nói của Khirz như mũi tên đi thẳng vào tâm ông. Vua cảm thấy bị thúc giục phải bỏ mũ triều thiên và chiếc ngai, sống như người Sufi đi vân du. Ông du hành nhiều năm. Ngày kia ông gặp một người Sufi khác than vãn về sự nghèo khó của mình, và cựu hoàng nói.
– Hẳn bạn mua sự nghèo khó của mình với giá rẻ mạt.
Người này hỏi.
– Có người mua sự nghèo khó à ?
Ibrahim Adham đáp.
– Tôi trả bằng hết tất cả tài sản trên đời mà vẫn thấy là còn rẻ.
Rồi ông thành học trò một vị thầy Sufi từng là kẻ chặn đường cướp của trước khi hồi tâm và theo Sufi. Tại đạo viện, ông học được tánh buông bỏ lòng kiêu hãnh. Vị thầy rất nghiêm khắc đối với ông, giao cho vua - người cả đời được hậu đãi - việc bỏ rác. Nhưng Ibrahim Adham thản nhiên mang rác đem đổ. Những học trò khác không thể chịu được cảnh ông vua oai nghi lẫm liệt bị làm nhục như thế nên họ bảo.
– Thưa thầy, xin nương tay cho vua.
Vị thầy bảo.
– Cũng được, để ta thử ông.
Ông kêu người khác đâm sầm vào Ibrahim Adham lúc vua đang mang rác đi đổ. Cựu hoàng ngó người này thật nghiêm khắc và nói.
– Hồi còn là vua, ta sẽ không bao giờ chịu để bị như thế này.
Chuyện thuật lại cho vị thầy nghe và ông nói.
– Hắn chưa sẵn sàng.
Vài tháng sau, thử thách được lập lại. Kỳ này, Ibrahim Adham chỉ liếc nhìn người đụng đầu làm rác tung tóe. Khi nghe kể việc gì xẩy ra, thầy nói.
– Hắn vẫn chưa sẵn sàng.
Chót hết, mấy tháng sau nữa khi lại bị người khác tông vào khiến rác đổ, Ibrahim Adham chẳng thèm ngước lên xem thủ phạm là ai. Vua chỉ nhặt sạch rác bị vung vãi rồi tiếp tục công chuyện của mình. Vị thầy đi ra ôm chầm lấy vua và cho ông lên cấp rất cao. Vua thành người kế thừa dòng Sufi ấy. Dòng này hiện đang được tiếp tục. Như thế ông theo chân đức Phật là đấng cũng là một vì vua tài giỏi mà bỏ địa vị thế tục để tìm ra thực tại vĩnh cửu.
Bây giờ lại là một định nghĩa khác về triết lý Sufi.
Người Sufi là người sở hữu hơi thở.
Định nghĩa trước nói rằng người Sufi không sở hữu chuyện chi. Thế thì định nghĩa ta vừa nói là ngoại lệ của luật. Người Sufi là người sở hữu hơi thở. Hẳn bạn biết là Đông phương tin rằng mỗi người sinh ra có số hơi thở giới hạn. Vài nhà yogi tìm cách nới rộng hơi thở, thở chậm lại, để sống lâu hơn. Nguyên tắc ấy cũng áp dụng ở đây, nhưng không nói tới việc nới rộng hơi thở theo thời gian, mà kéo dài nó vượt thời gian, làm cho mỗi khoảnh khắc thành vĩnh cửu với hơi thở được thức tỉnh.
Nhờ hơi thở mà chúng ta có hiện diện, và do việc quên hơi thở mà ta vắng mặt. Thầy của ông nội tôi nói rằng trong triết lý Sufi chỉ có một tội lỗi và một đức tính. Ta phạm tội khi hơi thở thoát ra trong sự quên lãng, và đức tính có được khi hơi thở được thở với ý thức là bản thể ta hợp nhất. Giản dị có thế mà thôi. Triết lý Sufi chỉ có một bài học là mỗi hơi thở được thở với tâm niệm về Đấng Duy Nhất. Nó là điều rất giản dị, mà là sự học tập cả đời.
Và nay là một định nghĩa khác.
Người Sufi là người mà tư tưởng theo kịp bước chân của họ. Ấy là người có ở nơi họ đứng. Ấy là người hiện diện ở đây với hai chân trụ vững chãi trên đất. Ấy là người mà xác thân và linh hồn hòa hợp trong hiện tại, trong sự tỉnh thức.
Để mô tả ý trên tôi xin kể câu chuyện, lần này là về chính đời tôi. Hồi còn nhỏ tôi ở Ấn Độ và học thở, học vận động, là đề tài của những định nghĩa trên. Tôi học Khí Công (Tai Chi) với một vị thầy từ Nhật Bản. Ông dạy tôi những chuyển động của một thế đặc biệt. Hai thầy trò tập chung với nhau mỗi ngày. Sau vài tháng như thế, thầy bảo tôi.
– Em đã tỏ ra thông thạo với thế này, nay tới lúc ta mời thân hữu đến và biểu diễn thế múa.
Chúng tôi biểu diễn trên nóc của thư viện quốc gia Tây Tạng tại Dharamsala, một nơi thật vinh hạnh để luyện Khí Công, với một số thân hữu. Thầy làm vài tư thế và tôi cũng làm vài tư thế. Trong lúc diễn như thế, đột nhiên tôi cảm thấy ngứa trên cổ ngay ở tĩnh mạch cổ. Tôi mới chuyển thật khéo léo một chút các tư thế và đưa ngón tay lên cổ rồi hất ra trước. Khi đó, tôi thấy được con bò cạp đen cong đuôi lên sẵn sàng chích. Ngay lúc ấy ý thức về hơi thở, ý thức của tư thế, mất biệt. Tôi buông rơi con bò cạp xuống đất, nhưng tôi tự hỏi làm sao nó từ dưới đất lên được tới cổ tôi ? Hẳn nó phải bò suốt chặng đường.
Tôi chỉ biết cám ơn là tập tham thiền đã cứu mạng mình. Tôi có thể thật lòng nói từ kinh nghiệm này là tham thiền đã cứu sống tôi, chính ý thức về hơi thở, ý thức về linh hồn trong thân xác, điều mà Khí Công luyện cho tôi, đã làm tôi ở trong trạng thái mà con bò cạp không cảm thấy có thù nghịch gì. Thế nên đó là bài học sâu xa nằm mãi trong lòng tôi từ đó tới nay. Và tôi nghĩ nó áp dụng cho nhiều trường hợp không phải chỉ là cho côn trùng chết người, mà cho hết mọi nghịch cảnh trên thế giới. Sự bảo vệ lớn nhất có thể có được là lòng an nhiên tự tại sinh ra nhờ hơi thở có ý thức.
Nay là một định nghĩa khác, thật tuyệt vời và bắt ta phải suy gẫm.
Người Sufi là người có tôn giáo là Thượng Đế.
Không phải Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Phật giáo, không là 'giáo - ism' nào cả. Tôn giáo của họ tự nó chỉ là Thượng Đế. Thượng Đế là tôn giáo. Tôn giáo là sự thích ứng trong đó ta có thể càng lúc càng hướng về sự hiện diện thiêng liêng thấy được ở chân trời và ở trong bản thân. Trạng thái cảm nhận thần bí là trạng thái trong đó hành động của người được hướng tới thực tại. Đây là tôn giáo thiêng liêng bao trùm hết mọi truyền thống của con người, tất cả phản chiếu lại ánh sáng của nó vì mỗi truyền thống lộ ra là một phần của tôn giáo đại đồng ấy.
Đó là tính đại đồng của Sufi, và là tính đại đồng của mỗi truyền thống thần bí trong tinh túy của nó. Là thực tại, không phải nghi thức, không phải hình thức. Phần tinh túy luôn luôn là thực tại ẩn sau hình thức. Câu nói sau của một người Sufi luôn luôn soi sáng cho ta.
– Hãy coi chừng đừng giới hạn bạn vào một ý niệm riêng biệt nào và phủ nhận hết mọi điều khác, vì bạn sẽ do vậy không thấy nhiều sự tốt lành khác. Thực thế, bạn sẽ không có được hiểu biết về thực tại. Hãy làm cho mình thành bản chất của mọi hình thức, vì Thượng Đế mênh mông và vĩ đại quá không thể bị giới hạn vào một hình thức tín ngưỡng này hay kia.
Ý này rất hợp cho thời đại của chúng ta và có liên quan tới nó, khi nhân loại đang chật vật đi tìm một ngôn ngữ tinh thần chung để vượt hàng rào dị biệt. Không phải chỉ là một thị trường toàn cầu mà là một tinh thần toàn cầu.
Và đây là một định nghĩa nữa. Al –Shibli là ngốc tử bạn thân của al-Hallaj. Khi al-Hallaj bị kết án tử hình và dân chúng ném đá ông, al-Shibli ném một bông hồng. Trong đời, ông thường la cà tới nhà thương điên và người ta không biết chắc là ông ngớ ngẩn hoàn toàn hay tỉnh táo hoàn toàn. Ông nói.
– Người Sufi không thấy trong hai thế giới, thế giới này và đời sau, có gì với Thượng Đế, ngoại trừ Thượng Đế (anything with God, except God). Không có gì thêm vào Thượng Đế.
Trong mỗi tình huống, ở mỗi nơi, vào mỗi lúc, trong mỗi sự liên hệ, người Sufi luôn quay về Đấng Duy Nhất và thấy vô số mặt nạ như là tấm khăn che mặt của một đấng thiêng liêng, vô tận, duy nhất. Không có phút nào mà người Sufi tưởng tượng là có gì có thể được thêm vào, họ nhận ra ngay lập tức nhờ trực giác là trọn sự biểu lộ là ảo ảnh, là sự phản chiếu và khúc xạ của một Ánh sáng duy nhất.
Có lần một vị thầy Sufi nói như trên trong một nhóm tụ họp chung với nhau. Sau đó ông đi bộ về nhà, một người trong nhóm đi theo đằng sau rồi cầm gậy đánh vào lưng ông. Ông quay lại, kẻ đánh ông nói.
– Bắt quả tang nhé ! Ông bảo tất cả là một thế nhưng khi tôi đánh ông, ông quay lại xem đó là ai.
Vị thầy chỉ mỉm cười.
– Phải, tôi biết mọi chuyện là do Thượng Đế.  – Phải, tôi biết mọi chuyện là do Thượng ĐếTôi chỉ muốn xem Thượng Đế dùng kẻ dốt nát nào để thực hiện hành động này.
Chuyện không còn làm ta phản ứng giận dữ nữa khi biết mọi việc đều từ Thượng Đế mà ra. Tới một lúc nào đó bạn không còn trách móc ai khác một điều gì.
Và chót hết là một định nghĩa sau.
Người Sufi thì tựa như trẻ thơ trong lòng Thượng Đế.
Là người Sufi là ở trong tâm tình phó thác, an ổn, tâm thức vô ngã, cảm thấy mình được bao trùm trong thương yêu vô tận mãi mãi. Lòng từ vô biên. Những điều này không còn là lý thuyết hay mơ ước viễn vông mà là kinh nghiệm tinh túy của ta, không thay đổi được vì ta sống trong sự ôm ấp của Tình thương Thiêng liêng. Đó là ý nghĩa thực của câu nói ' Quyền Năng của Tình Thương'.

Pir Zia (aquaac.org)