H.P.B. (Helena Petrovna Blavatsky)

 

(PST 63)

 

(Xem Mục CHUYỆN H.P.B..)

Sau khi bản tường trình Hodgson được phổ biến, bà CW nhớ lại:
– Nó làm như Hội bị một đòn chí tử, ngày này sang ngày kia đều có đơn từ chức của những người trước kia được xem là sáng chói dẫn đầu trong Hội, hoặc có thư nhục mạ của người trước đây là thân hữu. Những hội viên còn lại ít nhiều bị tê liệt, điều họ muốn chỉ là giữ yên lặng và im hơi lắng tiếng không cho ai thấy để không bị cười chê. Nhưng trong cảnh tăm tối ấy có lóe sáng vài ngôi sao rực rỡ, là những bạn hữu quí giá đồng cam cộng khổ trong mọi chuyện, và quả thực HPB còn sống là nhờ lòng thiện cảm và sự quí mến của những người này.
Một bạn hữu như thế là ông William Q. Judge tại New York. Ngày 5-2-1886 ông viết thư sau cho HPB:
– Trước khi bà nhận được thư này thì tôi sẽ gửi một thư cho tờ Boston Index, tờ này in lại bản tường trình Hodgson. Hẳn bà đã thấy là ông không kể đến tôi, mà tôi là một thành phần quan trọng. Bởi tôi có đó. Tôi đã xem xét mọi việc, tôi đã điều khiển công chuyện và tôi nói rằng không có cửa nào đằng sau tủ thờ. Rồi còn thư của Chân sư, bà biết là tôi nhận được nhiều thư có nét chữ giống chữ viết của tôi. Họ sẽ giải thích được điều ấy ra sao ? Tôi có tự lừa dối mình không ? và nhiều chuyện nữa giống vậy.
Bà có thể trông cậy tôi vào lúc này để được giúp đỡ bất cứ điều gì cần. Xin nhớ lại là tôi đã có mặt tại Enghien với bà vào ngày có một trong những hiện tượng. Họ không kể tới những lúc mà tôi nhận được thư từ tay người đưa thư và có mẫu tin bên trong ...
Thư của nữ bá tước cho ông Sinnett ngày 18-2-1886 cho thấy vào lúc ấy hiếm có thư bầy tỏ sự tin tưởng như trên gửi cho HPB:
– Sáng nay khi thư đến thì như mọi lần có những thư với ác ý, nhưng tạ ơn Trời tôi có thể gửi đến ông một thư đã làm 'Lão Phu Nhân' thấy ấm lòng, sau bao lời ong tiếng ve túa đến bà. Ông Judge có 10 năm kinh nghiệm với những hiện tượng của HPB vậy mà ông không kêu lên 'Gian Lận' như Bawaji. Bà Blavatsky muốn ông đọc thư này cho Bawaji và Mohini.
Cả Bawaji và Mohini khi đó ngụ tại London và về phe những ai quay lại chống đối HPB trong khoảng thời gian này. Bà CW ghi nhận là 'không có gì khó hiểu khi việc soạn bộ The Secret Doctrine phải dừng lại trong những ngày sóng gió ấy', và cuối cùng khi tiếp tục trở lại thì tâm trí khó mà có được sự an tĩnh và thản nhiên. Bà viết tiếp:
– Một buổi chiều HPB bảo tôi: 'Bà không tưởng tượng được là sẽ cảm thấy ra sao khi có quá nhiều tư tưởng và làn sóng bất lợi hướng đến bà; nó giống như ngàn mũi kim châm chích và tôi phải dựng lên bức tường bao chung quanh để bảo vệ mình'. Tôi hỏi liệu bà có biết những tư tưởng không thân thiện đó từ đâu tới chăng; bà đáp, 'Có, không may là tôi biết, và tôi luôn luôn ráng nhắm mắt lại để không thấy và không biết', và để chứng minh cho tôi thấy chuyện quả là vậy, bà cho tôi hay thư nào đã được viết, trích ra những đoạn trong thư, và quả nhiên một hay hai ngày sau chúng đến. Tôi có thể kiểm chứng lại những câu bà trích và thấy đúng thật.
Có một hôm vào lúc này, khi vào phòng làm việc của HPB, tôi thấy trên sàn có la liệt những tờ bản thảo bị loại bỏ. Tôi hỏi giấy tờ bừa bãi như vầy là sao và bà trả lời, 'Phải, tôi ráng viết 12 lần một trang này cho đúng, mà mỗi lần Chân sư đều nói nó sai. Tôi nghĩ chắc mình sẽ hóa điên, viết tới lui nhiều lần như vậy, nhưng xin để cho tôi yên, tôi sẽ không nghỉ tay cho tới khi làm xong chuyện, cho dù phải thức suốt đêm.'
Tôi mang cho bà tách cà phê để bà được khỏe khoắn lấy lại sức, rồi để bà tiếp tục công việc mệt nhọc của mình. Một giờ sau có tiếng bà gọi, và khi bước vào tôi thấy là chót hết đoạn văn đã hoàn tất được như ý, nhưng phải khổ công nhiều và lần này kết quả thường là không chắc và cũng chỉ nhỏ nhoi.
Trong lúc bà ngồi dựa ra sau thưởng thức điếu thuốc và cảm giác nhẹ nhõm sau việc làm cực nhọc, tôi ngồi ghé lên tay ghế của chiếc ghế bành lớn của bà và hỏi làm sao bà phạm lỗi lầm khi viết lại những điều được cho bà hay. HPB đáp:
'Bà xem đây, chuyện tôi làm là như vầy. Tôi tạo ra một khoảng trống trong không trước mặt mình, tập trung ý chí và tầm nhìn vào đó, và những cảnh tượng nối tiếp nhau diễn ra trước mắt tôi như các bức hình phong cảnh liên tục trôi đi. Hay là, nếu tôi cần trích dẫn từ sách, tôi sẽ chú tâm hết sức và thể vía của sách hiện ra cho phép tôi trích điều mà tôi cần. Trí não tôi được tự do không bị phân tâm, khổ sở chừng nào thì nó càng có thêm năng lực và sức tập trung chừng ấy, khiến tôi càng dễ làm như vậy; nhưng hôm nay sau bao chuyện bực mình tôi gặp phải vì bức thư  mà tôi nhận được của X, tôi không thể tập trung đúng cách, và mỗi lần cố công thì tôi viết câu trích dẫn sai hết. Chân sư nói bây giờ thì nó đúng rồi, ta đi dùng bữa tối đi.'
Bữa tối lúc bẩy giờ  kết thúc một ngày làm việc. Sau đó, bà bá tước kể:
– 'Chúng tôi trải qua một buổi tối dễ chịu với nhau. Ngồi thoải mái trong ghế bành lớn, HPB chia bài để chơi một ván cờ Patience mà theo bà sẽ khiến trí não được nghỉ ngơi. Làm như hành động máy móc khi chia bài, xếp những lá bài, cho phép trí não bà được tự do không còn chịu áp lực cố công tập trung như khi làm việc ban ngày. Bà không hề muốn nói chuyện về TTH vào buổi tối. Sự căng thẳng của tâm trí lúc ban ngày hóa ra nặng nề đến mức trên hết thẩy bà cần được nghỉ ngơi, thế nên tôi ra công để có được càng nhiều sách báo và tạp chí càng tốt, đọc các bài viết trong đó và những đoạn mà tôi nghĩ nhiều phần sẽ làm bà vui và thích thú. Đến chín giờ tối thì bà lên giường, mang theo báo tiếng Nga và đọc chúng tới khuya.'
Ta khó mà tưởng tượng HPB vào những phút thảnh thơi nhẹ nhàng như vậy, và hình chụp của bà chỉ cho thấy khía cạnh nghiêm nghị của tâm tính. Đôi khi vào những phút như thế này bà bá tước nói:
– 'Bà là người chuyện duyên dáng, có phong thái hồn nhiên vô cùng lôi cuốn. Quả vậy, tôi nghe người ta nói rằng phụ nữ đẹp nhất của Anh chỉ là bông hoa mờ nhạt tầm thường bên cạnh nhân vật đáng nói này ... Khi bà cười, bà mở miệng và mắt mở to hồn nhiên như của trẻ nhỏ. Tôi chưa hề thấy phụ nữ lớn tuổi nào mà cười với vẻ tự nhiên thơ ngây như thế.'

 

Thêm Người Chống Đối

Chuyện về thời gian HPB ở Würzburg sẽ không đầy đủ nếu ta không kể chi tiết về cuộc viếng thăm của ông Solovyov người Nga vào tháng 8 và 9 năm 1885, và những gì đưa tới việc có mặt của ông vào lúc này.
Ông gặp bà Blavatsky lần đầu tiên tại Paris vào mùa xuân 1884, khi ấy bà tin tưởng ông là người TTH có tâm địa tốt lành, không phải chỉ là hội viên suông. Tuy nhiên hai năm sau, trong một thư gửi cho ông Sinnett (ngày 3 - 3, 1886) bà gọi ông là người chống đối, mưu hại TTH. Solovyov viết sách tiếng Nga về bà Blavatsky năm 1892 tức sau khi bà qua đời, và sách được dịch sang Anh văn và hội nghiên cứu tâm linh (Society for Psychic Research) cho xuất bản năm 1895, bản dịch này (A Modern Priestess of Isis) được nhiều người trích dẫn nên ta cần xem nó đúng thực ra sao.
Một nhà phê bình có tiếng của xã hội Nga lúc bấy giờ là ông Victor Bourenine, có bài điểm sách đăng trên báo ngày 30 - 12, 1892 mà ta trích vài đoạn như sau:
– 'Ông Solovyov viết nhiều chuyện lịch sử tiểu thuyết,  Còn bà Blavatsky có tài nghệ văn chương không phải hạng bình thường, căn cứ vào những bài viết của bà trên báo. Theo ý tôi chúng thú vị và có tài trăm lần hơn tất cả những chuyện lịch sử nửa vời của ông Solovyov cùng tất cả những bài viết hoang tưởng hoặc không hoang tưởng của ông.
Rất có thể là tôi nghĩ sai, nhưng khi đọc quyển A Modern Priestess of Isis của ông, tôi đi tới kết luận sau, hoặc là ông không nói đúng về bà Blavatsky, bẻ cong sự kiện một chút, nói chung có bịa đặt, hoặc là trong thời gian quen biết bà thì sức khỏe ông không được khả quan. Xin để độc giả có nhận xét riêng của mình.'
Sau đó ông Bourenine trích những thư mà ông Solovyov gửi cho HPB, chứng tỏ rõ ràng chuyện của ông Solovyov là bịa đặt. Ông Bourenine có được những thư này từ bà Vera, em gái của HPB.
Nay xem kỹ quyển sách trên ta thấy đa số dữ kiện trong sách hóa ra chỉ là chuyện do ông tưởng tượng. Ban đầu Solovyov đi theo bà Blavatsky tới nhiều chỗ, thư từ qua lại thường xuyên với mục đích là mong được bà chia sẻ hiểu biết và chỉ dạy cách làm hiện tượng. Vera trích lại một thư HPB viết cho bà:
– Chị không hiểu được Solovyov, không biết phải làm gì với ông. Ông không để cho chị yên mà năn nỉ dạy ông làm hiện tượng – làm sao có thể dạy những điều ấy được ? Ông hỏi 'Làm sao bà tạo ra được âm nhạc trong không ?' Thật, chị có thể nói gì được với ông đây ? Chị đáp, 'Này, y như ông thấy đó, tôi vẫy tay trong không và có tiếng nhạc vang lên ... ' Chị có thể nói gì khác hơn được nữa ? Để ông trải qua những gì chị đã trải qua ở Ấn Độ và rồi may ra ông sẽ cũng đạt được những quyền năng này. Thực tế là ông chỉ làm mất thì giờ của chị và của ông.' ...

Vẫn theo Vera:
– 'Lần khác, HPB tỏ ra tức giận sau khi Solovyov ra về, bà nói với chúng tôi, 'Ông mới lạ làm sao ! Ông nói 'Tại sao bà chỉ cho ông Olcott mà không chỉ cho tôi !' Nào chị có dạy ông Olcott làm gì đâu, sự việc chỉ là ông bẩm sinh có nhiều từ lực.'
Vera giải thích rằng quả thực ông Olcott có từ lực mạnh mẽ, bà chính mắt thấy ông chữa hết bệnh nhiều người, thí dụ như bệnh phong thấp của bà và ông cũng chữa lành cho Solovyov mà chính ông này về sau công bố.
Sau khi yêu cầu mà không được HPB làm cho mãn nguyện, ông quay sang dèm xiểm bà với nhiều người khác, tạo nên dư luận bất lợi cho HPB trong vòng thân hữu, gây khó khăn cho việc làm của HPB. Dầu vậy, Vera kể tiếp là quyển sách của Solovyov khiến cho nhiều người chú ý đến Theosophy và tìm sách của HPB để đọc, và cũng vì vậy người ta biết đến HPB hơn. Ngày nay nhìn lại, tác giả Sylvia Cranston tin rằng Vera có công rất lớn trong việc ghi lại những chi tiết trong đời HPB. Nếu không có các tài liệu do Vera để lại, nhiều chuyện về HPB hẳn sẽ chìm mất tăm không dấu vết.
Trở lại năm 1885, ngoài Solovyov sinh chuyện bực mình HPB còn gặp phải những vấn đề khác do chính người thân cận với bà gây nên. Mohini và Bawaji là hai đệ tử  người Ấn theo HPB sang Âu châu, hai người được hội viên mến phục, tỏ lòng ngưỡng mộ khiến họ sinh lòng tự tôn, gây hậu quả là hội viên xưa nay vẫn trung thành với Hội giờ đâm ra có ác cảm. Thư từ trao đổi giữa HPB và người khác cho thấy Mohini và Bawaji tạo nên vấn đề nghiêm trọng cho phong trào TTH ở Pháp, Đức cũng như cho đời sống riêng tư của một số hội viên. Bạn đọc nào muốn nghiên cứu kỹ về giai đoạn này xin đọc thêm quyển HPB's Letters to A.P. Sinnett.
Sang mùa xuân năm 1886, HPB dự tính rời Würzburg nóng nực khi hè đến và đến ngụ tại thành phố Osten ở ven biển nước Bỉ. Tuy nhiên ông Gebhard, một hội viên tận tụy người Đức mời được bà ghé chơi với gia đình ông ở Elberfeld. HPB định là chỉ ghé thăm vài hôm, nhưng bà bị trặc chân và các đau yếu khác khiến phải dừng lại ở đây hơn hai tháng. Trong thời gian này em gái bà là Vera với con gái cùng tên, cũng đến nơi đây. Cô cháu gái Vera kể:
Thường thường buổi sáng xuống nhà ... tôi thấy HPB chăm chú xem công chuyện. Theo tôi biết bác không viết gì lúc sáng sớm như vầy mà cẩn thận xem lại những gì đã viết tối hôm trước. Một hôm nét mặt HPB lộ vẻ rối trí; không muốn làm rộn  bác nên tôi yên lặng ngồi xuống và chờ cho bác lên tiếng ...
Cuối cùng bác gọi. "Vera", bác nói, "con chỉ bác coi Pi là gì được không ?" Câu hỏi làm tôi kinh ngạc, tôi nói theo tôi nghĩ thì pie là một món ăn của Anh. "Đừng có điên như thế", HPB nói có hơi nóng nẩy, "con không hiểu bác hỏi về hiểu biết toán học của con sao ? Lại đây xem chuyện này."
'Tôi nhìn vào trang giấy nằm trên bàn trước mặt bác, thấy nó đầy những con số và các bài tính toán, chẳng bao lâu tôi nhận ra là con số π = 3'14159 viết sai hết thành 31'4159. Tôi mừng rỡ đắc thắng và mau lẹ chỉ cho HPB thấy lỗi này. "Đúng rồi !", bác nói "dấu phết ( ' ) sai chỗ này làm bác rối trí suốt buổi sáng nay. Hôm qua bác ghi vội điều bác thấy và hôm nay mới nhìn lại bác cảm thấy mạnh mẽ là có gì đó không ổn, nhưng ráng hết sức mà vẫn không nhớ dấu phết nằm chỗ nào khi nhìn thấy con số này."
'Hồi ấy tôi hiểu biết rất ít về TTH nói chung và cách viết sách của bác tôi nói riêng, nên tự nhiên là tôi lạ lùng không biết làm sao HPB lại không thể sửa được lỗi nhỏ như thế, trong các bài tính toán rất phức tạp do chính tay mình ghi xuống.
'"Con còn khờ lắm," bác nói, "nếu con nghĩ rằng bác thực sự biết và hiểu hết những điều mà bác viết. Bác đã nhắc đi nhắc lại với con và mẹ của con bao lần, rằng những điều mà bác viết là do được đọc cho nghe, đôi lúc bác thấy bài viết, con số và chữ trước mắt mình mà không hề biết chút gì về chúng". Nhiều năm sau đọc lại bộ The Secret Doctrine, tôi nhận ra trang này, đó là một trong những trang bàn về thiên văn học của người Ấn.'
Mùa hè này chỉ có HPB, Vera và con gái ở Ostend, vì bà bá tước Wachtmeister về Thụy Điển thu xếp công chuyện nhà. Tới cuối mùa hè, bà trở qua nhưng thay vì cùng HPB quay lại Wurzburgh, hai người quyết định ở lại Ostend vì nơi đây gần London và hội viên nơi đó hơn.
HPB tiếp tục soạn thảo bộ Secret Doctrine nhưng bà không hài lòng với loại mực có sẵn ở Ostend, vì vậy bà tìm ra một công thức hay hơn và tự làm mực cho mình – như đã có lần làm vậy ở Nga hồi trước. Khi phẩm chất tốt đẹp của loại mực mới này được lan rộng, nó khiến bà phải chế tạo nhiều hơn và chẳng mấy chốc việc làm mực của HPB trở thành một tiểu thương nghiệp. Bà bá tước kể lại rằng có hôm một thiếu phụ nghèo khó đến xin HPB giúp đỡ, bà cho tay vào túi áo thì thấy là túi rỗng không, kéo hộc bàn viết ra xem thì cũng y vậy. Khi đó HPB nhớ tiệm làm mực của mình và kêu lên "Này, Constance (tên bà bá tước), cho thiếu phụ này tiệm làm mực đi, nó sẽ giúp bà qua cơn túng thiếu" - và đó là chuyện xẩy ra.
Giai thoại khác cũng được kể lại về thời gian HPB ở Ostend. Bác sĩ Buck, một bác sĩ nổi tiếng trong thời của ông và cũng là một hội viên tiếng tăm, viết:
– Một người bạn của tôi, người mà có thể đã khám phá nhiều điều về kinh Kabbalah hơn bất cứ ai khác thời hiện đại, và cũng là người đã dành hơn hai mươi năm cho công việc chuyên môn này, có lần nêu lên những thắc mắc liên quan đến cuộc nghiên cứu riêng của ông, và tỏ ý nghi ngờ rằng không ai đang sống có thể hoặc sẽ trả lời các thắc mắc này. Tôi mới đề nghị ông viết cho HPB về vấn đề, và một thời gian sau thì ông làm vậy.
Kết quả là gần bốn mươi trang bản thảo chữ viết thật khít khao, trả lời từng câu hỏi mà ông đã nêu, và thêm vào đó một mỏ hiểu biết làm người nhận thư rất đỗi kinh ngạc. Tác giả này chưa từng là hội viên hội TTH, nhưng vào lúc đó ông bầy tỏ niềm tin tưởng là HPB là phụ nữ tuyệt vời, uyên thâm nhất trong thời này hay bất cứ thời nào. Ông là một chuyên gia, đã dành nửa đời học hỏi một ngành ít được biết tới và khó hiểu, lại thấy rằng HPB hoàn toàn thông thạo mọi nghiên cứu của mình.'
Nhân vật này là học giả J. Ralston Skinner, sách của ông The Source of Measures được in ra năm 1875 cho đến nay vẫn tiếp tục được xuất bản. Thư từ liên lạc giữa ông và HPB được khám phá là lưu trữ tại đại học Harvard. Bà xác nhận với ông về sự hiện hữu của các Chân sư, về phần Skinner khi soạn xong quyển The Source of Measures đã gửi cho bản thảo HPB đọc, cùng nói rằng bà có thể dùng sách như là tác phẩm của chính bà, nhưng HPB từ chối. Bà viết:
– Làm sao tôi có thể trích dẫn mà không có dấu ngoặc cho biết là trích từ sách của ông ? Làm sao tôi có thể trích mà không đề tên ông ?
Quyển The Secret Doctrine có trích vài đoạn dài từ sách này. Trong số thư từ lưu trữ tại Harvard có một bức hình của HPB, đằng sau tấm ảnh ghi:
– Xin tặng thân hữu sơ giao - nhưng là người bạn rất, rất xưa, ông Ralston Skinner ...
May 1887.

Đầu tháng giêng 1887, HPB cho ông Sinnett hay một tin lạ lùng bà vừa nhận được:
– Báo chí Nga lại đầy chuyện về tôi. Có vẻ như 'bàn tay tôi' cứu một người đàn ông thoát chết trong khi ông đang thóa mạ tôi và gọi tất cả sách vở của tôi là Láo Khoét. Bài báo có tựa 'Bàn Tay Bí Ẩn' ... Dì tôi ... viết thư hỏi đó là tôi hay Chân sư làm chuyện ấy. Sự việc mô tả là xẩy ra vào mùa thu năm 1886.
Tìm hiểu thì bài báo nguyên thủy sau đó được nhiều tờ báo khác in lại trong làng báo của Nga, nội dung như sau:
– Chúng tôi ngồi an vị trong hàng hiên rộng lớn thuộc căn nhà nghỉ hè của chúng tôi ở gần St. Petersburg. Lúc đó bắt đầu xế chiều, chúng tôi ăn trưa sớm và nay ngồi chơi, hút xì gà cùng thuốc lá ngoài trời. Trời có dông, không khí nặng nề chung quanh ... mọi vật đều bất động và lặng lẽ. Vị nữ chủ nhân đáng quí, Marya Nikolaevena, đem ra cuốn sách và bắt đầu đọc chuyện của tác giả Radda Bai (bút hiệu trên báo Nga của HPB) tên 'Blue Hill of Nilgiri'. Chúng tôi ai nấy lắng nghe thích thú ... Để sách xuống, bà nhìn hết chúng tôi rồi nói nhỏ nhẹ 'Thật là tuyệt vời !'
"Nhưng chắc chắn là chuyện mà Radda Bai kể ta nghe ... là chuyện hoang đường và huyền hoặc !", một người đàn ông có mặt ở đó nói lạnh lùng ... ấy là Piotre Petrovitch, một nhà hùng biện không mệt mỏi và đáng chú ý ... "điều gì bà ấy cho là thật thì tôi chỉ thấy là chuyện bịa đặt mà thôi."
Chúng tôi nhìn ông ngạc nhiên, rồi khi vừa nói xong câu chót, chúng tôi thấy ông đột ngột lo lắng nhìn xuống cánh tay mặt đang nằm trên lan can của hàng hiên. Ông đứng bật dậy khỏi ghế trước sự kinh ngạc to lớn của chúng tôi, như thể bị rắn hổ mang cắn; ông chạy xuống mấy bậc thềm, xem xét đầy lo âu từng góc của mẫu vườn nhỏ trước nhà, nhìn dưới gầm hàng hiên và dưới mái, rồi sau cùng quay trở về chỗ ngồi, mặt trông hết sức nhợt nhạt làm như ông thấy ma hiện hình.
"Có chuyện gì thế ?" nữ chủ nhân Marya Nikolaevna kêu lên, rất kinh sợ. Thay vì trả lời, Piotre Petrovitch lặng thinh tìm kiếm tiếp. Ông coi lại lần nữa mặt đất bên dưới các bậc thềm, rồi nhìn ra xa vào khu rừng, và chót hết bắt đầu đi quanh mấy cái ghế, nhìn xuống bên dưới chúng ... 'Các bạn có thấy ai không ?' ông hỏi. Chúng tôi lạ lùng nhìn nhau và cùng trả lời "Không thấy ai hết !"
"Nhưng tôi thấy có một người ... và – cả một bàn tay nữa," ông nói với cùng một giọng run run, "đó là bàn tay của đàn bà không chối cãi được, có phần trong suốt, với gân xanh nổi lên đan qua lại. Tôi thấy có vẻ như ai đó từ vườn trước đây đi lại phía tôi, nắm lấy cánh tay trên cùi chỏ, ở chỗ này này, và sau khi ấn tay tôi ba lần đã tìm cách kéo tôi từ hàng hiên xuống vườn." Trong khi nói như vậy, Piotre Petrovitch thở hổn hển và mặt trắng bệch kinh hoảng.
"Vậy có lẽ anh phải cẩn thận hơn, đừng bác bỏ chuyện hoang đường Ấn Độ nhé ! Đó là thể tình cảmcủa 'Radda Bai' kéo tay anh, tỏ ý anh không nên chế nhạo người khác ! ... chúng tôi nói.
Nhưng anh không nghe lời chúng tôi mà cứ lặng thinh, sợ sệt, chốc chốc nghi ngờ xem xét tay áo phải của áo khoác, chỗ mà anh thấy bàn tay bí ẩn. Chỉ một lúc ngắn sau anh chịu hết nổi nên đứng dậy ra khỏi ghế lần nữa, đi trở lại ra vườn; ở đó anh có được phong thái tự nhiên như cũ và bắt đầu thuật lại đầu đuôi câu chuyện lần nữa. Cả bọn chúng tôi đi theo anh, cười vui thích chí anh chàng không tin này.
Trong khi ấy bầu không khí nặng nề hơn và đầy điện. Một đám mây lớn mầu đen đầy sấm sét nằm ngay trên đầu chúng tôi, u ám và đầy nét đe dọa, rồi một tia chớp đột nhiên vụt ra xẹt vào ngôi nhà chúng tôi vừa đi khỏi. Ai nấy giật nẩy mình kinh ngạc, vì ngay trước mắt chúng tôi cột ống khói to lớn trên mái rơi xuống vỡ vụn tan tành, gạch và xi măng lăn ầm ầm vang dội từ đầu nhà xuống tới vườn. Ghê gớm hơn nữa là cây cột mà Piotre Petrovitch dựa vào trong lúc ngồi ghế bành, đột nhiên cong vòng rồi đổ sụp phát tiếng răng rắc kinh hồn, và trọn mái nhà lớn và nặng rơi xuống, sập với một tiếng ầm kinh khủng trên hàng hiên ... Chúng tôi không phát được tiếng nào vì cảm thấy khủng hoảng và quá đỗi kinh ngạc !
"Bàn tay, bàn tay của bà ... Đúng rồi ! Các bạn biết không, bàn tay ấy kéo tôi ra khỏi hàng hiên !" anh nhắc đi nhắc lại với mỗi người trong bọn chúng tôi, mặt trắng bệch sợ hãi, mắt mở to. Phần chúng tôi thì hoảng hốt quá không thốt được lời chi, bởi chúng tôi cũng vừa được cứu thoát khi theo chân Piotre đi ra vườn.'

Giao thừa năm 1887 HPB chỉ có một mình. Bà đã đưa nữ bá tước Wachtmeister đi London có chuyện riêng. Trong lúc ở đó, nữ bá tước được thư của HPB viết về tương lai của Hội. Thư tiết lộ rằng HPB có cuộc nói chuyện dài với Chân sư -  đã lâu lắm bà mới nói nhiều như thế, và bà được dạy:
... trọn Hội đang bị thử thách tàn bạo. Ai qua được giai đoạn này mà không lay chuyển sẽ có được kết quả cho mình, ai vẫn tiếp tục không có hành động gì hoặc thụ động, ngay cả ai quay lưng đi, cũng nhận hệ quả cho họ. Ấy là thử thách chót và tuyệt đại hơn hết thẩy. Mà cũng có tin cho hay, hoặc là tôi phải quay về Ấn để qua đời vào mùa thu này, hoặc từ nay đến tháng 11 tới tôi phải tạo nên một nhân gồm các hội viên chân thành, một trường của riêng tôi, không có thư ký, chỉ riêng mình tôi, với càng đông người mà tôi có thể dạy càng tốt. Tôi có thể dừng ở đây hoặc đi Anh, hoặc bất cứ điều gì tôi muốn.

Chuyện đáng nói là không lâu sau đó, Bertram Keightley là hội viên tại London đến thăm HPB tại Ostend. Anh thuật lại:
– Tôi qua đó để thúc giục HPB về chuyện nên làm là sang ngụ tại London, để lập một trung tâm cho hoạt động tích cực về Theosophy. Tất cả có sáu người chúng tôi, thấy bất mãn sâu xa với tình trạng hờ hững dường như lan khắp trong hội tại Anh, và chúng tôi đi tới kết luận rằng chỉ có HPB mới có thể cho trợ giúp hữu hiệu, để tái tạo sự linh hoạt đang ngưng lại của phong trào, và khởi sự việc làm tích cực, được hướng dẫn sáng suốt.
Nhóm ít người gồm các hội viên trẻ này họp mặt đều đặn với nhau, họ gặp phải bế tắc trong việc học hỏi Theosophy và cho rằng chỉ có HPB mới giải đáp những thắc mắc của họ. Lần kế, người khác trong nhóm qua thăm bà là bác sĩ Archibald Keightley  (là chú cháu với Bertram, với cháu Archibald hơn ông chú Bertram một tuổi), thúc đẩy HPB nhiều hơn để sang London. Tuy nhiên ông Sinnett  chống đối mạnh mẽ quyết định này. Trước đó bà viết cho ông thư sau:
– Ông hỏi ý kiến tôi về chuyện của chi bộ London. Ông đã hỏi thì chắc ông có thể muốn nghe những gì mà Chân sư nói vài lần về chi bộ London. Tôi không thể nhắc lại lời của ngài nhưng ông có thể nắm được ý của nó trong sách Khải Huyền (Revelation) 3:15 và 16 (Ai có tai hãy nghe thần linh nói về các hội thánh ... Tôi biết công việc của bạn, rằng bạn không hào hứng mà cũng không thờ ơ; tôi muốn hoặc bạn lãnh đạm hoặc hăng hái. Vì thế khi bạn lừng khừng thì tôi sẽ tống xuất bạn ra.) Ông có thể xét đoán và tôi xin để cho ông tự suy ra. Nó hàm ý bất cứ điều gì cho một động lực mới mẻ thì cũng hay hơn sự bất động. Nếu ông tiếp tục lâu hơn tình trạng trì trệ hiện có của mình, chi bộ London sẽ bị rêu phong bao phủ trong vòng một năm ...

Bert Keightley nêu ra vấn đề khác là cách ông Sinnett quản trị; ông tin rằng Theosophy nên được dành riêng hoàn toàn cho loại tổ chức mà ở Anh gọi là 'Hội quán – Club', tức giới thượng lưu y phục sang trọng so với quần chúng. Ngược lại, Bert Keightley nói rằng các hội viên trẻ của chi bộ London 'tin là nếu muốn Theosophy hoàn thành sứ mạng của nó trong thế giới, nó phải thu hút được quần chúng, người thuộc mọi sinh hoạt mà cho dù có ít học hỏi chuyện siêu hình, vẫn có trọn khả năng hiểu được những nguyên lý căn bản của Theosophy ...'
Một số hội viên thuộc chi bộ London viết cho bà những thư riêng nài nỉ, như là cách chót hết để khuyến dụ bà sang ngụ tại đây. Để trả lời HPB viết một thư dài chung cho mọi người, trong đó có đoạn:
– Nếu tôi có thể vực chi bộ của bạn dậy, hãy dùng tôi làm cây cột xấu xí nhất, hoặc dùng như hồ trên cái bay của bạn để trát kín và lấp những chỗ vỡ vụn của bức tường thuộc chi bộ London không may. Nhưng nếu người thợ hồ trước hết không xếp đặt vật liệu cho gọn gàng và chuẩn bị gạch thì xi măng có thể làm được gì ?
Khi bằng lòng sang Anh, kế hoạch đầu tiên của HPB là đi London ngày 27-3 và ở đó suốt mùa hè. Lúc này bà bá tước đã về Thụy Điển bán nhà và sau đó sẽ sống luôn với HPB tại Anh.
10 ngày trước khi rời Ostend, HPB bị bất tỉnh trong lúc ngồi trên ghế. Điều này xẩy ra nhiều lần và bác sĩ chẩn bệnh là thận hư nặng. Bà Mary Gebhard từ Eberfeld đến, thay phiên với nữ bá tước chăm sóc HPB. Bác sĩ cho rằng bệnh tình không cứu vãn được nên nữ bá tước gửi điện tín cho một hội viên ở London là bác sĩ Ashton Ellis. Ông lập tức đến ngay, xoa bóp những cơ quan bị tê liệt của HPB. Nó cho kết quả tạm thời, nhưng chẳng lâu sau đó thấy rõ là HPB đang chết dần. Bà Gebhard đề nghị nên làm di chúc, vì qua đời ở ngoại quốc mà không có di chúc sẽ sinh ra rắc rối dây dưa không dứt. Thế nên vị lãnh sự Hoa Kỳ cùng với một luật sư và bác sĩ Bỉ xếp đặt sẽ đến vào hôm sau.
Đêm hôm ấy, nữ bá tước hãi hùng khi ngửi thấy thoảng qua mùi đặc biệt báo hiệu cái chết, thỉnh thoảng phát ra. Bà không mong là HPB còn sống được qua đêm. Quá mệt mỏi, bà ngủ thiếp đi. Sáng ra bà kinh ngạc thấy HPB ngồi dậy trong giường ngỏ ý muốn ăn sáng. Bà cho hay được có hai chọn lựa trong đêm, hoặc chọn con đường dễ và ra đi, hoặc tiếp tục với công việc, với rủi ro là phải đối đầu với những thách đố lớn hơn những gì đã gặp từ trước tới nay.
Khi luật sư, bác sĩ và vị lãnh sự đến, họ thấy ai nấy trong nhà vui mừng hớn hở. Bác sĩ cứ nhắc đi nhắc lại, "Nhưng lẽ ra bà phải qua đời rồi ... phải ra đi rồi." Ông chưa biết có trường hợp nào như vậy mà bệnh nhân hồi phục được. Việc làm di chúc tiến hành suông sẻ cho đến khi luật sư thấy là HPB để lại hết tài sản của bà cho nữ bá tước, và không để lại gì cho thân nhân. E ngại là nữ bá tước không chừng đã tạo ảnh hưởng với HPB, ông phản đối nhưng HPB chống lại mạnh mẽ. Để tránh sự bàn cãi, bà Gebhard nhẹ nhàng cho luật sư hay, "Khi biết bà Blavatsky để lại tài sản bao nhiêu hẳn ông sẽ không còn phản đối ý bà, vì nếu qua đời, bà còn không có đủ tiền để lo hậu sự".
Mọi việc xong xuôi vài giờ sau, khi khách ra về, vị lãnh sự Hoa Kỳ cười và nói:
– Thôi, tôi nghĩ bấy nhiêu chuyện cũng đủ làm một phụ nữ sắp chết phải mệt!
Nói về những sự hồi phục có vẻ như là phép lạ, về sau HPB cho ra một manh mối trong bộ The Secret Doctrine (1:555).
– Chúng tôi tuyên bố và giữ vững ý tưởng rằng Âm thanh là một năng lực huyền bí vĩ đại; nó là một lực kinh khủng, theo đó điện lực do một ngàn cái thác Niagara sinh ra không sao đương cự với một lực nhỏ nhất khi được điều khiển bằng hiểu biết huyền bí. Âm thanh có thể được tạo ra để nâng kim tự tháp Cheops lên không, hoặc ai sắp chết, thở hơi cuối cùng, có thể được hồi sinh, tràn đầy năng lực mới và sức mạnh.
Bởi Âm Thanh tạo ra, hay đúng hơn là nó thu hút lại với nhau các nguyên tố làm nên chất ozone, cách tạo tác này nằm ngoài tầm hóa học nhưng trong vòng giới hạn của khoa luyện kim. Nó lại còn có thể làm hồi sinh người hay vật mà thể sinh lực chưa tách rời hoàn toàn khỏi thể xác  khi sợi dây từ điện đứt rời. Tôi đã được cứu thoát khỏi thần chết ba lần bằng cách ấy nên có kinh nghiệm bản thân đôi điều về chuyện..
HPB nói thêm rằng điều này có vẻ không khoa học quá nên người ta không để ý tới. Tuy nhiên trong thế kỷ qua khoa học đã biểu diễn cho thấy âm thanh nâng cao được vật. Cơ quan NASA đã dùng âm thanh để nâng, quay và di chuyển vật trong không gian từ tháng 8 – 1979. Họ xuất bản hơn 20 bài viết mô tả khảo cứu được thành công trong lãnh vực này, luôn cả hình chụp vật như quả cầu bằng thép lơ lửng trong không. Cuộc nghiên cứu được thực hiện tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion, California Institute of Technology.
Ngày 1 tháng năm 1887, HPB rời Ostend đi London, ngụ tại ngôi nhà nhỏ tên Maycott ở Upper Norwood. Nơi đây thành trung tâm hoại động của Theosophy trong vài tháng, sau đó bà dời sang nhà khác rộng rãi hơn, và như vậy bắt đầu một giai đoạn mới của việc làm tích cực cho Theosohy trong thế giới tây phương.

 

Những Tháng Đầu tại London.

Bertram Keightley, khi thuật về việc HPB viết bộ The Secret Doctrine, ghi lại những ngày đầu tại Maycott:
– ...Cuối cùng chúng tôi đóng gói vật dụng, về đến Maycott và chỉ mới vào nhà được hai tiếng, HPB đã cho mang bút giấy ra và cặm cụi viết ngay trở lại. Khả năng làm việc của bà thật đáng phục, từ sáng sớm đến chiều tối bà ngồi ở bàn miệt mài, và ngay cả khi ốm tới mức đa số người sẽ nằm liệt giường, bà vn một mực theo đuổi công chuyện phải làm xong.
Ba tuần sau khi HPB tới London, một chi bộ TTH được ra đời. Ông Olcott thuật rằng
– ...  'một nhóm mười bốn người trẻ hợp lại thành lập chi bộ Blavatsky mà về sau gây tiếng tăm, tên chi bộ cho thấy nó được chọn để làm lời bầy tỏ công khai lòng trung thành với bà, nhằm phản đối âm mưu của ông bà Coulomb và các nhà truyền giáo làm thanh danh của bà bị hoen ố.'
Biên bản của chi bộ Blavatsky ghi lại buổi họp chính thức đầu tiên vào ngày 19 - 5, viết rõ "mục đích của chi bộ là làm việc tích cực".
Buổi họp kế là ngày 25 - 5, thông qua quyết định phát hành một tạp chí và thành lập công ty ấn loát. Trong quyển Reminiscences, Bertram Keightley giải thích làm sao có việc đồng ý ra tạp chí:
– (HPB) thấy rằng phải cần ít nhất một năm hay hơn bộ The Secret Doctrine mới xong và đem in; (nên bà) thúc giục là trong lúc chờ đợi thì không thể không có việc truyền bá trong công chúng hoặc một hoạt động bên ngoài, và cách duy nhất mà chúng tôi có thể thực hiện là cho ra một tạp chí với HPB làm chủ bút. Thành ra chúng tôi quyết định bắt đầu một tạp chí tên Lucifer: the Light–Bringer, và khởi sự diễn tiến công việc ngay.
Báo Lucifer có một đồng chủ bút là Mabel Collins, người soạn quyển sách nhỏ Light on the Path (Ánh Sáng trên Đường Đạo) được ưa chuộng trong Hội. Maycott là nhà riêng của bà nơi diễn ra những việc trên.

(còn tiếp)