THƯ CHO ÔNG SINNETT

Thư Gửi ông Sinnett  (tt)

 

Thư 12 nhận ngày 10-12-1880 cần được đọc chung với thư 117 nhận tháng 12-1883 vì một lý do lạ lùng. Gia đình ông Sinnett về Anh thăm nhà năm 1881; trước khi rời Ấn, ông được đức K.H. cho hay là có thể dùng bất cứ điều chi ông muốn trong các thư liên lạc cho sách mà ông muốn viết; ngài hoàn toàn tin tưởng vào óc xét đoán và sự kín đáo của ông. Vì vậy, ông Sinnett trích một đoạn dài trong thư 12 cho vào sách. Trong thời gian lưu lại Anh, quyển The Occult World của ông được xuất bản vào mùa hè 1881.
Sau khi sách phát hành, có một người Hoa Kỳ theo thông linh học (Spiritualism) tên Henry Kiddle đọc thấy trong sách có bài nói chuyện tại buổi họp của nhóm Thông Linh Học ở tiểu bang New York. Ông cho là đoạn trích này lấy từ ý tưởng bài đọc của ông ở buổi họp nên trước tiên, ông viết thư cho ông Sinnett  gửi về nhà xuất bản sách – theo lời ông. Ông Sinnett về sau nói là không nhận được thư. Sau đó năm 1883 ông Kiddle viết cho tạp chí về thông linh học,  ghi rằng đoạn in trong quyển The Occult World lấy nguyên văn từ bài nói chuyện của ông. Lúc này gia đình ông Sinnett đã trở về Anh ngụ luôn tại đây. Ông Sinnett lập tức trả lời thư ông Kiddle, và thư 117 giải thích cớ sự dẫn đến chuyện được gọi là 'vụ Kiddle'.
Ta bắt đầu trước với thư 12, đức K.H. giải thích việc viết thư theo cách huyền bí.
– Tự nhiên là tôi phải đọc hết mỗi chữ bạn viết, bằng không tôi sẽ hiểu lộn xộn; và đọc bằng mắt phàm hay mắt tâm linh thì cũng chiếm thì giờ như nhau. Nói về các thư trả lời của tôi, dù tôi 'kết tụ - precipitate' hoặc đọc cho người khác viết, hoặc tự mình viết ra, thì thời gian dài ngắn hơn nhau rất ít. Tôi phải suy nghĩ kỹ càng về thư, chụp hình từng chữ và câu cẩn thận trong đầu trước khi có thể lập lại chúng do kết tụ. Giống như việc chụp hình bằng máy cần ngắm trước để chụp rõ, bằng không như hay thấy trong hình chụp dở là mất chân hay mất đầu v.v., chúng tôi trước tiên phải xếp đặt các câu, và tạo ấn tượng cho mỗi chữ hiện trên giấy trong trí chúng tôi, trước khi nó thành hình rõ ràng để đọc.
Vào lúc này thì đó là tất cả những gì tôi có thể cho bạn hay. Khi khoa học biết nhiều hơn về bí ẩn của chất lithophyl, và cách mà lá cây in hình lên đá thì khi ấy tôi có thể làm bạn hiểu rõ hơn tiến trình. Nhưng bạn phải biết và nhớ một điều: chúng tôi chỉ làm theo và bắt chước y hệt thiên nhiên trong việc làm của nó.
Đoạn kế của thư cho chi tiết thú vị, ông Sinnett là chủ bút tờ Pioneer nhưng ông không thể toàn quyền quyết định mọi chuyện, vì trên ông còn có chủ báo. Đức K.H. cho hay là tương tự vậy, ngài cũng không được tự do mọi mặt mà cần phải hỏi ý thượng cấp, (có một điều ít được nói tới nhưng nó là thực tại, bậc Chân sư vừa là thầy vừa là trò. Các ngài là thầy đối với chúng ta, tuy nhiên tất cả các Chân sư là học trò đức Di Lặc hay đức Chúa, và riêng trong chuyện ở đây, đức Mahachohan là thượng cấp của đức K.H.). 
Vậy thì thư cho hay thượng cấp của ngài không muốn có việc dạy huyền bí học cho cá nhân riêng rẽ. Đức K.H. được phép trao đổi thư từ với ông Sinnett, và thỉnh thoảng cho ông chứng cớ về sự hiện hữu và hiện diện của ngài. Còn dạy ông là chuyện khác hẳn. Một câu trong thư nhắc lại mục đích chính khi thành lập Hội, nó không liên quan chi đến huyền bí học hay phép lạ mà nhiều hội viên và nhất là hai ông Sinnett và Hume lưu tâm, nhưng là điều khác hẳn:
–Các Vị Lãnh Đạo muốn có một 'Tổ chức Huynh đệ giữa Nhân loại' thì một Tổ chức Huynh đệ thật sự khởi thành lập. Nó phải là một Tổ chức được cả thế giới biết tới và làm những tâm hồn cao thượng nhất chú ý đến.
Nay sang chuyện tranh cãi là một phần trong thư 12 bị xem là đạo văn, thư 117 giải thích:
– Bức thư 12 được tôi sắp xếp trong một chuyến đi và trên lưng ngựa. Thư được đọc trong trí cho một đệ tử trẻ, chưa thông thạo khoa hóa học tâm linh, để kết tụ; anh cũng phải viết lại thư từ bản không rõ. Vì vậy, phân nửa thư bị bỏ quên và nửa kia bị 'nhà nghệ sĩ' đảo lộn ít nhiều. Khi anh hỏi tôi lúc ấy là có muốn coi lại để sửa thì tôi đáp, phải thú nhận là không cẩn thận:
– Sao cũng được con à, có sót vài chữ thì cũng không quan hệ.
Tôi hết sức mệt mỏi về thân xác vì đi ngựa không ngừng nghỉ 48 giờ liền, và thân xác cũng nửa thiu ngủ. Ngoài ra tôi còn có chuyện hết sức quan trọng phải lo về mặt tâm linh nên người không còn mấy phần để chú tâm đến lá thư. Tôi chắc vì vậy mà lá thư bị hư. Khi tỉnh dậy tôi thấy thư đã gửi đi, và bởi khi đó tôi không nghĩ là thư sẽ được xuất bản, từ khi ấy tôi không hề nghĩ đến thư nữa.
Nào, tôi không biết gì về ông Kiddle, không biết tên ông. Do sự trao đổi thư từ giữa chúng ta ... khoảng hai tháng trước tôi để ý tới cuộc cắm trại lớn hàng năm của các nhà thông linh học Hoa Kỳ (spiritualism) ở hồ hay núi Pleasant. Vài ý tưởng và câu lạ lùng về hy vọng chung và ước vọng của họ để lại ấn tượng trong ký ức tôi, và tôi chỉ nhớ các ý tưởng cùng những câu rời rạc tách ra hẳn với cá tính của ai nghĩ hoặc nói lên chúng.
Do đó, tôi hoàn toàn không biết gì về diễn giả, người mà có vẻ như tôi vô tình lấy cắp của họ và nay lên tiếng kêu ca. Tuy nhiên, nếu tôi đọc cho viết thư có nội dung y hệt như nay đã in thành sách thì thật đáng nghi ngờ, và bởi không có dấu ngoặc trích câu ta có cớ để trách móc. Nhưng ấy không phải là điều tôi làm, như hình tư tưởng khởi đầu nay có trước mặt tôi cho thấy rõ ràng như vậy. Trước khi đi xa hơn, tôi phải giải thích cho bạn một chút về cách kết tụ này.
Có hai yếu tố cần để truyền tư tưởng từ trí này sang trí kia lập tức và tuyệt hảo – là việc tập trung tư tưởng của cái trí truyền đi, và sự thụ động tiếp nhận hoàn toàn của cái trí 'đọc'. Khi một trong hai điều kiện có xáo trộn, kết quả sẽ tùy theo đó mà thành bất toàn. Người 'đọc' không thấy hình ảnh như trong não bộ của người 'gửi' mà như là hiện ra trong trí họ. Khi tư tưởng người gửi bay vẩn vơ, dòng tâm linh bị cắt đứt, việc truyền tư tưởng bị gián đoạn và không còn mạch lạc.
Trong trường hợp của tôi, chela (đệ tử) phải bắt lấy điều gì có thể bắt được từ dòng tư tưởng mà tôi gửi cho anh, và như nói ở trên, chắp nối các mẫu vỡ vụn lại với nhau trong vòng khả năng của mình. Không phải bạn quan sát thấy cùng hiện tượng trong việc thôi miên thông thường hay sao – màn maya (ảo ảnh) do người thôi miên tạo ấn tượng lên trí tưởng tượng của người bị thôi miên có lúc mạnh lúc yếu, khi người đầu giữ cho hình ảnh ít nhiều nằm trong trí mình ?
Và người có thông nhãn hay trách cứ là người gửi tư tưởng để trí mình lan man không tập trung vào chuyện đã định ? Và ai chữa bệnh bằng nhân điện luôn luôn đoan chắc với bạn rằng nếu họ nghĩ đến chuyện khác thay vì vào dòng từ lực họ đang tuôn vào bệnh nhân, lập tức họ phải tái lập đường lực hoặc chấm dứt việc trị bệnh ? Vậy trong trường hợp này, vào lúc ấy tôi có trong trí mình nhận xét về tư tưởng của thông linh học hiện thời mà bài nói chuyện ở hồ Pleasant cho hình ảnh rõ nhất, nên đã vô tình truyền đi ký ức đó sống động hơn nhận xét và suy diễn của tôi về bài.
Thành ra, câu nói của 'nạn nhân', ông Kiddle, trở thành điểm chính và hiện ra sắc sảo hơn (đầu tiên trong não của chela và rồi trên giấy trước mặt anh, là tiến trình song đôi và khó hơn việc chỉ đọc tư tưởng mà thôi) còn những đoạn khác như nhận xét và biện luận của tôi về chúng thì đọc không rõ và rất nhòe trên tờ đầu tiên, như bây giờ tôi khám phá ra.
Hãy đặt tay người nhận tư tưởng lên tờ giấy trắng, bảo họ nó có một trang của cuốn sách mà bạn đã đọc, tập trung tư tưởng của bạn vào những chữ và bạn sẽ thấy việc nhận tư tưởng của họ sẽ phản ảnh việc chính bạn nhớ lại rõ ràng nhiều hay ít chữ của tác giả, nhưng với điều kiện là họ chưa đọc đoạn sách này và chỉ lấy nó từ ký ức của bạn.
Chuyện cũng y vậy khi chela kết tụ tư tưởng truyền tới họ lên giấy (hay đúng hơn là vào giấy); nếu hình nhận được trong trí mờ nhạt thì việc in hình vào giấy phải tương ứng với nó. Họ càng chú tâm vào việc chừng nào thì sự tương ứng càng nhiều chừng ấy. Chela –  nếu chỉ là người có khả năng đồng cốt trung gian – được vị Thầy dùng như là máy in tâm linh, tạo ra hình in lại ấn tượng của điều nằm trong trí người điều khiển máy:
– Hệ thần kinh của chela = máy in
– Hào quang (tức sinh lực prana bao quanh dây thần kinh) dây thần kinh = mực
– Mầu = lấy từ Akasha kho mầu sắc vô tận như mọi việc khác.
Nhưng người đồng và người chela đối chọi nhau khác hẳn, vì người sau làm trung gian mà tỉnh thức, trừ một số trường hợp đặc biệt trong lúc huấn luyện không cần bàn ở đây.
Thế thì, ngay vừa khi nghe lời cáo buộc – sự chộn rộn của những ai bênh vực tôi đã vượt qua tuyết giá muôn thuở bay đến chỗ của tôi – tôi xem lại tờ đầu tiên ghi lại ấn tượng. Vừa thoạt nhìn tôi thấy ngay chính mình là người duy nhất có lỗi, đệ tử đáng thương chỉ làm điều anh được dặn. Nay tái tạo chữ và câu – bị bỏ quên và mờ nhạt không đọc ra ngoại trừ người đầu tiên tạo ra chúng – theo đúng mầu sắc và chỗ ban đầu của chúng, bây giờ tôi thấy là thư của tôi đọc khác hẳn, như bạn sẽ thấy.
... Trong sách của bạn The Occult World (trang 149 ấn bản thứ nhất) khi đọc kỹ tôi thấy có khác biệt lớn lao giữa các câu. Không có liền lạc giữa ý tưởng của phần 1 (hàng 1 đến 25) và phần 2 là đoạn bị xem là đạo văn. Làm như giữa hai phần không có liên kết nào. Tôi e ngại là tình thân của bạn đối với tôi là điều duy nhất khiến ngay cả tới bây giờ, bạn không nhận ra sự khác biệt, việc ý tưởng thiếu liền lạc trong đoạn 'kết tụ' sai lầm này. Bằng không bạn chẳng thể nào không nhận ra là có gì đó không ổn trong trang ấy, có thiếu sót đáng nói giữa hai phần.
Hơn thế nữa, tôi phải nhận thêm một lỗi khác, tôi không hề đọc thư của mình in trong sách cho tới khi bắt buộc phải xem lại. Tôi chỉ đọc bài viết sơ thảo của bạn, tự nghĩ xem lại những đoạn vội vã và  tư tưởng đó đây của mình chỉ mất giờ. Nhưng nay, tôi phải xin bạn đọc lại phần ban đầu mà tôi đọc cho viết, và so sánh với đoạn trong sách The Occult World trước mặt bạn.
Tôi viết tay đoạn ban đầu  này, còn thư của tôi mà bạn nhận được là do chela viết. Tôi cũng xin bạn so sánh bản viết tay với những thư đầu tiên bạn nhận được của tôi. Xin nhớ lại là HPB mạnh mẽ bác bỏ ở Simla ý nói rằng thư đầu tiên của tôi là do tôi viết. Khi ấy tôi bực mình vì lời này của bà nhưng nay nó có thể có ích. Thật, không phải tất cả chúng tôi là 'thần thánh' ... tôi rất còn xa việc có toàn tri và toàn thông trên trái đất này, chỉ những vị CHOHAN cao cả nhất mới được như vậy.
Phần kế trong thư là đoạn văn nguyên thủy mà đức K.H. đọc cho viết. Ngài ghi tiếp:
– Nay ... những câu mà chela viết đa số là câu bị xem là đạo văn, còn phần kia là những câu cho thấy đoạn văn chỉ là sự hồi tưởng mà không phải là câu trích – điểm chính mà sự suy nghĩ của tôi tụ quanh đó trong sáng hôm ấy ... Nó là lần đầu tiên trong đời tôi chú ý nhiều vào ... cái gọi là thuật hùng biện 'gợi hứng' của diễn giả người Anh và Hoa Kỳ, phẩm chất và giới hạn của nó. Tôi thấy lạ lùng về lời dài dòng hoa mỹ mà rỗng không ... Thuyết duy vật thô bạo không hay ho của họ, che dấu dưới tấm màn ra vẻ tinh thần làm tôi để ý tới nó trong một lúc. Trong lúc đọc cho viết những câu trích dẫn, chúng hiện ra rõ nhất còn nhận xét trong ngoặc của tôi thì biến mất khi kết tụ thư.

Thư 13 - nhận ngày 30-1-1881.

Ông Sinnett chú trọng vào hiện tượng và có vẻ như hỏi trong thư của ông để có được hiện tượng, nhưng đức K.H. trả lời cho thấy chính ngài bị bó buộc mà không phải tự do muốn làm gì thì làm theo ý riêng. Trên ngài còn có thượng cấp và ngài phải tuân lệnh Vị này:
– ... Bạn không bị đòi hỏi hoặc được mong chờ thay đổi lối sống của mình, nhưng cùng lúc bạn được khuyến cáo là không nên mong đợi quá nhiều như bạn đang mong đợi. Nếu đọc kỹ hẳn bạn phải để ý tới điều tôi ghi về sự tự do rất ít mà tôi có được để làm theo ý mình về chuyện này. Nhưng xin chớ nản lòng, tất cả chỉ là vấn đề về thời gian. Trái đất không thành hình chỉ giữa hai mùa mưa, bạn à ... Hãy kiên nhẫn, bạn thân mến, và tôi phải lập lại lần nữa – hãy là người cộng tác giúp đỡ nhưng trong lãnh vực riêng của mình, và theo phán đoán đúng nhất của bạn.
Từ khi ngài Khobilgan (đức Văn Minh) đáng kính ra lệnh theo tiên kiến sáng suốt của ngài rằng tôi không có quyền khuyến khích bạn bước vào con đường khó nhọc, chắc chắn bị bổn phận sẵn có và thiêng liêng nhất cản trở – thực sự là chúng ta phải chờ. Tôi biết động cơ của bạn chân thành và là điều thực, và bạn đã có thay đổi thật sự theo đúng hướng, tuy dường như đối với bạn không thấy có thay đổi. Và các vị thượng cấp cũng biết thế. Nhưng các ngài nói, động cơ tựa như hơi nước, mỏng manh như sương khói, và như cái sau chỉ có ích cho con người khi được biến thành hơi nước chạy máy hoặc thủy lực, giá trị thực tiễn của động cơ tốt lành chỉ thấy được tốt nhất khi nó biến sang hành động ... 'Phải, chúng ta sẽ đợi và xem', các ngài nói.
Và nay tôi đã cho bạn hay nhiều như tôi có quyền nói. Bạn đã giúp đỡ cho Hội không phải chỉ có một lần, cho dù bạn không màng tới nó và những hành động ấy đã có trong sổ sách. Không, chúng lại càng xứng đáng trong trường hợp của bạn hơn của bất cứ ai khác, như thấy qua những ý tưởng rõ ràng của bạn về tổ chức đáng thương này ... Nếu bạn có gì muốn nói hay hỏi câu gì, tốt hơn bạn nên viết cho tôi và tôi sẽ luôn luôn trả lời thư bạn, nhưng trong một thời gian xin đừng yêu cầu có phép lạ nào ...

 

Thư 14 A và 14 B, nhận trước ngày 20-2-1881.

Hai thư này cần đọc chung với nhau, thư 14A do Damodar viết theo lệnh của đức K.H., nói về cách thâu nhận hội viên, quan niệm về hội và về các Chân sư. Thư 14B là vài hàng của ngài xác nhận quan điểm của Damodar. Nói riêng về thư của anh, có hai điểm đáng chú ý vì nó vẫn còn ý nghĩa ngày nay tuy viết hơn 130 năm về trước:
–  ... Tôi nghĩ có tin tưởng chung rằng Hội chuyên chú về Huyền bí học. Theo tôi thấy điều này không đúng ... mà dựa trên nguyên tắc rộng rãi là Tình Huynh Đệ Đại Đồng.
Damodar bác bỏ một ngộ nhận trong thuở ban đầu của hội:
– ... chúng ta làm công chúng tin là Hội nằm dưới quyền điều khiển hoàn toàn của các vị Đạo sư, trong khi sự thật là trọn việc điều hành nằm trong tay hai vị sáng lập, và các vị Thầy của chúng tôi chỉ đưa ra lời khuyên trong trường hợp ngoại lệ hiếm hoi có tính khẩn nhất.

Thư 15, nhận ngày 20-2-1881.      

Thư bàn nhiều điều, ta chỉ đề cập tới vài điểm thú vị. Chân sư  bàn về việc không may là:
– ... cái trí tây phương thừa hưởng sự trọng trược cũng như là tự tạo nó cho mình. Tư tưởng hiện đại phát triển theo thuyết duy vật thực tiễn làm cho nó nay không thể hiểu hoặc chúng tôi không thể dùng ngôn ngữ tây phương để diễn tả bộ máy tinh tế của vũ trụ huyền bí. Người tây phương có thể tới một mức nào đó có được khả năng này bằng cách học tập và tham thiền nhưng chỉ có vậy. Đó là sự cản trở từ trước tới nay đã ngăn không cho chân lý TTH được chấp nhận rộng rãi hơn tại các nước tây phương, khiến các triết gia tây phương gạt bỏ Theosophia, cho rằng nó vô dụng, hoang đường.
Có một hố ngăn cách lớn giữa hiểu biết bí truyền và hiểu biết trên thế giới ngày nay:
– Làm sao tôi có thể chỉ cho bạn đọc và viết hoặc ngay cả việc hiểu một ngôn ngữ với mẫu tự sờ được hoặc chữ nghe được mà chưa được tạo ra ? Làm sao hiện tượng điện của khoa học ngày nay có thể được giải thích cho triết gia Hy Lạp thời xưa, nếu bây giờ họ đột nhiên sống lại, với khoảng cách không nối liền được giữa khám phá trong thời đại của họ và của ta ? Không phải những từ ngữ kỹ thuật trở thành âm vô nghĩa đối với họ ? ...
Và giả thử tôi mô tả cho bạn mầu sắc của những tia nằm ngoài quang phổ thấy được, những tia mà đại đa số người không thấy và chỉ một số rất ít người thấy được ngay cả trong hàng ngũ chúng tôi, làm sao bạn hiểu được tác dụng quang học của chúng hoặc ngay cả ý nghĩa của lời tôi ? Và bởi bạn không thấy được các tia ấy cũng như không biết chúng, không có tên đặt cho tia ... hẳn bạn sẽ nói ôn tồn, lịch sự theo cách của bạn ... là chỉ có bẩy mầu trong quang phổ ... Thế nhưng, sự thực là có những mầu ấy ...
Vậy bạn thấy rằng có những khó khăn không thể vượt qua để có được cái Tuyệt đối, mà luôn cả hiểu biết sơ đẳng về Khoa học Huyền bí, cho người ở vị trí của bạn. Làm sao bạn khiến những lực chỉ có thông minh nửa phần trong thiên nhiên hiểu được bạn, điều khiển chúng khi cách chúng liên lạc với ta thì không phải bằng lời mà bằng âm thanh và mầu sắc, do sự tương hợp giữa làn rung động của hai điều này. Vì âm thanh, ánh sáng và mầu sắc là những yếu tố chính tạo nên tinh linh, những thực thể mà bạn không có ý niệm gì về sự hiện hữu của chúng, cũng như bạn không được cho phép tin là có chúng. Người vô thần, người Thiên Chúa giáo, người duy vật, người thông linh học, ai cũng đưa ra biện luận của mình chống lại tin tưởng đó – khoa học lại còn phản đối mạnh hơn bất cứ ai đối với 'mê tín dị đoan làm hạ phẩm cách' !
Thế nên, vì họ không thể vụt một cái đạt tới đỉnh của Vô Tận, vì chúng ta không thể làm cho người bán khai giữa Phi châu hiểu được lập tức các định luật của Newton ... hoặc làm cho trẻ nhỏ chưa biết chữ viết được tập thơ mới Iliad bằng cổ ngữ Hy Lạp, hoặc họa sĩ thông thường vẽ cảnh trên Saturn, vì tất cả những điều này người ta bác bỏ sự hiện hữu của chúng tôi. Phải, cũng vì lý do này ai tin vào chúng tôi bị xem là khờ dại, và chính khoa học dẫn tới đỉnh cao nhất của hiểu biết cao cả nhất ... bị chê bai là óc tưởng tượng hoang đường !
... Nhưng nếu bạn tin vào tình bạn của tôi đối với bạn, nếu bạn trọng lời nói danh dự của người  chưa hề nói lời không thật nào trong đời, xin chớ quên lời đã có lần tôi viết cho bạn về những ai theo đuổi khoa học huyền bí; ai làm vậy 'phải hoặc tới đích hoặc bị hủy hoại.
Một khi đã khởi sự đi trên đường Minh triết, nghi ngờ là có thể mất trí, dừng hẳn lại là ngã xuống, thối lui là lao đầu xuống vực thẳm
(Câu này về sau được biết là trích từ quyển Dogme et Ritual de la Haute của tác giả Eliphas Levi năm 1855. Ta sẽ thấy rằng giống như đoạn trích ở dưới của sách The Light of Asia và những câu trích khác, Chân sư có khi không nêu xuất xứ và cho biết:
– (Câu trích ?) Không nói được. Vài hàng rời rạc lấy từ cõi tình cảm hoặc trong trí não của ai đó và nhớ lại. Tôi không hề quên điều gì đã từng thấy hay nghe. (Thư 20).)
Ngài mô tả đôi điều về các Chân sư để cho ông Sinnett có cái nhìn rõ ràng hơn:
Tôi hi vọng, ít ra Bạn cũng hiểu là chúng tôi (hay đa số chúng tôi) không phải là người chai đá hay khô khan như xác ướp, theo sự tưởng tượng của vài người. ... chúng tôi cũng không phải là anh hùng nghiêm khắc như trong chuyện Zanoni của Bulwer Lytton ... càng đi tới gần sự giải thoát chừng nào, những cảm xúc thuần cá nhân, riêng tư, huyết thống, tình bạn, lòng yêu nước, ưa thích về chủng tộc, mọi tình cảm phải được hòa tan trong một cảm tình đại đồng, duy nhất và thánh thiện, vị tha và trường cửu. Đó là lòng Từ bi bao la đối với nhân loại trọn vẹn !
Vì nhân loại là kẻ mồ côi lớn nhất, kẻ duy nhất bị truất gia tài trên địa cầu, bạn à. Và bổn phận của mỗi ai có thể có sự thúc đẩy không ích kỷ là làm một điều gì, nhỏ thế mấy đi nữa, cho ích lợi của nhân loại. Tội nghiệp nhân loại biết bao !
Luật Từ bi ngàn năm hằng rực sáng.
Nhân loại này hy vọng chỉ mình thôi,
Nên từ xưa Ta chẳng gạt một lời,
Cầu van cứu của muôn người vọng lại. ...
(trích từ The Light from Asia - Edwin Arnold).
Ý 'nhân loại được coi là trẻ mồ côi' muốn nói tới sự kiện những đấng Cao Cả là 'cha mẹ' của nhân loại trở về những cõi cao, nơi mà các ngài đi xuống để giúp nhân loại vào đầu một chu kỳ, và do vậy khiến nhân loại bị 'mồ côi'. Sách ghi rằng các Ngài rời bỏ sau khi cho nhân loại trong giai đoạn ấu thơ hạt giống, mà về sau tăng trưởng thành hoa là quả vị Đạo sư (adeptship), hay là mục đích cuộc tiến hóa của nhân loại.
Có lẽ để phá tan huyền thoại và những ý tưởng không đúng về các Chân sư, ngài cho biết:
– Tôi xin thú nhận rằng cho riêng mình, tôi vẫn còn nhiều ràng buộc ở cõi thế. Tôi vẫn còn bị thu hút về người này hơn là người kia, và lòng nhân ái như vị Thầy Cao Cả là đức Phật dạy không hề làm tôi mất đi ưa thích tình bạn, yêu quí thân nhân, và lòng ái quốc nồng nàn cho đất nước mà tôi sinh ra trong kiếp này ... Chi trưởng chi bộ London có ý tưởng thật độc đáo, luôn gọi chúng tôi là nhà Yogi mà không chút nhận ra sự khác biệt lớn lao vô kể giữa nhà Hatha Yogi và Raj Yogi ...
(còn tiếp)

 

(Xem Thư  cho  Ông  Sinnett  trong mục Sách Dịch)