VỊ CHÂN SƯ 62

(Xem Vị Chân Sư từ số đầu tiên trong mục Sách Dịch)

 

– Vóc người Hổ Cáp Scorpio, Mars ảnh hưởng xấu Ascendant, David suy nghĩ, nhìn bề ngoài của bà và diễn giải theo chiêm tinh học, có tính bi quan, tự tôn mặc cảm, cứng rắn ...
Chúng tôi phá ra cười.
– Coi làm như có ám khí, thân xác như sắp đi vào nhà Hỏa Thiêu ...
– Này này, tôi phản đối, đừng tiên đoán chuyện chết chóc nhé !
– Anh chờ rồi coi. Oh, chừng nào thì cô hầu bàn chậm chạp mới mang thức ăn tới cho bọn mình ? Anh ngắt lời, đột nhiên rắn mắc. Tôi biết cô ta tuổi Kim Ngưu Taurus, tuổi chậm nhất trong các tuổi trên đường Hoàng Đạo Zodiac. 
– Dẹp cô hầu bàn và đường Hoàng Đạo đi, Viola nói một cách rắn rỏi, tôi muốn nghe thêm về mấy phim ảnh đó.
Nhưng tâm tình anh đã thay đổi và anh để ý tới một cặp ngồi cách xa mấy bàn.
– Nhìn anh chàng Dương Cưu Capricorn môi mỏng kìa, ngồi một mình với ego nữ, cả mười phút rồi mà anh ta không thốt tiếng nào, tuy anh ta mê mệt với thể của cô nàng.
– Chắc đó là lý do chính, tôi gợi ý.
– Nếu anh ta là người Anh thì đó là lý do, đàng này, với một người Pháp ... Quí vị không biết là phản ứng của mỗi sắc dân khác nhau ra sao. Tôi có tìm hiểu về chuyện nay, coi coi ... Có vẻ như anh sắp tuôn một mạch về chuyện hứa hẹn là đề tài rất hấp dẫn, nhưng Viola vừa cười vừa đem anh trở lại điều nàng muốn.
– Mấy phim ảnh ... nàng khăng khăng đòi.
David phác cử chỉ tỏ vẻ nóng nẩy, nhưng đột nhiên chúng tôi để ý thấy trên tường bức hình của một diễn viên có tiếng. Anh ngắm nhìn nó một lát rồi nói với vẻ thích thú trở lại:
– Quí vị có bao giờ nghĩ là tài tử nổi tiếng như vậy phải chịu áp lực ở cõi trung giới mạnh tới bực nào không ? Thử tưởng tượng hàng ngàn tư tưởng và tình cảm liên tục hướng tới anh chàng ! Lẽ tự nhiên nếu anh chú tâm làm công chuyện gì khác thì chúng không ảnh hưởng tới anh cho lắm; nhưng khi anh không phòng bị, thí dụ vậy, hoặc lúc ngủ và làm việc trong thể vía, chúng dễ dàng bao lấy anh trong một xoáy những lực tương phản nhau làm rối nùi nếu anh không biết cách tự bảo vệ mình.
May mắn là tình trạng này đã được vài Chân sư tiên liệu trước, và các ngài mở một khóa huấn luyện đặc biệt để nhờ đó các tài tử điện ảnh có thể trong một thời gian tương đối ngắn học được cách tạo cảnh giác mạnh mẽ nơi cõi trung giới.
Tôi không tự mình tìm ra được những điều này, anh giải thích, mà được nghe Thầy của tôi dạy. Bình thường thì người ta phải mất nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều kiếp, để phát triển được tính cảnh giác ấy, nhưng vì các tài tử điện ảnh này thường ở trong vị thế khó khăn do việc họ nổi tiếng, họ cũng rất hăng hái muốn có hiểu biết để tự bảo vệ mình. Một khi có rồi, kết quả thường là họ muốn có thêm hiểu biết cao hơn; theo cách đó họ tiến mau hơn là khi chỉ sống đời bình thường không có gì đặc sắc.
– Lúc thức ở cõi trần thì tôi chắc họ không biết gì hết về những chuyện này, phải không ? Tôi hỏi.
– Không, trừ phi họ là người rất mạnh về tâm linh – là chuyện ít khi thấy – và có thể nhớ lại giấc mơ.
– Hành tinh nào quản trị giấc mơ ? Viola hỏi, nàng chú ý về mặt chiêm tinh của câu hỏi.
– Neptune, Hải vương tinh, David trả lời, nó cũng ảnh hưởng ma túy và huyền học (mysticism) 
– Cái phối hợp lạ lùng, tôi bình luận, tôi không thấy làm sao những điều này có liên kết với nhau.
– Neptune, anh giải thích, có liên quan với thế giới ảo ảnh và nghệ thuật. Cả phim ảnh và nghệ thuật có liên hệ chặt chẽ với ảo ảnh, như ai cũng có thể thấy nếu suy nghĩ về điều này một chút. Khi Greta Garbo xuất hiện trên màn ảnh cho ta thấy, trong khoảng thời gian ấy cô làm ta lú lẫn mà tin rằng ta thực sự thấy cô bằng xương bằng thịt. Khi hoạ sĩ vẽ tranh phong cảnh, họ tạo nên một ảo ảnh là ta đang thực sự thấy phong cảnh ấy.
– Còn ma túy ? tôi hỏi.
– Ma túy cũng tạo nên ảo giác. Ai nghiện thuốc lại không chịu trả bất cứ giá nào để có được giấc mơ do ma túy mang lại ?
– Đúng rồi. Tôi đồng ý. Nhưng còn huyền học thì sao ?
– Nhà thần bí phải đi qua những cảnh giới ảo ảnh mới đi tới cõi Thực Tại. Mà ngay cả Thực Tại theo nghĩa triết lý lại là ảo ảnh theo quan điểm ở cõi trần – nên nhìn từ góc cạnh nào thì huyền học cũng liên hệ với ảo ảnh bằng hình thức này hay kia, tuy đương nhiên là chân lý huyền bí tối hậu không phải là ảo ảnh.
–Giải thích tuyệt hết sức, Viola khen, nhưng sao đi nữa, thấy lạ là cùng một ảnh hưởng có thể làm mình hoặc thành nhà thần bí hoặc người nghiện ngập.
– A, nhưng đừng quên, David kêu to, luôn luôn hăng hái muốn trình bầy đề tài ruột của anh có chứa bao bí ẩn đối với óc phàm, là ảnh hưởng của hành tinh chỉ tạo nên khuynh hướng phản ứng với chuyện này hay kia; còn cá nhân phản ứng nhiều hay ít và theo chiều hướng nào tùy thuộc vào trình độ tiến hóa và những lực hành tinh khác tác động lên họ.
– Có phải Neptune là một trong những hành tinh được gọi là ẩn ? Viola hỏi thêm, tôi nhớ có đọc đâu đó như vậy.
– Cả Neptune và Uranus khi xưa được xem là hành tinh ẩn.
– Khác biệt giữa hành tinh ẩn và lộ là gì ? tôi hỏi, đại khái thôi.
– Hành tinh hiển lộ là những hành tinh có liên lạc trực tiếp về tâm linh và ở cõi trung giới với địa cầu; chúng là cái hướng dẫn và theo dõi địa cầu về luân lý và thể chất – anh nên nhớ rằng tất cả những hành tinh này đều do những đấng hết sức cao cả quản trị, có quyền hạn nhiều hơn mình tưởng tượng ...
Coi này, anh tiếp tục và nhấn mạnh, trong lúc lơ đãng mà khéo léo đặt cân bằng lọ tiêu ở đầu mũi dao, Saturn, Jupiter, Mercury và Venus thuộc về loại này, tôi muốn nói là chúng ảnh hưởng nhân loại như là trọn khối, trong khi đó Uranus và Neptune, tức các hành tinh ẩn hay là mật, chỉ có thể ảnh hưởng những thể cao hơn của người tiến hóa hơn cả, và điều này chỉ mới thay đổi lúc gần đây. Theo các nhà chiêm tinh Ấn Độ, sự việc thay đổi từ ngày trăng tròn tháng giêng 1910 – nói cho chính xác là từ lúc đức Thái Dương Thượng Đế có chứng đạo (initiation) mức vũ trụ ...
– Cái gì, anh muốn nói là ngay cả Thượng đế cũng có chứng đạo ? Tôi kinh ngạc ngắt lời anh.
– Tôi nghe Thầy tôi dạy như thế, David cắt nghĩa.
– Úi trời ... !
– Nghe lạ quá phải không, tôi bảo đảm anh thấy vậy; dù thế nó là một sự kiện huyền bí, nó nói rằng tất cả những sinh linh trong vũ trụ, dù trên hay dưới địa vị Thái Dương Thượng Đế, phải qua những kỳ chứng đạo tương xứng với mức tiến hóa của họ. Để nói tiếp, kể từ lúc ấy Neptune và Uranus trở thành các hành tinh hiển lộ, theo nghĩa chúng, hay nói đúng ra là các lực phát xuất từ các hành tinh này được xếp đặt để tạo nên những đường từ lực mới bên trong thái dương hệ.
Những đường lực này đặc biệt tụ vào địa cầu của chúng ta; và một trong những kết quả là các lời tiên tri dựa trên cách tính trước kia nay không còn đúng nữa, vì cách tính đó không kể tới ảnh hưởng của Neptune và Uranus trong cuộc sống thường ngày, và Jupiter, luôn luôn được xem là hành tinh tốt lành nhiều uy lực nhất,  vẫn được xem là cho ảnh hưởng hành tinh mạnh mẽ nhất trong tương lai. Ngay cả hội Theosophia cũng bị lầm với giả định này, và tưởng rằng nghi lễ, một trong những điều mà Jupiter quản trị, sẽ đóng vai trò nổi bật trong hoạt động của hội. Dầu vậy, hội thấy là đáp ứng về loại nghi lễ mà hội làm, không đúng như mong đợi.
– Anh muốn nói tổ chức Liberal Catholic Church à ? Viola ngắt lời, nhưng David nói tiếp, làm ngơ câu hỏi của nàng.
– Mấy năm trước, anh bảo, khéo léo đặt lọ tiêu xuống bàn, tôi có viết trong nhiều tạp chí TTH là người ta phải kể tới ảnh hưởng của Neptune và Uranus, và chỉ dựa trên Jupiter không mà thôi thì vô ích. Nhưng không cần phải nói, chẳng ai để ý tới chút gì ...
– Tôi không ngạc nhiên, Viola chọc anh, chẳng hề có ai chú ý đến tiên tri thật đâu, nhất là khi họ lại hành nghề tự do như anh.
– Này anh bạn, tôi nói, anh phải viết một quyển sách về những khám phá về mặt chiêm tinh và những chuyện khác của anh.
Anh cười rất hồn nhiên như chú học trò nhỏ,
–  Tôi muốn làm vậy lắm, khi thời giờ thuận tiện đến.
Chúng tôi rời nhà hàng đi ra, tản bộ về phía Marble Arch.
– Này, quí ego, anh nói khơi khơi lúc chúng tôi đi tới trạm xe bus, mình chia tay nhau nhé, ngày mai tôi đi về miền quê một thời gian.
– Sao, anh bỏ tụi này mà đi à ? Viola kêu to, mà lại cho hay bất thình lình như thế này sao ?
Nhưng anh chỉ tủm tỉm cười và không chịu cho chúng tôi hay anh đi đâu.
– Anh lạ lùng quá, tôi bảo, trêu anh chàng.
Anh đã xử sự giống vậy một lần trước kia rồi, rời London mất biệt mấy tuần, không viết cho chúng tôi dòng nào, rồi đột nhiên xuất hiện trở lại. Khi chúng tôi hỏi anh đi đâu thì anh chỉ trả lời sơ sài:
– Oh, chỉ có tham thiền và mấy chuyện khác ...
Khi về nhà, Viola và tôi không vui cho lắm, chúng tôi lo về anh chàng Toni đáng thương và biết là anh đang phải trải qua chuyện gì; thêm vào đó David lại về miền quê, làm chúng tôi không còn gặp anh và nghe những câu chuyện sống động mà anh kể. Rồi đột nhiên mọi việc thay đổi theo cách hết sức bất ngờ. Lúc chúng tôi đến nhà, có một bức điện tín nằm chờ tôi trên bàn trong tiền phòng. Nó nói: 
Lấy xe lửa chuyến 11.29 sáng từ ga Paddington ngày thứ hai, đi tới ... (một nơi ở quận phía tây nam được ghi rõ). Con sẽ thấy có xe hơi mầu xanh đợi ở ga. Đừng cho ai hay trừ nhà con. J.M.H.
– Guru của tụi mình đang ở Anh !
Tôi kêu to đắc thắng khi đưa bức điện tín cho nhà tôi.

 

CHƯƠNG  IX
Ngôi Nhà của Chân Sư

 Đó là ngôi nhà kiểu Tudor nằm trong khu đất được chăm sóc tuyệt đẹp, nhìn ra đồi cây gần đó, sáng rỡ với lá non mùa xuân. Tôi được đưa vào phòng sách lớn và khi bước vào thì thầy J.M.H. đứng ở đó, lưng quay lại lò sưởi, và một người lớn tuổi đội mũ sọ (skull cap) ngồi ở bàn ngổn ngang những sách và giấy tờ. Thầy bước tới đón tôi, với nụ cười không gì sánh được của ngài; rồi choàng tay qua vai tôi, ngài dẫn tôi về phía người lớn tuổi.
– Ngài Thomas, thầy nói, đây là một trong các chela của con, Charles Broadbent.
Vị lớn tuổi ngước nhìn tôi qua đầu mắt kính của ngài, mỉm cười và bắt tay tôi. Tôi ước chừng ngài khoảng gần tám mươi tuổi, tuy chỉ có vài đường nhăn trên gương mặt mạnh mẽ và trắng nhạt.
– Ngài Thomas,  hẳn con đã đoán, là chủ nhà cho mời chúng ta đến.
Tôi nói vài lời cám ơn ngài đã tốt bụng cho tôi đến nhà.
– Nào, nào, ngài nói một cách vui vẻ, rất vui lòng. Nhà rộng rãi nhiều phòng mà. Ngài nhìn thầy J.M.H. gật đầu một cách ý nghĩa rồi rút lui, cầm theo một xấp giấy tờ với ngài.
Sau khi vị này đóng cửa lại sau lưng, thầy J.M.H. yên lặng nhìn tôi một chốc, và tình thương tỏa ra từ ngài là điều phải kinh nghiệm mới biết mà không thể diễn tả thành lời. Nó làm tôi xúc động nghẹn ngào không nói được. Mãi sau khi có thể cất tiếng thì tôi nghe giọng nói của mình run run.
– Con tưởng không cần phải nói cho thầy hay là điều này có nghĩa gì đối với con ... nhất là khi chúng con tưởng là thầy lại bị thiệt mạng.
– Con biết lời xưa có nói, thầy đáp và mỉm cười, rằng muốn tốt bụng thì đôi khi người ta phải nhẫn tâm. Con nghĩ là thầy có thích nhẫn tâm không ?
– Con tin đó là điều thầy không thích hơn hết, tôi thật lòng nói, thế nhưng con xin thú thật ngay là vừa mới nghe tin thầy đi mất, trong một chốc con tức giận cả với thầy !
– Đó là chuyện tự nhiên, con à, thầy không có gì phiền trách. Nhưng thầy có chuyện này để nói, thầy chỉ biết sau khi chuyện đã xẩy ra, là các vị thần Karma đã xếp đặt cho có người chết mang cùng tên và những chữ đầu giống như thầy, và rồi thầy chỉ cảm nhận ra nó từ những luồng tư tưởng của các chela.
– Thế rồi khi thầy cảm biết nó ... tôi mở lời rồi ngưng bặt.
– Tại sao con lại ngần ngại ?
– Vì tuy điều con sắp hỏi chỉ là để biết, nhưng nó có thể nghe như lời chỉ trích.
– Con cứ hỏi.
– Vậy sao thầy không đính chính lại lời đồn là thầy đã mất ?
– Vì những ai tin nó là rất dại, và với ai không tin thì chẳng cần phải nói là nó không đúng thật.
– Vậy mà có lúc con lại tin, tôi thú thật.
– Thế thì nay không tin nữa lại càng đáng khen. Ngài giơ tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống ghế bành, còn ngài thì vẫn đứng.
– Nghe này, con. Con tưởng thầy làm chủ được vận mạng của ta, con đã lầm. Thầy chỉ là một phương tiện dù rất nhiệt tình, trong tay của những đấng đã chứng đạo cao hơn ta. Con cũng nghĩ rằng khi Thầy rời nhà của thầy khi ấy ở Boston, thầy không hề có ý trở lại, điều này con cũng lầm. Nếu thầy không hề trở lại, ấy là vì thầy được lệnh không trở lại.
– Nhưng Arkwright cho con hay là thầy có nói nói mấp mé ... tôi mở miệng.
– Đúng, vì thầy được những vị Bề Trên khuyến cáo là thời giờ của thầy ở đó sắp hết, và ta cần phải xếp đặt công chuyện, nói khác đi là lo chuyện nhà cho êm xuôi.
– Có phải là vì vậy mà người ta nói Heddon biết nhiều nhưng không nói hết, phải không ?
Ngài xác nhận, có vẻ như tức cười với sự việc.
– Con hỏi được không, là tại sao thầy phải rời nước Mỹ ? tôi dè dặt hỏi.
Ngài nhìn tôi với đôi mắt xanh đầy từ lực. Sau một lúc suy nghĩ, ngài đáp:
– Bà mẹ nào vẫn tiếp tục bồng con, trong khi trẻ đáng lẽ phải tập đi là không khôn ngoan; và guru nào vẫn tiếp tục ở với chela khi họ phải học tự lo cho chính mình, cũng là không sáng suốt.
– Chỉ có lý do đó thôi ư ? tôi ngạc nhiên hỏi.
Ngài lắc đầu
– Còn nhiều lý do, con à. Những lý do một phần liên quan đến Karma của nhóm, một phần với từ lực nhiễm độc của đô thị lớn, nhất là ở Hoa Kỳ, và một phần liên kết với sự phát triển riêng của thầy.
Ngài khoanh tay trước ngực, và nhìn xuống tôi một cách hiền từ.
– Khi con viết lời bạt cho quyển đầu tiên trong bộ sách này của con, con nói rằng vài vị Chân sư sống trong thế giới và du hành tới lui trong thế gian như người thường. Đúng, nhưng con quên nói rằng thỉnh thoảng, các ngài tuyệt đối bắt buộc phải đi ở ẩn, để sửa chữa sự hao mòn của thể xác và những thể thanh của mình, do tiếp xúc với người ngoài đời. Thành thật mà nói, điều kiện tâm linh ở Hoa Kỳ quá đỗi xáo trộn và rã rời vào lúc này, nên Thầy của ta phải can thiệp và từ chối không cho ta ở lại đó lâu hơn nữa.
– Nhưng tại sao những điều kiện ấy tệ hơn ở Mỹ so với các nơi khác ? Tôi hỏi.
– A, tại sao ư ? Ngài đi vài bước tới lui trong phòng. Những người làm luật không ai muốn (Luật Cấm về Rượu – Prohibition Law) tính là luật sẽ trừ được một tật xấu cho xã hội, làm gợi nên ý muốn phá luật ấy, và chuyện xấu hoặc nhiều điều xấu gây ra, có thể cho thấy là còn tệ hơn chuyện đầu.
–  Thầy muốn nói tới việc cấm buôn bán rượu ? Tôi hỏi dò.
– Chính vậy. Việc uống rượu gây nguy hại cho những quyền năng tâm linh và trực giác còn ẩn tàng nơi người Mỹ. Do đó, các thiên thần quốc gia gợi hứng về việc cấm rượu. Kết quả là sao ? Vì lẽ ra không nên uống, giới thượng lưu đâm ra uống nhiều hơn bao giờ hết cho hợp thời. Đó là chuyện xấu thứ nhất. Cộng thêm vào đó là chuyện tình dục bừa bãi, hối lộ, tham nhũng, phá luật và chống đối, và con có nhiều chuyện xấu khác làm xã hội tan rã y vậy, hoặc còn hơn nữa.
Trong nhiều năm thầy chịu đựng làn từ lực độc hại mà những điều kiện như thế sinh ra, thầy cố gắng thích nghi hết sức mình. Như con biết, thầy còn tập thói quen hút thuốc nhiều, để làm giảm bớt tính nhậy cảm của thầy, và vì thế gợi nên những làn tư tưởng trách cứ hướng tới thầy, của những người TTH có tánh cẩn thận và những người khác, ngài giải thích với nụ cười dễ dãi, những ai đọc về thầy trong sách của con ... Tuy nhiên …
– Oh, nếu biết vậy hẳn con đã không nghĩ đến chuyện viết ra điều đó ! tôi ngắt lời, nhưng thầy có khuyến cáo chúng con, thầy ạ, về sự thiếu khoan dung với việc hút thuốc và những thói quen tương đối vô hại, ngay cả trong những bài giảng của thầy ...
– Thầy không rút lại lời đã nói, ngài bẻ lại, khoát tay bác bỏ coi chuyện chẳng đáng gì. Ta chỉ giải thích với con những điều thầy bắt buộc làm để thích nghi. Ngài ngồi xuống một ghế bành đối diện với tôi. Giờ khắc để làm những thích nghi ấy đã qua rồi, vì Ngày mới đã tới, đòi hỏi có những phương pháp và chỉ dạy mới, những đấng Cao Cả ra lệnh cho thầy rút lui, để hồi phục và tập luyện cho một công việc mới sẽ được giao phó cho ta.
Tới chỗ này thì Ngài Thomas đi vào phòng khách.
– Nếu con muốn dùng Thanh Phòng thì chìa khóa đây, ngài nói với thầy J.M.H., đưa chìa cho ngài. 
– Đi nào, thầy J.M.H. nói.
Chúng tôi đi theo một hành lang dài và rộng có treo hình vẽ của tổ tiên, cho đến một cửa Gothic nhỏ.
– Vào đi, ngài nói, sau khi dùng chìa mở khoá.
Đó là căn phòng nhỏ hoàn toàn trống, chỉ có ba chiếc ghế bằng gỗ sồi, lưng cao chạm trổ, xếp thành hình bán nguyệt, đối diện với  những cửa sổ gắn kính mầu từ thế kỷ thứ mười ba hết sức tinh xảo tôi chưa hề gặp. Tường phòng và trần mầu xanh, trên mỗi bức tường có khung vẽ xinh đẹp. Có mùi rất nhẹ giống như trầm hương, tuy có phải thật là trầm hương hay không thì tôi không nói được.
– Mầu đẹp quá, tôi trầm trồ, và bầu không khí tuyệt vời trong phòng này ...
Ngài mỉm cười đồng ý, chỉ cho tôi ngồi một ghế và ngài ngồi xuống ghế bên cạnh.
– Chúng ta đang ở trong thời mạt pháp, ngài bắt đầu, anh bạn chiêm tinh gia của con có thể giải thích nhiều điều, nếu con chịu hỏi.
– Té ra thầy có biết David Anrias, tôi ngạc nhiên hỏi.
– Thầy có chú ý đến anh, ngài trả lời, mỉm cười.
– Thế tại sao anh ta không thấy thầy ?
– Làm sao con biết là anh không thấy ?
– Chà, anh chàng không hề nói gì hết.
– Có người giữ được bí mật   ... giọng ngài có vẻ chế diễu nhẹ nhàng, điều mà như con biết, là điều sơ đẳng A, B, C trong huyền bí học.. Nhưng thầy đang nói với con về thời mạt pháp, ngài đổi đề tài, đó là chu kỳ trong đó đặc tính Shiva hay Hủy Diệt tác động. Nó bắt đầu từ 1909 và chỉ chấm dứt vào 1944, tuy ảnh hưởng của nó có lẽ bắt đầu giảm bớt trước năm đó. Chính những lực phá hoại của nó đã gây ra thế chiến I và những xáo trộn sau đó trong xã hội. Nhưng điều mà chúng ta đặc biệt quan tâm là ảnh hưởng của nó đối với tâm lý nhóm.
Như con còn nhớ, hoạt động của thầy phần lớn trụ vào quanh một nhóm nhỏ học trò. Trong một thời gian dài thầy nỗ lực chống chọi lại các khó khăn để giữ nhóm được trọn vẹn chung với nhau, nhưng cuối cùng nó vượt quá mức kiểm soát của thầy. Nhóm tạo ra Karma nhóm, và không thực hiện được chỉ dạy của thầy về nhiều mặt, điều này con không biết, và chỉ bằng cách giải tán nhóm cả về mặt vật chất và tâm linh, bằng cách thầy rút ra khỏi nhóm theo cách thức con cho là nhẫn tâm, thầy mới có thể làm cho các chela hóa giải Karma ấy bằng sự đau khổ theo sau đó.
Ngài nhìn tôi mỉm cười một cách hóm hỉnh.
– Nay con đã hiểu vì sao sự nhẫn tâm có thể là lòng tốt bụng được trá hình ?
Tôi hiểu được hoàn toàn, và thưa như vậy.
– Nhưng vậy chưa phải là hết, bởi các Guru luôn luôn tìm cách một công làm đôi ba chuyện, cách này cũng được dùng như là thử thách cho chela, về lòng trung thành, niềm tin của họ, khả năng tự mình đứng vững. Con được có mặt hôm nay ở đây phần lớn do qua được thử thách này .
Và vào lúc ấy tôi nhận thức mình mừng ra sao là đã ‘giữ vững lập trường', và mau lẹ bác bỏ những nghi ngờ mà đã có lúc nẩy sinh trong trí. Nhưng ngài vẫn còn chuyện rất lý thú để nói với tôi.
– Trong thời mạt pháp, ngài tiếp tục sau khi ngưng một lúc, vị Hành Tinh Thượng Đế, đấng chủ trì địa cầu, sẽ thải bỏ và chuyển hóa độc chất như thỉnh thoảng cơ thể con người thải bỏ và chuyển hóa độc tố. Kết quả là thể tình cảm chung của nhân loại có xáo trộn, và những ai chưa biết tự kiểm sẽ có phóng túng về tình dục, rượu chè hoặc ngay cả tội phạm. Đây là chuyện đang xẩy ra lúc này, và ở mức độ rộng lớn đến nỗi lẽ tự nhiên nó ảnh hưởng nhân loại và sự phát triển của con người. Nếu con hỏi anh bạn chiêm tinh gia, anh sẽ cho con biết là ảnh hưởng của Mars đã gây ra điều ấy.
Thầy J.M.H. nhìn đồng hồ tay.
– Nay thầy phải làm việc với vị chủ nhà, thầy phải kiếu con ... Thầy đề nghị con đi chơi một vòng ngoài vườn, ngài nói khi đưa tôi đi theo hành lang. Bữa tối sẽ vào tám giờ ... À này, ngài thêm, Ngài Thomas muốn con ở trong vòng khuôn viên của nhà trong thời gian con ở đây.
Tôi chưa kịp trả lời thì ngài đã đi mất. 

 

CHƯƠNG  X
Thảo Luận của Thầy

Lời yêu cầu lạ lùng làm sao, tôi nghĩ thầm khi đi tản bộ trong cảnh trời chiều. Nếu ai khác không phải thầy J.M.H. mà nói như thế hẳn tôi sẽ thấy không thoải mái. Được mời xuống chơi một gia trang miền quê, và rồi được đối xử như một tù nhân thì lạ thật, đó là chỉ mới nói sơ sơ thôi. Rồi vị lão ông bí ẩn là ai ? Vì đột nhiên tôi nhận ra rằng tôi không biết ngay cả họ của ngài ! Thầy J.M.H. có cố tình không nói tên của ngài khi giới thiệu chúng tôi với nhau không ? Rồi tôi chợt nhận ra là tôi không biết mình đang ở đâu ... Xe đưa tôi đi qua bao nhiêu dặm đường ... Đột nhiên tôi hiểu là vì một lẽ nào đó Ngài Thomas không muốn tôi biết nơi chốn nầy, và do vậy muốn tôi chỉ đi lại trong vòng gia trang mà thôi. Được lắm, nhưng tại sao ? Tôi chịu thua, và bắt đầu suy đoán về mối liên hệ giữa ngài và thầy J.M.H. có thể là gì.
Rồi tư tưởng tôi lan man hướng về chính thầy J.M.H. Đây là lần đầu tiên từ khi được biết ngài mà tôi thấy ngài có vẻ mệt mỏi một chút, ngoài chuyện đó ra, dáng vẻ của ngài không có gì thay đổi. Nhưng phong thái có khác. Ngài cởi  bỏ những phong thái của người Mỹ mà ngài đã khoác lấy, và trở lại là thầy J.M.H. như hồi tôi mới gặp ngài nhiều năm về trước, với sự trịnh trọng nhẹ nhàng của thời Victoria và một chút kiểu cách thật duyên dáng, cung cách mà tiếc thay không còn nữa trong thời đại này ... Sau khi đi thơ thẩn một chốc, miên man với những ý tưởng của riêng mình, tôi nghe có tiếng kẻng reo, hiển nhiên là chuông báo giờ ăn tối; nên tôi đi lên phòng thay y phục cho bữa tối.
Phòng ăn có tường lót gỗ sồi và nhiều bức họa giá trị treo trên tường, trong đó có một bức của họa sư Vandyke.
Có bẩy người dùng bữa tối, ngoài Ngài Thomas, thầy J.M.H và tôi, còn có ba người đàn ông và một phụ nữ đứng tuổi ngồi ở đầu bàn đối diện với chủ nhà, và tôi nghe bà gọi ngài là 'Cậu'. Việc giới thiệu diễn ra lại cũng theo cách là không cho biết tên mọi người. Ngài Thomas mặc áo khoác nhung làm ngài trông vừa oai nghi vừa đẹp mắt. 
Các món hoàn toàn là đồ chay, không có rượu và sau bữa ăn không ai hút thuốc. Ngài Thomas là ai đi nữa thì rõ ràng ngài là một huyền bí gia. Ngài cũng là người ít lời, nhưng khi lên tiếng thì tỏ ra là người có thẩm quyền, và mọi người quanh bàn ngưng việc trò chuyện riêng của mình mà lắng nghe ngài.
Tôi không nhớ làm sao đề tài về Christian Science được gợi nên, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên được lời ngài nói:
– Christian Science, hmm ! Đúng, có hiệu quả, nhưng chỉ có nơi linh hồn nào lười biếng không muốn trả thêm karma xấu trong kiếp hiện sinh.
– Chính thế, thầy J.M.H. tiếp.
– Một bệnh nhân hết bệnh ung thư làm như có phép lạ, bệnh nhân khác thiệt mạng như không có phép lạ nào. Bệnh nhân đầu là người lười biếng về mặt tinh thần, phàm ngã được cho phép làm theo ý nó, bệnh nhân thứ hai thì linh hồn chế ngự phàm nhân.
– Và điều ấy áp dụng không phải chỉ về bệnh tật, thầy J.M.H. bàn thêm. Có bao nhiều người mong muốn theo một nghề nào đó, lại thấy mình phải làm nghề hoàn toàn khác. Ấy là do chân nhân định đoạt, linh hồn mạnh mẽ luôn luôn nhắm tới việc có tiến bộ, do đó chọn đi theo đường có trở ngại nhiều nhất.
– A, quả đúng vậy, Ngài Thomas đồng ý, và ai làm theo ý định của chân nhân thay vì chống báng, là kẻ khôn ngoan. Một nửa những sự đau khổ trong đời là từ đó mà ra.
Tôi nghĩ đến Chris, phàm nhân của bà hẳn đã qui thuận theo chân nhân rất mực, làm cho cuộc đời khó khăn và bị bó buộc của bà trông vui tươi như vậy. Ngài Thomas im lặng ít nhất đến năm phút, tuy thỉnh thoảng ngài mỉm cười hay gật đầu đồng ý với nhận xét này hay kia. Ngài giữ yên lặng nhưng không hiểu sao mắt tôi cứ hướng về phía ngài, và càng nhìn tôi càng thấy ngài thật đáng chú ý và khả ái. Một lần nữa tôi lại tự hỏi ngài là ai và là gì. Có thể nào ngài là một trong các Chân sư người Anh, và có thể thầy J.M.H. là đệ tử của ngài chăng ? Rồi cuộc chuyện trò quay sang phần chính trị, và dù tôi không thể theo dõi phần lớn câu chuyện và do đó không thể ghi lại hết, một hay hai điểm để lại ấn tượng sâu đậm trong ký ức tôi.
– Các quốc gia nào, thầy J.M.H. nói,  không chịu học do sự đổ máu, nay bắt buộc phải học sự nương tựa lẫn nhau qua việc bị áp lực kinh tế từ mọi phía, do các đấng Cao Cả xếp đặt, để những ai chi phối kinh tế thế giới may ra ý thức rằng Tình Huynh Đệ là một sự kiện trong thiên nhiên, mà không phải là lý thuyết viễn vông của người theo chủ nghĩa lý tưởng.
– Đức Chúa đã giảng những nguyên tắc đầu tiên về từ hai ngàn năm về trước, Ngài Thomas thêm vào, nhưng chúng bị làm ngơ vì làm vậy khiến người ta thấy thoải mái và không đắt tiền; nay việc vỡ nợ sẽ không thoải mái và do vậy cho ra hiệu quả. Ngài cười với mình. Một thiểu số học bài học nhờ triết lý, số đông người lại chỉ có thể học qua túi tiền của mình.
Chúng tôi phá ra cười với cách nói chuyện sắc bén và khôi hài của ngài.
– Lòng ái quốc nặng phần tình cảm, hoặc đầy cao ngạo, thầy J.M.H. lên tiếng, kiểu như lời tuyên bố "Rule Britania – Anh quốc thống trị" hoặc 'Deutschland uber alles – Đức quốc trên hết", sẽ phải thăng hoa thành ước vọng chân thật về sự hợp tác quốc tế. Tài chính phải, và cuối cùng sẽ có tính quốc tế. Hơn thế nữa, thời buổi chiếm thuộc địa mới đã qua rồi.
– Không còn đất đai để chiếm nữa, chủ nhân xen vào, đất đã chiếm hết, biển cũng được làm chủ cả rồi, và không gian cũng được thống trị - nay con người phải quay sang chiếm lĩnh những thế giới vô hình bằng cách hướng tâm thức vào trong thay vì ra ngoài.
– Và nghệ thuật nằm đâu trong chuyện này ? một trong những người đàn ông hỏi.
– Chỉ có những hình thức cao nhất của nghệ thuật, chứa đựng những ý niệm tinh thần cao cả, cuối cùng mới tồn tại, Ngài Thomas đáp. Nghệ thuật tầm thường làm ra vẻ khôn khéo chỉ dẫn tới thùng rác, vì không có tư tưởng cao cả nào hậu thuẫn. Nó được thổi phồng nhờ sự khoa trương và sẽ tàn lụi vì thiếu chất nuôi dưỡng.
Xong bữa chúng tôi đứng dậy rời bàn, đi sang phòng khách nơi có lò sưởi với ngọn lửa lớn đang cháy phừng.
– Chậc, chậc, vị thầy cao niên nói, người giúp việc muốn đưa ta lên giàn hỏa hay sao ?
Tuy đã cao tuổi nhưng ngài có sự nhanh nhẹn đáng kể, đi lấy một bức chắn nặng ở góc phòng đằng xa và đặt nó trước lò sưởi. Tôi xin giúp một tay, mà ngài từ chối. Rồi ngài ngồi vào một ghế bành, mê say đọc quyển sách lớn bìa da. Hai thanh niên chơi ván cờ, còn người thứ ba đứng ngoài xem. Nữ chủ nhân chơi bài patience một mình, để thầy J.M.H. và tôi nói chuyện với nhau. Sau một lát ngài gợi ý đi ra ngoài chơi một vòng.
Chúng tôi thả bộ trong sân dưới ánh trăng.
– Lão Chân sư thật là khả ái, tôi mở lời trước, nhưng khi được tiếp đón nồng hậu mà không được giới thiệu tên của chủ nhà thì có hơi lạ lùng.
– Ai được hỏi mà không biết để trả lời thì không phải nói dối, câu đáp được đưa ra nên sau đó tôi không hỏi gì thêm.
– Mai Lyall Herbert sẽ đến, thầy ngừng một chút rồi  cho hay.
Tôi vui mừng hớn hở và tỏ ý mình. Thấy không công bằng nếu chỉ có mình tôi được biết là thầy J.M.H. đã trở về. 
– Còn Toni Bland thì sao ạ ? tôi hỏi, Con chắc thầy biết anh đang gặp lúc khó khăn ?
– Có, ta biết.
– Hẳn thầy sẽ gặp anh chứ ?
– Không, ngài đáp.
Tôi sững sờ.
– Nhưng xin nghĩ coi chuyện sẽ có ý nghĩa tuyệt như thế nào với anh nếu thầy cho anh đến gặp ! Tôi không dừng được mà phải nói ngay.
Thầy mỉm cười có nhuốm chút buồn.
– Ngay cả lòng từ cũng phải được sáng suốt. Nếu giúp Toni Bland bây giờ thì ta sẽ làm trì trệ sự tiến bộ của anh trong những năm tới.
– Nghe lạ quá.
– Cách làm việc của Karma luôn luôn kỳ lạ. Nhưng điều gì chân nhân của ai đã quyết thì không nên sửa đổi, ngay cả Guru của họ cũng vậy. Giống như có những người khờ dại đua đòi học làm sang, thì ngược lại với những linh hồn lười biếng mặt tinh thần như Ngài Thomas đã nói, có những linh hồn chịu dấn bước về mặt tinh thần trong thế giới huyền bí học - Toni là một người như thế, và anh phải dấn bước một mình trên con đường tinh thần.
– Nhưng ít nhất thầy có thể cho anh chút an ủi ...
– Bác sĩ có dùng ma túy để làm dịu sự đau đớn chăng khi biết rằng nó sẽ chỉ làm trì hoãn sự lành bệnh? Ngài ngưng chốc lát rồi thêm vào:
– Có những người chúng ta có thể giúp nhiều hơn bằng cách không giúp gì cho họ. Ai ủi chỉ là một hình thức tế nhị của việc trợ giúp tạm thời.
– Còn nhà con thì sao ? tôi hỏi.
– Cô cũng là linh hồn chịu dấn bước, và do đó cô bị đau ốm. Bác sĩ có thể giúp cô một chút nhưng chưa đến lúc cô lành được. Cô sẽ tiến bước nhờ sự đau khổ và con thì tiến nhờ lòng nhẫn nại. Trong một kiếp trước cô săn sóc con, trong kiếp này con chăm lo cô trả lại. Và hãy làm cho tốt đẹp, con à.
– Con muốn nói là thầy có định gặp nhà con chăng ?
Ngài lắc đầu,
– Ta chỉ khiến chuyện tệ hơn nếu làm vậy.
– Thiệt tình con không hiểu nổi, tôi than, biết là Viola sẽ thất vọng dường bao.
– Nếu con hiểu hết mọi chuyện thì chẳng còn gì phải học cả. Thế nhưng - nếu con đặc biệt muốn biết thì có thể hỏi anh bạn của con.
– Thầy muốn nói Anrias ư ?
– Phải.
– Thầy nghĩ anh đáng tin không ? Tôi hỏi. Con không có ý nói về thuật chiêm tinh của anh, mà là khả năng hòa nhịp của anh với các Chân sư. Người ta phải cẩn thận về mặt đó.
– Ai có thông nhãn và chỉ thấy không mà thôi thì dễ bị lầm lẫn, ngài trả lời, nhưng ai có thể phân biệt được một loại rung động này với loại khác thì có thể tin tưởng được. Phải, con có thể tin tưởng anh bạn của con.
Chúng tôi rời hàng hiên và đi dọc theo lối đi quanh co, với cây in bóng lạ lùng dưới ánh trăng. Vẫn còn nhiều câu hỏi tôi muốn nêu ra, nhưng tôi cảm nhận rằng thầy J.M.H. đang trầm tư nên không muốn làm phá vỡ sự suy tưởng của ngài. Không khí trở lạnh và tôi rùng mình.
– Ta vào nhà lại đi, sau một lúc dài thầy nói.
Hai người đàn ông vừa kết thúc ván cờ lúc chúng tôi đi vào, và Ngài Thomas đứng cao trước mặt họ, chỉ tay vào bàn cờ.
– Đáng lẽ anh cho con pháo bình ba, ngài nói,  rồi cho con chốt đầu lội qua sông.
Người bị thua phản đối,
– Nhưng anh ta chiếu bí.
– Chậc, chậc, tiếp đó anh thọc cho xe xuống chiếu, anh còn chờ gì ? Mọi người ngủ ngon nhé.
Ngài nói một cách đột ngột, vẫy tay chào tất cả chúng tôi rồi đi mất.

 

CHƯƠNG  XI
Sự Thật về Krishnamurti.

Hỏi:
Ông nói rằng trong khi Chân Lý có thể đạt được hoàn toàn chỉ bằng nỗ lực cá nhân, về mặt khác công việc phải có tính tập thể và được ai quyền uy tổ chức. Nhóm các Chân Sư Huyền Học là tổ chức những đấng mà tựa như ông, đã giải thoát được mình khỏi mọi giới hạn và đã đạt tới Chân Lý; đảm đương một số công việc tự các ngài chọn cho mình để thăng tiến sự tốt lành nói chung của thế giới. Các ngài gợi hứng cho những cải cách to lớn trong mọi mặt của đời sống, và làm việc bằng phương pháp mà người ta biết được rất ít về chúng nhưng lại vô cùng hiệu quả.
Các ngài có sự cộng tác trọn vẹn với nhau, đó là tổ chức trọn hảo và các ngài tuân phục một đấng trị vì tuyệt đối, tuy vậy các ngài có hoàn toàn tự do trong đời. Cách sinh hoạt như vậy xem ra là kết quả hợp lý theo chỉ dạy của ông. Ông có phủ nhận điều này không ? Hay là lời thách đố của ông đúng ra nhắm vào lẫn lộn thường thấy giữa Chân Lý với công việc được tổ chức nhằm phục vụ nhân loại ?

 Krishnamurti:
Trước tiên bạn phải hiểu tôi muốn nói gì về công việc tập thể và công việc có tổ chức. Bạn nói rằng có một nhóm huynh đệ huyền bí, tổ chức làm việc cho nhân loại để thăng tiến sự tốt lành của thế giới. Cho rằng có những người có sự hiểu biết, đã đạt tới Chân Lý, và nhờ sự thành đạt ấy, dùng những phương pháp mà như bạn nói, không có mấy ai biết, chọn sứ giả và thành viên đặc biệt để làm công việc cho các ngài và gợi hứng cho những tổ chức đáng khen khác – đối với tôi nhận định này đặt  trên ảo tưởng, dẫn tới việc lợi dụng con người vì 'lợi ích' cho họ.

“Star Bulletin” September, 1931.

(còn tiếp).