ĐIỂM SÁCH
Quyển Reflections on an Ageless Wisdom - A Commentary on The Mahatma Letters to A.P. Sinnett (ML) của tác giả Joy Mills, xuất bản năm 2010, ghi lại các suy nghĩ và nghiên cứu của bà về quyển ML. Như đã có nói trong bài mở đầu về quyển ML số PST 59, tính đến nay sách có bốn ấn bản tất cả và quyển bình luận của bà Mills dựa trên ấn bản mới nhất 1998, với các thư xếp đặt theo thứ tự thời gian.
Trước bà Mills đã có một số sách với mục đích tương tự được cho ra đời, nay quyển Reflections đóng góp thêm tài liệu qua các nhận xét của riêng tác giả, kế đó là đưa ra những khám phá về sau này. Trong phần nhận xét riêng, bà Mills giúp rất nhiều cho học viên với các tra cứu tỉ mỉ nhiều chi tiết của quyển ML. Bà làm công việc tổng hợp từ nhiều nguồn, truy ra giải thích hoặc thêm hiểu biết trong sách vở khác làm sáng tỏ sự việc. Đây là công lớn vì hiện nay sách về TTH tràn lan, để biết được quyển nào hay dở ra sao, có người đọc trước và chọn lựa giùm giúp người đi sau đỡ tốn thì giờ rất nhiều về việc tra cứu và so sánh. Dù rằng chót hết mỗi người phải dựa vào nhận xét của riêng mình, ý kiến của bà Mills ít ra cho ta một cái nhìn khác để phân biệt, mở rộng và học thêm.
Sang điểm thứ hai, giá trị của sách được cao hơn nữa do tác giả chịu tìm tòi trong những tài liệu mới ra về sau này, nhiều kết quả nghiên cứu để chứng minh, hỗ trợ hoặc bổ túc chi tiết trong quyển ML. Lấy thí dụ thư 29 nói về tháp trong vùng Himalaya, tác giả Mills trích tài liệu khảo cổ giải thích thêm về tháp, cho hiểu biết tường tận và cặn kẽ hơn điều muốn nói trong thư.
Ấy là chuyện hay, nhưng mặt trái của việc chi tiết phụ được chú ý kỹ như chi tiết chính làm người đọc có khi không phân biệt được cái sau với cái trước, bị sa lầy trong chuyện bên lề và không nhận ra điều quan trọng cần chú ý hơn. Quyển ML tuy là viết cho ông Sinnett, nhưng có nhiều nhân vật khác cũng được đề cập tới, bối cảnh của chuyện có nhiều tình tiết nên mỗi bức thư tựa như bức tranh lớn có dòng sông, cây cầu, ngọn núi, liễu xanh, mây trắng, thảo lư, con thuyền và con đường. Quyển Reflections bàn không ít thì nhiều về những điểm ấy, nếu ta chú ý như nhau vào hết mọi điểm thì dễ dàng lạc lối và không học được điều nên học, còn sau khi nhìn toàn cảnh, ta mải miết chăm chỉ đi theo con đường từ bức tranh này sang bức tranh khác thì học được ý nghĩa của con đường.
Sách được soạn để đọc kèm với quyển ML, do đó sau khi có được cái nhìn tổng quát về sự việc nhờ chi tiết trong quyển Reflections, đề nghị bạn để qua bên chi tiết phụ thuộc, quên đi càng tốt, để chuyên chú vào chỉ dạy trong các thư. Từ đây ta sang một điểm khác là đặc tính trí tuệ của sách, nói chung là của đa số sách nghiên cứu về TTH vào lúc này, chuyện không có gì ngạc nhiên nhưng tính chất ấy không đủ để giúp ta hiểu được đúng ý nghĩa của chỉ dạy khi học cuốn ML, mà cần có trực giác phụ thêm. Ý thức điểm này cho ta biết giới hạn của sách và biết nó giúp ta được tới mức nào.
Một khuyết điểm của sách là tác giả đặt nhiều câu hỏi trong bài viết. Đó là hình thức tự vấn mình và là cách viết ai cũng sử dụng lúc này hay lúc kia, nếu chỉ có vậy thì không có gì đáng nói, nhưng khi dùng quá độ thì nó phản tác dụng, người đọc sẽ lướt qua, làm ngơ phần câu hỏi thay vì bị kích thích suy nghĩ, tức câu hỏi không làm được nhiệm vụ của nó, hóa dư thừa. Phần khác, nhiều câu hỏi xem ra không cần thiết và lẽ ra không nên có.
Sách có thể gửi mua tại The Theosophical Publishing House, Hoa Kỳ.