THƯ CHO ÔNG SINNETT

Thư 5

 

(Xem Thư  cho  Ông  Sinnett 1 trong mục Sách Dịch) 

Thư 5, có vẻ như nhận ngày 5 tháng 11.
– Dường như ông Olcott dùng cách xưng hô thân tình hơn trong thư viết gửi Chân sư, là dùng tên của ngài. Thư trả lời:
'Tôi có thể trấn an bạn rằng tôi không có phản đối chi về cách viết của bạn là dùng tên tôi, như bạn nói ấy là do lòng quí chuộng, mà tôi cho là nhiều hơn việc tôi xứng đáng đối với bạn. Những cách xử sự của thế gian mệt mỏi nằm ngoài Ashram hẻo lánh của chúng tôi, không lúc nào khiến chúng tôi bận lòng, và bây giờ càng không chút nào hết khi chúng tôi tìm kiếm con người mà không phải trưởng ban nghi lễ (M.C.), lòng tận tụy mà không phải sự tuân thủ bề ngoài.'

– Chân sư cho biết lý do ngài có mặt trên đất Ấn:
'Tôi đi tới gặp thượng cấp để trình ngài bức thư quan trọng của ông Hume, và trên đường trở về đi ngang qua vùng Ladakh ... và thấy cảnh tuyết lở. Trong lúc tôi hân hoan với sự tĩnh lặng đáng sợ thường theo sau biến cố như thế, để có cái nhìn rõ hơn về tình trạng hiện thời ... tại Simla, tôi đột ngột phải choàng tỉnh. Một giọng nói quen thuộc, cao lảnh lót như truyền thuyết nói về tiếng con công của nữ thần Saraswati ... kêu to theo đường từ lực:
– Ông Olcott lại sinh chuyện rồi ! Người Anh sẽ bực tức ... Thầy Koot Hoomi, xin mau đến giúp con ! Tôi phải nói rằng bức điện tín của HPB đánh động tôi như hòn sỏi bắn ra từ cây ná !
Tôi đâu thể làm gì khác hơn là đến với bà ? Tranh luận qua không gian với người đang tuyệt vọng, đang bị rối loạn tâm trí chỉ vô ích. Nên tôi quyết định rời chỗ ẩn cư nhiều năm để dành thì giờ an ủi bà theo khả năng của mình ... Tôi đã tới đây vài ngày và nay thấy là mình không thể chịu đựng lâu hơn bầu từ lực của chính đồng bào tôi. Tôi thấy mấy người Sikh kiêu hãnh lớn tuổi say rượu lảo đảo trên vệ đường lót đá cẩm thạch của đền thờ thiêng liêng của họ. Tôi thấy luật sư người Ấn nói tiếng Anh (tức người bản xứ có hấp thụ giáo dục tây phương) lớn tiếng bài bác khoa Yoga và Theosophy rằng chúng chỉ là huyễn tưởng và lời dối gạt; tuyên bố khoa học của người Anh đã làm họ thoát khỏi 'mê tín dị đoan tệ hại' như thế, và nếu Ấn Độ còn tin rằng nhà Yogi dơ bẩn và đạo sĩ khất thực hiểu biết về bí ẩn của đời sống, hay có ai hiện giờ làm được phép lạ, thì đó là điều sỉ nhục ! Ngày mai tôi lên đường trở về ... Thư của bạn nhận được ở Amritsar ngày 27 lúc 2 pm, năm phút sau nó được chuyển đến tay tôi ở cách Rawalpindi gần 50 km, và tại Jhelum lúc 4 pm vào chiều cùng ngày tôi gửi bạn điện tín cho biết đã nhận thư. Như bạn thấy, cách chuyển thư nhanh chóng và liên lạc mau lẹ của chúng tôi so với thế giới tây phương, hay ngay cả với luật sư bản xứ nói tiếng Anh có lòng hoài nghi, không có gì phải đáng thẹn.'
Thượng cấp ở đây có vẻ là đức MahaChohan - đức Văn Minh

– Nay lời giải thích của Chân sư cho biết thêm về cách làm việc bên trong vào những ngày đầu của Hội. Ta được biết buổi ban sơ Hội được thành lập là do gợi ý của hai chân sư M. và K. H. Vào thời điểm của thư này, khi hai nhân vật Hume và Sinnett xuất hiện, tỏ ý muốn giúp Hội theo cách của hai người, đức K.H. không tự quyết định mà trình sự việc lên một đấng cao hơn. Thư viết.
'Đề nghị của ông Hume đã được xem xét cẩn thận ... Đức Maha (thượng cấp) cho phép tôi liên lạc với cả hai bạn và lại còn có thể – trong trường hợp một chi bộ Anh-Ấn được thành lập - một ngày nào đó có tiếp xúc riêng với chi bộ. Nay chuyện hoàn toàn tùy thuộc vào các bạn.'

– Chân sư cho biết nhận xét của ngài về ông Olcott:
'Hẳn nhiên ông Olcott 'không hợp thời' với tình cảm của người Anh ... nhưng dầu sao cũng còn hợp với chúng tôi hơn. Chúng tôi có thể tin tưởng hoàn toàn nơi ông trong mọi trường hợp, và ông trung thành phục vụ chúng tôi trong lúc thuận lợi cũng như không thuận lợi. Bạn thân mến, lời của tôi là tiếng vang của công lý vô tư. Ở đâu chúng tôi có thể có được lòng tận tâm giống vậy ? Ông không hề đặt câu hỏi, mà vâng lời; có thể phạm vô số lỗi lầm do lòng nhiệt thành quá độ, mà luôn sẵn lòng chữa lỗi dù phải bị nhục nhã lớn lao; vui lòng hy sinh tiện nghi và mạng sống của mình khi cần thiết, ăn bất cứ thức chi hoặc cả nhịn ăn; ngủ bất cứ giường nào, làm việc bất cứ ở đâu, kết bạn với bất cứ ai bị hất hủi, chịu đựng bất cứ thiếu thốn nào vì công cuộc ...'

– Với đề nghị của hai ông Hume và Sinnett là lập một chi bộ không chịu sự chi phối của hai vị sáng lập Olcott và HPB, thư cho hay:
'Tôi nhìn nhận ... là ông sẽ không can dự vào chi bộ này y như với chi bộ Anh tại London. Sự liên kết của ông với chi bộ sẽ thuần tính cách tượng trưng ... và cho chi bộ tự quản trị không cần đến can thiệp từ bên ngoài, hoặc hiếm khi cần. Tuy nhiên nếu làm cho chi bộ Anh-Ấn độc lập hoàn toàn hay một phần với Hội chánh, với cùng các mục đích và cùng đường hướng ... chẳng những khiến cho Hội chánh bị tử vong, mà còn khiến chúng tôi phải làm việc và bị lo lắng gấp đôi mà không thấy có lợi gì.
Hội chánh không hề xen chút nào vào chi bộ tại Anh cũng như với bất cứ chi bộ nào khác, về mặt triết lý hay tín ngưỡng. Khi có chi bộ mới được thành lập, Hội chánh sẽ cấp chứng thư ... rồi thường là rút lui. Liên hệ với Hội chánh với các chi bộ chỉ giới hạn vào việc nhận báo cáo mỗi ba tháng về việc làm của chi bộ v.v. ... ngoài ra nó không hề xen vào chuyện của chi bộ trừ phi được yêu cầu đứng ra phân xử ... vậy có gì khiến chi bộ của bạn không được hoàn toàn độc lập ?'

– Tới đây, chúng ta được chứng kiến óc khôi hài của Chân sư K.H., cũng như đặc điểm của ngài là hết sức dịu dàng khi cần vạch ra lầm lỗi. Để hiểu rõ sự khôi hài này, xin nhắc lại tình trạng của VN thời Pháp thuộc, khi ấy Pháp đặt quan Khâm sứ người Pháp tại VN; nay trong bối cảnh của thư, Anh đang cai trị Ấn Độ và cũng đặt văn phòng tương đương Khâm sứ tại đây. Thư viết:
'Chúng tôi còn rộng rãi hơn là người Anh của bạn rộng rãi với chúng tôi. Chúng tôi sẽ không ép buộc, ngay cả không yêu cầu bạn thuận cho có một 'khâm sứ' Ấn Độ trong chi bộ của bạn để bảo vệ quyền lợi của Hội chánh khi tuyên bố cho chi bộ độc lập, mà hoàn toàn tin tưởng vào sự trung thành và lời hứa danh dự của các bạn.'
– Ông Sinnett mong muốn được gặp mặt Chân sư, vài ngày trước đó, trong đêm trước buổi đi chơi ngoài trời và có chuyện đào được tách trà, ông cảm nhận là đức K.H. đến cho ông được gặp nhưng chỉ nhớ được lờ mờ. Thư nhắc tới lòng ước ao này, mà qua đó ta cũng có thể suy ra phần nào khó khăn của việc hiện hình.
'Câu hỏi của bạn là liệu có thể được thấy lại hình ảnh mà bạn thấy vào đêm trước ngày đi chơi ngoài trời, có ý trách móc. Tôi nghĩ nếu bạn được thấy mỗi đêm, chẳng bao lâu bạn sẽ không còn 'quí chuộng' chúng chút nào. Nhưng còn một lý do quan trọng hơn về tại sao bạn không nên được thấy nhiều - vì nó sẽ làm hao phí sức lực của chúng tôi. Khi tôi, hay bất cứ Vị nào trong chúng tôi, có thể thỉnh thoảng liên lạc với bạn hoặc trong giấc mơ, gây ấn tượng lúc thức, bằng thư (trong gối hay ngoài gối) :) hoặc đến gặp trong thể tình cảm, thì sẽ có liên lạc. Nhưng xin nhớ rằng Simla cao hơn Allahabad 2.300 m và để có hiện tượng xẩy ra ở nơi sau thì phải vượt qua trở ngại hết sức lớn lao. Tôi không muốn khuyến khích bạn mong đợi quá nhiều, vì tựa như bạn, tôi không thích hứa hẹn mà vì lý do này hay kia tôi có thể không thực hiện được.'
Có vẻ như nơi cao hơn là Simla có bầu không khí trong trẻo thuận tiện hơn cho việc làm hiện tượng, con Allahabad là nơi thị tứ ồn ào, không thanh khiết bằng.

– Cuối thư có đề cập tới mục đích thứ nhất của Hội và cũng cho ta thấy trước điểm khác biệt giữa hai ông Sinnett và Hume với các Chân sư về chủ trương của Hội. Hai ông cho rằng việc học hỏi huyền bí học là điều quan trọng, trong khi các ngài có chủ đích khác hẳn. Thư viết tiếp:
'Chữ 'Tình Huynh Đệ Đại Đồng' không phải là từ ngữ suông. Chúng tôi cảm thấy phải đáp ứng với  đòi hỏi của nhân loại như là một khối, như tôi cố gắng giải thích trong thư của tôi cho ông Hume và tốt hơn bạn nên mượn xem. Chỉ có nó mới là nền tảng vững chắc cho phần đạo đức chung. Nếu đó là ước mơ thì ít nhất ấy là mơ ước cao quí cho nhân loại và là ước nguyện của vị đạo sư chân chính.'
Lời khẳng định này sẽ thỉnh thoảng được nhắc lại trong các thư về sau, chẳng những nó cho thấy mục đích của Hội mà còn luôn cả tính chất của con đường đạo.
...
Thư 6, nhận ngày 3 tháng 11, 1880.

Đây là phần tái bút của thư 5, viết ở trang khác và ban đầu có sự nhầm lẫn xem nó như là một thư riêng rẽ.
HPB là người trung gian nhận và chuyển thư giữa ông Sinnett và Chân sư từ lúc đầu tiên. Trong thư  6 ngài nói đến việc HPB và ngài tìm cách khác cho việc trao đổi thư từ:
'Tôi hy vọng sẽ gửi đến bạn tên một bưu điện ở tiểu bang Punjab hoặc North–West Frontier, nơi mà một thân hữu của chúng tôi mỗi tháng qua lại một, hai lần.'
...
Thư 7, nhận khoảng 3 - 20 tháng 11, 1880

Đức K.H. cho hay ngài muốn trả lời thư của ông cẩn thận và rõ ràng nên xin được thư thả vài ngày.
...
Thư 8 và 9, nhận ngày 20 tháng 11, 1880.

Hai thư này cần được xem chung với nhau, vì thư 8 là phần hai của thư của ông Hume gửi cho ngài K.H., trong đó ông nhắc đến thư 5 ở trên của ngài gửi ông Sinnett (thư 11 trả lời phần một). Ông có nhận xét về vài điểm trong thư  5 và thư 9 là thư trả lời của Chân sư về các nhận xét ấy.
Hai thư cho thấy một lần nữa là quan niệm của người trần thật khác xa với bậc giải thoát, và chuyện cũng rất hữu ích khi ta biết được cách nhìn của Chân sư. Việc ông Olcott luôn vâng theo lời Chân sư bị ông Hume xem là điều đáng chê trách, theo ý ông người ta bị mất tự do khi xử sự như vậy; nhưng theo ngài K.H. trong thư  9:
Không người sống nào tự do hơn chúng tôi, một khi chúng tôi vượt qua được giai đoạn thụ huấn. Trong giai đoạn ấy chúng tôi phải thuận theo và vâng lời, bằng không nếu dành thì giờ để tranh luận chúng tôi sẽ không học được gì.
Đây dường như là qui luật khi ta muốn tiếp xúc và làm việc với các ngài. Cho riêng đức K.H., khi xưa trong kiếp là nhà toán học và hiền triết Hy Lạp Pythagoras, trường của ngài tại Krotona (nay thuộc Ý) có luật là người nhập môn phải trải qua một thời gian ba năm (có sách ghi bẩy năm) chỉ lắng nghe khi dự các buổi học, và không được bầy tỏ ý kiến. Sau giai đoạn này họ mới được phép ngỏ lời.
Một lý do của sự khác biệt ý kiến giữa ông Hume và đức K.H. là ông Hume nhìn sự việc theo  trí năng còn đức K.H. theo quan điểm tinh thần. Trí năng phát triển cao độ nơi người như ông Hume mà không có phần tinh thần nẩy nở tương ứng, cho ra ý niệm mạnh mẽ về cái tôi. Do đó ông không chấp nhận thái độ vâng lời các chân sư của ông Olcott, tuy nhiên các chân sư không còn 'cái ngã' và sự vâng lời của trò đối với thầy không hề có ý cái tôi của thầy chế ngự trò như ông Hume chê trách. Đúng ra, thái độ ấy muốn nói trò nhìn nhận thầy là bậc giác ngộ xứng đáng dẫn dắt mình. Bởi ông Hume chú trọng vào việc có được hiểu biết huyền bí học thay vì sự giác ngộ, cũng như ông rất tự hào về trí tuệ của mình và đánh giá mọi việc theo quan điểm cõi trần, chuyện bất đồng ý kiến là điều không tránh được. Nói thêm thì bài 'Những Nấc Thang Vàng' cho ta biết thêm sự liên hệ giữa thầy và trò:
Một dạ trung thành với bậc Huấn Sư,
Một  lòng quả quyết tuân theo mạng lệnh của Chân Lý khi chúng ta tin tưởng nơi bậc Huấn Sư, và tin rằng Ngài nắm giữ chân lý ấy,

Ta đã thấy vì sao ông Hume chê trách sự vâng lời. Sự chê trách có lý của nó khi ta nhớ lại thời của ông Hume - cuối thế kỷ 19 - là giai đoạn 100 năm cuối của chu kỳ Song Ngư Pisces. Chu kỳ này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cung sáu, tính chất chính của cung này là lòng sùng tín và bởi con người còn bất toàn, lòng sùng tín đã bị hiểu sai và lạm dụng nhất là trong tôn giáo. Trí năng phát triển cao độ của ông làm ông Hume phản đối việc để một cái trí khác chế ngự trí mình, nhưng nếu ông biết nhìn theo quan điểm tinh thần thì sự việc khác hẳn, xin đọc bài Cách Ashram Làm Việc trong số này, trang 53 về lòng tuân phục.
Điểm khác đáng chú ý là nhận xét của Chân sư về tính hay tranh luận:
... một người mà cả đời dường như chỉ gồm việc tranh cãi không ngừng ... ông sẽ làm bất cứ ai trong chúng tôi, ai không may đến gần ông trong vòng bán kính 1 dặm (1.6 cây số), bị tê liệt trong 24 tiếng đồng hồ chỉ bằng lời đơn điệu nói về quan điểm của ông. Không, ngàn lần không, người như vậy có thể là chính khách có tài, là nhà hùng biện hay là gì khác, nhưng - không bao giờ là bậc đạo sư.
Thư 10 nói thêm về tính này:
Tâm tính  như vậy không thu hút được ai trong chúng tôi, ai mà sẵn lòng chịu đến và giúp đỡ ông.

Ta cần phân biệt giữa ý muốn tìm hiểu sự thật và sự tranh cãi hơn thua nặng phần cái ngã. Sự tranh luận chính đáng có chỗ đứng của nó trong việc học hỏi, nhưng khi bị sử dụng sai lầm thì nó ngăn trở thay vì trợ giúp việc đi tìm hiểu biết. Chuyện kể khi HPB nhận biết một ai nêu thắc mắc vì thật tâm muốn được chỉ dạy, bà hân hoan giải thích, chịu dành thì giờ quí báu để giúp họ; nhưng khi thấy ý kiến chỉ nhằm đả kích mà không có lòng đi tìm sự thật, bà có lời mạnh mẽ xua khách ra.
...
Thư 10, ngày nhận khoảng 1 tháng 12, 1880.

– Đầu thư cho ta một chi tiết lý thú về cách Chân sư nhận thư của ông Sinnett, cũng như sai lầm có thể có trong cách truyền tư tưởng:
Tôi nhận thư bạn viết ngày 19 - 11, rút thư ra khỏi phong bì ở Meerut bằng cách thẩm thấu osmosis đặc biệt của chúng tôi, và cái vỏ thư bảo đảm rỗng ruột một nửa được yên lành gửi tới HPB tại Cawnpore, khiến bà la lối tôi ... Nhưng lúc này bà quá yếu không đóng vai trò đưa thư cõi trung giới được. Tôi xin lỗi là bà lại tỏ ra thiếu chính xác khiến bạn hiểu lầm; nhưng đây chính yếu là do lỗi của tôi, vì đôi khi tôi quên xoa thêm trên đầu bị đau ốm của bà lúc này, khi bà quên và lẫn lộn chuyện hơn lúc thường.
Tôi không bảo HPB nói với bạn 'Hãy bỏ đi ý tưởng về chi bộ Anh–Ấn vì nó sẽ không đưa tới đâu cả', mà thật ra tôi muốn nói 'Hãy bỏ đi ý tưởng hợp tác với ông Hume về chi bộ Anh–Ấn vì nó sẽ không đưa tới đâu cả'.
Ai hoài nghi việc làm hiện tượng thường bắt bẻ rằng kẻ giả mạo sẽ từ chối tạo hiện tượng khi e ngại bị lộ tẩy, viện cớ hôm nay không được khỏe; vì vậy chi tiết trên đáng chú ý, nó muốn nói sức khỏe thể chất ảnh hưởng mạnh mẽ việc tạo hiện tượng và quyền năng tâm linh, ở đây là việc nhận tư tưởng người khác không trọn vẹn. Vì vậy nếu ai từ chối không tạo hiện tượng vì không khỏe thì nó không khác gì việc ca sĩ bị cảm và từ chối không hát, và không có nghĩa là họ giả mạo, tìm cách tránh né. 

Trong phần kế, ngài nói nhiều về tính kỳ thị chủng tộc của hai ông Hume và Sinnett nói riêng, và người Anh nói chung đối với người Ấn.
... bạn phải đừng giận về điều tôi nói với ông Hume về người Anh nói chung. Họ thật là kiêu ngạo. Đặc biệt đối với chúng tôi nên chúng tôi xem đó như là đặc tính dân tộc của họ. Không ai, hay ít người (cố nhiên với ngoại lệ như là bạn, khi ước nguyện mạnh mẽ làm người ta bỏ qua mọi yếu tố khác) lại có hề chịu nhận 'a nigger' làm người hướng dẫn hay lãnh đạo. Tính kỳ thị chủng tộc thật sâu đậm và ngay tại nước Anh tự do chúng tôi bị xem là 'sắc dân thấp kém'.

Về dự định thành lập chi bộ Anh–Ấn, ý muốn chi bộ độc lập với Hội chánh và Hội trưởng là ông Olcott, và ao ước được một trong các ngài chỉ dạy huyền bí học, Chân sư viết:
– Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm cho bạn, trong hoàn cảnh và luật lệ mới mà tôi bị bó buộc. RÁNG  THỬ.  Đừng tuyệt vọng ... Hãy hợp với vài người nam và nữ quyết chí, và làm thí nghiệm về hiện tượng tâm linh. Nếu bạn làm theo phương pháp đã mô tả thì chót hết sẽ đạt kết quả. Ngoài điều này, tôi sẽ cố hết sức mình - ai biết được ! Ý chí mạnh mẽ tạo nên việc, và thiện cảm hấp dẫn cả bậc thánh nhân, dù rằng luật nơi cảnh giới của các vị chống lại việc các ngài chung đụng với người phàm.
Cố nhiên bạn phải chấp nhận ông Olcott là Hội trưởng của Hội chánh ... nhưng ông là 'lãnh đạo' của bạn như 'lãnh đạo' của chi bộ tại Anh. Chi bộ này có chi trưởng, nội qui, điều lệ riêng của nó. Ông gửi văn bằng lập chi bộ cho bạn, và chỉ có thế thôi. Trong vài trường hợp ông sẽ phải ký một hai giấy tờ bốn lần một năm khi thư ký chi bộ gửi tường trình về cho ông; nhưng ông không có quyền can thiệp vào việc điều hành chi bộ hoặc cách hoạt động, bao lâu mà những điều này không chỏi với điều luật chung, và chắc chắn là ông không có khả năng cũng như không có ý muốn làm người lãnh đạo của bạn ... nhưng bạn à, hãy bỏ mọi ý nghĩ là có người đích thân tới chỉ dẫn các bạn về huyền bí học trong những năm tới. Tôi có thể đến riêng với bạn ... nhưng tôi không thể đến với tất cả Mọi Người ... không đạo sư nào sẽ được phép dự những buổi họp của bạn.
...
Thư 11, nhận tháng 12 – 1880.

Sau khi nhận được hồi đáp của đức K.H. cho thư đầu tiên của mình gửi đến ngài, ông Hume viết thêm hai thư, với thư ba gồm hai phần, phần hai có trả lời là thư 9 ở trên và phần một có trả lời là thư 11. 
Sự khác biệt trong cách suy nghĩ của ông Hume và các Chân sư được ngài giải thích trong thư:
Dù ý tưởng trong thư mạch lạc, cao đẹp ra sao, ước vọng nồng nàn như thế nào, thư vẫn nằm trước mặt tôi như là gương phản chiếu lại tinh thần của thời đại là điều mà chúng tôi đã tranh đấu chống lại cả đời mình ! Nếu được tốt nhất thì ấy là nỗ lực bất thành của cái trí sắc bén được huấn luyện theo cách ngoài đời, muốn tìm hiểu cùng phán xét lối sống và cách suy nghĩ mà nó không biết, vì lối sống lối suy nghĩ ấy thuộc về một thế giới khác với thế giới mà trí tuệ đó quen xử sự.
Thư nhắc lại chủ trương của các Chân sư và thượng cấp các ngài là Hội có mục đích quảng bá Tình Huynh Đệ Đại Đồng, còn hai ông Hume và Sinnett muốn lập một nhóm để học về huyền bí học. Khi đề nghị của hai ông được trình lên thượng cấp các ngài, có quyết định đưa ra với điều kiện không thể biến đổi là một chi bộ mới (chi bộ Anh-Ấn) có thể được lập về Tình Huynh Đệ Đại Đồng,  và vài người chọn lọc trong số hội viên chi bộ - nếu thuận theo điều kiện của các Chân sư - có thể được cho phép bắt đầu học về huyền bí học qua thư viết của một trong các Chân sư.
Thư nhấn mạnh là không có đề nghị về phần các ngài việc lập một tổ chức về huyền bí học vì nhiều lý do, một trong các lý do là đã có một nỗ lực tương tự vào khoảng 20 năm trước tại London (tức khoảng 1860)  của các nhân vật có tiếng tại Âu châu. Chân sư cho biết:
– Tôi đến thăm khoảng 5, 6 lần và thấy ngay từ đầu là nó chẳng có gì và không thể có gì cả.
Ngài cho nhận xét về chi bộ của Hội tại Anh là chỉ nhìn nhận Tình Huynh Đệ Đại Đồng trên danh nghĩa, còn thì hoàn toàn ngưng trệ về mặt tinh thần và do dó không có tiến bộ.
Lý do thất bại được ghi:
... Họ có ước vọng hết sức ích kỷ và chỉ nhận được phần thưởng cho lòng ích kỷ của mình.

Sự việc cho thấy các ngài làm việc theo luật thiên nhiên giống như chúng ta, tức đi theo sự việc, nương theo diễn biến rồi hành động mà không phải là làm 'phép lạ' tạo thuận lợi cho mình. Với việc thành lập Hội và quảng bá Theosophy, hai Chân sư sáng lập phải làm như ai khác là chờ cơ hội, và khi cơ hội đến qua việc hai nhân vật có thế lực là ông Sinnett và ông Hume chú ý đến mặt huyền bí học và có đề nghị hợp tác,  đức K.H. có hy vọng khi đọc thư của ông Hume:
... thư đầu tiên của bạn đầy sự thành tâm, ý thư đầy hứa hẹn, nó mở ra nhiều khả hữu lớn lao để làm lành ... tôi không thể coi nhẹ tầm quan trọng của thư nên mang đến thượng cấp đáng kính của chúng tôi (đức Mahachohan – Văn Minh). Tuy nhiên Ngài chỉ cho phép tôi tạm thời trao đổi thư từ với ông, để ông cho biết ý kiến trước khi có hứa hẹn rõ rệt. Chúng tôi không phải thần thánh, ngay cả thượng cấp của chúng tôi cũng chỉ hy vọng (về lợi ích của việc lập chi bộ Anh-Ấn - ý viết thêm).
Đây là điều có lẽ ta nên nhớ kỹ. So với người trần, các Chân sư và những đấng cao hơn đã tiến hóa rất xa, ai có hân hạnh được diện kiến các ngài đều ghi phản ứng đầu tiên của họ là cúi mọp hay sụp lạy vì nét cao quí, sự thánh thiện lộ ra khiến các ngài trông tựa như thần thánh. Tuy nhiên lời các ngài mô tả về mình luôn luôn phủ nhận điều ấy như đoạn trong thư ở trên. Lòng sùng tín có thể khiến người ta thần thánh hóa các ngài, nhưng ấy là điều sai lầm cần tránh.
Thư viết:
– ... Tình Huynh Đệ Đại Đồng là điều phải có cho việc học hỏi huyền thuật.
Điều này được nhắc nhiều lần mà làm như không được hai ông Hume và Sinnett lưu tâm.
Tại sao ? Chỉ vì lòng nhân ái mà các nhà tư tưởng tây phương của bạn hằng khoe khoang lại không có tính phổ quát, có nghĩa không hề có nguyên lý  đạo đức chung làm căn bản vững chắc, không là gì hơn ngoài nói chuyện lý thuyết; và trong giới giảng đạo Tin Lành thì nó chỉ là sự thể hiện ngẫu nhiên mà không phải là LUẬT được công nhận ... lòng nhân ái như vậy ... có thiên vị và ái tính ích kỷ của nó, và do đó không thể nào sưởi ấm được nhân loại với những tia tốt lành của nó. Tôi nghĩ đây là bí mật của sự thất bại tinh thần và lòng ích kỷ vô thức của thời đại ... và bạn, tuy là người có thiện tâm và khôn ngoan, nhưng không biết điều này và không thể hiểu được ý tưởng của chúng tôi về Hội như là Tình Huynh Đệ Đại Đồng và do đó đã quay mặt đi.
Ông Hume rất hãnh diện về khả năng trí tuệ của mình, cho rằng mình thuộc cấp cao - higher class - so với trí óc người Ấn. Nhận xét này được trả lời:
– ... Bạn tỏ ra không thành thạo về tâm trí người Ấn ... bạn đã lầm về người bản xứ. Trí người Ấn có đặc điểm là nhận thức mau lẹ, rõ ràng các chân lý siêu hình siêu việt nhất khó hiểu nhất. Một số người mù chữ nhất sẽ chỉ nhìn qua là bắt được ngay điều mà nhà siêu hình học tây phương giỏi nhất không nhận ra. Chắc chắn bạn trội hơn chúng tôi về mọi ngành hiểu biết mặt vật chất, nhưng về khoa học tinh thần thì chúng tôi sẽ luôn luôn là bậc thầy của bạn.
Thư cũng đề cập tới luật chu kỳ, HPB ghi rằng vào lúc thuận tiện thì cổ thư sẽ được lộ ra mang lại cho thời đại những hiểu biết đã có khi trước. Ta có thí dụ là kinh sách cổ của Thiên Chúa giáo được tìm thấy sau thế chiến II tại Ai Cập và Do Thái; và về sau còn những điều khác cũng sẽ tái hiện:
– ... Chúng tôi không lo ngại về việc hồi sinh của nghệ thuật cổ xưa và nền văn minh cao của chúng tôi, vì chắc chắn những điều này sẽ trở lại vào thời điểm của nó và với hình thức mới cao hơn ... Chúng tôi có lòng tin vào chu kỳ hằng tái diễn, và hy vọng thúc đẩy việc hồi sinh của điều gì đã qua và mất dạng ... 'Nền văn minh mới' sẽ chỉ là con cháu của nền văn minh đã qua, và chúng tôi chỉ để cho luật vĩnh cửu đi theo đường của nó ...
(còn tiếp)