HỨNG KHỞI

 

1. Óc sáng tạo.
Con người không đơn độc trong công việc sáng tạo của mình, mà có nhiều loại tác nhân khác nhau trợ giúp ta. Họ mang lại ý tưởng cho tâm thức của ta, viễn ảnh cho trí não, nhiệt tình cho quả tim và năng lực cho thân xác, đầu óc. Họ giúp chuẩn bị và thanh tẩy bản chất của ta để tiếp nhận năng lực có tần số cao hơn; đó cũng có thể là những tác nhân truyền hứng khởi từ những cõi cao và làm tâm thức ta mở rộng để thấy vượt ra bên ngoài cảnh đời thường nhật của con người. Rồi có tác nhân giúp ta nhận được cảm hứng là hạt giống cho nền văn hóa và văn minh mới, mang ta lại gần những cảnh trời trên cao.
Có những tác nhân gieo vào tâm tưởng của ta hạt giống những vở kịch đặc sắc, nhạc kịch, ballet, màn vũ, hội họa, điêu khắc, chuyện, thần thoại, v.v. Họ làm việc thân cận với con người, giúp hoạt động của ta thành hữu ích cho nhân loại và phục vụ cho các lực cao hơn. Người xưa gọi đây là các thần nhân gợi hứng cho nghệ thuật (Muses) mà Nàng Thơ được biết tới nhiều nhất. Trên thực tế đó là thiên thần tiếp xúc với con người khi ta hân hoan, ngây ngất, can đảm, trong lúc tâm thức được nâng cao. Các ngài đến với ta vào lúc ta nguyện cầu, tham thiền, có nguyện ước, hoặc miệt mài suy gẫm để sáng tạo.
Những nghệ sĩ tài ba cảm được sự hiện diện của thiên thần. Nó tăng lực cho họ, gây hào hứng, mở rộng tâm hồn, và làm như có luồng điện đi vào thân. Sự hiện diện của thiên thần khuyến khích nghệ sĩ, và họ cảm thấy là mình không đơn độc khi gắng công sáng tạo. Thiên thần thường tiếp xúc với nghệ sĩ khi các ngài tham thiền, các ngài dùng tham thiền như phương tiện để sáng tạo ở những cảnh giới cao, và tạo ấn tượng cho nghệ sĩ qua tham thiền của các ngài. Thiên thần không thể đến với ai chìm đắm trong tình cảm tiêu cực như ghen ghét, sợ hãi, giận dữ v.v. Tình cảm loại ấy tạo nên bầu không khí độc hại có tác dụng làm xua đuổi thiên thần.
Những tình cảm tích cực như lòng biết ơn, tánh an nhiên tự tại, dạ từ bi, ân cần, tha thứ v.v. thu hút các ngài lại gần ta, khi con người có ước vọng về mỹ lệ thì tâm trạng ấy cũng tạo nên bầu từ lực lôi cuốn thiên thần. Mục tiêu của thiên thần gợi hứng  là mang lại mỹ lệ và nâng cao tâm thức con người đến sự hòa hợp, bình an, hoan lạc. Lòng biết ơn nơi nghệ sĩ làm việc theo cách sau, nó tạo nên con đường cho hứng khởi và liên lạc giữa họ với thiên thần, các ngài đến với chúng ta và:
– Giúp ta thấy viễn tượng có tính sáng tạo hay có mộng mơ sáng tạo.
– Gợi nên hứng khởi và tư tưởng trong trí ta.
– Gợi hứng ta qua những ai mà ta thương mến.
– Tác động lên ta qua óc tưởng tượng sáng tạo.
– Đưa đẩy ta đến nơi chốn làm sinh ra ý tưởng và hình ảnh mới.
Hứng khởi đến với con người từ nhiều nguồn như thượng trí, linh hồn, thiên thần, và cao hơn. Hứng khởi đôi khi giống như bản sao gửi  qua máy fax, tức tâm trí ta sao chép lại bản chính. Khi khác nó không phải là một mẫu tin mà là một luồng năng lực, đặt để hạt giống sáng tạo nằm tiềm ẩn trong trí năng. Có nhiều điều như thế bên trong chúng ta, chờ cơ hội linh hoạt. Nó có thể là gợi hứng làm ký ức ta nhớ lại điều đã kinh nghiệm hàng ngàn năm trước, thí dụ như tâm tư được cho hồi tưởng và diễn tả sự việc đã xẩy ra trong một kiếp xa xưa của ta. Vài nghệ sĩ sáng tạo chủ ý  mà nhiều phần là không ý thức, viết chuyện và kinh nghiệm trong đời trước của họ.
Cũng có một loại hứng khởi khác đến từ các cõi cao và nghệ sĩ sáng tạo là người có óc cởi mở đối với chuyện cõi cao. Ngoài thiên thần, tác nhân gợi hứng còn là những vị đạo đồ cao, truyền năng lực của ba tính chất là sự sáng, tình thương và minh triết. Đối nghịch với các ngài là những tà lực, và con người thu hút tà lực khi có tính chất tương tự trong các thể thanh của mình, như tính chia rẽ, tham lam, kiêu hãnh v.v.
Óc sáng tạo là công sức được thực hiện với sự hợp tác của thiên thần. Óc sáng tạo chân thật là kết quả của việc tiếp xúc với tâm thức cao hơn, nhờ đó người ta bắt được tư tưởng mới, hoặc cách thức mới để biểu lộ chúng. Có hai điều cần ghi về các tiếp xúc này.
– Thứ nhất, mỗi tiếp xúc đều có tánh phân cực là âm hay dương. Ai tiếp nhận thì có tính âm, còn ai được tiếp xúc có tính dương. Hai luồng điện gặp nhau cho ra ánh sáng, hiện tượng phóng xạ, sức nóng, v.v. thì tính sáng tạo cũng thế. Con người ao ước cõi cao và có tiếp xúc, sau đó họ không còn như trước nữa vì tâm thức đã mở rộng và anh biết đến một cảnh giới khác. Trọng tâm của anh nay ở chỗ cao hơn, anh chú tâm ở cảnh giới cao hơn trong loài cao hơn.
– Thứ hai, mỗi loài trong thiên nhiên trở thành sáng tạo hơn khi hòa với loài cao hơn. Thí dụ nhân loại sẽ có tính sáng tạo hơn nếu có tiếp xúc tốt đẹp hơn với Thiên đoàn gồm các siêu nhân.
Thiên cơ là một nguồn sáng tạo. Trong thiên cơ có chứa đựng tất cả những ý tưởng và khái niệm mới cho các thế kỷ sau. Ai tiếp xúc được với Thiên Cơ trở thành  người giúp đời có óc sáng tạo cho nhân loại. Cũng y vậy, mỗi phong trào cấp tiến trên thế giới được Thiên Đoàn (Hierachy) gợi hứng, thí dụ việc thành lập các tổ chức sau:
– Hội Hồng Thập Tự,
– Nghiệp Đoàn cho phong trào lao động vào cuối thế kỷ 19,
– Liên Hiệp Quốc v.v.
có được do con người tiếp xúc với sức sáng tạo của Thiên Đoàn.
Tiếp xúc với những năng lực cao là hành động rất nguy hiểm nếu ta chưa trong sạch đúng mức, hay có chủ tâm đáng ngờ. Trong trường hợp ấy, năng lực cao tuôn vào mà bị biến dạng, và có khi còn đảo ngược tính chất của nó. Tình trạng gây ra hỗn loạn và xáo trộn trong xã hội, cho tới khi có ai trong sạch đem những năng lực mới vào và kiểm soát được năng lực bị đảo ngược ấy. Thí dụ, ý tưởng về nguồn gốc thiêng liêng của con người bị biến thành chủ nghĩa quốc xã Nazi; ý tưởng về tự do đúng thực của linh hồn con người trở thành dân chủ giả hiệu; và ý tưởng về tình huynh đệ đại đồng thành ra là chủ nghĩa cộng sản.
Trong những trường hợp đó, ý tưởng nguyên thủy không được truyền đi đúng như nó là, do tính chất của tác nhân và cũng do tình trạng của thế giới. Việc diễn giải theo nghĩa xấu, bẻ cong ý tưởng nguyên thủy đưa tới bao đau đớn và khổ não cho con người. Sẽ có nhiều năng lực mới được khám phá, nhưng việc sử dụng chúng sai lầm khiến con người bị diệt vong. Việc tiếp xúc với các năng lực cao chỉ nên làm bởi ai biết vượt qua giới hạn của hạ trí, đi vào ánh sáng của trực giác, đem viễn ảnh cao xuống địa cầu như nó là, và dùng nó theo cách nên dùng cho sự tốt lành chung. Để có thể đóng vai trò người truyền và tiếp xúc được ý tưởng và năng lực ở cõi cao, điều cần thiết là phải liên tục làm tâm thức trong sạch.
2. Nghệ Thuật.
Một trong những kết quả của hứng khởi là nghệ thuật. Trải qua bao thời đại đã có nhiều sự tuôn tràn tinh thần lớn lao biểu lộ qua nhiều ngành mỹ thuật khác nhau. Những mỹ nghệ phẩm cổ xưa trong các viện bảo tàng, từ thời văn minh Hy Lạp và Ai Cập sang đến thời Phục Hưng đã cho thấy bản chất của linh hồn con người biểu lộ qua mỹ lệ và mỹ thuật. Nay khi ta bước vào chu kỳ Bảo Bình, làm như ngày càng có thúc giục và có nhu cầu trở nên sáng tạo ở vòng tiến hóa xoắn ốc cao hơn. Mục tiêu chân chính của nghệ thuật không phải chỉ là kích thích tâm và trí của con người, mà còn là tạo điều kiện cho sự tái hiện của đức Chúa (đức Di Lặc). Có nghĩa nghệ thuật không đứng riêng rẽ một mình, nghệ thuật vị nghệ thuật, mà là một phần của sự sống, nghệ thuật vị nhân sinh.
Để việc chuẩn bị này được thực hiện, các quốc gia trên thế giới phải đến với nhau trong tinh thần hòa bình, hợp nhất và hợp tác. Nghệ thuật có thể cho một môi trường chung, nơi tụ hội mà người thuộc những nước khác nhau có thể để qua bên sự riêng biệt của mình, để hợp lại chào đón mỹ lệ và sự hòa hợp. Liên Hiệp Quốc có nỗ lực về mặt này qua việc dùng các nghệ sĩ làm sứ giả hòa bình, như tài tử điện ảnh, ca sĩ hay nhạc sĩ. Họ giúp gia tăng ý thức trên thế giới về các chương trình của LHQ, liên can đến văn hóa, giáo dục, khoa học v.v.
Hoạt động của con người nhằm tạo mỹ lệ qua âm thanh, mầu sắc và hình dạng thì tương tự như việc tham thiền; nó đòi hỏi cùng một kỷ luật, sự tập trung tư tưởng, kêu gọi hứng khởi từ trên cao. Khía cạnh huyền bí của nghệ thuật có tính mặc khải, tỏ lộ nhiều điều thâm sâu nếu người ta tìm hiểu, và đây là điều đáng chú  ý. Bởi mọi phương tiện hay hình thức trong chính đạo luôn luôn có tác dụng như là cửa ngỏ, dẫn tới một điều khác hay thế giới khác cao hơn, nhiều ý nghĩa hơn. Lời, hình ảnh v.v. dùng để chuyên chở ý và thành công khi đưa dược người ta đi xa hơn ý. Tức tác phẩm chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn là thoạt nhìn ngoài mặt; nghệ thuật khêu gợi nên một cảm xúc tổng quát về mỹ lệ, mầu sắc và hứng khởi, và như thế nó khoác y phục cho ý tưởng mà khi làm vậy thì đồng thời cũng che phủ ý tưởng. Rồi nghệ thuật cũng sinh ra ý thức về mỹ lệ huyền bí, nó cho một cảm xúc khác lạ về mỹ lệ, mầu sắc và hứng khởi; những điều này khoác lấy nhiều hình thái làm trưng ra ý tưởng.
Ảo tưởng, điều huyễn hoặc làm biến dạng bang giao quốc tế cũng ảnh hưởng đến nghệ thuật vào lúc này. Nhiều hình thức nghệ thuật đương thời như video, tạo hình (installations) không có giá trị gì, không làm phong phú tư tưởng người thưởng ngoạn; không khiến bạn cứ dán mắt vào tác phẩm, nấn ná chẳng nỡ bỏ đi; không khiến bạn muốn trở lại xem nhiều lần nữa để mong tìm ra những điều sâu xa khác. Nhìn những tác phẩm đương thời có tính gây khích động hơn là có ý nghĩa, thí dụ như có phòng triển lãm nghệ thuật trưng bầy con cá mập ngâm trong chất ướp xác formaldehyde và gọi đó là nghệ thuật, người ta có thể nghĩ là nghệ sĩ khéo léo, có sáng kiến, nhưng đã xem một lần rồi thì không có gì lôi cuốn làm ta muốn trở lại. Vậy câu hỏi đặt ra với chúng là, 'Có thể là phải giỏi dang mới tạo nên tác phẩm như thế, mà nó có đáng công không? Thành đạt nằm ở đâu?'
Ngày nay người ta nói nhiều đến việc lướt internet (surf internet), bỏ ra nhiều giờ để thâu thập thông tin có ngay. Nhưng lướt internet không có nét thi ca nào cả. Chúng ta có khối lượng thông tin tuôn ào ạt trên internet, nhưng minh triết có gia tăng mạnh mẽ song song với nó ?
Điều mà chúng ta cần hiện nay là có nhận thức tinh thần, có được hứng khởi mới mẻ từ cõi trực giác, cõi bồ đề. Nghệ thuật đặc biệt có thể làm lộ ra cho thấy thế giới của ý nghĩa, thực tại và chân lý. Dù không là nghệ sĩ hay có hoạt động về nghệ thuật, chúng ta có thể sống có sáng tạo bằng cách biểu lộ mỗi ngày những điều chân, thiện, mỹ.

 

3. Âm Nhạc.
Bốn tháng trước khi ông qua đời, đại nhạc sĩ Brahms tiết lộ rằng trong khi soạn nhạc, ông cảm thấy mình được gợi hứng bởi một nguồn Quyền Năng ở bên ngoài ông. Do có niềm tin vào Đấng Tối Cao, ông cho rằng chỉ khi nào nghệ sĩ sáng tạo trở nên thụ cảm với Thần Thức này họ mới có thể viết ra được những tác phẩm bất tử, bằng không không sao làm được. Chuyện như muốn nói rằng tất cả những đại nghệ sĩ chân thực, trong bất cứ lãnh vực nào, đều là người trung gian (medium – nó không có nghĩa là đồng cốt mà chỉ muốn nói có việc giao tiếp với cõi thanh)  dù họ có ý thức về sự việc hay không.
Ta mở ngoặc để nói thêm là khi tiết lộ như trên, Brahms ra điều kiện là sự việc chỉ được công bố năm mươi năm sau khi ông qua đời, thế nên ta không thấy chuyện ghi trong những sách viết về ông trước đây. Sao đi nữa, điều ấy khiến nhạc sĩ là một trong những nhà soạn nhạc tin rằng có một loại hứng khởi thuộc hạng đặc biệt hơn là hạng mà ai hoài nghi chỉ tin vào những gì họ có thể nghe, thấy, sờ chạm v.v., nghĩa là chỉ tin ngũ quan hơn là linh cảm, cảm nhận tinh thần.
Người loại sau và ngay cả nhiều người khác biện luận rằng nhà soạn nhạc là hệ quả, và về một mặt là sự biểu lộ, và phản ảnh của thời đại mà họ sống. Dầu vậy theo tài liệu bí truyền thì ý kiến này chỉ mới là một nửa sự thật. Vì nói tổng quát thì có hai loại nhà soạn nhạc; một loại ta có thể nói là những ai được gợi hứng, theo nghĩa họ có những đặc tính khiến họ được các đấng Cao Cả sử dụng, ngược với loại thứ hai là những người không được gợi hứng; họ thiếu các điều này và do vậy không thể được sử dụng làm trung gian.
Nói một cách vắn tắt thì nhà soạn nhạc được gợi hứng là người mà qua phương tiện là sự rung động và biểu lộ của âm nhạc, giúp uốn nắn tính chất của tương lai; còn nhà soạn nhạc không được gợi hứng thì đa số chỉ phản ảnh lại những tính chất của thời đại họ. Điều này giải thích vì sao âm nhạc hiện đại và những năm trước đây thuộc loại hết sức lỗi nhịp, bởi chẳng phải chúng ta đang sống trong thời đại có sự bất hòa và tranh chấp cao độ sao ?
Còn một điều khác cũng cần phải nói, nhà soạn nhạc không được gợi hứng khi so với người được gợi hứng, thường là bị ảnh hưởng bởi nhạc thời trang nào đang mạnh, và thay vì sáng tạo loại nhạc riêng cho mình, họ dễ bị chi phối bởi 'trường phái' này hay kia, đó có thể là trường phái Tân cổ điển hay gì khác. Thế nên câu nói ở trên rằng nhà soạn nhạc là hệ quả của thời đại họ sống không phải là hoàn toàn không đúng, nếu nó nói tới đa số nhà soạn nhạc, dù là loại nhạc cao hay thấp.
Tuy nhiên nó không đúng khi áp dụng cho hết các nhà soạn nhạc, vì như vậy là không kể đến con số tương đối hiếm những ai ngoài sự khéo léo còn được phú có thêm những điều khác, và nhạc của họ không phải là phản ảnh chuyện 'thế gian' mà là 'chuyện tinh thần'. Ta cũng nên biết là khi nói một số nhạc sĩ sáng tạo được gợi hứng, chữ này có thể gợi nên một điều gì đó mơ hồ cho ai duy tâm, và không có nghĩa gì hết cho ai duy vật. Nhưng thuyết duy vật không đưa ra giải thích thỏa đáng nào cho nét đáng yêu bí ẩn, một cái gì đó lúc ẩn lúc hiện làm vài tác phẩm trở thành bất tử.
Thuyết duy vật và ngay cả tôn giáo chính thống cũng không thể giải thích thỏa đáng về thiên tài, mà chỉ có triết lý bí truyền mới có thể đưa ra giải thích làm ta thỏa mãn.

Tài liệu:
The Creative Fire, Torkom Saraydarian.
Music: Its Secret Influence throughout the Ages, Cyril Scott.