H.P.B. (Helena Petrovna Blavatsky)

 

(PST 64)

 

(Xem Mục CHUYỆN H.P.B..)

 

Chẳng lâu sau đó, HPB giao chồng bản thảo cao gần một thước của bộ The Secret Doctrine cho hai thanh niên Bertram và Archibald Keightley đọc và cho ý kiến. Sau khi dành nhiều thì giờ xem xét, họ kết luận rằng đây là tác phẩm khác thường nhưng cách trình bầy 'không có hệ thống, cơ cấu hoặc sắp xếp nào'. HPB liền giao cho hai người việc sửa chữa lại; họ không muốn thay đổi hình thức nguyên thủy của bản thảo nên cho đánh máy lại theo chuyên nghiệp và làm việc với bản đánh máy này.
Năm 1889, khi Archibald Keightley dự một đại hội của Hội tại Hoa Kỳ, anh được báo New York Times phỏng vấn. Khi phóng viên đặt câu hỏi là HPB 'ngày nay có tạo ra hiện tượng nào với quyền năng huyền bí mà người ta gán cho bà khi trước ?', câu trả lời có liên quan đến bộ The Secret Doctrine:
– Rất hiếm, trừ phi chúng xẩy ra một cách tự nhiên khi làm việc ... Trong lúc soạn bộ The Secret Doctrine hồi mới từ Ấn Độ sang, bà không có lấy một quyển sách tham khảo hoặc có uy tín nào bên cạnh, vậy mà bà thường khi trích những đoạn dài hai, ba trăm chữ từ nhiều tài liệu, ghi tên tác giả, cuốn thứ mấy, và số trang chính xác như thể có sách tham khảo trước mặt. Tôi cảm thấy không thoải mái về điều này và nói với bà, "Bà nghĩ tôi nên kiểm lại cho chính xác những phần trích này không ?"
"Cứ làm đi, nếu anh muốn," bà đáp. Thành ra tôi mang một chồng như thế ra British Museum, nơi duy nhất mà tôi biết có những sách bà trích. Ở đó tôi thấy chúng chính xác từ những điểm nhỏ nhất trở đi, ngoại trừ trong một hay hai trường hợp tôi không thấy đoạn văn trích ra nằm ở số trang mà bà ghi. Lấy thí dụ số trang nói là 307, mà nó không có đó. Tuy nhiên tôi nẩy ý và tìm trang 703 thì nó nằm ở đó, y từng chữ một. Việc con số hoán đổi là do hình ảnh nơi cõi trung giới bị đảo ngược, trưng ra sự vật y như phản chiếu trong gương. Khi cơ thể mệt mỏi thì không phải lúc nào bà cũng để ý sửa lại việc đảo lộn này ...
"Những câu trích mà tôi nói ở đây phần lớn nằm trong tạp chí Journal of the Asiatic Society tại Calcutta, nhiều đoạn nằm trong các bài của đại tá Wilford; những bài viết này đăng cách đây năm, sáu mươi năm, không phải là hết sức hiếm nhưng chỉ rất ít người có chúng, và chắc chắn là bà không có cũng như không có cách nào tham khảo trong lúc viết sách, ngoại trừ bằng cách nhìn nơi cõi trung giới như tôi vừa nói."
Trong số khách đến thăm HPB vào mùa hè 1887 có ông Alexander Fullerton từ Hoa Kỳ. Ông làm việc tích cực cho hội tại New York, và là cánh tay mặt của ông Judge trong việc cho ra tờ The Path; ông bỏ sự nghiệp của mình là giáo sĩ Anh giáo để làm việc toàn thời cho Theosophy. Ông hồi nhớ:
– Tôi nhớ rất rõ những lời nói đầu của tôi với HPB vào tháng tám 1887. Tôi bảo là lẽ đương nhiên tôi thấy phập phồng khi đứng trước mặt người có khả năng đọc được tư tưởng. Bà đáp rằng làm như vậy là thiếu lương thiện. Tôi nói tôi không cho nó đúng là 'thiếu lương thiện'. Bà trả lời, Không, đó là thiếu lương thiện, vì bà không có quyền biết được những chuyện bí mật của người khác mà không được họ ưng thuận, y như bà không có quyền sở hữu ví tiền của họ; và bà không hề dùng quyền năng trừ phi chính đương sự yêu cầu, hoặc khi trường hợp đòi hỏi phải làm vậy.

 

Số 17 Đường Lansdowne

Sau bốn tháng trụ tại nhà 'Maycott', chi bộ Blavatsky cần trụ sở rộng hơn, gần trung tâm thành phố London hơn. Hai thanh niên Keightley tìm được nơi đúng ý là số 17 đường Lansdowne, một ngôi nhà hai tầng có vườn xung quanh.
Việc dời về chỗ mới vào tháng chín 1887 trùng với biến cố đáng nói là việc phát hành số ra mắt tạp chí mới tên Lucifer. Hình thức báo và cách trang trí cho thấy có đối chọi rõ ràng so với tờ The Theosophist, trang đặc kín, chữ nhỏ và giấy trắng đục.
Tựa báo làm nhiều người lạ lùng, kể cả thân nhân của HPB, vì quan niệm thông thường gắn liền tên Lucifer với quỉ dữ, hoặc với thiên thần bị sa đọa. Bà giải thích đầy đủ nghĩa chữ này trong bài bình luận mở đầu của báo, nhưng lời giải thích rõ nhất được thấy trong thư gửi cho gia đình:
– Sao cả nhà lại trách cứ tôi về việc gọi tên báo của tôi là Lucifer ? Ấy là một tên tuyệt vời ! Lux, Lucis tiếng Latin là ánh sáng, và ferre là mang lại; 'Người Mang Lại Ánh Sáng' – còn chữ nào hay hơn nữa ? ... Chỉ vì quyển thơ Paradise Lost của thi sĩ Milton mà tên Lucifer thành đồng nghĩa với thiên thần sa đọa. Mục tiêu đầu tiên của báo tôi sẽ là gột rửa vết nhơ do sự hiểu lầm của tên này, vốn được những người Thiên Chúa giáo đầu tiên dùng để gọi đức Chúa ...
'Tiếng Hy Lạp gọi đó là Eosphoros, người La Mã thì dùng chữ Lucifer – chúng đều là danh hiệu của Kim tinh (Venus) hay sao mai, báo hiệu ánh sáng chói lọi của mặt trời ... Không phải đức Chúa nói về mình là "Ta, Jesus ... là sao Mai chói sáng" hay sao ? (Khải huyền, 22:16) ... tờ báo của chúng tôi cũng sẽ như ngôi sao trắng nhạt, thanh khiết của rạng đông, báo trước ngày chói chang của chân lý – là sự hòa hợp mọi sự bất hòa, mọi diễn dịch theo chữ nghĩa, trong ánh sáng duy nhất của chân lý theo tinh thần.'

Để tránh nạn giáo điều, tạp chí nhận đăng bài của hội viên lẫn người không phải là hội viên.
Nay ta thuật những chuyện liên quan đến HPB trong thời gian này, dựa theo hồi ức của những người quen biết hoặc là cộng sự viên của bà. HPB tỏ ra có hiểu biết biết nhiều về việc chữa bệnh, có lần bà mô tả tầm quan trọng của việc có sự hòa hợp trong đời sống như sau:
– ... Nếu bạn tập vận động cơ thể buổi sáng hay tối là đủ ... hay nếu bạn có thể luyện việc tập trung tư tưởng và chú tâm vào âm nhạc – hay đúng hơn là hòa âm. Vì khi tâm hồn có sự hòa điệu về lý trí, tâm linh và tinh thần, thấm đẫm trong đó, nó sẽ cho ảnh hưởng mạnh mẽ lên phần sinh lý của con người. Khi ta bị xáo trộn về lý trí và không thể tập trung vào một điều gì đặc biệt, cơ thể sẽ sinh ra sự bất hòa dẫn đến tình trạng bệnh tật.
Khi khác cũng về việc có hay không có sự hòa hợp, HPB cho biết ảnh hưởng của nó đối với tình trạng sinh lý:
– Một nửa, nếu không muốn nói là hai phần ba những sự đau ốm và bệnh tật của chúng ta, là kết quả của óc tưởng tượng và lòng sợ hãi. Hãy diệt điều sau và cải thiện điều trước, rồi thiên nhiên sẽ lo phần còn lại.
Tuy nhiên bà cũng thêm rằng người ta không nên cao ngạo đến mức coi thường những bệnh mà nếu không được chữa ngay có thể làm thiệt mạng.
Sau khi HPB qua đời, Alice Cleather – một hội viên có dịp tiếp xúc nhiều với HPB – nói chuyện với bác sĩ của HPB tại London là ông Z. Mennell và ghi rằng:
– Đó là một cuộc trò chuyện đáng nhớ, dài gần hai tiếng đồng hồ (ông để cả phòng đợi đầy bệnh nhân ngồi chờ trong lúc chúng tôi bàn luận). Chúng tôi đề cập rất ít đến sức khỏe của tôi ... mà nói nhiều về HPB. Ông kể cho tôi hay bà đã gợi hứng ông ra sao trong công việc chữa bệnh của ông; bà đã dạy ông biết bao điều về tính chất của cơ thể và khả năng của nó – nhất là não bộ. Một số điều mà bà biểu lộ cho thấy với chính cơ thể của mình thì vượt xa hơn hẳn tất cả những gì mà y khoa biết được, tới mức trình bầy chúng trước Y Sĩ Đoàn (mà tôi tin ông là một hội viên tiếng tăm) chỉ là điều vô ích. Ông thuật là đã trưng một trường hợp mà gặp phải óc nhất quyết hoài nghi thật vô vọng, làm ông còn muốn thử lần nữa.

Sang việc HPB chữa bệnh, Archibald Keightley kể là có lần bị nổi mẩn đỏ và nóng sốt cao độ, vì làm việc Hội quá sức:
– Lúc ấy bác sĩ của HPB đến và ông xem bệnh cho tôi. Tôi không biết ông nói gì, khi đó tôi nằm nửa mê nửa tỉnh, thấy HPB leo lên hai cầu thang dốc đứng (bà không chịu lên thang lầu nếu không bắt buộc phải lên, vì leo cầu thang làm bà đau đớn) lên chỗ tôi nằm, để chính mắt kiểm lại lời của bác sĩ về tình trạng của tôi. Bà ngồi xuống, nhìn tôi rồi trong lúc nói chuyện cầm ly nước giữa hai bàn tay, và sau đó tôi uống nước này; xong bà xuống lầu kêu tôi đi theo. Tôi làm theo và được cho nằm trên giường xếp trong phòng bà, đắp chăn cẩn thận.
Tôi nằm ở đó nửa thức nửa ngủ trong khi bà viết không ngừng, ngồi ở bàn trong chiếc ghế bành to, quay lưng về phía tôi. Thời gian trôi qua tôi không nhớ là bao lâu, nhưng đột nhiên vụt qua đầu tôi có một lóe sáng mầu mầu đỏ đậm. Lẽ tự nhiên tôi giật bắn mình, nhưng  tiếng nói phát ra từ lưng ghế bảo:
– Nằm xuống, anh chú ý để làm chi vậy ?
Tôi làm theo và ngủ thiếp đi, sau khi được kêu về phòng tôi lăn ra ngủ trở lại, sáng hôm sau thì khỏe người tuy có hơi váng vất một chút. Rồi tôi được cho đi Richmond, bảo phải thật mạnh mới được quay về.
Cũng trong hồi ức này, Archibald thuật lại những buổi họp của chi bộ Blavatsky lúc còn đặt trụ sở tại đường Lansdowne:
– Những buổi thảo luận diễn ra không nặng phần hình thức, ai nấy ngồi quanh đặt câu hỏi với bà Blavatsky ... Một phần thú vị của chúng tôi là việc bà trả lời bằng cách đặt một câu hỏi khác, tìm thêm chi tiết theo cách của bà. Đó là phương pháp rất hữu hiệu và thường khi làm rối trí người nêu ra thắc mắc. Nếu câu hỏi đặt ra là do lòng khao khát chân thành muốn có hiểu biết, thì bà không nề hà giải đáp cặn kẽ trong vòng khả năng của bà. Nhưng nếu vấn đề được nêu lên để làm bà bực mình, khó chịu thì kết quả rất tệ cho người hỏi. Cuộc họp kéo dài một lúc lâu nhưng bà Blavatsky thích thú với việc đấu trí.
Đủ mọi người có mặt trong phòng họp vào những tối thứ năm, và ta không thể nói được là sẽ có ai tới dự. Thỉnh thoảng lại có cả những khách vô hình mà vài người thấy được và người khác lại không thấy, cho ra kết cục lạ lùng. Bình thường bà chịu lạnh rất dở nên phòng của bà lúc nào cũng được giữ cho rất ấm, tới mức đôi khi hóa nóng bức khó chịu trong buổi họp. Một buổi tối trước giờ họp, tôi xuống lầu thấy căn phòng lạnh như tủ đá, cho dù lò sưởi cháy đều và đèn bật sáng rõ. Tôi nói để bà hay nhưng bà chỉ cười to và đáp:
– Ồ, tôi có người bạn đến thăm và họ quên lấy đi bầu không khí của họ.
Hôm khác tôi nhớ là phòng đông người từ từ cho tới lúc không còn ghế trống. Trên ghế dài có một người Ấn rất chững chạc, ăn mặc đủ bộ với khăn quấn đầu và lễ phục. Cuộc thảo luận diễn ra và có vẻ như ông khách rất chú ý, vì thấy ông theo dõi một cách thông minh ý kiến của mỗi người phát biểu. Tối hôm ấy chi trưởng của chi bộ đến rất trễ, đi vào ngó quanh tìm chỗ ngồi. Ông đi thẳng tới ghế dài và ngồi xuống – lọt thỏm ngay vào lòng của vị khách người Ấn đường bệ, ông này kinh ngạc và lẹ làng biến phụt mất tiêu !

Giữa các lần họp và trong ngày, chi bộ Blavatsky rộn ràng hoạt động. Ngoài khách đến thăm, luôn luôn còn có một số người tình nguyện có mặt, phụ giúp nhiều công chuyện khác nhau. Có hôm một nhóm như thế tụ lại thảo luận điều mà họ xem là chuyện cấp bách. Tới chỗ bế tắc, một trong các bạn trẻ gõ cửa phòng HPB và xin bà giải quyết giùm vấn đề:
– Thưa bà, cô hỏi, điều quan trọng nhất cần để học hỏi Theosophy là gì ?
– Là lương tri thông thường (common sense), em à.
– Và thưa bà, theo bà thì điểm thứ hai là gì ?
– Có óc khôi hài.
– Và điều thứ ba ạ ?
Tới đây hẳn lòng kiên nhẫn không còn mấy.
– Ồ, thì có thêm lương tri thông thường !

Trong thời gian này HPB ít khi đi ra ngoài, nhưng vào đầu năm 1889 nữ bá tước Wachtmeister và họa sĩ Edmund Russell người Hoa Kỳ khuyến dụ được bà chịu đến phòng chụp hình của nhiếp ảnh gia có tiếng Enrico Resta tại London để chụp vài bức. Một trong những bức này là tấm hình nổi tiếng của bà có tên là The Sphinx. Nhiều năm về sau, ông Resta kể lại cuộc viếng thăm này trong thư cho ông John Coast, lúc ông là hội trưởng tại London.
– Một buổi sáng (8 Jan 1889) ... tôi đang ở trong phòng làm việc ... rất bận rộn chụp hình thì người phụ tá nói nhỏ là có một bà muốn được chụp ngay nếu có thể, vì bà có rất ít giờ rảnh ... Bà Blavatsky đi vào cùng với nữ bá tước Wachtmeister. Bà lập tức ngồi xuống cạnh cái bàn nhỏ và tôi để ý thấy bà đưa tay phải vào túi áo và vấn một điếu thuốc lá mà ông sẽ thấy trong hình ...
Không cần có dàn xếp gì trong phòng chụp, bà Blavatsky tỏ ý muốn nhìn thẳng vào máy ảnh trong tư thế tự nhiên ấy, và bởi có ấn tượng hết sức mạnh mẽ về nhân cách và phong thái của bà,  tôi chụp sáu hình và hân hoan thấy là thành công tốt đẹp. Bà Blavatsky đứng dậy, cám ơn tôi đã cho bà làm xong công chuyện mau mắn, nói rằng có họa sĩ khen ngợi với bà việc làm của tôi. Hình được gửi cho bà xem và được hồi đáp với một thư bầy tỏ sự hài lòng với kết quả, và như ông biết, mấy ngàn tấm hình đã được in ra cho hội Theosophia...
Thỉnh thoảng tôi nhận được thư mời tới thăm vị phu nhân tuyệt vời này, ở đó cuộc chuyện trò bàn đủ mọi khía cạnh về cuộc đời, có lẽ như quyền năng vô hạn của tính thiện, hoặc bà tỏ ý thích thú về công việc của riêng tôi mà tôi ưa thích. Vài năm sau tôi đóng cửa văn phòng, và âm bản duy nhất mà tôi chọn giữ lại là sáu tấm kèm theo thư này. Tôi quý chuộng chúng sâu đậm, và chúng còn phẩm chất hoàn hảo, nhưng nay đã 85 tuổi tôi nghĩ mình không nên tiếp tục giữ những biểu hiệu sống thực của một nhân vật tuyệt vời.
...
Một trong những khách của HPB vào những năm bà ở London là một nhà quí tộc người Tây Ban Nha tên José Xifré. Nói về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông và HPB, Xifré bảo rằng một cái nhìn từ mắt của bà 'xuyên thấu và hủy diệt  cái ngã mà tôi là cho tới lúc ấy,' và
– ... 'những ý tưởng của nó, khuynh hướng và thành kiến, có khắc sâu ít nhiều, bị mất biệt ... Tôi sẽ không tìm cách giải thích sự kiện có vẻ kỳ lạ này, nhưng giống như nhiều chuyện khác, nó dựa trên luật karma vĩ đại ... Tất cả những hiểu biết mà tôi có được là nhờ bà ... Sự bình lặng êm dịu và quân bình đạo đức có được là nhờ quen biết HPB.'
Khi khác ông xác nhận rằng HPB đã hai lần cứu mạng ông, một dịp như vậy xẩy ra khi ông rời London đi lục địa Âu châu. Bà nói:
– Ông không đi hôm nay.
Xifré đáp rằng ông phải đi. Khi HPB khăng khăng muốn ông đừng đi, ông trả lời:
– Nhưng tôi bắt buộc phải đi, chuyện tuyệt đối cần là tôi phải đi, tôi không thể hoãn lại việc ra đi.
– Ông sẽ không đi, ông phải ở lại London tối nay, bà ra lệnh như thế.
Ông miễn cưỡng tuân theo. Ngày hôm sau báo tường thuật rằng chuyến xe lửa chở thư ban đêm mà lẽ ra ông phải đi, bị đụng nát đáng sợ.
Cho dù có sự chống đối của giáo hội Công giáo, ông Xifré cùng với nhiều cộng tác viên tích cực truyền bá Theosophia tại Tây Ban Nha. Đến cuối năm 1889, bản dịch những sách Isis Unveiled, Esoteric Buddihsm, Light on the Path The Key to Theosophy được hoàn tất. Tờ giới thiệu 'Theosophy là gì ?' được phân phát ở các đại học, thư viện và hội quán trong khắp Tây Ban Nha. Tháng năm 1893 tạp chí TTH tên Sophia được ấn hành tại Madrid và tiếp tục trong 17 năm. Công việc phổ biến TTH của ông Xifré cuối cùng bị chấm dứt khi ông mất tài sản, điều mà ông tin là do giáo hội Công giáo gây ra.
Tại Anh quốc, giáo hội Anh giáo chủ động trong việc cấm tạp chí Lucifer ở nơi nào có bán. Chắc chắn điều làm giáo hội bực mình nhất là bài xã luận trong Lucifer số tháng 12, 1887 dưới hình thức một thư gửi Tổng Giám Mục Canterbury. Trong đó chứng cớ được đưa ra cho thấy 'gần như hầu hết những điểm trong giáo điều của giáo hội đều đối nghịch thẳng thừng với lời dạy của đức Jesus.' Bài viết kết luận như sau:
– Và nay, thưa Tổng Giám Mục, chúng tôi xin kính cẩn đặt trước ông những điểm chính về sự khác biệt và bất đồng ý kiến giữa MTTL và các giáo hội Thiên Chúa giáo, và trình cho ông rõ sự đồng nhất giữa MTTL và lời dạy của đức Jesus. Ông đã nghe chúng tôi nói về niềm tin của mình, được cho hay  ý trách móc cùng lời than phiền mà chúng tôi gán cho giáo hội nặng phần giáo điều. Chúng tôi, một nhóm nhỏ gồm vài cá nhân thấp thỏi, không của cải hay thế lực trần gian, nhưng với hiểu biết mạnh mẽ, đã hợp lực với hy vọng thực hiện việc làm ông nói rằng Thầy của ông đã giao phó cho các ông, nhưng đáng buồn thay đã bị giáo hội Thiên Chúa giáo, sang giàu và là tổ chức khổng lồ chế ngự, làm ngơ.
Chúng tôi tự hỏi ông có xem bài báo này là sự kênh kiệu ? Trong đất nước có tự do tư tưởng, ngôn luận, hành động này, liệu ông có nhìn nhận chúng tôi khác hơn là sự cấm kỵ (anathema) mà giáo hội thường dùng để phán cho ai muốn cải thiện ? Hay liệu chúng tôi hy vọng được rằng bài học cay đắng của kinh nghiệm, do chủ trương như thế mang lại cho giáo hội trong quá khứ, sẽ làm thay đổi tâm hồn, soi sáng sự hiểu biết của những ai cầm quyền trong giáo hội.
Điều này không phải chỉ là sự nhìn nhận chính đáng rằng tổ chức tương đối nhỏ là hội TTH không mở đường cho việc chống đối đức Chúa hoặc có liên hệ với sự Ác như giáo hội đã tin, mà là người giúp đỡ thực tiễn, và còn  có thể là người cứu vớt, cho Thiên Chúa giáo, và nó chỉ cố công làm công việc mà đức Jesus, giống như đức Phật, và những vị 'con của chúa Trời' khác, hiện hữu trước ngài, đã truyền cho mọi tín đồ làm nhưng các giáo hội vì nặng tính giáo điều, hoàn toàn không sao đạt đuợc.
Vị tổng giám mục giữ yên lặng không trả lời, còn thư độc giả gửi về Lucifer cho thấy bài được chấp thuận rộng rãi. Tạp chí cho phát hành thêm 15.000 bài bình luận này như là một thách đố thêm cho giáo hội để cải tổ.
...
Cũng trên tờ Lucifer từ tháng 11–1887 có đăng bài ba kỳ với tựa 'The Esoteric Character of the Gospels – Tính cách Bí truyền của Thánh Kinh'. Bài là nguyên do khiến ai hiểu lời dạy của đức Jesus theo sát nghĩa đen chống đối Theosophy thêm.
HPB vạch ra rằng năm sách trong kinh tân ước (sách thánh Mark, John, Luke v.v.) tự chúng tiết lộ là đức Jesus dạy cho đệ tử của ngài triết lý bí truyền:
– Các con được cho biết sự bí ẩn của cõi Trời, nhưng ai ở ngoài thì dụ ngôn được dùng để nói về những chuyện ấy. (Mark 4:11).
– Và khi chỉ có thầy trò với nhau, đức Jesus giảng giải mọi điều cho đệ tử của ngài trong khi với người khác ngài không nói mà không dùng dụ ngôn. (Mark 4:33–34). Trong kinh thánh ta có nhiều dụ ngôn, nhưng ai hiểu được ý nghĩa bên trong của chúng ?
Bà Blavatsky nói rằng ý nghĩa bí truyền được phái Thông Giáo (Gnostics) của Thiên Chúa giáo gìn giữ và giảng dạy, chính họ thì được các đệ tử của đức Jesus truyền dạy. Ta có thể tưởng tượng lời tuyên bố như thế sẽ gây chấn động cho giới Thiên Chúa giáo chính thống ra sao vào thời của bà; vì họ được dạy rằng phái Thông giáo là nhóm rối đạo nguy hiểm, nẩy sinh trong giáo hội Công giáo vào thế kỷ thứ hai.
Trải qua nhiều thế kỷ, những giáo sĩ tiên khởi của giáo hội đã cho hủy hoại mỗi một văn bản nào có thể tìm ra được của Thông Giáo. Ai theo Thông giáo thường bị kêu án tử hình, và tất cả những gì người ta có thể biết về chi phái này là từ tài liệu bị bẻ cong của những tác giả Thiên Chúa giáo. Chính tên Thông Giáo thì có nghĩa hư hỏng đối với các thế hệ sau.
Những sử gia vô tư như Gibbon nghĩ cách khác. HPB trích lời ông nói rằng người Thông giáo là :
– Người thông thái nhất trong các tín đồ Thiên Chúa giáo, và họ không chịu chỉ thuần là người tin tưởng mà thôi. Cũng như họ không bằng lòng với việc chỉ học hỏi, mà muốn có kinh nghiệm trực tiếp, có tính cá nhân với sự hiểu biết (Gnostics). Tên này bắt nguồn từ chữ Hy Lap có nghĩa 'hiểu biết'.
Nhiều tài liệu cổ về Thông giáo được khám phá từ sau thế chiến II tại Ai Cập, trước đó HPB đã có nhận xét:
– Một trong những sự kiện ngạc nhiên nhất mà chúng tôi quan sát thấy được là việc cho rằng ai nghiên cứu sâu xa không nên xem việc khám phá không ngờ và gần như là phép lạ, hay xẩy ra của những văn kiện quan trọng vào lúc thích hợp nhất, với sự xếp đặt tiền định. Nếu ai gìn giữ hiểu biết cổ thời thấy rằng giờ phút thuận tiện đã đến, và khiến cho tài liệu, sách vở, hoặc cổ vật rơi vào tay đúng người như chuyện tình cờ, thì có phải là chuyện lạ lùng không ?

 

Bộ The Secret Doctrine - Triết Lý Bí Truyền

Cuốn 1 của bộ The Secret Doctrine được phát hành vào tháng 10-1888, và cuốn 2 vào tháng giêng năm sau. Đề tựa bên dưới tên sách ghi 'Tổng hợp của Khoa học, Tôn giáo và Triết lý'. Cuốn 1 tên 'Cosmogenesis – Vũ trụ Khai nguyên', mô tả cách những thế giới phát sinh, hay đúng hơn là tái sinh sau giai đoạn ngơi nghỉ, và cách mà bầu riêng biệt của chúng ta cùng những loài thấp tiến hóa đến lúc hình người được phát triển.
Cuốn 2 có tên 'Anthropogenesis – Nhân loại Khai nguyên' bàn về sự tiến hóa hơn nữa của hình thể ấy, việc trí tuệ được khơi dậy do sự đầu thai của linh hồn người từ những thế giới trước; sự tiến hóa sau đó của những giống dân ban đầu cho tới ngày nay, và sự phát triển tương lai dự phóng cho các giống dân này nếu thiên cơ nguyên thủy được thực hiện.
Trong phần mở đầu của bộ The Secret Doctrine, HPB đặt ra ba định đề căn bản là nền tảng của trọn bộ sách:
a. Có một Nguyên Lý toàn hiện, vĩnh cửu, vô hạn và không thể biến đổi, bất khả tư nghì, vì nó vượt ra khỏi năng lực nghĩ bàn của nhân loại, và chỉ có thể bị suy giảm do biểu lộ hay bắt chước của con người  ... Để làm cho những ý tưởng này rõ nghĩa hơn với độc giả trung bình, họ hãy khởi đầu với định đề rằng có một Thực Tại tuyệt đối có trước hết mọi thực thể biểu lộ và bị chi phối. Căn Nguyên vô tận và vĩnh cửu này ... là gốc rễ không gốc rễ của mọi vật đã, đang và sẽ là ...
b. Sự Vĩnh cửu của vũ trụ nói chung ... Khẳng định thứ hai của bộ The Secret Doctrine là luật chu kỳ có tính phổ quát truyệt đối, có tới có lui, có lên có xuống như khoa học vật chất đã quan sát và ghi nhận trong mọi ngành của thiên nhiên. Sự thay đổi nối tiếp nhau của Ngày và Đêm, Sống và Chết, Ngủ và Thức, là một sự kiện rất thông thường, thấy ở khắp nơi và không có ngoại lệ, nên ta dễ thấy ra một trong những luật căn bản của vũ trụ trong đó.
c. Sự đồng nhất căn bản của mọi linh hồn với Đại Hồn, điều sau tự nó là một mặt của Căn nguyên bất tri; và hành trình bắt buộc cho mỗi linh hồn – là điểm linh quang của Đại Hồn – qua vòng tái sinh theo luật chu kỳ và nhân quả trong suốt cuộc tiến hóa. Nói khác đi, không linh hồn thiêng liêng nào có thể có sự hiện hữu (có ý thức) độc lập trước khi điểm linh quang này phát ra từ Đại Hồn, đã:
1. Trải qua hết mọi hình thái sơ đẳng của thế giới hiện tượng ... và
2. Có được cá thể riêng rẽ, trước hết do động lực tự nhiên và rồi do sự tự thúc đẩy, tự cố gắng (do Karma của nó kiểm soát), nhờ vậy tiến lên qua mọi mức thông minh, từ cái trí thấp nhất đến Manas cao nhất, từ kim thạch và cây cỏ tới đại thiên thần thiêng liêng (Dhyani Buddha). Triết thuyết cốt lõi của triết lý bí truyền không nhìn nhận có ân huệ hay năng khiếu đặc biệt nào trong người, ngoại trừ điều gì họ có được do nỗ lực riêng và công trạng trong suốt chuỗi dài tái sinh ...
Ấy là ý niệm căn bản trên đó The Secret Doctrine được dựng nên ... Một khi độc giả có được hiểu biết chúng rõ ràng, và ý thức ánh sáng mà chúng tuôn rải đến mọi vấn đề của sự sống, họ sẽ không cần minh chứng gì thêm, vì sự thực ấy đối với họ rõ ràng như vầng thái dương ở cõi trời.
Ý niệm nhân quả và tái sinh được ghi trong định đề thứ ba, và nơi khác trong sách có ghi thêm:
- Chỉ ai tin luật tái sinh và ai tin vào Karma mới mơ hồ cảm nhận rằng trọn bí ẩn của Sự Sống nằm trong loạt biểu hiện không đứt đoạn của nó ... Ai tin vào Karma phải tin vào định mạng, là từ khi chào đời tới lúc lâm chung, mỗi người dệt sợi chỉ này rồi kia quanh họ, như con nhện chăng tơ ...
Luật này, dù ý thức hay không ý thức, không tiền định điều chi hay một ai ... Karma không tạo điều chi cũng như không xếp đặt gì. Chính con người là kẻ sắp đặt và tạo ra nguyên nhân, và luật Nhân Quả điều chỉnh hệ quả; sự điều chỉnh này không phải là hành động mà là sự hòa hợp trong vũ trụ, luôn có khuynh hướng trở lại vị trí ban đầu của nó, tựa như cành cây khi bị ép chúc xuống quá sẽ bung trở lên với sức mạnh tương ứng. Nếu nó khiến cho cánh tay cố sức bẻ cong nhánh khỏi vị trí tự nhiên của nó, ta có nói rằng nhánh cây làm gẫy tay chăng, hay sự điên rồ của mình đã làm cho ta khổ sở ?
Karma không hề tìm cách phá hoại sự tự do trí tuệ và cá nhân ... Nó không che dấu luật lệ của nó nhằm làm người hoang mang, hoặc sẽ trừng phạt ai dám tìm hiểu bí ẩn của nó. Ngược lại, ai trình bầy sự kiện nhờ học hỏi và thâm cứu đường lối phức tạp của nó, và làm sáng tỏ những cách thức ít được biết tới, theo dó biết bao người bị hại vì vô minh đối với những mê lô' của cuộc sống, là nỗ lực cho lợi ích của đồng loại mình.
Ai tin vào karma không thể được xem như là người vô thần hoặc theo chủ nghĩa duy vật, và càng không phải là người tin vào thuyết định mạng ...
 Karma ... là triết thuyết giải thích nguồn gốc của điều Ác, và làm cao cả ý niệm của chúng ta về công lý thiêng liêng không thay đổi phải như thế nào, thay vì hạ giá trị Thần thánh không ai biết và không thể biết được mà ta gọi là bạo chúa nhẫn tâm, lắt léo, là đấng quan phòng.
Nhà huyền bí học hay triết gia sẽ không nói về điều thiện hay ác của Trời, mà, do đồng hóa nó với Karma-Nemesis, họ sẽ dạy rằng cho dù thế, nó gìn giữ điều thiện và canh giữ con người trong kiếp này cũng như trong những kiếp tương lai; và nó trừng phạt kẻ ác trong những lần tái sinh về sau không sai chạy, bao lâu mà việc họ làm xáo trộn dù chỉ hạt nguyên tử nhỏ nhất trong thế giới vô hạn của sự điều hòa, chưa được chót hết làm cân bằng.
Bởi chỉ có luật karma – luật vĩnh cửu và bất biến – là sự hòa hợp tuyệt đối trong thế giới vật chất cũng như trong thế giời tinh thần. Do đó, không phải Karma trừng phạt hay ban thưởng mà đó là chúng ta thưởng phạt chính mình tùy theo ta làm việc với, xuyên qua và theo thiên nhiên, tuân theo những luật mà sự Hòa Điệu tác động, hay vi phạm chúng.
(Liên kết với cách làm việc của karma) là những hình ảnh vô hình của cõi trung giới, 'kho hình ảnh của vô tận' ghi lại trung thực mọi hành vi và luôn cả tư tưởng của người ... Như đã nói trong quyển 'Isis', màn ảnh thiêng liêng và vô hình này là Sinh Thư ... Ký Vĩnh Cửu không phải là mộng mơ viễn vông, vì chúng ta có việc sao chép y vậy trong thế giới vật chất trọng trược. Tiến sĩ Draper ghi rằng 'Không hình bóng nào in lên tường mà không do đó lưu lại dấu vết vĩnh viễn có thể làm thấy rõ khi dùng đúng cách thức. Trên tường trong nhà riêng tư nhất của chúng ta, nơi mà ta nghĩ là ngăn chặn được hết mọi sự dòm ngó, và hành vi của ta không thể nào bị lộ liễu, có dấu vết của hành động của ta, hình bóng của bất cứ gì ta đã làm.' Trong sách Principles of Science, vol. II, t. 455, hai tác giả Jevons và Babbage tin rằng mỗi tư tưởng làm chuyển vị những phần tử của não, khiến chúng chuyển động, rải chúng cùng khắp trong vũ trụ, và mỗi hạt của vật chất đang hiện hữu phải là sổ lưu trữ của mọi điều gì đã xẩy ra.
Thế nên, HPB viết:
Triết thuyết cổ xưa đã bắt đầu có quyền công dân trong việc suy xét của thế giới khoa học.
Một luật động lực học huyền bí nói rằng 'một lượng năng lực định rõ được sử dụng ở cõi tinh thần hay trung giới, cho ra kết quả lớn lao hơn là cùng lượng ấy tác động ở cõi trần'. Như thế, việc chặn đứng chỉ một nguyên nhân xấu sẽ chặn đứng không chỉ có một, mà hàng loạt nhiều ảnh hưởng xấu. Và nếu một một Đoàn thể hoặc ngay cả nhiều Đoàn thể trong tương lai không thể ngăn chặn các quốc gia đôi khi xâu xé nhau – mà vẫn kết hợp trong tư tưởng và hành động, và nghiên cứu triết lý về bí ẩn của sự sống, sẽ luôn luôn ngăn chặn được vài người ... không tạo thêm duyên cớ trong thế giới có đầy sự khổ và sự ác ... Tình trạng này sẽ kéo dài ... cho đến khi ta khởi sự hành động từ bên trong thay vì luôn làm theo khích động từ bên ngoài ... Sự kết hợp giữa phần con người là phản ảnh hữu hoại và cái Ngã thiêng liêng bên trong càng mật thiết chừng nào,  những điều kiện bên ngoài và những kiếp tái sinh về sau càng bớt hiểm nguy chừng ấy.
Vậy thì luật tái sinh có liên hệ mật thiết, hoặc đúng hơn là không thể tách rời với luật karma, hay với việc tái sinh của cùng cá nhân tinh thần trong chuỗi dài gần như là bất tận của nhiều cá tính. Cái sau là như trang phục và các vai do cùng một diễn viên đóng, và diễn viên đồng hóa mình với mỗi trang phục và vai cũng như khán giả đồng hóa họ y vậy, trong vài giờ đồng hồ. Con người bên trong, hay con người thật, kẻ tạo cá tính cho những vai này, trong suốt lúc đó biết rằng mình là Hamlet trong khoảng ngắn ngủi của vài màn, mà trong cõi ảo ảnh của người là cho trọn kiếp của Hamlet. Và anh biết đêm trước mình là Vua Lear, và đêm trước nữa họ biến đổi thành vai Othello; tuy vậy nhân vật hữu hình (trên sân khấu) thì được giả dụ là không biết về việc này.
Điều không may là trong cuộc sống thực sự, vô minh ấy lại hết sức thật. Dầu vậy, con người vĩnh cửu ý thức trọn vẹn sự kiện, tuy rằng do con mắt 'tinh thần' trong xác thân vật chất bị thui chột, hiểu biết ấy không thể gây ấn tượng cho tâm thức của phàm ngã về nó ... và tuy não bộ hồng trần có thể quên nhiều chuyện trong một kiếp ở cõi trần; cái khối ký ức chung không bao giờ lãng quên linh hồn thiêng liêng bên trong chúng ta. Lời thì thầm của nó có thể quá êm nhẹ, âm những chữ của nó có thể quá xa xôi làm ngũ quan của thân xác không ghi nhận được, nhưng bóng dáng của chuyện đã qua, cũng như của chuyện sẽ tới, nằm trong khả năng cảm nhận của nó, và luôn hiển hiện trước con mắt tâm linh của nó ...
Trong định đề thứ hai của bộ The Secret Doctrine, nó ghi rằng linh hồn bất tử bên trong chúng ta sẽ nhập vào Đại Hồn vào cuối chu kỳ. Triết lý đông phương nói về điều này như là việc nhập niết bàn và sinh ra thắc mắc từ xưa là phải chăng điều ấy muốn nói sự tiêu tán cá nhân. Các nhà đông phương học của tây phương tin như vậy còn The Secret Doctrine trả lời:
- Tin rằng Niết Bàn là sự tiêu tán thì cũng giống như nói rằng người ta rơi vào giấc ngủ say không mộng mơ ... rằng họ cũng bị tiêu tán ... Hòa nhập không hề có có nghĩa là 'giấc ngủ không mộng mơ' mà ngược lại đó là sự hiện hữu tuyệt đối, sự hòa nhập vô điều kiện, hay là trạng thái mà ngôn ngữ con người mô tả vô cùng thiếu sót không mong sao làm được ... Trí người ở giai đoạn phát triển này không thể ... đạt tới cõi này của tư tưởng. Nó loạng choạng ở đó, bên bờ Tuyệt đối và Vĩnh Cửu không thể hiểu được ...
Cũng như cá tính ... không mất biệt vì được nhập vào trở lại. Vì, cho dù vô biên như thế nào theo quan điểm con người, trạng thái đại niết bàn paranirvana cũng vẫn có giới hạn trong Vĩnh Cửu. Một khi đạt tới đó, cũng chân thần ấy sẽ từ đó tái hiện như là thực thể cao hơn nữa, ở một cõi cao hơn, để tái khởi đầu chu kỳ sinh hoạt đã toàn hảo...
Trong mỗi chúng ta sợi chỉ vàng của sự sống liên tục có tên Sutratma, sợi chỉ lấp lánh của chân thần bất tử, vô tư, trên đó trọn những kiếp sống dưới trần của ta treo dọc như chuỗi hạt, theo lời mô tả đẹp đẽ của triết lý Veda.
HPB nói rõ rằng ngay cả khi chân thần con người hòa tan vào Đại Hồn ở cõi niết bàn, cá tính không hoàn toàn bị hấp thu. Bà giải thích về niết bàn như sau:
- Khi ấy mỗi vật trở thành chung là một, mọi cá tính được hòa vào làm một, nhưng mỗi cái đều biết chính nó.
Và nơi khác trong bộ The Secret Doctrine ghi:
- Trước hay sau, tất cả những gì hiện nay có vẻ như hiện hữu, sẽ ... thực sự ở trong trạng thái đại niết bàn, nhưng có sự khác biệt lớn lao giữa thực thể ý thức và vô thức. Trạng thái đại niết bàn mà không có tâm thức của cái Ngã thì không phải phúc lạc mà giản dị chỉ là tiêu tan (trong bẩy lần Vĩnh Cửu).
Có nghĩa quả cầu bằng sắt đặt dưới ánh nắng gắt của mặt trời sẽ hóa nóng cùng khắp, nhưng không cảm thấy hay quí chuộng sự ấm áp, trong khi một con người sẽ cảm xúc như vậy. Chỉ với cái trí trong trẻo và không bị cái ngã làm đen tối, và sự đồng hóa công trạng của bao kiếp sống dâng hiến cho việc trở thành là một với tập thể là trọn thế giới sinh động, mà con người bỏ được sự hiện hữu cá nhân, và hòa tan vào, trở thành là một với Tuyệt đối, và tiếp tục có sở hữu trọn vẹn ngã thức.
Nếu hệ quả của những kiếp qua không được bảo tồn thì mỗi vũ trụ khi tái sinh sẽ phải làm từ đầu không có kinh nghiệm nào để sử dụng. Ở nơi khác HPB nói rằng khi những linh hồn cao cả nhận chứng đạo (initiation) cuối cùng, mỗi chân nhân phải nhớ hết mọi lần tái sinh của mình. Nó thấy chuỗi những kiếp qua của mình nhờ một luồng sáng thiêng liêng. Nó thấy trọn hết nhân loại là một ngay tức khắc, mà cũng luôn luôn còn, như đã có khi trước một tia sáng luôn luôn là cái 'Tôi'.
Trong một thí nghiệm sinh học đáng chú ý, nó được chứng tỏ cho thấy điều ta vừa nói ở trên có thể thực sự là vậy. Một bài trong tạp chí The New Scientist (11 Nov 1982) thảo luận thí nghiệm của tiến sĩ David Bohm như sau:
Một bình chế theo kiểu đặc biệt có trụ quay bên trong, giữa ống trụ và thành thủy tinh của bình là một khoảng hẹp chứa glycerine. Trụ quay có tay quay ở trên đầu bình, và người ta nhỏ vài giọt mực từ bên trên vào glycerine bên dưới. Khi quay tay quay làm ống trụ chuyển động, người ta thấy mực đậm mầu bắt đầu bị trộn vào glycerine nhớt lạt mầu hơn và loãng dần tới mức gần như không còn gì. Rồi khi tay quay cho quay ngược thì làm như có phép lạ, giọt mực đầu tiên tái hiện, nó được gỡ ra trở lại từ glycerine, tái tạo mình và thành liền lạc như ban đầu. Khi nhỏ nhiều giọt mực liên tiếp vào glycerine, ta cũng thấy kết quả y hệt; mỗi giọt mực tái hiên khi tay quay quay ngược trở lại.
Tiến sĩ Bohm nay tin rằng hình thể hóa giải chính mình tương tự vậy từ vũ trụ như là một khối, và rồi hòa vào trở lại chỉ để tái hiện lần nữa, cứ liên tục như thế mãi không ngưng ... Nó hàm ý việc chúng ta 'biến mất' không nhất thiết có nghĩa đó là chung cuộc cho ta.
Quan niệm như vậy về sự tiến hoá của con người có lẽ còn mang nhiều ý khác khi nối kết với tư tưởng là những thực thể hữu thức từ các thế giới trước trở lại mang theo hiểu biết thụ đắc từ những thế giới ấy. Nếu đúng, điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn khái niệm về cuộc tiến hóa trong sách vở, điều nói rằng nhân loại đầu tiên chỉ là người ăn lông ở lỗ không cao hơn thú vật là mấy. Có lẽ quan điểm theo TTH sẽ dễ hiểu hơn bằng cách loại suy như sau. Trường học do thầy cô bắt đầu mà không phải do học sinh; và gia đình khởi sự bằng cha mẹ thay vì các con, cái khuôn mẫu này áp dụng cho trọn gia đình nhân loại như là một khối. Ai tái sinh đầu tiên trong các thế giới trước là người cao cả nhất và khôn ngoan nhất.

(còn tiếp)